Ít ai ngờ từ một cậu bé ham ngủ nướng, chẳng muốn “động chân, động tay” vào việc gì, Ingvar Kamprad lại trở thành một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới.
Tính đến hết năm 2016, IKEA, tập đoàn bán lẻ nội thất do Kamprad sáng lập, đã có 389 cửa hàng trên toàn cầu, thu hút 915 triệu lượt khách hàng. Doanh thu của IKEA năm 2016 (tính đến 31/8/2016) là 35,1 tỷ euro, tương đương 39 tỷ USD.
Theo thống kê mới nhất của Bloomberg, hiện tại, vị tỷ phú 91 tuổi đang sở hữu khối tài sản trị giá 44 tỷ USD.
Món quà quý giá
Sinh vào ngày 30/3/1926 trong một ngôi làng nhỏ ở Agunnaryd, miền Nam Thụy Điển, Ingvar Kamprad lớn lên tại trang trại có tên là Elmtaryd. Năm 1897, ông nội của Kamprad đã dùng súng tự sát khi ông không thể trả tiền thế chấp cho trang trại. Nhờ khả năng tính toán và chăm chỉ làm việc, bà nội của Kamprad đã vực dậy cơ ngơi của gia đình. Bà nội cũng chính là một tấm gương để Kamprad học hỏi sau này.
Khi còn nhỏ, Kamprad luôn thích ngủ nướng, chẳng muốn làm việc gì. Mỗi lần bố cậu ngỏ ý muốn nhờ cậu vắt sữa bò, cậu rất miễn cưỡng và làm cho xong. Lo lắng về cậu con trai lười biếng, bố Kamprad thường nói: “Con cứ ngủ suốt ngày. Rồi con sẽ chẳng làm được trò trống gì đâu.”
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi khi Kamprad nhận được một món quà – một chiếc đồng hồ báo thức – vào đúng ngày sinh nhật.
“Từ nay, con sẽ bắt đầu một cuộc sống mới,” cậu quả quyết.
Kamprad hẹn giờ báo thức vào 5 giờ 50 phút buổi sáng. Đây thực sự là bước ngoặt trong cuộc đời Kamprad khi cậu bắt đầu hào hứng với nhiều việc khác hơn là ngủ nướng.
Năng khiếu kinh doanh của Kamprad bộc lộ từ khi cậu còn nhỏ. Khi lên 10, Kamprad phát hiện ra rằng nếu mua diêm với số lượng lớn ở Stockholm, khi bán lại tại làng mình, cậu có thể thu lời. Và cậu khởi nghiệp từ đó. Kamprad dốc tiền vào bất kỳ hoạt động hoặc sản phẩm nào mang lại lợi nhuận, từ việc bán hạt giống đến trang trí cây thông Noel…

Khi Kamprad 17 tuổi, bố của Kamprad thưởng cho cậu một số tiền vì thành tích học tập ở trường. Kamprad dùng chính số tiền này để mở một công ty nhỏ, đặt tên là IKEA. Cái tên này kết hợp từ hai chữ cái tên gọi của Kamprad (Ingvar Kamprad) và chữ cái đầu của tên trang trại cũng như ngôi làng mà cậu lớn lên (Elmtaryd và Agunnaryd). Ban đầu, công ty tập trung vào những sản phẩm mà Kamprad đã khởi nghiệp và chủ yếu đấu thầu các hợp đồng cung cấp bút chì. Sau đó, công ty mở rộng ra việc cung cấp các sản phẩm như ví, đồng hồ, trang sức, tất…
Trong vòng 5 năm, Kamprad đã có nhiều khách hàng đến mức chàng thanh niên này quyết định bán hàng nhờ hình thức đặt hàng qua bưu điện. Hằng ngày, Kamprad gửi sản phẩm thông qua các xe chở sữa ở địa phương.
Năm 21 tuổi, Kamprad đã tìm ra một sản phẩm mang lại thành công không chỉ cho IKEA mà còn mang đến một sự thay đổi lớn đối với sự nghiệp của mình.
Năm 1947, Kamprad đã quyết định mua một nhà máy bị bỏ hoang và bắt đầu sản xuất một dây chuyền đồ gỗ. Để tiết kiệm chi phí, Kamprad mua sản phẩm của những nhà sản xuất ở địa phương. Sản phẩm bán chạy đến mức năm 1951, Kamprad quyết định dừng tất cả các hoạt động khác và tập trung chính vào đồ nội thất. Kamprad tin rằng công ty có thể trở thành nhà cung cấp hàng nội thất ở phạm vi rộng hơn.
“Nhiệm vụ của chúng tôi là phải mở rộng,” Kamprad nói. “Thật tội nghiệp cho những ai không thể hoặc không dám tham gia cùng chúng tôi. Một tương lai huy hoàng.”
Vài năm sau, IKEA vướng vào cuộc chiến giá cả với đối thủ cạnh tranh chính của công ty. Khi cả hai bên cùng giảm giá, Kamprad quyết định quan tâm hơn đến chất lượng sản phẩm. Năm 1953, Kamprad tìm ra giải pháp cho vấn đề này bằng việc mở ra các phòng trưng bày. Phòng trưng bày đầu tiên của IKEA, được mở ra ở Almhult, đã nhận được những phản hồi tích cực. Lần đầu tiên khách hàng có thể đến xem trực tiếp sản phẩm trước khi đặt hàng và có thể thử nghiệm trước khi bỏ tiền ra mua. Với “canh bạc” này, Kamprad đã thu lời khi mọi người đổ xô đến các showroom của IKEA.
Hai năm sau đó, IKEA lại vướng vào rắc rối. Dưới áp lực của các đối thủ cạnh tranh, các nhà cung cấp bắt đầu tẩy chay IKEA. Đáp lại, Kamprad quyết định sẽ có một thay đổi đột phá: kể từ đó, IKEA sẽ tự thiết kế các sản phẩm nội thất.
Khi một nhân viên IKEA có ý tưởng bỏ những cái chân bàn đi để có thể cho sản phẩm vào xe ôtô, đó cũng là lúc bắt đầu một cuộc cách mạng đối với công ty. IKEA bắt đầu hướng tới các thiết kế có thể tháo lắp, xếp gọn lại được, vừa giảm chi phí, vừa có thể dễ dàng vận chuyển.
“Phần lớn mọi người đều không có lượng tiền lên đến 6 con số trong ngân hàng và không sống trong những căn hộ rộng rãi. Tôi lập ra IKEA là vì họ. Vì những người muốn sống trong những căn nhà tiện nghi. Đây là nhu cầu của tất cả mọi người ở tất cả các nước, các chủng tộc và tôn giáo,” ông chủ IKEA nghĩ vậy.
Từ quan điểm này, IKEA đã nhắm tới việc cung cấp các sản phẩm có chất lượng tốt, đa năng với giá thành hợp lý. Tầm nhìn này của Kamprad đã dẫn đến những thành công sau này của IKEA.
“Đối với một nhà thiết kế nội thất, việc thiết kế một chiếc bàn có chi phí 1.000 USD thì quá dễ, nhưng chỉ những nhà thiết kế giỏi nhất mới có thể làm ra một chiếc bàn tiện dụng như vậy với giá 50 USD,” Kamprad nói. Và ông muốn IKEA có những sản phẩm tốt nhất như vậy, không chỉ để giảm chi phí mà còn đưa sản phẩm của mình đến được với số đông.
“Điều gì tốt cho khách hàng thì về lâu dài cũng tốt cho chúng tôi,” ông nói.
Hàng thập kỷ sau đó, IKEA tiếp tục phát triển, mở những cửa hàng đầu tiên bên ngoài lãnh thổ Thụy Điển, từ Đan Mạch, Thụy Sĩ, Đức, Australia, Hong Kong (Trung Quốc), Pháp, Nga đến Mỹ, Canada…

“Thà keo kiệt một chút còn hơn ném tiền qua cửa sổ”
Nếu nhìn Kamprad, sẽ không ai ngờ đó là một tỷ phú. Ông nổi tiếng là một tỷ phú tiết kiệm. Suốt 20 năm, ông chỉ dùng một chiếc xe Volvo và luôn khẳng định rằng: “Nó vẫn còn mới nguyên.”
Thậm chí, khi không dùng chiếc xe này, người ta thấy ông sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Khi đi công tác, ông luôn đi máy bay giá rẻ và không ở những khách sạn sang trọng.
Trong một tài liệu viết vào năm 1976, ông nhấn mạnh: “Người IKEA không lái xe hào nhoáng và ở khách sạn đắt tiền.” Trên thực tế, Kamprad làm đúng như những gì ông nói. “Làm sao tôi có thể đề nghị nhân viên của mình tiết kiệm tiền đi lại trong khi tôi lại sử dụng phương tiện đắt tiền, tốn kém?,” ông phân trần.
Khi mới bắt đầu sự nghiệp, Kamprad thừa nhận rằng cách tốt nhất để khuyến khích mọi người làm việc chăm chỉ và phát huy những ưu điểm của mình chính là cách sống của ông.
“Tôi có thể chọn những chuyến bay hạng nhất, nhưng có nhiều tiền không có nghĩa là bạn có lý do để phung phí,” ông nói.
“Làm sao tôi có thể đề nghị nhân viên tiết kiệm tiền đi lại trong khi tôi lại sử dụng phương tiện đắt tiền, tốn kém?”
“Tại sao tôi lại nên chọn loại vé hạng nhất? Để được phục vụ một ly sâmpanh trên máy bay ư? Nếu chuyến bay đó có thể giúp tôi tới điểm cần đến nhanh hơn thì có thể tôi còn cân nhắc,” ông nói.
Tính tiết kiệm của Kamprad không chỉ dừng ở việc lựa chọn phương tiện đi lại. Kamprad thường viết hai mặt giấy và khuyến khích nhân viên làm như vậy để tránh lãng phí. Ông cũng từ chối việc có một phòng làm việc riêng và được trang bị tiện nghi.
“Tôi có thể có một phòng làm việc chả thiếu thứ gì, nhưng vì các cộng sự của tôi không được làm việc trong một căn phòng như vậy, nên chỉ cần một cái bàn trong một phòng làm việc chung với mọi người là tôi đã thấy hài lòng rồi,” Kamprad nói.
Khi nhìn lại những thành quả mình đạt được, tỷ phú Kamprad thừa nhận chính thói quen “cóp nhặt từng xu” của ông đã giúp IKEA trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu thế giới.
“Tôi không nghĩ là mình đang mặc thứ gì đó không phải mua ở chợ trời,” ông nói về thói quen mua quần áo “second-hand.”
Năm 2008, ông Kamprad từng tiết lộ rằng lần cắt tóc tốn 22 euro tại Hà Lan đã phá vỡ ngân sách dành cho việc “làm đẹp” của ông. Ông kể rằng mình hay cắt tóc trong chuyến công tác tới những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, để tiết kiệm tiền.
“Tiết kiệm là bản chất của người Smaland,” ông tự hào nói về quê mình, tỉnh thuần nông ở miền nam Thụy Điển.
Năm 1973, ông rời cơ ngơi kinh doanh của mình từ Thụy Điển sang Đan Mạch để giảm bớt tiền đóng thuế, trước khi tiếp tục tìm đến một nơi có biểu thuế thấp hơn nữa là Thụy Sĩ.
Khi tiêu tiền, Kamprad không chỉ nghĩ đến nhân viên mà còn đặt mình vào vị trí của khách hàng.
“Nếu ở vào vị trí của họ, điều gì sẽ khiến tôi mua hàng? Tôi hơi chặt chẽ trong khoản tiền bạc, nhưng chẳng sao cả. Tôi nhìn vào số tiền mình định tiêu và tự hỏi liệu khách hàng của IKEA có khả năng chi trả bằng ấy hay không,” tỷ phú bộc bạch.
Đó là lý do tại sao dù mua một chiếc bàn, một chiếc xe hơi hay thậm chí chỉ một chiếc bưu thiếp, Kamprad cũng mặc cả.
“Nếu bạn muốn nhận được tối đa kết quả, chỉ nói miệng thôi thì chưa đủ, mà phải làm gương,” Kamprad nói.
Quảng cáo sáng tạo của IKEA năm 2015. (Nguồn: YouTube)
Chỉ lúc say ngủ, người ta mới không mắc lỗi
Cả trong công việc và cuộc sống, Kamprad đều tận dụng tối đa thời gian của mình. Ông không hài lòng với những gì đã giành được và không ngủ quên trên chiến thắng. Ông thấy cuộc sống là một quá trình thiết lập các mục tiêu và biến chúng thành hiện thực.
“Thời gian là thứ nguồn lực quan trọng nhất của bạn,” Kamprad tâm niệm. Bạn có thể làm rất nhiều việc trong 10 phút. 10 phút đó, nếu trôi qua, phải trôi qua một cách có ích,” Kamprad nói.
“10 phút không chỉ là 1/6 của một giờ. 10 phút là một phần của chính bạn. Chia cuộc đời bạn thành những phần 10 phút và lãng phí các phần này cho những việc vô nghĩa càng ít càng tốt.”
Trong công việc, Kamprad luôn muốn tận dụng tối đa thời gian của mình. Ông từng nói rằng “Hầu hết mọi thứ vẫn đang cần được làm.”
“Cảm giác đã hoàn thành một việc gì đó thực sự là một viên thuốc ngủ. Một người về hưu cảm thấy mình đã làm đủ rồi nghĩa là người đó sẽ nhanh chóng héo mòn. Một công ty cảm thấy đã giành được mục tiêu rồi sẽ nhanh chóng trở nên trì trệ và xa rời thực tế.”
Tuy nhiên, Kamprad cũng thừa nhận sai lầm là điều không thể tránh khỏi trên con đường đi đến thành công.
“Chỉ những lúc say ngủ mới không bao giờ mắc lỗi,” Kamprad khẳng định. “Mắc sai lầm là một việc tích cực. Những người tỏ ra tiêu cực hoặc ngoan cố chứng minh rằng họ không sai, luôn là những người tầm thường,” Kamprad nhận định.
Khi ở vào tuổi “thất thập cổ lai hy,” Kamprad cũng không lo lắng về tuổi già của mình. Ông từng nói: “Tôi có rất nhiều việc phải làm. Thậm chí, tôi không có thời gian để chết,” ông hài hước.
“Tôi có rất nhiều việc phải làm. Thậm chí, tôi không có thời gian để… chết”
Sau khi trải qua một cuộc phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt, ông nói: “Bạn có biết khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong đời tôi là khi nào không? Là khi bác sỹ nói rằng ca phẫu thuật thành công. Tôi rất vui mừng và cảm thấy mình trẻ lại.”
Hiện nay, Kamprad không còn trực tiếp điều hành công việc nữa nhưng IKEA vẫn là tập đoàn tư nhân. Tương lai của IKEA nằm trong tay của một trong ba người con trai của Kamprad, dù ông chưa quyết định người đó là ai. Ông đặt ra một thử thách cho các con của mình: người nào thành công nhất trong việc điều hành Habitat, dây chuyền đồ gỗ cao cấp của IKEA, người đó sẽ không chỉ phụ trách công ty mà còn thừa kế tài sản của gia đình.
Người ta tin tưởng IKEA sẽ tiếp tục thành công, bởi ông chủ của nó chưa bao giờ muốn dừng lại. “IKEA không phải là công ty hoàn hảo. Tôi cực kỳ phấn khích nếu nghe thấy ai đó nói rằng ‘IKEA là công ty tốt nhất thế giới.’ Chúng tôi đang trên con đường hướng tới mục tiêu đó, và chắc chắn, hiện giờ chúng tôi chưa đi đến đích”./.
