Tăng thuế giá trị gia tăng

Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều tại năm Luật thuế của Bộ Tài chính vừa công bố, ngay lập tức gây sự chú ý từ cộng đồng xã hội. Trong đó, đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ giới chuyên môn, doanh nghiệp và người dân… trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong đó, những công bố đánh giá từ phía cơ quan điều hành chính sách chỉ ra “tác động của việc tăng VAT tác động tới người nghèo không nhiều”, thêm vào đó công bố khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy “mức thuế suất VAT thấp thực sự mang lại lợi ích cho người giàu hơn người nghèo.” Điều này ngay lập tức nhận được “bão” phản biện từ các nhà khoa học trong nước.

Có phải tác động của việc tăng VAT tác động tới người nghèo không nhiều? (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Có phải tác động của việc tăng VAT tác động tới người nghèo không nhiều? (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

“Chơi chữ”

Thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu, sắc thuế này đánh vào giá hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng cuối cùng là đối tượng chịu thuế. Dó đó, việc điều chỉnh tăng thuế suất đối với VAT sẽ tác động đến tất cả các công dân đang sinh sống, làm việc và học tập trên lãnh thổ của quốc gia.

Điểm đáng chú ý, đề xuất sửa đổi Luật thuế giá trị gia tăng lần này có độ phủ rộng và mức tăng không phải là nhỏ, với dự kiến chuyển thuế của một loạt các hàng hóa, dịch vụ có suất 5% lên 10% và đồng loạt tăng mức VAT thông thường từ 10% lên 12%.

Mặc dù tác động lớn và rộng như vậy nhưng những lập luận biện chứng lại dừng lại ở các “câu chữ” thiếu cụ thể, thiếu khoa học và không thuyết phục, như “tác động đến người nghèo không lớn,” hay “VAT thấp mang lại lợi ích cho người giàu.”

Với cách biện luận như trên, tiến sỹ – chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu thẳng thắn cho rằng đề xuất tăng VAT từ 10% lên 12% là chưa thuyết phục. Theo ông, thu nhập bình quân đầu người là khoảng 2.200 USD/năm, song trong xã hội vẫn có bộ phận dân chúng thu nhập thu nhập trung bình chỉ đạt từ 500 USD -1.000 USD/năm và mức tăng 2% đối với VAT thông thường sẽ là rất lớn đối với họ.

Việc điều chỉnh tăng thuế suất đối với VAT sẽ tác động đến tất cả các công dân đang sinh sống, làm việc và học tập trên lãnh thổ của quốc gia.

Hơn thế nữa, tiến sỹ Nguyễn Thanh Bình (Học viện Chính sách và Phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chỉ ra, với cách lý giải từ phía các nhà quản lý sẽ khiến người ta hiểu rằng Dự thảo tăng VAT lần này có vẻ “đánh” vào người giàu hơn người nghèo.

“Song thật sự lý giải như vậy lại càng sai lầm. Mỗi sắc thuế thể hiện đối tượng tác động và mục tiêu khác nhau và rất rõ ràng. Khi Nhà nước muốn điều tiết thu nhập giữa giàu, nghèo phải sử dụng sắc thuế thu nhập cá nhân chứ không phải tăng thuế giá trị gia tăng. Bởi, VAT có khiếm khuyết là khi tính trên các loại hàng hóa nhu yếu phẩm thì cơ bản người nghèo sẽ trả thuế nhiều hơn so với người giàu.”

Đồng tình với quan điểm trên, tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách nhấn mạnh, “vấn đề bất bình đẳng sẽ xảy ra, người thu nhập thấp vẫn phải chịu gánh nặng hơn người giàu. Với người nghèo, thuế chiếm phần lớn thu nhập của họ trong khi khoản chi chỉ là phần nhỏ với người giàu. Người nộp thuế không ai thích tăng nên muốn đề xuất tăng trên diện rộng như thế này, Bộ Tài chính cần phải có lập luận vững chắc và thuyết phục.”

Dễ nhất là… tăng VAT?

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Mùi, tăng thuế là một trong những giải pháp nhằm giảm thâm hụt ngân sách.

Song bà Mùi cũng chỉ ra, ghi nhận kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trên thế giới, giải pháp tăng VAT là tác động đến lợi ích của các tầng lớp dân cư khác nhau nên sẽ không dễ dàng nhận được sự đồng thuận trong xã hội.

Về lý thuyết cơ bản, thuế gián thu dễ thu hơn thuế trực thu, do tránh được mối quan hệ trực tiếp giữa cơ quan thu thuế và đối tượng chịu thuế. Nhờ vậy, VAT dễ điều chỉnh tăng hơn so với các sắc thuế khác, bởi hầu hết người người tiêu dùng cho dù phải chịu thuế song họ lại ít có cảm nhận đầy đủ gánh nặng đó.

Kể từ thời điểm (ngày 18/8) Bộ Tài chính công bố Dự án Luật sửa đổi đến nay đã được một tháng, những tin tức, bài viết đề cập đến các nội dung trong Dự thảo được phủ dày trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng trên thực tế lại còn không ít người dân vẫn khá “mù mờ” với tin tức này và thậm chí có thái độ “thờ ơ”.

VAT dễ điều chỉnh tăng hơn so với các sắc thuế khác, bởi hầu hết người người tiêu dùng cho dù phải chịu thuế song họ lại ít có cảm nhận đầy đủ gánh nặng đó.

Chị Đào Kiều Anh, 30 tuổi, trình độ đại học và hiện đang giữ vị trí phó trưởng phòng tại một đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, vui vẻ nói “đóng thuế tốt mà, mình mua cái gì tại các trung tâm thương mại đều đóng thuế hết.”

Song khi các phóng viên của VietnamPlus xin phép chị cho ý kiến về đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng, chị Kiều Anh ngạc nhiên hỏi lại: “Tăng thuế à, tăng như thế nào? Tăng thuế thì chắc chắn có ảnh hưởng rồi, nhưng mình có mua sắm gì mấy đâu.”

Chị Kiều Anh sau khi liệt kê, ngoài các chi phí điện, nước, điện thoại, internet, cáp truyền hình và thỉnh thoảng mua hàng trong siêu thị là có hóa đơn, còn lại các nhu cầu khác như mua thực phẩm từ chợ, quần áo, giày dép, sách vở, học hành, thuốc men, khám chữa bệnh… đều không có hóa đơn, nên chị không quan tâm nhiều về VAT.

Vô tư hơn, chị Nguyễn Minh Tâm, trình độ đại học, công tác tại một đơn vị truyền thông lớn tại Hà Nội cho biết, chị hầu như không để ý đến thuế giá trị gia tăng trong các hoạt động chi tiêu của gia đình.

“Nhà nước quy định như thế nào thì đóng như thế. Tiền điện, nước… hóa đơn thông báo bao nhiêu thì trả bấy nhiêu. Mua bán bên ngoài không có hóa đơn thì càng tốt. Nhiều khi đi ăn uống, người ta hỏi có lấy hóa đơn không và nếu lấy thì phải trả thêm 10% thuế giá trị gia tăng, tự dưng mất thêm chi phí nên tôi không bao giờ lấy hóa đơn,” chị Tâm thật thà nói ra những suy nghĩ của mình.

Nhiều người vẫn hiểu lầm mua thực phẩm tại chợ truyền thống là không tham gia đóng VAT vào cho ngân sách. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nhiều người vẫn hiểu lầm mua thực phẩm tại chợ truyền thống là không tham gia đóng VAT vào cho ngân sách. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Vẫn câu hỏi “anh có ý kiến gì về việc tăng thuế giá trị gia tăng,” anh Nguyễn Văn Hùng, 40 tuổi, nông dân trồng rau tại Hoài Đức, Hà Nội ngượng ngập cười và nói, “mình có tiền đâu mà đóng thuế.”

Lúng túng, anh Hùng cho rằng mình là người nghèo, mọi hoạt động mua bán chi tiêu đời sống hàng ngày chỉ quanh mấy cửa hàng tư nhân, chợ truyền thống thì không liên quan gì đến thuế giá trị gia tăng.

Trong cuộc sống, khái niệm “đóng VAT” của người dân còn khá “nhạt nhòa.” Những người có thu nhập thấp như công nhân, nông dân, lao động tự do, thời vụ… hay những người nghèo khổ, cuộc sống bươn trải, vất vả, khó khăn với các mức chi tiêu ít ỏi, thì chẳng có gì phải ngạc nhiên về việc bản thân họ không đề cao và thậm chí quên mất những phần đóng góp thuế giá trị gia tăng của mình vào ngân sách quốc gia.

Về vấn đề này, tiến sỹ Nguyễn Thanh Bình khẳng định, “người dân thường không để ý và thậm chí không biết về việc mình đang nộp VAT là chuyện bình thường và điều này cũng thường xuyên xảy ra ở các quốc gia khác.”

“Ở Việt Nam, vai trò đóng góp ý kiến vào các chính sách của người dân là rất thấp. Vì vậy, các nhà khoa học có hiểu biết sâu, rộng sẽ là những đại diện có uy tín lên tiếng phản biện. Bên cạnh đó, một chính sách có ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, đại biểu quốc hội sẽ có trách nhiệm với tiếng nói của các cử tri,” ông Bình nói.

Nguy cơ kinh tế ngầm

Điều đáng quan ngại nhất được các chuyên gia phân tích tại Công ty chứng khoán Rồng Việt chỉ ra, đó là việc tăng VAT sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu chi tiêu của các hộ gia đình và sự phân phối thu nhập, khiến hoạt động kinh tế ngầm gia tăng, kéo theo là tình trạng thất thu thuế.

Chị Nguyễn Kim Anh, 35 tuổi, Long Biên, Hà Nội cho biết, mấy tuần trước, một thương hiệu thời trang lớn (có chuỗi cửa hàng trên toàn quốc) thông báo giảm giá bán đồng loạt trên tất cả các mặt hàng. Chị Kim Anh đã đến cửa hàng của họ trên phố Nguyễn Văn Cừ và mua mấy bộ quần áo. Nhưng khi chị yêu cầu nhân viên bán hàng cung cấp hóa đơn tài chính thì được trả lời hàng giảm giá không được đổi, trả và xuất hóa đơn VAT.

Việc từ chối cấp hóa đơn tài chính cho khách hàng tại các cửa hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ bán lẻ hiện rất phổ biến. Trong nhiều trường hợp, các nhân, tổ chức kinh doanh đồng ý cấp hóa đơn tài chính cho khách hàng song lại đòi thêm 10% VAT.

Việc tăng VAT sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu chi tiêu của các hộ gia đình và sự phân phối thu nhập, khiến hoạt động kinh tế ngầm gia tăng, kéo theo là tình trạng thất thu thuế.

Chị Nguyễn Minh Tâm có chia sẻ, hiện giá cả hàng hóa nhập khẩu tiểu ngạch (hàng xách tay) từ các nước phát triển so với hàng hóa sản xuất trong nước không chênh nhiều, thậm chí là còn rẻ hơn, trong khi đó chất lượng được đảm bảo và thương hiệu nổi tiếng toàn cầu. Vì vậy, những người trong văn phòng làm việc của chị thường xuyên mua quần áo, giày dép, đồng hồ, hóa mỹ phẩm, đồ da dụng… xách tay từ Nhật Bản, Anh, Mỹ về Việt Nam.

Chị Tâm khoe vừa mua được một số hàng hóa giảm giá từ nước ngoài rất ưng ý, một cái váy Mango chính hãng có giá hơn 200.000 đồng/chiếc, ba chiếc kính bơi Adidas giá 270 đồng/chiếc, hai cái áo sơmi dài tay nam Pierre Cardin giá 320.000 đồng/chiếc.

Chị cho biết thêm, mỗi tháng văn phòng của chị (hơn 10 người) thường chi tiêu khoảng trên, dưới 10 triệu đồng cho các loại hàng hóa xách tay này, dĩ nhiên là chúng chẳng bao giờ có hóa đơn VAT và thay vào đó là những biên lai thu tiền viết tay.

Tại các trung tâm thành phố, người tiêu dùng đang hình thành thói quên đi chợ trong các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích. Ở đây, tất cả các loại hàng hóa bán ra đều nộp thuế giá trị gia tăng đầy đủ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tại các trung tâm thành phố, người tiêu dùng đang hình thành thói quên đi chợ trong các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích. Ở đây, tất cả các loại hàng hóa bán ra đều nộp thuế giá trị gia tăng đầy đủ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các chuyên gia tại Chứng khoán Rồng Việt đưa ra phân tích, “theo Báo cáo từ Euromonitor, mặc dù Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế khá song dự báo phần lớn người tiêu dùng Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thu nhập thấp đến năm 2030. Do vậy, việc tăng thuế giá trị gia tăng có thể khiến chi tiêu tiêu dùng yếu đi. Những ảnh hưởng tiêu cực của VAT đối với tổng cầu và sự phân phối thu nhập có thể bị giảm đi một phần. Thêm vào đó, dựa trên các quan sát thực tế, việc tăng VAT sẽ khiến quy mô của nền kinh tế phi chính thức ở Việt Nam cao lên, điều này sẽ khiến tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng.”

Nghiên cứu kinh tế các thời kỳ cũng chỉ các yếu tố tác động đến quy mô kinh tế ngầm. Nhà kinh tế Hirschman (năm 1970) cho rằng, người dân, doanh nghiệp… tìm đến khu vực ngầm được xem như cách phản ứng đối với những gánh nặng về thuế, đóng góp an sinh xã hội đi cùng thể chế yếu kém. Thay vì lên tiếng đòi hỏi các thay đổi trong chính sách thì họ lại lựa chọn cách thoát ra khỏi nền kinh tế chính thức.

‘Việc tăng VAT sẽ khiến quy mô của nền kinh tế phi chính thức ở Việt Nam cao lên, điều này sẽ khiến tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng.’

Nghiên cứu của Schneider & Enster (năm 2000) chỉ ra, vòng tròn luẩn quẩn, sự gia tăng kinh tế ngầm dẫn đến giảm thu ngân sách, song để bù đắp thiếu hụt ngân Nhà nước phải tăng thuế suất trong khu vực kinh tế chính thức và điều này lại khuyến khích các thành phần kinh tế việc tham gia mạnh mẽ hơn vào nền kinh tế ngầm.

Một chuyên gia kinh tế phân tích, các nguồn thu ngân sách đang gặp trục trặc do tiến trình hội nhập. Bên cạnh đó, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân không thu được nhiều vì khu vực phi chính thức phình rộng. Tại đó, các bà bán mẹt, hàng rong rất đông đảo, nhưng còn có một tầng lớp trên cùng cần phải nhắc tới, đó là những người có nguồn thu khổng lồ không minh bạch.

“Quay lại, chính sách thuế chỉ có thể nhắm vào nhóm người lao động thuộc khu vực chính thức. Tăng VAT lên 12%, bản chất là gì? Vấn đề của Việt Nam là nguồn thu ngân sách thì hẹp, chi lại quá nhiều, nguyên nhân do hiệu quả quản lý Nhà nước thấp, chưa kiểm soát được tình trạng tham nhũng, các dịch vụ công Nhà nước cải thiện chậm. Vậy theo tôi, Chính phủ cần thận trọng cân nhắc giữa việc bù vào nguồn thu (như tăng VAT) hay giải quyết hiệu quả hơn các nguồn thu có sẵn,” vị này kiến nghị.

Bài toán thâm hụt

Giải bài toán thâm hụt ngân sách, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa chỉ ra thâm hụt không phải bắt nguồn từ việc huy động thấp. Bởi theo ông, tỷ lệ huy động ngân sách trong GDP của Việt Nam là 22% – 23% và cao hơn tất cả các nước khu vực Đông Nam Á với mức khoảng 16% – 17%.

Quan điểm của hầu hết các chuyên gia kinh tế cho rằng, thâm hụt ngân sách hoàn toàn bắt nguồn từ chi tiêu quá lớn, đặc biệt là chi thường xuyên.

Theo Báo tình hình Kinh tế – Xã hội từ Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/8, ước đạt 706.900 tỷ đồng, tổng chi đạt 747.300 tỷ đồng, trong đó chi thường xuyên là 548.000 tỷ đồng, bằng 61,1%.

Báo cáo Kinh tế Việt Nam quý 2 của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách chỉ ra, tốc độ chi thường xuyên của Việt Nam đang có xu hướng gia tăng về mặt danh nghĩa (năm 2015: 7,3%; năm 2016: 5,2%; năm 2017: 9,8%). Việc chi thường xuyên tăng với tốc độ cao so với các năm trước sẽ dẫn tới sự gia tăng không ngừng của chi ngân sách cho trả nợ cả gốc và lãi.

“Giải pháp căn cơ nhất vẫn là Chính phủ cần thực hiện quyết liệt các biện pháp thắt chặt chi thường xuyên như chính sách tinh giảm biên chế, thoái vốn khỏi doanh nghiệp Nhà nước đồng thời nâng cao hiệu quả chi phí quản trị Nhà nước,” ông Thành nói.

Đa phần các chuyên gia đồng thuận với quan điểm, mặc dù về lý thuyết tăng VAT có thể giúp tăng thu cho ngân ngân sách song quan trọng vẫn là sử dụng ngân sách hiệu quả. Những người làm chính sách cũng cần phải tính đến trường hợp, tăng thuế sẽ không bù đắp được sụt giảm ngân sách, nếu người dùng cắt giảm chi tiêu và doanh nghiệp giảm lợi nhuận.

“Đánh thuế cao không phải là giải pháp lâu dài. Một nền kinh tế có mức VAT 10% với các hoạt động kinh doanh minh bạch, môi trường bình đẳng, trốn thuế giảm thiểu, sẽ hiệu quả hơn nhiều so với nền VAT 12% mà các hoạt động phi chính thức gia tăng, các thành phần kinh tế trong xã hội luôn tìm mọi cách lách thuế, trốn thuế,” tiến sỹ Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh./.

'Người dân, doanh nghiệp… tìm đến khu vực kinh tế ngầm được xem như cách phản ứng đối với những gánh nặng về thuế, đóng góp an sinh xã hội đi cùng thể chế yếu kém.
‘Người dân, doanh nghiệp… tìm đến khu vực kinh tế ngầm được xem như cách phản ứng đối với những gánh nặng về thuế, đóng góp an sinh xã hội đi cùng thể chế yếu kém.” (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)