Thổ Nhĩ Kỳ

turkey3-1492671169-34.jpg

Cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi hiến pháp của Thổ Nhĩ Kỳ đã kết thúc trong “sự trắc trở nhưng vẫn đạt được mục tiêu như mong đợi”. Điều “trắc trở” ở đây là mặc dù đã có gần 6 tháng để tuyên truyền, nhưng kết quả cuộc trưng cầu ý dân cho thấy tỉ lệ dân chúng ủng hộ việc sửa đổi hiến pháp không cao như mong đợi.

Theo thống kê sơ bộ, có khoảng 51,3% số phiếu ủng hộ việc sửa đổi hiến pháp, nhưng điều “được như mong đợi” là kết quả cuộc trưng cầu ý dân vẫn chứng tỏ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và đảng Công lý và Phát triển (AKP) đang được ông dẫn dắt có thể nhận được sự ủng hộ của đa số người dân, cho thấy tầm ảnh hưởng to lớn của ông trên chính trường Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay.

Thời đại “siêu tổng thống” đang đến gần

Việc sửa đổi hiến pháp lần này có ảnh hưởng rất lớn đến tình hình chính trị trong nước Thổ Nhĩ Kỳ, chủ yếu thể hiện qua việc quyền hạn của tổng thống sẽ chuyển từ “tổng thống nhỏ” kiêm các chức vụ trước đây thành “siêu tổng thống” nắm thực quyền.

Cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi hiến pháp lần này liên quan đến 18 điều khoản của hiến pháp, trong đó chính thể quốc gia chuyển từ chế độ quốc hội sang chế độ tổng thống, dưới tổng thống có hai phó tổng thống, bãi bỏ chức vụ thủ tướng, tổng thống có thể trực tiếp thành lập nội các, bổ nhiệm các bộ trưởng và còn có thể trực tiếp ban hành sắc lệnh.

Ngoài ra, theo dự luật sửa đổi hiến pháp, quyền giám sát và kiềm chế tổng thống của quốc hội bị giảm đi. Nói tóm lại, việc sửa đổi hiến pháp được thông qua trong cuộc trưng cầu ý dân đánh dấu tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ từ nguyên thủ quốc gia danh dự trước đó thành một “siêu tổng thống” đích thực.

Việc sửa đổi hiến pháp được thông qua trong cuộc trưng cầu ý dân đánh dấu tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ từ nguyên thủ quốc gia danh dự trước đó thành một “siêu tổng thống” đích thực.

Tổng thống Erdogan luôn theo đuổi việc trở thành “siêu tổng thống”. Từ khi từ chức thủ tướng năm 2014, và sau đó trở thành tổng thống, Erdogan đã bắt đầu sắp đặt để biến Thổ Nhĩ Kỳ từ quốc gia theo “chế độ quốc hội” thành “chế độ siêu tổng thống”.

Trên các diễn đàn công khai, Erdogan nhiều lần nói rằng chế độ tổng thống mang đặc sắc của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ từ bỏ chính phủ ốm yếu, chấm dứt chế độ tổng thống và thủ tướng cùng lãnh đạo, tăng cường chế độ chính trị của đất nước, ngăn chặn xảy ra các cuộc đảo chính bất thành như hồi tháng 7/2016, thành lập chính quyền quốc gia có hiệu quả và thực hiện sự phồn vinh của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Erdogan và AKP, một chính phủ tập quyền và hiệu quả sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển cho đất nước.

Đối với AKP, việc thông qua bản hiến pháp sửa đổi cũng như thực hiện chế độ “siêu tổng thống” sẽ đảm bảo cho địa vị chủ đạo của đảng này ở Thổ Nhĩ Kỳ trong một tương lai dài. Theo bản hiến pháp sửa đổi mới, AKP sẽ có thể chiếm giữ quốc hội một cách vững chắc dưới sự “bảo hộ” của quyền lực tổng thống, tiếp tục gây ảnh hưởng tới các hoạt động chính trị ở trong nước, ngoài ra, cuộc trưng cầu ý dân lần này cũng do AKP khởi xướng.

Ba đảng đối lập chính ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thái độ khác nhau đối với cuộc trưng cầu ý dân lần này. Trước cuộc bầu cử vào tháng 6/2015, lãnh đạo đảng Phong trào dân tộc chủ nghĩa (MHP) thuộc cánh hữu, Devlet Bahceli, đã lên tiếng phản đối việc sửa đổi hiến pháp có khả năng xảy ra. Devlet Bahceli khi đó cho rằng việc sửa đổi hiến pháp sẽ làm cho các đảng phái khác trong quốc hội dần bị gạt ra bên lề.

Nhưng cùng với tình hình trong nước thay đổi, đặc biệt là sau năm 2016, AKP và lập trường chính trị của Erdogan chuyển sang cánh hữu, thái độ của Bahceli cũng đã thay đổi, đặc biệt là Erdogan còn thường xuyên gặp Bahceli, có tin cho biết Erdogan từng hứa nếu việc sửa đổi hiến pháp thành công, ông sẽ trao cho Bahceli chức vụ “phó tổng thống”, thái độ của Bahceli dần mềm đi và cuối cùng trở thành một người ủng hộ quan trọng cho việc sửa đổi hiến pháp.

Trái ngược với thái độ của Bahceli và MHP, các chính đảng thế tục truyền thống là đảng Nhân dân cộng hòa (CHP) và đảng Dân chủ nhân dân (HDP) – chính đảng cánh tả ủng hộ quyền lợi của người Kurd đều kịch liệt phản đối việc sửa đổi hiến pháp, cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ dưới chế độ “siêu tổng thống” sẽ dễ dàng dẫn đến chế độ độc tài và tham nhũng nghiêm trọng, đặt số phận đất nước vào tay của một người là cực kỳ nguy hiểm.

Những người ủng hộ đảng Công lý và Phát triển của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan míttinh sau khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố, tại Ankara ngày 16/4. (Ảnh: EPA/TTXVN)
Những người ủng hộ đảng Công lý và Phát triển của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan míttinh sau khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố, tại Ankara ngày 16/4. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Những nỗi lo âm thầm ở bên trong và bên ngoài trong thời đại “siêu tổng thống”

Dưới khuôn khổ chính trị mới, chế độ “siêu tổng thống” chắc chắn sẽ làm tăng cường quyền thế của Erdogan, cũng sẽ làm trầm trọng thêm sự chia rẽ và phân cực chính trị trong nước Thổ Nhĩ Kỳ. Bản hiến pháp sửa đổi sẽ bắt đầu thực thi từ năm 2019, nếu Erdogan tái đắc cử hai nhiệm kỳ tổng thống thì ông sẽ nắm quyền đến năm 2029.

Dưới chế độ “siêu tổng thống”, quyền lực chính trị và các nguồn lực sẽ tập trung hơn nữa trong tay Erdogan và đảng cầm quyền, thực tế của việc tổng thống đến từ đảng phái chiếm đa số và kiểm soát quốc hội khiến thể chế chính trị đa đảng cạnh tranh, quyền lực phân lập của Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn, không gian sinh tồn của các đảng đối lập sẽ bị chèn ép hơn nữa, thậm chí quốc hội cũng có khả năng trở thành một “con dấu cao su”.

Dưới chế độ “siêu tổng thống”, sự chia rẽ xã hội và chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ mở rộng hơn nữa. Kết quả cuộc trưng cầu ý dân lần này cho thấy khoảng cách giữa “số phiếu ủng hộ” và “số phiếu phản đối” không đáng kể. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, những người ủng hộ Erdogan chủ yếu là những người theo đường lối dân tộc chủ nghĩa cánh hữu, các nhóm Hồi giáo và người dân nông thôn, trong khi phần đông người dân ở các thành phố phát triển, những nhóm người có thu nhập cao và học thức cao, những người thế tục, thân phương Tây và người Kurd đều phản đối Erdogan và AKP.

Hai nhóm đối lập nhau như vậy đã hình thành hệ thống phát ngôn đối lập nhau, tâm lý thù địch nổi rõ. Sau cuộc trưng cầu ý dân, cùng với quyền lực của Erdogan tiếp tục được củng cố, sự rạn nứt giữa hai nhóm có khả năng tiếp tục tăng lên. Xem xét truyền thống chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ, trong hơn 10 năm qua, quân đội, tư pháp, cảnh sát và lực lượng tôn giáo giám sát quyền lực hành chính đã lần lượt bị Erdogan và AKP đánh bại, đồng thời dưới danh nghĩa ban bố “tình trạng khẩn cấp”, còn bị chụp mũ là “phần tử đảo chính”, “phần tử Gulen” và “phần tử khủng bố”, do đó các nhóm chính trị và xã hội không hài lòng với Erdogan có khả năng áp dụng các biện pháp cực đoan hơn để chống đối hệ thống quốc gia hiện có.

Ngoài ra, dưới chế độ “siêu tổng thống”, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước xung quanh có thể đối mặt với những thử thách nghiêm trọng. Mấy năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã lún sâu vào vòng xoáy của cuộc nội chiến Syria. Mặc dù Thủ tướng Ahmet Davutoğlu, từng là trợ lý quan trọng trong nhiều năm của Erdogan đã từ chức vào năm 2016, Binali Yildirim lên giữ chức thủ tướng mới, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga đã xích lại gần nhau hơn, nhưng mức độ can thiệp của Ankara trong vấn đề Syria không giảm đi.

Cho dù ở Syria hay Iraq, chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ đều có thể được xem như sự tiếp nối của xu hướng chính trị trong nước: một mặt chịu ảnh hưởng của tư tưởng “liên Hồi giáo”, “liên Turkmen”, ủng hộ quân nổi dậy ở Syria; mặt khác, dưới ảnh hưởng của vấn đề người Kurd trong nước, lo lắng đảng Liên minh dân chủ người Kurd (PYD) – chi nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở Syria lớn mạnh, càng lo lắng khuynh hướng độc lập có khả năng xuất hiện ở khu tự trị người Krud tại Syria do Nechirvan Barzani lãnh đạo.

Do đó, trong thời đại “siêu tổng thống”, nếu Erdogan không thể sử dụng quyền lực trong tay để hòa giải thành công với các lực lượng theo đường lối dân tộc chủ nghĩa và các lực lượng chính trị Hồi giáo trong nước thì rất có khả năng tiếp tục rơi vào vòng xoáy nội chiến của các nước láng giềng; và nếu Erdogan không thể giải quyết được các vết nứt xuất hiện trước và sau cuộc bầu cử tháng 5/2016 với các nhóm người Kurd trong nước, đặc biệt là nếu không thể hàn gắn vết nứt với HDP, tiến tới thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình với PKK thì Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ nảy sinh mâu thuẫn lớn hơn với các nhóm người Kurd ở Syria và Iraq, từ đó khiến mâu thuẫn với Mỹ và Nga – ủng hộ các lực lượng chính trị người Kurd ở Syria – gia tăng, cuối cùng dẫn đến cuộc khủng hoảng về quản lý ở khu vực người Kurd tại miền Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ theo chế độ “siêu tổng thống” sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức ở trong nội bộ và bên ngoài, điều này chắc chắn sẽ thử thách trí tuệ chính trị của Erdogan và giới tinh hoa chính trị nước này.

Cuối cùng, trong kỷ nguyên “siêu tổng thống”, Erdogan vẫn phải xử lý một cách thận trọng mối quan hệ với các nước châu Âu. Mấy năm gần đây, mặc dù quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Liên minh châu Âu (EU) liên tục gặp sóng gió, nhưng sự phát triển kinh tế và xã hội của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là việc xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, dầu khí vẫn cần thị trường châu Âu. Ngoài ra, để giải quyết vấn đề người Kurd, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cần sự thấu hiểu và ủng hộ của các nước châu Âu. Về mặt an ninh quốc phòng, với tư cách là một thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ cần sự ủng hộ nhiều hơn của các nước châu Âu.

Tuy nhiên, do chịu sự tác động của cuộc đảo chính quân sự bất thành hồi tháng 7/2016, ông Erdogan vẫn muốn thanh trừng các phần tử Gulen và các quân nhân gây đảo chính, đặc biệt là muốn khôi phục hình phạt tử hình, đây sẽ là một điểm gây tranh cãi lớn trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-EU; và kỷ nguyên của một tổng thống mạnh mẽ có lẽ đang đại diện cho xu thế cứng rắn hơn của Thổ Nhĩ kỳ trong vấn đề Síp, từ đó đe dọa mối quan hệ với Hy Lạp và các nước EU. Trong vấn đề người Kurd, nếu Erdogan vẫn chèn èp một cách mù quáng dưới danh nghĩa chống khủng bố thì chắc chắn sẽ khiến quan hệ với EU xấu đi.

Cùng với việc châu Âu liên tiếp vấp phải tấn công khủng bố, quốc gia theo chế độ tổng thống có khuynh hướng Hồi giáo như Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng sẽ can thiệp nhiều hơn vào tình trạng hỗn loạn của châu Âu. Do đó, một Thổ Nhĩ Kỳ “hướng về phương Đông” dù không còn tìm cách trở thành một thành viên của châu Âu, nhưng quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với EU rất có khả phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời đại “siêu tổng thống”.

Để việc sửa đổi hiến pháp được thông qua, tiến tới thực hiện giấc mơ “siêu tổng thống” của mình, có thể nói Erdogan và AKP đã dùng tới mọi biện pháp. Kết quả cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi hiến pháp cho thấy trên thực tế trong nước Thổ Nhĩ Kỳ đã xuất hiện chia rẽ. Thổ Nhĩ Kỳ theo chế độ “siêu tổng thống” sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức ở trong nội bộ và bên ngoài, điều này chắc chắn sẽ thử thách trí tuệ chính trị của Erdogan và giới tinh hoa chính trị nước này./.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đang kêu gọi cử tri ủng hộ tham gia cuộc trưng cầu ý dân về việc sửa đổi Hiến pháp. Ông nhấn mạnh nếu đa số người dân nói “Có” trong cuộc trưng cầu thì điều đó sẽ “mở đường” cho việc tái áp dụng hình phạt tử hình và mở rộng quyền lực cho tổng thống. Ông Erdogan cũng từng cam kết về sự ổn định, an toàn và phát triển kinh tế nếu giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý. (Ảnh: EPA/TTXVN)
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đang kêu gọi cử tri ủng hộ tham gia cuộc trưng cầu ý dân về việc sửa đổi Hiến pháp. Ông nhấn mạnh nếu đa số người dân nói “Có” trong cuộc trưng cầu thì điều đó sẽ “mở đường” cho việc tái áp dụng hình phạt tử hình và mở rộng quyền lực cho tổng thống. Ông Erdogan cũng từng cam kết về sự ổn định, an toàn và phát triển kinh tế nếu giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý. (Ảnh: EPA/TTXVN)