Chú gấu ngựa Zebedee

gau-1496389800-31.jpg

Chú gấu ngựa Zebedee là một “bệnh nhân” quen thuộc của các bác sỹ tại Trung Cứu hộ Gấu Việt Nam khi có một lỗ thông giữa khoang mũi và miệng, là di chứng của việc bị đánh vào mặt khi còn nhỏ.

Trong 15 năm sống trong trại gấu, chú gấu ngựa này đã bị nhốt trong lồng sắt ở một góc bếp tối tăm và bị trích hút mật thường xuyên.

Sau khi được Tổ chức Động vật Châu Á cứu hộ vào năm 2009, các bác sỹ thú y đã phải nhổ gần hết răng của Zebedee vì bị sâu hỏng quá nhiều và cắt bỏ túi mật do những thương tổn không thể cứu chữa trong quá trình bị chọc kim trích hút mật quá nhiều lần.

Suốt gần 20 năm trời, những mẩu thức ăn và các dị vật khác đã đi từ miệng lên khoang mũi, khiến Zebedee dễ bị mắc các bệnh do nhiễm khuẩn như viêm phổi, viêm phế quản. Gương mặt của Zebedee vốn không được lành lặn. Khi còn nhỏ, chú gấu này đã bị bắt trộm và bị đánh vào mặt khi tìm cách chạy trốn. Chú gấu này ăn uống cũng rất khó khăn vì dị tật miệng.

Tháng 10/ 2016, Bác sỹ Mandala Hunter, người trực tiếp khám chữa bệnh cho Zebedee đã phát hiện chú gấu này bị ho, khó thở và phát hiện chú đang bị viêm phổi, phế quản. Bệnh của Zebedee có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh, nhưng để điều trị tận gốc nguyên nhân gây nhiễm trùng thì cần được chuyên gia phẫu thuật.

Các bác sỹ thú y của Tổ chức Động vật Châu Á đã liên lạc với bác sỹ Alane Cahalane, một chuyên gia phẫu thuật thú y để giúp làm phẫu thuật chỉnh hình đóng lại chỗ hở lâu ngày trong khoang mũi miệng này của Zebedee.

Ngày 29/5 vừa qua, Bác sỹ Alane Cahalane đã sang Việt Nam để phẫu thuật cho gấu tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam. Ngoài Zebedee, gấu ngựa Murko, cũng có lỗ thông giữa khoang mũi và miệng do biến chứng nhổ răng nanh từ nhiều năm trước.

Trước đây, các phẫu thuật chỉnh hình chưa được thực hiện trên gấu, nhưng bác sỹ Cahalane đã là người tiên phong trong lĩnh vực này.

Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam có đến gần 50% các chú gấu bị các thương tổn do quá trình bị nuôi nhốt và lạm dụng ở các trang trại. Phần lớn chúng bị cụt chi, mù mắt, hoặc có tổn thương về gan, túi mật, xương khớp. Những cá thể gấu đó sẽ không thể thả về tự nhiên, và cần sự chăm sóc về y tế thường xuyên, liên tục.

Zebedee được các chuyên gia cứu hộ ở Huế vào năm 2009 và là một trong những cá thể đặc biệt.

Khi đến giải cứu Zebedee tại trại giam, các chuyên gia được dắt đi xuyên qua ngôi nhà đến khu bếp, nơi chuồng gấu bị đặt ở trong một góc tối.

“Nơi đó tối đến mức chúng tôi hầu như không nhìn thấy chú gấu. Zebedee đã bị nhốt ở đó trong suốt 15 năm mà không có một tia nắng mặt trời nào rọi đến. Mũi của Zebedee bị hỏng hoàn toàn, dường như không thể bình phục lại được do chú bị bắt khi còn là một chú gấu con.

Khẩu phần ăn tồi tệ đã làm hỏng răng của Zebedee. “Trong lần kiểm tra sức khỏe đầu tiên, người ta đã phải nhổ đi 12 chiếc răng của chú. Sau này, trong lúc phẫu thuật cắt bỏ túi mật bị hỏng nghiêm trọng của Zebedee, các bác sĩ thú y còn tìm thấy một chiếc tăm trong bụng chú gấu” – Tiến sĩ Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam kể.

Ngày 29/5 vừa qua, chú gấu Zebedee đã được gây mê để tiến hành ca phẫu thuật chữa di tật ‘hở hàm ếch’. Các nhân viên tại Trung tâm cứu hộ sẽ gọi Zebedee cho ăn các đồ ăn ngon để cho nó làm quen với việc chuyển sang lồng nhỏ hơn.

Một y tá sẽ đánh lạc hướng gấu rồi bác sỹ phẫu thuật sẽ gây mê bằng hướng khác. Phải mất vài phút, đợi cho chú gấu ngủ hoàn toàn rồi mới chuyển ra lồng vận chuyển và đưa sang bàn mổ.

Ca mổ cho chú gấu có nhiều tổn thương cần có chuyên gia nhiều kinh nghiệm. Bác sỹ Alane Cahalane đã tình nguyện sang Việt Nam giúp miễn phí ca phẫu thuật phức tạp này.

Trong quá trình mổ, chú gấu Zebedee sẽ được theo dõi sức khỏe liên tục vì chỉ cần một sai sót nhỏ cũng gây nguy hiểm.

Những cái nắm tay thật chặt của các nhân viên Trung tâm cứu hộ Gấu như muốn cầu chúc cho ca mổ của Zebedee thành công.

Các y tá sẽ đặt ống thông, ống thở oxy và liên tục theo dõi các chỉ số sinh mạng của gấu. Các bác sỹ theo dõi nhịp tim, nhịp thở, huyết áp của Zebedee giống như một người đang phẫu thuật.

Ca phẫu thuật diễn ra trong khoảng từ 2-3 tiếng đồng hồ, đòi hỏi sự tập trung cao độ của bác sỹ.

Cận cảnh lỗ hở giữa khoang mũi và miệng của chú gấu Zebedee.

Zebedee có một lỗ hở giữa khoang miệng và mũi nên khi ăn và chơi đồ ăn, đất bẩn sẽ chui vào khoang khiến chú gấu đáng thương này hay bị ốm.

Ca phẫu thuật được chuẩn bị và thao tác kỹ không khác gì cho con người.

Các y tá đang kiểm tra khớp xương, nhiệt độ cơ thể gấu để xử lý, phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.

Bệnh của Zebedee có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh, nhưng để điều trị tận gốc nguyên nhân gây nhiễm trùng thì cần được chuyên gia phẫu thuật.

Các y tá đang giữ ấm cơ thể Zebedee bằng chăn và quần áo bông.

Móng chân của Zebedee sẽ được cắt gọn gàng trong quá trình phẫu thuật.

Sau khi phẫu thuật, Zebedee sẽ được cách ly 2-3 tuần, đề phòng trường hợp các chú gấu chơi với nhau cào cấu sẽ làm vết thương rộng ra. Vì có vết khâu nên Zebedee sẽ được ăn các đồ ăn mềm hơn.

Ca phẫu thuật Zebedee bước đầu đã thành công như mong đợi. Chú gấu này sẽ cần ít nhất 3 tuần để hồi phục hoàn toàn với chiếc mũi không còn biến chứng. Ước tính chi phí thuốc men và vật dụng y tế và vận chuyển máy móc chữa trị sang Việt Nam là gần 2000 USD, được hai nhà hảo tâm người Anh tài trợ toàn bộ.

Nhận định về kết quả của ca phẫu thuật cho Zebedee, bác sỹ Cahalane cho biết: “Tôi nghĩ ca phẫu thuật đã kết thúc rất tốt đẹp, vượt qua cả dự kiến của tôi. Các mô trong miệng rất khỏe mạnh nên tôi có thể vá lỗ hở rất chắc chắn, nên tôi nghĩ kết quả rất tốt. Quá trình gây mê rất an toàn và ổn định, dưới sự giám sát của đội ngũ thú y của Trung tâm, và thực sự mọi chuyện diễn ra rất tốt đẹp, tôi thấy rất vui.”

Bác sỹ Cahalane cũng khuyến cáo: “Sẽ phải mất vài tuần các mô mới lành hẳn. Trong thời gian đó, quan trọng là gấu chỉ ăn thức ăn mềm để không phải nhai cắn đồ cứng. Ngoài ra, cũng cần hạn chế gấu chơi so với bình thường, vì tôi biết là gấu vốn rất ham chơi và nếu chơi quá mạnh bằng miệng, chỉ có thể bị bục ra hoặc đứt. Vậy nên cần 2–3 tuần với chế độ ăn mềm, ít kích thích, nghỉ ngơi nhiều hơn bình thường, để vết mổ lành lặn hoàn toàn trong thời gian ngắn nhất.”

Những chú gấu này may mắn được Tổ chức Động vật Châu Á đưa về sống tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, được sống thoải mái tự do trong các khu bán tự nhiên xanh mướt, và được đảm bảo chăm sóc trong suốt phần đời còn lại bởi các nhân viên và bác sỹ chuyên gia thú y của Tổ chức.

Nhờ sự chăm sóc tận tình của bác sĩ thú y đến từ nước ngoài, giờ đây, Zebedee là một chú gấu hạnh phúc sống ở một khu bán hoang dã rộng rãi ngoài trời cùng với 20 bạn nữa. Điều tốt đẹp nhất mà Zebedee được nhận mà chú cũng thích nhất là được nằm dài hưởng thụ những vạt nắng mà trong suốt 15 năm chú không được cảm nhận.

Bác sỹ Phẫu thuật Alane Kosanovich Cahalane

Chuyên gia được Hội Phẫu thuật Thú y Động vật nhỏ Hoa Kỳ chứng nhận.Chuyên gia Phẫu thuật Thú y Hoa Kỳ

Bác sỹ Cahalane là chuyên gia phẫu thuật thú y đầu tiên có chứng nhận của Hội Phẫu thuật Thú y Mỹ đến sống và làm việc ở Hong Kong. Trong bốn năm thực tập nội trú, Bác sỹ Cahalane đã được nhận được sự chỉ bảo trực tiếp của các chuyên gia hàng đầu thế giới về phẫu thuật thú y, gây mê, nội khoa, cấp cứu và hồi sức tích cực, và bệnh học ung thư. Sau khi vượt qua đợt kiểm tra sát hạch gắt gao để nhận chứng chỉ của Hội Phẫu thuật Thú y Mỹ ngay trong lần đầu tiên tham gia, Bác sỹ Cahalane chuyên môn tập trung vào phẫu thuật chỉnh hình, thần kinh, điều trị ung thư và phẫu thuật mô mềm cho vật nuôi trong nhà.

Sau khi đến Hong Kong để chỉ đạo chương trình tập huấn phẫu thuật nội trú đầu tiên trong khu vực, Bác sỹ Cahalane đã trực tiếp hướng dẫn cho một bác sỹ địa phương về các kỹ năng phẫu thuật và y khoa. Trước nhu cầu lớn về phẫu thuật chuyên biệt ở Hong Kong, bác sỹ Cahalane hiện đang tập trung vào phẫu thuật điều trị ung thư, thay khớp, và các kỹ thuật ít xâm hại cơ thể. 

Vào tháng 3 và tháng 4 năm 2015, bác sỹ Cahalane đã đến Trung tâm Cứu hộ gấu Thành Đô, Trung Quốc để thực hiện hai cuộc phẫu thuật cho cá thể gấu tên Claudia. Cá thể gấu này đã bị gãy xương không rõ nguyên nhân. Chụp CT cho thấy đầu xương cánh tay của cá thể gấu này đã không hóa xương đầy đủ nên không thể chịu được trọng lượng cơ thể gấu. Đây là chứng bệnh rất hiếm gặp, chưa từng được phát hiện ở bất kỳ loài gấu nào.

Sau hai ca phẫu thuật rất phức tạp lần đầu tiên được thực hiện cho gấu, bác sỹ Cahalane đã đặt vít và một tấm kim loại titan để giúp chữa lành và gia cố chỗ xương yếu bị gãy của Claudia để giúp cá thể gấu này có thể đi lại trở lại. Bác sỹ Cahalane đã sử dụng mô hình in 3D xương của Claudia để lên kế hoạch trước khi phẫu thuật để đảm bảo thành công cho ca phẫu thuật đột phá này.