Những cỗ máy đánh bạc

Khi những cỗ máy được đưa đến vào mùa Đông năm ngoái, cả làng như bị mê hoặc.

Tại Zamashegu, một cộng đồng 1.000 người làm nghề nông ở Ghana, những vật này như thể… đến từ vũ trụ – bốn máy đánh bạc chạy điện được lắp đặt trong hai khu lều ven đường, kêu líu lo lóc cóc, làm những bức tường đắp đất được tắm mình trong một luồng sáng nhạt lấp lánh như kính vạn hoa.

Chúng có sức hút vô cùng mãnh liệt. Chẳng mấy chốc, dân làng ngừng làm ruộng, bỏ hoang những cánh đồng trồng khoai và trồng sắn. Trẻ con ở nhà không đi học nữa. Thay vào đó, họ xếp hàng dài tại các máy đánh bạc và chơi cả ngày, tới khi rỗng túi hay cả làng chẳng còn tiền lẻ nữa.

Khoảng hai lần một tuần, một người Trung Quốc sẽ đến trên một chiếc xe tải. Anh ta sẽ mở khóa những cái máy, đưa chút tiền cho những người chủ lều rồi lái xe đi – mang theo khoảng 100 USD tiền xu và, như những gì mà sau này nhiều người làng ngộ ra, hy vọng cho tương lai của cả cộng đồng họ.

Dân làng ngừng làm ruộng, bỏ hoang những cánh đồng trồng khoai và trồng sắn. Trẻ con ở nhà không đi học nữa. Thay vào đó, họ xếp hàng dài tại các máy đánh bạc và chơi cả ngày cho tới khi rỗng túi

Tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi đã dần trở nên sâu rộng sau nhiều thập kỷ – Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Lục địa Đen vào năm 2009 – và Ghana, một quốc gia dân chủ 26 triệu người đang phát triển nhanh bên bờ Đại Tây Dương của Tây Phi, là một trong những nước được hưởng lợi nhất từ quan hệ này.

Chính quyền Bắc Kinh đã tài trợ cho người Ghana xây đường, đê đập, sân vận động, bệnh viện và các tòa nhà chính phủ; cũng như phủ đầy quốc gia này với hàng hóa rẻ tiền.

Thương mai giữa hai nước đã đạt 6,6 tỷ USD năm 2016, tăng mạnh so với mức chưa tới 100 triệu USD hồi năm 2000. Các quan chức Ghana đã hoan nghênh sự phát triển này. Hồi tháng Hai, Bộ trưởng Tài chính Kenneth Ofori-Atta đã kêu gọi “tăng cường quan hệ” với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, các doanh nhân Trung Quốc tại Ghana đang ngày càng đi quá giới hạn kiểm soát của nhà nước từng được quy định chặt chẽ, và sự hiện diện ngày càng rộng rãi của người nhập cư Trung Quốc bán những hàng hóa rẻ và chất lượng thấp tại các chợ ở Ghana đang gây phẫn nộ với những thương nhân địa phương.

Năm 2013, Chính phủ Ghana đã bắt giữ 168 công dân Trung Quốc vì nghi ngờ khai thác vàng bất hợp pháp, sau khi có các báo cáo về tàn phá môi trường và bất ổn xã hội.

(Nguồn: For The Times)
(Nguồn: For The Times)

Khi vấn nạn cờ bạc nổi lên

Những máy đánh bạc của Trung Quốc bắt đầu xuất hiện ở các vùng quê Ghana hồi đầu năm ngoái. Và mặc dù phạm vi của hiện tượng này còn chưa rõ ràng, nhưng các cuộc phỏng vấn với hàng chục người dân làng và quan chức tại miền Bắc Ghana – một khu vực có diện tích bằng Tây Virginia với 2,5 triệu người sinh sống – cho thấy rằng những cỗ máy này đã xuất hiện ở khắp nơi và gây ra một dịch bệnh nghiện cờ bạc mà chính phủ không thể, hay không muốn dập tắt.

“Với tôi, những gì mà Trung Quốc đang làm ở đây chính là chủ nghĩa thực dân kinh tế,” Esther Armah, một người dẫn chương trình phát thanh nổi tiếng kiêm giảng viên Đại học Webster ở Accra chia sẻ.

“Một phần trong thách thức của Ghana là tạo ra một nền kinh tế phục vụ trước hết cho người Ghana. Chúng ta không có thứ đó. Chúng ta có một nền kinh tế phục vụ trước hết cho những người ngoại quốc.”

Alexander Afenyo-Markin, một thành viên nghị viện của quận Efutu gần Accra, cách miền Bắc khoảng 300 dặm về phía nam, cho biết chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp hành pháp một cách lỏng lẻo – và các quan chức chính phủ, bị ràng buộc bởi luật Ghana, đôi khi chẳng có quyền lực gì để giúp đỡ.

(Nguồn: Pulitzercenter.org)
(Nguồn: Pulitzercenter.org)

“Hầu hết các trung tâm đánh bạc này đã được mở mà không có bất cứ sự cho phép nào,” ông cho biết và nói thêm rằng chỉ riêng ở Efutu đã có 15 điểm đánh bạc do một số công ty Trung Quốc điều hành.

“Bây giờ có rất nhiều trẻ em không đi học, và tình trạng này cũng khuyến khích trộm cắp và cướp giật.”

Ông đã kêu gọi nghị viện thành phố Efutu tập hợp một lực lượng đặc nhiệm để trấn áp tình hình. “Là một thành viên của nghị viện, tôi không có khả năng đó,” ông nói. “Tôi chỉ có thể vận động mà thôi.”

Khu vực phía Bắc đặc biệt dễ bị tổn thương. Khoảng một nửa dân số ở đây sống dưới mức nghèo khổ. Nhiều ngôi làng không có nước sạch. Trẻ em suy dinh dưỡng tràn lan. Tuy nhiên, những máy đánh bạc lại ở khắp mọi nơi, mặc dù hầu hết đều khuất tầm nhìn: trong hiệu thuốc, trong cửa hàng đồ điện; được giấu vào một góc bụi bặm chỉ trẻ con chui lọt.

Ban đầu, Ubor Dawuni Wumbe thậm chí còn không nhìn thấy mấy cỗ máy.

Wumbe, trưởng làng Bunbong, ngôi làng có 2.500 người ở trung tâm khu vực, sống và quản lý – giám sát các dự án trong làng, giải quyết những tranh chấp của người làng – trong một khu lều trắng xinh đẹp, cách ly khỏi sự hỗn loạn của cuộc sống làng quê.

Nhưng rồi một ngày, “tôi nhận ra luôn có một chiếc xe đỗ ở đây,” ông nói, chỉ tay về một khoảnh đất đầy bụi bên ngoài khu lều. Tài xế là người Ghana, còn người trên xe trông giống người Trung Quốc.

Ubor Dawuni Wumbe - trưởng làng Bunbong. (Nguồn: For The Times)
Ubor Dawuni Wumbe – trưởng làng Bunbong. (Nguồn: For The Times)

Giữa năm 2016, Chính phủ Ghana đã hoàn thành xây dựng một tuyến đường cao tốc lớn đi qua khu vực phía Bắc, giảm thời gian đi lại từ Bunbong đến quận Yendi – một trung tâm thương mại cách đó 18 dặm – từ vài giờ xuống còn khoảng 30 phút.

“Tôi bỗng nghĩ rằng, [người Trung Quốc] đã nhận ra là có đường vào,” ông Wumbe chia sẻ. “Rằng đây là một vùng đất nguyên sơ, nơi họ có thể lợi dụng sự ngờ nghệch, hay những cảm xúc của con người, để làm giàu nhanh chóng.”

Rất nhanh, ông chứng kiến những máy đánh bạc xuất hiện khắp làng; ông đếm được 30 máy đặt ở 15 cửa hàng tiện lợi, quán cà phê và các khu nhà. Trông chúng rõ là thô kệch: những hộp gỗ dán, mỗi cái bằng cỡ một tủ lạnh nhỏ, được khóa bằng một ổ khóa hoen gỉ và có một khe nhét tiền xu, một khay kim loại và một vỏ bọc nhựa mỏng.

Trên những chiếc máy có hình những nhân vật nổi tiếng – Super Mario, cầu thủ Lionel Messi – với gương mặt bợt màu vì nắng và dính đầy đất. Tiền cược tối thiểu là 5 đến 10 xu.

Những cỗ máy này phổ biến một cách bất ngờ. “Bạn đến đó và thấy người ta chen nhau chật cứng,” ông nói. “Mọi người không ra đồng nữa. Họ bắt đầu nghĩ đó là một cách để kiếm thu nhập. Họ sẽ chơi cả ngày với hy vọng chiến thắng. Nhưng bạn không bao giờ có thể đánh bại cỗ máy.“

Wumbe đã đối chất với các đại lý người Trung Quốc – ông cho biết lúc này đã có vài người – và đề nghị họ tháo những cái máy đi. Các đại lý đã tuân thủ. Sau đó, họ quay lại với 6 quả bóng đá làm vật hối lộ, xin ông thay đổi quyết định của mình. Wumbe đã từ chối.

“Chúng tôi biết rằng sẽ có rất nhiều vấn đề trong tương lai gần,” ông nói. “Bạn biết chúng sẽ kéo theo ma túy, mại dâm, trộm cướp.”

Nhưng hầu hết các làng dường như không hề có động thái ngăn chặn nào. Trên toàn miền, những “kẻ cướp một tay” đang chiến thắng.

“Tôi nghĩ có rất nhiều người cảm thấy giống như tôi,” Wumbe nói. “Chỉ là không có ai hành động. Tất cả chúng ta chỉ ngồi và nói về việc đó. Nhưng không ai có hành động.”

(Nguồn: Pulitzercenter.org)
(Nguồn: Pulitzercenter.org)

Cờ bạc ở Ghana là hợp pháp và được quy định rất chặt chẽ; các sòng bạc nối nhau trên đường phố ở Accra, và đánh bạc trực tuyến, đặt cược thể thao và xổ số còn phổ biến hơn. Tuy nhiên, các máy đánh bạc từ thời nguyên thủy này, và mối liên hệ của chúng với cờ bạc tuổi vị thành niên đã gây nên một cuộc tranh cãi mang tính chính trị.

Vào tháng 1 năm 2016, các quan chức ở quận Bolgatanga, cách Bunbong hai giờ đi xe đã cấp phép cho một công ty Trung Quốc phân phối máy đánh bạc tại các làng ở địa phương. Gần như ngay lập tức, họ bị ngập trong các khiếu nại: trẻ con bỏ học đi chơi, trộm tiền của cha mẹ.

Tới tháng 6, họ đã rút lại giấy phép của công ty, nhưng vấn đề vẫn còn đó. Vào tháng 9, họ tập hợp một đội đặc nhiệm của lực lượng cảnh sát và tiến hành một loạt các cuộc đột kích, tịch thu tổng cộng 38 máy.

Theo hồ sơ của thành phố Bolgatanga, những cỗ máy này thuộc về một công ty có tên là Pusheng Game Ghana Ltd., đăng ký tại một hòm thư bưu điện ở Accra. Tuy nhiên, các quan chức ở Bolgatanga không cho biết thêm chi tiết về Pusheng. Công ty không có trang web hay số điện thoại công khai; cũng không thể tiếp cận ban quản lý công ty để hỏi ý kiến của họ.

“Trụ sở chính đặt tại Accra,” ông Ayimbila Abubakar Ateer, điều tra viên công lý và an ninh của Bolgatanga cho biết. “Nếu công ty ở Accra, họ đang hoạt động trên toàn quốc.”

Vào tháng Giêng, các quan chức ở Kyebi – một thị trấn ở khu vực Đông Ghana, cách Bolgatanga 430 dặm – đã tịch thu 40 máy đánh bạc do người Trung Quốc quản lý, cũng vì lý do bài bạc tuổi vị thành niên, theo truyền thông địa phương.

Yakubu Abubakari, Chủ tịch Hội đồng quận thành phố Mion, cho biết ông cảnh giác với những tác động xã hội của những chiếc máy, nhưng chấp nhận sự tồn tại của chúng

Tháng Tư vừa qua, một chủ sở hữu máy đánh bạc người Trung Quốc đã “cho những gã vô lại” tấn công một chủ quán bar ở Awutu Breku – một thị trấn nhỏ ở miền Trung Ghana – sau khi buộc tội người này lấy trộm tiền trong máy, theo trang tin tức nổi tiếng tại Ghana, Adom Online. Chủ quán bar, Isaac Akufu, đã phải nhập viện với những vết thương do dao chém.

Tuy nhiên, không phải tất cả các chính quyền địa phương đều phản ứng với những cỗ máy này. Yakubu Abubakari, Chủ tịch Hội đồng quận thành phố Mion, cũng ở miền Bắc, cho biết ông cảnh giác với những tác động xã hội của những chiếc máy, nhưng chấp nhận sự tồn tại của chúng.

Theo Abubakari, ban đầu các chủ máy người Trung Quốc coi ông là một mối đe dọa, nhưng đã thân thiện hơn với ông khi họ nhận ra ông cho phép họ kinh doanh với những cỗ máy đó. Ông cho biết một thương gia Trung Quốc, sau một buổi gặp nghị viện, đã trao cho ông một phong bì có 150 cedi (tiền Ghana, bằng khoảng 30 USD). Ông đã nhận số tiền đó.

Những cỗ máy này là “một hình thức kinh doanh trong cộng đồng,” ông nói. “Vì vậy, những người đang đánh bạc với máy làm như vậy vì đó là lựa chọn của riêng họ.”

“Có người thắng, người thua, trò chơi này là thế.”

(Nguồn: Pulitzercenter.org)
(Nguồn: Pulitzercenter.org)

Vào một buổi sáng thứ Bảy tại Zamashegu, có khoảng một chục người làng tụ tập quanh túp lều bên đường của Azindo Nchegiri – và hai máy đánh bạc từ Trung Quốc của anh ta – để than vãn với nhau.

Không khí đặc quánh với bụi và ánh nắng chói chang trên đầu, khiến ngay cả lũ dê và gà cũng phải lủi vào bóng râm.

Nchegiri, một nông dân, cho biết anh đã cho thuê chỗ đặt máy được khoảng một năm. Cứ ba ngày một lần, một người đàn ông Trung Quốc lại đến thu tiền và chia cho anh ta một ít – và mỗi lần như vậy, anh ta lại mất số tiền đó cho những cái máy đánh bạc.

Anh cho biết tổng cộng đã thua khoảng 115 USD, một khoản tiền “khổng lồ” trong mắt người làng. “Tôi thích chơi lắm,” anh nói. “Nhưng tiền cứ mất luôn. Thật chẳng dễ chịu chút nào.”

Cậu bé Wumbi Abubakr, 13 tuổi, cho biết lần đầu tiên nhìn thấy những chiếc máy đánh bạc, cậu còn chẳng biết phải nhét xu vào đâu. Một người chủ đã dạy cậu cách chơi, và chẳng mấy chốc cậu đã nghiện.

“Lúc đó cháu đã rất vui. Cháu cho tiền vào máy và thắng, và âm thanh phát ra từ chiếc máy nghe rất thú vị,” cậu chia sẻ. “Cháu đã thắng 1,5 cedi (khoảng 34 cent), rồi cháu chơi tiếp và thắng 5 cedi. Cháu lại tiếp tục chơi tới khi về nhà với hai bàn tay trắng. Tối đó cháu không vui chút nào.”

Những người khác trong làng không tìm được cách nào để bỏ những cái máy đi; không như ở Bunbong, trưởng làng của họ không phản đối. Dân làng chơi như bị ám ảnh, cầu nguyện may mắn sẽ đến, còn những người chủ máy trong làng thì chẳng muốn từ bỏ một nguồn thu nhập dễ dàng như vậy.

Dân làng chơi như bị ám ảnh, cầu nguyện may mắn sẽ đến, còn những người chủ máy trong làng thì chẳng muốn từ bỏ một nguồn thu nhập dễ dàng như vậy

“Có một lần tôi bảo người đàn ông [Trung Quốc] hãy mang những chiếc máy đi, vì tôi chẳng thắng được gì,” anh Jijiri Nchegiri, anh trai của Azindo chia sẻ. “Nhưng anh ta không làm gì cả.”

Bất chợt, một đứa bé chạy tới đám đông và kêu lên rằng “người Trung Quốc” đã tới. Dân làng ùa ra đường cao tốc, nơi một chiếc xe tải màu trắng đang đỗ. Tài xế của chiếc xe, một người đàn ông Ghana, rảo bước trên đường, vừa đi vừa nói chuyện qua điện thoại di động.

Một lát sau, một người đàn ông Trung Quốc bước ra từ một túp lều gần đó. Anh ta có vóc người cao và nước da nhợt nhạt, mặc một chiếc áo thun màu be và đội mũ lưỡi trai màu đen. Anh ta chỉ tiết lộ là mình họ Zhang.

Zhang kể rằng khi anh ta còn là đầu bếp ở Hohhot, thủ đô khu tự trị Nội Mông phía Bắc Trung Quốc, một đại diện người Trung Quốc đã tìm đến và đề nghị với anh ta một cơ hội đi làm ở nước ngoài. Anh đã đến Ghana được một tháng và có kế hoạch sẽ ở đây một năm.

“Tôi thực sự chỉ làm công ăn lương ở đây,” Zhang nói. “Người dân địa phương không biết kinh doanh kiểu này, nên ông chủ đã đưa tôi đến.”

Khi đám đông tiến đến gần, Zhang không nói gì nữa, hai mắt anh ta đảo nhanh một cách không thoải mái. Anh ta nói mình đang bận. Rồi cùng với tài xế, anh ta nhảy vào trong xe và tăng tốc chạy mất hút trên đường./.

(Nguồn: Pulitzercenter.org)
(Nguồn: Pulitzercenter.org)