Chống lại tin tức giả và sự suy giảm niềm tin: Báo chí đích thực chưa bị diệt vong nếu chúng ta biết phải tìm nó ở đâu và tìm như thế nào. Đó là lời khẳng định của ông Nikolay Malyarov, giám đốc phụ trách nội dung của PressReader, trong bài viết đăng tải trên trang web của Liên đoàn Quốc tế các Tạp chí (FIPP)
Socrates từng nói, “Một cuộc đời không suy xét thì không đáng sống.” Khi nhìn vào sự gia tăng các chiến dịch tuyên truyền, thông tin sai lệch, sự phỉ báng, giật gân và tin tức giả (những lời nói dối, hoang tin, hoặc “sự thật thay thế”, tùy cách bạn muốn gọi) trong truyền thông đại chúng ngày nay, tôi không thể không nghĩ rằng nếu Socrates còn sống đến bây giờ, ông sẽ nói thêm rằng, “…và những tin tức không được suy xét thì không đáng đọc.”
Rất dễ để ngồi lại và chỉ đích danh truyền thông đại chúng như những kẻ gây ra sự hỗn độn trực tuyến mà chúng ta đang chứng kiến, nhưng như vậy không những là tùy tiện, mà còn là vô trách nhiệm.
Một nghiên cứu gần đây với sự tài trợ của The Coral Project – dự án hợp tác giữa The New York Times, The Washington Post và Mozilla – đã xác minh điều mà chúng ta nhận ra bằng trực giác từ lâu. Ngày nay, mọi người muốn là một phần trong cuộc đối thoại với các nhà báo và biên tập viên.
Tôi luôn tin rằng điều đó là sự thật bất chấp một số nhà xuất bản ngăn tiếng nói từ độc giả của họ bằng cách chặn bình luận, nhưng tôi cũng tin rằng sự ưu ái đi kèm một cái giá. Nếu bạn muốn được tham gia, tốt hơn hết là bạn nên bắt đầu chịu trách nhiệm trong việc kiểm chứng những gì bạn đang đọc, bình luận hay chia sẻ.
Tôi biết bạn sẽ nói gì lúc này… Nếu tất cả công việc của chúng ta là “suy xét” tin tức, vậy chúng ta có thể làm điều đó thế nào với một khối lượng nội dung khổng lồ đang oanh tạc chúng ta mỗi ngày – mà đa phần trong số đó đều là những tin vô dụng? Làm thế nào chúng ta có thể dành thời gian xác minh “sự thật” khi khoảng chú ý của chúng ta liên tục ngắn lại?

Đây là một vài gợi ý…
1. Nghĩ kỹ trước khi chia sẻ những nội dung do người theo dõi hay bạn bè cung cấp mà không có bằng chứng nào cho thấy họ đã xác minh chúng trước khi nhấn Gửi/Thích.
Tôi nhận ra rằng bản chất con người là luôn đọc những nội dung do bạn bè hay người thân cung cấp với giả định rằng thông tin đều chính xác và có thể được lan truyền. Sau cùng, bạn không muốn bị coi là người luôn bỏ lỡ những tin sốt dẻo nhất. Nhưng cũng như bạn, bạn bè và người thân của bạn cũng chỉ là con người, và cũng có thể bị mắc vào sự lan truyền mà những kẻ sáng tác tin tức giả lợi dụng bằng những dòng tít bắt tai hay gây ngạc nhiên.
Bằng cách không suy xét những câu chuyện trước khi chia sẻ chúng, bạn đang để cái tôi chiến thắng trí tuệ và danh tiếng của mình. Và bạn biết câu nói về cái tôi rồi đấy… “Trèo cao thì ngã đau”.
Một câu ngạn ngữ Nga cổ cảnh báo rằng “Lời nói không phải một con chim sẻ. Nếu nó bay đi, sẽ chẳng có cách nào bắt nó lại.”
Vì thế hãy nghĩ kỹ trước khi rơi vào cái bẫy của việc chia sẻ những gì bạn bè hay người theo dõi bạn đăng tải. Nếu có thứ gì có vấn đề, thì sẽ không mất quá lâu để vấn đề trở nên “bốc mùi”. Và nếu bạn đã tương tác với nó, chia sẻ nó và bổ sung nó vào sự hỗn loạn, bạn có thể sẽ không rút chân ra được.
Có thể hôm nay chuyện đó vô hại, nhưng những mẩu bánh mì vụn để lại trên xa lộ kỹ thuật số do sự hấp tấp của bạn có thể và sẽ dẫn tới điều tôi chứng kiến hàng ngày ở chỗ làm – những yêu cầu khẩn để xóa bỏ mang tính pháp lý.
“Phải làm rất nhiều điều tốt để có danh tiếng tốt, nhưng chỉ một hành động xấu cũng đủ xóa bỏ nó.”(Benjamin Franklin)
2. Đừng bình thường hóa cái bất thường
Một nghiên cứu hồi tháng 5/2016 của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy 62% người Mỹ lấy tin tức từ mạng xã hội (cụ thể 44% lấy từ Facebook). Nhưng theo Mark Zuckerberg, “trong số tất cả những nội dung trên Facebook, có hơn 99% những gì mọi người nhìn thấy là thật. Chỉ có một số rất ít là tin tức giả hay hoang tin.”
Nhưng hãy cân nhắc điều này trước khi nghĩ 1% chỉ là một phần rất nhỏ nhặt. Mỗi ngày, có khoảng 40 triệu tweet được đăng lên Twitter, cộng thêm hơn 4 tỷ tin nhắn cùng 6 tỷ lượt “Thích” trên Facebook. Tôi chắc chắn bạn sẽ đồng ý rằng khoảng 100 nghìn tin giả chỉ tính trên Facebook là quá nhiều để không thể làm ngơ, nhất là khi chúng ta thấy mạng xã hội ăn sâu vào cuộc sống, các mối quan hệ, công việc cũng như tiến trình dân chủ như thế nào.
Sức mạnh của phương tiện truyền thông xã hội là một điều tuyệt vời NẾU truyền thông xã hội = một nền báo chí tự do của con người vì con người. Nhưng câu chuyện cũng có thể trở nên đáng sợ bởi nó mang lại cho những kẻ không có nguyên tắc đạo đức cái quyền hủy hoại, kiểm soát hay thay đổi tiến trình lịch sử qua việc lan truyền những lời giả dối và thông tin sai lệch.
Một trong những điều khiến tôi ngạc nhiên hồi cuối năm qua là cách công chúng xử lý với tin tức giả. Thay vì nhìn nhận đúng bản chất của chúng – hoàn toàn là rác rưởi – mọi người lại xem chúng là xác thực và đáng chia sẻ.


Khi xem thống kê, tôi đã giả định (hoặc hy vọng) rằng mọi người không có khả năng phân biệt báo chí đích thực với tin tức giả. Nhưng nếu khảo sát tháng 12/2016 của Pew về hơn 1000 người Mỹ trưởng thành là đúng, thì có vẻ như hầu hết mọi người biết rất rõ là họ đang tuyên truyền tin tức giả trên Facebook.
Điều đó đặt ra câu hỏi, “Mọi người có hiểu ẩn ý trong hành động của họ không? Hay tin giả đã trở nên phổ biến – và “bình thường” – đến nỗi nó đã mất khả năng khiến chúng ta kinh sợ?”
Những nội dung được thiết kế để thao túng và lừa dối không phải là chuyện bình thường, và dù có thế nào đi nữa cũng không thể được bình thường hóa. Thay vào đó chúng phải được vạch trần bởi tất cả những ai tin vào sự thật. Chúng đáng bị tránh xa và dập tắt để không thể xâm nhập vào các phương tiện truyền thông và tiếp tục cuộc tấn công gây xói mòn quyền lực thứ tư và tất cả những gì mà nó đại diện.
3. Chọn các nguồn tin có danh tiếng về chất lượng báo chí
Thời gian là một hàng hóa quý giá, và với việc khoảng chú ý của chúng ta ngày càng ngắn đi, điều quan trọng hơn bao giờ hết trong lúc này là phải gạn đục khơi trong bằng cách tập trung vào khoảng chú ý ít ỏi mà chúng ta có với nội dung chất lượng và báo chí đích thực.
Thật không may, hầu hết các cuộc khảo sát về độ tin tưởng với truyền thông lại cho thấy một bức tranh đáng chán nản. Trong một cuộc thăm dò của Gallup hồi cuối năm 2016, sự thiếu tin tưởng với truyền thông đã chạm mức thấp nhất mọi thời đại, khiến nhiều người lo ngại rằng báo chí chất lượng có thể đã chết.

Chưa đâu! Sự hồ nghi với “truyền thông đại chúng” rất cao, không có gì phải bàn cãi, nhưng đừng vội vã kết luận về tình hình báo chí. Nếu nghiên cứu của YouGov hồi tháng 12/2016 nói lên điều gì thì đó là không phải mọi phương tiện truyền thông đều được tạo ra một cách ngang hàng.
Báo và tạp chí đã tồn tại qua nhiều thế hệ, và đã nỗ lực hết mình để có được sự tin tưởng và lòng trung thành của độc giả. Dù có một số trục trặc trên hành trình, nghiên cứu của YouGov (đáng chú ý là phần về hậu bầu cử tổng thống Mỹ) cho thấy rằng đa số tuyệt đối người Mỹ vẫn tin những thông tin trên báo.

Một nghiên cứu hồi tháng 8/2016 của Mequoda cũng cho thấy hơn 2/3 người Mỹ trưởng thành tích cực đọc tạp chí in, lượng độc giả tạp chí đã tăng khoảng 7% và chi tiêu cho tạp chí điện tử năm 2015 đã tăng 52,7%.
Lòng trung thành của độc giả với tạp chí vẫn cao vì cả chất lượng biên tập và nội dung quảng cáo (có thể là do “hiệu ứng Vogue”).
Vì vậy, không ngạc nhiên là hầu hết các nhà xuất bản tin rằng việc làn truyền các tin tức ít xác thực hóa ra lại củng cố vị thế của họ trên mạng Internet.

Sự thật và niềm tin là đường hai chiều
2016 là một năm hỗn loạn với nhiều người, kể cả những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Có một thực tế là số đông bị ảnh hưởng bởi những lời chỉ trích về các tội lỗi của một vài tờ báo gây ra, và hậu quả là các nhà báo thuộc các cơ quan báo chí chính thống (hay “truyền thông đại chúng”, như một số người gọi) liên tục gặp phải sự quấy rối của những người chưa bao giờ đứng ở vị trí của họ. Không hiểu tại sao một số (chứ không phải tất cả) phạm sai lầm là cố gắng đưa tin nhanh nhất thay vì đưa tin chính xác để thu hút lượt xem và chia sẻ trang. Hành động đó gây tổn hại rất nhiều cho danh tiếng và niềm tin mà độc giả dành cho quyền lực thứ tư.
Nhưng năm 2017 là một cơ hội mới để bắt đầu lại, và chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi, bắt đầu với chiến lược 2020 của New York Times chuyển tập trung từ số lượng và lượt theo dõi trang sang chất lượng, sự liên quan và mức độ tương tác sâu rộng hơn với độc giả. Cộng đồng nhà báo cũng đang đẩy mạnh hoạt động với cam kết mới để lấy lại niềm tin của công chúng – bắt đầu với lá thư ngỏ cho Tổng thống Donald Trump từ các tập đoàn báo chí Mỹ.
“Chúng tôi sẽ thiết lập các tiêu chuẩn cao hơn bao giờ hết cho bản thân. Chúng tôi rất biết ơn ngài đã nhấn mạnh vào sự mất lòng tin nghiêm trọng đang lan rộng trong giới truyền thông với mảng chính trị. Chiến dịch của ngài đã tập trung vào điều đó, và đó là một hồi chuông cảnh tỉnh với chúng tôi. Chúng tôi phải lấy lại niềm tin đó. Và chúng tôi sẽ làm điều đó bằng cách đưa tin chính xác và can đảm, bằng việc thừa nhận lỗi lầm của mình và tuân thủ theo những tiêu chuẩn đạo đức khắt khe nhất chúng tôi đặt ra cho chính mình.”
Và giờ đến lượt chúng ta. Tất cả chúng ta có trách nhiệm ủng hộ sự thật và bác bỏ sự dối trá, lừa lọc, thông tin sai lệch và lối tuyên truyền sai sự thật. Trong năm 2017, hãy thực hiện một cam kết tìm kiếm và hỗ trợ báo chí chất lượng cũng như tránh xa những thứ kém chất lượng. Và hãy giúp đỡ những người đang đấu tranh để phân biệt cái thật và cái không thật, bởi như Brendan Nyhan, một giáo sư của Đại học Dartmouth đã nói, “Chiến đấu vì sự thật là một hình thức của lòng yêu nước, và là một hành động cần thiết.”
