Những người đưa phở ra Trường Sa

Sóng oàm oạp vỗ thân tàu. Từ phía chân trời nhấp nhô, những ánh nắng đầu ngày cũng đã bắt đầu le lói. Người đầu bếp Thành Nam, Vũ Ngọc Vượng, sau cả đêm dài trằn trọc đã lẩn mẩn trở dậy với đủ thứ đồ nghề lỉnh kỉnh của mình.

Đây là lần đầu tiên anh Vũ Ngọc Vượng nấu phở tận ngoài Biển Đông xa xôi. Lần đầu tiên anh được phục vụ những đảo chìm, đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa của Tổ quốc….

Ý tưởng đưa Phở vượt sóng ra khơi

Đến tận khi thực hiện trọn vẹn chuyến hành trình thứ hai “mang Phở” Hà Nội ra Trường Sa, cảm xúc của người nghệ nhân ẩm thực đất Thành Nam vẫn chưa hết bồi hồi. Cười hiền lành, anh bảo: “Đấy là cơ duyên và cũng là một trong những niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời làm bếp của mình.”

Ngừng lại một chút, câu chuyện của Vượng chợt trôi về những ngày khi ý tưởng và hoài vọng của anh bị coi như một giấc mơ hoang đường, khó thành hiện thực.

“Tôi nhớ khi ấy vào năm 2012, nhà báo Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Trung tâm ảnh Thông tấn xã Việt Nam sau một chuyến công tác Trường Sa về có kể cho tôi nghe những câu chuyện về vùng biển đảo này. Đó là vùng đất vô cùng thiêng liêng nhưng cũng thiếu thốn cả về tỉnh cảm và những món ăn đặc sản,” anh chau mày nhớ lại.

Những hình ảnh về đảo chìm, đảo nổi nơi biên viễn bất chợt cứ loang loáng chớp hiện lên trong Vượng. Anh thoáng buồn: “Em cũng muốn ra Trường Sa mà chắc chẳng bao giờ đi được.”

Lúc này, một ý tưởng “điên rồ” nhất chợt lóe lên trong đầu nhà báo Nguyễn Hồng Kỳ.

Nhớ về thời khắc đứa con tinh thần “đột xuất” ra đời ấy, tay máy lão làng của Thông tấn xã Việt Nam cho tới tận lúc này vẫn không giấu nổi niềm phấn khích. Là người gắn bó nhiều năm với biển đảo, nhất là với Trường Sa, hơn ai hết, anh “thấm” được hết những khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần của người lính gác biên cương. Anh chợt nghĩ, tại sao mình và Vượng lại không mang Phở Hà Nội ra phục vụ anh em ngoài Trường Sa? Tại sao lại không thể đưa món đặc sản của Thủ đô vượt sóng, vượt gió ra chót cùng Tổ quốc?

Hai gã đàn ông trong một chốc lát bị ý tưởng mới mẻ ấy cuốn đi. Họ hồ hởi. Họ mường tượng đến cảnh những bát phở nghi ngút khói được nấu trên chính những Sơn Ca, Song Tử Tây, Trường Sa lớn…

Nghĩ là làm, nhà báo Nguyễn Hồng Kỳ ngay lập tức nối máy với Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân để trình bày.

Khi ấy, phía đầu dây bên kia cười khà khà và đồng ý với nhưng với điều kiện tiên quyết là phải đảm bảo an toàn.

“Phó Chính ủy còn tếu táo: Nếu mà bộ đội đau bụng thì các ông… ‘chết’ với tôi,” cười rổn rảng, nhà báo Nguyễn Hồng Kỳ nhớ lại.

  • trentauhq5-1502937391-90.jpg
  • sonca2-1502937397-82.jpg
  • trentauhq5-1502937407-23.jpg
  • sonca1-1502937415-44.jpg

Niềm vui như vỡ òa ra với cả hai người. Họ hăm hở bắt tay từng bước hiện thực hóa ý tưởng chở phở vượt sóng ra khơi kỳ lạ, có một không hai của mình.

“Chúng tôi vẫn nghĩ, một bát phở, ngoài giá trị về vật chất, về hương vị của đất liền quê hương, nó còn chứa chan rất nhiều giá trị tinh thần. Đó là tấm lòng của đất liền với Trường Sa, cũng là món quà mà hậu phương gửi tặng bộ đội đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ Quốc,” nhà báo Nguyễn Hồng Kỳ chia sẻ.

Phở vượt trùng dương

Ý tưởng “hoang đường” ra đời và được chấp thuận cũng đồng nghĩa với việc từ lúc này, hai gã đàn ông “điên rồ” xứ Bắc phải gánh trên vai những trách nhiệm hết sức nặng nề.

Là nghệ nhân ẩm thực, Vũ Ngọc Vượng trăn trở không thôi với bài toán: Làm thế nào để giữ lại được chất lượng những bát phở trong điều kiện vận chuyển dài ngày với nhiệt độ nóng ẩm của vùng Biển Đông? Các nguyên vật liệu sẽ được bảo quản ra sao trong suốt hành trình lênh đênh với sóng gió?

“Mọi điều kiện lúc này dường như đều chống lại hai gã… gàn muốn đưa hương vị đặc trưng của Hà Nội ra với biển.”

“Điều chúng tôi đau đầu nhất là phải tìm được phương pháp giữ nguyên độ tươi của thực phẩm, đảm bảo an toàn sức khỏe cho bộ đội. Câu chuyện hương vị lúc này được đặt xuống hàng thứ hai,” anh Vượng nhớ lại.

Thông thường, bánh phở được tráng theo cách truyền thống chỉ có thể bảo quản tối đa trong 24 giờ. Nước dùng cũng được nấu và dùng luôn trong ngày. Mọi điều kiện lúc này dường như đều chống lại hai gã… gàn muốn đưa hương vị đặc trưng của Hà Nội ra với biển.

“Chỉ còn cách phải thử nghiệm thôi anh ạ,” Vượng gọn lỏn nói với nhà báo Nguyễn Hồng Kỳ rồi lẩn mẩn tự bắt đầu.

Đầu tiên, về bánh phở, gã đầu bếp gốc Nam Định tự tay tráng thử. Thay vì cách thức truyền thống, bánh phở “thửa riêng cho Trường Sa” được tráng kỹ hơn, đậm hơn. Tráng xong, bánh được trải ra, hong dưới quạt, rồi được xếp nhẹ nhàng vào các túi lớn.

  • son6472-1502937692-43.jpg
  • son6413-1502937597-13.jpg
  • son6423-1502937728-65.jpg
  • son6389-1502937615-87.jpg
  • son6392-1502937622-21.jpg
  • son6403-1502937635-20.jpg
  • son6363-1502937650-93.jpg
  • son6462-1502937658-89.jpg
  • son6465-1502937678-8.jpg
  • son6466-1502937768-95.jpg
  • son6420-1502938113-53.jpg

“Bánh phở phải đạt được độ bông và xốp, đồng thời cũng phải dày dặn để có thể chịu được trong điều kiện vận chuyển thời gian dài,” Vượng kể lại.

Thế nhưng, mẻ bánh đầu tiên lại phụ công của anh khi toàn bộ bị hỏng. Không nản lòng, Vượng thử đi thử lại, cuối cùng tìm ra được công thức riêng cho mình.

Giải quyết xong “phần xác” của bát phở, anh Vượng lại đau đáu với phần hồn là nước dùng, gia vị và thịt bò. Giải pháp hữu hiệu nhất được lựa chọn là phải nấu nước dùng tại đất liền rồi tiến hành cấp đông, mang trực tiếp vào từng đảo. Toàn bộ rau thơm, gia vị cũng phải được chế biến trước, hong khô rồi bọc vào giấy báo nhằm tránh tình trạng bị héo úa.

Suốt những ngày trước chuyến ra khơi, không đêm nào “nghệ nhân phở” không mơ thấy những rau, hành, thịt, bánh. Những thức, những vị ấy bám riết lấy anh, khiến Vượng không thôi trằn trọc.

Điều kỳ lạ và cũng đặc biệt nhất là hành trình mang phở ra khơi của Vượng và nhà báo Nguyễn Hồng Kỳ vô tình trở thành hành trình kết nối nhiều vùng miền của Tổ quốc với đảo xa. Ý tưởng được hình thành từ Hà Nội. Công tác chuẩn bị nguyên vật liệu lại tiến hành ở Thành phố Hồ Chí Minh, tại hàng phở gia truyền của gia đình Vượng. Và cứ thế, theo một cách tự nhiên nhất, phở, từ ý tưởng đến hiện thực, đã vô tình kéo xích hai đầu Tổ quốc lại với nhau, và một lần nữa gắn đất liền với đảo xa trong một hành trình ý nghĩa nhất của mình.

Nghệ nhân ẩm thực Ngọc Vượng
Nghệ nhân ẩm thực Ngọc Vượng

Tháng 5/2013, sau nhiều ngày chuẩn bị, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Vượng và nhà báo Nguyễn Hồng Kỳ bắt đầu hiện thực hóa giấc mơ của mình.

Nhớ về chuyến đi đặc biệt đầu tiên này, nhà báo Hồng Kỳ viết: “Hành trình mang phở ra Trường Sa được bắt đầu từ khoảng 4 giờ sáng khi chiếc UAZ của Hải quân đưa chúng tôi qua quận Tân Bình. Xe dừng trước cửa hàng phở Hà Nội số 116 Hoàng Hoa Thám, trên con phố nhỏ nhiều hàng ăn trưng biển bún ốc, bún chả Hà Nội… Người Việt Nam mình đi đến đâu là mang theo bản sắc văn hóa hiện hữu của mình tới đó, có lẽ vậy mà những người con Hà Nội, đoàn nhà báo Thông tấn xã Việt Nam của Dự án ‘Trường Sa-Việt Nam có một nơi thiêng liêng và đẹp như thế!’ đã nảy ra ý tưởng và quyết tâm cùng với nghệ nhân ẩm thực Ngọc Vượng mang hương vị phở Hà Nội đến với Trường Sa… Bước vào nhà, trước mắt chúng tôi là một khối lượng lớn với hơn 30 kiện nguyên liệu gồm đủ các loại đã được bao gói, đóng thùng dán tem rất chuyên nghiệp mang dòng chữ: Thông tấn xã Việt Nam – Quân chủng Hải quân. Phở Ngọc Vượng – Quà tặng Trường Sa”. (Trích Phở Hà Nội giữa Trường Sa, Báo Tin Tức)

“Người Việt Nam mình đi đến đâu là mang theo bản sắc văn hóa hiện hữu của mình tới đó.”

Toàn bộ nguyên liệu nhanh chóng được chuyển xuống khoang lạnh trong tâm trạng mong chờ đầy hồi hộp của hai vị “đạo diễn”. Đảo xa đã ngay phía trước rồi…

“Lúc này, trong đoàn không ai có thể tưởng tượng được làm thế nào để có được bát phở Hà Nội trên biển khơi. Mọi người nhìn chúng tôi vừa có phần háo hức, vừa có phần khó tin,” nghệ nhân Vũ Ngọc Vượng vừa cười hiền lành, vừa nhớ lại.

Cứ như thế, con tàu đầu tiên chở Phở bắt đầu vượt cửa biển Vũng Tàu tiến về những đảo đá xa xôi, mang theo ngổn ngang đủ những kỳ vọng, mong chờ và cả chút hiếu kỳ của mấy chục con người trên đó.

Ngày hội… Phở trên biển Đông

Tàu vừa ra khỏi cửa biển, sóng bỗng lừng lên. Từ phía chân trời, gió và mưa ầm ầm kéo đến. Cả tàu chao đảo, khiến hầu hết các thành viên trên đoàn gần như say lử lả. Ngọc Vượng, người xứ Bắc chưa từng quen sóng lớn cũng ngây ngất không thôi.

Nhưng, đêm đầu tiên ấy, chưa lúc nào anh Vượng cũng như anh Kỳ thôi lo lắng về “mẻ hàng” đặc biệt của mình. Họ dằn chân, leo lên leo xuống kiểm tra từng chút và chỉ có thể thở phào khi tất cả bánh, nước dùng và gia vị đều an toàn.

Ngay sáng hôm sau, bất chấp cơn say sóng chuếnh choáng, Ngọc Vượng tự tay chuẩn bị những bát phở đầu tiên trên biển cho cả đoàn công tác.

Nhớ lại thời khắc này, nghệ nhân Vũ Ngọc Vượng vẫn chưa hết bồi hồi: “Cảm giác làm phở giữa biển rất đặc biệt. Tôi thấy vô cùng xúc động, chẳng thể nghĩ tới điều gì ngoài quyết tâm nấu cho anh em thưởng thức một cách ngon nhất.”

Còn nhà báo Nguyễn Hồng Kỳ thì hồi tưởng: “Nhìn âu phở nghi ngút khói với những nạm, tái, gầu, hành hoa, chanh ớt và mùi thơm đặc trưng không thể cưỡng lại được… Chị Hiền – Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Dương, người say sóng nhất phòng như đã khỏe hơn sau khi được thưởng thức tô phở. Chị bảo: “Trời ơi! Phở Hà Nội ngon quá trời ngon! Thiệt tình không ai ngờ đi Trường Sa mà lại được ăn phở Hà Nội”. (Trích Phở Hà Nội giữa Trường Sa, Báo Tin Tức)

Đáng nhớ nhất với “cặp đôi” này là khoảnh khắc “chuyến tàu Phở” cập bến các đảo đá.

Chợt lặng lại một lúc, ánh mắt của anh Vượng hướng đăm đăm lên bức ảnh bát phở đang nghi ngút khói trên tay cậu lính trẻ đảo Sơn Ca được treo trang trọng trong căn phòng nhỏ. Anh kể: “Khi ấy vào khoảng 5 giờ sáng thì tàu cập vào Sơn Ca. Sau chuyến hành trình dài đằng đẵng, thấy đất liền, cả đoàn nhao lên phía mạn tàu. Chỉ duy có Vượng và nhà báo Kỳ vẫn lẩn mẩn với đủ thứ đồ nghề lỉnh kỉnh của riêng mình.” Người thợ bếp tài hoa mải mốt nhờ chỉ huy tàu gọi vào đảo nhờ anh em đặt sẵn nước sôi để chần bánh. Rồi lại mải mốt sắp xếp nguyên vật liệu đợi chuyến CQ đầu tiên đưa vào với lính.

“Cả đêm trước khi ‘chạm’ Sơn Ca chúng tôi không sao ngủ được. Anh em trở dậy từ 11 giờ đêm để rã đông rồi kiểm tra lại toàn bộ nguyên liệu. Thậm chí, tới lúc vào đảo rồi, không kịp ngắm cảnh, bắt tay người, tôi và anh Kỳ đã lao ngay vào bếp ăn quân đội,” Vượng hào hứng kể, giọng trầm trầm bình thường giờ bỗng chốc đã sôi nổi hẳn lên.

Người thái thịt, chẻ rau, kẻ đun nước dùng, nước chần bánh… cặp đôi miền Bắc đã nhanh chóng chuẩn bị 200 bát phở Hà Nội cho toàn bộ đảo Sơn Ca. Mồ hôi túa ra đầm đìa nhưng ánh mắt họ lấp lánh.

Khi mọi công đoạn nấu phở đã xong, Ngọc Vượng làm cho mình một bát nhỏ. Vượng ăn trước, như một thủ tục kiểm tra chất lượng. Nhà báo Hồng Kỳ nhìn Vượng ăn, kéo chiếc khăn rằn quàng trên cổ lau mồ hôi trán rồi hỏi: “OK chứ?”. Vượng gật đầu.

Và toàn đảo, trong giây lát, vỡ òa niềm vui chuẩn bị bước vào ngày hội ẩm thực có một không hai trong lịch sử. Từng tô phở nghi ngút khói được bày ra trong ánh mắt tò mò và cả… thèm thuồng của bộ đội.

Nhà báo Nguyễn Hồng Kỳ, khi về đất liền đã viết như thế này về khoảnh khắc đảo đá mở hội hôm đó: “Binh nhất Nguyễn Ngọc Hải Đăng, quê ở Đồng Nai, xúc động khen phở ngon vì đây là lần đầu tiên trong đời anh được ăn phở Hà Nội. Những tô phở thơm hương vị, ấm tình của đất liền đã làm ấm lòng những người con xa quê hương… Anh em ‘cụng’ bát phở chúc nhau. Có chiến sỹ thật thà: ‘Phở ngon thật, nhưng giá như được ăn 2 bát.’… Mấy trăm suất phở đã làm ấm lòng chiến sỹ cùng với những tình cảm xúc động dâng trào của cả người nấu và người được phục vụ.” (Trích Phở Hà Nội giữa Trường Sa, Báo Tin Tức)

Sau chuyến đi thành công năm 2013, tới năm 2017, hai người đàn ông ôm giấc mơ đưa Phở Hà Nội ra biển Đông lại một lần nữa lên đường. Lần lượt những điểm đảo Đá Lát, Trường Sa lớn, Đá Tây, Thuyền Chài, Phan Vinh, An Bang, Tốc Tan A, nhà giàn DK1/2 được đón món ăn mang cả dấu ấn ẩm thực xứ Bắc lẫn tình cảm của đất liền gửi ra cho các chiến sỹ ngày đêm đang canh giữ biển trời của Tổ Quốc.

Khi được hỏi điểm đảo nào để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong suốt cả hai hành trình, cả hai người đàn ông rắn rỏi trước mặt chúng tôi đều cười lớn. Họ bảo, với họ, dù có đi và nấu thêm nhiều, nhiều chuyến nữa, thì cảm xúc của họ bao giờ cũng vẹn nguyên như ngày đầu chào Sơn Ca. Với họ, khi phở vào đảo, cũng là ngày đảo đá tưng bừng mở hội.

Bởi vậy, khi hồi tưởng về hành trình có phần khó tin của mình, nhà báo Hồng Kỳ bồi hồi ghi lại: “Đêm ở Trường Sa lớn mới thật là đêm hội vì số lượng phục vụ hơn lên nhiều lần. Bộ đội phải chi viện cho đội nấu phở hai nồi lớn để hầm số xương bò dự trữ làm nên nồi nước dùng có lẽ là chất lượng nhất. Lại những đôi tay thoăn thoắt thái thịt, chuẩn bị đầy đủ gia vị: hành, tỏi, ớt tươi, tương ớt… như ở Hà Nội, chờ sau buổi biểu diễn văn công để phục vụ những vị khách đặc biệt của hàng phở đặc biệt nhất Việt Nam. Nhìn những công dân nhỏ của Trường Sa lần đầu tiên được thưởng thức phở Hà Nội mà chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến con mình ở nhà. Những hình ảnh ghi lại, những câu chuyện kể lại sẽ là sự sẻ chia tình cảm, thêm gần gũi, gắn kết giữa đất liền và biển đảo.”

“Đối với chúng tôi, những người thực hiện chương trình, vẫn còn nguyên cảm giác lâng lâng hạnh phúc như ngày hội của những buổi giao lưu, giới thiệu ẩm thực phở Hà Nội giữa mêng mông biển trời Trường Sa. Bởi, ngoài nhiệm vụ thông tin báo chí chúng tôi thêm một lần nữa mang tình cảm thân thương của hậu phương, của Hà Nội – trái tim của Mẹ hiền Tổ quốc Việt Nam, làm ấm lòng quân và dân Trường Sa qua hương vị ngọt ngào, thơm thảo của đặc sản truyền thống ‘Phở Hà Nội’.” (Trích Phở Hà Nội giữa Trường Sa, Báo Tin Tức)

Câu chuyện của hai người bỗng chốc cuốn chúng tôi vào không gian của Trường Sa lớn thiêng liêng. Gió vẫn thổi thốc từ biển vào sâu trong lòng đảo đá. Bên những chiếc bàn giản đơn, hàng chục anh bộ đội trẻ, mặt tứa mồ hôi xì xụp bát phở bò mà đất liền nặng lòng gửi tặng. Trong ánh mắt của họ, và của cả đoàn khách từ xa xôi cập bến tàu đang ánh lên niềm vui rạng ngời…

Hồng Kỳ bảo anh cảm thấy nhẹ lòng khi đã cùng với Vượng trả một phần nợ tình cảm với biển đảo quê hương mình…

Nguyễn Hồng Kỳ, nhà báo, phóng viên ảnh kỳ cựu gắn với đảo, với biển biên viễn Tổ Quốc đã tự gọi đó là những hạnh phúc giản đơn mà không phải ai cũng có được. Và anh bảo, anh cảm thấy nhẹ lòng khi đã cùng với Vượng trả một phần nợ tình cảm với biển đảo quê hương mình…

“Mang Phở đến với biển Đông, chúng tôi mong muốn gửi tấm lòng của quê hương cho anh em bộ đội; cũng là cách góp phần giữ gìn chủ quyền bằng văn hóa theo cách tự nhiên nhất,” nhà báo Nguyễn Hồng Kỳ chia sẻ.

Chắc chắn, ngày mai, những chuyến tàu chở Phở Hà Nội sẽ còn tiếp tục tới với những đảo nổi, đảo chìm ngoài khơi xa.

Và câu chuyện về Phở, câu chuyện về hai chuyến đi đặc biệt kết nối Hà Nội-Sài Gòn và Trường Sa chắc chắn sẽ còn được nhân rộng hơn nữa…

Nghệ nhân ẩm thực Vũ Ngọc Vượng sinh ra trong gia đình có ba đời bán phở tại thôn Vân Cù (xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Đây chính là địa phương nổi tiếng nhất Việt Nam với nghề bán phở từ những năm 1920.

Vũ Ngọc Vượng đã từng được Tập đoàn ACCOR và khách sạn Sofitel Metropole trao Giải Nhất trong hội thi nấu phở đầu tiên năm 2006.

Cuối năm 2006, Ngọc Vượng đã được tín nhiệm để phục vụ món phở (liên tục trong gần 2 tuần) cho đông đảo các đại biểu, quan chức cao cấp và thành viên tham dự Hội nghị cấp cao lần thứ 14 ở Hà Nội của tổ chức Diễn đàn kinh tế Châu Á–Thái Bình Dương (APEC).

Đầu năm 2013, Vũ Ngọc Vượng và các cộng sự đã được Quân chủng Hải quân Việt Nam trao huy hiệu danh dự “Chiến sĩ Trường Sa” và kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo” sau khi trực tiếp phục vụ và trao tặng gần 1.000 bát phở cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ngay trên quần đảo Trường Sa.

Cuối năm 2013, Vũ Ngọc Vượng đã được trao tặng bằng khen và kỷ niệm chương danh dự như là một trong những thành viên đã đóng góp tích cực cho sự phát triển của Liên hiệp các tổ chức UNESCO Việt Nam trong 20 năm vừa qua (1993-2013).