Thủ đô Hà Nội 

giaiphong2-1475915181-57.jpg

Ngày 10-10-1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng. Đó là một ngày trọng đại trong lịch sử thủ đô Hà Nội nói riêng và lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung. Hà Nội những ngày tháng 10 năm 1954 đã diễn ra nhiều sự kiện đáng ghi nhớ.

Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương kết thúc thắng lợi ngày 20-7-1954. Các bản Hiệp định đình chiến ở Việt Nam, Campuchia, Lào đã được ký kết.

Tháng 10-1954, Hiệp định Giơnevơ bắt đầu có hiệu lực. Trong Hiệp định có điều khoản: hai nước chiến tranh ký thoả thuận ngừng bắn và chuyển giao hoà bình nguyên vẹn các thành phố cho nhau. Hiệp định có quy định chuyển giao về quân sự và chuyển giao về hành chính. Trong ủy ban liên hiệp đình chiến Trung ương do đồng chí Văn Tiến Dũng làm Trưởng đoàn Việt Nam có tiểu ban Hà Nội do ông Lê Quang Đạo phụ trách. Trong tiểu ban, Ban lãnh đạo Đảng bộ Hà Nội có hai thành viên: ông Trần Vỹ phụ trách công tác chuyển giao quân sự, cùng với phía Pháp vạch ra lịch rút của quân đội Pháp và quy định ranh giới trên bản đồ để quân ta tiến vào đóng quân; ông Nguyễn Tài, phụ trách công tác chuyển giao hành chính, cùng với phái Pháp bàn thực hiện các điều khoản ghi trong hiệp định: “Bảo đảm công việc hành chính không bị đứt đoạn” và tổ chức cho “đội hành chính vào trước”.

Tối 1-10-1954, trước khi chính thức tiếp quản thành phố 10 ngày, khoảng 100 cán bộ các ngành của Việt Nam trang phục chỉnh tề, phù hiệu tiếp quản lấp lánh trên ngực áo, tập trung đông đủ ở Phù Lỗ, lần lượt bước lên đoàn xe tải của quân đội Pháp, do lính Pháp lái, tiến vào thành phố. Đoàn cán bộ vào trước này do ông Trần Danh Tuyên làm trưởng đoàn và ông Nguyễn Tài làm phó trưởng đoàn.

Bộ đội tiến về tiếp quản thị xã Hà Đông. (Ảnh: TTXVN)
Bộ đội tiến về tiếp quản thị xã Hà Đông. (Ảnh: TTXVN)

Cùng thời điểm với cuộc đấu tranh trên bàn hội nghị ở Trung Giã, Phù Lỗ, một sự kiện được tích cực xúc tiến: toàn bộ các cơ quan, đoàn thể, đơn vị quân sự trực thuộc Thành ủy, chính quyền và Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang của thành phố chuyển về đồng bằng, đóng dọc đường số 1.

Hàng nghìn cán bộ, nhân viên nhiều năm sống trong những cánh rừng già ở Hoà Bình, Thanh Hoá, làm việc trong các lán tranh, trong các hang núi, bên các con suối… từ các ngả đường mòn kéo về xuôi để chuẩn bị vào thành phố.

Các thôn xóm của 2 huyện Phú Xuyên, Thường Tín của tỉnh Hà Tây, cách nội thành Hà Nội hai chục cây số đầy ắp người mới đến. Đêm đêm, đèn măng sông, các loại đèn ba dây, đèn dầu các kiểu tự tạo, đèn thắp bằng điện máy nổ… toả sáng khắp các đình làng, trong các nếp nhà, trong các khoảnh vườn của bà con địa phương. Hàng trăm nghìn công việc hối hả, tất cả ngày và đêm chạy đua với thời gian để kịp chuẩn bị các công việc cho ngày tiếp quản.

Hàng trăm xóm làng ở Thường Tín, Phú Xuyên những ngày đó trở thành khu căn cứ mới của Hà Nội kháng chiến. Hàng nghìn người đủ các tầng lớp từ nội thành ra đã tập trung ở đây. Thanh niên, học sinh kéo ra xin nhận bất kể công việc gì để phục vụ tiếp quản.

Hàng trăm vị nhân sĩ, trí thức được mời ra vùng tự do để nghiên cứu, tìm hiểu các chính sách mới của Chính phủ. Từng toán công nhân, viên chức chính quyền cũ đem nộp cho chính quyền Cách mạng những tài liệu quan trọng của địch và các dụng cụ, máy móc quý hiếm. Nhiều đơn vị quân ngụy kéo ra nộp vũ khí và tự nguyện gia nhập hàng ngũ Cách mạng.

Nữ sinh trường Trưng Vương chào mừng thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Uỷ ban Quân chính Hà Nội, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 chủ lực tiến về giải phóng Thủ đô. (Ảnh: TTXVN)
Nữ sinh trường Trưng Vương chào mừng thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Uỷ ban Quân chính Hà Nội, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 chủ lực tiến về giải phóng Thủ đô. (Ảnh: TTXVN)

Đêm 9-10, trước ngày tiếp quản, cả thành phố dường như không ngủ. Mặc dù quá giờ giới nghiêm, vẫn có những bóng người đi men dưới những hàng hiên dọc phố, băng nhanh qua đường, đến những điểm hẹn để bàn việc hoàn tất những công việc cuối cùng đón đại quân ngày mai.

Tất cả các ô cửa sổ đều sáng đèn; các bà, các chị cố gắng may cờ cho xong trước lúc trời sáng; cánh thanh niên cắt chữ, dán khẩu hiệu, làm băng đơrôn chào mừng bộ đội. Không ít gia đình thắp hương trên bàn thờ tổ tiên, cầu xin ngày mai được gặp lại con em mình ra đi từ những ngày đầu kháng chiến…

Từ sáng sớm, ngày 10-10-1954, nhân dân Thủ đô quần áo chỉnh tề, mang cờ, ảnh Bác Hồ và những bó hoa tươi thắm, thành đội ngũ trật tự theo từng công sở, xí nghiệp, trường học, khu phố…kéo tới những con đường đã được báo trước là bộ đội hành quân qua.

Đoàn xe đầu tiên do thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch ủy ban quân chính và bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch ủy ban quân chính Hà Nội dẫn đầu.

Bộ đội từ các cửa ô tiến vào giải phóng Thủ đôngày 10/10/1954. (Ảnh: TTXVN)
Bộ đội từ các cửa ô tiến vào giải phóng Thủ đôngày 10/10/1954. (Ảnh: TTXVN)

8 giờ: Cánh quân phía Tây xuất phát từ Quần Ngựa. Đó là những chiến sĩ bộ binh của trung đoàn Thủ đô do Trung đoàn trưởng Nguyễn Quốc Trị, Anh hùng quân đội dẫn đầu. Các chiến sĩ diễu binh qua Kim Mã, Hàng Đẫy, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang…Đến 9 giờ 45 phút, cánh quân đã tiến vào Cửa Đông, thành Hà Nội.

8 giờ 45 phút: Cánh quân phía Nam xuất phát từ Việt Nam học xá, tiến qua Bạch Mai, phố Huế, vòng quanh Hồ Gươm rồi vòng lại chiếm lĩnh toàn bộ khu vực Đồn Thủy và Đấu Xảo. (Hiện nay là khu từ Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện 108 trải dài ra tận bến Phà Đen; Nhà Đấu Xảo: Hiện là khu vực Cung Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô).

9 giờ 30 phút: Đoàn cơ giới và pháo binh xuất phát từ Bạch Mai, qua phố Bạch Mai, phố Huế; 10 giờ 15 phút đến Bờ Hồ, qua Hàng Đào, Hàng Ngang, chợ Đồng Xuân, rẽ sang đường Cửa Bắc, tiến vào thành lúc 10 giờ 45 phút.

15 giờ: Còi nhà hát thành phố nổi lên một hồi dài. Mấy chục vạn nhân dân Hà Nội trang nghiêm dự lễ chào cờ do ủy ban quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ với sự tham gia của các đơn vị quân đội. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch ủy ban quân chính Vương Thừa Vũ đã trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng.

“Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào.

Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hoà bình đã thắng lợi. Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể…”.

Trong trang sử đấu tranh của Hà Nội, ngày 10-10-1954 là một mốc son lớn, có ý nghĩa rất trọng đại đối với mỗi người dân Thủ đô và đối với mỗi người dân Việt Nam.

Ngày 15-10-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến Hà Nội.

Ngày 16-10-1954, Hồ Chủ tịch tiếp đoàn đại biểu nhân dân Thủ đô tại Bắc Bộ Phủ. Hồ Chủ tịch biểu dương những thành tích của bộ đội, cán bộ, nhân dân trong việc tiếp quản Thủ đô, trong việc khôi phục các hoạt động và ổn định sinh hoạt của nhân dân.

Trong buổi gặp gỡ đồng bào, Bác Hồ căn dặn: “Nhân dân Thủ đô ta có truyền thống Cách mạng vẻ vang và lòng nồng nàn yêu nước, tôi chắc rằng đồng bào Thủ đô sẽ hăng hái phấn đấu làm cho mọi ngành hoạt động của Thủ đô ngày thêm phát triển, để làm gương mẫu, để dẫn đầu cho nhân dân cả nước ta trong công cuộc củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong khắp nước ta; để xây dựng một đời sống sung sướng, tươi đẹp, thái bình mãi mãi cho con cháu chúng ta”./.

Nhân dân Thủ đô vui mừng đón đoàn quân Giải phóng ngày 10/10/1954. (Ảnh: TTXVN)
Nhân dân Thủ đô vui mừng đón đoàn quân Giải phóng ngày 10/10/1954. (Ảnh: TTXVN)