Cộng đồng kinh tế ASEAN

Vào dịp thành lập cách đây 50 năm, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có tham vọng kinh tế khiêm tốn. Tuy nhiên, tới năm 1992, tổ chức này cho phép hội nhập tuần tự các nền kinh tế của các quốc gia thành viên. Sự hội nhập này được thể chế hóa trong thời kỳ tiếp theo. Cộng đồng kinh tế ASEAN theo đuổi những nguyên tắc rất khác so với những nguyên tắc trong xây dựng châu Âu. Dù vậy, nó được cho là giữ vai trò đầu tàu trong cấu trúc khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ở thời điểm thành lập năm 1967, mối bận tâm chính của 5 quốc gia sáng lập ASEAN là trật tự về chính trị: Vì vậy, tham vọng của họ trở nên khiêm tốn trong lĩnh vực kinh tế. Theo tuyên bố Bangkok, dự án độc đáo của ASEAN có mục tiêu “thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hóa trong khu vực, khuyến khích hòa bình và ổn định”. Theo thời gian, các dự án đã được xác định, dẫn tới thiết lập một Cộng đồng kinh tế, nay là một trong 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN.

Hành trình đặc biệt của ASEAN về hội nhập kinh tế là kết hợp các tác nhân nhà nước với các tác nhân phi nhà nước, cũng như tính năng động của thị trường và tính logic của thể chế (thậm chí là chủ nghĩa tư bản nhà nước), khác biệt với những kinh nghiệm tại các khu vực khác, và đặc biệt là tại châu Âu.

Ngoài ra, nó phản ánh một sự dao động ổn định giữa việc theo đuổi các mục tiêu kinh tế thuần túy của quốc gia (trước tiên là phát triển) và một sự hợp tác khu vực diễn ra qua những thỏa thuận cần thiết. Tính 2 mặt của vấn đề này cũng giải thích sự chênh lệch giữa những tham vọng và sự thực hiện được theo dõi trên thực địa, dù rằng, đã có những tiến bộ thực sự được thực hiện trong suốt 50 năm qua.

Vấn đề được đặt ra hiện nay là làm thế nào để các quốc gia ASEAN duy trì được chiến lược của mình trong bối cảnh khu vực luôn thay đổi, nơi mà hiệp hội này, với tư cách là nhóm nước, có thể đóng vai trò đảm bảo sự ổn định.

Giai đoạn 1967-1992: Hội nhập kinh tế “từ mức thấp”

Sau khi thành lập ASEAN, phải chờ 10 năm và Hội nghị thượng đỉnh Bali (1976), để những toan tính cụ thể đầu tiên về hợp tác kinh tế được đưa ra. Năm 1977, những toan tính này hình thành, một mặt, là một thỏa thuận hoán đổi giữa các quốc gia thành viên ASEAN, và mặt khác là một hiệp định ưu đãi thuế quan. Mặc dù đây là nỗ lực đáng kể đầu tiên của hợp tác kinh tế ở cấp khu vực, hiệp định thuế quan này chỉ nhắm tới một số lượng hàng hóa hạn chế, cho thấy nó vẫn chưa đủ để thúc đẩy thương mại nội vùng, vốn không vượt quá 20% vào đầu những năm 1990.

Phản ánh rõ thái độ ngập ngừng của các chính phủ liên quan đối với việc từ bỏ chủ nghĩa bảo hộ truyền thống của mình, việc ưng thuận giảm thuế phần lớn là đối với các sản phẩm ít hoặc không nhập khẩu: sản phẩm bằng gỗ đối với Thái Lan, lò phản ứng hạt nhân đối với Indonesia, xe dọn tuyết đối với Philippines, hoặc là các sản phẩm bằng cao su đối với Malaysia. Cuối cùng, tự do hóa thuế quan chỉ ảnh hưởng tới tỷ lệ phần trăm rất nhỏ của giao thương thực tế: dưới 1% theo một số nguồn, do vậy, tác động của nó bị hạn chế.

Tuy nhiên, những sáng kiến khác được đưa ra sau đó, đặc biệt hình thành các dự án hợp tác công nghiệp đưa ra trong giai đoạn 1977 tới 1983 (AIP, AIC, AIJV4). Do nhà nước dẫn dắt, các dự án này tìm cách tận dụng các nền kinh tế có quy mô hoặc bổ trợ cho nhau, khuyến khích hợp tác về công nghiệp, tuy nhiên, phần nhiều vẫn không có hiệu lực. Năm 1988, một giải pháp mới được đưa ra, đó là liên kết sản xuất chung nhãn hiệu (BBC), khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân khai thác sự bổ trợ giữa các quốc gia trong khu vực bằng việc cho phép giảm 50% thuế đối với sản phẩm thiết bị, với điều kiện 50% thành phần của những thiết bị này được sản xuất nội địa và ít nhất có 2 quốc gia liên quan đến hoạt động sản xuất, đạt được thành công nhất định và đóng góp vào việc hình thành các mạng lưới sản xuất khu vực.

Mặc dù đây là một sự hợp tác kinh tế hình thức và hạn chế, nhưng thời kỳ đầu này đáng chú ý về nhiều mặt. Trong 25 năm đầu tiên này, các quốc gia ASEAN-5 có tỷ lệ tăng trưởng cao hơn nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng của các nước đang phát triển còn lại trên thế giới, và hiển nhiên là cao hơn tỷ lệ tăng trưởng của các nước công nghiệp. Tăng trưởng GDP theo đầu người của Đông Nam Á lên tới 4,3% trong giai đoạn 1961-1992 (so với 1,3% tại Nam Á và châu Phi hạ Sahara, tuy nhiên tại Đông Á lại có mức tăng trưởng 7%), với sự gia tăng vào giai đoạn cuối. Sự hòa dịu trong quan hệ giữa các nước đã hiển nhiên tạo thuận lợi cho thực hiện nhiệm vụ của chính phủ, tức chính phủ đã có thể huy động nguồn lực chính của mình cho việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế.

Mặt khác, sự tăng trưởng mạnh này đã kéo theo sự phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc trong khu vực, đặc biệt dưới sự thúc đẩy của đối tác Nhật Bản. Bị ảnh hưởng mạnh do sự tăng giá đột ngột của đồng yen đối với các đồng tiền lớn khác (USD, D-Mark…) diễn ra ngay sau Hiệp định Plaza năm 1985, để giữ khả năng cạnh tranh của mình, các doanh nghiệp Nhật Bản buộc phải chuyển một phần hoạt động sản xuất của họ tới những nước có giá nhân công thấp, các nước ASEAN là những ứng cử viên lý tưởng. Bằng việc chuyển tới khu vực này, các doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản sẽ đóng góp, nếu như không phải là tăng trưởng thì ít nhất là củng cố quan hệ kinh tế giữa các nước ASEAN.

Những nước này thể hiện ngày càng gắn bó trong mạng lưới sản xuất khu vực kết nối xung quanh các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt trong lĩnh vực ôtô và điện tử. Giao thương nội khối ASEAN chắc hẳn chưa bùng nổ (năm 1991, nó đạt mức cao nhất là 17% của tổng mức giao thương của các quốc gia trong khu vực), tuy nhiên, một sự biến đổi sâu sắc đã diễn ra với sự dịch chuyển hoạt động giao thương của các sản phẩm chế biến, và không phải là sản phẩm thô (nông nghiệp hay mỏ). Do vậy, trong giao thương nội khối ASEAN, các sản phẩm này giảm từ 68% trong năm 1980 xuống còn 33% trong năm 1991, trong khi cùng thời điểm đó, các sản phẩm công nghiệp cơ khí lại tăng từ 16% lên 43% Ngoài ra, chính những giao thương nội ngành duy trì sự năng động của hội nhập.

Đối với công nghiệp điện tử, ASEAN là một khu vực sản xuất hấp dẫn, vì giá nhân công thấp, nhưng đặc biệt là sự bổ trợ tồn tại giữa các nền kinh tế. Những đặc tính thuần túy của ngành này, đặc biệt là khả năng kết nối của tiến trình sản xuất, cho thấy nó hỗ trợ đặc biệt cho sự phát triển của các mạng lưới sản xuất khu vực. Đúng như giải thích của Jean-Raphaël Chaponnière, trong những năm 1980 và 1990, các quốc gia ASEAN cùng tạo nên một “chu trình hội nhập” thực sự: theo đó, các vi mạch silicon được sản xuất tại Singapore, kiểm tra kỹ thuật tại Malaysia, sau đó được lắp ráp vào các ổ đĩa cứng sản xuất tại Thái Lan. Vốn chiếm khoảng 1/3 trao đổi thương mại nội khối ASEAN năm 1991, giao thương sản phẩm điện tử đang bị thống trị bởi hoạt động thương mại liên quan đến các sản phẩm trung gian, bán thành phẩm, hay là các hoạt động trao đổi nội ngành và nội doanh nghiệp, một hình thức gắn bó chặt chẽ với sự mở rộng đầu tư trực tiếp trong khu vực.

Trong lĩnh vực ôtô, giải pháp BBC được mô tả ở trên, cho phép một doanh nghiệp nhập khẩu miễn thuế đối với các chi tiết của xe ôtô từ các quốc gia khác nhau trong khu vực, điều này góp phần làm tăng sự phụ thuộc lẫn nhau trong ASEAN, các hãng sản xuất ôtô Nhật Bản (cũng như Đức) nhờ vào việc này mà tối ưu hóa tổ chức tiến trình sản xuất của mình. Như Toyota, hãng này đã phân bổ sản xuất các chi tiết của ôtô và ôtô nguyên chiếc của họ tại 4 nước ASEAN (Thái Lan, Philippines, Malaysia và Indonesia), kết quả là giảm giá thành và tăng khả năng cạnh tranh đối với các đối thủ của họ, cũng như tăng cường giao thương trong ASEAN.

Nhìn chung, các chi tiết và bộ phận của sản phẩm trong giao thương của ASEAN đã tăng từ 1,7% lên 17% trong giai đoạn 1967-1992. Cách tổ chức sản xuất này là hiện tượng mà người ta không tìm thấy ở nơi nào khác trên thế giới ở cấp khu vực.

Trong 25 năm đầu của ASEAN, các quốc gia thành viên đã không tìm cách tổ chức về mặt kinh tế như Cộng đồng châu Âu; họ đã đơn giản bảo vệ khả năng cạnh tranh và tìm cách thiết lập chiến lược phát triển của mình. Nếu như các mối liên hệ ngày càng gắn bó giữa các nước thành viên, thì phần nào họ không chú ý tới sáng kiến của các tác nhân ngoại trong lĩnh vực tư nhân.

Sáng 8/8, Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Philippines ở thủ đô Manila với chủ đề “Dưới một ánh sáng, chúng ta là một ASEAN”. Tham dự buổi lễ có Tổng thống nước chủ nhà Rodrigo Duterte, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh, các Bộ trưởng và đại diện Ngoại giao cấp cao đến từ 10 nước ASEAN và các nước đối tác-đối thoại. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Sáng 8/8, Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Philippines ở thủ đô Manila với chủ đề “Dưới một ánh sáng, chúng ta là một ASEAN”. Tham dự buổi lễ có Tổng thống nước chủ nhà Rodrigo Duterte, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh, các Bộ trưởng và đại diện Ngoại giao cấp cao đến từ 10 nước ASEAN và các nước đối tác-đối thoại. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giai đoạn 1992-2017: Từ AFTA tới AEC, hội nhập kinh tế được thể chế hóa

Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) được thành lập năm 1992, chắc chắn đánh dấu một sự thay đổi logic, các quốc gia thành viên tìm cách dựa vào sự hội nhập kinh tế khu vực thực sự, lúc ấy tuân thủ theo các sáng kiến của chính phủ. Đối với phần lớn các nước liên quan, sự thay đổi này phản ánh bước chuyển của một chiến lược công nghiệp hóa thay thế cho nhập khẩu thành chiến lược xúc tiến xuất khẩu. Tuy nhiên, nó cũng tính tới biến chuyển của bối cảnh quốc tế: Những khó khăn của đàm phán đa phương trong khuôn khổ vòng đàm phán Uruguay, và sự gia tăng các hiệp định thương mại trong các khu vực khác của thế giới (Liên minh châu Âu, Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ).

Các nước ASEAN có lẽ cũng e ngại chứng kiến hiệp hội của mình có đôi chút ảnh hưởng về tính gắn kết trong tập hợp rộng lớn hơn do Australia thúc đẩy: Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) được khởi xướng năm 1989. Còn hơn cả một dự án thay thế cho APEC, AFTA là cách thức để tồn tại trong APEC của các nước Đông Nam Á. Nhìn rộng hơn, nó cũng mang lại cho hiệp hội này một làn gió mới.

Về định nghĩa, dự án AFTA bị hạn chế về mặt địa lý và khiêm tốn về mục tiêu, do tính không đồng nhất trong nhóm cũng như khác biệt về thể chế, điều này đòi hỏi một sự vận hành thống nhất (phương thức ASEAN nổi tiếng). Mục tiêu là thiết lập một Khu vực thương mại tự do ASEAN trong vòng 15 năm, tuy nhiên, dự kiến tiến hành theo từng chặng; các thời hạn để giảm hàng rào thuế quan trong khu vực ban đầu được xác định ở mức tối đa 5% trong năm 2008 đối với 6 quốc gia tiên tiến nhất.

Với AFTA, đây không phải chỉ xúc tiến thương mại trong khu vực mà là cải thiện khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế ASEAN. Rõ ràng, ASEAN không thể thay thế cho các thị trường OECD, mà các nước trong khu vực đã thực hiện hơn 80% lượng trao đổi hàng hóa của mình với thị trường này. Chính vì thế xúc tiến thương mại trong khu vực không phải là ưu tiên. Như Helen Nesadurai giải thích, chủ nghĩa khu vực mà ASEAN quan niệm cho thấy tính logic của phát triển; ưu đãi ban đầu dành cho xúc tiến đầu tư trực tiếp trong khu vực trên cả đầu tư trực tiếp ngoài khu vực, khẳng định mục tiêu này. Trước hết, đây là tăng cường khả năng đầu tư của các quốc gia liên quan để tăng thêm sức bền của họ trong cạnh tranh với bên ngoài, và sau đó, cho phép họ thu hút tốt nhất lượng đầu tư nước ngoài.

Trong khi AFTA đã có thể có số phận như các hiệp định ưu đãi thương mại trong những năm 1970 – là ở chỗ mỗi quốc gia thành viên giữ toàn quyền hành động để loại bỏ cơ chế mà các sản phẩm được cho là nhạy cảm thì cần được bảo vệ – trường hợp này sẽ không phải như vậy, các rào cản thương mại sẽ bị bãi bỏ trong khu vực theo thời hạn và thậm chí còn trước so với lịch trình ban đầu. Cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1998 chắc chắn không xa lạ gì với thực trạng này.

Các nước thành viên ASEAN quyết định sẽ đi xa hơn và hướng tới tầm nhìn năm 2020, thiết lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dựa trên “một thị trường duy nhất và một nền tảng sản xuất hội nhập”.

Tiếp theo cuộc khủng hoảng, nhận thức về việc gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau trong khu vực và các nguy cơ lan tỏa đi kèm, khiến các nước trong khu vực xem xét các cơ chế hợp tác nhằm tự bảo vệ mình và tăng cường đoàn kết khu vực. Vì tính chất của cuộc khủng hoảng, nên về mặt logic, lĩnh vực tài chính được ưu tiên, tuy nhiên, nảy sinh nhu cầu siết chặt trật tự trong lĩnh vực thương mại, nên lĩnh vực này cũng được ưu tiên, và vì vậy, lịch trình của AFTA đã được đẩy nhanh hơn. Năm 1999, Hội đồng AFTA thông báo loại bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với ASEAN vào năm 2015; 2 tháng sau, Hội nghị thượng đỉnh những người đứng đầu các quốc gia ASEAN đã điều chỉnh thời hạn này sớm hơn là vào năm 2010.

Trong bối cảnh sau khủng hoảng, sự cạnh tranh của Trung Quốc (được nhận thấy hay có thực) chắc chắn thuyết phục được các nước ASEAN về sự cần thiết hành động chung để cải thiện khả năng cạnh tranh và sức hút đầu tư nước ngoài, và do vậy đẩy nhanh hơn lịch trình của AFTA. Thực tế, vào đầu những năm 2000, quỹ đạo khác nhau của các luồng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc (tăng mạnh) và vào ASEAN (giảm), gây lo ngại về một hiệu ứng lấn át và thúc đẩy chính phủ các nước ASEAN hoàn thành nhanh nhất việc thiết lập AFTA, vốn được xem như cho phép khai thác quy mô các nền kinh tế và đào sâu việc phân chia trong khu vực về việc làm dựa trên những lợi thế so sánh của mỗi quốc gia thành viên.

Trái với mọi mong đợi, việc dỡ bỏ thuế quan diễn ra nhanh hơn dự kiến. Ngày 1/1/2005, thuế nhập khẩu đối với gần 99% các sản phẩm của 6 quốc gia đứng đầu ASEAN đã ở mức dưới 5%, và hơn 60% những sản phẩm này được đề xuất miễn thuế, cho phép ở mức trung bình thuế nhập khẩu trong ASEAN-6 giảm từ 12% xuống còn 2%.

Tuy nhiên, tác động của tự do hóa trong khuôn khổ AFTA bị hạn chế. Trước tiên, phần giao thương trong ASEAN tăng từ 17% lên 21% trong giai đoạn 1992-2001, để sau đó đạt kịch trần ở mức này. Đặc biệt, tỷ lệ sử dụng “biểu thuế ASEAN” rất thấp bởi theo một số nghiên cứu, nó ở mức dưới 10%. Nên nhớ rằng phần lớn giao thương trong khu vực được hưởng chế độ ưu đãi khác, điều này hạn chế lợi ích quyết định của AFTA.

Những yếu tố khác cũng ảnh hưởng tới giao thương trong khu vực: như Hiệp định hợp tác công nghiệp ASEAN (AICO) được thiết lập năm 1996, cho phép áp dụng thuế nhập khẩu tối đa 5% đối với các sản phẩm trao đổi giữa các doanh nghiệp liên doanh đa quốc gia, đã được các doanh nghiệp sản xuất ô tô sử dụng rộng rãi. Trong lĩnh vực điện tử, giao thương trong khu vực diễn ra mạnh mẽ, hiệp định thương mại đối với các sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông (ký kết năm 1996) đảm bảo sự thông thương. Mặt khác, khoảng cách nhỏ giữa biểu thuế của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và biểu thuế của AFTA đối với số lượng lớn hàng hóa, cũng giải thích cho việc biểu thuế này ít được sử dụng.

Tuy nhiên, AFTA được xem là một thành công và tại Hội nghị thượng đỉnh Vientiane tháng 10/2003, các nước thành viên ASEAN quyết định sẽ đi xa hơn và hướng tới tầm nhìn năm 2020, thiết lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dựa trên “một thị trường duy nhất và một nền tảng sản xuất hội nhập”.

Từ ngày 3/7/2017, quả vải thiều Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) đã được bày bán tại hệ thống đại siêu thị Tops, Central Food Hall (chuỗi kinh doanh bán lẻ thực phẩm của Central Group) để giới thiệu đến người dân thủ đô Bangkok (Thái Lan). Đây là lô vải thiều đầu tiên được Central Group thu mua, xuất khẩu sang thị trường Thái Lan từ ngày 30/6/2017. Vải thiều Lục Ngạn hiện có giá gần 200.000 VND/kg tại Thái Lan. (Ảnh: Sơn Nam/Phóng viên TTXVN tại Thái Lan)
Từ ngày 3/7/2017, quả vải thiều Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) đã được bày bán tại hệ thống đại siêu thị Tops, Central Food Hall (chuỗi kinh doanh bán lẻ thực phẩm của Central Group) để giới thiệu đến người dân thủ đô Bangkok (Thái Lan). Đây là lô vải thiều đầu tiên được Central Group thu mua, xuất khẩu sang thị trường Thái Lan từ ngày 30/6/2017. Vải thiều Lục Ngạn hiện có giá gần 200.000 VND/kg tại Thái Lan. (Ảnh: Sơn Nam/Phóng viên TTXVN tại Thái Lan)

Cộng đồng kinh tế ASEAN và hơn nữa

Để xây dựng ASEAN thành một khu vực thịnh vượng, ổn định và có khả năng cạnh tranh cao, AEC được xem là tạo ra một thị trường duy nhất để sản xuất và lưu thông hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động lành nghề trong hiệp hội, đánh dấu mốc quan trọng của một tiến trình hội nhập kinh tế dựa trên giảm dần các rào cản thương mại trong khu vực.

Theo cùng logic phát triển, trong đó mục tiêu là ưu tiên tăng cường kinh tế quốc gia trong bối cảnh cạnh tranh luôn gay gắt hơn. Tuy nhiên, điều này cũng chuyển từ logic ít nhiều mang tính nhà nước (hoặc bị áp đặt từ trên xuống) sang một sự năng động hội nhập các lợi ích và nguyện vọng của khu vực tư nhân và các doanh nghiệp. Hội nhập là một phương tiện tăng cường năng lực của mỗi chủ thể đối phó với những thách thức của toàn cầu hóa và thu hút hơn nữa đầu tư trực tiếp nước ngoài. AEC là sự tổng hòa giữa hội nhập thực sự trong giai đoạn đầu và các công cụ hội nhập thể chế được phát triển trong giai đoạn 2.

Vào tháng 1/2007, thời điểm thành lập AEC đã được đẩy sớm vào năm 2015, và vào tháng 11/2007, dự án được hình thành xoay quanh 4 mục tiêu: 1) Một thị trường và một nền tảng sản xuất duy nhất, 2) Một khu vực kinh tế có khả năng cạnh tranh, 3) Một sự phát triển công bằng và 4) Một khu vực hội nhập với kinh tế thế giới. Những tiến bộ trong các lĩnh vực khác nhau là đối tượng giám sát sát sao thông qua một loạt các chỉ số [Đánh giá quản trị công ty của ASEAN – ND].

Năm 2010, các lãnh đạo ASEAN hoàn thành dự án, một mặt bằng việc đưa ra sáng kiến hội nhập mà mục tiêu của nó là mang lại một sự hỗ trợ cho các nước kém tiên tiến nhất và giảm khoảng cách phát triển trong khu vực; mặt khác, bằng việc thông qua Kế hoạch về kết nối [Kế hoạch tổng thể về kết nối toàn bộ khu vực ASEAN – ND], mà mục tiêu của nó là đồng thời thắt chặt mối liên hệ giữa các quốc gia thành viên thông qua phát triển cơ sở hạ tầng và cải thiện tính kết nối giữa các thể chế và giữa các công dân.

Để triển khai AEC, các công cụ được thiết lập trong khuôn khổ trước đó được bổ sung và tăng cường cả về buôn bán hàng hóa lẫn đầu tư. Từ nay, tự do hóa còn liên quan tới những hàng rào phi thuế quan trong giao thương, và các biện pháp hỗ trợ (đặc biệt là đơn giản hóa một số thủ tục tại các đường biên giới) đang được xem xét. Mặt khác, triển khai một thị trường chung cần kéo theo một cấp độ hài hòa nào đó về chính sách kinh tế (đặt biệt là chính sách cạnh tranh và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ).

Mục tiêu đầu tiên của AEC đơn giản là mang lại động lực mới cho ASEAN: Ngoài tự do hóa về tiếp cận thị trường hàng hóa, đây là việc tăng cường sức hấp dẫn của khu vực đối với đầu tư nước ngoài và khả năng cạnh tranh của khu vực để có thể đối phó với sự cạnh tranh của Trung Quốc và Ấn Độ.  

Trái với những điều mà tên của dự án có thể khiến người ta nghĩ tới, dự án này không hề liên quan gì tới việc thiết lập một không gian hội nhập kinh tế như Liên minh châu Âu. Đặc biệt, không có chuyện các quốc gia thành viên cho phép tới mức từ bỏ chủ quyền của mình. Ngoài ra, ghi nhận sự khác biệt lớn về tình hình giữa các quốc gia thành viên khác nhau, logic vẫn là sự khác biệt của một khu vực thương mại tự do (và không phải của một liên minh hải quan); cuối cùng là sự hài hòa về các chính sách kinh tế còn hạn chế và việc thành lập một liên minh tiền tệ là điều không thể.

Mục tiêu đầu tiên của AEC đơn giản là mang lại động lực mới cho ASEAN: Ngoài tự do hóa về tiếp cận thị trường hàng hóa (đã đạt được từ 2006 hoặc 2010 tùy theo từng nước), đây là việc tăng cường sức hấp dẫn của khu vực đối với đầu tư nước ngoài và khả năng cạnh tranh của khu vực để có thể đối phó với sự cạnh tranh của Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, dự án tính tới những khác biệt về phát triển kinh tế và điều chỉnh các nghĩa vụ tương ứng. Vì vậy, ví dụ về tự do đi lại, nó bị hạn ở số lượng rất hạn hẹp về dạng nghề nghiệp đòi hỏi tay nghề cao.

AEC chính thức được thiết lập vào cuối năm 2015 là một tiến bộ quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của ASEAN, tuy nhiên, còn tồn tại một số điểm bất lợi, đặc biệt là dưới hình thức hàng rào phi thuế quan trong thương mại hoặc những cản trở về tự do lưu thông về dịch vụ và lao động lành nghề. Mặt khác, khoảng cách giữa tham vọng và thực tế về sự hài hòa phản ánh những khó khăn liên quan tới những khoảng cách về phát triển bên trong hiệp hội.

Về chính sách cạnh tranh, những tiến bộ vẫn dưới mức mong đợi, bởi vì chỉ những nền kinh tế tiên tiến nhất mới có những quy chế như vậy. Cũng vậy, tự do hóa về dịch vụ tài chính là một công trình dang dở do tính không đồng nhất về mức độ phát triển của thị trường tài chính trong khu vực. Mặc dù vẫn chưa hoàn hảo, từ nay, một khu vực thương mại tự do tồn tại giữa 10 quốc gia ở mức độ phát triển kinh tế rất đa dạng, đây là một thành tựu khó tưởng tượng, được thực hiện cách đây nửa thế kỷ.

Hơn cả AEC, ASEAN có thể thấy vai trò của mình thay đổi sâu sắc trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong những năm tới. Một đặc tính quan trọng của AEC thực tế là nằm ở mục tiêu thứ 4 được nêu ở trên, đó là hội nhập kinh tế của ASEAN vào nền kinh tế thế giới. Theo logic của chủ nghĩa khu vực mở, một số năm trở lại đây, các quốc gia ASEAN đã tự tham gia đàm phán các hiệp định thương mại ưu đãi. Đến năm 2016, Singapore đã ký kết hơn 30 hiệp định thương mại tự do, Malaysia và Thái Lan ký được khoảng 20 hiệp định, Việt Nam hơn 10 hiệp định.

Đồng thời, ASEAN đã theo đuổi cùng một lộ trình, đặc biệt đàm phán các hiệp định thương mại tự do (ASEAN+1) với những đối tác lớn trong châu Á-Thái Bình Dương (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand). Tháng 11/2012, theo sáng kiến của Indonesia, ASEAN đã đưa ra một dự án quan hệ đối tác kinh tế khu vực quy mô lớn (Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực-RCEP), mà mục tiêu của nó là cho phép củng cố 5 hiệp định ASEAN+1.

Ngày 6/9/2016, tại Thủ đô Vientiane (Lào), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các trưởng đoàn nhấn nút khởi động Chiến dịch “Du lịch ASEAN@50” tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28-29. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Ngày 6/9/2016, tại Thủ đô Vientiane (Lào), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các trưởng đoàn nhấn nút khởi động Chiến dịch “Du lịch ASEAN@50” tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28-29. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Trái với điều thường xuyên được đề cập, RCEP không phải là một dự án của Trung Quốc để đáp trả sáng kiến của Mỹ, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hoặc là để cạnh tranh với nó. Vả lại, thành phần tham gia của nhóm không phản ánh quyết tâm của Trung Quốc, mà hơn cả là lập trường của Nhật Bản. Trong khi Trung Quốc ủng hộ một nhóm hẹp hơn (nhóm ASEAN+3, gạt Ấn Độ, Ausralia và New Zealand sang một bên), thì Nhật Bản lại nghiêng theo hướng rộng hơn (đó là khuyến nghị Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện Đông Á-CEPEA, dự án do Tokyo nêu ra từ năm 2006). Chính dưới sức ép của người Nhật mà Ấn Độ cuối cùng đã tham gia. Trong những điều kiện này, lo ngại của một số nước về việc chứng kiến Trung Quốc xác lập luật chơi thương mại trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, là không có căn cứ. Để việc này diễn ra, thì ASEAN và các đối tác khác của mình phải sẵn sàng chấp nhận và theo đuổi những đòi hỏi của Bắc Kinh.

Dù gì đi nữa, RCEP có thể cho phép ASEAN tránh bị gạt ra ngoài lề và trái lại giữ được vị trí trung tâm trong tổ chức của khu vực. Về điểm này, sự trở mặt của Mỹ đối với TPP sau sự đắc cử tổng thống của Donald Trump, có cơ may mang lại sức sống mạnh mẽ và sự quan tâm cho dự án RCEP, vậy mà, khả năng chứng kiến, như việc Nhật Bản khởi động lại TPP mà không có Mỹ, là rất thấp, cũng như không chắc 3 cường quốc kinh tế của Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) có nhanh chóng thống nhất về một dự án hợp tác ba bên tham vọng hơn.

Trong khi với TPP, ASEAN chỉ ở ngoài lề như chủ thể thể chế và bị chia rẽ thành các nhóm nước vì chỉ có 4 nước thành viên là bên tham gia đàm phán (Brunei, Singapore, Malaysia, Việt Nam), với RCEP thì trái lại, ASEAN tìm lại vai trò trung tâm của mình và về mặt nào đó, lấy lại quyền kiểm soát trong tổ chức khu vực. Đúng là vai trò trung tâm và đầu tàu của ASEAN trong dự án RCEP sẽ được hậu thuẫn lớn nếu như AEC thực sự được hoàn thành, tuy nhiên, điều này chưa hoàn toàn xảy ra. Thế nhưng, sự rút lui của Mỹ khỏi TPP mang lại cho ASEAN một cơ may bất ngờ là đưa RCEP thành yếu tố mấu chốt trong tổ chức trao đổi thương mại tại Đông Á.

Hành trình mà các quốc gia ASEAN trải qua trong 50 năm qua quả là ngoạn mục. Khu vực này có các nền kinh tế vô cùng năng động, gắn bó chặt chẽ vào mạng lưới sản xuất của thế giới.

Hành trình mà các quốc gia ASEAN trải qua trong 50 năm qua quả là ngoạn mục. Khu vực này có các nền kinh tế vô cùng năng động, gắn bó chặt chẽ vào mạng lưới sản xuất của thế giới. Với GDP khoảng 2600 tỷ USD, ASEAN là nhóm quốc gia, có nền kinh tế lớn thứ 3 tại châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng đứng trước Ấn Độ), và là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới. Và ASEAN là thiết chế không xa lạ gì với những thành tích như: Xây dựng quan hệ hòa bình giữa các quốc gia thành viên và làm gia tăng tính hấp dẫn của khu vực, nên rõ ràng tổ chức này đã đóng góp vào thành công của mỗi quốc gia thành viên, và tạo thuận lợi cho sự hội nhập của họ vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Cho dù Hiệp hội đã từng bước chuyển đổi để thích ứng với những thách thức của môi trường xung quanh mình, thì việc thiết lập kết cấu kinh tế khu vực được đánh dấu bằng 2 hằng số lớn. Chủ nghĩa khu vực mở và phát triển, giúp các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh và hội nhập kinh tế với những khu vực khác, nó cũng cắt nghĩa những căng thẳng tái diễn giữa các chương trình nghị sự quốc gia và mục tiêu hội nhập.

Với sự mềm dẻo như vậy, ASEAN vẫn có thể giữ vai trò đầu tàu trong cấu trúc kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Những xáo trộn gần đây là cơ hội để ASEAN trở nên chủ động hơn, nắm bắt được số phận của mình và hơn cả là số phận của cả khu vực châu Á. Liệu ASEAN có biết nắm lấy cơ hội hay không? Đó là thách thức đối với ASEAN trong những năm tới./.