9 tuổi, 8 năm nằm viện vẫn đạt học sinh giỏi

6-1477467197-68.jpg

Trong căn phòng gần 20 mét vuông, ban ngày chỉ có tiếng quạt trần phần phật, át đi mọi thứ âm thanh ở cái nơi vốn hầu như rất ít tiếng người, tiếng trẻ thơ.

Trên bốn chiếc giường bệnh là Nguyễn Hà Anh và 3 bệnh nhi khác. Các em đang co ro nằm, hay ngồi thu lu vào một góc để tập trung truyền máu, thải sắt.

Tám tiếng dài dằng dặc. Những mũi kim tiêm liên tục đâm sâu vào cánh tay gày guộc của các con. Thỉnh thoảng, Hà Anh lại thiêm thiếp vào giấc ngủ.

***

Những ngày đầu tháng Chín – thời điểm năm học mới đã bắt đầu cũng là dịp không khí Trung Thu đã hiện hữu ở khắp mọi nơi.

Nhưng ngày tết thiếu nhi với Hà Anh hiếm khi trọn vẹn. Sau lễ khai giảng mới được vài ngày, em đã phải nghỉ học để vào viện cho đợt điều trị cùng các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo về máu tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội)

Ngày Bệnh viện Xanh Pôn tổ chức vui Trung thu, tặng quà cho các em học sinh mắc bệnh hiểm nghèo đang điều trị tại viện, trong số gần 70 bệnh nhi, có ba em luôn giữ thành tích học tập đáng nể. Nguyễn Hà Anh là một trong ba học sinh này. Em đã vượt qua những nỗi đau bệnh tật để đạt danh hiệu học sinh giỏi liên tục trong 3 năm vừa qua.

Chín năm được sinh ra trên cuộc đời, em đã mất 8 năm liên tục chiến đấu với căn bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia).

Chín 9 năm được sinh ra trên cuộc đời, em đã mất 8 năm liên tục chiến đấu với căn bệnh tan máu bẩm sinh (Ảnh: Doãn Đức)
Chín 9 năm được sinh ra trên cuộc đời, em đã mất 8 năm liên tục chiến đấu với căn bệnh tan máu bẩm sinh (Ảnh: Doãn Đức)

Những buổi học ở bệnh viện

Hành trang mỗi khi vào viện của cô bé Nguyễn Thị Hà Anh – học sinh lớp 4 trường tiểu học Vũ Xuân Thiều, Gia Lâm, Hà Nội – khá đặc biệt. Ngoài quần áo mang theo là chiếc ba lô nặng chịch, bên trong là sách vở, bút, thước kẻ… Chiếc ba lô được để ngay ngắn trên giường bệnh.

Bệnh viện dần về tối. Mấy đứa trẻ bên cạnh hồ hởi vui đùa chơi trốn tìm sau một ngày nằm gần chục tiếng truyền máu, thải sắt. Trông đứa trẻ nào cũng tươi tỉnh, hoạt bát và có sức sống hẳn lên.

Ở một góc căn phòng có 4 chiếc giường bệnh nhỏ hẹp, sau bữa cơm tối nào hai mẹ con bé Hà Anh cũng rục rịch chuẩn bị đèn sách, nào những quyển sách Toán, bài tập toán, sách tiếng Việt…

Cô bé ngồi trên giường bệnh, quyển vở đặt trong lòng để viết. Từng nét chữ gọn gàng và ngay thẳng. Có khi mỏi, bé lại ngồi lên ghế, lấy chiếc giường bệnh làm bàn học.

Chốc chốc lại có mấy em nhỏ sà vào nhòm, ngó xem chị Hà Anh đang làm gì. Hà Anh nhoẻn cười với các em rồi lại chăm chú vào việc học.

Đã hơn 10 giờ tối, khi các em nhỏ cùng phòng bệnh đã say vào giấc ngủ, Hà Anh vẫn miệt mài làm bài tập, cô bé chăm chú giải tiếp các bài toán nâng cao ra nháp. Chốc chốc, mẹ bé – chị Nông Thị Nga (33 tuổi) lại nhắc nếu buồn ngủ thì đi ngủ, nhưng cô bé chỉ lí nhí trả lời: “Con làm nốt bài toán này cho xong rồi sẽ đi ngủ.”

Cứ như thế, trong bao năm nay các buổi tối trong viện, hai mẹ con miệt mài kèm cặp nhau học tập.

Con thích được tiêm

Số phận của Hà Anh không được may mắn như nhưng bạn học khác. Ngay từ khi sinh ra em đã mắc căn bệnh tan máu bẩm sinh. Từ khi hơn 1 tuổi đến nay, em đã 8 năm gắn bó với môi trường bệnh viện. Với em, bệnh viện như là một ngôi nhà thứ hai không thể thiếu được trong cuộc sống này.

Ở cái lứa tuổi lên 9 đó, rất nhiều đứa trẻ có nỗi sợ bệnh viện, sợ gặp bác sỹ, sợ truyền dịch, sợ tiêm… nhưng với cô bé Hà Anh, bé hồn nhiên: “Con không sợ bệnh viện, con thích được truyền, con thích được tiêm…”

Người viết bài không cầm nổi nước mắt khi nghe tâm sự của bé, rất rành mạch và khúc chiết. Hồn nhiên và cũng vô cùng nghị lực.

Cứ mỗi lần được tiêm, truyền xong người bé bớt uể oải, khỏe hẳn ra. Cứ sau gần 1 tuần ở viện về là Hà Anh như thấy có thêm nguồn năng lượng để hoạt động cho những tuần tiếp theo.

Hà Anh đang sống trong một căn nhà nhỏ nơi cuối ngõ tại phường Phúc Lợi, Quận Long Biên, Hà Nội. Vừa bước vào căn nhà là hình ảnh chiếc máy khâu cũ, được đặt trang trọng trong nhà, bởi đây là công cụ kiếm sống của chị Nga hằng ngày.

Chị Nga chia sẻ, trước đây chị làm ở Công ty may Hàng không, tuy nhiên từ ngày con phát hiện bệnh chị phải nghỉ việc và ra ngoài làm vì thời gian không cho phép. Hàng ngày, chị nhận các đơn hàng từ các công ty và ngồi nhà may bất kể lúc nào, từ sáng hay tới đêm. Với chị, công việc này vừa giúp chị kiếm thêm nguồn thu nhập vừa có thời gian để chị chăm con. Còn bố của bé làm nghề lái xe nên cũng đi suốt. Chị Nga kể, hai vợ chồng chị đều khỏe mạnh, khi lấy nhau sinh được bé Hà Anh cũng vậy. Tuy nhiên, đến khi 2 tuổi anh chị thấy da bé cứ xanh tái, giác mạc vàng, bàn tay vàng.

  • 2-1477467701-92.jpg
  • 8-1477467745-100.jpg
  • 7-1477467776-57.jpg
  • 5-1477467761-3.jpg
  • 4-1477467849-17.jpg
  • 10-1477467806-51.jpg
  • 11-1477467813-47.jpg
  • 12-1477467824-36.jpg

Ban đầu anh chị cứ lẩm nhẩm nghĩ chắc con thiếu vitamin D nên da mới vàng và không được hồng hào. Sau đó, bé càng lớn thì càng thêm các biểu hiện bệnh như con hay mệt, đuối sức, không chơi đùa như bình thường.

Khi đó, anh chị mới đưa con đi khám và kết quả như đứng tim khi các bác sỹ thông báo cháu bị bệnh tan máu bẩm sinh. Cả anh và chị đều có gen bệnh này, tuy nhiên nó là gen lặn, đến bé Hà Anh hai gen này đều có và thành gen trội nên xuất hiện bệnh. Hai vợ chồng chị Nga đều bất ngờ và hoảng hốt. Chị cứ khóc suốt và tự đặt câu hỏi tại sao lại vậy? Tại sao cuộc đời lại bất công với bé?

Vậy là từ khi bé hơn một tuổi đến nay, tháng nào anh chị cũng khăn gói đưa con vào viện để điều trị.

Rồi đến một ngày, con gái đột nhiên hỏi một câu làm chị sững sờ, không biết phải nói sao với con: “Mẹ ơi, tại sao lớp con các bạn không phải đến viện điều trị như con. Tại sao ở lớp con chỉ có mình con như vậy? Con ước có được sức khỏe tốt, được vui chơi, chạy nhảy như bạn bè, được tham gia các cuộc picnic, dã ngoại cùng các bạn…”

Những câu hỏi rất ngây thơ, khiến chị Nga như lặng thinh người. Chị kể, câu nói của bé cách đây vài năm cho đến giờ dường như thỉnh thoảng vẫn làm chị day dứt mãi…

Một năm với các cháu mắc bệnh tan máu bẩm sinh phải nằm viện điều trị từ 40-60 ngày. Bệnh viện dường như trở thành ngôi nhà thứ hai…

Bác sỹ Nguyễn Văn Long – Khoa Nhi tổng hợp, là bác sỹ chính đã điều trị cho bé Hà Anh gần 3 năm nay cho hay. Bé Hà Anh mắc bệnh tan máu bẩm sinh thể nặng, 3-4 tuần em phải vào viện truyền máu, thải sắt một lần. Đây là nhóm bệnh tan máu bẩm sinh do di truyền đột biến gen.

Theo bác sỹ Long, việc Hà Anh thường xuyên phải nhập viện điều trị sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, học tập. Trung bình 1 năm bé phải vào viện từ 12-15 đợt, một đợt truyền máu, các cháu phải nằm từ 3 – 5 ngày. Do vậy, một năm với các cháu mắc bệnh tan máu bẩm sinh phải nằm viện điều trị từ 40-60 ngày. Bệnh viện dường như trở thành ngôi nhà thứ hai và điều này thực sự ảnh hưởng lớn đến việc học tập của bé.

“Qua quá trình điều trị lâu dài và tiếp xúc với bé Hà Anh tôi thấy bé có nỗ lực trong việc học tập. Mặc dù bé phải nghỉ học rất nhiều, tuy nhiên mỗi lần đến viện bé đều mang theo sách vở để học. Cùng với sự nỗ lực của bản thân và cố gắng, bé đã đạt được nhiều thành tích trong học tập, trong ba năm liên tiếp bé đều đạt được học sinh giỏi. Đây thực sự là điều rất mừng, bởi Hà Anh là một tấm gương cho nhiều bệnh nhi khác mắc bệnh này noi theo,” bác sỹ Long tự hào khi nói về bệnh nhân nhỏ tuổi của mình.

Dù bệnh tật như vậy, nhưng Hà Anh luôn có ý thức trong học tập, vượt qua mọi nỗi đau về bệnh tật, thành tích của cô học trò nhỏ này khiến ai cũng phải nể phục.

Thành tích của cô học trò nhỏ này khiến ai cũng phải nể phục (Ảnh: Doãn Đức)
Thành tích của cô học trò nhỏ này khiến ai cũng phải nể phục (Ảnh: Doãn Đức)

Ước mơ trở thành bác sỹ

Những ngày tháng Chín, trở lại lớp học sau 1 tuần nằm viện, da bé Hà Anh hồng hào, tươi tỉnh hẳn lên. Trong tiết học toán về các số tự nhiên, Hà Anh chăm chú học và hăng hái phát biểu. Những giờ ra chơi em được tíu tít vui với bạn bè.

Trường tiểu học Vũ Xuân Thiều có gần 1.000 học sinh, trong đó có 3 em mắc bệnh hiểm nghèo: ung thư, máu trắng và bệnh tan máu bẩm sinh.

Cô Nguyễn Thị Đức – giáo viên chủ nhiệm lớp 4A1, trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều cho hay, lớp 4A1 có 39 học sinh, Hà Anh là bạn có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt hơn các bạn khác. Có những tháng em phải nghỉ học cả tuần để vào viện điều trị. Những lúc như vậy, Hà Anh luôn khắc phục bằng cách mượn vở của các bạn khác để học bài. Ngoài ra những bài khó con chưa hiểu sau khi đi học lại con trao đổi với các bạn khác ở trong lớp. Những bài khó hơn nữa hay còn khúc mắc ở đâu thì con thường gặp trực tiếp giáo viên chủ nhiệm để hỏi.

Hà Anh cười, ánh mắt ánh lên bao niềm hy vọng với ước mơ được em nuôi dưỡng hàng ngày: Sau này em muốn được trở thành một bác sỹ để chữa bệnh cho mọi người.

Hà Anh là em bé thông minh, sáng dạ, có tinh thần học hỏi cao, hăng hái trong học tập và luôn nằm trong tốp đầu của lớp. Trong các môn học Hà Anh thích nhất môn Toán, tiếng Việt.

Cô bé 9 tuổi ấy đã có 8 năm đồng hành cùng với căn bệnh tan máu bẩm sinh, và cũng chừng ấy thời gian em gắn bó với bệnh bệnh. Với cô bé nhỏ tuổi này, bệnh viện như một ngôi nhà thứ hai, các bác sỹ, y tá như là những người thân quen trong gia đình.

Nỗi đau bệnh tật ngày ngày đeo đẳng, sống cùng em nhưng nó không quật ngã được ý chí của cô gái bé nhỏ này. Với một niềm tin, một tâm hồn trong sáng và nghị lực vươn lên không bao giờ chịu đầu hàng số phận. Hà Anh cười, ánh mắt ánh lên bao niềm hy vọng với ước mơ được em nuôi dưỡng hàng ngày: Sau này em muốn được trở thành một bác sỹ để chữa bệnh cho mọi người./.

Trong các môn học Hà Anh thích nhất môn Toán, tiếng Việt (Ảnh: Doãn Đức)
Trong các môn học Hà Anh thích nhất môn Toán, tiếng Việt (Ảnh: Doãn Đức)