Chuyển nhượng bóng đá

Thị trường chuyển nhượng cầu thủ luôn được xem là một chủ đề nóng song nó vô hình trung lại thúc đẩy nạn tin tức giả phát triển. Một nhà báo đã tạo ra một tài năng trẻ giả để xem câu chuyện giả tạo của mình có thể thu hút được bao nhiêu sự chú ý. Câu trả lời là không hề ít.

Dọc con đường từ văn phòng của Declan Varley ở Galway, Ireland, có một bức tượng Pádraic Ó Conaire, một cây bút năng nổ của Ireland. Ông được coi là tác giả hư cấu vĩ đại đầu tiên trong ngôn ngữ Ireland. Một trong số những tác phẩm đáng chú ý nhất của ông là truyện ngắn “M’asal Beag Dubh”, hay “Con lừa nhỏ màu đen của tôi.” Chính câu truyện đó đã khơi gợi ý tưởng cho Varley.

Dù sống ở bờ biển phía Tây lộng gió với phong cảnh đẹp như tranh, Varley mô tả bản thân là một người hâm mộ “cuồng nhiệt” của câu lạc bộ bóng đá Arsenal ở London. Varley, từ lâu đã quen với việc “vơ vét từng mẩu nhỏ” những suy đoán về hoạt động chuyển nhượng của đội bóng anh yêu thích vào mỗi mùa hè, khi đó đang sục sạo trên mạng Internet để tìm những tin đồn về việc huấn luyện viên Arsene Wenger sẽ đưa ai về Arsenal.

Một nhà báo đã tạo ra một tài năng trẻ giả để xem câu chuyện giả tạo của mình có thể thu hút được bao nhiêu sự chú ý. Câu trả lời là không hề ít.

Với tư cách một nhà báo (Varley hiện là trưởng nhóm biên tập thuộc Galway Advertiser), anh nhận thấy toàn bộ trải nghiệm này thật đáng thất vọng.

Trong khoảng thời gian 2 tháng của mùa chuyển nhượng, anh thường dành hàng giờ nghiền ngẫm những bài viết chứa đầy những nguồn tin bí mật và thiếu sự kiểm chứng, tất cả đều nhằm mục đích hé lộ cái tên trên bản hợp đồng tiếp theo của Arsenal. “Tất cả đều là Messi đến Arsenal, kiểu tin tức như vậy,” anh cho biết. “Chẳng có chút căn cứ nào.” Chỉ một vài vụ chuyển nhượng được đưa tin thực sự diễn ra trên thực tế.

Thứ chướng khí bao quanh những thông tin sai lệch đã thúc đẩy Varley tiến hành việc mà anh gọi là “một thử nghiệm xã hội,” mà những người khác có thể định nghĩa nó một cách chính xác hơn: một trò lừa bịp. Anh đã quyết định anh muốn “xem một bóng ma có thể đi bao xa.”

Do đó, vào mùa Hè năm 2008, anh đã sáng tạo ra một cầu thủ. Đó sẽ là một thanh niên 16 tuổi đầy hứa hẹn đến từ Moldova, một quốc gia đủ xa để nguồn gốc tưởng tượng của cầu thủ này sẽ không dễ bị phát hiện. Và cái tên của ngôi sao mới sẽ được lấy trực tiếp từ bức tượng Ó Conaire. Xét cho cùng, nội dung câu chuyện của tác giả này xoay quanh một nhân vật “biết rằng con lừa của anh ta là vô dụng, nhưng lại cố gắng bán nó cho người trả giá cao nhất,” Varley cho biết. “Câu chuyện đó tương quan với thị trường chuyển nhượng.”

Cầu thủ của anh sẽ có cái tên với âm đọc lấy từ tựa đề câu chuyện của Ó Conaire: Masal Bugduv.

Alvaro Morata được đồn đến Manchester United nhưng lại đạt thỏa thuận với  Chelsea. (Nguồn: Getty Images)
Alvaro Morata được đồn đến Manchester United nhưng lại đạt thỏa thuận với Chelsea. (Nguồn: Getty Images)

Những sự thật khó nắm bắt

Đã từ lâu, trước khi sự xuất hiện của Tổng thống Trump khiến cho thuật ngữ này trở nên phổ biến, bóng đá đã là mảnh đất màu mỡ nhất có thể tưởng tượng đối với điều mà giờ đây chúng ta gọi là “tin tức giả.”

Giờ đây, ông Trump không ngừng đăng tweet và nói về “tin tức giả”, thường là mỗi khi ông nhìn thấy điều gì đó khiến ông không hài lòng. Các chính trị gia trên toàn thế giới sử dụng nó như một lời bác bỏ súc tích trước bất kỳ lời buộc tội nào khiến họ không thoải mái. Các ngôi sao thể thao và những người nổi tiếng ngày càng tìm đến nó như một cơ chế bảo vệ. (Khi tài khoản Instagram Mesut Özil của Arsenal bị hack cách đây không lâu, anh đã đề nghị người dùng mạng dừng việc phát tán “tin tức giả.”)

Cụm từ này đã được sử dụng thường xuyên đến mức có thể lập luận rằng vì nó đồng nghĩa với hầu hết mọi thứ, nên nó không còn có ý nghĩa gì nữa. Tuy vậy, đối với đại đa số, nó biểu thị một câu chuyện mà trong đó các thông tin bị tranh cãi hoặc bóp méo nhiều đến mức bản thân câu chuyện trở nên mềm dẻo. Nó là một câu chuyện được thiết kế để bắt rễ trong một môi trường mang tính phe cánh rõ rệt: Việc nó có thật hay không không quan trọng bằng việc khán giả đích của nó có muốn nó là thật hay không. Đó là một hiện tượng đã bị lợi dụng trong lĩnh vực bóng đá từ lâu.

Bóng đá đã từng là mảnh đất màu mỡ nhất có thể tưởng tượng đối với điều mà giờ đây chúng ta gọi là “tin tức giả”

Trong môi trường thể theo, người ta có thể nhìn thấy những viên gạch cơ bản nhất xây dựng nên một môi trường “hậu sự thật” gần như mỗi tuần: Một quyết định của trọng tài khiến một đội bóng nọ mất đi chiến thắng được ủng hộ bởi người quản lý ở phe có lợi, và bị lên án bởi phe chịu thiệt. Các cầu thủ và người hâm mộ bám chặt vào cách diễn giải phù hợp với họ, và giới truyền thông và tin tức, theo nghĩa vụ, đưa tin về tranh cãi đang nổ ra.

Nhưng chính trong những ngày dài và hỗn loạn của kỳ chuyển nhượng mùa hè, khi bóng đá trở thành “trò phụ” cho ngành kinh doanh chuyển nhượng cầu thủ, mới là lúc xu hướng này được thể hiện đúng bản chất nhất. Đó là lúc ranh giới giữa thực tế và hư cấu bị xóa nhòa, khi các câu lạc bộ, các nhà quản lý, các nhà môi giới đều đưa ra những biên bản bí mật ghi lại phiên bản của riêng họ về các sự kiện, khi mà bản thân sự thật cũng trở nên khó nắm bắt.

Trong tháng 7 này, chỉ trong vòng 24 tiếng, các nguồn tin không được xác định được cho là có quan hệ gần gũi với đội bóng Manchester United đã xác nhận với các phóng viên rằng CLB này đã đồng ý trả cho Everton 75 triệu bảng (gần 97 triệu USD) để có được tiền đạo ngôi sao Romelu Lukaku. Các nguồn tin ở Everton phủ nhận điều này. Các nguồn tin ở Chelsea, đội bóng cũng đang theo đuổi tiền đạo này, khăng khăng rằng câu lạc bộ vẫn còn hy vọng đạt được một thỏa thuận với Lukaku.

Tất cả những điều ấy không thể cùng là sự thật. Cũng có thể chẳng có điều nào là thật. Sự thật mà bạn chấp nhận phụ thuộc phần lớn vào việc bạn thấy điều nào là phù hợp nhất đối với bạn.

Lukaku (áo đỏ) bất ngờ cập bến Old Trafford dù trước đó đội bóng chủ quản  Everton bác bỏ bán anh cho Manchester United. 
Lukaku (áo đỏ) bất ngờ cập bến Old Trafford dù trước đó đội bóng chủ quản Everton bác bỏ bán anh cho Manchester United. 

Bóng ma có thật

Chính vì lý do này mà vào năm 2008, Varley đã xây dựng trò lừa của mình một cách chậm rãi, cẩn thận, sử dụng hết năng lực chuyên môn của mình.

Anh lựa chọn các đặc tính của Bugduv dựa trên Wayne Rooney – “mạnh mẽ, do vậy có thể hòa nhập ngay vào một đội bóng” – nhưng anh không “biến cậu ta thành siêu nhân.” Anh nhận thức được rằng tính chân thực chính là điều then chốt. Ở đội bóng Moldova mà anh sáng tạo ra, Bugduv ban đầu sẽ đóng vai trò hỗ trợ, thay vì hàng tá bàn thắng mỗi trận.

Trước tiên, Varley lan truyền tin tức về Bugduv trên nhiều diễn đàn khác nhau. Mỗi bài viết đều được viết theo phong cách của hãng AP: không có những từ ngữ hoa mỹ mang tính tuyên truyền, thẳng thắn, chỉ gồm những thực tế đơn giản. Anh đã tạo ra một tờ báo Moldova tưởng tượng, với cái tên là một cách chơi chữ thô tục của Ireland, và chỉ định cho Bugduv một người đại diện giả.

Varley đã chứng minh được rằng bóng đá là môi trường hoàn hảo để tin tức giả phát triển

Khi anh sẵn sàng để Bugduv được triệu tập lên đội tuyển quốc gia Moldova – và giúp đội đánh bại Luxembourg – Varley đã viết một bài liên hệ cầu thủ tưởng tượng này với Arsenal và đăng lên mạng. Trò lừa bắt đầu lan rộng.

Phần lớn các bài viết ban đầu về Bugduv đến từ các tài khoản của Varley. Nhưng chẳng bao lâu, cái tên của Bugduv đã được nhắc tới ở những nơi khác, không liên quan gì tới Varley.

“Người ta sẽ tin những gì họ muốn tin,” Varley nói. “Và có tồn tại mong muốn được nhìn nhận như thể bạn biết nhiều và không muốn thừa nhận rằng bạn không nắm rõ điều gì đó.”

Đương nhiên, cuối cùng trò lừa đã bị phát hiện. Nhưng đến khi đó, Varley cảm thấy luận điểm của anh đã được chứng minh. Bóng ma mà anh tạo ra đã đi tới cả những ấn phẩm chủ lưu có tiếng tăm, thậm chí còn được vào một bảng xếp hạng 50 cầu thủ trẻ hàng đầu châu Âu (đứng thứ 30).

“Trò lừa ấy được tạo ra không phải vì mục đích xấu,” Varley nói. Tuy nhiên, anh đã chứng minh được rằng bóng đá là môi trường hoàn hảo để tin tức giả phát triển. Nhìn lại vụ việc này, anh gọi Bugduv là “cầu thủ bóng đá hậu sự thật đầu tiên.”

Alvarp Morata được đồn đến Manchester United nhưng lại đạt thỏa thuận với  Chelsea. (Nguồn: Getty Images)
Alvarp Morata được đồn đến Manchester United nhưng lại đạt thỏa thuận với Chelsea. (Nguồn: Getty Images)

Những điều kiện hoàn hảo

Trong tháng Bảy này, đã có một ngày mà trang web bóng đá độc lập Football365, vốn bắt đầu hoạt động từ năm 1997, nhận được nhiều lượt truy cập đơn lẻ nhiều hơn bất kỳ ngày nào khác trong lịch sử. Đó là vào đầu tháng. Cúp Liên đoàn đã kết thúc, và giải vô địch U21 châu Âu cũng vậy. Mùa giải Ngoại hạng vẫn còn nhiều tuần nữa mới bắt đầu. Những lượt truy cập này nhiều khả năng là của những người đang tìm kiếm tin tức cập nhật về những tin đồn chuyển nhượng.

Nhu cầu đó được đáp ứng bởi một nguồn cung không biết mệt mỏi. Wenger thường xuyên phàn nàn rằng người ta liên hệ Arsenal với hàng trăm cầu thủ mỗi mùa Hè.

Theo một ước tính, Manchester United đã liên hệ với hơn 50 cầu thủ từ trước khi mùa chuyển nhượng bắt đầu, nhưng chỉ ký duy nhất một hợp đồng chuyển nhượng, đó là với hậu vệ trẻ người Thụy Điển Victor Lindelof, trước khi bổ sung thêm Lukaku. (Có vẻ ít nhất một trong số những bài viết vào đầu tháng 7 ấy là chính xác).

Manchester United đã liên hệ với hơn 50 cầu thủ nhưng chỉ ký duy nhất một hợp đồng với hậu vệ trẻ người Thụy Điển Victor Lindelof, trước khi bổ sung thêm Lukaku

Việc phần lớn tin đồn không bao giờ trở thành hiện thực dường như không khiến người ta chán nản, mà ngược lại. Như Varley đã nhận thấy sau vụ Bugduv, điều quan trọng không phải là sự thật chính xác, mà là phiên bản hấp dẫn nhất của sự thật. Trong khoảng thời gian giữa các mùa giải, việc nghe ngóng được rằng câu lạc bộ bạn yêu thích có thể ký hợp đồng với một cầu thủ nào đó là sự thay thế tốt nhất cho các trận đấu.

Trong thế giới “khát” tin đồn của truyền thông xã hội và các diễn đàn bóng đá, bất kỳ ai thỏa mãn được cơn khát đó cũng có thể thu hút được sự chú ý. Mỗi năm, một vài tài khoản mạng xã hội của những người được cho là người đại diện hoặc “tay trong” lại xuất hiện, tìm cách kiếm lợi bằng việc đề nghị tiết lộ những thông tin mà các nhà báo có tên tuổi không thể hoặc sẽ không đưa tin.

Một số trường hợp, giống như câu chuyện đáng nhớ về Duncan Jenkins – được người tạo ra anh, một nhà sáng tác nội dung tên là Sean Cummins – cho rằng có thể là “nhà báo hậu sự thật đầu tiên”, chỉ là những trò đùa vượt quá giới hạn. Những trường hợp khác thì nảy sinh với mục đích tiêu cực hơn một chút.

Cũng có những người đã tìm ra cách sống sót và phát triển, học cách hành động trong một môi trường mà thực tế giống như một thứ chất lỏng vô hình dạng, còn giới truyền thông chủ lưu thì không được người ta tin là đưa tin đầy đủ, kể cả khi người ta có tin họ đi chăng nữa.

Indy Kaila – nhà sáng lập IndyKaila, một nhãn hiệu mạng xã hội dành riêng cho chuyển nhượng – bắt đầu đăng những tin đồn lên Twitter vào năm 2012.

“Tôi có vài người bạn làm việc trong ngành truyền thông,” anh cho biết. “Họ thường nói với tôi nhiều điều, và tôi sẽ đặt cược chút tiền vào đó. Tôi nhận thấy rằng khi tôi tweet chúng – ‘tôi nghe ngóng được điều này, hãy đặt chút tiền vào nó’ – tôi bắt đầu có thêm người đăng ký theo dõi.”

Năm năm sau, Indy Kaila đã có hơn 250.000 người theo dõi trên tài khoản Twitter, và con số còn cao hơn thế trên Facebook.

Anh khẳng định – mặc dù không thể kiểm chứng điều này – rằng giờ đây anh thuê người giúp anh điều hành các tài khoản mạng xã hội. Tuy nhiên, Indy Kaila thực sự là ai thì vẫn còn là bí ẩn: anh không trả lời khi được hỏi anh đến từ đâu, làm nghề gì hay tên thật là gì.

Tuy vậy, Indy Kaila giờ đây vẫn có những thỏa thuận với một số nhà tài trợ, mặc dù anh không xác nhận việc đăng tải tin đồn chuyển nhượng có đem lại nguồn thu nhập chính cho anh hay không. Trong một thời gian ngắn, anh thậm chí còn có chỗ ở một đài phát thanh địa phương ở Leicester.

Indy Kaila đã trở thành một dạng trang tin tức theo kiểu riêng. “Tôi luôn để chữ ‘breaking’ lên đầu nếu đó là những thông tin đang được đăng ở nơi khác,” anh cho biết. “Nếu tôi viết chữ ‘exclusive’ (độc quyền), thì có nghĩa đó là thông tin của riêng tôi. Tôi đã làm rõ điều này với những người theo dõi tài khoản của mình.”

Trong bóng đá, điều quan trọng là việc người ta có muốn câu chuyện ấy thành hiện thực hay không. Người ta tin cái mà họ muốn tin, người mà họ muốn tin

Ngay từ đầu, mỗi khi anh đăng một tin đồn, một ai đó sẽ trả lời rằng anh chẳng là ai, một kẻ cơ hội, một kẻ giả tạo. Điều này vẫn xảy ra, nhưng nó không khiến người ta ngừng đăng ký theo dõi anh, và cũng không khiến anh ngừng đăng tin. Đó là vì độ tin cậy của thông tin mà anh đưa ra ngay từ đầu về cơ bản đã không quan trọng: anh cho biết giờ đây anh nhận được những thông tin từ các nguồn tin cậy – “những người làm việc ở cấp thấp trong các câu lạc bộ” – và khẳng định rằng đã có vài lần chính các cầu thủ đã liên hệ với anh để hỏi về nguồn tin của anh. Giả có thể là thật, và thật có thể là giả.

Giống như những đơn vị tin tức có tên tuổi, anh biết rằng dù thông tin đến từ nguồn nào, phần lớn những câu chuyện anh đăng sẽ chẳng thể xảy ra. Và cũng giống như họ, anh biết rằng điều đó không quan trọng. Trong bóng đá, điều quan trọng giờ đây là việc liệu người ta có muốn câu chuyện ấy thành hiện thực hay không. Người ta tin cái mà họ muốn tin, người mà họ muốn tin.

Vậy là ngay trước khi định gác máy sau khi đã kể lại những trải nghiệm của mình, Indy Kaila ngừng lại, rồi hỏi một câu hỏi. “Giờ thì,” anh nói, “anh có tin tức gì cho tôi không?”

Ronaldo luôn là tâm điểm của truyền thông mỗi khi diễn ra kỳ chuyển nhượng  cầu thủ.
Ronaldo luôn là tâm điểm của truyền thông mỗi khi diễn ra kỳ chuyển nhượng cầu thủ.