Brexit

EU đã đưa ra nhiều “thực đơn” có sẵn cho Anh, từ của Na Uy cho đến Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không có “thực đơn” gọi theo món – phương án để Anh tự lựa chọn.

Hơn một năm trôi qua kể từ khi Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và bà Theresa May sau đó đã trở thành thủ tướng. Gần 4 tháng đã trôi qua kể từ khi bà May kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước EU, lập ra kỳ hạn 2 năm cho Brexit mà sẽ hết hiệu lực vào ngày 30/3/2019.

Đồng hồ đang điểm. Và khởi đầu đã vô cùng tích cực: một bài diễn văn hoành tráng của bà May tại Lancaster House hồi tháng 1; một vài sách trắng của chính phủ; các dự luật được đưa ra ở Nghị viện; và việc khởi động các cuộc đàm phán chính thức về Brexit tại Brussels.

Tuy nhiên, dù có những hoạt động này, gần như không có tiến triển nào hướng đến việc quyết định loại hình mà Brexit cần áp dụng. Điều này phần lớn là do Chính phủ Anh vẫn mơ hồ về những gì họ thực sự mong muốn.

Những vấn đề có vẻ như đã được giải quyết ổn thỏa lại nổi lên kể từ khi bà May mất đi đa số mong manh tại nghị viện trong một cuộc bầu cử sớm do chính bà kêu gọi vào ngày 8/6.

EU đã đưa ra nhiều “thực đơn” có sẵn cho Anh, từ của Na Uy cho đến Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không có “thực đơn” gọi theo món – phương án để Anh tự lựa chọn

Đây là bối cảnh chính trị cho các cuộc hội đàm về Brexit ở Brussels. Vòng đàm phán thứ 2 đã bắt đầu vào ngày 17/7 vừa qua giữa đoàn đàm phán của EU do Michel Barnier, người đại diện của Ủy ban châu Âu (EC), dẫn đầu, và đoàn đàm phán của Anh do Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit David Davis làm trưởng đoàn.

Ông Barnier, người được các chính phủ châu Âu nhất trí ủy nhiệm, đang tập trung vào các điều khoản của cuộc chia tay theo Điều 50: cụ thể là quyền của công dân EU ở Anh và ngược lại, cách để tránh một biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, và nghĩa vụ tài chính của Anh sau khi chia tách.

Chỉ khi nào ông báo cáo được về “tiến bộ thích đáng” trong những vấn đề này, khi đó ông mới được phép bắt đầu thảo luận về quan hệ thương mại lâu dài giữa Anh và EU. Và việc đạt được tiến bộ sẽ không dễ dàng.

Một đề xuất ban đầu của Anh là trao cho công dân EU nói chung các quyền tương tự như người Anh đã vấp phải những lời phàn nàn cho rằng hành động đó không đủ hào phóng.

Vấn đề biên giới Ireland, được đưa lên các cuộc đàm phán ngoại giao cấp cao nhất, cũng không có câu trả lời rõ ràng. Và mặc dù Anh đã thừa nhận rằng họ đang phải đối mặt với một nghĩa vụ tài chính sau chia tách, quy mô của nó cũng hết sức gây tranh cãi.

Vòng đàm phán vừa qua đã kết thúc với việc gần như không đạt được tiến bộ nào trong 3 chủ đề chính.

Quan hệ lâu dài là điều quan trọng nhất. Vì bà May và ông Davis đều nhấn mạnh rằng cách giải thích duy nhất cho cuộc trưng cầu dân ý này là người Anh đã bỏ phiếu để giành lại quyền kiểm soát các đường biên giới, luật pháp và tiền bạc, họ đang theo đuổi cái được biết đến là một Brexit “cứng”: Anh phải rời khỏi cả thị trường chung lẫn liên minh thuế quan của EU, chấm dứt quyền tự do đi lại của người dân từ EU và thoát khỏi sự giám sát của tòa án tối cao của EU, tức Tòa án Công lý châu Âu (ECJ).

Thay vào đó, nước này sẽ củng cố một “quan hệ đối tác sâu sắc và đặc biệt” với EU, bao gồm một thỏa thuận thương mại tự do toàn diện.

Tuy nhiên, thất bại của bà May trong cuộc bầu cử vừa qua đã làm dấy lên những nghi ngại về việc liệu chính sách Brexit “cứng” của bà có cần mềm mỏng hơn hay không.

Thất bại của bà May trong cuộc bầu cử vừa qua đã làm dấy lên những nghi ngại về việc liệu chính sách Brexit “cứng” của bà có cần mềm mỏng hơn hay không

Mặc dù lãnh đạo Công đảng, ông Jeremy Corbyn, ủng hộ việc chấm dứt quyền tự do đi lại của người dân, tuyên bố của ông cũng nhắc đến việc duy trì tất cả lợi ích của thị trường chung.

Mới đây, rốt cuộc ông đã từ chối bác bỏ việc ở lại thị trường chung. Trong khi đó, một số bộ trưởng cho rằng liên minh thuế quan cần được xem xét lại.

Cuộc tranh cãi gần đây nhất là về Euratom, hiệp ước năng lượng nguyên tử của châu Âu, Anh sẽ rời khỏi hiệp ước này khi tách khỏi EU, nhưng một số nghị sĩ đảng Bảo thủ cho rằng Anh nên gia nhập lại với tư cách là một bên liên kết.

Việc bà May không giành được đa số ghế trong cả hai viện cũng có nghĩa là vai trò của Quốc hội, vốn bị gạt ra ngoài, sẽ trở nên quan trọng.

Chính phủ vừa công bố dự luật rút khỏi EU và đang hứa hẹn ít nhất 7 dự luật Brexit khác, bao gồm các vấn đề từ nhập cư và nông nghiệp cho đến thương mại và hải quan. Việc làm cho các dự luật này được thông qua mà không bị sửa đổi sẽ là cực kỳ khó khăn.

Các nghị sỹ đảng đối lập đang thảo luận về việc hoàn toàn chống lại chính phủ, với sự trợ giúp của có lẽ là một tá nhân vật nổi loạn từ phía đảng Bảo thủ, giống như những gì đã xảy ra với John Major khi ông cố gắng phê chuẩn hiệp ước Maastricht vào những năm 1990.

Không có đa số rõ ràng trong nghị viện ủng hộ cho một Brexit “cứng,” vì vậy việc tiến hành một chính sách như vậy sẽ mang tính thách thức cao, nói một cách đơn giản là như vậy.

Vấn đề “chiếc bánh lợi ích”

Tại sao vẫn còn quá nhiều lộn xộn? Câu trả lời đơn giản là việc rút Anh ra khỏi một cuộc hôn nhân kéo dài 44 năm là điều cực kỳ phức tạp. Nhưng vấn đề sâu xa hơn là các cử tri chưa bao giờ được tiết lộ sự thật về những đánh đổi vốn có trong phiên bản Brexit của bà May.

Theo lời Boris Johnson, Ngoại trưởng hiện nay, những người ủng hộ Brexit hứa hẹn rằng Anh có thể có phần bánh của mình và thưởng thức nó. Họ tuyên bố rằng Anh sẽ có thể thoát khỏi sự điều tiết của EU và ECJ, rời khỏi thị trường chung, giã từ liên minh thuế quan và tiết kiệm 350 triệu bảng Anh (450 triệu USD) tiền đóng góp ngân sách mỗi tuần – trong khi vẫn duy trì những lợi ích của việc là một phần không thể thiếu của khối thương mại lớn nhất thế giới.

Tuyên bố dễ gây nhầm lẫn này giải thích lý do tại sao 27 nước EU khác đang lo ngại về cách tiếp cận của chính phủ Anh đối với Brexit.

Mặc dù họ thích bà May, người từng vận động cho phe Ở lại, hơn là các đảng viên Bảo thủ khác, nhưng họ cũng hiểu rằng kinh nghiệm chính của bà về EU bắt đầu từ năm 2013, khi với tư cách là Bộ trưởng Nội vụ bà đã đàm phán về việc Anh lựa chọn không tham gia hàng loạt biện pháp nhằm giải quyết các vấn đề tư pháp và nội vụ và sau đó chọn những biện pháp nào để tham gia trở lại.

Tại Brussels, sức mạnh thương lượng được cho là đang ngả về phía EU, đặc biệt là do kỳ hạn 2 năm quy định trong Điều 50

Cách tiếp cận vụ lợi này hoàn toàn đặc trưng cho hồ sơ đặc thù của Anh; việc này không thể được thực hiện bởi một nước quay lưng lại với cả nhóm. 27 nước EU đã quyết định dừng mọi nỗ lực nhằm lặp lại điều đó với Brexit.

Các bộ trưởng tại London cho rằng không có thỏa thuận nào còn hơn là một thỏa thuận tồi cũng có chiều hướng xấu đi ở Brussels.

Một Brexit không đạt được thỏa thuận nào chắc chắn sẽ không tốt đối với EU. Nhưng đối với Anh sẽ còn tồi tệ hơn nhiều: hàng hóa sẽ không có hiệp định thuế quan nào hỗ trợ, việc đi lại bằng đường hàng không sẽ chấm dứt mà không có một thỏa thuận hàng không nào, các hàng rào thuế quan và phi thuế quan sẽ xuất hiện ngay sau đó.

EU cũng lo lắng về niềm tin của bà May rằng người tiền nhiệm của bà, David Cameron, đã thất bại trong việc giành được đủ sự nhượng bộ trong các cuộc đàm phán của ông với EU do ông không sẵn sàng từ bỏ.

Tại Brussels, sức mạnh thương lượng được cho là đang ngả về phía EU, đặc biệt là do kỳ hạn 2 năm quy định trong Điều 50.

Thủ tướng Anh Theresa May. (Nguồn: Easterneye.eu)
Thủ tướng Anh Theresa May. (Nguồn: Easterneye.eu)

Thực đơn nối tiếp thực đơn

Điều này được phản ánh trong cách tiếp cận của EU với Brexit, mục đích là nhấn mạnh rằng các mối quan hệ trong tương lai phải tuân theo một trong những “thực đơn” có mức giá cố định.

Mỗi “thực đơn,” hay phương án lựa chọn, có những ưu và khuyết điểm riêng; mỗi “thực đơn” có một số món ăn kèm có thể thêm vào ngoài lề. Nhưng “thực đơn gọi theo món” mình muốn thì không được phép.

Ông Barnier trong thời gian gần đây đã nhấn mạnh điều này khi ông tuyên bố rằng Anh không thể rời khỏi thị trường chung trong khi vẫn giữ được tất cả lợi ích của nó, hay không thể rời khỏi liên minh thuế quan mà vẫn duy trì thương mại không ràng buộc.

Thực đơn đầu tiên là tư cách thành viên đầy đủ, điều mà cuộc trưng cầu dân ý về Brexit đã bác bỏ.

Thực đơn thứ hai là tư cách thành viên của Khu vực kinh tế châu Âu (EEA), nơi kết nối Na Uy, Iceland và Liechtenstein với EU.

Các thành viên EEA được hội nhập hoàn toàn vào thị trường chung EU đối với hầu hết hàng hóa và dịch vụ, ngoại trừ ngành nông nghiệp và thủy sản. Họ không tham gia một liên minh thuế quan với EU, điều này cho phép họ thực hiện các thỏa thuận thương mại tự do với các nước thứ ba, cho dù nó có nghĩa là các mặt hàng xuất khẩu của họ cũng phải chịu sự kiểm tra theo các quy tắc xuất xứ.

Nhưng các quy định của thị trường chung đòi hỏi họ phải chấp nhận 4 quyền tự do di chuyển trong EU về hàng hóa, dịch vụ, vốn và quan trọng nhất là con người. Họ cũng phải tuân thủ các luật lệ mà họ không có quyền đưa ra và do tòa án châu Âu áp đặt (ít nhất một cách ngấm ngầm). Và họ cũng phải đóng góp vào ngân sách EU gần như ngang với Anh, trên cơ sở bình quân đầu người.

Ông Barnier, người đại diện của EC tuyên bố rằng Anh không thể rời khỏi thị trường chung trong khi vẫn giữ được tất cả lợi ích của nó

Thực đơn thứ ba là một mô hình giống như Thụy Sĩ. Cùng với Na Uy, Iceland và Liechtenstein, Thụy Sĩ là thành viên của Hiệp hội thương mại tự do châu Âu (EFTA) nhưng không thuộc EEA. Nước này có hai bộ thỏa thuận song phương phức tạp với EU, cho phép họ có đặc quyền tiếp cận tới thị trường chung về hàng hóa, mặc dù không bao gồm ngành nông nghiệp. Nhưng nước này nằm ngoài thị trường chung về hầu hết các dịch vụ (bao gồm cả các dịch vụ tài chính).

Họ cũng nằm ngoài liên minh thuế quan. Họ cũng phải tuân thủ quyền tự do đi lại của người dân, và chấp nhận hầu hết các quy định của thị trường chung. Và họ cũng đóng góp một phần lớn cho ngân sách của EU.

Sự kiên quyết của bà May trong việc giành lại quyền kiểm soát biên giới, các luật lệ và tiền bạc đồng nghĩa với việc bà đã loại trừ cả 2 phương án này. Tuy nhiên, một số thêm thắt rườm rà có thể được đính kèm để khiến nó trở nên hấp dẫn hơn.

Các nước trong EEA có một “phanh khẩn cấp” để ngăn chặn việc tự do đi lại của người dân, mặc dù nó chưa bao giờ được sử dụng. Liechtenstein được phép đặt ra các hạn ngạch cho người di cư từ EU. Thụy Sĩ thì không, nhưng họ có lẽ được phép đảm bảo rằng hầu hết công ăn việc làm đều được đưa ra cho công dân Thụy Sĩ trước tiên.

Đối với các khoản thanh toán ngân sách, số tiền này cũng nhỏ hơn so với các thành viên đầy đủ và hầu hết xuất hiện dưới hình thức các quỹ hỗ trợ nghiên cứu hay viện trợ cho Đông Âu. Nhưng Anh sẽ phải vật lộn để đạt được một thỏa thuận như của Thụy Sĩ. EU không thích sự phức tạp của dàn xếp này và sẽ không có khả năng lặp lại nó đối với nền kinh tế Anh lớn hơn nhiều.

(Nguồn: AFP)
(Nguồn: AFP)

Thực đơn thứ tư có thể được gọi là mô hình của Thổ Nhĩ Kỳ. Giống như San Marino và Andorra, Thổ Nhĩ Kỳ không thuộc EEA, EFTA hay thị trường chung, nhưng họ đã thành lập một liên minh thuế quan với EU về trao đổi hàng hóa phi nông nghiệp.

Điều này buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải áp dụng biểu thuế đối ngoại chung do EU quy định, nhưng điều này mang lại lợi thế là không có rào cản hay kiểm tra theo quy tắc xuất xứ đối với hàng xuất khẩu sang EU. Nếu Anh định thành lập một liên minh thuế quan với EU, họ cũng có thể thử bổ sung một số dịch vụ (Thổ Nhĩ Kỳ và EU đang đàm phán nâng cấp liên minh thuế quan của riêng họ chỉ để làm điều đó).

Lợi thế khi thuộc một liên minh thuế quan nhưng không ở trong thị trường chung là nó miễn trừ 4 quyền tự do, các khoản đóng góp ngân sách cho EU, và ECJ. Nó cũng ngăn việc kiểm soát hải quan ở biên giới Ireland quay trở lại.

Điểm bất lợi chính của lựa chọn tham gia một liên minh thuế quan là nó ngăn cản các thỏa thuận thương mại tự do đối với hàng hóa với các nước thứ 3. Thực vậy, nó sẽ khiến cho Liam Fox, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh, mất đi một việc phải làm.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng các thỏa thuận phi rào cản trong hàng hóa với EU còn đáng giá hơn bất kỳ thỏa thuận thương mại tự do giả định nào trong tương lai với các nước thứ 3 do ông Fox chào mời.

Trích dẫn lời của một nghị sỹ: “Chúng ta xuất khẩu sang Ireland nhiều hơn là sang Trung Quốc, gần gấp đôi lượng xuất khẩu sang Bỉ cũng như sang Ấn Độ và nhiều hơn gần 3 lần so với lượng xuất khẩu sang Thụy Điển cũng như sang Brazil. Sẽ là không thực tế khi nghĩ rằng chúng ta chỉ có thể thay thế thương mại với châu Âu bằng những thị trường mới này”. Đây là điều bà May đã nói vào tháng 4/2016.

Một số ý kiến cho rằng các thỏa thuận phi rào cản trong hàng hóa với EU còn đáng giá hơn bất kỳ thỏa thuận thương mại tự do giả định nào trong tương lai với các nước thứ 3

Thực đơn thứ năm được chính bà thủ tướng ưu ái: một thỏa thuận thương mại tự do sâu rộng và toàn diện. Chẳng hạn như là hiệp định liên kết với Ukraine và 2 thỏa thuận thương mại đơn giản hơn với Canada và Nhật Bản, cái sau vẫn chưa được ký kết. Điều này sẽ bảo vệ quyền tiếp cận miễn thuế quan đối với hầu hết hàng hóa và thậm chí có thể bao gồm một số dịch vụ (mặc dù thường không phải là dịch vụ tài chính). Điều này có nghĩa là không có quyền tự do đi lại, không tự động áp dụng các quy định của EU và có thể không có ECJ, mặc dù một cơ chế giải quyết tranh chấp nào đó sẽ là cần thiết.

Điểm bất lợi là thương mại tự do khác với thương mại không ràng buộc. Sẽ có kiểm soát hải quan và kiểm tra dựa trên các quy tắc xuất xứ, nhiều dịch vụ sẽ không được bao gồm và sẽ có các rào cản phi thuế quan do các quy định khác biệt.

Thực đơn cuối cùng, cũng có khả năng rốt cuộc sẽ là kết quả của việc không đạt được thỏa thuận nào, là quay trở lại giao dịch thương mại với EU theo các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Điều này không hoàn toàn dễ dàng, vì mặc dù Anh là một thành viên của WTO, thuế quan và lịch trình nhập khẩu của họ được thiết lập thông qua EU, và việc có một lịch trình riêng sẽ đòi hỏi phải phân chia hạn ngạch nhập khẩu của EU thành nhiều hạng mục như bơ của New Zealand.

Giao dịch thương mại theo các điều khoản của WTO bao hàm các mức thuế quan thấp dành cho các mặt hàng như ô tô và dược phẩm, và mức thuế cao hơn đối với nông sản. Nó không bao gồm dịch vụ.

Các rào cản phi thuế quan vẫn duy trì. Và còn nguyên tắc tối huệ quốc của WTO, cho phép giao dịch thương mại có phân biệt đối xử chỉ được thực hiện trong một khu vực thương mại tự do được phê chuẩn. Điều này có nghĩa là, nếu Anh và EU nhất trí tránh mức thuế chung 10% đối với ôtô, họ sẽ phải đưa ra một thỏa thuận tương tự với các nước khác.

12 dự luật quan trọng cho tiến trình Brexit. (Nguồn: TTXVN)
12 dự luật quan trọng cho tiến trình Brexit. (Nguồn: TTXVN)

Tốn kém

Các lựa chọn dành cho Brexit có 2 đặc điểm chung.

Một là, ngoại trừ lựa chọn EEA, chúng đều tốn thời gian, có lẽ phải mất vài năm để thương lượng.

Thứ hai là tất cả đều gây tổn hại đối với nền kinh tế. Những người ủng hộ Brexit bác bỏ các dự đoán của Bộ Tài chính vào năm ngoái về chi phí của Brexit là “gây ra sự sợ hãi.” Nhưng Trung tâm điều hành kinh tế thuộc Trường kinh tế London đã sửa lại những hậu quả thương mại này.

Họ kết luận rằng hình thức “cứng” nhất của Brexit, quay về với các điều khoản của WTO, sẽ cắt giảm 40% thương mại trong vòng 10 năm và làm giảm 2,6% thu nhập bình quân theo đầu người hàng năm.

Một phiên bản mềm mỏng hơn giống như mô hình của Na Uy sẽ cắt giảm 20-25% thương mại và giảm thu nhập hàng năm xuống 1,3%. Và đây chỉ là những tác động “tĩnh”. Sẽ có nhiều tác động tiêu cực “động” từ việc đầu tư thấp hơn và tăng trưởng năng suất chậm hơn.

Người Anh vẫn chưa sẵn sàng cho một cú sốc như vậy đối với thu nhập của họ. Và quan hệ của Anh với EU càng xa cách, thất thoát trong thu nhập càng lớn. Đây là một sự đánh đổi cốt yếu mà chính quyền của bà May đã miễn cưỡng thừa nhận.

Người Anh phải đối mặt với một sự lựa chọn: để giảm thiểu thiệt hại từ Brexit, họ phải nhượng một phần chủ quyền cho EU, trong khi để tối đa hóa sự tự do khỏi Brussels, họ phải chấp nhận mức giảm thu nhập lớn hơn.

Điều khiến cho lựa chọn này trở nên khó khăn hơn là tình trạng của nền kinh tế. Ngay sau cuộc trưng cầu dân ý, những người ủng hộ Brexit đã kết luận rằng những người có xu hướng bi quan đã sai lầm: nền kinh tế không bị thiệt hại và lòng tin vẫn ở mức cao.

Tuy nhiên, trong qu‎ý đầu của năm 2017, Anh đã tụt từ vị trí một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở EU xuống vị trí tăng trưởng chậm nhất, một phần là do sự không chắc chắn về Brexit. Lạm phát cao hơn, một phần do đồng bảng Anh giảm giá, đang ăn mòn thu nhập thực tế.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond yêu cầu nền kinh tế cần được ưu tiên cao hơn trong các cuộc đàm phán Brexit. Công đảng cũng đang lập luận ủng hộ cho một Brexit “đặt công ăn việc làm lên hàng đầu.”

Thương mại với EU cũng không phải là vấn đề duy nhất. Ngay cả trước khi tham gia các thỏa thuận thương mại mới, tiến sỹ Fox đã phải tìm cách lập lại 35 hiệp định thương mại tự do mà Anh hiện đang có thông qua EU với 53 quốc gia.

Số liệu sơ bộ cho thấy khoảng 44% xuất khẩu của Anh là sang EU, 16% sang các nước mà EU vốn đã có một thỏa thuận thương mại tự do với họ và khoảng 20% tới Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đã hứa hẹn một thỏa thuận sớm với Anh, nhưng kinh nghiệm cho thấy việc đó sẽ không dễ dàng hay nhanh chóng – và ông Trump khi đó có lẽ đã hết thời từ lâu.

Số liệu sơ bộ cho thấy khoảng 44% xuất khẩu của Anh là sang EU, 16% sang các nước mà EU vốn đã có một thỏa thuận thương mại tự do với họ và khoảng 20% tới Mỹ

Các nước thứ 3 cần phải hiểu các điều khoản thương mại của Anh với EU trước khi thực hiện các thỏa thuận song phương.

Monique Ebell thuộc Viện nghiên cứu kinh tế xã hội quốc gia, một tổ chức tư vấn, tính toán rằng việc hạ cấp từ tư cách thành viên của một thị trường chung sang một thỏa thuận thương mại tự do với EU sẽ làm giảm khoảng 1/5 thương mại của Anh, trong khi đó các hiệp định thương mại tự do với 4 nước BRIC cộng với Mỹ, Canada, Australia, New Zealand, Indonesia và Nam Phi kết hợp sẽ chỉ đẩy thương mại tăng lên 5%.

Tiếp theo là vấn đề về các bộ máy điều tiết của EU, Euratom là một trong số đó. Khoảng 35 cơ quan điều tiết của EU quản lý các vấn đề như thuốc men, an toàn hàng không, các quy định về môi trường, các dịch vụ tài chính và các tiêu chuẩn kiểm dịch động thực vật.

Tất cả đều thuộc ECJ, vì vậy nếu đó vẫn là một giới hạn đỏ đối với bà May, Anh phải thiết lập một tập hợp các bộ máy điều tiết mới của riêng mình. Chúng phần lớn sẽ phải lặp lại các quy tắc của EU để duy trì tính tương đương về mặt điều tiết.

Hầu hết các công ty đều muốn giữ nguyên hệ thống họ đã quen thuộc, và nhiều công ty lo ngại rằng việc thiết lập bộ máy điều tiết của Anh sẽ không chỉ tốn thời gian và tiền bạc mà còn buộc họ phải tuân theo hai bộ nguyên tắc, không chỉ một.

Còn nhiều việc khác cần phải làm. Việc phân loại những quyền hạn nào giành lại từ Brussels sẽ phân bổ cho các chính quyền được ủy quyền nào sẽ phải thử nghiệm; người Scotland cho biết họ sẽ tạm hoãn dự luật rút khỏi EU, và Công đảng ủng hộ họ.

Hàng trăm hiệp ước về những vấn đề từ vận tải hàng không cho đến chia sẻ dữ liệu cần phải được tái đàm phán với các nước thứ 3. Phải tìm ra cách thức hợp tác trong nghiên cứu khoa học, chính sách đối ngoại, quốc phòng, an ninh, chống khủng bố và tình báo.

Tuy nhiên, tất cả những vấn đề này một lần nữa đã làm dấy lên vấn đề về ECJ, cơ quan có thẩm quyền chia sẻ dữ liệu và nhiều biện pháp giải quyết các vấn đề tư pháp và nội vụ khác nhau, bao gồm lệnh bắt giữ trên toàn châu Âu.

“Vinh quang đã qua như thế đấy”

Một kết luận là tất cả những điều này không thể được giải quyết từ nay cho đến tháng 3/2019. Để cho Nghị viện châu Âu có thời gian phê chuẩn vụ chia tay theo Điều 50, các điều khoản của nó cần phải được nhất trí vào khoảng tháng 10/2018. Những doanh nghiệp phải lên kế hoạch trước, chẳng hạn như các hãng hàng không, cần có sự chắc chắn rất lâu trước đó.

Nếu không có một thỏa thuận cho phép bay qua sau Brexit, các hãng hàng không có lẽ phải ngừng việc bán vé trước. Ngân hàng và các doanh nghiệp khác muốn biết những quy tắc họ sẽ phải đối mặt vào mùa Xuân tới.

Và điều đó dẫn đến những cái khác, vốn từ lâu đã được giả định tại Brussels và hiện đang dần được chấp nhận ở London: rằng phải có một giai đoạn chuyển tiếp sau ngày 30/3/2019.

Tuy nhiên, việc dàn xếp một thỏa thuận như vậy sẽ không đơn giản, vì các bên đàm phán sẽ muốn biết đích đến cuối cùng, ít nhất là về nguyên tắc, trước khi đồng ý với các điều khoản cho một giai đoạn chuyển tiếp.

Những người vận động hành lang doanh nghiệp, và một cách lặng lẽ, Bộ Tài chính, đang đẩy mạnh việc ở lại cả thị trường chung và liên minh thuế quan trong giai đoạn chuyển tiếp nhằm giảm thiểu sự gián đoạn.

Giai đoạn chuyển tiếp sẽ là chìa khóa để khiến Brexit đỡ gây phá vỡ hơn nhưng về bản chất nó sẽ không giải quyết những tình thế tiến thoái lưỡng nan mà chính phủ Anh đang phải đối mặt

Ý tưởng đơn giản nhất sẽ là kéo dài nguyên trạng trong 3-4 năm, nhưng điều này sẽ không làm hài lòng những người quan tâm đến việc rời đi.

Một phương án thay thế có thể là tư cách thành viên tạm thời trong EEA, nhưng những người ủng hộ Brexit có thể lo sợ rằng dàn xếp tạm thời đó sẽ trở thành vĩnh viễn.

Giai đoạn chuyển tiếp sẽ là chìa khóa để khiến Brexit đỡ gây phá vỡ hơn nhưng về bản chất nó sẽ không giải quyết những tình thế tiến thoái lưỡng nan mà chính phủ Anh đang phải đối mặt.

Vì vậy, một cách trung thực hơn, cần giảm khuynh hướng bôi nhọ bất kỳ nhà chỉ trích nào coi là đang tìm cách phá vỡ nền dân chủ và cần phải sẵn sàng hơn để thừa nhận các đánh đổi của Brexit.

Một điều chắc chắn khác là: những người cho rằng cách duy nhất để tách EU ra khỏi nghị trình chính trị của Anh là phải có một cuộc trưng cầu dân ý đã được chứng minh là hoàn toàn sai./.

Những ưu tiên trong đàm phán Brexit của EU-27. (Nguồn: TTXVN)
Những ưu tiên trong đàm phán Brexit của EU-27. (Nguồn: TTXVN)