Bất chấp lượng ấn bản lưu hành giảm sút và danh tiếng bị sứt mẻ, các tờ báo lá cải vẫn duy trì được sự bám trụ quyền lực của mình khi nước Anh chuẩn bị cắt đứt quan hệ với Liên minh châu Âu.
Tony Gallagher, tổng biên tập của The Sun, một trong những tờ báo lá cải có tiếng nói và sức ảnh hưởng lớn nhất ở Anh, luôn nhìn chính phủ với vị thế đứng trên, theo đúng nghĩa đen. Từ độ cao của tòa soạn ở tầng 12, tất cả các cửa sổ đều bằng kính với tầm nhìn rộng, Điện Westminster trông như một tòa lâu đài đồ chơi, một thứ để vui đùa hoặc lờ đi nếu muốn.
Gallagher cũng ngồi cao hơn tổng biên tập của tờ Times of London, tờ báo có chừng mực hơn với văn phòng nằm ngay tầng dưới, và luôn kéo rèm che kín cửa sổ. Hệ thống phân cấp được thể hiện rất rõ.
Ở Xứ sở Sương mù, sau cuộc bỏ phiếu về cái gọi là Brexit, quyền lực của những tờ báo lá cải là một điều hiển nhiên. Số ấn bản lưu hành của họ có thể giảm xuống, và danh tiếng của họ có thể sứt mẻ bởi một loạt những vụ bê bối nghe lén điện thoại. Nhưng khi đất nước chuẩn bị cắt đứt quan hệ với Liên minh châu Âu sau một chiến dịch ồn ào và đôi khi là khó chịu, những chính trị gia hàng đầu đang ve vãn các tờ báo lá cải và sợ hãi cơn thịnh nộ của họ. Các đài phát thanh theo sát những gì các tờ báo này chỉ ra, nếu không muốn nói là thể hiện cùng giọng điệu trong cùng chủ đề.
Những độc giả của họ, nhiều người đã ngoài 50 tuổi, thuộc tầng lớp lao động và sống ở ngoại ô London, rất giống những cử tri đóng vai trò quan trọng trong kết quả trưng cầu ý dân năm ngoái về quan hệ thành viên của Anh tại Liên minh châu Âu. Đó là những công dân của “vùng đất Brexit” mà các tờ báo lá cải ngụ ý đại diện ngay tại trái tim của lãnh thổ kẻ thù: Trú tại những tòa nhà nguy nga trong một số khu dân cư đắt đỏ nhất London, họ tự coi mình là những đại diện của tầng lớp trung lưu Anh Quốc ở London.
Trong chiến dịch dẫn đến cuộc bỏ phiếu chóng vánh hôm 8/6, hầu hết các tờ báo lá cải đều có thể được trông cậy để hành động như những người bảo vệ kiên trung của Brexit và như một bộ phận cổ vũ cho chính phủ đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May – mặc dù thành phố nơi họ đang trú ngụ lại bỏ phiếu theo hướng ngược lại.
Gallagher đã để lại dấu ấn trên ba tờ báo ủng hộ Brexit mạnh mẽ nhất của Anh. Ông từng là tổng biên tập tờ Daily Telegraph, một tờ báo theo quan điểm bảo thủ, và phó tổng biên tập tờ báo của thị trường tầm trung Daily Mail, một trong những đối thủ chính của The Sun, trước khi Rupert Murdoch chiêu mộ ông về cách đây 20 tháng. Nghiên cứu của đại học Loughborough cho thấy, kết hợp lại, ba tờ báo này là lý do trọng tâm khiến độ phủ sóng trên báo chí của chiến dịch trưng cầu dân ý lệch về tỷ lệ 80-20 theo hướng ủng hộ Brexit.

Tại sảnh đợi bằng đá hoa cương và ốp toàn kính của tòa nhà cao 17 tầng mang tên News Building (Tòa nhà Tin tức), thuộc đế chế truyền thông tại Anh của tỷ phú Murdoch, có một tấm biển nhỏ kỷ niệm ngày khai trương tòa nhà hồi năm 2014 bởi Boris Johnson, người khi đó là thị trưởng London và hiện là Bộ trưởng Ngoại giao của Anh.
Ông Johnson, người có mái tóc hoang dã và sự dí dỏm, đã trở thành kiến trúc sư trưởng của Brexit. Bốn tháng trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý, ông đã dùng sức ảnh hưởng của mình để hỗ trợ cho lý do mà tới khi đó vẫn được liên hệ chặt chẽ với đảng Tự do theo chủ nghĩa dân túy của Anh. Nhưng đóng góp chính của ông với Brexit đã bắt đầu từ hơn hai thập kỷ trước.
Từng là phóng viên tại Brussels của tờ Daily Telegraph trong những năm đầu thập niên 90, ông Johnson được các đồng nghiệp coi là người đi đầu việc đưa tin tức ngờ vực về Liên minh châu Âu, mà kể từ đó đã trở thành bối cảnh mặc định cho nhiều tớ báo ở Anh. Vốn không quan tâm mấy đến sự thật – từng bị tờ Times of London đuổi việc vì bịa ra một lời trích dẫn – Johnson đã viết về một châu Âu đang lên kế hoạch áp dụng quy định về kích thước chuẩn của bao cao su và cấm món khoai tây chiên có vị cocktail tôm yêu thích của nước Anh (cả hai đều không phải sự thật).
Các nhà phê bình nói rằng các tờ báo lá cải đã đầu độc cuộc tranh luận bằng cách chơi đùa với những bản năng và định kiến tồi tệ nhất của con người, làm méo mó sự thực
“Boris đã phát minh ra tin tức giả,” Martin Fletcher, cựu biên tập viên nước ngoài của tờ Times, người đã có mặt ở Brussels không lâu sau ông Johnson nhận định. “Ông ta đã biến chủ nghĩa nghi ngờ châu Âu thành một hình thức nghệ thuật mà mọi biên tập viên tin tức ở London mong đợi.”
Fletcher cũng nói thêm rằng, trước cuộc trưng cầu dân ý, “Boris đã lên chiến dịch dựa theo bức biếm họa Brussels mà ông ta đã tự mình tạo ra.”
Chiến dịch được dánh dấu bằng những câu nói tu từ chống nhập cư không mệt mỏi và những lời nói dối lớn bị sa lầy: 350 triệu bảng Anh (khoảng 450 triệu USD theo tỷ giá hiện tại) mà nước Anh phải trả cho Liên minh châu Âu mỗi tuần (tin giả) và triển vọng hàng triệu người Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tràn sang Anh nếu nước Anh ở lại với Liên minh (Thổ Nhĩ Kỳ còn chưa tham gia khối này). Hai năm trước, Liên Hợp Quốc đã hối thúc Anh xử lý những phát ngôn thù ghét trên báo chí ở nước mình, nêu rõ một cột tin trên tờ The Sun đã so sánh người nhập cư với loài gián và norovirus (một chủng virus gây bệnh tiêu chảy, nôn mửa và đau bụng).
Các tờ báo lá cải nói rằng họ chỉ đơn thuần phản ánh những quan ngại và lo sợ của độc giả. Nhưng các nhà phê bình lại nói rằng họ đã đầu độc cuộc tranh luận bằng cách chơi đùa với những bản năng và định kiến tồi tệ nhất của con người, làm méo mó sự thực và tạo ra một bệ phóng tuyên truyền truyền bá sự không khoan dung và định hình chính sách.

Kính trọng, và kinh sợ
Tôi đã gửi thư cho Gallagher đề nghị được phỏng vấn vào ngày 29/3, cùng ngày mà nước Anh gửi thư đến cho các lãnh đạo Liên minh châu Âu ở Brussels, chính thức bắt đầu các cuộc đàm phán Brexit dài hai năm. Tôi lập luận rằng khó mà hiểu được nước Anh ngày nay nếu không hiểu về những tờ báo lá cải. Ông đã đồng tình.
Thang máy chạy qua văn phòng của tờ Wall Street Journal, cơ quan tin tức của Dow Jones, tờ Sunday Times và tờ Times để tiến thẳng lên tòa soạn của The Sun. Tỷ phú Murdoch, chủ sở hữu của The Sun từ năm 1969, có văn phòng ở ngay bên trên.
Tại tờ Telegraph, Gallagher giành được sự kính trọng vì đã phụ trách tuyến tin về một trong những bê bối chính trị lớn nhất trong lịch sử gần đây của nươc Anh: Hơn 20 nhà lập pháp phải từ chức sau khi tờ báo này tiết lộ việc lạm dụng ở diện rộng tiền phụ cấp và các khoản chi phí được trả cho những bồn cầu gỗ sồi và dọn sạch một con hào.
Nhưng ông cũng có tiếng là nóng tính. “Người đưa thư,” một cuốn sách mới về tờ Daily Mail, nơi Gallagher đã dành phần lớn thời gian trong sự nghiệp, trích lời những đồng nghiệp cũ mô tả ông là “biểu tượng của cái chết,” người “mang nỗi sợ hãi ma quỷ đến cho các phóng viên.”
Với dáng người cao và gọn gàng, ông chỉ cho tôi đến chỗ ngồi đối diện với góc nhìn toàn cảnh thành phố London. Trong suốt cuộc trò chuyện, ông rất thận trọng và gần như không cười, nhưng rất lịch sự. (Ông gọi là điều mô tả về mình trong cuốn sách là “xấu tính.”)
Một cách tự phát, ông chỉ tới một cầu thang và giải thích rằng tòa soạn của The Sun là nơi duy nhất trong tòa nhà có lối dẫn trực tiếp lên tầng của ban lãnh đạo. (“Họ lên xuống cầu thang suốt,” một nhà báo sau đó cho biết. “Họ” ở đây là tỷ phú Murdoch, khi ông ta có mặt, và Rebekah Brooks, cựu tổng biên tập của The Sun và tờ News of the World hiện đã ngừng hoạt động, người từng bị buộc các tội danh hình sự liên quan đến nghe lén điện thoại, nhưng sau đó đã được bồi thẩm đoàn tuyên trắng án năm 2014.)
Tòa soạn của The Sun là nơi duy nhất trong tòa nhà có lối dẫn trực tiếp lên tầng của ban lãnh đạo.
Gallagher vẫn đang sung sướng tận hưởng kết quả của một cuộc đối đầu với chính phủ gần đây. Tờ The Sun đã in nhiều hình dán và đăng một bài đặc biệt dài 8 trang về việc tăng tiền đóng bảo hiểm của những người tự kinh doanh sẽ làm tổn hại thế nào đến những “người lái xe tải màu trắng,” cụm từ chỉ những người thuộc tầng lớp lao động, những người mà theo quan điểm của The Sun là đang không được đối xử công bằng.
Đó là lần đầu tiên các tờ báo lá cải tấn công vào chính quyền mới 9 tháng tuổi của bà May, và bà đã phải nhanh chóng rút lui. “Họ mất chưa đến một tuần”, Gallagher nhớ lại.
Ông kể lại cơn giận dữ của ông David Cameron – người tiền nhiệm giữ chức thủ tướng của bà May, người đã kêu gọi trưng cầu dân ý và lập chiến dịch để ở lại Liên minh châu Âu – khi tờ The Sun quay lưng lại với ông về vấn đề Brexit với một cuộc công kích rát bỏng trên trang nhất.
Gallagher cũng đã có một cuộc gặp được hẹn trước với ông Cameron vào hôm đó – “Chỉ để theo kịp tình hình thôi”, vị tổng biên tập nhớ lại. Ông Cameron đã nguyền rủa “về những thông tin mà ông nhận được trong những giai đoạn đầu của cuộc trưng cầu,” Gallagher cho hay. “Ông ấy giận đến đỏ bừng mặt.”
“Tôi phải ngậm bút vào miệng vì tôi nghĩ mình sẽ phá ra cười mất,” ông nói thêm.
Ở khía cạnh tích cực nhất, những tờ báo lá cải bất kính của nước Anh đưa tin mà không sợ hãi hay cần ưu ái gì, quyết liệt bắt các nhân vật tinh hoa chính trị chịu trách nhiệm. Nhưng thực tế là họ chọn lựa người để săn đuổi – và hay khoe khoang. Năm 1992, khi đảng Bảo thủ bất ngờ đánh bại đảng Lao động sau một chiến dịch chống đảng Lao động điên cuồng trên tờ The Sun, tiêu đề của tờ báo đã tuyên bố rằng “The Sun mới là người mang đến chiến thắng.”
Và Brexit? Có phải cũng là The Sun khiến nó xảy ra không?
“Chúng tôi đã vận động cho Brexit,” Gallagher cẩn trọng chọn từng từ. “Tôi không nghĩ chúng tôi đã khiến Brexit xảy ra.”
Vào tháng Sáu, chưa đầy một giờ sau khi có kết quả trưng cầu dân ý, ông lại thể hiện một giọng điệu hoàn toàn khác trong một tin nhắn văn bản tới một nhà báo của tờ Guardian: “Quá kinh khủng trong bối cảnh quyền lực của báo in đang giảm sút.”

Phản chiếu hay kích động người đọc?
Theo một phân tích gần đây của Liên minh Cải cách Truyền thông, các lãnh đạo cấp cao của những công ty thuộc sở hữu của ông trùm Murdoch đã gặp mặt thủ tướng hoặc bộ trưởng ngân khố 10 lần trong năm kết thúc hồi tháng 9, khi nghiên cứu này được hoàn tất – nhiều hơn bất kỳ tổ chức truyền thông nào trong nước.
Tuy nhiên, The Sun hiện nay chỉ bán được 1,6 triệu bản in (hơn 80% số đó là ở ngoài London và vùng đông nam giàu có của nước Anh), giảm từ mức đỉnh 4,7 triệu bản hồi giữa những năm 1990. Tờ báo này đã bị lỗ hơn 60 triệu bảng Anh (khoảng 75 triệu USD) trong năm ngoái.
Tại sao các chính trị gia vẫn sợ hãi đến vậy?
“Thực tế là báo in, những tờ báo quốc gia, đã thiết lập chương trình nghị sự ở đây hiệu quả hơn so với các đài phát thanh truyền hình về cơ bản là một phương tiện phản ứng,” Gallagher nhận định và lưu ý rằng báo chí có thể tiếp tục đánh hiệu quả vào những vấn đề nhất định.
“Vì vậy nếu bạn là một tờ báo đang phản ánh sự thật rằng tất cả những điều luật của chúng ta được lập ra ở châu Âu, cuối cùng điều đó cũng sẽ thấm vào nhận thức của mọi người trên toàn quốc,” ông nói.
Đương nhiên nước Anh tự đặt ra rất nhiều điều luật cho mình. Nhưng đó là một lựa chọn ví dụ thú vị. Một ví dụ rõ ràng hơn có thể là vấn đề nhập cư.
Nghiên cứu của một cựu nhà báo của tờ Times, Liz Gerard, cho thấy các tờ báo lá cải đã liên tục nã vào vấn đề nhập cư, với ít nhất 30 trang nhất thể hiện sự thù địch rải rác trên tờ Daily Mail trong vòng 6 tháng dẫn đến cuộc trưng cầu dân ý, và 15 trang tương tự trên tờ The Sun. Các tiêu đề – “Biên giới mở tung của nước Anh,” như tờ Daily Mail viết – thường có xu hướng thể hiện sự đạo đức giả. The Sun đã bóng gió rằng những trẻ em tỵ nạn đến Anh đã khai gian tuổi và phải đi chụp X-quang răng để kiểm tra.
“Hãy cho chúng tôi xem răng,” một dòng tít viết.
“Nhưng họ đang đăng tải những thông tin không chính xác và bị bóp méo, tác động đến cách mọi người cảm nhận những gì họ đang cảm nhận.” (Greenslade, giáo sư về báo chí tại Đại học thành phố London)
Một tuần trước đó, tôi đã gặp Kelvin MacKenzie, một cựu biên tập viên của tờ Sun kiêm người phụ trách một chuyên mục, sau đó đã bị đình chỉ vì gọi một ngôi sao bóng đá đa chủng tộc là một “con khỉ đột.” Ông nói rằng tờ báo vẫn phản ánh “trái tim đang đập của nước Anh,” và Brexit đã có chiến thắng “bỏ xa nghìn dặm” so với vấn đề nhập cư.
Gallagher tỏ ra tinh tế hơn.
“Đó là chuyện kết hợp giữa nhập cư, chủ quyền dưới một bóng ô rộng lớn hơn của việc lấy lại quyền kiểm soát, và suy nghĩ rằng, với tư cách một quốc gia, chúng ta không còn kiểm soát được số mệnh của mình nữa,” ông nói.
The Sun, tờ báo đã tuyển dụng một số nhân viên ngay từ khi họ còn học trung học, có một mối quan hệ gần như là riêng tư với các độc giả của mình, giống như mối quan hệ với một người bạn đáng tin cậy ở quán rượu.
Gallagher lưu ý rằng những tờ báo khác thuộc tập đoàn của tỷ phú Murdoch vẫn ủng hộ việc ở lại Liên minh châu Âu, phản ánh những quan điểm của độc giả. Trong nhóm đó có phiên bản Scotland của The Sun, và cũng giống như những cử tri Scotland, ủng hộ việc ở lại.
“Điều đó hợp lý về mặt thương mại,” Gallagher nói. Nhưng ông cũng là một người nhiệt tình theo chủ nghĩa nghi ngờ châu Âu suốt nhiều năm.
“Không có gì phải nghi ngờ, chúng tôi đã sống dựa trên sự nhiệt tình của người dân,” Gallagher cho biết. Tuy nhiên ông cũng nói thêm rằng, “ý tưởng bằng cách nào đó chúng tôi có thể lôi kéo những độc giả không sẵn lòng theo một quan điểm nào đó họ không có là một ảo tưởng.”
Roy Greenslade, một cựu biên tập viên tại The Sun lại không đồng tình. Ông cho biết, năm 1975, lần gần đây nhất nước Anh tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về quan hệ thành viên với tổ chức khi đó được gọi là Cộng đồng Kinh tế châu Âu, cũng là thời điểm các cuộc thăm dò dư luận cho thấy hầu hết mọi người ủng hộ dứt áo ra đi, nhưng tất cả các tờ báo (trừ tờ Morning Star) lại vận động cho việc ở lại. Và người dân đã bỏ phiếu ở lại.
“Mọi biên tập viên theo chủ nghĩa dân túy sẽ nói với bạn rằng, ‘Chúng tôi chỉ đơn thuần phản ánh và làm rõ quan điểm của công chúng,’” Greenslade, người hiện là một giáo sư về báo chí tại Đại học thành phố London cho biết. “Nhưng họ đang đăng tải những thông tin không chính xác và bị bóp méo, tác động đến cách mọi người cảm nhận những gì họ đang cảm nhận.”

Những tiêu đề “sáng tạo”
Lúc đó là 2h30 chiều, và Gallagher đã biên tập xong từ trang 3 đến trang 29 của số báo ngày hôm sau. Ông kỳ vọng trang nhất sẽ đăng bài về đám tang của sĩ quan cảnh sát thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố ở Westminster gần đây. Người vợ góa và con của sĩ quan này sẽ xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên, và có thể sẽ có những bức ảnh “đầy cảm xúc”, ông cho biết. Nhưng quyết định đó sẽ không chắc chắn cho tới khi diễn ra cuộc họp thống nhất nội dung trang 1 vào lúc 5 giờ chiều.
Gallagher cho biết ông từng dự một cuộc họp tin tức tại tờ New York Times. Ông không thấy ấn tượng gì mấy.
“Tôi đã bị sốc khi thấy sự sáo mòn và chẳng có mấy cuộc thảo luận thật sự ở trong cuộc họp đó,” ông nói. “Chẳng có tí năng lượng hay sự sáng tạo nào. Cuộc thảo luận đó chẳng thể lung tung và hời hợt hơn được. Nó thật tệ.”
Các cuộc họp tin tức của The Sun “sôi động” hơn rất nhiều, ông nói.
“Được rồi,” tôi nói. “Tôi có thể tham dự cuộc họp của The Sun chiều nay không?”
Ông khựng lại ngay. “Không,” ông nói. “Đó là một cuộc họp nội bộ vô cùng bí mật.”
Một cái gì cơ?
“Chúng tôi có luật sư trong cuộc họp”, ông giải thích, và nói thêm, “chúng tôi thử nghiệm các tiêu đề ở đó. Đó là một cuộc họp sáng tạo.”
Các tờ báo lá cải ở Anh tự hào với sự “sáng tạo” của họ. Có lẽ khẳng định trơ tráo nhất trên trang nhất hồi năm ngoái của The Sun chính là “Nữ hoàng ủng hộ Brexit,” một dòng tít mà sau đó đã được cơ quan quản lý báo chí ở Anh phán quyết là gây hiểu nhầm.
Ông vua của những tiêu đề “sáng tạo” ở The Sun không ai khác là MacKenzie, một trong những biên tập viên của tờ báo. Một số phòng họp được đặt theo tên những sáng tạo đáng nhớ nhất của ông, ví dụ như “Bắt được rồi nhé,” tiêu đề về vụ một tàu chiến Argentina bị chìm trong cuộc chiến giành quần đảo Falklands khiến hơn 300 người thiệt mạng, và “Im đi Delors” nhắm vào Jacques Delors, người khi đó là chủ tịch Ủy ban châu Âu đang đề xuất một đồng tiền châu Âu mới.
Có lẽ khẳng định trơ tráo nhất trên trang nhất hồi năm ngoái của The Sun chính là “Nữ hoàng ủng hộ Brexit,” một dòng tít mà sau đó đã được cơ quan quản lý báo chí ở Anh phán quyết là gây hiểu nhầm.
Tôi đã gặp MacKenzie một tuần trước để hỏi về những dòng tít đó. “Các trang nhất của tờ báo đôi khi rất hài hước và đôi khi lại hơi thái quá,” tôi mở lời, và ông chen vào ngay, “Và đôi khi sai sự thật nữa!”
Ái chà.
Tôi hỏi ông muốn thấy dòng tít như thế nào xuất hiện trên báo nếu ông vẫn còn được giao nhiệm vụ đó.
“Tôi nghĩ dòng tít tin tức giả sẽ mang đến niềm vui lớn nhất cho đất nước này,” ông vui vẻ đáp lại, “có thể là ‘Jeremy Corbyn bị một người tị nạn đâm chết bằng dao.’”
Ông Corbyn là lãnh đạo của Đảng Lao động. Dòng tít tin tức giả của MacKenzie không tránh khỏi việc gợi nhớ đến vụ sát hại Jo Cox, một nhà lập pháp của đảng Lao động chủ trương ở lại đã bị một người đàn ông có khuynh hướng cực hữu giết chết một tuần trước cuộc trưng cầu ý dân. Cái chết của bà đã thúc đẩy rất nhiều suy nghĩ tự vấn lương tâm về việc giọng điệu của chiến dịch có khuyến khích những tội phạm thù ghét hay không.
(Sáng hôm sau, tôi nhận được một tin nhắn từ MacKenzie: “Chào Katrin, cô có thể thay đổi tiêu đề hoàn hảo từ “Jeremy Corbyn bị một người tị nạn đâm chết bằng dao” thành “Jeremy Corbyn bị một người tị nạn lừa bịp” không? Trước vụ giết hại Jo Cox, tiêu đề của tôi nghe thật khiếm nhã.”)
Gallagher đã đi dự “buổi họp nội bộ cực kỳ bí mật” nhưng hứa sau đó sẽ tóm tắt lại nội dung cho tôi. Tôi lang thang lên căngtin ở tầng 14.
Tất cả những người phục vụ đều là người Nam Âu. Một trợ lý bếp trưởng đi ngang qua cho biết nhân viên nhà bếp cũng hầu hết là người nước ngoài. Anh không thể tưởng tượng người ta sẽ tuyển nhân viên cho nhà bếp thế nào sau Brexit. “Sẽ rất hỗn loạn,” anh nói.
Đã 5 giờ 40 phút chiều. Trang nhất của số báo ngày mai đã được quyết định. Những bức ảnh lễ tang của sĩ quan cảnh sát được cho là “không đạt yêu cầu” để dàn ra toàn trang. Một cầu thủ bóng đá, Ross Barkley, người bị đánh trong một hộp đêm và sau đó trở thành đối tượng trong mục tin của MacKenzie đã trở thành câu chuyện chính. Tiêu đề là: “Barkley bị đánh vào mông.”
Tôi đã hết thời gian. Gallagher vẫn giữ gương mặt lạnh như tiền cả buổi chiều. Lần duy nhất tôi nghĩ ông ta đã cử động trong ghế ngồi là khi tôi hỏi các con ông ta có quan điểm thế nào về Brexit. Ông nói mình có 2 người con còn quá nhỏ để đi bỏ phiếu, nhưng người con cả, hiện 21 tuổi đã bỏ phiếu ở lại.
Ông tiễn tôi ra cửa. “Đừng gài bẫy tôi đấy nhé,” ông nói.
