Quyến ‘thủ’

Mùi khói khét lẹt, mùi tanh lợm giọng của tử thi, tiếng lửa rít bên tai, trên đầu là những mảng trần có thể sập xuống bất cứ lúc nào… Tất cả chưa bao giờ làm Quyến “thủ” chùn bước. Ngược lại, nó thôi thúc người lính cứu hỏa ấy đưa ra những quyết định táo bạo, quyết liệt hơn để nhanh chóng diệt giặc lửa cứu người…

Gần ba mươi năm làm bạn với xe cứu hỏa, Thượng tá Đỗ Anh Quyến (Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ huyện Thường Tín, Hà Nội) bảo, cái nghiệp phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ đã vận vào thân và sẽ theo anh suốt cuộc đời…

“Khắc tinh” của giặc lửa

Khi biết tôi có ý định đi tìm những “anh hùng” giữa đời thường trong cuộc chiến chống lại giặc lửa, người bạn đang công tác tại Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn lập tức “khoe” về Đỗ Anh Quyến – một trong những chiến sỹ, chỉ huy xuất sắc của lực lượng cứu hỏa Hà Nội.

Hẹn mãi rồi tôi cũng gặp được Quyến tại một quán càphê nhỏ ở bán đảo Linh Đàm. Và, tôi nhận ra, anh chính là một trong những người chỉ huy xông pha chiến đấu với giặc lửa trong vụ cháy tại phố Ngụy Như Kon Tum hồi năm 2008 – khi ấy, tôi tác nghiệp tại hiện trường.

Quyến bảo, cái máu làm lính cứu hỏa đã có trong anh từ hồi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường. Bố anh – vốn là một lính cứu hỏa của Hà Nội – chính là người đã truyền cho anh cảm hứng ấy. Tốt nghiệp cấp 3 năm 1990, Quyến gia nhập Công an Biên phòng. Sau đó, anh được điều chuyển về Công an Hà Nội, được huấn luyện làm công tác chữa cháy ở Từ Liêm trước khi trở lại trường Phòng cháy chữa cháy học tập.

Thượng tá Đỗ Anh Quyến (phải) kiểm tra thiết bị trên xe cứu hỏa. (Ảnh: T.H/Vietnam+)
Thượng tá Đỗ Anh Quyến (phải) kiểm tra thiết bị trên xe cứu hỏa. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Tựa lưng vào ghế, Quyến “thủ” nhăn trán, lục mãi trong đầu cũng chẳng nhớ nổi mình đã tham gia chữa cháy bao nhiêu lần trong suốt 27 năm qua. Thế nhưng, có những trận chiến với “bà hỏa” không bao giờ khiến anh có thể quên được…

Ấy là câu chuyện vào khoảng năm 1990. Khi đó, một vụ nổ xảy ra ở Hà Nội. Tới nơi, “lính mới” Đỗ Anh Quyến và đồng đội đã phải hết sức can đảm để xử lý khi vụ nổ khiến một người thiệt mạng, từng mẩu thịt vương vãi. Đây cũng là lần đầu tiên Quyến tiếp cận với một vụ cháy nổ gây ra chết người. Những tưởng vụ việc sẽ làm Quyến sợ hãi thì anh lại thêm quyết tâm với công việc của mình, để giúp người dân bớt đi thiệt hại trước cơn thịnh nộ của giặc lửa.

Trong vụ chữa cháy nổ ở Ga Giáp Bát năm 2009, Quyến “thủ” (khi ấy là đội trưởng đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy Thanh Trì) đang đi tập huấn tại Thanh Xuân. Nhận được tin báo, Quyến vội vã về hiện trường. Từ xa, nhìn những đám khói bốc lên ngùn ngụt, ruột gan như lửa đốt, anh tìm mọi cách để vượt qua quãng đường tan tầm đông đúc…

Chỉ huy tới nơi, một vài anh em báo cáo có người thiệt mạng. Quyến yêu cầu không nói ra ngoài bởi sợ gây ảnh hưởng tâm lý tới chiến sỹ cũng như khơi gợi sự hiếu kỳ của người dân. Một mặt, anh chỉ huy các đội chữa cháy đứng ở đầu gió để vừa tránh khói, lửa, vừa đỡ ngửi thấy mùi khét “đặc trưng” của xác cháy. Để có nguồn nước chữa cháy, Quyến quyết định “dòng” nước từ trụ cấp phía đường Trương Định, vắt qua đường Giải Phóng. Để bảo đảm cho đường cấp, anh phải huy động anh em dùng gạch “bắc cầu” để bảo đảm người tham gia giao thông không không khiến ống bị bẹp, gián đoạn việc dập lửa.

Lo sợ những xác chết sẽ bị “thổi bay” một phần thân thể khi gặp vòi nước mạnh, Quyến yêu cầu các chiến sỹ cứu hỏa tổ chức phun mưa… Chữa từ giờ tan tầm tới 21 giờ, đám cháy cơ bản được dập tắt. Và, cho đến bây giờ, khi nhắc lại trận chiến này, Quyến “thủ” vẫn rùng mình bởi thực sự khi đến hiện trường thì không biết trong toa cháy có còn chất gì bên trong, liệu có gây nổ nữa không.

Linh cảm nhắc bảo chuyện chẳng lành, Quyến “thủ” vội vã gọi giật giọng những người đồng đội lùi ra khỏi cửa và khi cả đội vừa lùi lại, cây xà gồ đang cháy rơi ầm xuống trước mặt… 

Trong nhiều trận đánh ở các nhà cao tầng, Quyến “thủ” cùng anh em vác rìu, đồ chữa cháy chạy theo cầu thang bộ leo lên cả vài chục tầng nhà bằng… cảm giác bởi khói đặc sệt bao trùm cả hành lang, những mảng trần chực rơi xuống đầu… Vất vả là vậy nhưng không làm họ chùn bước, mà càng thêm quyết tâm nhanh chóng tổ chức chiến đấu, cứu người bị hại.

Linh động “đấu pháp” khi xung trận

Đỗ Anh Quyến kể rằng, biệt hiệu Quyến “thủ” của anh được anh em đặt từ lâu do có… đầu to. Thế nhưng, với nhiều người từng công tác với Quyến, anh chính là một thủ lĩnh thực sự cả trong chiến đấu lẫn đời thường.

Theo lời Quyến “thủ,” khi nhận tín hiệu báo động có cháy, tất cả lên xe và thay đồ bảo hộ. Lúc đi trên đường, một đội hình cơ bản đã được sắp xếp. Người đội trưởng bao giờ cũng phải tiếp cận hiện trường trước tiên để đưa ra những nhận định về tình huống, xem vật liệu cháy là gì, đã cắt điện chưa, khả năng cháy lan, bên trong có chất nổ như bình gas… hay không rồi đưa ra phương án tối ưu để chữa cháy.

Trong một đám cháy tại Quận Hoàn Kiếm, đội của Quyến “thủ” nhận lệnh tới chi viện. Vừa lên tới nơi, anh thấy một tốp lính cứu hỏa đứng ở cửa ngôi nhà. Linh cảm nhắc bảo chuyện chẳng lành, Quyến vội vã gọi giật giọng anh em lùi ra khỏi cửa và khi cả đội vừa lùi lại, cây xà gồ đang cháy rơi ầm xuống trước mặt…

Thực tế cho thấy, công thức được học trong trường là cơ bản, nhưng khi áp dụng vào thực chiến, tùy từng tình huống phải đưa ra nhận định và cách làm cho phù hợp bởi chẳng đám cháy nào giống đám cháy nào. Người chỉ huy nếu linh hoạt sẽ giảm thời gian chữa cháy, tránh gây thiệt hại cho người dân bảo đảm an toàn cho lực lượng chữa cháy và ngược lại.

Trong một đám cháy ở Cầu Giấy vào những năm 1990, Quyến “thủ” lần đầu “bất tuân công thức” khi anh quyết định dùng lăng chữa cháy phun nước dập tắt lửa khi chưa… cắt điện, dù đường dây ngang tầm với mái nhà đang cháy.

Quyến “thủ” tâm sự về mong muốn của lính cứu hỏa. (T.H/Vietnam+)

Chuyện là khi đến hiện trường, Quyến nhận thấy, nếu đợi khi điện được đóng xuống, đám cháy sẽ lan ra các ngôi nhà khác tạo thành cháy lan rất khó chữa. Khi ấy, anh nhớ đến sự truyền dạy của đàn anh đi trước là vừa phun, vừa ngắt dừng để tạo sự đứt mạch của dòng nước. Với phương pháp này, đám cháy đã được khắc phục sớm, tránh thiệt hại cho người dân.

Ở một trường hợp khác, đám cháy tại phường Định Công (vào khoảng năm 2006-2007), khi di chuyển tới hiện trường, Quyến “thủ” đã phải cùng đồng đội gạt dây điện để đi. Đám cháy cách chỗ đỗ xe cứu hỏa khoảng 200m, thay vì đợi thang vác từ xe vào, anh lập tức cùng đồng đội trèo lên ngôi nhà bên cạnh, bám vào gờ tường để đu người trèo sang tiếp cận với ngôi nhà bị cháy, sau đó dùng dây ném xuống để đưa phương tiện lên trên, triển khai dập lửa…

Giải khát từ… vòi cứu hỏa

Gần ba mươi năm theo nghiệp cứu hỏa, Quyến “thủ” nếm đủ những trải nghiệm đắng cay, vui buồn trong việc chữa cháy cũng như những nỗi gian truân của nghề. Gần như, việc bỏng rộp, xây xước chân tay trong mỗi trận chiến là điều không thể tránh khỏi đối với người lính…

Vào năm 1992, một gian nhà kho của ở Cầu Giấy bị cháy. Khi đó, việc tiếp cận với đám cháy là rất khó khăn, Quyến “thủ” cùng đồng đội bò lên trần, chuẩn bị tác chiến thì trần sụt khiến cả hai rơi vào giữa đám cháy. Khói, nóng bủa vây hai chàng lính trẻ. Họ vùng dậy, tìm cách thoát ra trong khi đồng đội quyết định phá cửa vào phun nước…

Lực lượng cứu hỏa lao vào lửa, chiến đấu và bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Lực lượng cứu hỏa lao vào lửa, chiến đấu và bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Hay ở vụ cháy chợ Đồng Xuân (năm 1994), Quyến “thủ” ở trong đội thứ hai tới hiện trường. Anh đã bị ngợp trước biển lửa vì chưa bao giờ giữa Thủ đô Hà Nội xảy ra một vụ cháy lớn đến thế. Trên đường tới đã thấy khói lửa mịt mùng. Lao vào chiến đấu, tới hôm sau ủng rách nát, cát và nước lọt vào ủng khiến những bước chân di chuyển rất khó chịu. Tới sáng, vừa đói, khát, mệt, những người lính thay phiên dựa vào tường ngồi nghỉ. Nước uống không có, họ phải tìm tới những xe chữa cháy có chứa nước máy (dùng cho cứu hỏa) để uống. Tới sáng, Quyến cùng đồng đội mới được phát mỗi người một chiếc bánh mì và tới trưa thì nhận được phiếu để uống nước chanh của Hội phụ nữ quận. Vài hôm sau, da nổi mụn như da cóc vì họ đã phải tiếp xúc với nước chữa cháy được hút từ Hồ Hoàn Kiếm vốn bị ô nhiễm…

Một trong những hiểm nguy mà lính cứu hỏa phải đối mặt chính là nguyên vật liệu xây dựng tại Việt Nam đôi khi “tả pí lù.” Cũng là sắt xây dựng nhưng có dăm bảy loại, thậm chí có cả thép giả, chịu lực kém, sụp đổ nhanh…

Thêm vào đó, do trang thiết bị của người lính cứu hỏa hiện nay còn thiếu thốn, nên thường thì sau mỗi vụ cháy lớn, nhiều chiến sỹ về nôn khan ra mật vàng, mật xanh vì hít phải nhiều khói độc. Đơn cử như năm 2012, khi chữa cháy ở huyện Thường Tín, đám cháy đã lan sang kho thuốc trừ sâu khiến nhiều chiến sỹ phải đi khám vì ngộ độc…

Quyến bảo, đã lên xe, không người lính cứu hỏa nào muốn tới hiện trường muộn; đã chiến đấu, không người lính nào muốn trận chiến kéo dài… Thế nhưng, ở đâu đó, vẫn có những câu trách móc của người dân khiến họ không khỏi chạnh lòng… 

Có những thời điểm vào năm 2011, trong khoảng 1 tuần tại khu vực quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì (Hà Nội) liên tục xảy ra những vụ cháy phải chữa từ 4 tiếng tới 24 tiếng khiến Quyến “thủ” và đồng đội đã “chạy” mệt nhoài. Và, cho dù nhà ở Cầu Giấy, nhưng có nhiều khi, cả tháng anh cũng không về vì khi thì đi dập lửa, rồi trực chiến…

Vất vả như vậy, nhưng Quyến “thủ” chưa bao giờ kêu ca. Song, trong câu chuyện vào mạch, Quyến không giấu được nỗi buồn trên khóe mắt. Anh bảo, đã lên xe, không người lính cứu hỏa nào muốn tới hiện trường muộn; đã chiến đấu, không người lính nào muốn trận chiến kéo dài… Thế nhưng, ở đâu đó, vẫn có những câu trách móc của người dân khiến họ không khỏi chạnh lòng…

Rồi, Quyến bảo, dù người dân chưa hiểu, dù công việc có gian khó nhưng một khi đã dấn thân vào nghề cứu hỏa, những người cảnh sát không cầm súng mà cầm lăng phun chữa cháy sẽ không bao giờ lùi bước. Với họ, đẩy lùi đám cháy, cứu được một người bị nạn là niềm vui vô bờ bến, là hành trang theo họ trong suốt quãng đời dập lửa cứu người./.

Gần ba mươi năm công tác, Thượng tá Đỗ Anh Quyến đã nhận được rất nhiều danh hiệu cao quý. Tiêu biểu trong số đó là Bằng khen trong phong trào thi đua Vì An ninh Tổ quốc từ năm 2010 – 2011 (Bộ Công an); Danh hiệu “Người tốt – việc tốt” tiêu biểu (UBND Hà Nội); Danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn lực lượng (Bộ Công an); Bằng khen thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc từ năm 2015 – 2016 góp phần giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội,” (Bộ Công an), giấy khen của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ… 

Lính cứu hỏa phá xe tai nạn, đưa người bị nạn ra ngoài. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Lính cứu hỏa phá xe tai nạn, đưa người bị nạn ra ngoài. (Ảnh: CTV/Vietnam+)