Tùng Dương

Chỉ 2 ngày sau buổi họp báo giới thiệu liveshow “Trời và Đất,” Tùng Dương trở thành từ khóa được tìm kiếm rất nhiều. Tuy nhiên, không phải người ta tìm kiếm về liveshow anh ấp ủ mà vì những phát ngôn của anh về nhạc Bolero.

Cú “gây hấn” của kẻ dị biệt

Lời nhận xét đầy “gây hấn” của Tùng Dương về sự bùng nổ nhạc Bolero tạo nên cuộc tranh cãi nóng nhất làng nhạc Việt năm nay. Điều đáng nói hơn, đây là cuộc tranh cãi về một vấn đề chuyên môn thay vì những thứ ngoài lề, đời tư hay giới tính… vốn là chủ đề quen thuộc của làng giải trí.

Phe phản ứng thì cho rằng Dương quá hồ đồ, thậm chí họ “thuyết âm mưu” nam ca sỹ đang cần “động thái” để bán vé liveshow. Phe đồng tình lại thể hiện sự ủng hộ với quan điểm âm nhạc cần cái mới, cần sự sáng tạo thay vì đổ xô theo cái gì đó vốn đã ra đời cả vài chục năm trước.

Cuộc tranh cãi có vẻ cuối cùng chỉ nguội đi bởi những lớp sóng thông tin khác xô tới và đắp bồi câu chuyện sau vài ngày. Chứ thực tế, hẳn đề tài này khó bao giờ đi đến được hồi kết!

Ai đó và ở một thời điểm nào đó đã phong cho Tùng Dương danh hiệu divo. Với riêng người viết, danh hiệu đó dường như lại là một rào cản với Dương

Dường như, đây là lần đầu tiên cái tên Tùng Dương gắn với một sự việc “mang tầm” scandal. Bởi vốn ai cũng biết nam ca sỹ sinh năm 1983 là người rất cẩn trọng.

Anh cẩn trọng trong từng câu chữ phát ngôn, cẩn trọng trong mỗi bước đi nghệ thuật, thậm chí nếu từng ngồi phỏng vấn Dương, bạn sẽ nhận ra anh luôn chọn tư thế ngồi rất nghiêm ngắn dù trước mặt có thể là một nhà báo anh quen biết.

Thế mới thấy, cẩn trọng thế cũng có lúc bị “vạ miệng” và buộc phải trở thành tâm điểm “nhận gạch đá” trong vài ngày trời?

Nhưng giữa “tâm bão,” Dương đã chọn cách im lặng.

Và sau vài lần băn khoăn, người viết cũng chọn cách không hỏi anh lý do của cú “gây hấn” này. Vì thực ra, vấn đề Dương đặt ra, chỉ có thể trả lời bằng thời gian và chính nhịp sống của thị trường ca nhạc.

(Ảnh: Tang Tang)
(Ảnh: Tang Tang)

Một thập kỷ đa sắc và sống động

Tính từ thời điểm 2004, đã hơn một thập kỷ cái tên Tùng Dương lần đầu tiên được biết đến từ cuộc thi “Sao mai Điểm hẹn.” Có thể nói rằng đây là một thập kỷ đầy sôi động của thị trường âm nhạc với những tiến triển đến mức choáng ngợp, nếu nhìn ở bề nổi.

Nhạc Việt có một lứa ca sỹ mới và tài năng, bước ra từ 2 mùa Sao Mai Điểm hẹn 2004 và 2006 như Ngọc Khuê, Phạm Anh Khoa, Hà Anh Tuấn, Phương Linh…

Rồi đến sự bùng nổ của các cuộc thi hát trên truyền hình cũng “thai nghén” cho thị trường những cái tên như Hương Tràm, Trúc Nhân, Đức Phúc…

Tùng Dương đã định vị được một vị trí không ai thay thế được. Đó là vị trí của một ca sỹ theo đuổi nghệ thuật bằng cả 2 yếu tố đại chúng và nghệ thuật một cách cực kỳ thăng bằng

Hình mẫu thị trường bắt đầu rõ nét hơn khi khái niệm nhà sản xuất âm nhạc (producer) bắt đầu xuất hiện song song với các nhạc sỹ. Các công ty, các ê-kíp sản xuất âm nhạc nhiều hơn và tạo nên những hiện tượng giải trí mà điển hình là Sơn Tùng M-TP.

Vpop cũng có vài giải thưởng lớn nhỏ hàng năm tôn vinh nghệ sỹ. Nhịp sống của thị trường nhạc Việt tiệm cận nhiều hơn với quốc tế khi mà nhạc số lên ngôi, khi mà qua các kênh như mạng xã hội, YouTube, nghệ sỹ Việt bắt đầu tiếp cận hay tạo được những dấu ấn mang tầm quốc tế nhất định.

Xa hơn một chút, công chúng trong nước đã quen hơn với những show diễn của nghệ sỹ nước ngoài ở Việt Nam, họ bắt đầu tiếp cận với những món ăn mới như festival âm nhạc, show diễn nhạc điện tử cả vạn khán giả…

Điểm lại bức tranh âm nhạc đa sắc để thấy Tùng Dương ở đâu? 

Tùng Dương biểu diễn Mang Thai tại lễ hội âm nhạc Gió mùa – Monsoon 2017

Kẻ đi thăng bằng trên dây

Năm 2013, Tùng Dương khiến cả làng nhạc Việt phải tán thưởng với album Độc đạo thực hiện cùng nhạc sỹ Nguyên Lê tại Pháp. Cho tới nay, đây vẫn là một tác phẩm âm nhạc đương đại xuất sắc của Việt Nam. Tất nhiên, một sản phẩm âm nhạc mang nặng tính nghệ thuật và thử nghiệm không thể giải quyết được bài toán thị trường.

Nhưng ngay sau đó một năm, Dương tạo dấu ấn với dự án Tùng Dương hát tình ca (2014). Tại thời điểm đó và cả sau này, nửa ý kiến vẫn cho rằng đó là bước chững lại của Tùng Dương nhưng phía khác lại ngấm ngầm ghi nhận đó là “chiến lược” mở rộng phân khúc khán giả và phong cách của nam ca sỹ. Để thấy, Tùng Dương luôn là cái tên ở giữa những tranh cãi của hai luồng yêu-ghét.

Nhưng với người viết bài, hai CD đặc biệt là những show diễn cháy vé ở cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định sức hút Tùng Dương mà nhìn trên phương diện khác còn là cú “gỡ vốn” ngoạn mục của anh.

Điểm khác biệt chỉ có ở Tùng Dương mà chưa ai làm và có thể làm được (theo nhận định của người viết) đó là độ phổ về thể loại và sân khấu. Trong cùng một thời điểm, các album Tùng Dương phát hành mang một dấu ấn khác, một thể loại khác, có thể nói là một dấn thân khác. Khác với chính anh. Và khác với thị trường chung.

Tùng Dương đã hát nhiều phong cách, ra đời nhiều sản phẩm dù có khi phong vị khác nhau, nhưng anh luôn tròn vai với những gì mình thể hiện. Điều đó không phải ca sỹ nào ở Việt Nam cũng làm được

Có thể lấy ví dụ như đĩa nhạc mang tên “Những ô màu khối lập phương” mà Tùng Dương bắt tay nhạc sỹ Đỗ Bảo ra mắt năm 2007- một thử nghiệm New age tuyệt đẹp (nhạc không gian, ít lời, gợi cảm hứng tinh thần kết hợp nhạc điện tử với việc biểu diễn khí nhạc). Đến ấn tượng mà “Liti” mang lại với công chúng năm 2010 khi Tùng Dương kết hợp nhạc điện tử và chất liệu giao hưởng – những thứ mà tại thị trường nội địa chưa ai nghĩ đến. Kế đến là “Độc Đạo” như đã nói ở trên.

Nhưng song song với những giá trị khác biệt, Dương vẫn đứng vững trên phần đất đại chúng. Hãy nhớ lại hiện tượng “Chiếc khăn Piêu” được hồi sinh và trở thành “ca khúc quốc dân” hồi năm 2012. Một ca khúc không mới, không “hiện đại” nhưng đã được Dương và các cộng sự của anh thổi vào một làn gió mới và phủ sóng khắp các kênh giải trí trong cả năm trời.

Và bây giờ, tới liveshow “Trời và Đất,” Dương thử sức với một chủ đề không hề đơn giản, tâm linh với những triết lý cổ truyền của người Việt. Dù đã được chia sẻ khá nhiều trong cuộc họp báo, khán giả vẫn tò mò đón đợi xem “Trời và Đất” sẽ như thế nào qua sáng tạo của Tùng Dương.

Dù luôn được cho là ca dị, luôn theo đuổi những thứ khác biệt, nhưng Dương vẫn luôn là giọng ca được tin tưởng trong mỗi buổi chiều 2/9 hàng năm trên sân khấu “Điều còn mãi” với những tác phẩm thính phòng.

Và cả một Tùng Dương không hề quay lưng với Bolero, khi mà giữa tâm bão người ta gửi nhau nghe một ca khúc của nhạc sỹ Trường Sa được anh hát rất mùi…

(Ảnh: Tang Tang)
(Ảnh: Tang Tang)

Hơn cả ca sỹ

Có thể nói rằng trong hơn một thập niên đầy sôi động của nhạc Việt, Tùng Dương đã định vị mình ở một vị trí không thể ai thay thế. Đó là vị trí của một ca sỹ theo đuổi nghệ thuật và duy trì bằng 2 yếu tố đại chúng và nghệ thuật một cách thăng bằng. Dẫu không ở trung tâm nhưng giữa bức tranh toàn cảnh Tùng Dương chính là “thể-đơn-bào.”

Tùng Dương đã hát nhiều phong cách, ra đời nhiều sản phẩm dù có khi phong vị khác nhau, nhưng anh luôn tròn vai với những gì mình thể hiện. Điều đó không phải ca sỹ nào ở Việt Nam cũng làm được.

Sự đóng góp của Tùng Dương với âm nhạc Việt không phải được đo đếm qua bộ sưu tập giải thưởng mà anh từng nhận mà nó được bộc lộ ở từng từng sản phẩm của Tùng Dương. Chỉn chu và nghiêm túc, giàu năng lượng sáng tạo và văn minh.

Tùng Dương hát ‘Chiếc khăn piêu’

Từ ngày đầu xuất hiện trước công chúng, Tùng Dương đã được gắn mác “quái” và “dị.” Nhưng theo thời gian, theo mỗi sản phẩm mà Dương đưa ra, người ta thấy anh không chỉ có vậy. Dương có cả sự bay bổng khi hát jazz, nồng nàn khi hát nhạc tình, mạnh mẽ với những chất liệu rock và sự truyền cảm tuyệt vời khi hát về tình mẫu tử. Nếu chỉ “quái” hay “dị” không thể làm được như vậy.

Hình dung của người viết, Tùng Dương như một nghệ sỹ xiếc tài ba đi trên sợi dây mong manh của ranh giới thị trường và nghệ thuật. Cũng phải thôi, ngay cả, diva Hà Trần cũng đã từng phải thốt lên trong một buổi họp báo: “Tùng Dương thông minh nhất làng nhạc bây giờ!”

Ai đó và ở một thời điểm nào đó đã phong cho Tùng Dương danh hiệu divo. Với riêng người viết, danh hiệu đó dường như lại là một rào cản với Dương. Có lẽ danh hiệu xứng đáng nhất với anh chỉ đơn giản là “Nghệ sỹ.”

Một giọng ca biến báo, một tinh thần sáng tạo nghệ thuật không ngừng nghỉ và một niềm tin thậm chí cực đoan ở con đường riêng của mình, ở sự đổi mới, thể nghiệm và khai phá. Tất cả, không đơn giản để bạn nói về một ca sỹ./.

(Ảnh: Tang Tang)
(Ảnh: Tang Tang)