Di sản của IS

mosul-1505011731-53.jpg

Sau 3 năm tiến hành bạo lực, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã phải đối mặt với một thất bại lớn mà điều đó có thể đồng nghĩa với việc sự kết thúc của nhóm này đang cận kề.

Vào ngày 10/7/2017, Thủ tướng Iraq Haider Al-Abadi, sau chiến dịch tấn công quân sự thành công kéo dài 9 tháng để “giải phóng” thành phố Mosul ở miền Bắc, đã tuyên bố “chiến thắng hoàn toàn” đối với IS ở nước này.

Ông Haider Al-Abadi được dẫn lời nói một cách dứt khoát: “Tôi xin tuyên bố rằng nhà nước khủng bố sai trái cũng như chủ nghĩa khủng bố mà Daesh công bố từ Mosul đã kết thúc, thất bại và sụp đổ.” Ông Al-Abadi đã sử dụng cụm từ Daesh trong tiếng Arab để đề cập đến IS.

Chính xác là gần 3 năm trước, vào ngày 29/6/2014, Abu Bakr Al-Baghdadi, quốc vương tự phong của IS, đã tuyên bố thành lập một vương quốc Hồi giáo xuyên biên giới, trải dài qua các dải đất rộng lớn ở Tây Bắc Iraq và miền Đông Syria.

Hiện nay, IS đã bị loại trừ gần như hoàn toàn tại một nửa lãnh thổ của vương quốc hồi giáo đó ở Iraq (chỉ có thành phố Telar Afar ở Tây Bắc Iraq, gần biên giới với Syria, là một ngoại lệ), trong khi nửa lãnh thổ còn lại nằm ở Syria, với căn cứ của IS đóng tại thành phố Raqqa, đang có khả năng sắp bị sụp đổ trước những cuộc tấn công quân sự mạnh mẽ do người Kurd lãnh đạo với sự hỗ trợ của Mỹ. Đó là một bước ngoặt lớn.

Vào ngày 10/7/2017, Thủ tướng Iraq Haider Al-Abadi đã tuyên bố “chiến thắng hoàn toàn” đối với IS ở nước này

Vào mùa Hè 2014, IS đã thực hiện một đợt tấn công chớp nhoáng và nhanh chóng, đánh bại các lực lượng phòng thủ của Iraq ở khắp khu vực Tây Bắc nước này, chiếm giữ khoảng 40% lãnh thổ của Iraq. Trước khi thực hiện đợt tấn công chớp nhoáng này, các tay súng IS cũng đã chiếm giữ tỉnh Raqqa của Syria vào tháng 1/2014, lợi dụng cuộc nội chiến đẫm máu do sự buông lỏng tình hình của các phong trào ủng hộ dân chủ.

Nhưng các cuộc chinh phạt lãnh thổ của IS không thể duy trì được lâu. Sau hàng loạt những thất bại quân sự trong năm 2015 và đầu năm 2016 trước lực lượng vũ trang Iraq và Syria, IS đã mất 65% lãnh thổ mà chúng chiếm giữ ở Iraq và mất 45% lãnh thổ chiếm giữ ở Syria.

Một khi Raqqa – không sớm thì muộn – rơi vào tay các lực lượng do người Kurd dẫn đầu, điều đó có thể có nghĩa là vương quốc Hồi giáo của IS sẽ bị hủy diệt hoàn toàn.

Các lực lượng ủng hộ Chính phủ Syria trong chiến dịch truy quét phiến quân IS ở thị trấn Salamiyah, cách tỉnh Hama 33km về phía đông nam ngày 19/8/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Các lực lượng ủng hộ Chính phủ Syria trong chiến dịch truy quét phiến quân IS ở thị trấn Salamiyah, cách tỉnh Hama 33km về phía đông nam ngày 19/8/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đã xảy ra điều gì không ổn với IS?

Al-Baghdadi, với số phận của y hiện vẫn còn là một ẩn số, đã tuyên bố rằng vương quốc của y sẽ hiện thực hóa một loạt mục tiêu “bất khả thi” – bao gồm khôi phục quyền lực Hồi giáo dưới một nhà cầm quyền duy nhất, loại bỏ ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây đối với các vùng đất Hồi giáo cũng như tuyên bố quyền lãnh đạo toàn cầu.

Al-Baghdadi còn kêu gọi tất cả những người Hồi giáo theo dòng Sunni từ châu Âu đến Đông Á đoàn kết dưới ngọn cờ mới của y. Đây cũng là những mục tiêu mà viên thủ lĩnh quá cố al-Qaeda, Osama bin Laden đã từng tự hào tuyên bố vào đầu những năm 1990.

Chúng cũng là những mục tiêu phi thực tế do các lựa chọn chính sách và năng lực của IS. Trong bài phát biểu chính thức đầu tiên của mình vào ngày 29/6/2014, Al-Baghdadi đã trình bày về một thế giới được chia thành hai phe đối lập nhau: Phe Hồi giáo và phe của sự hoài nghi và đạo đức giả.

Bóng ma của mối đe dọa mà IS tạo ra đã sớm buộc Iran, Saudi Arabia và Mỹ phải xích lại gần nhau và sử dụng biện pháp quân sự để ngăn chặn và kiềm chế IS

Y đã xếp những người Hồi giáo Sunni vốn ủng hộ thành lập vương quốc Hồi giáo vào phe Hồi giáo, trong khi phe của sự hoài nghi và đạo đức giả là dành cho những người Hồi giáo theo dòng Shiite, người Do Thái, Công giáo và hầu hết các bộ phận khác. Điều này đã khiến ý tưởng về một vương quốc Hồi giáo mới đụng độ với phần còn lại của thế giới.

Các tay súng IS, giống như những đối tác Hồi giáo Wahhabi của chúng ở Vùng Vịnh, cũng tuyên bố người Hồi giáo theo dòng Shiite không phải là các tín đồ theo đạo Hồi và coi các quốc vương, tiểu vương, tù trưởng ở Vùng Vịnh là những người đại diện của Mỹ, dấy lên hồi chuông báo động ở Iran và Saudi Arabia.

Bóng ma của mối đe dọa mà IS tạo ra đã sớm buộc Iran, Saudi Arabia và Mỹ phải xích lại gần nhau và sử dụng biện pháp quân sự để ngăn chặn và kiềm chế IS, bất chấp giữa họ vẫn tồn tại nhiều bất đồng.

Iraq giải phóng Tal Afar – cú giáng mạnh vào tàn quân IS.

Thiếu tín đồ ủng hộ

Sự gia tăng tội ác của các tay súng IS đối với cộng đồng Yazidi ở Syria, những người đang thực hành một tín ngưỡng không phải Hồi giáo, đã khiến Liên hợp quốc lên tiếng buộc tội IS vi phạm các tội ác diệt chủng.

Việc sử dụng bạo lực một cách vô nghĩa chống lại những người không theo đạo Hồi đã khiến hầu hết người Hồi giáo theo dòng Sunni xa lánh IS, vì vậy nhóm này không bao giờ có thể thu hút được sự ủng hộ một cách rộng rãi.

Chỉ chưa đầy 8% người Hồi giáo theo dòng Sunni ở 20 nước có đa số dân theo đạo Hồi hàng đầu ở khắp Trung Đông, Bắc Phi và Đông Nam Á là ủng hộ vương quốc Hồi giáo của IS.

Sau khi đánh mất các lãnh thổ ở Iraq và Syria, doanh thu của IS đã giảm một nửa xuống còn khoảng 870 triệu USD do số người và doanh nghiệp phải đóng thuế cho IS sụt giảm 

Vào đầu tháng 12/2015, trước sự tuyệt vọng của IS, hàng nghìn giáo sĩ Hồi giáo trên khắp thế giới đã tuyên bố IS là một tổ chức khủng bố và coi những người ủng hộ IS không phải là tín đồ Hồi giáo.

Việc IS thất bại về quân sự, đánh mất lãnh thổ và quyền kiểm soát các nguồn lực tiếp tục là những đòn mạnh giáng vào nhóm này.

Vào năm 2014, vương quốc Hồi giáo của IS có 8 triệu người Iraq và Syria sinh sống tại các lãnh thổ do chúng chiếm giữ, có tài sản trị giá gần 2 tỷ USD và doanh thu hàng năm là 1,9 tỷ USD.

Hai năm sau, sau khi đánh mất các lãnh thổ ở Iraq và Syria, doanh thu của IS đã giảm một nửa xuống còn khoảng 870 triệu USD do số người và doanh nghiệp phải đóng thuế cho IS bị sụt giảm. Việc kiểm soát của IS đối với các mỏ dầu – một nguồn lợi béo bở – cũng bị sụt giảm từ năm 2014 đến 2016.

Các lực lượng Iraq tiến về thành phố Tal Afar, thành trì cuối cùng của IS tại Iraq, ngày 21/8/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Các lực lượng Iraq tiến về thành phố Tal Afar, thành trì cuối cùng của IS tại Iraq, ngày 21/8/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Những thách thức và di sản của IS

IS có thể đang trên đường trở thành dĩ vãng, nhưng nhóm này chắc chắn sẽ để lại dấu ấn của nó. Cũng giống như sự xuất hiện của IS đã tạo nên một thách thức kép (về lãnh thổ cũng như hệ tư tưởng) cho Trung Đông và phương Tây, sự sụp đổ của nhóm này đang để lại đằng sau những di sản bạo lực giáo phái và giết chóc, sự hận thù giữa các sắc tộc và những cuộc cạnh tranh đối địch dường như không thể quản lý được với sự tham gia của các cường quốc khu vực và ngoài khu vực.

Dù đúng hay sai, nhiều nhà bình luận đã nhận thấy sự tuyên bố mà vương quốc Hồi giáo xuyên biên giới của IS đưa ra là một đòn có khả năng “gây chết người” cho những dàn xếp chính trị sau Chiến tranh thế giới thứ nhất ở khu vực này.

Các đường biên giới quốc gia ngày nay ở Trung Đông là kết quả của một thỏa thuận được đàm phán bí mật giữa Anh và Pháp từ tháng 5/1916, được gọi là Mật ước Sykes-Picot. Thỏa thuận này đã phân chia các lãnh thổ của đế chế Ottoman ở vùng Levant gồm Jordan, Iraq và Palestine giữa Anh và Pháp.

Một số quốc gia Arab đã được thành lập: Iraq, Jordan, Syria và Liban. Israel, ban đầu được thành lập như là “quê hương” của người Do Thái vào năm 1917, đã tự tuyên bố là một nhà nước vào năm 1948.

Vương quốc Hồi giáo của IS đã phần nào thách thức các đường biên giới quốc gia do Anh và Pháp áp đặt bằng cách hủy bỏ một cách có hệ thống đường biên giới Iraq-Syria, vẽ lại bản đồ khu vực này.

Vương quốc Hồi giáo của IS đã phần nào thách thức các đường biên giới quốc gia do Anh và Pháp áp đặt bằng cách hủy bỏ một cách có hệ thống đường biên giới Iraq-Syria, vẽ lại bản đồ khu vực này

IS cũng thể hiện quyết tâm xóa bỏ các di sản thuộc địa ở khu vực này bằng cách mở rộng ranh giới của vương quốc Hồi giáo. Nỗ lực nhằm viết lại lịch sử Trung Đông này có thể tiếp tục gây nên sự mất ổn định cho khu vực trong nhiều năm tới.

Về mặt tư tưởng, IS đã thách thức những tuyên bố của phương Tây về chủ nghĩa phổ quát, trong đó các giá trị của phương Tây về dân chủ, nhân quyền và tự do được quảng bá là những giá trị phổ quát áp dụng cho tất cả các xã hội, bất chấp sự khác biệt về văn hóa và chủng tộc.

Mặc dù bị nhiều người trong nội bộ phương Tây chỉ trích, nhưng chủ nghĩa trọng Âu vẫn đang tồn tại trong trái tim và tâm trí của nhiều người phương Tây. Cuộc xâm lược của Mỹ năm 2003 nhằm khôi phục lại xã hội Iraq theo đường lối của Mỹ chỉ là một ví dụ.

IS bác bỏ sự thống trị của phương Tây đối với Trung Đông và đã tìm cách thúc đẩy một tuyên bố của Hồi giáo để thay thế cho chủ nghĩa phổ quát dựa trên các điều răn của Kinh Koran.

Kinh Koran hướng dẫn con người can dự vào đạo đức phổ quát bằng cách tạo ra và duy trì trật tự luân lý dựa trên các giá trị của công lý, bình đẳng, sự thật, công bằng và trung thực. Điều này áp dụng cho tất cả mọi người, bất chấp sự khác biệt về sắc tộc, văn hóa và chủng tộc. Việc tuyên bố một trật tự luân lý phổ quát theo đó phủ nhận các giá trị của phương Tây đã đẩy IS chống lại phương Tây.

Các nhóm Hồi giáo cực đoan trong tương lai, nếu xuất hiện, có thể sẽ tiếp tục cuộc chiến ý thức hệ này. Chúng có thể làm như vậy bằng những cách ít bạo lực hơn. Kinh Koran không chấp thuận các phương pháp tàn bạo và vô nhân đạo để thực hiện những điều răn được nêu trong bộ kinh này.

Thu hẹp 50% khu vực kiểm soát của IS ở Bắc Iraq. (Nguồn: TTXVN)
Thu hẹp 50% khu vực kiểm soát của IS ở Bắc Iraq. (Nguồn: TTXVN)

Đống hỗn độn sau khi IS bị loại bỏ

Khả năng IS sắp tới bị tiêu diệt không có nghĩa là khu vực Trung Đông sẽ hết bất ổn, ít nhất là trong ngắn hạn.

Hiện nay, hầu hết các phe phái ở Iraq đã tham gia một mặt trận chung chống lại IS, đồng thời đang che đậy sự không tin tưởng và hận thù lẫn nhau vốn vẫn đang đeo đẳng giữa những người Hồi giáo theo dòng Shiite và Sunni ở Iraq, giữa các nhóm dân quân khác nhau, và giữa người Iraq gốc Arập và người Kurd ở Iraq.

Nếu IS biến mất, liên minh tạm thời không chắc chắn nói trên có thể tan rã, gây nên tình trạng bạo lực khốc liệt hơn ở quốc gia vốn đã bị chiến tranh tàn phá này.

Việc loại bỏ IS sẽ tái xác nhận sự nguyên trạng về chính trị và lãnh thổ của Trung Đông sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, nhưng đừng mong đợi nó sẽ mang lại hòa bình cho khu vực này

Xã hội Syria cũng sẽ bị phân cực; cùng với sự chia rẽ giữa các nhóm ủng hộ và chống chính phủ được bên ngoài hậu thuẫn, cũng như giữa các nhóm nổi dậy với nhau. Những căng thẳng này sẽ tiếp tục đeo đẳng sau sự kết thúc của IS.

Nhiều lợi ích mâu thuẫn khác vẫn tồn tại trong khu vực: các lợi ích của Iran, Mỹ và Nga ở Syria, cũng như sự cạnh tranh quyền lực, ảnh hưởng giữa Iran và Saudi Arabia ở khắp Trung Đông.

Việc loại bỏ IS sẽ tái xác nhận sự nguyên trạng về chính trị và lãnh thổ của Trung Đông sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, nhưng đừng mong đợi nó sẽ mang lại hòa bình cho khu vực này./.

Các lực lượng Chính phủ Iraq tiến vào Tal Afar trong chiến dịch giải phóng thành phố này khỏi phiến quân IS ngày 21/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Các lực lượng Chính phủ Iraq tiến vào Tal Afar trong chiến dịch giải phóng thành phố này khỏi phiến quân IS ngày 21/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)