Thông tấn xã Việt Nam

Ngày 15/9/1945, bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được phát đi toàn thế giới bằng ba thứ tiếng Việt, Pháp, Anh – đánh dấu sự ra đời của Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX), tên do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt, hãng thông tấn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Thời khắc thiêng liêng ấy được in đậm trong lịch sử thông tin nước nhà và 15/9 trở thành Ngày truyền thống của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN).

Ngày 15/9/1945 đánh dấu sự ra đời của Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX), tên do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt, hãng thông tấn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam

Năm 1946, Việt Nam Thông tấn xã có đại diện tại Bangkok (Thái Lan), đánh dấu cơ quan đại diện đầu tiên ở nước ngoài. Năm 1952, VNTTX chính thức thành lập cơ quan thường trú đầu tiên tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Năm 1950, VNTTX bước đầu hình thành cơ cấu tổ chức một cơ quan thông tấn, gồm tin trong nước, đối ngoại, thế giới, tham khảo và bộ phận kỹ thuật, in ấn, hành chính.

Ngày 7/5/1954, phóng viên VNTTX tường thuật trực tiếp từ chiến trường về chiến thắng Điện Biên Phủ, chấm dứt chiến tranh tại Đông Dương. Bức ảnh các chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam phất cờ trên nóc hầm De Castries được TTXVN phát đi toàn thế giới đã trở t hành minh họa sống động cho sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân trên toàn cầu.

Ngày 15/10/1954, tờ Hình ảnh Việt Nam ra đời
Ngày 15/10/1954, tờ Hình ảnh Việt Nam ra đời

Ngày 15/10/1954, tờ Hình ảnh Việt Nam ra đời. Đây là tờ báo thông tin đối ngoại chính thức bằng hình ảnh, ngày nay là Báo Ảnh Việt Nam, xuất bản bằng 4 thứ tiếng (bản in), riêng bản điện tử có 10 ngôn ngữ.

Năm 1955, nhân dịp Tết Ất Mùi, Bác Hồ chúc VNTTX “Phát tin nhanh, kịp thời, tin tốt, tin nhiều và bảo đảm sự thật.” Từ 1955, VNTTX trở thành cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Ngày 12/10/1960, trước yêu cầu của cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) được thành lập tại Chiến khu Đ (Đông Nam Bộ), trở thành cơ quan phát ngôn chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, phản ánh khí thế đấu tranh cách mạng ngày càng lớn mạnh.

Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) được thành lập tại Chiến khu Đ (Đông Nam Bộ)
Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) được thành lập tại Chiến khu Đ (Đông Nam Bộ)

Đổi lấy những bức ảnh, dòng tin từ chiến trường và vùng địch hậu, nhiều phân xã đã bị bom Mỹ chà đi xát lại nhiều lần. Phân xã Nam Tây Nguyên có 5 người, trúng bom tọa độ khiến cả 5 người hy sinh. Thế nhưng hễ Thông tấn xã còn người thì vẫn còn tin tức. Một năm sau, hô hiệu KPX của phân xã Nam Tây Nguyên lại tiếp tục lên sóng, truyền tin về căn cứ. Chính họ, những nhà báo chiến sỹ, đã viết những trang sử vẻ vang, hào hùng cho đất nước, cho TTXVN.

Giai đoạn 1965-1967, thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, đẩy mạnh mặt trận tuyên truyền, VNTTX mở rộng mạng lưới phân xã ở nước ngoài, gồm Alger (Algeria, 1965), La Habana (Cuba, 1966, TTXGP cũng đặt phóng viên thường trú cạnh Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam tại đây), Cairo (Ai Cập, 1967, có giai đoạn được chuyển sang Damascus, Syria), Moskva (Liên Xô, 1967).

Năm 1972, Ban Tuyên huấn giao VNTTX chuẩn bị nguồn lực cho TTXGP, đảm bảo chi viện kịp thời về người và trang thiết bị cho TTXGP phát tin đối nội và đối ngoại.

Để có được những bức ảnh, dòng tin sống mãi với thời gian, hơn 260 chiến sỹ, nhà báo của VNTTX và TTXGP đã ngã xuống trên khắp các chiến trường
Để có được những bức ảnh, dòng tin sống mãi với thời gian, hơn 260 chiến sỹ, nhà báo của VNTTX và TTXGP đã ngã xuống trên khắp các chiến trường

Ngày 30/4/1975, phóng viên VNTTX và TTXGP đưa tin, ảnh về giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Có thể nói không một chiến trường, không một hướng tiến quân, không một địa bàn chiến đấu nào vắng mặt phóng viên TTXVN. Mỗi bức ảnh, mỗi dòng tin gửi về từ chiến trường khốc liệt đã trở thành những bằng chứng lịch sử, những minh họa sống động cho khát vọng độc lập và ý trí kiên cường bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Ngày 12/5/1977, VNTTX và TTXGP hợp nhất thành Thông tấn xã Việt Nam, trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Để có được những bức ảnh, dòng tin sống mãi với thời gian, hơn 260 chiến sỹ, nhà báo của VNTTX và TTXGP đã ngã xuống trên khắp các chiến trường, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc. Đây là tổn thất nặng nề, song cũng là niềm tự hào lớn lao, và là sự đóng góp vô giá cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc.

Đáp ứng nhu cầu tuyên truyền và thông tin cho công cuộc xây dựng đất nước, đầu thập niên 1980, TTXVN liên tục ra mắt các ấn phẩm. Cụ thể, năm 1982, Thông tấn xã Việt Nam phát hành bản Tin nhanh Espana 82, tiền thân của báo Văn hóa & Thể thao, nay là báo Thể thao & Văn hóa. Đây là một trong những tờ báo chuyên về lĩnh vực thể thao và văn hóa đầu tiên của Việt Nam.

Năm 1982, Thông tấn xã Việt Nam phát hành bản Tin nhanh Espana 82
Năm 1982, Thông tấn xã Việt Nam phát hành bản Tin nhanh Espana 82

Năm 1983, Tuần tin tức, tờ báo chính luận của Thông tấn xã Việt Nam, nay là báo Tin tức, được phát hành hàng ngày. Tuần tin tức có vai trò tiên phong trong nhiệm vụ báo chí tham gia đấu tranh chống tiêu cực, tấn công trực diện vào những bất cập trong cơ chế quan liêu bao cấp.

Cũng trong năm này, bản tin Khoa học Công nghệ và Kinh tế thế giới được phát hành số đầu tiên, nay là báo Khoa học & Công nghệ. Tờ báo đã cập nhật những tiến bộ về khoa học và công nghệ, tri thức của nhân loại cho độc giả trong nước, đáp ứng công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Bước sang thập niên 1990, phục vụ công cuộc đổi mới và mở cửa nền kinh tế, TTXVN xuất bản một loạt tờ báo tiếng nước ngoài. VietnamNews là nhật báo tiếng Anh đầu tiên được TTXVN xuất bản. Tờ báo ra đời vào năm 1991. Năm 1994, thêm hai tờ báo tiếng nước ngoài được ra đời là Vietnam Law& Legal Forum và Le Courrier du Vietnam (tiếng Pháp).

Ngày 19/8/1998, TTXVN khai trương mạng VNANET, trở thành một trong những cơ quan báo chí đầu tiên tại Việt Nam hoạt động trên mạng Internet.

  • ttxvnthong-1505877841-89.jpg
  • ttxvnthong-1505877846-35.jpg
  • ttxvnthong-1505878063-42.jpg
  • ttxvnthong-1505878081-44.jpg
  • ttxvnkhait-1505878103-13.jpg
  • ttxvnthamv-1505878125-30.jpg
  • ttxvnthong-1505878145-68.jpg
  • ttxvnthong-1505878169-54.jpg
  • ttxvnthong-1505878186-61.jpg
  • ttxvnthong-1505878210-76.jpg
  • ttxvnthong-1505878233-36.jpg

Bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số, TTXVN không ngừng phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực trình độ và nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, phóng viên, đáp ứng với mô hình tổ hợp truyền thông đa phương tiện.

Ghi nhận những thành quả vượt bậc của TTXVN, ngày 21/6/2001, Chủ tịch nước đã ký quyết định tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho TTXVN vì có thành tich xuất sắc trong thời kỳ Đổi Mới 1989-1999.

Năm 2002, TTXVN ra mắt trang thông tin điện tử vnagency.com.vn của Ban Biên tập Tin Đối ngoại bằng 4 ngữ, là tiền thân của báo điện tử VietnamPlus.

Năm 2003, bản tin Dân tộc Miền núi được in bằng 3 thứ tiếng Êđê, Jrai và Bana, được đồng bào dân tộc Tây Nguyên hết sức hoan nghênh. TTXVN xuất bản tạp chí Chân trời UNESCO, hợp nhất tạp chí Người đưa tin UNESCO và Phụ san Một cửa sổ nhìn ra thế giới.

VietnamNews là nhật báo tiếng Anh đầu tiên được TTXVN xuất bản
VietnamNews là nhật báo tiếng Anh đầu tiên được TTXVN xuất bản

Với 63 cơ quan thường trú ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, TTXVN phản ánh một cách toàn diện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, đang trên đà hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Với 30 cơ quan thường trú nước ngoài, TTXVN đảm bảo tiếp cận nhanh nhất các nguồn tin chính thống, các cơ quan có thẩm quyền, các học giả nước ngoài về những vấn đề liên quan đến Việt Nam, tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh trên mặt trận thông tin nhằm phản bác những luận điệu sai trái, thù địch, khẳng định quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết những tranh chấp liên quan đến chủ quyền quốc gia, kịp thời phản ánh các sự kiện chính trị xã hội của khu vực và thế giới.

Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với những đóng góp mà thế hệ cán bộ, phóng viên, công nhân viên TTXVN làm nên cho nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Ngày 17/4/2005, TTXVN long trọng đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với những đóng góp mà thế hệ cán bộ, phóng viên, công nhân viên TTXVN làm nên cho nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Ngày 13/11/2008, TTXVN khai trương trang VietnamPlus, báo điện tử chính thức của TTXVN với 5 ngữ, gồm Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc. Cho đến nay, VietnamPlus vẫn giữ vững vị trí là trang báo điện tử chính trị, xã hội hàng đầu của Việt Nam.

Ngày 25/8/2010,Truyền hình Thông tấn Vnews lên sóng, kênh truyền hình thời sự chính luận chuyên biệt đầu tiên của cả nước. Vnews được định vị là một kênh truyền hình chuyên biệt về tin tức chính luận, mang dấu ấn đặc trưng của cơ quan thông tấn nhà nước. Sau thời gian hoạt động, Vnews đã khẳng định vị thế là kênh truyền hình thiết yếu của quốc gia.

Ngày 2/12/2012, TTXVN khánh thành Tòa nhà Trung tâm Thông tấn Quốc gia tại số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Năm 2015, Thông tấn xã Việt Nam Kỷ niệm 70 năm thành lập, đồng thời ra mắt các sản phẩm, loại hình thông tin mới (đồ họa, phát thanh).  

TTXVN đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất trong lễ kỷ niệm 70 năm thành lập
TTXVN đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất trong lễ kỷ niệm 70 năm thành lập
  • Sản phẩm báo chí đặc biệt do Trung tâm Kỹ thuật và Báo điện tử VietnamPlus thực hiện với sự giúp đỡ của Trung tâm đào tạo và Bồi dưỡng Thông tấn, Ban biên tập Ảnh, Truyền hình Thông tấn, Ban biên tập Tin Đối ngoại cùng các đơn vị trong ngành.