Cậu trò giỏi

5-1475555912-61.jpg

Trong ngôi nhà thuộc phường Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai, Hà Nội). Trước mặt tôi – Nguyễn Thiêm – cậu thanh niên mới lớn rụt rè trả lời từng câu hỏi của khách. Bên cạnh, mẹ em – người phụ nữ bị dị tật do bỏng, cơ ở khuỷu tay phải co lại – lặng lẽ ngồi trên chiếc ghế được phủ bằng tấm đệm cũ kỹ, lòi cả mút ra ngoài…

Cuộc sống vất vả, chưa bao giờ đi “học thêm” vì nghèo khó, nhưng vượt lên mọi khó khăn, Thiêm vẫn trở thành tấm gương sáng khi liên tục là học sinh giỏi (từ lớp 1-9), đoạt giải Khuyến khích môn Hóa học cấp thành phố, năm học 2015-2016.

“Miễn dịch” với học thêm

Ngôi nhà nhỏ nền thấp hơn so với mặt đường, mỗi khi có trận mưa to, nước lại tràn vào. Tổ ấm của mẹ con Thiêm nằm cách trường Trung học Cơ sở Hoàng Văn Thụ độ vài trăm mét. Trong căn phòng lộn xộn với đủ thứ đồ cũ mèm, chiếc giường nằm sát góc nhà của hai mẹ con với manh chiếu đã thâm bởi mồ hôi. Phía trên, chiếc đệm mút cũ kỹ, mốc meo được treo lên, đợi mùa đông về sẽ hạ xuống để tránh rét. Hình khối đáng kể nhất cạnh đó là chiếc tủ cũ xiêu vẹo làm chỗ đựng quần áo.

Có lẽ, ngoài chiếc TV, mà tôi đồ rằng nếu đem bán cũng chỉ giá trị vài trăm nghìn đồng, thì chiếc xe đạp mà Thiêm khoe được người nhà mua cho khi em đi học cấp 3 với giá 1 triệu đồng là… tài sản lớn nhất trong gia đình. Tầng hai của căn nhà được lợp mái fibro ximăng cũ nát, mẹ con Thiêm căng một chiếc bạt để khi mưa dột nước sẽ tập trung một chỗ tiện bề hứng, cũng là che cho cái giường và nhiều đồ lỉnh kỉnh, mà có lẽ có đem cho cũng chả ai lấy.

(Ảnh: Doãn Đức)
(Ảnh: Doãn Đức)

Góc học tập của Thiêm nằm trước cái TV “cổ lai hy” nhãn hiệu Sharp với một ít sách giáo khoa và gần như không có sách tham khảo, nâng cao. Trước đây, khi Thiêm học, chiếc TV được tắt và cũng cả tháng nay nó không hoạt động bởi từ khi nhà nước chuyển đổi sang truyền hình số mặt đất, nhà Thiêm chẳng có tiền để mua đầu thu mới.

Cất từng tiếng chầm chậm, chị Trần Thị Thiều (sinh năm 1962) kể rằng mình lấy chồng muộn, sinh con khi đã gần tứ tuần. Năm sinh ra Thiêm (2001), chị phải xin nghỉ mất sức. Tới năm 2008, khi Thiêm học lớp 2, người phụ nữ quê ở Hưng Hà (Thái Bình) lại phải chịu một tai nạn khủng khiếp.

Cậu bé không bao giờ mất một xu để học thêm ấy đã tự mình vươn lên, mặc kệ cái nghèo bủa vây để học cho thật giỏi.

Chuyện là, khi thấy ấm nước đang sôi trên bếp lò, chị Thiều vội đi dép vào để rót nước. Thế nhưng, đôi dép xốp trơn đã “phản chủ” khiến chị ngã đập mặt xuống nền nhà, bất tỉnh. Nước sôi trên bếp tuy không đổ ào, nhưng vòi nước cứ liên tục “rót” vào người khiến chị bị bỏng nặng. Sức khỏe đã yếu lại càng yếu hơn, người chồng thi thoảng mới về nhưng cũng chẳng đoái hoài tới vợ và dần dần thì bỏ đi khỏi nhà…

Trong bài phát biểu tại Lễ tuyên dương khen thưởng “Thầy dạy giỏi-Trò học giỏi” của Quận Hoàng Mai vào cuối tháng Năm, Thiêm nghẹn ngào kể rằng, do sức khỏe yếu cùng với bệnh động kinh thường xuyên tái phát, mẹ em mất khả năng lao động, chỉ trông chờ vào đồng lương bảo hiểm hàng tháng khoảng hai triệu đồng. Cuộc sống của hai mẹ con rất khó khăn và phải cậy nhờ vào người cậu…

Cũng bởi thế, Thiêm bảo, hoàn cảnh khó khăn khiến em chẳng dám ghi danh vào một lớp học thêm nào. Có cô giáo biết tới hoàn cảnh éo le và nghị lực phấn đấu của Thiêm đã cho Thiêm đi học miễn phí. Ngoài ra, em phải mượn sách học thêm của bạn về nhà ôn tập…

(Ảnh: Doãn Đức)
(Ảnh: Doãn Đức)

Phải học giỏi để lo cho mẹ

Trong hoàn cảnh của Thiêm, có lẽ, nhiều em nhỏ đã phải bỏ học giữa chừng để đi làm thuê hay đi đánh giày… để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Nhưng, Thiêm lại nghĩ khác.

Em bảo rằng, nhiều lúc đi học về nhìn thấy mẹ nằm trên giường đợi, nước mắt em chực trào ra. Lớn lên, em biết làm những việc nhỏ như giúp mẹ nấu cơm, giặt quần áo. Thế nhưng, “em xác định chỉ có học thật tốt mới giúp hai mẹ con đỡ khổ.”

Cũng bởi thế, cậu bé không bao giờ mất một xu để học thêm ấy đã tự mình vươn lên, mặc kệ cái nghèo bủa vây để học cho thật giỏi. Liên tục là học sinh giỏi, nhưng điểm nhấn của Thiêm là năm lớp 4, em đạt giải Ba kỳ thi Học sinh giỏi cấp quận; lớp 5 đạt giải Khuyến khích. Năm học lớp 7, Thiêm đạt giải Ba thi giải Toán trên Internet cấp quận, lớp 9, Thiêm tiếp tục làm dày bảng thành tích khi đạt giải Ba thi học sinh giỏi lớp 9 môn Hóa cấp quận, được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi quận tham dự kỳ thi cấp thành phố và đạt giải Khuyến khích.

Hiểu hoàn cảnh khó khăn của Thiêm, Ban giám hiệu Trường Trung học Cơ sở Hoàng Văn Thụ đã tạo nhiều điều kiện cho em học tập như miễn giảm học phí, đầu năm học tặng học bổng…

Chị Nguyễn Thị Ngọc, Giáo viên Chủ nhiệm, cũng là người tình nguyện kèm cặp miễn phí cho Thiêm học môn Hóa học thì nhận xét Thiêm là một học sinh có tư duy, tố chất tốt. Thế nhưng, cũng như nhiều học trò mới lớn, Thiêm cũng mắc một “tật” là hay chơi điện tử.

Bởi thế, có nhiều khi, cô Ngọc “bắt” Thiêm tới nhà để giao bài tập. Hoặc, thi thoảng cô lại gọi điện tới chiếc điện thoại đời thấp mà hai mẹ con dùng làm phương tiện liên lạc. Nếu Thiêm bắt máy thì cô yên chí em đang ở nhà học bài, nếu không, cô Ngọc lại phải gọi cho bạn cùng lớp, ra quán Internet “bắt” Thiêm về nhà để giao bài tập nhằm… cai game.

Gãi đầu ngượng nghịu khi thấy anh phóng viên đề cập vấn đề này, Thiêm bảo rằng, nhờ có cô Ngọc mà em đã học giỏi hơn môn Hóa học. Mỗi lần bị cô nhờ bạn gọi về, tới hôm sau Thiêm lại thấy phải chăm học hơn vì thấy mình có lỗi với cô giáo.

  • img9961-1476325984-38.jpg
  • img9946-1476326011-71.jpg
  • img9951-1476326133-27.jpg

Giờ đã bước vào lớp 10, Thiêm bảo, mình phải cố gắng hơn nữa để học tập để không phụ tình cảm của mọi người. Còn chị Thiều thì không giấu khỏi nỗi lo khi con càng học cao, các khoản đóng góp càng lớn mà chị không thể lo nổi… Thôi thì, tất cả trông chờ vào người em trai vốn đã gánh vác cả cái gia đình này trong suốt những năm qua… Xa hơn nữa, chị mong có một phép màu…

Tôi rời nhà Thiêm khi phố xá đã dần im ắng, dưới ánh đèn xe loang loáng bởi cơn mưa vừa dứt, lại nhớ lời cậu bé: “Em ước mơ sau này sẽ vào bộ đội và sẽ nỗ lực hết mình để đạt được ước mơ đó.”

Tôi tin, em sẽ làm được, dù chỉ với chiếc xe đạp trị giá một triệu đồng – tài sản vật chất quý nhất trong ngôi nhà vốn đã chịu nhiều thiếu thốn. Và cũng mong rằng, sẽ có một bàn tay mạnh thường quân giúp đỡ cậu bé để em có điều kiện hơn hoàn thành ước mơ lớn nhất của cuộc đời./.