Ngọn lửa tri ân

Vào năm 1947, ngay những năm tháng đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng và chọn ngày 27/7 hằng năm là ngày Thương binh toàn quốc, dịp để người dân tri ân với những con người đã anh dũng ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Trong suốt những năm tháng của cuộc đời, với tinh thần trân trọng, biết ơn những người con hy sinh vì Tổ quốc, Bác luôn dành cho thương binh những tình cảm như trong gia đình, Người đã nhận con của thương binh, liệt sỹ là con nuôi. Chính tấm lòng chân thành của Bác đã khiến bao gia đình cảm động. Trong thư gửi bác sỹ Phạm Đình Tụng khi được tin con trai ông hy sinh, Bác viết:

“Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước,” Bác Hồ viết.

“Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam.”

Chính tinh thần ấy đã động viên bao lớp người xung phong ra chiến trường chiến đấu vì Tổ quốc. Cứ lớp lớp người ngã xuống thì lại có hàng lớp lớp người đứng lên. Biết bao chiến sỹ đã cống hiến tuổi thanh xuân, máu xương của mình cho độc lập tự do, để Tổ quốc trường tồn. Trong số họ, nhiều người, sau chiến tranh, vẫn còn nằm lại nơi rừng sâu; nhiều người “trở về” nhưng trắng xóa những hàng bia, không tên, không tuổi, tên các anh đã hóa thành tên đất nước; nhiều người khác, may mắn hơn, được về với mẹ, nhưng đã để lại đâu đó trên mảnh đất quê hương một phần thân thể của mình.

Mỗi năm, cứ vào ngày 27/7, Bác lại viết thư, gửi quà, khi là chiếc áo, khi là những đồng lương bác dành dụm cho thương binh. Bác phát động phong trào “đón thương binh về làng,” “thương binh tàn nhưng không phế”…, và đã trở thành những điểm tựa cho thương binh vươn lên dù thân thể họ không còn nguyên vẹn.

Cho đến những ngày cuối đời, Bác Hồ vẫn nặng lòng với thương binh, liệt sỹ và những người người có công với Tổ quốc. Trước lúc ra đi, trong di chúc, Bác căn dặn: “Đầu tiên là công việc đối với con người. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sỹ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong …), Đảng, Chính phủ và đồng bào ta phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần ‘tự lực cánh sinh.’

Đối với các liệt sỹ thì mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sỹ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét.”

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng sự nghiệp tri ân các anh hùng, thương binh, liệt sỹ mà người khởi đầu vẫn được toàn dân thực hiện với lòng biết ơn và thành kính sâu sắc trong 70 năm qua.

Nghĩa trang Đường 9. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Nghĩa trang Đường 9. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Bạt ngàn nỗi đau: Mộ “chưa có tên”

Cứ tháng Bảy hằng năm, hàng vạn người thân, du khách và những đồng đội đến thăm viếng các anh chị đã anh dũng ngã xuống vì Tổ quốc tại các nghĩa trang, địa điểm lịch sử ở tỉnh Quảng Trị.

Nơi đây, năm xưa được coi là chiến trường khốc liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Nắng và cát khắc nghiệt của Quảng Trị cũng không làm khô đi được nước mắt của những người thân cứ tháng đến Bảy lại tìm về nghĩa trang liệt sỹ trên mảnh đất này.

Trong chiến tranh, 60.000 liệt sỹ đã ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ. Họ đến từ rất nhiều vùng miền của đất nước và giờ đây cùng nằm lại trong 72 nghĩa trang lớn nhỏ trên mảnh đất Quảng Trị thiêng liêng, trong đó có 2 nghĩa trang quốc gia là Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9.

Trong số những liệt sỹ đã nằm lại trên mảnh đến Quảng Trị có 105 liệt sỹ của tiểu đoàn 1, trung đoàn 48, sư đoàn 320 (hy sinh ngày 2/2/1968 trong trận đánh chiếm chi khu Cam Lộ, Quảng Trị).

Các anh hy sinh cùng một ngày nhưng mãi đến 37 năm sau ngày các anh mất, di hài các anh mới được tìm thấy và đưa về quy tập, an táng trong ngôi mộ tập thể tại nghĩa trang đường 9 của tỉnh Quảng Trị.

Trên tấm bia đá trước mộ các anh khắc nhiều cái tên, mỗi một cái tên được viết lên là một người đã nằm xuống. Mỗi cái tên nối dài thêm vinh quang cho đất nước, cũng nối dài thêm nỗi đau mất người thân của hàng vạn gia đình.

Cựu chiến binh bộ đội Trường Sơn viếng Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn.  (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Cựu chiến binh bộ đội Trường Sơn viếng Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Tháng Bảy năm nay cũng là tròn 45 năm kỷ niệm trận đánh bảo vệ thành cổ Quảng Trị, trận đánh 81 ngày đêm anh dũng đã đi vào lịch sử. Hàng vạn anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống ở lứa tuổi 20 để giữ từng tấc đất thiêng của thành cổ Quảng Trị. Đau đớn hơn cả, trong Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9 ở Quảng Trị có hàng nghìn ngôi mộ liệt sỹ “chưa biết tên.”

Không chỉ ở Quảng Trị mà trên khắp mảnh đất Việt Nam, trong hơn 3.000 nghĩa trang liệt sỹ vẫn còn hơn 300.000 người khi sinh ra có tên, có họ nhưng khi nằm xuống trên bia mộ chỉ khắc ba chữ “chưa biết tên.”

Những tấm bia không thể nói cho những thân nhân đang mòn mỏi tìm kiếm hài cốt liệt sỹ biết người nằm dưới mộ là ai, chỉ biết, máu của họ đã thấm đỏ mảnh đất này và nỗi đau của họ, của gia đình họ cũng là nỗi đau chung của mọi người dân Việt Nam.

Cứ đúng ngày 27/7, hơn 3.000 nghĩa trang liệt sỹ trên khắp cả nước đều được thắp sáng để tưởng nhớ vong hồn của các liệt sỹ đã được quy tụ tại đây cũng như tưởng niệm hàng trăm nghìn liệt sỹ vẫn còn nằm đâu đó trong lòng Đất Mẹ Việt Nam

Và cứ đúng ngày 27/7, hơn 3.000 nghĩa trang liệt sỹ trên khắp cả nước đều được thắp sáng để tưởng nhớ đến vong hồn của các liệt sỹ đã được quy tụ trong các nghĩa trang và cũng là để tưởng niệm hàng trăm nghìn liệt sỹ vẫn còn nằm đâu đó trong lòng Đất Mẹ Việt Nam.

Nghĩa trang liệt sỹ trong những ngày tháng Bảy luôn tấp nập những người đến viếng, thắp hương tưởng nhớ những liệt sỹ đã hy sinh.

Cả nước quy tập được gần 900.000 hài cốt liệt sỹ, an táng trong hơn 3.000 nghĩa trang liệt sỹ. Các nghĩa trang liệt sỹ đều được đầu tư quy hoạch, tôn tạo, trở thành những công trình văn hóa tâm linh thu hút sự quan tâm của toàn xã hội và vừa để tưởng nhớ đến các liệt sỹ, vừa giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Thắp hương tưởng nhớ các liệt sỹ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thắp hương tưởng nhớ các liệt sỹ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Hơn 3.000 nghĩa trang liệt sỹ và các hàng nghìn đài tưởng niệm được xây dựng tại các mặt trận năm xưa đều được tu bổ thường xuyên và đã trở thành điểm đến quen thuộc của hàng triệu người dân Việt Nam trong tháng Bảy.

Nguồn hỗ trợ xây dựng nghĩa trang, tôn tạo nghĩa trang được rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ. Nghĩa trang ngày càng được tôn tạo khang trang hơn và việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ chưa bao giờ ngừng nghỉ.

Mỗi năm, các nghĩa trang liệt sỹ vẫn đón các hài cốt liệt sỹ được tìm thấy từ những chiến trường cũ, từ Lào, Campuchia trở về.

Song song với việc quy tập hài cốt liệt sỹ, việc “trả lại tên” cho các anh cũng được thực hiện. Đến nay, qua phương pháp thực chứng và phương pháp giám định ADN, các đơn vị chức năng đã xác định được danh tính gần 1.300 hài cốt liệt sỹ, đã lấy mẫu, phân tích và lưu trữ được gần 11.000 mẫu hài cốt liệt sỹ và gần 4.000 mẫu sinh phẩm của thân nhân liệt sỹ.

Mục tiêu được đặt ra đến năm 2020 là xác định được danh tính 7.000 hài cốt liệt sỹ, giám định ADN 70.000 hài cốt liệt sỹ.

Chỉ riêng trong giai đoạn, từ năm 2011-2016, trên cả nước đã xác nhận và cấp mới Bằng “Tổ quốc ghi công” cho 2.730 liệt sỹ, cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công” cho 112.000 liệt sỹ.

Đó là những hành động thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn,” “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta, thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn của những người đang sống đối với các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc.

Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Đường 9 tại Quảng Trị. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Đường 9 tại Quảng Trị. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Mẹ của tất cả

Sự hy sinh của những người đã ngã xuống vì đất nước vừa là niềm tự hào nhưng cũng là nỗi đau của những người còn sống. Lửa chiến tranh đã tắt hàng chục năm, đã chôn vùi rất nhiều thứ, nhưng trong mỗi gia đình liệt sỹ, mỗi thương binh đã để lại một phần thân thể nơi chiến trường thì vẫn còn nguyên đó những ngọn lửa lòng, người còn sống khóc thương người đã khuất. Dường như có những nỗi đau không bao giờ nguôi.

Có lẽ, không có nơi nào mà nỗi đau của chiến tranh để lại hiện hữu rõ ràng như trên mảnh Quảng Nam, nơi có tới 7.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trên mảnh đất ấy, có một người mẹ mà cả nước đều gọi là mẹ: Mẹ Thứ.

Chiến tranh qua đi, trong ngày đoàn viên của dân tộc, những người con của mẹ Thứ không trở về. Ngôi nhà nhỏ bé của mẹ Thứ (thôn Thanh Quýt 2, xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) có tới 12 liệt sỹ, trong đó 9 con trai, 2 cháu ngoại và một người con rể, tất cả mãi mãi không về với mẹ.

Mẹ là người mẹ có nhiều con cháu hy sinh nhất trong cả hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc kéo dài gần 30 năm.

Đất nước ta có hơn 127.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng và con số ấy vẫn chưa dừng lại. Có thêm những liệt sỹ được xác định danh tính là lại có thêm các Mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Ngôi nhà của mẹ Thứ dường như đã trở thành một đền thiêng tưởng niệm những người lính đã ngã xuống vì độc lập, tự do và sự hy sinh cao cả của các bà mẹ Việt Nam.

Đất nước ta có hơn 127.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng và con số ấy vẫn chưa dừng lại. Có thêm những liệt sỹ được xác định danh tính là lại có thêm các Mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Con của các mẹ đã hy sinh vì Tổ quốc và để trả “món nợ” với các anh, ngày hôm nay ở bên Mẹ đã có thêm nhiều những “đứa con.”

Ở bất cứ địa phương nào, phong trào nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cũng được đông đảo người dân hưởng ứng. Tất cả các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trong cả nước đều đã được các cá nhân, đơn vị nhận phụng dưỡng thăm nuôi, chăm sóc khi các mẹ ốm đau.

Cứ mỗi dịp lễ, Tết, kỷ niệm ngày 27/7… ngoài quà của Chủ tịch nước, tất cả các địa phương đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà để phần nào bù đắp sự mất mát của các Mẹ.

Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng được tạc bằng đá với hơn 3.000m3 đá sa thạch.  (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng được tạc bằng đá với hơn 3.000m3 đá sa thạch. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Tri ân nhiều hơn nữa

Hiện nay, có 4 Pháp lệnh (Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng,” Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng…) và 4 Nghị định, 22 Thông tư và Thông tư liên tịch, 13 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đang còn hiệu lực thi hành nhằm giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công.

Hằng năm, ngân sách Nhà nước đã dành gần 30.000 tỷ đồng để thực hiện chế độ ưu đãi nhằm không ngừng chăm lo đến đời sống của người có công với cách mạng ngày càng tốt hơn. 97% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 96,5% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công.

Đó là thành quả của việc thực hiện hệ thống văn bản pháp luật về ưu đãi người có công hiện hành. Các quy định của pháp luật không chỉ trợ giúp người có công, tạo điều kiện để người có công tiếp tục vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống mà còn tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia tích cực vào việc “đền ơn đáp nghĩa”…

Các chính sách ưu đãi dành cho người có công ngày càng đầy đủ và bao phủ hầu hết các mặt đời sống, hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng… để cuộc sống của những người có công được đảm bảo. Cùng với sự phát triển của đất nước, các chính sách ưu đãi người có công ngày càng được hoàn thiện và mức hỗ trợ ngày càng tăng lên.

Các thương binh nặng, người có công với cách mạng tập phục hồi chức năng. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Các thương binh nặng, người có công với cách mạng tập phục hồi chức năng. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm nhưng hậu quả nó để lại vẫn còn đó, không ít những người có công đã mất giấy tờ nên không thể hoàn thiện hồ sơ xác nhận người có công. Trong hàng triệu những người đã hy sinh, để lại một phần thân thể nơi chiến trường, có những người chưa được biết tên, chưa được công nhận là thương binh, liệt sỹ.

Cả nước có hơn 300.000 hài cốt liệt sỹ đang yên nghỉ tại các nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính. Đặc biệt, vẫn còn gần 200.000 hài cốt liệt sỹ chưa tìm thấy.

Trong hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ tại Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vẫn đau đáu: “Chúng ta chưa thể yên lòng khi cuộc sống của một số gia đình người có công còn khó khăn, khi vẫn còn những người, những gia đình chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, vẫn còn nhiều liệt sỹ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính. Những điều này để lại nỗi đau khắc khoải trong lòng những người thân và trong mỗi cán bộ chúng ta.”

“Chúng ta chưa thể yên lòng khi cuộc sống của một số gia đình người có công còn khó khăn, khi vẫn còn những người, những gia đình chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi, vẫn còn nhiều liệt sỹ chưa tìm được hài cốt,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Đã 70 năm kể từ Ngày Thương binh-Liệt sỹ 27/7 lần đầu tiên được phát động, cả nước vẫn một lòng hướng về thương binh, liệt sỹ với lòng biết ơn sâu sắc. Sự đóng góp của cộng đồng đã trở thành nguồn lực không thể thiếu trong thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi người có công.

Khắp mọi nơi, tri ân thương binh, liệt sỹ đã trở thành thành hoạt động và Nhà nước và người dân cùng chung tay thực hiện để có thể chăm sóc tốt hơn, chu đáo hơn cho đời sống người có công.

Vẫn còn những ngôi mộ “chưa biết tên,” vẫn còn những hồ sơ người có công chưa được giải quyết, vẫn còn những chiến sỹ trở về mang trong mình vết thương chiến tranh mưu sinh khó khăn… thì vẫn còn đó những “món nợ” với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Tri ân các liệt sỹ Thông tấn xã Việt Nam

Trong suốt những năm kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, không có một chiến trường nào, không một mũi tiến quân vào vắng mặt phóng viên, nhân viên, kỹ thuật của Thông tấn xã Việt Nam. Nhiều người mãi mãi không bao giờ trở lại, một số phóng viên, kỹ thuật viên của Thông tấn xã Việt Nam đã để lại một phần cơ thể mình nơi chiến trường.

Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan báo chí có nhiều liệt sỹ nhất. Hơn 260 liệt sỹ, nhà báo của Thông tấn xã Việt Nam hy sinh trong chiến tranh cứu nước và giữ nước, gần 30 cán bộ Thông tấn xã Việt Nam bị thương từ loại 1 đến loại 4, chưa kể nhiều người bị thương tật suốt đời, bị chất độc da cam.

Đó là tổn thất lớn lao nhưng cũng là niềm tự hào, truyền thống tươi thắm về lòng yêu nước, chí khí kiên cường, anh dũng của đội quân xung kích trên mặt trận báo chí và tư tưởng.

Các cán bộ, phóng viên, nhân viên kỹ thuật của Thông tấn xã Việt Nam đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chiếm hơn 25% tổng số cán bộ nhân viên Thông tấn xã Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh và chiếm tới 4/5 số nhà báo cả nước hy sinh.

Thắp hương tại nhà tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ tại trụ sở số 5 Lý Thường  Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)  
Thắp hương tại nhà tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ tại trụ sở số 5 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)  

Từ ngôi nhà số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, từng đoàn các bộ Thông tấn xã Việt Nam đi đến khắp nẻo đường chiến trường. Có những đồng chí mãi mãi không bao giờ trở về, một số đồng chí cũng để lại một phần cơ thể mình nơi chiến trường để hoàn thành nhiệm vụ thông tin.

Nhớ về những cán bộ Thông tấn xã Việt Nam đã hy sinh trong chiến tranh, ông Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam nhấn mạnh: “Mỗi nhà báo, liệt sỹ, thương binh của Thông tấn xã Việt Nam lại là một câu chuyện đẹp, cảm động về những năm tháng dũng cảm đối mặt với khó khăn, hiểm nguy nơi chiến trường.

Hơn 260 liệt sỹ, nhà báo của Thông tấn xã Việt Nam hy sinh trong chiến tranh cứu nước và giữ nước, gần 30 cán bộ Thông tấn xã Việt Nam bị thương từ loại 1 đến loại 4, chưa kể nhiều người bị thương tật suốt đời.

Những cán bộ Thông tấn xã Việt Nam ngã xuống ở tuổi đôi mươi, có người quên mình khi đang tác nghiệp, có người trúng bom ngay trên đường Trường Sơn, có cả người hy sinh, bị thương vì sốt rét ác tính hay khi đang vận chuyển máy móc, điện đài…”

Với cây bút, trang giấy, chiếc máy ảnh, máy kỹ thuật, các anh, các chị đã có mặt ở những nơi nóng bỏng nhất, ác liệt nhất của cuộc chiến để ghi lại những chiến thắng anh hùng của quân và dân ta khắp mọi miền đất nước, vạch trần tội ác và âm mưu của kẻ thù.

Các anh chị ngã xuống nhưng những dòng tin, hình ảnh của các anh chị vẫn “sống mãi.” Đó là những bằng chứng xác thực của lịch sử, là nguồn động viên lớn lao cho toàn quân, toàn dân ta tiến lên giành thắng lợi.

Đồng chí Trần Kim Xuyến,  Phó Giám đốc Nha Thông tin, phụ trách Việt Nam Thông tấn xã (thứ nhất  bên phải), xuống tàu Dumont d’Urville dự lễ đón, đưa tin và phỏng vấn  Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người vừa kết thúc chuyến thăm Pháp và ký Tạm  ước Việt-Pháp (14/9/1946) trở về. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Đồng chí Trần Kim Xuyến, Phó Giám đốc Nha Thông tin, phụ trách Việt Nam Thông tấn xã (thứ nhất bên phải), xuống tàu Dumont d’Urville dự lễ đón, đưa tin và phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người vừa kết thúc chuyến thăm Pháp và ký Tạm ước Việt-Pháp (14/9/1946) trở về. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Người liệt sỹ đầu tiên được Tổ quốc ghi công của Thông tấn xã Việt Nam và cũng là nhà báo đầu tiên hy sinh là đồng chí Trần Kim Xuyến, nguyên Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ kiêm Phó Giám đốc Nha thông tin Việt Nam, tiền thân của VNTTX (Thông tấn xã Việt Nam ngày nay). Ông là một trong ba người được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao tham gia thành lập Đài Phát thanh quốc gia.

Người lãnh đạo trẻ tuổi đã hy sinh ở tuổi 26 vào sáng 3/3/1947 vì trúng đạn liên thanh của địch, khi đang chỉ huy việc chuyên chở, cất giấu tài liệu, phá vòng vây địch, cùng cơ quan rút lên khu căn cứ, giữa lúc máy bay và xe tăng địch ào ạt tấn công. Để khắc ghi lại sự hy sinh anh dũng của ông, tên ông đã được đặt cho hai con đường tại phường Yên Hòa, Cầu Giấy, thủ đô Hà Nội và thị trấn Phố Châu, Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Ngoài liệt sỹ Trần Kim Xuyến, còn có hai con đường mang tên các nhà báo của Thông tấn xã Việt Nam là đường Bùi Đình Túy ở phường 12, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh và đường Lâm Hồng Long tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Ngày 5/3/2014, Thông tấn xã Việt Nam tổ chức Lễ gắn biển tên phố Trần Kim Xuyến tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Ngày 5/3/2014, Thông tấn xã Việt Nam tổ chức Lễ gắn biển tên phố Trần Kim Xuyến tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Hơn 260 cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của Thông tấn xã Việt Nam đã anh dũng ngã xuống trong chiến tranh. Trong số đó, có gia đình cả hai cha con hy sinh cho sự nghiệp Thông tấn như lão đồng chí Trần Bỉnh Khuôl (tức Hai Nhiếp) và người con là Trần Văn Dũng. Cả hai đều là phóng viên nhiếp ảnh Thông tấn và cùng ngã xuống trên chiến trường miền Tây Nam Bộ.

Có gia đình, hai anh em cùng hy sinh cho sự nghiệp Thông tấn như Bùi Văn Thưởng và em là Bùi Văn Tấn – phóng viên duy nhất có mặt trong trận Ấp Bắc. Mẹ của các anh, bà Tám Nghiệp (tức Đoàn Thị Nghiệp) cũng là liệt sỹ, được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Đằng sau mỗi tên tuổi liệt sỹ được lưu danh tại phòng truyền thống Thông tấn xã Việt Nam chính là những câu chuyện cảm động về sự dũng cảm chiến đấu không ngại hiểm nguy của những con người tài năng, đã hy sinh thân mình cho những dòng tin “chảy mãi.”

Các liệt sỹ của  Thông tấn xã Việt Nam đã hy sinh thân mình cho những dòng tin “chảy mãi”

Trong tháng Bảy, các cán bộ lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam cùng các đoàn thể đã tổ chức dâng hoa, thắp nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang), trao 60 sổ tiết kiệm, tổng trị giá 180 triệu đồng tặng các gia đình liệt sỹ, thương binh của cơ quan có hoàn cảnh khó khăn nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ.

Đảng viên trong toàn Đảng bộ Thông tấn xã Việt Nam đã góp tặng hai căn nhà, hưởng ứng chủ trương của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tặng 100 nhà tình nghĩa cho các gia đình người có công tại tỉnh Quảng Trị.

Tính từ năm 1995 đến nay, Thông tấn xã Việt Nam đã xây dựng được 10 nhà tình nghĩa, tặng gần 600 sổ tiết kiệm với tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng cho các gia đình thương binh, liệt sỹ của ngành.

Thông tấn xã Việt Nam đã góp hơn 1,8 tỷ đồng vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương. Riêng Quỹ “Vì nỗi đau da cam” của Thông tấn xã Việt Nam đã xây dựng hơn 50 nhà tình nghĩa, trao 110 xe lăn, hàng nghìn phần quà tặng các gia đình thương binh, liệt sỹ, nạn nhân chất độc da cam trong cả nước, với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Thông tấn xã  Việt Nam tặng sổ tiết kiệm cho gia đình Liệt sỹ Phạm Thị Đệ. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Ông Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam tặng sổ tiết kiệm cho gia đình Liệt sỹ Phạm Thị Đệ. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Thông tấn xã Việt Nam cũng thường xuyên cử các đoàn đến thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các gia đình thương binh, liệt sỹ. Các đoàn thể cũng tổ chức hành hương về nguồn, thăm các khu di tích lịch sử, căn cứ địa cách mạng, các hoạt động nghĩa tình biên giới, hải đảo; chăm sóc gia đình người có công; dâng hoa tưởng niệm hương hồn các anh hùng liệt sỹ tại các nghĩa trang ba miền…

Không chỉ tổ chức các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa,” trong nhiều năm qua, Thông tấn xã Việt Nam thường xuyên tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Nhiều đoàn cán bộ được cử đi tìm kiếm hài cốt liệt sỹ trên các địa bàn từ Bắc chí Nam.

Từ thập niên 1990 đến nay, Thông tấn xã Việt Nam đã quy tập được 39 hài cốt liệt sỹ và đưa về an táng tại các nghĩa trang.

Từ thập niên 1990 đến nay, Thông tấn xã Việt Nam đã quy tập được 39 hài cốt liệt sỹ và đưa về an táng tại các nghĩa trang.

Thông tấn xã Việt Nam đã ba lần cử cán bộ sang Campuchia, tìm kiếm hài cốt các nhà báo-liệt sỹ đã có mặt tác nghiệp thông tin bên cạnh các chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế, góp tính mệnh cho công cuộc giải phóng đất nước bạn.

Năm 2002, bốn hài cốt liệt sỹ của Thông tấn xã Việt Nam đã đưa được về các Nghĩa trang liệt sỹ Thành phố Hồ Chí Minh và Long An.

Gần đây nhất vào năm 2011, Cơ quan đại diện Thông tấn xã Việt Nam tại Đà Nẵng đã cùng gia đình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ Hoàng Văn Đáo (quê Hải Dương, hy sinh tại Quảng Nam). Danh sách liệt sỹ của Thông tấn xã Việt Nam đến nay vẫn tiếp tục được bổ sung, cập nhật.

Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi khẳng định: “Cơ quan sẽ tiếp tục tổ chức đi tìm hài cốt liêt sỹ. Hiện nay, cơ quan mở rộng hướng tìm kiếm bằng việc phối hợp với các đội quy tập mộ liệt sỹ của các tỉnh, cung cấp thông tin, sơ đồ về các phần mộ liệt sỹ và tham gia cùng đội quy tập đi tìm.”

Những tấm gương hy sinh anh dũng của các thương binh, liệt sỹ mãi mãi là niềm tự hào của Thông tấn xã Việt Nam. Vì vậy, lãnh đạo, các cán bộ Thông tấn xã Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa,” coi đó là trách nhiệm và tình cảm sâu nặng với các gia đình liệt sỹ, các đồng chí thương binh./.

(Nguồn: TTXVN)
(Nguồn: TTXVN)