Châu Á rúng động

Giới phân tích cho rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Triều Tiên và Mỹ chưa có khả năng xảy ra trong ngắn hạn, song những tuyên bố kích động từ cả hai phía đang làm gia tăng nguy cơ này.

Theo tờ New York Times (Mỹ), việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ tung đòn “bão lửa và cơn thịnh nộ” nhằm vào Triều Tiên khiến châu Á rúng động. Một số đồng minh, đối thủ của Mỹ cũng như nhiều nhà quan sát tại khu vực e ngại khả năng Mỹ tấn công quân sự Triều Tiên có thể trở thành hiện thực.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sau đó có ý giảm nhẹ mối đe dọa từ Triều Tiên khi nói rằng “người Mỹ nên ngủ ngon, không phải quan ngại gì về cuộc khẩu chiến đặc biệt trong mấy ngày qua.”

Thế nhưng, nhiều người ở châu Á lại cho rằng nguy cơ chiến tranh dường như chưa bao giờ rõ ràng hơn tại thời điểm hiện nay. Điều mà chỉ vài năm trước là không thể thì giờ đây đã thành có thể.

Trước việc Triều Tiên tuyên bố sẽ đáp trả, tấn công căn cứ quân sự của Mỹ ở Guam, giới phân tích cảnh báo “sự leo thang khẩu chiến” sẽ làm tăng khả năng nổ ra chiến tranh, bắt nguồn từ một tính toán sai lầm, hoặc nếu một bên hiểu sai ý định của bên còn lại trong các tuyên bố mạnh miệng.

Ngôn ngữ của ông Trump giống như “chất nổ,” và vòng xoáy đe dọa-đáp trả đã khiến đối đầu leo thang lên nấc mới

Theo ông Cheng Xiaohe, giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh (Trung Quốc), thế giới đang chứng kiến cuộc đối đầu giữa Mỹ và Triều Tiên, một cuộc “so găng” sẽ rất khốc liệt, tàn bạo và đẫm máu.

Ông cho rằng ngôn ngữ của ông Trump giống như “chất nổ,” và vòng xoáy đe dọa-đáp trả đã khiến đối đầu leo thang lên nấc mới.

Theo Giáo sư Cheng, việc kiên quyết phản đối nghị quyết mới nhất của Hội đồng Bảo an cho thấy Triều Tiên không có ý định giảm tiến độ chương trình hạt nhân, tên lửa.

Các nước trong khu vực, trong đó có cả Trung Quốc, cần chuẩn bị đối phó với hệ quả của một cuộc xung đột. Ông nói: “Chúng ta đang ở một thời điểm rất nguy hiểm và Trung Quốc cần theo dõi, chuẩn bị cho tình huống xấu nhất”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Khắp châu Á, giới phân tích bày tỏ thái độ quan ngại và thậm chí nhìn thấy “điềm gở” trong tuyên bố, bình luận của Trump cũng như qua bước tiến không thể ngăn chặn của Triều Tiên trên con đường trở thành cường quốc hạt nhân toàn diện, có khả năng tấn công Mỹ và các đối thủ ở xa.

Hãng tin AP đã có nhận định về một số loại tên lửa mà Triều Tiên đang phát triển có khả năng hiện thực hóa lời đe dọa này, cụ thể là Hwangsong-12, Musudan, và Pukguksong-2.

Theo dữ liệu bay từ vụ phóng hồi tháng 5, tên lửa Hwangsong-12 có tầm bắn trong khoảng từ 4.000-7.000 km, trong khi đó, giới phân tích cho rằng tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng Musudan có tầm bắn ước tính là 3.500 km, đủ sức tấn công hầu hết các mục tiêu tại châu Á và Thái Bình Dương.

Sau nhiều lần thất bại, tháng 6 năm ngoái, Triều Tiên đã thử nghiệm thành công tên lửa Musudan và vẫn đang tiến hành nghiên cứu phát triển các tên lửa phóng từ tàu ngầm.

Giới phân tích bình luận tên lửa Pukguksong-2 đã tăng cường đáng kể năng lực vũ khí của Triều Tiên bởi đây là loại tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, giúp chúng di chuyển nhanh hơn và khó bị ra đa phát hiện hơn các loại tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng thông thường. Triều Tiên miêu tả đây là loại “tên lửa chiến lược tầm trung và tầm xa” – khái niệm mà họ cũng dùng với tên lửa tầm trung Hwasong-12.

“Triều Tiên là một mối đe dọa thật sự, song những phản ứng đầy mâu thuẫn của Tổng thống cho thấy ông ấy có thể đang cân nhắc dùng vũ khí hạt nhân”

Một số chuyên gia Hàn Quốc cho rằng loại tên lửa này đủ sức tấn công Guam, song sau vụ việc hồi tháng 5, giới chức quốc phòng Hàn Quốc ước tính tầm bắn của Pukguksong-2 là vào khoảng 2.000km, nghĩa là tên lửa này có thể tấn công các căn cứ của Mỹ tại Nhật Bản, chứ không thể tấn công Guam.

Nhiều nghị sỹ đảng Dân chủ Mỹ chỉ trích ông Trump đang khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Thượng nghị sỹ Eliot Engel, một thành viên cấp cao trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, nói: “Triều Tiên là một mối đe dọa thật sự, song những phản ứng đầy mâu thuẫn của Tổng thống cho thấy ông ấy có thể đang cân nhắc dùng vũ khí hạt nhân.”

Ông Engel cho rằng những bình luận mang tính kích động của Tổng thống Trump tại thời điểm cần thúc đẩy đối thoại cấp cao với Triều Tiên là điều rất thiếu hợp lý.

Hãng tin AP cho rằng nếu Triều Tiên xem những tuyên bố của Mỹ là lời đe dọa và tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân hay tên lửa, ông Trump sẽ đối mặt với áp lực lớn đòi hỏi phải có những phản ứng mạnh mẽ hơn, và nếu Triều Tiên hiện thực hóa lời đe dọa của mình, Mỹ sẽ không còn lựa chọn nào khác.

 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một vụ phóng thử tên lửa từ  tàu ngầm ở gần Sinpo thuộc vùng biển phía đông bắc Triều Tiên ngày 9/5/2015.  (Nguồn: EPA/TTXVN)
 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một vụ phóng thử tên lửa từ tàu ngầm ở gần Sinpo thuộc vùng biển phía đông bắc Triều Tiên ngày 9/5/2015. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Nhiều chuyên gia cho rằng dù đe dọa Triều Tiên sẽ phải đối mặt với “bão lửa và cơn thịnh nộ mà thế giới chưa từng thấy”, nhưng ông Trump chưa chắc đã xem xét thấu đáo những hệ quả từ việc sử dụng ngôn từ mạnh bạo này. Nó đặt ra câu hỏi về chiến lược của Mỹ rằng liệu Mỹ có nhận ra cái giá mà các đồng minh thân cận nhất như Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ phải trả nếu Mỹ hiện thực hóa lời đe dọa hay không.

Lee Byong-chul, chuyên gia cao cấp tại Viện Hòa bình và Hợp tác ở Seoul (Hàn Quốc) nói: “Ông Trump dường như không hiểu liên minh là gì và dường như chẳng để ý gì đến đồng minh khi nói những lời như vậy. Không một Tổng thống Mỹ nào nhắc đến lựa chọn quân sự một cách dễ dàng như ông Trump. Ông Trump khiến người dân Hàn Quốc lo sợ, hầu như chẳng ai trong số họ muốn có chiến tranh.”

Ông Trump đưa ra cảnh báo trên sau khi các cơ quan tình báo Mỹ cho biết Triều Tiên đã chế tạo được một vũ khí hạt nhân có kích cỡ đủ nhỏ để gắn vào tên lửa đạn đạo. Bước tiến vượt bậc này đã khiến Nhật Bản, Hàn Quốc cân nhắc triển khai thêm nhiều vũ khí mới, uy lực hơn nhằm chống lại mối đe dọa sau nhiều thập kỉ phó mặc an ninh chiến lược vào sức mạnh quân sự Mỹ.

Các học giả làm việc cho chính phủ tại Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh rất lo ngại về các tuyên bố mới nhất của ông Trump và Triều Tiên. Theo họ, Mỹ phải chịu một phần trách nhiệm của việc này, và những bình luận của ông Trump càng “đổ thêm dầu vào lửa.”

Những lời nói của ông Trump càng khiến sự thù hận giữa hai bên gia tăng và càng đẩy Mỹ-Triều tới gần hơn một cuộc xung đột vũ trang

Học giả Cheng Xiaohe, hiện làm việc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nhận định rằng những lời nói của ông Trump càng khiến sự thù hận giữa hai bên gia tăng và càng đẩy Mỹ-Triều tới gần hơn một cuộc xung đột vũ trang.

Ông nhấn mạnh: “Nếu mọi chuyện không nằm trong tầm kiểm soát, những cuộc khẩu chiến có thể nhanh chóng kích động đối đầu quân sự”. Ông Cheng Xiaohe cho rằng Trung Quốc nên phái các nhà ngoại giao thực hiện các chuyến công du con thoi để nỗ lực đưa hai bên ngồi vào bàn đàm phán.

Một chuyên gia hàng đầu về vấn đề Triều Tiên người Trung Quốc cho rằng dường như việc Washington không có những biện pháp cứng rắn đối với Bình Nhưỡng càng “khích lệ” quốc gia cứng đầu này.

Giáo sư Zhang Liangui, hiện đang làm việc tại học viện đào tạo thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói: “Ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ có biện pháp cứng rắn nếu Triều Tiên phóng tên lửa, song ông ấy lại không làm việc… Điều này khiến Triều Tiên nghĩ rằng đó đơn thuần chỉ là một lời đe dọa suông, bởi vậy thái độ của họ ngày càng tiêu cực.”

Theo ông Zhang, Mỹ cùng Trung Quốc và Nga cần phối hợp với nhau để buộc Triều Tiên kiềm chế các hành vi khiêu khích của mình.

Toàn cảnh đảo Guam ngày 30/12/2011. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Toàn cảnh đảo Guam ngày 30/12/2011. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tạp chí National Interest bình luận về sự kiện này bằng cách nhắc đến nguy cơ từ việc bùng phát “Chiến tranh Triều Tiên lần thứ 2.”

Một bài viết trên tạp chí này nhấn mạnh: “Xung đột trên bán đảo Triều Tiên do kết quả của những biện pháp quân sự phủ đầu mà Mỹ tiến hành sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng với Washington và các đồng minh của Mỹ trong khu vực.”

Theo tác giả của bài viết còn chỉ ra rằng nếu Triều Tiên không thể sử dụng vũ khí hạt nhân, thì nước này vẫn đủ sức dùng tên lửa thông thường tấn công gây thiệt hại cho hàng trăm nghìn binh sĩ và nhân viên dân sự Mỹ hiện đang ở Hàn Quốc và Mỹ.

Tuy nhiên, Phó Giáo sư John Delury, hiện làm việc tại khoa Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Yonsei, cho rằng khó có khả năng Triều Tiên tiến hành một cuộc tấn công thực sự hoặc Mỹ không kích phủ đầu quốc gia này.

Theo ông, tuyên bố của Triều Tiên chủ yếu là một lời cảnh báo đối với Washington rằng tên lửa của họ có thể nhắm thẳng tới các mục tiêu trong khu vực, chứ không phải là dấu hiệu báo trước một cuộc tấn công thực sự.

Phó Giáo sư John Delury cho rằng khó có khả năng Triều Tiên tiến hành một cuộc tấn công thực sự hoặc Mỹ không kích phủ đầu quốc gia này

Ông nói: “Nếu Triều Tiên thực sự đang lên kế hoạch để tấn công phủ đầu hoặc bất ngờ phóng tên lửa tới Guam, chúng ta sẽ không thấy tin tức đó xuất hiện trên truyền thông đại chúng của họ… Điều này cho thấy chúng ta cần theo dõi sát sao những lời đe dọa của họ”.

Trong khi đó, nếu Mỹ muốn không kích Triều Tiên, họ cần phải có được sự hậu thuẫn của Hàn Quốc, bởi Triều Tiên nhiều khả năng sẽ trả đũa nước láng giềng phía Nam và lực lượng quân đội gồm 600.000 binh sỹ này.

Ông Delury nói: “Đó là điều mà Mỹ không thể làm nếu thiếu sự ủng hộ mạnh mẽ của chính phủ và người dân Hàn Quốc, và hiện rõ ràng là chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Hàn Quốc sẽ ủng họ lựa chọn quân sự để giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Chuyên gia về hạt nhân của Mỹ – ông Siegfried Hecker – người đã từng nhiều lần tới thăm các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên, cho rằng hiện quốc gia này chưa sở hữu hệ thống vũ khí đủ sức nhấn chìm đảo Guam trong biển lửa, như những gì mà họ đe dọa.

Ông nói: “Mối đe dọa thực sự là nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh hạt nhân mà không ai ngờ tới do việc hiểu lầm hoặc do những tính toán sai. Những tuyên bố thù hận của cả hai bên khiến nguy cơ này càng tăng cao. Đã đến lúc họ cần dịu giọng”./.

Toàn cảnh căn cứ quân sự của hải quân Mỹ ở đảo Guam. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Toàn cảnh căn cứ quân sự của hải quân Mỹ ở đảo Guam. (Nguồn: EPA/TTXVN)