Đoàn chuyên gia TTXVN và những năm tháng khó quên

Những năm tháng không thể nào quên trên đất nước Campuchia

Trần Long

“Ở Thành phố Hồ Chí Minh những ngày đó, trong không khí chiến tranh và hòa bình đan xen nhau, ngoài phố không khí vẫn ồn ào, hối hả bởi tiếng động cơ của xe cộ, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường. Trong mỗi bản tin từ biên giới gửi về, tôi vẫn cảm nhận như có tiếng súng nổ vang lên từng hồi, mùi thuốc súng khét lẹt và hình ảnh người chiến sỹ xung phong ở phía trước… Đến lúc này, khi lửa đã cháy và máu đã đổ, thôi thúc mọi người, đâu có thể ngồi yên…”

Đó là những dòng hồi ký của cựu chuyên gia kỹ thuật Thông tấn xã Việt Nam Đỗ Sỹ Mến, ở thời điểm cuối năm 1978 khi khắp vùng Tây Nam đất nước đang rực cháy, quân Khmer Đỏ tấn công biên giới, sát hại dã man người dân Việt, đốt phá làng mạc. Cả đất nước căm thù những hành động tàn bạo của quân giết người.

Đã hơn 38 năm trôi qua, kể từ ngày đầu tiên (1979), Đoàn chuyên gia của Thông tấn xã Việt Nam lên đường làm nhiệm vụ quốc tế giúp Thông tấn xã Campuchia – SPK (nay là AKP), cho tới khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về Tổ quốc năm 1989.

Chuyên gia kỹ thuật TTXVN Đỗ Sỹ Mến (phải) trên đất nước Campuchia. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Chuyên gia kỹ thuật TTXVN Đỗ Sỹ Mến (phải) trên đất nước Campuchia. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ở thời điểm cả đất nước, cả dân tộc vừa bước ra khỏi cuộc chiến khói lửa sau năm 1975, cuộc sống xã hội còn đầy khó khăn, vất vả bề bộn, những nhà báo, phóng viên, chuyên gia kỹ thuật Thông tấn xã Việt Nam lại xốc balô lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc, với đầy đủ hành trang của những người lính thực sự, với ngòi bút, tinh thần sắt đá và một trái tim quả cảm giúp hồi sinh một đất nước Campchia kiệt quệ vì chế độ diệt chủng Pol Pot.

Ngày đó đã qua, giờ những mái đầu đã điểm bạc, người còn người mất, nhưng nhưng một trang lịch sử oai hùng không bao giờ phai nhòa trong ký ức các thế hệ các phóng viên, nhà báo, chuyên gia kỹ thuật Thông tấn xã Việt Nam, cơ quan báo chí duy nhất ở Việt Nam được phong tặng hai danh hiệu Anh hùng: Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến cứu quốc.

Trong năm tháng gian khó trên đất bạn, Đoàn S78 – tên gọi Đoàn chuyên gia Thông tấn xã Việt Nam tại Campuchia, đã giúp xây dựng cả một hãng thông tấn SPK. Có những chuyến đi công tác không thể nào quên với những người bạn Campuchia, trên những chiếc xe UAZ, ngoài máy điện báo, máy phát điện, tư trang và đồ nghề phóng viên, mỗi người còn phải mang theo súng AK với vài băng đạn.

Cũng ở nơi cùng khó, niềm tin vào một tương lai tốt đẹp không bao giờ lịm tắt”

Những rủi ro trúng mìn, bị tàn quân Pol Pot phục kích trên đường là chuyện thường xuyên với nhiều chuyên gia-quân tình nguyện Việt Nam thời điểm đó. Nhưng tất cả đã vượt lên, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trong tâm trí mọi cán bộ Thông tấn xã Việt Nam ngày đó, Campuchia là những làng mạc bỏ hoang, Thủ đô Phnom Penh cổ kính và xinh đẹp hoàn toàn là một thành phố chết theo đúng nghĩa đen. Những đại lộ hun hút, vắng tanh. Những căn nhà đóng cửa im lìm, cỏ mọc đầy các vườn hoa. Không một bóng người, thậm chí cả súc vật cũng không có. Ngân hàng Quốc gia bị tàn phá, Chợ Mới bị bỏ hoang, mốc meo ẩm thấp. Ngôi trường duy nhất còn được sử dụng nhưng là dùng cho nhà tù Toul Sleng.

“Cũng ở nơi cùng khó, niềm tin vào một tương lai tốt đẹp không bao giờ lịm tắt. Có sống ở Campuchia trong những ngày đó mới thấy quý biết bao mỗi tín hiệu hồi sinh của một đất nước vừa trải qua thảm họa.”

Những dòng hồi ký của nhà báo Thông tấn xã Việt Nam Phạm Tiến Dũng sẽ khiến bất kỳ ai cũng tin vào những điều diệu kỳ trong cuộc sống. Ông đã thực sự ngỡ ngàng trong một ngày tháng Giêng năm 1979, khi đang đi trên đường phố Phnom Penh không một bóng người, u vắng, bỗng vẳng nghe trong không gian tiếng đàn piano thánh thót.

Có sống ở Campuchia trong những ngày đó mới thấy quý biết bao mỗi tín hiệu hồi sinh của một đất nước vừa trải qua thảm họa.

“Ngực đeo máy ảnh, tay cầm súng tôi tò mò lần đi tìm đến nơi có tiếng đàn. Ồ, một khung cảnh thật thú vị. Trong khu vườn bỏ hoang có chiếc piano nhà ai để đó. Một người lính Campuchia đang say sưa chơi đàn, súng gác bên cạnh. Quanh anh mấy người dân, chắc từ đâu đó trở về, vẫn mang trên người bộ quần áo đen ‘công xã’ đang chăm chú nghe…”

“… Phút nghỉ ngơi giữa cuộc chiến. Sự đối lập giữa sự sống và cái chết, giữa sự tàn bạo của chiến tranh và sức sống của nghệ thuật, sự can đảm của những người lính trước giờ ra trận. Niềm tin vào ngày mai, vào tương lai…”

Pháo binh của ta bảo vệ biên giới Tây Nam tháng 9/1977. (Ảnh: Nhà báo Vũ Xuân Bân)
Pháo binh của ta bảo vệ biên giới Tây Nam tháng 9/1977. (Ảnh: Nhà báo Vũ Xuân Bân)

Trong tâm khảm của mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, lái xe, nhân viên…. chuyên gia Thông thông tấn xã Việt Nam mãi ghi sâu những hình ảnh về một giai đoạn đặc biệt của lịch sử làm nghĩa vụ quốc tế trong sáng, vô tư với khẩu hiệu “Giúp bạn là giúp mình.”

Như lời mở đầu trong cuốn “Những năm tháng ở Campuchia” (Nhà xuất bản Thông tấn – 2009), giai đoạn không thể nào quên ấy ấy đã tô thêm những trang sử vẻ vang, hào hùng vào truyền thống hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành của Thông tấn xã Việt Nam:

“…Em bé Khmer ơiBầu trời đã tan mâyVừng dương đang tỏa sángAnh sẽ đưa em điCho đến bến đến bờĐể em ca hát tuổi thơTương lai đẹp đang chờ đợi em…”

(Trích thơ tác giả Nguyễn Đình Cao – Phnom Penh, 1981)./.

Đường vào Phnom Penh: ‘Bên kia sông súng vẫn nổ… chậm lại là chết!’

Trần Mai Hưởng

Dòng suy tưởng đưa nhà báo Trần Mai Hưởng trở lại những tháng ngày sống và chiến đấu trên đất bạn Campuchia cùng quân tình nguyện Việt Nam mùa Xuân 1979. Khi ấy, ông là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam trong chiến dịch giải phóng Campuchia.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông không giấu được sự xúc động, đặc biệt là khi nhắc lại cuộc hành quân cùng Quân đoàn 4 Quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào Thủ đô Phnom Penh (7/1/1979).

“Niềm vui của một phóng viên chiến trường khi hoàn thành nhiệm vụ, có những tin/bài kịp thời phản ánh, tường thuật sự kiện trọng đại – thủ đô Phnom Penh hoàn toàn giải phóng dường như cũng không thể át đi nỗi ám ảnh kéo dài nhiều năm sau đó về một thành phố không có sự sống với những nhà tù, xác người và hố chôn tập thể,” nhà báo Trần Mai Hưởng bộc bạch.

VietnamPlus trân trọng giới thiệu bài viết hồi tưởng lại hành trình tiến vào giải phóng Thủ đô Phnom Penh của nhà báo Trần Mai Hưởng – nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam trong chiến dịch giải phóng Campuchia 1979.

Nhà báo Trần Mai Hưởng tại Campuchia. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Nhà báo Trần Mai Hưởng tại Campuchia. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ngày 7/1/1979, Phnom Penh hoàn toàn giải phóng. Nhóm phóng viên đi theo Quân đoàn 4 (gồm phóng viên Trần Mai Hưởng – tổ trưởng, Lê Cương và lái xe Phạm Văn Thu) là nhóm phóng viên đầu tiên có mặt tại thủ đo Phnom Penh đúng ngày Phnom Penh được giải phóng. Nhóm đã kip thời có tin bài, hình ảnh về sự kiện lịch sử này.” …Chúng tôi như ngồi trên chảo lửa. Bên kia sông súng vẫn nổ nhưng có phần thưa thớt. Tôi tìm người phụ trách phà để xin đi trước sang sông do nhiệm vụ đặc biệt. Trong khi đó, Cương và Thu đã đi xin được của bộ đội một xoong cơm và một xoong canh.

Được lệnh qua phà, nhóm lính cho nhà báo cả xoong, nồi rồi đi luôn. Chúng tôi nuốt vội vàng mây miếng cơm rồi cũng đưa được chiếc Jeep xuống phà. Khi phà đang qua sông, chúng tôi cố gắng ăn cho no. Không còn đường nào khác! Cả đơn vị đã chuyển lên phía trước. Chúng tôi không thể đi tìm Cục chính trị theo đội hình mà sẽ phải tự đi vào Phnom Penh. Sẽ có những rủi ro, nhưng đấy là cách duy nhất để có mặt ở thành phố sớm nhất. Cương và Thu nhất trí ngay.

Tôi lo đến thót tim khi chiếc Jeep nhỏ bé mãi mới lên được phà, gầm xe quá thấp, mà phà dã chiến lại không có đường lên-xuống tử tế. Nhưng rồi, mọi việc cũng ổn.

“Chần chừ lúc này đồng nghĩa với cái chết”

Thu gật đầu và cố gắng bám theo những chiếc xe lớn. Anh em bộ đội thấy nhà báo trên xe theo sát đội hình cũng giơ mũ lên vẫy và cổ vũ.

Đường vào thành phố hoàn toàn mới. Lính Pol Pot còn ở xung quanh. Chẳng ai chờ nhau mãi được. Những chiếc xe lớn thả hết ga để đi cho nhanh khiến chúng tôi rất vất vả.

Khoảng cách với những xe trước cứ xa dần. Tôi ngồi trước, nên chỉ còn cách động viên Thu cứ vững tay lái. Chẳng có vết xe để lăn theo mà tránh mìn và cũng chẳng có thời gian cho điều ấy. Vấn đề là phải đi thật nhanh vì trời đã ngả chiều. Phải vào kịp thành phố trước khi trời tối.

Nhà báo Trần Mai Hưởng nhớ lại thời kỳ TTXVN thực hiện nghĩa vụ quốc tế với Campuchia.

Mặt đường đầy những ổ pháo mới bắn, những đoạn đường bị băm mỗi khi xe qua lại nảy tung lên. Xác lính Pol Pot hoặc thường dân còn trên đường chết từ mấy ngày trước. Có những cái xác đã trương phềnh. Không gian sặc mùi gây gây, tanh nồng, rất nhiều lần tôi đã muốn nôn oẹ khi nhìn thấy những quang cảnh ấy.

Lúc đầu, Thu còn cố tránh những xác chết. Sau cũng có lúc không tránh được vì chẳng có lối nào để lăn bánh nên cứ phải tràn qua. Lúc lăn qua một xác chết đã trương, tôi có cảm giác còn nghe thấy tiếng “bụp! bụp!” của hơi bị xì ra và cảm thấy rùng mình. Thế nhưng, chần chừ lúc này đồng nghĩa với cái chết.

“Có lúc, tôi chợt cảm thấy như có họng súng đang chĩa vào mình sắp nhả đạn. Tôi nghĩ đến hình ảnh của đứa con trai hai tuổi”

Chúng tôi phải chạy nhanh, càng nhanh càng an toàn. Có lúc, tôi chợt cảm thấy như có họng súng đang chĩa vào mình sắp nhả đạn. Tôi nghĩ đến hình ảnh của đứa con trai hai tuổi, gương mặt ngây thơ mỗi chiều chờ bố đón ở nhà trẻ. Con tôi sẽ ra sao nếu một viên đạn đang bay tới và lần này tôi không trở về…

Bất giác, tôi đưa tay lên che ngực như một phản xạ tự nhiên, dù biết rằng điều ấy chẳng có ý nghĩa gì vào lúc này!

Mãi đến cuối chiều chúng tôi mới vào đến thành phố. Tôi không tin vào mắt mình khi thấy một Phnom Penh hoang tàn và trống vắng, không có sự sống. Đúng là một thành phố chết. Các ngôi nhà đều kín cửa và hoang tàn vì không có người ở. Những nẻo đường vắng tanh… Các đơn vị đã chốt giữ những địa bàn quan trọng. Chính quyền Pol Pot đã rút chạy về phía Tây trước khi quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia tiến vào.

Xe chở phóng viên TTXVN vượt qua ngầm sâu tại khu vực Xa Mat (Tây Ninh) giáp biên giới Campuchia tháng 10/1977 để đưa tin bảo vệ biên giới Tây Nam. (Ảnh: Nhà báo Vũ Xuân Bân/TTXVN cung cấp)
Xe chở phóng viên TTXVN vượt qua ngầm sâu tại khu vực Xa Mat (Tây Ninh) giáp biên giới Campuchia tháng 10/1977 để đưa tin bảo vệ biên giới Tây Nam. (Ảnh: Nhà báo Vũ Xuân Bân/TTXVN cung cấp)

Không kịp liên lạc với Cục Chính trị quân đoàn, chúng tôi hỏi đường tìm đến Bộ tư lệnh sư đoàn 341 để nghỉ lại. Đây cũng là một trong những đơn vị xung kích tiến vào thành phố sớm nhất.

Các anh trong Bộ tư lệnh, đặc biệt là Sư trưởng Vũ Cao, rất nhiệt tình giúp đỡ tổ phóng viên. Khi ấy, chúng tôi được mang danh xưng chung là phóng viên SPK (Saporamean Kampuchia) với đặc trưng là chiếc mũ lưỡi trai vải mềm mà không hiểu từ lúc nào, nhân dân và cán bộ, chiến sĩ đều gọi là mũ SPK!

Nhiều người bồng bế con nhỏ, dắt tay các cụ già… ra đi dưới họng súng của những kẻ áo đen nhân danh “giải phóng”

Nhờ có sư trưởng Vũ Cao mà chúng tôi ngay trong tối hôm đó nắm được toàn bộ những diễn biến chính liên quan đến chiến dịch giải phóng Phnom Pênh, những tư liệu rất cần mà không dễ có được vào lúc đó. Sư trưởng Vũ Cao là người Bắc, có gia đình ở Hà Nội. Ông hiểu và quý mến anh em Thông tấn xã. Con rể của ông là nhà báo Đình An, khi đó là phóng viên Báo Ảnh Việt Nam thuộc Thông tấn xã Việt Nam.

Cuộc gặp với ông khiến tôi nhớ lại cuộc gặp với Chính uỷ sư đoàn 304 Trần Bình trong chiến dịch mùa xuân 1975. Cũng là một sư may mắn, có phần tình cờ mà chúng tôi có được trong những thời điểm quan trọng nhất của nghề nghiệp. Với sự quan tâm đặc biệt, sư trưởng Vũ Cao thể hiện sự quan tâm của ông.

Ông nói với chúng tôi: “Các anh cứ ở lại đây qua đêm. Đi ra ngoài bây giờ rất nguy hiểm vì tàn quân Pol Pot vẫn còn. Tối nay, tôi sẽ cho các anh những thông tin cơ bản về tình hình, sáng mai sẽ có lực lượng đưa các anh đến những địa bàn quan trọng nhất của Phnom Penh… Tôi biết công việc của các anh lúc này rất quan trọng và cần phải thật nhanh!

Ông rất am hiểu công việc của anh em làm báo nên chúng tôi chẳng có gì đòi hỏi hơn. Tôi chỉ nhờ ông báo lên Cục chính trị quân đoàn cho anh Ba Cúc biết là chúng tôi đã vào Phnom Penh, đang ở với sư 341 và sẽ chủ động tác nghiệp sao cho có hiệu quả nhất.

Từ trái sang: Lái xe Phạm Văn Thu, một cán bộ Quân đoàn 4, nhà văn Nguyễn Chí Trung, nhà báo Trần Mai Hưởng. (Ảnh: Nhà báo Trần Mai Hưởng cung cấp)
Từ trái sang: Lái xe Phạm Văn Thu, một cán bộ Quân đoàn 4, nhà văn Nguyễn Chí Trung, nhà báo Trần Mai Hưởng. (Ảnh: Nhà báo Trần Mai Hưởng cung cấp)

Đêm ấy tôi nằm không sao ngủ được dù người mệt rã rời sao bao ngày vắt sức và lăn lộn cùng Lê Cương và Thu với bao gian khó, hiểm nguy. Nỗi lo lắng cho công việc ngày mai đè nặng. Phải làm sao có được tài liệu và quay về Sài Gòn nhanh nhất…

Một cảm giác đặc biệt đến với tôi. Thế là tôi cùng Lê Cương và Thu vào Phnom Penh giải phóng, một sự kiện trong đời làm báo không dễ gì có được. Tôi nghĩ đến vợ con, gia đình và như chính ủy Trần Bình năm nào, mong sao cho vợ tôi biết tôi vẫn an toàn và đang có mặt ở đây… Nhưng mong ước ấy vào lúc đó là không thể!

Sau này, vợ tôi kể lại, vào buổi tối hôm ấy, khi nghe đài, biết tin Phnom Penh giải phóng, vợ tôi đang ôm con trai bỗng nhiên oà khóc làm con cũng khóc theo… Khi ấy vợ tôi vừa mừng, vừa lo lắng, không biết số phận của tôi ra sao!

Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm. Sư trưởng Vũ Cao cho một nhóm trinh sát đi cùng, đưa chúng tôi đến các nơi trong thành phố. Ấn tượng ban đầu về Phnom Penh rất đặc biệt. Những nét cong quyến rũ của Hoàng Cung, Đài Độc Lập, đồi Bà Penh, những ngôi chùa cổ… làm thành phố có vẻ đẹp riêng.

Nhưng điều ấy chẳng còn là gì so với cảnh tượng hoang vắng đến rợn người và thật không thể hiểu nổi sự kỳ quái của chế độ Pol Pot trên mảnh đất này. Nhà tù Tung Sleng còn nguyên khu chứa sọ người và dụng cụ tra tấn. Có khu nhà hoang còn nguyên cả những mâm cơm của hơn 3 năm trước, ngày người dân bị lính Khmer Đỏ buộc phải rời khỏi thành phố.

Những “rừng” sọ người trên đất nước Campuchia
Những “rừng” sọ người trên đất nước Campuchia

Các chiến sỹ đưa cho tôi xem một tập ảnh tới hàng trăm chiếc chụp cảnh người dân rời Phnom Penh vào cáì ngày hãi hùng đó. Nhiều người bồng bế con nhỏ, dắt tay các cụ già…ra đi dưới họng súng của những kẻ áo đen nhân danh “giải phóng.”

Những gương mặt khổ đau tột độ vì hoang mang, vì sơ hãi vì không hiểu điều gì đã xảy ra! Tôi đoán rằng, đây là ảnh của một phóng viên nước ngoài chụp và không kịp mang đi hoặc bị tịch thu vứt lại! Cũng có thể đó là một người Campuchia nào đó chụp và làm ra ảnh nhưng đành bỏ lại.

Cất tập ảnh đó vào balô, tôi biết mình đang có trong tay một tư liệu quý và tư hỏi, không biết số phận của tác giả bây giờ ra sao? Rất có thể anh hoặc chị ta đã ngã xuống trên những “cánh đồng chết” ở khắp đất nước này!

Một xã hội hoàn toàn thù địch với nên văn minh nhân loại. Người ta có thể thấy điều đó khi những máy thu hình, đồ dùng đắt tiền và cả rượu ngon chất đống trong các nhà kho. Lính Khmer Đỏ dồn những thứ đó thành từng đống. Tất cả đã bị đập phá hoặc mục nát. Mấy anh lính chỉ cho chúng tôi xem một khu nhà chất đầy giàu dép nhưng tất cả đều chỉ của một phía, hoặc chân trái, hoặc chân phải. Không thể kiếm được một đôi hoàn chỉnh!

Một xã hội hoàn toàn thù địch với nên văn minh nhân loại. Người ta có thể thấy điều đó khi những máy thu hình, đồ dùng đắt tiền và cả rượu ngon chất đống trong các nhà kho

Nhóm trinh sát đã giúp chúng tôi tìm được một đơn vị thuộc lực lượng Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia với trang phục nghiêm chỉnh, đặc biệt là những chiếc mũ vải mềm rất đặc trưng để chụp ảnh. Vào thời điểm đó, đây là vấn đề rất nhạy cảm.

Người chỉ huy đơn vị rất nhiệt tình cho cả xe đi theo chúng tôi đến các địa điểm cần thiết để chụp ảnh vì thời gian không có nhiều. Chúng tôi đi ra sân bay Pochentong.

Chỉ còn vài chiếc máy bay từ thời trước hư hỏng nằm ở góc đường băng. Ở đây chúng tôi gặp nhà văn Nguyễn Chí Trung. Anh nói cho đi cùng vì cũng muốn có mặt ở các nơi trong thành phố rồi cùng về Sài Gòn!

Nhà văn Nguyễn Chí Trung đã quen thuộc với lứa tuổi chúng tôi từ thời cắp sách đi học, khi “Búc thư làng Mực” của ông được in trong sách giáo khoa. Ngoài đời, ông to béo, thấp lùn nhưng nhanh nhẹn, tính tình thoải mái, dân dã.

Có lúc, tôi bực mình vì anh em dẫn đường đi quá chậm vì còn phải lo việc này việc khác, thì anh đã có cách giải quyết rất nhanh và thu xếp mọi việc một cách khéo léo. Chúng tôi về Hoàng Cung, những người lính Campuchia vừa tiếp quản dẫn chúng tôi nhanh qua các khu chính rồi vui vẻ giúp Lê Cương tạo hình những cảnh cần thiết.

Tôi nhớ khi nhìn vào trong sân Hoàng Cung, một chiếc cốc bạc nằm lăn lóc. Tôi đã chỉ cho người lính Campuchia đi cùng. Anh nâng niu chiếc cốc đó rồi nói, sẽ đưa lại cho chỉ huy đơn vị. Khi rút chạy, những đồ đạc quý đã bị bọn Pôn Pốt vét sạch. Chiếc cốc đó chắc là bị rơi trong lúc vội vã. Có một chi tiết tôi nhớ mãi về nhà văn Nguyễn Chí Trung.

Khi chúng tôi đi thăm các nơi trong Hoàng Cung, ra cả phía ngoài đường để chụp ảnh thì anh ung dung ngồỉ ở một chiếc ghế đá trong vườn ngủ một giấc ngon lành! Nhà văn là một người vô tư, do quá mệt và thiếp đi. Trong khi đó, các chiến sĩ đi cùng luôn nhắc chúng tôi phải bám theo họ vì không loại trừ tàn quân Pol Pot còn ẩn nấp đâu đó!

Chúng tôi nhanh chóng đến các địa điểm chính trong thành phố, ra Đài Độc Lập, lên cầu Shihanouk, ga xe lửa, chợ trung tâm… Khi chạy dọc theo đại lộ Monivong, tôi bất ngờ khi gặp một toán các chiến sĩ của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước đang xúm quanh một chiếc đàn dương cầm cũ nát. Chiếc đàn đó chắc là bỏ đã lâu, nhưng vẫn còn chơi được. Chúng tôi xuống và hỏi chuyện mọi người.

Bộ đội ta truy kích lính Pôn Pốt bảo vệ biên giới Tây Nam, cuối năm 1978. (Ảnh: Vũ Xuân Bân)
Bộ đội ta truy kích lính Pôn Pốt bảo vệ biên giới Tây Nam, cuối năm 1978. (Ảnh: Vũ Xuân Bân)

Người đại đội trưởng tên là Cay On, vốn là người Phnom Penh. Anh cùng gia đình bị đưa đi khỏi thành phố vào ngày 17/4/1975, rồi anh bị lạc gia đinh, sống ở một trang trại miền Đông. Ở đó, anh tham gia lực lượng nổi dậy. Cay On là một trong những người vui nhất khi trở lại Phnôm Pênh ngày giải phóng. Nhưng anh vẫn còn nhiều băn khoăn khắc khoải vì chưa biết cha mẹ mình và các em sống chết ra sao.

Cay On giới thiệu cho chúng tôi về những người bạn của mình. Họ là những thanh niên nam nữ không chịu đựng được chế độ Pol Pot, bỏ chạy vào rừng hoặc tìm đường sang Việt Nam lánh nạn. Họ gia nhập lực lượng vũ trang cách mạng và cùng các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam trở về giải phóng quê hương. Gương mặt trẻ trung, tràn đầy sức sống của những chiến sĩ trẻ ấy gây ấn tượng mạnh về một lớp người mới sẽ làm chủ đất nước này sau khi chế độ Pol Pot bị lật đổ.

Trong lúc trò chuyện, rất bất ngờ, một chiến sĩ ngồi xuống bên đàn, chơi bản dân ca Campuchia có tên gọi Xari Cakeo và mọi người cùng vỗ tay hát theo. Đấy là một hình ảnh rất đặc biệt in đậm trong trí nhớ của tôi trong ngày Phnom Penh giải phóng. Đây là một chi tiết đắt trong bài về Phnom Penh trong ngày đầu giải phóng.

Có được các tư liệu chính, chúng tôi cùng nhà văn Nguyễn Chí Trung chia tay các chiến sỹ đi cùng, chạy dọc theo đại lộ Monivong và qua cầu, trở lại Việt Nam. Lúc ấy cũng đã trưa rồi. Tôi vẫn nhớ anh Trung với chiếc ống nhòm dài ngoẵng trên tay, trông gíống như một chỉ huy hơn là một nhà văn.

“Tôi vẫn nhớ anh Trung với chiếc ống nhòm dài ngoẵng trên tay, trông gíống như một chỉ huy hơn là một nhà văn”

Bốn anh em cứ thẳng đường về hướng Kandal, đến bến phà Neak Leung. Bằng mọi giá phải có mặt ở Sài Gòn càng sớm càng tốt. Đây sẽ là những tư liệu đầu tiên về giải phóng Phnom Penh mà ở nhà đang trông đợi!

Chúng tôi không thể đi nhanh được. Đường quá xấu, lại chờ đợi ở Neak Leung khá lâu .Nhưng lý do chính là xe bị hỏng. Ắcquy hết sạch điện do trong quá trình chạy trên đường sóc quá, dây nạp điện bị đứt tung ra mà không biết. Không thể “đề” cho nổ mỗi lần chết máy, mấy anh em chỉ còn cách nghiến răng, dốc hết sức để đẩy xe.

Có lúc nhờ được bộ đội, có lúc không, mà sức của chúng tôi đã kiệt rồi. Mấy gói mì tôm hoà với nước lõng bõng để húp không thấm vào đâu. Cũng chẳng có thời gian để rẽ vào các đơn vị hoặc nhà dân kiếm cơm nữa. Dù vậy, trên đường,chỗ nào có thể chụp ảnh đựơc, chúng toi đều cố dừng lại. Đây là những tư liệu quý. Tôi nhớ Lê Cương say sưa đặc tả một nhóm các nữ chiến sỹ Khmer chúng tôi gặp ở Svay Rieng.

“Nụ cười Bayon” (Ảnh: Nhà báo Lê Cương. Nguồn: TTXVN)
“Nụ cười Bayon” (Ảnh: Nhà báo Lê Cương. Nguồn: TTXVN)

Cũng tại đây, Lê Cương còn có một bức ảnh đặc tả một cô gái Campuchia trên đường về quê cũ. Cô gái chừng 16-17 tuổi, gương mặt đẹp một cách kín đáo dưới vành khăn, đôi mắt u hoài và một nụ cười bí ẩn. Đấy chính là tác phẩm “Nụ cười Bayon” rất nổi tiếng sau này của anh. Những hình ảnh đó rất sống động và có sức thuyết phục.

Đường bị xẻ dọc ngang, một lúc xe lại chết máy. Mỗi lần nhìn thấy đoạn hào xẻ trước mặt là ớn tận xương sống. Khi chúng tôi qua Mộc Bài, vào đất Tây Ninh thì trời đã xâm xẩm. Không có ắcquy thì cũng chẳng thể có đèn, xe đành chạy không trong bóng tối.

Có nhiều phương tiện khác đang lưu hành trên đường, rồi cả người nữa, thành ra rất nguy hiểm. Chẳng có cách nào hơn, chúng tôi đành phải dùng đèn pin. Lê Cương và tôi ngồi hai bên thành xe, cứ hướng đền ra phía trước mà khua báo hiệu cho các xe khác và người đi trên đường. Cũng phải dùng rất tiết kiệm vì sợ hết pin, cứ chỗ nào đông người thi mới bật đèn. Có lúc chúng tôi còn la lớn “Xe đây! Xe đây!’ làm hiệu. Đoạn nào vắng thì chạy mò, cứ hướng Sài Gòn mà lao tới.

Khá muộn, chúng tôi mới về tới cơ quan. Anh Trần Hữu Năng đón. Ngay lập tức, phim được mang đi tráng và làm ảnh ngay. Tôi tranh thủ ghi lại những điều đã chúng kiến ở Phnôm Pênh những ngày đầu giải phóng. Anh Năng xem xong, biên tập nhanh lại rồi tất cả tư liệu ấy được chuyển lên Bộ chỉ huy mặt trận.

Có lẽ đây là một đặc thù của hoạt động nghiệp vụ trong thời gian này. Chúng tôi không thể tự phát ngay tin, ảnh. Bộ phận giúp việc cho Bộ chỉ huy mặt trận sẽ xem xét và chọn lọc, cân nhắc lại mọi điều. Khuya hôm đó, những tấm ảnh đầu tiên của tổ mới được phát ra Hà Nội.

  • anh1-1502960642-86.jpg
  • anh2-1502960648-94.jpg
  • anh3-1502960655-51.jpg
  • anh5-1502960664-60.jpg
  • anh6dac-1502960671-79.jpg
  • anh7dac-1502960678-27.jpg
  • anh8dac-1502960685-2.jpg
  • anh9dac-1502960692-94.jpg
  • anh10da-1502960700-7.jpg

Sáng ngày 9/1, tất cả các báo ở trong nước và nhiều hãng thông tấn báo chí nước ngòai đều đồng lọat đăng các ảnh giải phóng Phnom Penh, Svay Rieng, Prey Veng và nhiều hình ảnh khác về Campuchia dưới danh nghĩa SPK (thực ra, chủ yếu là các ảnh của Lê Cương). Chúng tôi rất vui vì điều này. Ngày hôm sau chúng tôi mới nhận lại được bài viết để chuyển ra Tổng xã, phản ánh không khí thủ đô và đât nước Campuchia giải phóng!

Lê Cương, Thu và tôi rất vui. Chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp phần vào những thông tin, hình ảnh đầu tiên về một chiến dịch lịch sử. Các báo ở Việt Nam và nhiều cơ quan Thông tấn bên ngoài đã sử dụng những tư liệu, hình ảnh đó.

Mấy ngày sau, từ các mũi khác, tin và ảnh của các anh em cũng được chuyển về, phản ánh khá bao quát tình hình trên các hướng chính của chiến trường. Thông tấn xã Việt Nam một lần nữa làm được nhiệm vụ của hãng Thông tấn quốc gia trong những thời điểm quan trọng! Sau này Lê Cương có nói với tôi, Phó Tổng biên tập Đỗ Phượng, khi xem lại những tư liệu, hình ảnh của nhóm chúng tôi, đặc biệt là những ảnh các chiến sỹ Campuchia có mũ vải mềm chứ không phải là mũ cối, đã nói theo cách riêng của ông: “Các cậu đã cứu cho Thông tấn xã bàn thua trông thấy!”./.

Bước ra từ lửa đạn chiến tranh, lại lên đường ‘giúp bạn là giúp mình’

Phương Mai – Doãn Đức

Gần bốn thập kỷ đã trôi qua kể từ ngày đoàn chuyên gia của Thông tấn xã Việt Nam lên đường làm nhiệm vụ quốc tế giúp xây dựng, phát triển hãng Thông tấn Campuchia – Saporamean Kampuchea (SPK) nhưng những ký ức về một thời hào hùng và oanh liệt vẫn vẹn nguyên trong tâm trí nhà báo Nguyễn Quốc Uy – nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.

“Đó là những năm tháng không thể bị lãng quên,” nhà báo Nguyễn Quốc Uy nhấn mạnh. Khi ấy, cả dân tộc Việt Nam mới bước ra khỏi cuộc kháng chiến chống Mỹ với những khó khăn, thiếu thốn chồng chất… Không ít phóng viên, cán bộ Thông tấn xã Việt Nam vừa bước ra từ lửa đạn chiến tranh lại tiếp tục vác balô lên đường với tinh thần “Giúp bạn là giúp mình!”

Nhà báo Nguyễn Quốc Uy là thành viên đoàn chuyên gia của Thông tấn xã Việt Nam tại Campuchia trong thời gian từ năm 1980-1985, Trưởng Cơ quan đại diện Thông tấn xã Việt Nam tại Campuchia trong thời gian 1991-1995.

– Xin ông cho biết tóm tắt quá trình Thông tấn xã Việt Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế đối với Campuchia? Ý nghĩa của việc này đối với quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Campuchia?

Nhà báo Nguyễn Quốc Uy: Khi xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam (1977-1978), chế độ Khmer Đỏ đưa quân xâm lược Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam một mặt nhanh chóng triển khai phóng viên tin, ảnh tác nghiệp tại các mặt trận, mặt khác khẩn trương chuẩn bị lực lượng và phương tiện giúp các lực lượng cách mạng Campuchia nổi dậy lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, thành lập một hãng thông tấn phục vụ nhiệm vụ thông tin tuyên truyền.

Nhà báo Nguyễn Quốc Uy chia sẻ những kỷ niệm trong thời gian cùng đoàn chuyên gia TTXVN thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia.

Ngay trong nửa cuối năm 1978, ban lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam khi đó đã lập xong phương án điều động phóng viên tin, phóng viên ảnh, kỹ thuật viên và cán bộ quản lý cùng các phương tiện kỹ thuật cần thiết của ngành trên toàn quốc, đồng thời cho triển khai kế hoạch xây dựng các đài thu phát tin, ảnh ở biên giới Tây Nam.

Cuối tháng 12/1978, năm tổ phóng viên được thành lập tại bộ phận thường trú Thông tấn xã Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh,sẵn sàng theo năm cánh quân ra trận trong chiến dịch giải phóng Campuchia.

Một hãng thông tấn muốn hoạt động được thì tối thiểu phải có hai yếu tố: nhân lực và thiết bị kỹ thuật

Cùng thời gian này, Thông tấn xã Việt Nam chuẩn bị sẵn một sơ sở thu phát tin đặt tại Cần Thơ với lực lượng kỹ sư, nhân viên kỹ thuật đủ mạnh cho một hãng thông tấn quốc gia. Một bộ phận quan trọng của Thông tấn xã Việt Nam, đặc biệt là ở phía Nam, chuyển sang chế độ công tác thời chiến.

Ngày 2/12/1978, Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia tổ chức lễ ra mắt tại Snuol (tỉnh Kratie). Ngay ngày hôm sau, nhiều nơi trên thế giới nhận được tin, ảnh về sự kiện này (do Thông tấn xã SPKlần đầu tiên xuất hiện trên làn sóng điện phát đi).

Đó là những tin tức chính thức đầu tiên về những bước ngoặt của cách mạng Campuchia. Ngày 3/12/1978 được lấy làm ngày thành lập SPK, hãng thông tấn gắn liền với sự ra đời của tổ chức cách mạng mang tên Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia. Từ đó, tin tức về những thắng lợi của cách mạng Campuchia được truyền đi kịp thời.

Một hãng thông tấn muốn hoạt động được (dẫu là sơ khai) thì tối thiểu phải có hai yêu tố: nhân lực (phóng viên, biên tập viên, nhân viên kỹ thuật) và thiết bị kỹ thuật (phục vụ việc thu phát tin, ảnh).

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Campuchia thiếu cả hai yếu tố trên. Bởi vậy, toàn bộ hoạt động giai đoạn đầu của SPK đều do Thông tấn xã Việt Nam thực hiện. Cán bộ, phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam mặc quân phục của lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia, tác nghiệp với danh nghĩa phóng viên SPK. Tin, ảnh của SPK tuy có xuất xứ từ “vùng giải phóng Campuchia” nhưng đều được bí mật phát đi từ đài phát tin Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) của Thông tấn xã Việt Nam.

Ngày 25/12/1978, năm tổ phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (với danh nghĩa phóng viên SPK) được cử đi theo quân tình nguyện Việt Nam và các lực lượng vũ trang cách mạng của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia trong chiến dịch giải phóng Campuchia.

Ngày 7/1/1979, Thủ đô Phnom Penh hoàn toàn giải phóng. Ngay sau đó, Thông tấn xã Việt Nam đã đưa cán bộ và phương tiện kỹ thuật sang Campuchia, giúp xây dựng SPK về mọi mặt.

Anh Dương Phúc Hoan kỹ thuật viên Teletype (Campuchia) và nhà báo Vũ Huy Quang trên đường Monivong
Anh Dương Phúc Hoan kỹ thuật viên Teletype (Campuchia) và nhà báo Vũ Huy Quang trên đường Monivong

Trong 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế (1979-1989), Thông tấn xã Việt Nam đã cử gần 200 phóng viên, biên tập viên, nhân viên kỹ thuật cùng hàng trăm tấn thiết bị vật tư, máy móc… sang Campuchia.

Thông tấn xã Việt Nam đã nỗ lực hết mình để giúp xây dựng SPK thành một hãng thông tấn quốc gia đủ mạnh.

Trong thời gian này, tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên Thông tấn xã Việt Nam luôn tận tụy hết mình, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, để lại những tình cảm và ấn tượng tốt đẹp trong lòng cán bộ và nhân dân nước bạn.

Thực tiễn này đã góp phần cụ thể vào việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác giữa hai hãng thông tấn nói riêng và giữa hai nước Việt Nam-Campuchia nói chung.

– Với tư cách là một nhà báo từng có gần 10 năm hoạt động tại Campuchia, ông đánh giá thế nào về sự hợp tác giữa hai hãng thông tấn của hai nước?

Nhà báo Nguyễn Quốc Uy: Có thể nói, mô hình hợp tác giữa Thông tấn xã Việt Nam với hãng thông tấn của Lào và Campuchia là hiếm có trong quan hệ hợp tác thông tấn quốc tế. Theo tôi, sự khác biệt lớn nhất nằm ở việc hai bên hoàn toàn tin cậy nhau, hết lòng giúp đỡ lẫn nhau, cùng vì một mục tiêu chung – góp phần củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Từ sau khi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ bị lật đổ cho đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam-Campuchia không ngừng được củng cố và ngày càng được tăng cường. Đó vừa là nền tảng vừa là yêu cầu đặt ra để hai hãng thông tấn của hai nước tiếp tục hợp tác, cùng phát triển.

Tôi cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, hai thông tấn xã cần tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt là trong việc phối hợp thông tin.

Đoàn kỹ thuật viên Thông tấn xã Việt Nam sang giúp Campuchia năm 1979. (Ảnh tư liệu do chuyên gia Đỗ Sỹ Mến cung cấp)
Đoàn kỹ thuật viên Thông tấn xã Việt Nam sang giúp Campuchia năm 1979. (Ảnh tư liệu do chuyên gia Đỗ Sỹ Mến cung cấp)

– Câu chuyện nào khiến ông nhớ nhất trong suốt quãng thời gian gần 10 năm sống và làm việc tại Campuchia, thưa nhà báo?

Nhà báo Nguyễn Quốc Uy: Trong gần 10 năm làm báo ở Campuchia, tôi có dịp được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, thuộc nhiều giới, nhiều thành phần xã hội khác nhau. Tôi đã tận mắt nhìn thấy những hố chôn tập thể với những đống xương người chất cao hàng mét.

Điều tôi cảm nhận rõ nhất chính là nỗi sợ hãi tột cùng của người dân “xứ sở chùa tháp” khi nhắc đến chế độ diệt chủng Pol Pot. Tôi tin rằng, sau gần 40 năm, những người từng chứng kiến sự tàn bạo của chế độ Khmer Đỏ vẫn sẽ rùng mình khi nhớ lại hình ảnh những cánh đồng chết.

– Theo ông, thế hệ trẻ hôm nay của hai hãng thông tấn cần làm gì để phát huy hiệu quả hơn nữa truyền thống tốt đẹp trong mối quan hệ giữa hai hãng thông tấn?

Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đón Quốc trưởng Campuchia Samdech Norodom Sihanouk sang thăm chính thức Việt Nam (26/5/1970). Ảnh: Tư liệu TTXVN
Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đón Quốc trưởng Campuchia Samdech Norodom Sihanouk sang thăm chính thức Việt Nam (26/5/1970). Ảnh: Tư liệu TTXVN

Nhà báo Nguyễn Quốc Uy: Số phận đã gắn kết Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng kề sát bên nhau, có sự tương đồng về lịch sử, văn hóa và phong tục tập quán.

Quan hệ hai nước đã từng trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử. Theo tôi, để những thảm kịch lịch sử không lặp lại, thế hệ trẻ hôm nay có trách nhiệm “nắm chặt tay nhau” cùng vun đắp cho mối quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai nước.

– Trân trọng cảm ơn ông!

Giải phóng Phnom Penh và câu chuyện về giáo sư trong nhà tù Khmer Đỏ

Hùng Võ – Doãn Đức

Từng có mặt trong chuyến công tác đặc biệt, theo một trong 5 cánh quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ năm 1979 lịch sử, nhà báo Vũ Xuân Bân không khỏi bồi hồi nhớ về những ngày tháng gian khổ. Ký ức về thời hoa lửa chưa một ngày phai mờ trong tâm trí ông, đặc biệt trong năm kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam-Campuchia (24/6/1967-24/6/2017).

Tất cả lại rạo rực sống dậy tràn đầy, vẹn nguyên.

Chính ông là phóng viên đầu tiên phát hiện ra Nhà tù Toul Sleng “địa ngục trần gian” ở thủ đô Phnom Penh (Campuchia), bằng chứng vạch trần sự tàn bạo, dã man không thể chối cãi dưới chế độ diệt chủng Khmer Đỏ do Pol Pot cầm đầu.

Nguyên là biên tập Tin trong nước TTXVN đã nghỉ hưu cách đây gần 7 năm, ông Bân là thuộc lớp phóng viên GP10, từng là phóng viên chiến trường, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975).

Sau đó, ông được cử làm đặc phái viên TTXVN tại biên giới Tây Nam từ tháng 9/1977, chuyên gia TTXVN giúp Thông tấn xã Campuchia SPK (nay là AKP) trong những năm 1978-1979.

Các nạn nhân của Khmer Đỏ.
Các nạn nhân của Khmer Đỏ.

Lại “vào sinh ra tử”

Ngay sau ngày giải phóng miền Nam, trong khi nhiều đồng nghiệp hân hoan với niềm vui đoàn tụ với gia đình, Vũ Xuân Bân lại phải tiếp tục từ biệt người vợ trẻ, từ biệt cha mẹ già, rong ruổi làm phóng viên mặt trận, bảo vệ biên giới Tây Nam, góp phần giúp nước bạn Campuchia vùng dậy, lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.

Ở tuổi 28, thêm một lần nữa đối diện với chiến tranh, trước hòn tên, mũi đạn, sống chết không biết thế nào, nhưng Vũ Xuân Bân không nản chí.

“Hôm tiễn 5 tổ phóng viên đi theo 5 mũi tấn công của quân tình nguyện Việt Nam để đưa tin, chụp ảnh giúp quân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng, cán bộ nhân viên Cơ quan đại diện TTXVN tại Thành phố Hồ Chí Minh tiễn đưa chúng tôi lên đường đã òa khóc. Thú thực, lúc đó tôi cũng lo, xúc động nhưng nghĩ nhiệm vụ được giao, nên vội gạt bỏ cảm xúc để lên đường,” ông Bân nhớ lại.

Sau nhiều ngày theo cánh quân tình nguyện Quân khu 7 để đưa tin giúp bạn giải phóng các tỉnh Đông Bắc Campuchia vừa tiến vào thị xã Kratie, vừa hoàn thành bài viết “Những giờ phút đầu tiên giải phóng thị xã Kratie” kịp gửi về Tổng xã SPK và TTXVN, chưa kịp nghỉ ngơi, gần cuối buổi chiều ngày 7/1/1979, ông Bân lại được lệnh trở về Thành phố Hồ Chí Minh ngay trong đêm để nhận nhiệm vụ mới.

Nhà báo Vũ Xuân Bân nhớ lại giây phút phát hiện Nhà tù Toul Sleng ở thủ đô Phnom Penh

Không quản ngại hiểm nguy, chiếc xe Jeep cao gầm mang biển kiểm soát 50B-7289 tức tốc băng rừng đưa nhóm phóng viên đi theo cánh quân Quân khu 7 trở về Thành phố Hồ Chí Minh nhận nhiệm vụ.

Sau nhiều tiếng đồng hồ trắng đêm băng rừng, với tâm thế sẵn sàng chiến đấu, từ thị xã Kratie, ông Bân đã về đến Thành phố Hồ Chí Minh lúc nửa đêm. Sau khi báo cáo với lãnh đạo và nhận nhiệm mới, sáng sớm 8/1/1979, chiếc xe Jeep do đồng chí Bùi Lương Duyên lái lại tức tốc lên đường, tiếp tục đưa ông Bân cùng phóng viên ảnh Văn Sắc ngược Quốc lộ 22 lên Tây Ninh rồi qua cửa khẩu Mộc Bài hướng tới bến phà Neak Loeung để về Phnom Penh.

“Thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp những chiếc sọ người như bình vôi vương vãi khắp nơi”

“Từng chứng kiến ngay từ những ngày đầu, lực lượng vũ trang và nhân dân ta ở vùng biên giới Tây Ninh đã vô cùng gian khổ, vất vả, thường trực chiến đấu ngăn chặn sự gây hấn và xâm lấn của lính Pol Pot, khi vượt qua cửa khẩu Mộc Bài đặt chân sang đất bạn, trong lòng mỗi chúng tôi đều bồi hồi khó tả,” ông Bân chia sẻ.

Theo lời kể của ông Bân, Campuchia dưới thời diệt chủng Khmer Đỏ do Pol Pot cầm đầu là một xã hội trại lính đóng kín, xa lánh với thế giới bên ngoài, không chợ, không có trường học, không tiêu tiền… Bắt đầu từ Bavet, cách cửa khẩu Mộc Bài gần 20km thuộc tỉnh Svai Rieng, “Cánh đồng chết” hiện ra trước mắt. “Thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp những chiếc sọ người như bình vôi vương vãi khắp nơi, đó là những nạn nhân bị bọn đao phủ Pôn Pốt hành quyết không được chôn cất. Cái tên “Cánh đồng chết” là bằng chứng về tội ác man rợ của chế độ diệt chủng Pol Pot.

Phóng viên Vũ Xuân Bân tranh thủ viết bài “Trên đường về Thủ đô Phnom Penh ngày 8/1/1979.” (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Phóng viên Vũ Xuân Bân tranh thủ viết bài “Trên đường về Thủ đô Phnom Penh ngày 8/1/1979.” (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Từ tuyến phòng thủ đầu tiên của Pol Pot, trước sức tấn công như vũ bão, đối phương không kịp trở tay nên đã tháo chạy trước khi quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Phnom Penh. Bè lũ Pol Pot, kể cả đoàn ngoại giao gồm đại sứ một số nước “chí cốt” với chúng cũng đã rút khỏi Phnom Penh bằng đường sắt và đường bộ theo hướng biên giới Thái Lan.

Phnom Penh những ngày đầu giải phóng không có dân, hạ tầng cơ sở bị phá hủy hoặc bị bỏ hoang phế không khác gì “thành phố chết.” Những ngày sau đó, biết Phnom Penh giải phóng, người dân bị bè lũ Pol Pot xua đuổi ra khỏi thành phố lũ lượt kéo về, thu dọn chiến trường, dựng lại nhà cửa từ những đống đổ nát. “Ngay sau khi rời trụ sở Ủy ban Quân quản, tôi bắt tay vào viết ngay tin đầu tiên,” ông Bân nhớ lại nói. Dưới ánh đèn điện máy nổ Honda 2KW, những gì vừa quan sát được và những ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Quân quản Khang Sarin về khẩn trương khôi phục Thủ đô Phnom Penh, đã được phóng viên Vũ Xuân Bân thể hiện lại trên hai trang giấy khổ A4. Bài viết sau đó nhanh chóng được điện báo viên dùng máy liên lạc vô tuyến 15W chuyển mã bằng tín hiệu “tích tè” về cho SPK và Tổng xã TTXVN để cung cấp cho các phương tiện thông tin đại chúng sử dụng, chuyển tải đến công chúng. Ngay sau khi gửi xong bài viết, ông Bân mới thở phào nhẹ nhõm, kết thúc ngày đầu tiên (8/1/1979) vào Phnom Penh đã có bài viết kịp thời, xứng đáng với niềm tin của cơ quan gửi gắm vào những phóng viên mũi nhọn mỗi khi có sự kiện đột xuất khẩn trương, nhất là trong những lúc thử thách “vào sinh ra tử.” Những ngày sau đó, phóng viên Vũ Xuân Bân đều có tin, bài đều đặn về khôi phục sân bay quốc tế Pochentong, các nhà máy điện, nước, bệnh viện, đài phát thanh… trong đó đáng nhớ nhất là tin “Điện lại bừng sáng tại Thủ đô Phnom Penh”… được bạn đọc và dư luận xã hội rất quan tâm đến sự hồi sinh của Campuchia.

Phát hiện “địa ngục trần gian S21”

Hầu hết các nạn nhân bị hành quyết bằng cuốc chim để tiết kiệm đạn, và bị chôn trong những ngôi mộ tập thể.
Hầu hết các nạn nhân bị hành quyết bằng cuốc chim để tiết kiệm đạn, và bị chôn trong những ngôi mộ tập thể.

Trong khi chờ đợi đón đại quân SPK về Thủ đô Phnom Penh và đoàn chuyên gia TTXVN sang giúp SPK, phóng viên Vũ Xuân Bân được các chiến sĩ Quân quản Thủ đô Phnom Penh đưa đến một trường học bị bỏ hoang, xung quanh tường bao bọc dây thép gai, bốn góc xung quanh khu vực này đều dựng vọng gác khác thường.

“Thật là hãi hùng vì mùi tanh tưởi bốc lên nồng nặc. Gian phòng đầu tiên tôi bước vào còn chỏng trơ một chiếc giường sắt xộc xệch dính bê bết máu, trên tường còn lưu 4 ảnh chân dung 9x12cm có đánh số tù, trong đó có cả trẻ em. Không khí chết chóc bao trùm khu vực này làm tôi cảm thấy rờn rợn,” ông Bân kể. Trong khi đó, một số phòng bên cạnh còn cả xác chết từ lâu đã khô, đen thui. Hai chiến sĩ quân quản dẫn đường, súng AK47 lăm lăm trong tay luôn theo sát bảo vệ phóng viên Vũ Xuân Bân. Bỗng nhiên các anh đứng sững lại: “Hình như có người đến.” Trong giây lát, một ông già người Campuchia gầy yếu, còm nhom như suy dinh dưỡng xuất hiện. Ông nói được tiếng Pháp. Ông Bân kể tiếp, biết đoàn là bộ đội Việt Nam, ông già rất mừng bày tỏ: “Các ông đã cứu chúng tôi khỏi họa diệt chủng!. Bọn đao phủ Pol Pot đã rút khỏi nơi đây cả tuần nay, bỏ mặc cha con chúng tôi ở lại khu địa ngục trần gian này. Sau đó, ông mời đoàn đến ngôi nhà bên cạnh giới thiệu rằng mình từng tốt nghiệp Tú tài toàn phần tại trường College Chasseloup Laubat tại Sài Gòn thời Đông Dương thuộc Pháp (nay là trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn-Thành phố Hồ Chí Minh, tức tốt nghiệp lớp 12). Tôi thuộc lòng Truyện Kiều của Việt Nam.” “Tôi là Yit Kim Seng – giáo sư, bác sĩ, trông coi sức khỏe bọn cai ngục trại giam này. Đây nguyên là trường Trung học Chao Ponhea Yat. Bè lũ Pol Pot đã biến nơi đây thành Nhà tù Toul Sleng (còn gọi là S21) và là Trung tâm thẩm vấn, tra khảo những ‘kẻ thù của cách mạng’ sau khi chiếm được Phnom Penh.”

Giáo sư-bác sỹ Yit Kim Seng và con trai ông trước ngôi nhà cũ ở thủ đô Phnom Penh sau ngày giải phóng tháng 1/1979. (Ảnh: Nhà báo Vũ Xuân Bân/TTXVN cung cấp) 
Giáo sư-bác sỹ Yit Kim Seng và con trai ông trước ngôi nhà cũ ở thủ đô Phnom Penh sau ngày giải phóng tháng 1/1979. (Ảnh: Nhà báo Vũ Xuân Bân/TTXVN cung cấp) 

Vẫn theo lời ông Yit Kim Seng, từ tháng 4/1975 đến tháng 1/1979, có khoảng 17.000 người (một số tài liệu nói có đến 20.000 người) bị giam cầm và tra tấn đến chết tại Tung Sleng. Phần lớn tù nhân là cán bộ và binh lính Khơme đỏ bị quy là mắc tội làm gián điệp cho địch hoặc bị quy tội có âm mưu lật đổ Pol Pot.

Trong số tù nhân bị giam cầm tại Nhà tù Toul Sleng còn có nhiều nhân vật cao cấp của Khmer Đỏ… là những người bất đồng với chế độ cai trị hà khắc của bè lũ Pol Pot. Ngoài ra, còn có một số người Việt, Lào, Ấn Độ, Pakistan, Anh, Mỹ, New Zealand và Australia. Chỉ có một số ít thoát chết…

Từ thông tin ghi nhận được tại hiện trường và qua lời kể của ông Yit Kim Seng, sau khi rời nhà tù Toul Sleng về nơi đóng quân, phóng viên Vũ Xuân Bân đã viết ngay tin “Phát hiện Nhà tù Toul Sleng – Địa ngục trần gian ngay giữa Thủ đô Phnom Penh.”

“ Đây là thông tin phát hiện đầu tiên về bằng chứng tội ác tày trời của bè lũ diệt chủng Pol Pot ở Trung tâm thẩm vấn, tra tấn Toul Sleng qua lời kể của bác sĩ Yit Kim Seng. Sự thật chứng minh tội ác tày trời mà bè lũ Pol Pot không thể chối cãi,” ông Bân khẳng định.

Thông tin do phóng viên Vũ Xuân Bân phản ánh ngay sau đó được phát trên bản tin thời sự của SPK và TTXVN, gây xúc động, phẫn nộ của lương tri, sự chú ý của dư luận ở Campchia và quốc tế. Từ thông tin này, nhiều đoàn khách quốc tế, nhất là báo giới các nước có dịp đến Phnom Penh trong những năm đầu thoát khỏi họa diệt chủng cũng như bây giờ đều đến thăm “Nhà tù Toul Sleng” – Chứng tích tội ác của Khmer Đỏ.

“Còn về phần tôi, thông tin phát hiện về tội ác diệt chủng ghê rợn tại Nhà tù Toul Sleng ở Phnom Penh cứ lắng đọng trong trí nhớ từ đó cho đến nay và có lẽ không bao giờ quên. Có người hỏi, cảm giác của tôi lúc bước vào đó thế nào? Thú thực là lúc đầu tôi cũng lo sợ, nhưng đã là phóng chiến trường thì việc được đi vào điểm nóng đó là sự kỳ vọng, trọng trách lớn,” ông Bân xúc động nói.

Một lãnh đạo Khmer Đỏ nói phải “thanh lọc quần chúng” và các vụ giết người bắt đầu.
Một lãnh đạo Khmer Đỏ nói phải “thanh lọc quần chúng” và các vụ giết người bắt đầu.

Thời gian cứ thế lẳng lặng trôi qua với biết bao gian khổ, hiểm nguy, sau hơn 2 năm “vào sinh ra tử,” làm phóng viên đưa tin về bảo vệ biên giới Tây Nam, rồi làm phóng viên thường trú, chuyên gia cho Thông tấn xã SPK, đến tháng 9/1979, phóng viên Vũ Xuân Bân rời Campuchia về nhận công tác tại Ban Biên tập Tin trong nước TTXVN cho đến khi nghỉ hưu.

“… đã là phóng chiến trường thì việc được đi vào điểm nóng là sự kỳ vọng, trọng trách lớn”

Giờ đây, sau gần 40 năm gắn bó với TTXVN, ông Bân đã nghỉ hưu, nhưng trong tâm trí ông vẫn vấn vương những kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời làm phóng viên, chứng kiến chiến thắng vang dội 30/4/1975, hành quân ra trận bảo vệ biên giới Tây Nam và làm chuyên gia giúp nước bạn Campuchia.

“Hy vọng một ngày nào đó, tôi lại có dịp trở lại đất nước Campuchia để chứng kiến sự hồi sinh mạnh mẽ sau khi lật đổ chế độ Khmer Đỏ, thoát khỏi họa diệt chủng. Đất nước Chùa Tháp đang ngày một phát triển với sự quyến rũ của các di tích lừng danh như Angkor Wat, Angkor Thom,” ông Bân chia sẻ./.

Những bản tin tự do đầu tiên phát đi dưới tiếng vọng rền đại pháo

Hồng Kiều – Doãn Đức

Chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot ngày 7/1/1979 đã hồi sinh đất nước Chùa Tháp, nhân dân Campuchia khép lại trang đen tối nhất trong lịch sử và mở ra một kỷ nguyên mới độc lập, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội. Những dòng tin, hình ảnh chiến thắng giải phóng dân tộc của Campuchia được nhanh chóng truyền đi khắp thế giới. Thế nhưng ít ai biết được rằng, những bản tin tuyên bố tự do đầu tiên được phát từ trên đất Campuchia ra thế giới lại chính do các cán bộ kỹ thuật Thông tấn xã Việt Nam thực hiện.

Những “cán bộ SPK” đầu tiên

Đã gần 40 năm kể từ những ngày giáp Tết Nguyên đán năm 1979, đoàn chuyên gia kỹ thuật Thông tấn xã Việt Nam khẩn trương lên đường xây dựng Thông tấn xã Campuchia (SPK). Những ngày tháng ấy dường như vẫn còn in đậm trong tâm trí mỗi chuyên gia kỹ thuật của Thông tấn xã Việt Nam.

Ngay sau ngày Campuchia được giải phóng 7/1/1979, ông Trương Việt Cường, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật, Cục Kỹ thuật Thông tấn xã Việt Nam là cán bộ kỹ thuật đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam gấp rút lên máy bay trực thăng sang Campuchia để bắt đầu hỗ trợ xây dựng SPK.

Lần giở những trang nhật ký công tác từ cuối năm 1978 đến năm 1991, những kỷ niệm sâu sắc về những ngày tháng làm việc tại Campuchia lại tái hiện rõ ràng trong tâm trí ông Trương Việt Cường: “Ngày đầu tôi đến Phnom Penh, những dãy phố im lìm xơ xác, vẫn còn ngổn ngang trên đường những đám cháy, hậu quả của một thành phố chết chóc vừa trải qua cuộc chiến tranh. Thỉnh thoảng, đâu đó vẫn còn tiếng vọng rền của đại pháo.”

Ông Vũ Quang Huy nhớ lại những ngày tháng tham gia xây dựng Hãng thông tấn SPK 

“Việc đầu tiên của chúng tôi là xác định trụ sở cho hãng thông tấn. Trục đường Monivong rộng thênh thang, nhà cao, biệt thự nhiều nhưng đó chỉ là những cư xá, khách sạn, khu buôn bán. Chúng tôi tạm chọn địa điểm trụ sở là khu nhà 3 tầng của Hãng Hàng không Khmer,” ông Trương Việt Cường kể lại.

Trong khi ông Cường và các cán bộ chủ chốt đang xây dựng trụ sở SPK tại Campuchia thì ở Việt Nam đội ngũ cán bộ kỹ sư cốt cán cùng hàng chục tấn máy móc, thiết thị cũng ngay lập tức vượt hàng trăm cây số đường bộ tới Phnom Penh. Những cán bộ được cử sang ngày ấy đều là những cán bộ kỹ thuật, phóng viên, biên tập viên “đầu đàn,” ưu tú nhất của Thông tấn xã Việt Nam sang giúp xây dựng SPK.

Sau giải phóng, Phnom Penh vắng lặng không một bóng người dân, nhiều tòa nhà, thiết bị kỹ thuật đã bị quân Pol Pot gài mìn phá hỏng trước khi chạy trốn hòng ngăn cản việc tái thiết xây dựng Campuchia. Khó khăn lớn nhất là nhà máy điện Phnom Penh chưa hoạt động, không có điện, mọi thiết bị kỹ thuật dường như đều bị vô hiệu hóa. Các cán bộ kỹ thuật Thông tấn xã Việt Nam nhận thức được những khó khăn phải đối diện nên ngay khi đặt chân đến Phnom Penh đã bằng mọi cách, sáng tạo sửa chữa nguồn điện để sẵn sàng cho việc phát đi thông tin chiến thắng từ chính trên mảnh đất Campuchia.

Ông Vũ Huy Quang vẫn còn giữ lại quyển sổ ghi lại những ngày cuối cùng của đài thu phát chế độ Pol Pot để làm kỷ niệm. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ông Vũ Huy Quang vẫn còn giữ lại quyển sổ ghi lại những ngày cuối cùng của đài thu phát chế độ Pol Pot để làm kỷ niệm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Lên đường vào thành phố Hồ Chí Minh để chuẩn bị máy móc sẵn sàng sang Campuchia từ tháng 12/1978 mà chưa kịp nhìn mặt con trai mới sinh, ông Vũ Quang, Nguyên Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật của Thông tấn xã Việt Nam, một thành viên trong đoàn chuyên gia Thông tấn xã Việt Nam nhớ lại: “Ngay khi đặt chân đến Phnom Penh sau một chặng đường dài mệt mỏi, chúng tôi ngay lập tức bắt tay vào làm việc liên tục suốt 48 giờ để lắp ghép máy móc, hoàn thành đường truyền thông tin về Hà Nội.”

Ông Vũ Huy Quang vừa chỉ tay vào cuốn sổ ghi chép ca trực cuối cùng của đài Pol Pot, kỷ vật khi tiếp nhận nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống kỹ thuật cho SPK vừa nói: “Chúng tôi có nhiệm vụ xây dựng cơ quan trên cơ sở một trạm phát sóng của quân Pol Pot. Thế nhưng, máy thu phát lại chỉ để liên lạc trong khoảng ngắn tới Bangkok nên máy móc quân Pol Pot để lại không sử dụng được. Chúng tôi phải dựng lại toàn bộ hệ thống ăngten, máy truyền phát…”

Ngay từ những bản tin đầu tiên của SPK, tin, ảnh về chiến sự trên các mặt trận, đặc biệt là tin các địa phương ở Campuchia lần lượt được giải phóng phát đi đều ghi nguồn từ các “phóng viên SPK” nhưng thực tế chính là các phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện. Chính việc thông tin rộng rãi này đã góp phần cổ vũ quân dân Campuchia và bộ đội tình nguyện Việt Nam đang trên đà tấn công như vũ bão, với đích cuối cùng là giải phóng hoàn toàn Campuchia.Mỗi thông tin, hình ảnh được gửi về đều được đánh đổi bằng sự mạo hiểm dấn thân vào hiểm nguy và thậm chí cả bằng xương máu của những người đồng nghiệp. Chính vì lẽ đó, các chuyên gia kỹ thuật của Thông tấn xã Việt Nam ra sức hết mình hoàn thành “cầu nối” thông tin, để mỗi thông tin, hình ảnh của những người đồng nghiệp gửi về được phát đi kịp thời, nhanh chóng, không bị gián đoạn. Họ đã không phụ công những đồng nghiệp dũng cảm vượt qua lửa đạn, tác nghiệp trên khắp mọi mặt trận.

“Những bản tin tuyên bố tự do đầu tiên được phát từ trên đất Campuchia… lại chính do các cán bộ kỹ thuật Thông tấn xã Việt Nam thực hiện”

Chỉ vài ngày sau giải phóng, hệ thống thu phát dưới những trí óc sáng tạo, bàn tay khéo léo của các chuyên gia kỹ thuật Thông tấn xã Việt Nam đã hoạt động ngay lập tức và không hề bị gián đoạn. Thông tin các hãng thông tấn lớn trên thế giới đều đã đến được Phnom Penh qua máy thu SPK, những hình ảnh, tin của phóng viên về tình hình tại Đông Bắc, Tây Bắc và Tây Nam Campuchia cũng được phát ra thế giới. Các kỹ sư Thông tấn xã Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng “cầu nối” thông tin giữa Campuchia và thế giới.

“Chúng ta có gì thì bạn có cái đó”

Những thông tin, hình ảnh phóng viên ghi lại ở Campuchia được phát ra thế giới là minh chứng hùng hồn cho chiến thắng của người dân Campuchia. Những tín hiệu được SPK phát đi từ Phnom Penh là do những chuyên gia Thông tấn xã Việt Nam thực hiện. Họ cũng chính là cán bộ đầu tiên của SPK.

Kỹ sư Điện Nguyễn Quang San và ông Vũ Huy Quang ở cửa ga xe lửa Phnom Penh. (Ảnh: Vũ Huy Quang/TTXVN cung cấp)
Kỹ sư Điện Nguyễn Quang San và ông Vũ Huy Quang ở cửa ga xe lửa Phnom Penh. (Ảnh: Vũ Huy Quang/TTXVN cung cấp)

Không chỉ đưa những nhân lực cốt cán sang, Thông tấn xã Việt Nam còn quyết “nhường cơm sẻ áo” để hỗ trợ những máy móc giá trị cho Campuchia. Những máy thu phát sóng, thiết bị kỹ thuật đắt tiền nhất mà Việt Nam có vào thời ấy cũng đều được gửi sang để xây dựng SPK. Ông Vũ Huy Quang bồi hồi nhớ lại: “Thời điểm đó, cả Việt Nam chỉ có khoảng 10 chiếc máy phát sóng ngắn 5Kw, Thông tấn xã Việt Nam cũng chỉ có 5 chiếc nhưng ta vẫn quyết định mang sang cho bạn 1 chiếc. Với phương châm, Thông tấn xã Việt Nam có cái gì thì SPK có cái đó, chúng ta mang đầy đủ máy móc, nhân lực của một ‘Thông tấn xã Việt Nam thu nhỏ’ sang Camphuchia để xây dựng SPK. Chỉ trong vòng gần 1 tháng, đến cuối tháng 1/1979, đã có gần 100 cán bộ, chuyên viên, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên và nhân viên thuộc tất cả các bộ phận của Thông tấn xã Việt Nam được đưa sang Campuchia.”

“Trong điều kiện đất nước đang bị bao vây, cấm vận, áp lực từ khắp các phía mà ta vẫn đốc hết sức người, sức của để giúp bạn thì tôi nghĩ đó là sự giúp đỡ vô giá, không chỉ là về xương máu,” ông Vũ Huy Quang khẳng định.

“Thời điểm đó, cả Việt Nam chỉ có khoảng 10 chiếc máy phát sóng ngắn 5Kw, Thông tấn xã Việt Nam cũng chỉ có 5 chiếc nhưng ta vẫn quyết định mang sang cho bạn 1 chiếc”

Không chỉ giúp đỡ về máy móc và nhân lực, để có thể dần dần bàn giao việc vận hành các thiết bị kỹ thuật cho người Campuchia, Thông tấn xã Việt Nam còn nhanh chóng tiến hành đào tạo 3 kỹ tư trong 2 năm để họ trở về Camphuchia làm việc tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật trong suốt những năm sau giải phóng. Sau này, họ đều trở thành những cán bộ chủ chốt điều hành SPK.

Đoàn chuyên gia kỹ thuật Thông tấn xã Việt Nam sang Camphuchia ngày ấy phần lớn đều ở tuổi trên dưới 30. Lên đường với sự hăng hái, nhiệt tình và tuổi trẻ, họ đã để lại nhưng giọt mồ hôi và cả xương máu cho sự trưởng thành lớn mạnh của cơ quan thông tấn nước bạn.

Những năm tháng gian lao nhưng đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ đó còn rõ như in trong tâm trí ông Trương Việt Cường: “Phụ cấp ngày ấy của chuyên gia chỉ 5 riel/tháng, chỉ đủ mua bao thuốc lá, chế độ ăn ở được cung cấp từ Thành phố Hồ Chí Minh sang. Có những đợt nước sông to, đường hỏng, sự cố xe… xe tiếp tế không sang được, cả tuần anh chị em chuyên gia ăn cá khô mặn với canh nõn chuối nhưng vẫn hăng say làm việc suốt ngày, suốt tuần, suốt tháng không có ngày nghỉ Chủ nhật, nghỉ lễ Tết. Ngày làm việc, đêm lại phân công nhau trực máy và vác súng tuần tra canh gác bảo vệ cơ sở.”

Suốt gần 3 năm cùng đồng đội giúp hỗ trợ kỹ thuật cho SPK, ông Trương Việt Cường đã phát hàng nghìn tin, bài, hàng vạn giờ thu tin, hàng nghìn tấm ảnh. Hơn ai hết, ông Trương Việt Cường là người hiểu rõ và chứng kiến hành trình từ “tay không” SPK (nay là AKP) đã trở thành một hãng thông tấn có uy tín trong khu vực.

“Thành quả đó có được đều là nhờ sự giúp đỡ hết mình của lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam và các cán bộ đã không tiếc mồ hôi, xương máu làm việc với tinh thần ‘giúp bạn là giúp mình’,” ông Trương Việt Cường bồi hồi nói.

Nhà báo Vũ Quang Huy tại Chùa Wat Phnom đầu năm 1979
Nhà báo Vũ Quang Huy tại Chùa Wat Phnom đầu năm 1979

Mường tượng lại những ngày tháng tuổi trẻ đã ở lại trên mảnh đất Campuchia, ông Vũ Huy Quang kể: “Chúng ta đã mang rất nhiều thứ sang, thậm chí cả sinh mạng để đem lại tự do cho nhân dân Campuchia. Thế hệ chúng tôi, những người đã đổ xương máu tại đây không thể quên được những ngày tháng ấy. Suốt trong những ngày gian khó, nguy hiểm rình rập, chúng tôi hăng say làm việc hết mình với niềm tin sẽ giúp đẩy cuộc chiến tranh ra xa khỏi đất nước mình. Đây cũng là bài học vô giá cho các thế hệ về việc gìn giữ hòa bình.”

Gần 40 năm sau ngày lên đường sang Campuchia hỗ trợ bạn xây dựng SPK, nhiều chuyên gia đã “đi xa” mà không kịp nhận tấm duy hiệu cao quý “Vì nghĩa vụ quốc tế” của Thủ tướng trao tặng cho các cựu chuyên gia.

Tuổi trẻ dũng cảm, sôi nổi, hăng say làm việc, các chuyên gia kỹ thuật Thông tấn xã Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giúp bạn xây dựng SPK vì nghĩa vụ quốc tế cao cả./.

Nhà báo Huy Thịnh: ‘Những năm tháng can trường giúp bạn Campuchia’

Phạm Mai – Doãn Đức

Năm 1980, 24 cán bộ-phóng viên Thông tấn xã Việt Nam và một số cơ quan khác được điều động vào Thành phố Hồ Chí Minh theo học một lớp tiếng Khmer cấp tốc, chuẩn bị cho một sứ mệnh lịch sử.

Lớp học do Thông tấn xã Việt Nam tổ chức, giáo viên là một cán bộ của Thông tấn xã Campuchia (SPK). Lớp học kín cả sáng, cả chiều, liên tục trong 5 tháng. Học viên cùng “đánh vật” theo đúng nghĩa đen của từ này bởi hình thức văn tự rất khó của người Campuchia: phụ âm ở giữa, nguyên âm được bố trí ở bốn mặt, lại còn có chân phụ âm có giá trị như phụ âm.

“Sau 5 tháng, 24 người học nhưng chỉ có 4 người có thể sử dụng được. Chúng tôi được sang Phnom Penh đi thực tế. Và với tôi, từ đó, những con đường thiên lý ở xứ sở một thời diệt chủng này bắt đầu, ” nhà báo Phùng Huy Thịnh bồi hồi nhớ lại.

Phóng viên Huy Thịnh đã có 9 năm gắn bó với nước bạn ở thời điểm khó khăn nhất, từng là chuyên gia Thông tấn xã Việt Nam giúp Thông tấn xã Campuchia SPK và phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Campuchia từ năm 1980 đến 1989.

Kề cận tử thần

Đất nước Campuchia dưới sự tàn phá của chế độ diệt chủng Pol Pot hoang tàn và đổ nát mãi là hình ảnh không thể quên với nhà báo Phùng Huy Thịnh khi lần đầu tiên đặt chân đến đất nước này. Mọi thứ đều thiếu thốn, môi trường ô nhiễm. Ăn đói là chuyện thường, thậm chí phải ăn xoài trừ bữa. Nước múc dưới sông đục ngầu, lọc qua cát sỏi để uống. Thậm chí, nếu vào mùa khô, kiếm được một ngụm cũng không dễ dàng.

Điều kiện tác nghiệp cũng hết sức khó khăn khi không có điện. Để gửi được bài về tổng xã, phóng viên, kỹ thuật viên quay mỏi tay lại nằm ngửa đạp ragônô phát điện.

Nhà báo Huy Thịnh bồi hồi nhớ về những năm tháng công tác trên đất bạn Campuchia. 

Nhưng những khó khăn về vật chất không phải vấn đề lớn với những phóng viên Thông tấn xã Việt Nam vì khi đó, trong nước cũng rất nghèo. Thách thức lớn nhất là những hiểm nguy luôn rình rập trên từng cung đường tác nghiệp, khi tàn quân Pol Pot vẫn còn và là những tay du kích bắn tỉa.

Nhà báo Huy Thịnh chia sẻ, quốc lộ của bạn khi đó bị băm nát trong chiến tranh, xấu đến mức xe ôtô không khi nào đi được quá 20km/giờ. Và khi đi quá chậm thì bất cứ lúc nào cũng có thể “ăn” một phát đạn B40, B41 của đám tàn quân Pol Pot vốn rất thiện chiến. Phóng viên vì thế không chỉ có sổ, bút, mà lúc nào cũng lẽo nghẽo bên mình hai khẩu súng, AK và K54, cùng ba băng đạn.

Phùng Huy Thịnh vẫn nhớ lần đi làm tin bầu cử hội đồng nhân dân ở Kampong Cham. Đường xấu, chiếc xe Volga chỉ đi được 15km/giờ nhưng sợ Pol Pot tấn công nên phải đi với tốc độ 60km/h, ngồi trong mà đầu bật lên trần xe biêu thành cục. Tại điểm bầu cử ở Kampong Chhnang năm 1982, đoàn cán bộ Thông tấn xã sau khi làm tin xong rút ra bìa rừng thì tàn quân Pol Pot lợi dụng trời tối nã súng cối vào doanh trại.

Nhưng những khó khăn về vật chất không phải vấn đề lớn với những phóng viên Thông tấn xã Việt Nam vì khi đó, trong nước cũng rất nghèo

Từng là bộ đội chiến đấu trực tiếp với kẻ địch trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt ở chiến trường Bình Trị Thiên năm 1972-1974, nhưng nhà báo Phùng Huy Thịnh kể, ngay cả lúc đạn pháo bay rát bên tai, ông vẫn không có cảm giác gai người như khi ở Campuchia. Bởi, trong chiến tranh, kẻ thù ở phía trước mặt, sau lưng là đồng đội. Khi trận chiến tạm dừng, mình yên tâm vì bên cạnh là anh em đồng chí. Nhưng ở Campuchia, trên những đoạn đường tác nghiệp, thật khó đoán chắc ai không phải là tàn quân Pol Pot.

Dù lúc nào cũng trong tình thế rất nguy hiểm nhưng những phóng viên Thông tấn xã Việt Nam vẫn can trường để giúp bạn. Nhà báo Phùng Huy Thịnh cùng với đồng nghiệp và phía bạn khi thì Sao Koul – Trưởng ban Tin trong nước, khi thì Phó Tổng Giám đốc Su Mean, một phóng viên SPK và một lái xe, luôn đồng hành trên chiếc xe UAZ chứa hai phuy xăng, mỗi phuy 200 lít, rong ruổi muôn dặm đường xa chùa tháp, bất chấp việc kề cận tử thần.

“Tình anh em rất đỗi tự nhiên”

Khó khăn và nguy hiểm, nhưng nhà báo Huy Thịnh bảo chính những hoàn cảnh ấy đã càng gắn kết những người bạn Việt Nam-Campuchia thân thiết như anh em.

Nhà báo Phùng Huy Thịnh (phải) và các đồng nghiệp nước ngoài ở Campuchia (Ảnh: Nhân vật cung cấp)  
Nhà báo Phùng Huy Thịnh (phải) và các đồng nghiệp nước ngoài ở Campuchia (Ảnh: Nhân vật cung cấp)  

“Đối mặt với hy sinh từng giờ từng phút, nhưng chúng tôi vẫn giúp bạn rất nhiệt tình. Mình và bạn chia sẻ, có ăn cùng ăn, chén nước chia đôi, một tình cảm anh em rất đỗi tự nhiên,” nhà báo kỳ cựu chia sẻ.

Ông cho biết: “Tôi đặc biệt yêu quý Sao Koul, Trưởng ban Tin trong nước của bạn, có gương mặt rỗ hoa nhưng rất đằm tính. Anh bổ túc tiếng Khmer cho tôi, còn tôi dạy anh tiếng Việt và phương thức phóng viên Thông tấn xã.”

“Sao Koul chăm sóc chúng tôi như bạn hữu chí thiết, lại như người anh bao bọc các em. Còn tôi cũng giúp anh rất nhiều về chuyên môn nghiệp vụ mà nhờ đó anh trưởng thành,” nhà báo kỳ cựu nhớ lại.

Những năm tháng gắn bó với đất nước Campuchia, được tiếp xúc với nền văn hóa đặc biệt này, nhà báo Phùng Huy Thịnh không chỉ chia sẻ với bạn về nghiệp vụ báo chí mà cả tình yêu văn học.

Ông đã dịch rất nhiều tác phẩm nổi tiếng của Campuchia như truyện cổ tích, truyện thiếu nhi, truyện ngắn, thơ… Và tiêu biểu nhất phải kể đến trường ca Tung Tiêu dài 4.024 câu thơ. Những tác phẩm văn học ấy lại làm nhịp cầu kết nối những trái tim yêu văn học Việt Nam-Campuchia.

Xa nước bạn đã gần 30 năm, nhưng nhắc lại những năm tháng dài dặc xa Tổ quốc, xa gia đình để một dạ thủy chung cùng bạn, nhà báo Phùng Huy Thịnh vẫn rất xúc động.

“Người Việt Nam đã giúp người Campuchia hết mình để họ thoát khỏi nạn diệt chủng và khôi phục lại đất nước. Và chúng tôi đều tự hào về những năm tháng giúp bạn vô tư, đầy trách nhiệm, hết lòng, hết sức. Đó là những năm tháng không thể quên được,” nhà báo Phùng Huy Thịnh bùi ngùi nói./.

  • anh1-1502784728-4.jpg
  • img5983-1504013466-57.jpg
  • anh3-1502784707-15.jpg
  • anh5-1502784876-75.jpg
  • anh4-1502784742-59.jpg
  • anh8-1502784973-55.jpg
  • sequence01-1502784910-69.jpg

Hồi ức về đám cưới kỳ lạ trên cánh đồng chết ở Campuchia

Xuân Dũng – Doãn Đức

Một nữ tình nguyện viên người Việt Nam bị đóng cọc ghim sâu cả cơ thể xuống đường nhựa. Những hố chôn người tập thể với hàng trăm xác người đang quá trình phân hủy, bốc lên thứ mùi hôi thối kinh khủng. Một đứa bé trần truồng giữa cánh đồng cát, gầy trơ xương, lết đi xin ăn, thấy bộ đội tình nguyện Việt Nam chỉ biết rơi nước mắt.

Những hình ảnh về mảnh đất đầy bụi cát Campuchia gần 40 năm trước, Vũ Duy Thông, nguyên phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam đã chứng kiến tận mắt và chính ông không nghĩ nó lại lưu lại trong tâm trí của mình rõ nét tới như vậy tới tận bây giờ.

Kể cho chúng tôi câu chuyện của một thời lửa đạn, đã nhiều lúc, người phóng viên chiến trường thuở nào phải ngừng lại giữa chừng, không phải vì ông không còn minh mẫn, ngược lại, mọi thứ như cuốn phim quay chậm, kéo ông về những năm tháng xưa.

Cuốn phim ấy nhắc ông nhớ về nỗi ám ảnh lớn nhất với bản thân mình khi ấy, không hẳn là những hình ảnh rợn người về cái chết, trên tất cả, đó là tình cảm, lòng mong mỏi giữa người với người, giữa bộ đội, người dân Việt Nam và những người Campuchia đang sống trong những ngày tháng đen tối nhất lịch sử.

“Lúc đó, chỉ nghĩ tới một điều là làm sao giải phóng Campuchia,” người phóng viên nay đã ngoài 70 tuổi nhớ lại.

Nhà báo Vũ Duy Thông kể lại những câu chuyện đáng nhớ trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. 

Con đường… vừa đi vừa đẩy

Năm 1978, thông tin trong nước nóng ran về việc lính Pol Pot đốt phá nhà cửa, giết hại dân lành, điển hình là vụ Ba Chúc đau thương ở tỉnh An Giang.

Cũng thời điểm ấy, Vũ Duy Thông, khi đó là một phóng viên ngoài 30 tuổi của Thông tấn xã Việt Nam loáng thoáng nghe được tin, cơ quan đang lên danh sách cử phóng viên đi hỗ trợ nước bạn thành lập Thông tấn xã Campuchia SPK.

Không chỉ một mình ông, nghe được tin này, ai cũng hăng hái xung phong muốn đi. Thế nhưng, không phải ai cũng có hoàn cảnh khó khăn như ông Vũ Duy Thông thời điểm ấy.

“Hoàn cảnh tôi khi ấy khó lắm, bố thì bị tai biến nằm liệt giường, mẹ đau yếu, vợ tôi hồi ấy lại đang học trường Nguyễn Ái Quốc, vừa học vừa chăm hai con nhỏ,” ông nhớ lại.

Chính vì hoàn cảnh ấy, người phóng viên già bảo, ông vốn không trong danh sách được đi. Thế nhưng, bằng tất cả tấm lòng của mình, ông mạnh dạn lên xin lãnh đạo và làm đơn tình nguyện xin đi.

Ông cũng nhớ, thời điểm trước khi lên đường, nhóm phóng viên trong đó có ông được phát cho tăng, túi bạt, ít tem phiếu để ra lĩnh vừng, cơm nắm và đặc biệt là cả túi nilon để… nếu hy sinh thì cho xác vào đó.

Phóng viên Vũ Duy Thông trong thời gian ở Campuchia. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Phóng viên Vũ Duy Thông trong thời gian ở Campuchia. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Người phóng viên kỳ cựu vẫn nhớ chuyến đi đầu tiên của mình từ Thành phố Hồ Chí Minh sang đất Campuchia. Đất nước Chùa Tháp khi ấy vào mùa khô, những cánh đồng chốc chốc lại cuốn những đám bụi đắng nghét phả vào mặt người qua đường.

Cánh phóng viên Thông tấn xã Việt Nam vẫn nhớ, giữa lúc cả đoàn vừa đi vừa lo lún cát thì trớ trêu làm sao, chiếc xe Jeep chở anh em nhà báo giữa đường giở chứng chết máy. Vứt lại giữa đường thì không được, chiến sỹ Quân đoàn 2 lúc ấy đã phải để xe của cánh phóng viên chèn vào giữa đội hình, dành riêng một chiếc xe khác vừa đi vừa đẩy.

“Ngồi trên xe, nhìn sang hai bên, trong bóng tối lờ mờ, nhìn thấy những rừng dừa, rừng thốt nốt chìm trong màn sương đêm. Ở đó có thể là người dân bao nhiêu năm bị kìm kẹp đang chờ giải phóng. Ở đấy cũng có thể là địch, những tên lính Khmer Đỏ thiện chiến, quần áo đen, chân đất, trang bị AK hoặc súng phóng lựu,” người phóng viên sinh năm 1944 hồi tưởng.

Vừa thoát khỏi con đường cát, ông Thông kể, đoàn ông bị rơi vào trận địa cối của địch. Chiếc xe đi đầu đoàn bị bắn tung, chỉ sau đó ít giây, một loạt cối khác giã vào những người đi sau. Những quả đạn chỉ đào lên chiếc hố to bằng chiếc mũ cối nhưng điều đáng sợ là khi phát nổ, hàng trăm mảnh gang sẽ văng lên theo hình chiếc nón ngược. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam may mắn trong cuộc tập kích chớp nhoáng ấy, lành lặn đi tiếp nhưng có những người lính không may mắn được như thế.

Cô bé mồ côi và miệng giếng nuốt xác

Ngồi lại với chúng tôi khi cuộc chiến ở nước bạn đã lùi xa, vị phóng viên ngày nào vẫn cười bảo, đã có những lúc đạn cối nổ ngay sát người, may có chiếc hầm cá nhân nông choèn cứu mạng ông. Thế nhưng, kể cả những lúc ấy, ông Thông vẫn bảo, cảm giác ấy không ám ảnh ông nhiều. Ông đã chứng kiến những hình ảnh khó quên hơn thế.

Đó là khi quân đoàn đi qua khu vực chiến sự với lính Pol Pot. Cả đoàn người đã lặng đi khi phải chứng kiến một nữ tình nguyện viên bị địch giết rồi đóng cọc gỗ xuyên qua người, cắm xuống nền đường nhựa.

Một trong những hố chôn người được khai quật ở Campuchia. (Ảnh: TTXVN)
Một trong những hố chôn người được khai quật ở Campuchia. (Ảnh: TTXVN)

Ông cũng nhớ lần đi viết bài về hố chôn người tập thể ở Kampong Cham. Lần ấy, để tận mắt có những hình ảnh xác thực nhất, ông cùng nhiếp ảnh gia Bùi Tiến Lợi đã nhờ bằng được một người thợ cắt tóc dẫn vào rừng cao su tìm hố chôn người.

Ông Thông nhớ rõ, cả nhóm dùng tay trần bới từng đám lá cao su dày lẫn đất. Một thoáng, hình ảnh mà ông vẫn thấy rùng mình tới tận bây giờ nhanh chóng hiện ra trong tầm mắt. Một chiếc hố chỉ rộng cỡ miệng giếng nhưng có cả trăm xác người chồng chất lên nhau. Những xác người còn thấy rõ cả tóc, quần áo, chưa phân hủy hết, bốc lên thứ mùi thối đến choáng váng đầu óc.

Ông không thể nào quên hình ảnh người đàn ông cắt tóc nọ, quấn khăn rằn che kín miệng, mũi, phía dưới ông là la liệt những chiếc đầu lâu thủng lỗ chỗ. Hình ảnh này sau đó được truyền đi đã làm rúng động không biết bao nhiêu người xem và đã có mặt ở hầu hết những cuốn sách ảnh về Campuchia.

Thế nhưng, cũng có những hình ảnh, dù không nổi tiếng nhưng vẫn mãi lưu giữ trong tâm trí Vũ Duy Thông. Đó là khi ông bắt gặp một bé gái Campuchia gầy guộc, mắt nhèm gỉ bên vệ đường. Cô bé bảo bố mẹ mất cả trong cuộc chiến, một mình em lang thang qua nhiều làng xóm, hố chôn người, gặp người thì xin ăn sống qua ngày.

“Bé gái thấy bộ đội Việt Nam thì sợ và khóc. Mình phải hỏi bằng tiếng Campuchia bé mới kể chuyện,” ông Thông bồi hồi.

Mong ước hồi sinh từ đám cưới thùng phuy

Phóng viên Vũ Duy Thông (bên trái) cùng phóng viên ảnh Văn Hiền tại cầu thị xã Kampot, Campuchia. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Phóng viên Vũ Duy Thông (bên trái) cùng phóng viên ảnh Văn Hiền tại cầu thị xã Kampot, Campuchia. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Vũ Duy Thông tới chiến trường Campuchia khi tuổi đã ngoài 30, không phải cậu thanh niên khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp chân ướt chân ráo mới ra trường thuở nào. Chính ông cũng đã có những năm tháng lăn lội đưa tin tại chiến trường từ Quảng Ninh, Thái Nguyên tới Hà Tĩnh. Thế nhưng, trên đất nước Campuchia, người thanh niên rắn rỏi năm nào bảo, ông vẫn không thể cầm lòng khi thấy những phận người như cô bé mồ côi gầy gò bên vệ đường Campuchia.

Và cũng chắc bởi thế, có những câu chuyện đã theo trang viết của ông gửi về nước nhưng có những hình ảnh ông không nỡ cầm bút.

Ông Thông vẫn nhớ những đêm trắng lang thang ở Phnom Penh. Cả thành phố, ngoài bộ đội Việt Nam thì hầu như không một bóng người dân Campuchia. Trong một căn nhà nhỏ, ông tìm thấy một tờ lịch đã phủ kín bụi. Ngày tháng trên lịch từ cách đó khoảng 3 năm, đó có lẽ là ngày chủ nhà vội vã trốn đi hoặc phải ra đi trong tư thế bị gí súng vào đầu.

Hình ảnh rất đỗi bình thường trong mắt nhiều người nhưng với người đã chứng kiến quá nhiều nỗi đau như ông Thông, tờ lịch chưa xé ấy cũng xót xa chẳng kém những cái chết.

Số phận của người chủ nhà nọ không biết có may mắn thoát chết không, chính ông Thông tới tận bây giờ cũng không biết. Thế nhưng, ông bảo, đã có hàng triệu người mãi mãi không thể trở về căn nhà nhỏ của mình.

Ngồi lặng lại trước mặt chúng tôi, người phóng viên chiến trường năm nào bảo, ông không nhớ bản thân ông đã viết bao nhiêu tin, bài gửi trong những năm tháng ở Campuchia.

Đám cưới của đôi nam nữ người Campuchia không có hoa, có váy và cũng chả có bữa cỗ nào.

Thế nhưng, ông nhớ nhất về một bài báo ông viết trên đất nước bạn. Đó không phải về sự ác liệt của chiến tranh, hay về một câu chuyện thương tâm mà ông đã chứng kiến tận mắt, mà đơn giản là về một đám cưới vùng quê nghèo.

Đám cưới của đôi nam nữ người Campuchia không có hoa, có váy và cũng chả có bữa cỗ nào. Nói đúng hơn, đám cưới ấy chẳng có gì ngoài những chiếc thùng phuy mà mọi người dùng để gõ thay trống và điệu múa truyền thống chúc mừng đôi vợ chồng trẻ.

Giữa những cánh đồng chết đầy xác người, đám cưới giản dị ấy ông Thông bảo, đó mãi là những hình ảnh đẹp nhất trong tâm trí ông. Đó là biểu tượng chân thực nhất cho sự hồi sinh của người dân Campuchia sau những tháng ngày cai trị đẫm máu của chế độ diệt chủng Pol Pot./.

Hồi ức về những số phận bi thảm trên bãi mìn gần đền Preah Vihear

Thanh Tâm – Doãn Đức

“Đã gần 40 năm trôi qua kể từ chuyến đi công tác Campuchia năm 1979, nhưng giờ đây mỗi khi nhớ lại những ngày tháng sống và làm việc trên đất bạn, trong tôi vẫn đầy ắp những cảm xúc, những hình ảnh về những nơi đã qua những con người đã gặp.

Đây cũng là chuyến công tác đầu tiên của tôi ở Báo ảnh Việt Nam sau khi vừa rời ghế trường Đại học ở Liên Xô về. Vì vậy, nghịch cảnh giữa một đất nước văn minh mà tôi vừa rời khỏi và quang cảnh diệt chủng tàn bạo mà tôi được chứng kiến càng thêm đậm nét.”

Đó là những dấu ấn không thể nào quên về những năm tháng “nếm mật nằm gai” nơi đất bạn của nhà báo Phạm Tiến Dũng, nguyên Phó tổng biên tập Phụ trách Báo ảnh Việt Nam, Trưởng ban Biên tập Ảnh Thông tấn xã Việt Nam. Sau khi nghỉ hưu, ông về làm việc ở Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, giữ chức vụ Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh.

“Thành phố ma”

Với niềm say mê, nhiệt huyết với công việc và không ngại khó khăn gian khổ, cựu phóng viên Phạm Tiến Dũng cho hay, thời điểm ông tốt nghiệp Đại học xong là năm 1977, sau đó ông ở lại làm việc cho Báo ảnh Liên Xô một năm. Đến tháng 12/1978, ông trở về nước và được nhận vào làm việc tại Thông tấn xã Việt Nam.

Cựu phóng viên ảnh Phạm Tiến Dũng kể về những dấu ấn không quên trong chuyến công tác đặc biệt ở Campuchia. 

Không lâu sau đó, ông Dũng cho biết, vào tháng 1/1979, đồng chí Đỗ Phượng, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam gặp ông và thông báo: “Cậu chuẩn bị đi công tác, cậu có đi được lâu không? Lúc đấy, dù chưa biết là đi đâu, làm những gì nhưng tôi vẫn dõng dạc trả lời: ‘Vâng, cháu đi được ạ!’”

“Sau đó, đồng chí Đỗ Phượng nói rằng, chuyến đi này có thể đi rất lâu, địa bàn cũng rất phức tạp, cậu làm được không? Tôi trả lời: ‘Cháu không vấn đề gì.’ Lúc đó tôi chỉ nghĩ, việc cơ quan cử đi là đi và không hề băn khoăn gì cả,” cựu phóng viên ảnh Phạm Tiến Dũng kể lại.

“Đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên trong đời không cần hộ chiếu mà cũng chẳng cần tiền”

Nhận nhiệm vụ xong ông mới hỏi và được biết ông cùng một số phóng viên, kỹ thuật viên của Thông tấn xã Việt Nam được cử sang Campuchia để công tác và ông cũng chỉ có đúng một buổi tối để chuẩn bị lên đường tham gia chuyến công tác đặc biệt này.

“Đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên trong đời không cần hộ chiếu mà cũng chẳng cần tiền. Hành trang chỉ có vài ba bộ quần áo lính, túi máy ảnh và khẩu súng AK,” ông Dũng cho hay.

Phóng viên ảnh Phạm Tiến Dũng trước nhà Ga Phnom Penh năm 1979. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Phóng viên ảnh Phạm Tiến Dũng trước nhà Ga Phnom Penh năm 1979. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ấn tượng đầu tiên, đập vào ánh mắt của chàng phóng viên trẻ thuở ấy là quang cảnh thành phố Phnom Penh nhìn từ trên máy bay xuống thật xinh đẹp và hiền hòa với những ngôi biệt thự nhỏ nhắn, mái ngói đỏ tươi nằm ép dưới tán những rặng dừa, thốt nốt xanh mướt. Nhưng khi đi vào thành phố có cảm giác đây là “thành phố ma,” không có cửa hàng, cửa hiệu, không người, không sự sống.

Ông kể, khi đi vào thành phố không một bóng người, đâu đó là những ngôi nhà đổ nát, mọi thứ hoang tàn. Ngay trước cửa trường Đại học Y, ai đó nghịch ngợm đem bộ xương người dùng để dạy học đặt ngay trước cửa, khiến thành phố càng thêm vẻ ma quái. Thỉnh thoảng đâu đó vẫn vang lên tiếng súng. Ban đêm càng im lặng đến rợn người.

“Hàng đêm khi vác súng đi tuần tra quanh trụ sở cơ quan chỉ thấy những con chuột cống to như những con mèo lao vút qua. Ở đây, bước vào mỗi căn nhà, có cảm giác cuộc sống như chỉ mới ngưng lại do phép ma thuật nào đó, bữa cơm đang ăn dở, đồ chơi lăn lóc trên sàn, vài ba cuốn tiểu thuyết rơi vãi đó đây. Tờ lịch trên tường cho ta thấy cuộc sống ở đây đã ngưng lại ngày 17/4/1975. Những chủ nhân của những căn nhà này, thành phố này giờ ở đâu? Còn sống hay đã chết? Vì đâu nên nỗi?,” cựu phóng viên ảnh trầm ngâm.

“Dấu ấn rùng mình về ngôi đền cổ”

Trò chuyện cùng chúng tôi về những tháng ngày lửa đạn khốc liệt cách đây ngót 40 năm, cựu phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam vẫn bồi hồi xúc động. Những hình ảnh in hằn trong tâm trí ông không phải là một thành phố cổ kính với những nét kiến trúc độc đáo mà ông thực sự ám ảnh bởi một “thành phố ma,” nơi còn lưu giữ đầy rẫy những bằng chứng tố cáo tội ác của chế độ Khmer Đỏ.

Ông cũng cho biết, ông thật sự kinh hoàng khi xem thùng ảnh tư liệu lấy được ở Nhà tù Tuol Sleng mà ai yếu bóng vía hẳn không đủ can đảm để xem những bức ảnh đó. Đó là ảnh những người bị bọn Pol Pot giết bằng các cách rất dã man: cắt cổ, chặt đầu, mổ bụng, treo cổ.

“Chẳng hiểu bọn đao phủ chụp những bức ảnh này để làm gì. Để trình cấp trên thành tích của chúng? Để làm chứng nạn nhân đã bị giết thật hay để giải trí? Có trời mới biết lũ quái nhân này nghĩ gì?” ông Dũng rùng mình nói.

Phóng viên ảnh Phạm Tiến Dũng đã làm việc tại Campuchia 1 năm và ông có dịp đi khắp các vùng miền của đất nước này. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Phóng viên ảnh Phạm Tiến Dũng đã làm việc tại Campuchia 1 năm và ông có dịp đi khắp các vùng miền của đất nước này. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ông Dũng cũng cho biết, khu đền Angkor, một kỳ quan của Campuchia, đỉnh cao của nền văn hóa Khmer. Ai đến đây cũng phải kính nể bàn tay tài hoa của người Campuchia đã xây nên tòa lâu đài bằng đá kỳ vĩ này. Thế nhưng ngay cạnh di tích văn hóa nổi tiếng này lại là bãi xương người trắng xóa, những chiếc đầu lăn lóc, đa số bị đập vỡ, xương chân, xương tay rải rác khắp nơi.

“Ở Siem Reap có bể nuôi cá sấu. Đứng nhìn những con cá sấu sần sùi gớm ghiếc bò lúc nhúc ở dưới, tôi rùng mình khi nghĩ tới những đứa trẻ đã từng bị ném xuống đây làm thức ăn cho chúng,” nhắm nghiền mắt ông Dũng thở dài nhớ lại.

“Hồ 2000”

Trong một năm công tác ở đất nước bạn, ông cho biết, ông đã có dịp đi hầu hết các tỉnh của Campuchia, nhưng chuyến đi gây ấn tượng mạnh mẽ nhất có lẽ là chuyến đi vùng biên giới Preah Vihear.

“Hôm đó, nhận được tin hàng trăm người dân Campuchia bị lính Thái Lan dồn từ bên kia biên giới sang rơi vào bãi mìn dày đặc ở biên giới Preah Vihear, sau đó còn xả súng bắn vào họ. Rất nhiều người chết và bị thương. Vậy là tôi cùng các đồng nghiệp lên đường,” ông Dũng nói.

Ông kể, trước khi lên Preah Vihear đoàn ông dừng lại ở một đơn vị quân đội để lấy xăng bay tiếp. Chiều hôm đó, lúc rỗi rãi mấy anh nhà báo “máu” phiêu lưu đã làm một chuyến dại dột là đi vào rừng để tìm một cái hồ, được gọi là “hồ 2000” vì đã có khoảng 2000 người bị chết và ném xác xuống cái hồ đó.

Phóng viên ảnh Phạm Tiến Dũng tại đền Preah Vihear năm 1979. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Phóng viên ảnh Phạm Tiến Dũng tại đền Preah Vihear năm 1979. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Tay không vũ khí chúng tôi đi sâu vào trong rừng. Dọc đường thấy một số xà lim rất hẹp, người bị giam chỉ có thể đứng hay ngồi chứ không thể nằm được. Rất nhiều xương người rải rác, hình như toàn xương trẻ con, khá nhiều quần áo, giày dép trẻ em vương vãi trong các đám cỏ. Nghe nói có một toán trẻ bị lừa là đưa đi học, rồi bị giết ở đây,” ông Dũng cho hay.

Chưa kịp định thần trước những hình ảnh bắt gặp, cựu phóng viên ảnh nói, lúc đang đi chợt nghe tiếng người lao xao rồi chợt im phắc, có tiếng lên đạn rôm rốp. ông thầm nghĩ: “Thôi rồi, vũ khí thì không có rơi vào tay Khmer Đỏ thì hết đời.”

Vừa cười ông vừa kể, sau đó, có tiếng quát: “Ai, đứng lại?” Thở phào: “Chúng tôi là nhà báo đây!” lúc đó mới thấy mấy anh lính Việt Nam ló ra. Hú vía, trò chuyện một lúc chúng tôi quay trở về không dám đi tiếp nữa sợ đến được cái hồ thì hồ sẽ bị đổi thành tên là “hồ 2003.”

Kề cận với tử thần

Lắng nghe những câu chuyện của cựu phóng viên ảnh, mọi cảnh tượng về một chế độ diệt chủng tàn khốc như được tái hiện đậm nét trong chúng tôi. Cảnh chết chóc, cảnh hoang tàn và cả những phút giây kề cận với tử thần. Những dòng ký ức cứ dồn dập ùa về.

Trên đường đến vùng biên giới Preah Vihear, ông Dũng nhớ lại, trước khi bước chân vào khu rừng bi thảm này, chưa bao giờ ông nhìn thấy nhiều người chết như thế và cũng chưa bao giờ ông cảm thấy kề cận với cái chết như thế.

Phóng viên ảnh Phạm Tiến Dũng luôn cười tươi và lạc quan trong mọi hoàn cảnh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Phóng viên ảnh Phạm Tiến Dũng luôn cười tươi và lạc quan trong mọi hoàn cảnh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Gần như trên mỗi mét vuông của khu rừng này đều có mìn. Chỉ đi lệch một bước là tan xác. Các chiến sỹ bảo vệ luôn nhắc nhở chúng tôi phải đi theo dấu chân họ, thế nhưng với anh chụp ảnh lúc mải tác nghiệp đâu có để ý mìn dưới chân. Một lần nếu không có người nhanh tay kéo lại thì tôi đã về với tổ tiên rồi. Lúc tôi nhìn chỗ tôi suýt dẫm lên thì ra đó là một quả mìn được đánh dấu bằng một cái que buộc một mảnh vải trắng nhỏ,” ông Dũng hồi tưởng.

Không dấu nổi cảm xúc, ông vừa kể vừa thốt lên, nơi đây đúng là địa ngục trần gian, nồng nặc mùi tử khí. Chỗ này một người cha đang ngồi khóc bên xác con, nơi kia vài đứa trẻ mất cha mẹ đang kêu khóc. Một bãi xác người ngổn ngang đang trương phình dưới cái nắng nhiệt đới. Thật khủng khiếp.

Ông bùi ngùi nghĩ lại, may mắn cho những người dân Campuchia là bộ đội Việt Nam đã lần lượt đưa họ ra khỏi nơi tử địa này, cấp phát thuốc men, thực phẩm cho họ. Nhiều chiến sĩ Việt Nam cũng đã hy sinh khi làm nhiệm vụ quốc tế cao cả đó. Nếu không có quân đội Việt Nam vào giải phóng cho họ thì chắc chẳng có ai trở về và chẳng có đất nước Campuchia đang hồi sinh như bây giờ.

Một đất nước hồi sinh

Nhà báo Phạm Tiến Dũng cho chúng tôi xem bức ảnh rất đẹp của một vũ nữ hoàng cung Camppuchia và kể lại một kỷ niệm đẹp về bức ảnh này. Người vũ nữ này là một trong những nạn nhân còn sống sót sau nạn diệt chủng tàn khốc.

Chiến tranh, nạn diệt chủng, những năm tháng làm việc cực nhọc tại các công xã đã khiến một vũ nữ hoàng cung xinh đẹp trở nên đen đúa, khắc khổ khác hẳn với hình ảnh một vũ nữ tuyệt đẹp trong điệu múa Khmer truyền thống như trong bức ảnh mà chị mới đào lên khi chôn giấu trong 4 năm chế độ Pol Pot Khmer Đỏ.

Ông Dũng cho biết, ông gặp chị ở nhà tù Tuol Sleng, nghe chị kể lại câu chuyện, ông đã chụp lại cho người vũ nữ hoàng cung bức ảnh đó rồi phóng to, sau đó nhờ bác Trần Phúc, một chuyên gia tu sửa ảnh của Báo ảnh Việt Nam tô màu, cho vào khung và tặng lại chị. Chị rất cảm động.

“Tặng lại bức ảnh, tôi chỉ mong chị hiểu tấm lòng của những người bạn Việt Nam muốn chị lại được sống những ngày huy hoàng như ngày xưa, để chúng tôi có dịp thưởng thức những điệu múa truyền thống của dân tộc chị,” ông Dũng nhắc lại.

Khép lại những dòng hồi tưởng, cựu phóng viên ảnh Phạm Tiến Dũng cho biết, ông vừa có dịp quay lại Campuchia sau gần 40 năm, ông vẫn nhớ như in những nơi mình từng đến, từng chứng kiến, từng “nếm mật nằm gai.” Những dấu ấn ban đầu về “thành phố ma,” “hồ 2000”…vẫn còn đó, thế nhưng trước mắt ông là một đất nước Campuchia đang thay da đổi thịt và tràn trề sức sống.

  • tiendungvoi-1502962245-65.jpg
  • tiendungvoi-1502962249-59.jpg
  • 4tiendungph-1502962353-92.jpg
  • tiendungle-1502962361-62.jpg
  • tiendungphi-1502962367-98.jpg
  • vnpanhchu-1502962375-71.jpg

“Có sống ở Campuchia những ngày đạn lửa đó mới thấy quý biết bao mỗi tín hiệu hồi sinh của một đất nước đã từng trải qua thảm họa diệt chủng khủng khiếp. Sau gần 40 năm quay lại, tôi thấy Campuchia đã thay đổi, Thủ đô Phom Penh hiện nay rất phát triển về du lịch và khá hiện đại. Ngay trung tâm Thủ đô Phnom Pênh có một Tượng đài hữu nghị Việt Nam-Campuchia rất bề thế,” ông Dũng xúc động nói.

Ông cũng cho biết, mới đây nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam-Campuchia, Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Hun Sen vẫn luôn nhắc lại, tri ân Việt Nam đã cứu đất nước Campuchia khỏi nạn diệt chủng. Bởi không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì không có đất nước Campuchia hồi sinh mạnh mẽ như ngày nay.

“Với mỗi người làm báo, được đến những nơi có sự kiện là một hạnh phúc, được đưa tin, được ghi lại những hình ảnh về sự kiện đó là một niềm tự hào vô cùng to lớn. Và tôi cảm thấy mình thật may mắn vì đã được đến, được chứng kiến và ghi lại những hình ảnh, truyền tải thông tin để thế giới thấy được tội ác diệt chủng của bè lũ Pol Pot và may mắn được quay trở lại để chứng kiến một đất nước Campuchia mới đang hồi sinh, phát triển,” cựu phóng viên ảnh Phạm Tiến Dũng tự hào nói./.

Chuyện về nhóm nhà báo ‘mất tích’ trên chiến trường Campuchia

Xuân Quảng – Doãn Đức

Gần 40 năm trước, thế giới chứng kiến thảm họa diệt chủng hết sức tàn bạo tại Campuchia dưới chế độ Khmer Đỏ. Lịch sử cũng ghi nhận hành động cao cả, nhân đạo, đầy nghĩa hiệp của quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, từng bước hồi sinh, xây dựng cuộc sống mới.

“Mất tích” bí ẩn

Hàng thập kỷ đã qua, nhà báo Nguyễn Đăng Chiến vẫn không thể quên những năm tháng làm việc trên đất nước Campuchia, đó là khoảng thời gian phải đối mặt với hiểm nguy, thậm chí có thể hy sinh tính mạng nhưng cũng đầy hào hùng của nhiều nhà báo Thông tấn xã Việt Nam.

Tháng 11/1978, nhận lệnh điều động từ Tổng xã, nhà báo Nguyễn Đăng Chiến gấp rút chuẩn bị hành lý rời Thành phố Hồ Chí Minh để sang Campuchia. Trong chuyến công tác này, ngoài ông còn có một số nhà báo nữa là Vũ Xuân Bân và Phạm Nhật Nam cũng được biên chế vào nhóm giúp bạn.

Nhà báo Nguyễn Đăng Chiến nhớ lại những năm tháng làm việc tại Campuchia

Ông kể, những ngày đầu trong công việc mới, chúng tôi rất bận, chủ yếu là đi làm tin, chụp ảnh về hoạt động của lãnh đạo bạn tại “vùng giải phóng Campuchia”.

Ngày 25/12/1978, từ cơ quan Thông tấn xã Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, 5 nhóm công tác của Thông tấn xã xuất phát tham gia giúp bạn giải phóng Campuchia. Lúc này, một số phóng viên tin, ảnh từ Hà Nội cũng được cử vào tăng cường cho Thông tấn xã Campuchia (SPK).

Trong lần ấy, nhà báo Nguyễn Đăng Chiến cùng phóng viên ảnh Hoàng Ba và lái xe Hoàng Văn Sửu được cử đi theo mũi tiến công của Quân khu 5, nghĩa là phải ngược Quốc lộ 1 ra miền Trung. Tuy nhiên, trên đường di chuyển, nhóm công tác lại nhận được tin Bộ Chỉ huy tiền phong Quân khu 5 đã di chuyển đến căn cứ Lệ Thanh, gần biên giới Campuchia, do vậy cả nhóm quyết định không ra Đà Nẵng nữa mà lên thẳng Pleiku để tiếp cận lực lượng tiến công của Quân khu 5.

Diễn biến trên chiến trường rất nhanh, chỉ một tuần, quân ta đã đã hoàn thành chiếm giữ các vị trí chủ chốt trên toàn mặt trận. Lực lượng Quân khu 5 chiếm được thị xã Stung Treng ngày 4/1/1979, về cơ bản là hoàn thành chiến dịch.

Nhóm các chuyên gia kỹ thuật TTXVN và hai chiến sĩ trinh sát đóng bên ga xe lửa Phnom Penh. (Ảnh: Chuyên gia TTXVN Trương Việt Cường cung cấp)
Nhóm các chuyên gia kỹ thuật TTXVN và hai chiến sĩ trinh sát đóng bên ga xe lửa Phnom Penh. (Ảnh: Chuyên gia TTXVN Trương Việt Cường cung cấp)

Trong suốt thời gian ấy, nhóm công tác của Thông tấn xã Việt Nam đã đến nhiều đơn vị, nhiều địa điểm để lấy tin, chụp ảnh phục vụ cho công tác thông tin, nhưng do không có bộ phận điện báo đi theo, thậm chí sự liên hệ giữa Bộ Chỉ huy tiền phương toàn quân Quân khu 5 với Bộ Chỉ huy tiền phương toàn quân là quan hệ gián tiếp, phải thông qua Bộ Tổng Tham mưu ở Hà Nội, nên việc chuyển thông tin báo chí qua hệ thống này là không thể thực hiện được.

Nhớ lại chuyến công tác đó, ông Chiến nói, nếu theo đúng những gì được giao trước lúc lên đường tập kết tại thủ đô Phnom Penh vào ngày chiến thắng, cả nhóm phải trở về Thành phố Hồ Chí Minh ngay sau ngày 7/1/1979, nhưng vì đường sá xa xôi, nhóm của Nguyễn Đăng Chiến đã quyết định tiếp tục ở lại mặt trận Đông Bắc thêm một thời gian nữa để thu thập thêm thông tin, theo gợi ý của đồng chí Lê Ba.

“Trong khi chúng tôi nỗ lực với công tác tại mặt trận thì Ban lãnh đạo cơ quan rất lo, vì đã quá thời hạn quy định mà chưa được thông tin gì về nhóm chúng tôi. Đã có những dự cảm về một tình huống xấu nhất xảy ra, bởi thế, sau này khi trở lại với đoàn chuyên gia Thông tấn xã Việt Nam giúp SPK, nhiều người gọi chúng tôi là “nhóm mất tích”, nhà báo Nguyễn Đăng Chiến nhớ lại.

Vượt lên mọi gian khó

Khác với những gì sôi động, ồn ào của thành phố Hồ Chí Minh, Phnom Penh những ngày đầu giải phóng không có dân, hạ tầng cơ sở bị phá hủy hoặc bị bỏ hoang phế không khác gì “thành phố chết”.

Thời đó, chỉ có xe quân đội được phép đi qua biên giới, trong khi xe thương nhân thì không có, thực phẩm lại cực kỳ thiếu thốn, chưa kể hạ tầng cơ sở gần như bằng không, nhưng tất cả không làm giảm sút nhiệt huyết của các cán bộ, chuyên gia của Thông tấn xã Việt Nam.

Theo ông Chiến, thời điểm đó, Thông tấn xã SPK vẫn chưa có người nào, kể cả phụ trách lẫn phóng viên, do vậy toàn bộ thông tin về hoạt động của các nhà lãnh đạo Campuchia đều do phóng viên Thông tấn xã Việt Nam cử sang giúp bạn, rồi sau đó những bản tin ấy cũng do đội ngũ kỹ thuật của Thông tấn xã Việt Nam phát lên mạng.

“Giữa bạn với chúng tôi như anh em một nhà, chúng tôi ăn chung một bếp, ở chung một nhà không giữa bạn và ta cả. Tôi nhận thức công việc của chúng tôi khi ấy hoàn toàn vô tư, trong sáng,” ông Chiến xúc động khi nhớ lại những ngày gian khó.

Các chiến sĩ tiến vào Nông Pênh với trái tim sôi sục căm thù.
Các chiến sĩ tiến vào Nông Pênh với trái tim sôi sục căm thù.

Lúc bấy giờ lực lượng Pol Pot chưa bị đánh tan hẳn, còn lại tàn quân và thỉnh thoảng vẫn còn những hoạt động chống phá nhà nước cách mạng, do vậy rủi ro luôn rình rập các nhà báo Thông tấn xã Việt Nam trong những chuyến công tác.

Ông nói, mỗi chuyến đi phải mang theo máy điện tín và gửi tin bài về tổng xã bằng máy phát moóc dùng nguồn điện từ máy điện quay tay, khi quay thì nhẹ, nhưng khi phát chiếc máy trở nên nặng nề, cả nhóm sợ nhất là chiếc máy dừng hoạt động và phải làm từ đầu, do vậy tất cả phải nghĩ ra một cách làm để đạt hiệu quả nhất.

Chỉ tay vào cuốn hồi ký chiến trường, ông Chiến nói, khâu làm phóng viên thì vất vả ở ngoài trận địa còn khâu biên tập thì cũng không kém vì phải dựa trên tài liệu hết sức cô đọng mới hình thành ra được một tin, bài hoàn chỉnh.

“Biên tập ngày xưa ở nhà gần như phải dựa trên chất liệu mà phóng viên tác nghiệp, bởi chỉ truyền bằng hệ thống moóc, máy chúng ta cũ rất hay hỏng hóc và phải đẩy ra xa để truyền tin về, tránh bị địch phát hiện.”

Bài phỏng vấn đặc biệt

Trong đợt đầu tiên đoàn cán bộ Thông tấn xã Việt Nam được cử sang Campuchia giúp bạn, Ban phụ trách do đồng chí Trần Hữu Năng, lúc đó đang là Trưởng Ban tin trong nước (Thông tấn xã Việt Nam) làm trưởng đoàn, trong khi phụ trách mảng tin là đồng chí Nguyễn Bá Ngạc, lúc đó là Phó trưởng ban CK và phụ trách ảnh là đồng chí Hoàng Văn Sắc, lúc đó là Trưởng phòng ảnh (Ban ảnh, Thông tấn xã Việt Nam).

Lật lại những trang sử vẻ vang một thời bên nước bạn, đôi mắt nhà báo Nguyễn Đăng Chiến bừng sáng lên khi nhớ lại một kỷ niệm sâu sắc trong lần phóng vấn một chính khách của Campuchia thời bấy giờ, đó là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp trong Chính phủ cách mạng Campuchia.

Để chuẩn bị cho cuộc hẹn, ông đã phải dành nhiều ngày, cất công vào thư viện quốc gia Campuchia để đọc và tìm lại tất cả những vấn đề liên quan đến ngành nông nghiệp của nước bạn.

Đất nước Campuchia tươi đẹp những ngày đầu giải phóng
Đất nước Campuchia tươi đẹp những ngày đầu giải phóng

Ông nói, “Tôi đã nghiên cứu khá kỹ về tình hình phát triển nông nghiệp Campuchia trước ngày giải phóng và tôi đã định hình được hướng phát triển của Campuchia trong lĩnh vực này để rồi đưa ra một số chương trình trong buổi phỏng vấn đó.”

Nhưng hình như đó cũng là một mối nhân duyên, chính ông cũng không ngờ bài phỏng vấn của mình phát trên Thông tấn xã Campuchia (SPK) lại trở thành đề cương phát triển nông nghiệp của Campuchia trong thời kỳ đầu sau ngày giải phóng.

“Tự tôi nêu ra mục tiêu là phát trồng cấy lúa trên 1 triệu ha chứ lúc bấy giờ phía bạn chưa có chỉ tiêu nào cả và tôi chỉ gắn với lời của ông Bộ trưởng mục tiêu trong năm 1980 là phát triển 1 triệu ha lúa và sau này lại trở thành chỉ tiêu mà Chính phủ Campuchia đặt ra để thực hiện trong giai đoạn đó. Bài phỏng vấn được phát vào ngày 1/4/1979,” ông Chiến tự hào kể lại.

Sau 3 năm công tác trên đất bạn, ông cũng không nhớ nổi có bao nhiêu bản tin được mình và các đồng nghiệp vượt gian khó để thực hiện. Nhưng trong dù gian khó vất vả đến đâu, các nhà báo của Thông tấn xã Việt Nam vẫn luôn thể hiện quyết tâm vì sự nghiệp chung cao cả giữa hai nước Việt Nam-Campuchia và đến bây giờ, dù quá khứ đã lùi xa, nhưng sự hy sinh và chiến công của họ sẽ còn mãi trong lịch sử báo chí cách mạng như một dấu son không phai mờ./.