Đặng Văn Lâm

Dù mới gắn bó cùng bóng đá Việt Nam trong vài năm, song mối lương duyên của thủ môn mang trong mình dòng máu Việt-Nga Đặng Văn Lâm cũng trắc trở chẳng kém gì các nhân vật trong bộ phim đình đám “Tình khúc Bạch dương.” Trước khi lên tới đỉnh vinh quang ở AFF Cup 2018, rồi Asian Cup 2019, thủ môn này cũng đã trải qua những tháng ngày bĩ cực, thậm chí là gần như rơi xuống đáy của sự thất vọng.

Luôn tự hào với nguồn gốc Việt Nam của mình, nhưng thực sự “Lâm Tây” chưa từng mở lòng với truyền thông Việt như với phóng viên của tờ Thể thao Xô-viết. Bài phỏng vấn rất dài, nhiều chi tiết lần đầu được Lâm tiết lộ, và đương nhiên là gây nhiều dư luận.

Không phải ngẫu nhiên mà trong phần mở đầu bài phỏng vấn, tờ Thể thao Xô-viết đã viết: “Chuyên trang Bách khoa toàn thư mở Wikipedia gọi thủ thành này là Dang Van Lam (theo tên Việt Nam của cầu thủ này). Trong nhận dạng “Quốc tịch” trên chuyên trang bóng đá Transfermarkt, bên cạnh quốc kỳ của Việt Nam có lá cờ ba màu Trắng Xanh Đỏ của Nga. Lev Sonovich Dang – đấy là tên gọi được viết trên Hộ chiếu và Giấy phép lái xe của chàng trai này. Những giấy tờ này anh ấy nhận ở Moskva.”

“Tôi là một chàng trai Nga. Trong tôi có dòng máu Nga đang tuôn chảy” – Lev Dang nói trong cuộc phỏng vấn dài hơn 2 giờ đồng hồ. Cuộc phỏng vấn diễn ra hai ngày sau khi anh ấy cản phá xuất sắc cú đá penalty quyết định của đội Jordan và đưa đội tuyển Việt Nam vào tứ kết cúp Châu Á.

Đặng Văn Lâm bên cha mẹ khi còn nhỏ (Ảnh tư liệu gia đình)
Đặng Văn Lâm bên cha mẹ khi còn nhỏ (Ảnh tư liệu gia đình)

Lâm bắt đầu tập bóng đá từ năm 9 tuổi tại lò đào tạo của câu lạc bộ hàng đầu nước Nga, Spartak Moskva, nhưng đến năm 14 tuổi chàng trai trẻ chuyển sang tập luyện với đội bóng đối địch là Dinamo.

Mẹ anh là người Nga, còn bố là một nghệ sĩ ballet Việt Nam. Lâm vô địch giải bóng đá không chuyên toàn Nga trong đội hình 8×8, là thủ thành xuất sắc nhất giải bóng đá vô địch quốc gia Lào, ngủ đêm trên khán đài câu lạc bộ hàng đầu giải vô địch Việt Nam, nhưng mới 1 tháng trước anh ấy cùng đồng đội vô địch Đông Nam Á và trở thành thủ môn đắt giá nhất khu vực khi được chuyển nhượng cho một câu lạc bộ Thái Lan.

Một sự trôi dạt theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, mang đủ cả mọi sắc thái, hỉ-nộ-ái-ố.

“Không có chút năng khiếu nào cả”

Có điều gì đặc biệt không khi mà anh sinh ra ở Nga, nhưng bây giờ lại thi đấu cho đội tuyển quốc gia Việt Nam?

Tôi sinh ra ở Moskva. Mẹ tôi người Nga, còn cha tôi là người Việt Nam. Mẹ tôi từng là nghệ sĩ, ba tôi là nghệ sĩ múa ballet. Họ gặp và yêu nhau từ khi cả hai là sinh viên cùng trường đại học, ở chung ký túc xá. Khoảng thời gian tôi lên 8 tuổi, khi đó đang học lớp 2 của bậc tiểu học thì tôi bắt đầu học chơi bóng tại Spartak Moskva.

Khi đứng lần với các đồng đội, Lâm luôn dễ được nhận dạng nhờ chiều cao và màu da trắng. (Ảnh: Minh Thùy/Vietnam+)
Khi đứng lần với các đồng đội, Lâm luôn dễ được nhận dạng nhờ chiều cao và màu da trắng. (Ảnh: Minh Thùy/Vietnam+)

Tại sao lại chọn Spartak?

Học viện này rất gần nhà tôi. Tôi sống gần ga metro Quảng trường Preobrazhenskaya, ở đó chỉ cần đi qua đường là đến sân vận động Almaz, bây giờ đã đổi tên thành Netto. Tôi được xếp vào nhóm cầu thủ sinh năm 1993. Trong số các cầu thủ nổi tiếng còn theo đuổi sự nghiệp, tôi đã từng chơi cùng với Aleksandr Kozlov.

Chúng tôi làm quen với Krotov muộn hơn một chút. Tại Spartak tôi chơi bóng dưới sự dẫn dắt của thầy Aleksandr Georgievich Yartsev, trộm vía, vô cùng biết ơn ông ấy (ông này là con trai của cựu huấn luyện viên đội tuyển Nga Yartsev, bị sát hại năm 2007 – ND). Lúc đó tôi 14 tuổi. Sau đó thì chuyển sang trung tâm đào tạo Dinamo.

Đặng Văn Lâm và thử thách #10yearschallenge
Đặng Văn Lâm và thử thách #10yearschallenge

Tại sao anh quyết định rời Spartak?

Sau thầy Yartsev, thầy Evgeny Sidorov đến huấn luyện chúng tôi. Lúc đó tôi đang điều trị vết thương, nhưng sau đó, người ta cho tôi ngồi chơi xơi nước và cho Krylya Sovetov mượn một năm. Hết hạn, tôi trở lại Spartak, đến gặp Sidorov, nhưng ông ấy làm ra vẻ ngạc nhiên ghê gớm rằng tôi vẫn mò mặt đến – lúc đó tôi còn khá trẻ và ngây thơ. Thôi được, họ nói tôi thay đồ đi.

Sau giờ tập, Sidorov đưa tôi đến gặp huấn luyện viên thủ môn có họ là Darvin. Hiện nay ông ấy vẫn còn làm việc. Ông ấy có nói một câu mà có lẽ tôi sẽ phải nhớ suốt đời: “Lev, cậu biết không, khi còn nhỏ tôi cũng từng mơ trở thành nhạc công chơi phong cầm (accordion) đấy, nhưng mà tiếc là tôi chẳng có khiếu thẩm âm”. Ông ta ám chỉ rằng tôi chẳng có chút năng khiếu nào cả.

Bây giờ anh có thể chuyển đến ông ấy lời chào được rồi.

Đúng thế. Tôi đồng ý. Dù cũng thật ái ngại… Đến giờ tôi vẫn còn nhớ lúc đó đã buồn bã thế nào. Mẹ tôi kể là sau đó cả tuần tôi chẳng thèm chơi bóng và nói chung là muốn rời khỏi đội. Sau đó, chính tôi nói chuyện với cha mẹ và đề nghị thử tìm cơ hội ở các câu lạc bộ khác – ở Moskva không chỉ có Spartak. Cha mẹ đồng ý và quyết định bắt đầu tìm kiếm các câu lạc bộ ở tốp trên bảng xếp hạng.

Đội tuyển Việt Nam dự Asian Cup 2019. (Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN)
Đội tuyển Việt Nam dự Asian Cup 2019. (Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN)

Ở Dinamo, có lẽ, người ta vui mừng vì có một thủ thành với tên Lev đến với họ?

Tôi cũng nghĩ thế. Hơn nữa, họ cũng gồm 4 chữ cái. Điều này đối với tôi khá là vinh dự. Tại nơi chúng tôi tập luyện, cái tên Lev Ivanovich Yashin (thủ môn huyền thoại của bóng đá Liên Xô, thủ môn duy nhất từng đoạt Quả bóng Vàng châu Âu) có ở khắp các biểu ngữ, tôi rất hài lòng khi luyện tập ở đây. Thậm chí trung tâm đào tạo cầu thủ trẻ cũng mang tên Lev Yashin.

Học hỏi từ các đồng nghiệp

Cậu có đăng một tấm hình đen trắng với chiếc mũ khá giống với Lev Yashin vào ngày kỷ niệm sinh nhật ông ấy. Hẳn là lúc nhỏ cậu cũng đã xem nhiều trận đấu có ông ấy. Ai là thần tượng của cậu?

Tôi không thích từ thần tượng lắm.

Okie, lúc đó cậu đã muốn noi theo ai?

Lev Yashin – đấy là tấm gương lớn đối với các thủ môn toàn thế giới. Trong số các thủ thành đương thời tôi cũng thích Gianluigi Buffon, Iker Casillas. Hiện nay cũng có nhiều thủ thành giỏi. Bạn xem họ một cách chăm chú và tán dương. Nhưng bạn xem họ không như thần tượng, mà là những người bạn có thể học hỏi điều gì đó như một đồng nghiệp.

Lev Sonovich Dang cũng có một chiếc mũ giống huyền thoại Lev Yashin (Nguồn: Soviet Sport)
Lev Sonovich Dang cũng có một chiếc mũ giống huyền thoại Lev Yashin (Nguồn: Soviet Sport)

Ai là thủ môn tốt nhất thế giới hiện nay? Tính đến lúc này.

Tôi nghĩ là David De Gea (thủ môn đội tuyển Tây Ban Nha và Manchester United – PV). Thibaut Curtois (đội tuyển Bỉ và Real Madrid) cũng rất giỏi. Jan Oblak (Bỉ và Atletico Madrid)- nói chung không chê vào đâu được.

Thế còn ở Nga ai là người xuất sắc nhất? Akinfeev?

Akinfeev (thủ môn số 1 của đội tuyển Nga dự World Cup 2018 – PV) hoàn toàn có thể. Đối với tôi anh ấy là tấm gương lớn, hơn nữa bây giờ, khi tôi là thủ thành của đội tuyển quốc gia Việt Nam, tôi vẫn theo dõi những bài trả lời phỏng vấn của anh ấy – rất cần thiết và bổ ích. Tôi đặc biệt thích trạng thái tâm lý vững vàng của anh ấy.

Tôi cũng tự khích lệ rằng mình đang gác cửa của một đất nước. Đối với tôi là Việt Nam – về diện tích nhỏ hơn Nga nhiều lần. Còn anh ấy – thủ thành của đội tuyển quốc gia Nga! Cần phải có độ gan lì đến cỡ nào để đứng vững trước những lời chỉ trích và khinh miệt đến như thế.

Anh ấy rời đội tuyển quốc gia khá sớm?

Anh ấy cống hiến hết mình và ra đi đúng vào lúc đỉnh cao. Có nhiều người có thái độ thù ghét anh ấy, nhất là sau World Cup. Nhưng tôi thích lập trường kiên định của anh ấy – chẳng phải là vẫn chưa xỏ giầy trở lại đó sao? Nhưng bây giờ anh ấy đã đặt dấu chấm hết như thế! Tất nhiên, nếu như với Buffon cũng tương tự.

Tôi cũng tự khích lệ rằng mình đang gác cửa của một đất nước. Đối với tôi là Việt Nam – về diện tích nhỏ hơn Nga nhiều lần.

Anh ấy thấy rằng chúng ta có nhiều thủ môn trẻ – họ cũng cần có cơ hội, động lực để phát triển. Tôi cũng không hoàn toàn khẳng định là: ở Nga, Selikhov là tốt nhất hiện nay. Anh ấy vào học ở Spartak sau tôi 1 năm, chúng tôi vẫn giữ liên lạc, thường xuyên trao đổi với nhau. Bởi vậy, sau Akinfeev tôi muốn thấy Xasha đứng trong khung gỗ của đội tuyển quốc gia (Nga).

Đã trải qua cả lò đào tạo Spartak và Dinamo, anh coi mình là người của Spartak hay Dinamo?

Lúc này trong tôi khá xao động, vừa cổ vũ cho Dinamo vừa cổ vũ cho Spartak. Những tin tức về Lokomotiv và CSKA – tôi không quan tâm. Nhưng tôi theo dõi cả Dinamo và Spartak trên các mạng xã hội. Hai câu lạc bộ này kình địch với nhau, nhưng trong tôi họ là một, tôi tôn trọng cả hai.

Có điều gì ở Dinamo không được như ý muốn? Tại sao anh phải ra đi?

Với Dinamo mọi chuyện đều đã rất tốt đẹp. Tôi chiếm lĩnh vị trí chính thức ở đội hình hai theo độ tuổi – chính xác là sau khoảng hai tháng từ khi chuyển đến đây.

Lúc đó, đội trẻ cũng khá lớn tuổi. Pimenov, Karchevarskas cũng được đưa xuống đội trẻ, Karasevich chơi cùng chúng tôi. Tôi khi ấy là thủ thành ít tuổi nhất được tuyển chọn vào đội hình trẻ đi du đấu ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi coi Karchevarskas (thủ môn chính) là tấm gương học tập, trong mọi việc đều làm theo anh ấy, lắng nghe khi anh ấy chia sẻ lúc luyện tập.

Gần đến ngày tốt nghiệp, khi người ta đưa chúng tôi đến Novogorsk, tôi đã thua trong cuộc cạnh tranh với Vana Shubkin (nhưng anh ấy cũng đã kết thúc sự nghiệp). Khi hợp đồng sắp hết hạn, người ta gọi tôi lên gặp lãnh đạo Học viện và thông báo rằng hợp đồng chuyên nghiệp sẽ không được ký kết với tôi. Câu chuyện với Dinamo cũng kết thúc ở đây.

Lâm Tây cùng gia đình (Nguồn: Soviet Sport)
Lâm Tây cùng gia đình (Nguồn: Soviet Sport)

Ngay sau đó anh về Việt Nam? Đúng vậy. Ở Nga tôi đã có kỷ niệm buồn như thế! Tôi hiểu đã nỗ lực rất lớn để vào đội trẻ Dinamo. Nhưng trong mọi việc luôn có gì đó chống lại tôi. Ngay lập tức tôi gặp cha tôi và đề nghị ông tìm kiếm cho tôi một câu lạc bộ nào đó ở Việt Nam. Chúng tôi tìm trên internet tên các đội bóng và lập một danh sách – rồi bay (về Việt Nam).

Về Việt Nam với tâm lý kiêu hãnh

Lúc đó anh đã biết tiếng Việt chưa? Đã từng sống ở Việt Nam?

Rồi, chúng tôi hay về Việt Nam nghỉ hè khi tôi còn nhỏ. Tôi cũng biết tiếng Việt vì ở nhà bố tôi thường nói chuyện với tôi, em gái và em trai bằng tiếng Việt. Mẹ tôi nói tiếng Nga. Bởi vậy, các anh em tôi đều biết cả hai ngôn ngữ. Học xong phổ thông tôi cũng hiểu hơn, nhưng vốn từ vẫn không đủ. Còn đọc và viết bằng tiếng Việt thì tôi học cũng ở Việt Nam.

Với một cầu thủ được đào luyện tại lò Spartak và Dinamo, sở hữu chiều cao 1m88 thì chắc là không khó tìm được đội bóng phù hợp ở Việt Nam…

Tôi về Việt Nam với một tâm lý gần như thế. Đây không chỉ là tự tin mà là kiêu hãnh. Tôi nghĩ rằng không phải họ mà là tôi sẽ lựa chọn giữa hàng tá các CLB sẽ săn đón ký ký hợp đồng với tôi. Tôi đơn giản là chỉ tìm kiếm trên internet địa chỉ các CLB và muốn đến cùng với điều kiện hợp đồng do tôi đưa ra.

Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN
Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN

Kết quả ngoài mong đợi chứ?

Tôi đến câu lạc bộ đầu tiên – ở thủ đô. Tôi hỏi chỗ thay đồ ở đâu? Người ta nói rằng ở sau góc cửa có. Tôi mở cửa, nhưng ở đó là nhà vệ sinh. Buộc phải thay đồ ở đó. Mọi người đều làm thế. Tôi bị sốc nặng. Giải ngoại hạng của họ tương phản với trung tâm huấn luyện của Dinamo và Spartak như thế đấy.

Đến giờ bóng đá Việt Nam vẫn không có gì thay đổi. Tôi thay đồ rồi thay đồ, luyện tập và luyện tập và hiểu ra rằng ở đây không phải là chỗ của tôi. Câu lạc bộ thứ nhất, thứ hai…

Tôi đến câu lạc bộ đầu tiên – ở thủ đô. Tôi hỏi chỗ thay đồ ở đâu? Người ta nói rằng ở sau góc cửa có. Tôi mở cửa, nhưng ở đó là nhà vệ sinh. Buộc phải thay đồ ở đó. Mọi người đều làm thế. Tôi bị sốc nặng.   

Sau đó chúng tôi rời Thủ đô vào Sài Gòn. Ở đó tìm được một đội bóng với tình hình cũng chẳng khá hơn. Cuối cùng thì chúng tôi cũng tìm được bến đỗ, đó là Hoàng Anh Gia Lai. Họ là đối tác với Arsenal, ở đó có mấy sân bóng, có học viện bóng đá, điều kiện khá ổn.

Tôi bay đến đó và ký hợp đồng với họ. Tôi tin rằng câu chuyện khởi đầu như thế là được – tôi lúc đó 18 tuổi và cũng đã được luyện tập cùng đội hình chính.

Nhưng

Mùa đầu tiên, tôi không được ra sân, mà chỉ tập luyện. Năm thứ 2 cũng không được chơi trận nào. Người ta gọi tôi và đội tuyển U-19, nhưng ở câu lạc bộ thì không được ra sân.

Những khác biệt văn hóa

Vấn đề chính là gì?

Bất đồng quan điểm. Ở Nga và Việt Nam có văn hóa rất khác nhau.

Lâm Tây có nhiều chất Nga hơn chất Việt (Nguồn: Sovoet Sport)
Lâm Tây có nhiều chất Nga hơn chất Việt (Nguồn: Sovoet Sport)

Điều này có nghĩa là gì?

Thứ nhất, tôi lúc đó nói tiếng Việt chưa hẳn tốt. Thứ hai, tôi đến đó và hành xử như một chàng trai Nga bình thường – với cách giáo dục hoàn toàn khác. Tôi là người xa lạ. Họ không thích tôi – không thích “thằng Nga” này.

Tôi biết là người ta có thể đá văng một cầu thủ thiện chiến ra khỏi đội nếu người đó bị ghét. Nhưng với một thủ môn thì như thế nào?

Với tôi thì không chỉ các cầu thủ không thích, mà cả huấn luyện viên cũng thế. Đơn giản là họ không xếp tôi vào đội hình. Trong một năm rưỡi đầu tiên tôi may mắn được làm việc với huấn luyện viên thủ môn – đó là một huấn luyện viên người Thái Lan.

Tôi hành xử như một chàng trai Nga bình thường – với cách giáo dục hoàn toàn khác. Tôi là người xa lạ. Họ không thích tôi 

Với ông ấy thì dù tôi đến từ đâu, nói ngôn ngữ gì đều không quan trọng – chúng tôi làm việc với nhau rất ăn ý. Ông ấy phát hiện ra tôi có năng khiếu, có trường phái, điều mà không có ở bất cứ thủ môn nào của Việt Nam. Làm việc với ông ấy tôi không mất gì cả. Chúng tôi luyện tập với nhau 3 lần mỗi ngày.

Nhiều đấy.

Ở châu Á, các cầu thủ nói chung luyện tập rất-rất nhiều. Họ có thể luyện tập 4 lần trong một ngày. Bạn sẽ thức dậy vào lúc 6 giờ sáng, vệ sinh cá nhân. 8h sáng – luyện tập cùng đội. 15h – luyện tập cùng đội, còn 18h – tập gym ở phòng. Người châu Á rất chăm chỉ. Tuy nhiên, trong mọi cái đều có ưu-nhược điểm. Thậm chí, nếu bạn tập luyện 10 lần mỗi ngày, điều đó không có nghĩa là bạn sẽ là một cầu thủ giỏi.

Nói chung là ở đó họ không thích anh…

Đúng vậy, họ có tập quán của mình. Có ví dụ rất rõ ràng. Ở Nga, thậm chí ngay cả ở trường năng khiếu bóng đá, bạn có thể bình tĩnh đến gặp huấn luyện viên và giải thích quan điểm của mình rằng tại sao bạn lại hành động như vậy. Huấn luyện viên hiểu rằng chàng trai này tự tin, biết giải thích quan điểm có nghĩa – đấy là người biết suy nghĩ.

Ở châu Á thì hoàn toàn khác. Huấn luyện viên luôn đúng và bạn không nên tranh cãi với ông ấy. Ông ấy lớn tuổi hơn, ông ấy biết nhiều hơn. Bạn cần nhìn xuống và gật đầu. 

Ở châu Á thì hoàn toàn khác. Huấn luyện viên luôn đúng và bạn không nên tranh cãi với ông ấy. Ông ấy lớn tuổi hơn, ông ấy biết nhiều hơn. Bạn cần nhìn xuống và gật đầu. Đa phần các trường hợp đều có kết cục như thế. Trước đây tôi không hiểu điều này – có thể tranh cãi với huấn luyện viên, đòi hỏi này nọ. Ở Việt Nam người ta coi như vậy là xấc láo. Rồi như giọt nước tràn ly, đến năm thứ 3 họ quyết định cho thuê tôi – sang Lào.

Việt Nam như thế nào thì tôi đã được thấy rồi, thậm chí là có thể tưởng tượng được nền bóng đá ở Việt Nam. Nhưng bóng đá Lào thì thế nào?

Anh không thể tưởng tượng được đâu. Đấy là một cỗ máy cắt. Nhưng bây giờ tôi không phải luyến tiếc khi đến đó. Ai đó từng ở trong quân ngũ, ai đó có thể đã từng ngồi tù. Tôi đã có thử thách như thế tại Lào. Nhưng điều này cũng xứng đáng.

Hãy kể về một “đặc sản Lào” nào đó.

Được thôi, không vấn đề gì, ở đó mọi thứ đều có thể. Ví dụ thế này để anh hiểu, ở Việt Nam là oi bức, còn ở Lào nói chung là lò thiêu địa ngục. Khi ở Việt Nam người ta đưa tin trên radio có gió Lào thì có nghĩa là hôm đấy nóng bức và tốt nhất không nên ra đường.

Còn tôi thì sống ở trung tâm nước Lào ngay vào thời điểm đó. Chúng tôi có chiếc xe buýt của đội bóng. Hàng ngày đến chỗ tập luyện hay đi thi đấu đều đi trên chiếc xe ấy. Chiếc xe buýt này chẳng thể nào tự khởi động được. Chưa lần nào cả. Điều này cũng là bình thường. Chúng tôi mỗi ngày đều phải đẩy nó 10-20 mét để lái xe nổ máy. Trong xe không có điều hòa. Cần biết rằng ở Lào mặt trời mọc khá sớm, gần 8 giờ sáng đã nóng bỏng không thể ngồi được, buộc phải làm mát chỗ ngồi bằng nước để không bị bỏng.

Đấy là giải chuyên nghiệp sao?

Đúng vậy. Đấy là giải nhà nghề. Lúc đó là mùa giải đầu tiên các câu lạc bộ được thuê cầu thủ ngoại. Ngay lúc đó tôi là một trong những lính đánh thuê đầu tiên của giải vô địch Lào. Bạn không thể nào tưởng tượng được sân bóng ở đấy như thế nào. Có lúc, khi bạn đi bóng, đối mặt với khung thành, nhưng trong vài mét bên phải thủ môn có một đống phân bò to bự. Sân bóng ở Lào là như vậy. Đấy không chỉ là sân bóng, còn là nơi chăn thả gia súc, trâu, bò, dê… Và điều này cũng là bình thường.

Tôi là một trong những lính đánh thuê đầu tiên của giải vô địch Lào. Bạn không thể nào tưởng tượng được sân bóng ở đấy như thế nào. Có lúc, khi bạn đi bóng, đối mặt với khung thành, nhưng trong vài mét bên phải thủ môn có một đống phân bò to bự.

Ở câu lạc bộ của tôi không có huấn luyện viên thủ môn. Tôi, với tư cách là người có kinh nghiệm nhất, huấn luyện cho các thủ môn khác – một số người trong số họ có vẻ như là lần đầu tiên trong đời tiếp xúc với trái bóng. Một ngày nọ, tôi phát hiện ra một vũng nước trên sân bóng. Mọi người quyết định tập ở đó, thi nhau tập, rồi ngã – mọi người vật lộn trong bùn, mặt mũi đen nhẻm.

Gần cuối buổi tập huấn luyện viên trưởng đến và hỏi: “Các cậu tập luyện gì ở đây? Chỗ này người ta tắm cho bò đấy!” Có vẻ như ở đấy có vũng nước là vì trước buổi tập những người nông dân đã tắm cho bò. Còn chúng tôi thì vật lộn ở đấy (Cười).

Đăng Văn Lâm và các đồng nghiệp đồng thời cũng là đối thủ cạnh tranh ở đội tuyển Việt Nam (Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN)
Đăng Văn Lâm và các đồng nghiệp đồng thời cũng là đối thủ cạnh tranh ở đội tuyển Việt Nam (Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN)

Sau đó không có gì làm anh ngạc nhiên nữa chứ?

Đúng vậy. Ở đấy còn có đồ uống cũng không tốt lắm. Hai tháng đầu tiên sống trong căn phòng không điều hòa chẳng khác nào đội quân khắc khổ. Sau đó thì đội chúng tôi đứng thứ hai ở giải vô địch Lào. Chúng tôi thua đối thủ sít sao. Tôi trở thành thủ môn xuất sắc nhất giải. Đối với tôi, đây là mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên trong sự nghiệp cầu thủ của mình.

Những lần trở về…

Sau đó cậu trở về Việt Nam?

Tôi về Nga nghỉ phép và nghĩ rằng tôi sẽ trở về đại bản doanh HAGL. Nhưng lại xảy ra tình huống giống như ở Spartak – tôi đơn giản là ở vào tình thế không còn cần thiết. Họ hủy hợp đồng.

Ở Nga khi hủy hợp đồng thì cầu thủ là người may mắn – họ được nhận khoản bồi thường lớn.

Bồi thường gì chứ? Đơn giản là người ta nói “Chào tạm biệt” và xong. Thu nhập chỉ đáng đồng kopec. Lúc đó tôi nhận 500 USD/tháng – cười! Với tôi không biết nhiều hay ít là tốt. Nói chung là ít, nhưng đủ trang trải cuộc sống.

Nhưng tiền không phải là tất cả. Tôi rời Nga về Việt Nam bởi vì muốn chơi bóng và tích lũy kinh nghiệm thi đấu. Thêm nữa là tôi cũng muốn được vào đội tuyển, không phải Nga, thì Việt Nam, để bố được tự hào về tôi. Tôi bay về Việt Nam và nghĩ việc này khá đơn giản. Nhưng đã không như thế. Sau ba năm đầu tiên tôi không đạt được bất cứ mục tiêu nào mà mình đã đề ra trước đó.

Tiếp theo lại phải trở về Nga hay sao?

Tôi chưa muốn trở về. Điều này có nghĩa là kết thúc sự nghiệp, còn lúc này tôi cảm thấy tôi có thể chơi bóng. Tôi có qua Thái Lan thử việc – nhưng ở đó chẳng nhận được gì – ở đó họ không cần một cầu thủ lê dương. Tôi đã trở về Việt Nam và ở đó bác tôi đã tìm được một đội bóng ở giải quốc gia. Tôi ký hợp đồng, nhưng thậm chí không ra sân.

Ở đó cũng có khác biệt ứng xử?

Cả khác biệt ứng xử, cả tuổi tác – họ cho rằng tôi còn trẻ và thường không đặt niềm tin. Tôi không gặp may với các huấn luyện viên trưởng. Các huấn luyện viên thủ môn đều nhìn thấy, tất cả họ đều hiểu, nói cho huấn luyện viên chính, nhưng họ xếp vào đội hình người khác. Cả một mùa giải trôi qua như vậy. Suốt cả bốn mùa giải tôi chỉ làm một việc là luyện tập.

Tôi hiểu rằng không chỉ là được chơi bóng, mà còn phải chơi giỏi hơn tất cả thủ môn địa phương, bao gồm cả thủ môn của đội tuyển quốc gia. 

Nếu như ở giải chuyên nghiệp nhà vệ sinh cũng là nơi thay đồ thì thật khó tưởng tượng được giải hạng Nhất của Việt Nam sẽ như thế nào.

Nói chung tôi không hiểu được làm sao có thể sống lâu trong điều kiện như thế, mà không chơi bóng.

Ở giải hạng Nhất người ta trả cho chúng tôi 200 USD, chúng tôi sống ở trên khán đài của sân bóng – ở đấy có phòng và họ bố trí chúng tôi ở đó. Mọi thứ tiện nghi đều rất khiêm tốn dù là theo chuẩn Việt Nam.

Đặng Văn Lâm với chiếc áo có hình thần tượng Yashin. (Nguồn: Soviet Sport)
Đặng Văn Lâm với chiếc áo có hình thần tượng Yashin. (Nguồn: Soviet Sport)

Nhưng trong suốt thời gian này tôi hiểu rằng không chỉ là được chơi bóng, mà còn phải chơi giỏi hơn tất cả thủ môn địa phương, bao gồm cả thủ môn của đội tuyển quốc gia. Có gì đó vẫn còn thiếu. May mắn hay sự tin tưởng…

Sau cùng thì cha tôi gọi điện và ông nói gần như trong nước mắt đề nghị tôi trở về, ông nói: Với thu nhập như vậy ở Nga con có thể kiếm được dù làm công việc một nhân viên quét rác. Nhưng còn được ở gần gia đình.

Anh đã trở về Moskva?

Đúng vậy, đó là vào năm 2014. Tôi thậm chí đã sẵn sàng bỏ bóng đá… Tôi thi vào trường cao đẳng Tài chính – mẹ tôi muốn tôi có bằng cấp. Còn tôi thì chẳng tiếp thu được gì, chẳng hiểu gì hết. Tôi chỉ có duy nhất một điểm tốt (điểm 4/5 ở Nga) – đấy là môn thể dục khi tôi đẩy tạ xa nhất – vọt ra khỏi tường rào, đến mức cả lớp phải đi tìm. Tôi học ở đấy được vỏn vẹn hai tháng.

Và bỏ học?

Vâng, đây không phải chỗ của tôi. Bạn tôi mời tham gia cuộc thi của một thương hiệu thể thao, người chơi chỉ cần qua các vòng tuyển chọn, sẽ được sang London. Có một suất cho các thủ môn – 15 người cạnh tranh suất này. Tôi vào đến chung kết. Ở đó anh không tin được đâu, tôi đối mặt với thủ môn mà đã chiếm suất của tôi ở Spartak, khi Darvin nói tôi không biết “thẩm âm”. Ở trận chung kết, hai chúng tôi không ai chịu thua ai. Cuối cùng ban tổ chức buộc phải gọi điện sang London và đề nghị dành 2 suất cho các thủ môn. Họ từ chối. Những người tổ chức thì không chọn tôi.

Tên của anh chàng mà hai lần đã vượt mặt cậu là gì?

Ảnh: Minh Thùy
Ảnh: Minh Thùy

Roman Dmitryev. Chúng tôi chẳng có thù oán gì cả – đơn giản là có tình huống xảy ra tình cờ như thế. Đấy cũng là bóng đá. Anh ấy cũng đã kết thúc sự nghiệp. Kết thúc ngay sau khi trở về từ Anh. Anh ấy còn mời tôi sang London thay thế vị trí đó vì ngay từ đầu không có kế hoạch sẽ theo đuổi sự nghiệp. Anh ấy ở Nga và đã tốt nghiệp trường hàng không.

Anh chưa biết được ở đâu sẽ tìm kiếm được cơ hội…

Chính xác. Dù sao thì giải đấu này cũng đánh thức tôi rằng tôi yêu bóng đá đến nhường nào và hiểu rằng cần tiếp tục làm bất cứ việc gì – miễn không phải là kinh tế hay tài chính. Tôi quyết định đến thử việc ở câu lạc bộ Solyaris. Anh biết đội đó chứ?

Chưa nghe nói đến…

Khi đó mọi thủ môn mà tôi biết ở trường phổ thông, học viện, ở Spartak, Dinammo hay những người qua thử việc ở Lokomotiv đều đến. Tất cả đều muốn có một vị trí ở Solyaris. Ngay cả Karasevich cũng đến đó thử sức! Mọi việc rất thú vị và tôi cũng muốn có việc ở Solyaris. Cái chính là thu nhập ở đấy không tệ. Đây là câu lạc bộ chuyên nghiệp và chơi bóng ở trung tâm Moskva. “Lính mới” được đề nghị mức lương mười ngàn.

Đô-la à?

Anh nằm mơ à?! Rúp thôi! Nhưng tôi muốn tới đó để trở thành cầu thủ của giải hạng Hai. Tôi thấy thích huấn luyện viên chính Sergei Shustikov (1970-2016- ND), trộm vía, thật biết ơn ông ấy. Huấn luyện viên thủ môn là Sergei Rozhkov, người cùng chơi với cựu danh thủ Tikhonov ở Krylya Sovetov. Sau 3 tháng, lúc đó tôi vẫn đang trong thời gian thử việc, có khoảng 30 thủ môn đến câu lạc bộ. Họ đến rồi đi, tôi thì ở lại.

Với thống kê của tôi, với giải vô địch Lào, không ai tin tôi cả – không ai muốn làm việc. Cần phải dựa vào chính mình. 

Tôi đã nghĩ họ sẽ ký hợp đồng với mình. Cho đến một ngày nọ có một người mới đến, anh ta từng chơi bóng ở Podolsk. Anh ta có người đại diện mà người ta gọi họ là “băng đảng Podolsk.” Các cầu thủ đều biết việc này. Cuối cùng thì anh ta được ký hợp đồng ngay ngày thứ hai, còn Rozhkov nói với tôi sau một buổi tập rằng ông ấy đã làm tất cả có thể, nhưng bên trên người ta nói cần phải chọn người khác.

Anh không nghĩ cần tìm cho mình người đại diện sao?

Tất nhiên tôi có nghĩ. Nhưng với thống kê của tôi, với giải vô địch Lào, không ai tin tôi cả – không ai muốn làm việc. Cần phải dựa vào chính mình. Thậm chí là người đại diện mà tôi đang làm việc, khi đó cũng đã hỗ trợ tôi. Tôi sẽ nhắc đến anh ấy sau. Sau vụ “cây đàn Phong cầm,” sau thử thách Việt Nam, đây là cú đòn thứ ba đối với tôi. Khi đó tôi gọi điện cho Rozhkov hỏi xem còn cách nào không. Tôi hiểu rằng chỉ có quan hệ mới giải quyết được.

Tiếp theo thế nào?

Rozhkov giới thiệu tôi với Polyakov, người đã từng chơi cho Lokomotiv. Ông ấy là huấn luyện viên thủ môn của Trường Năng khiếu Bóng đá.

Tôi xem video thì thấy cậu huấn luyện bọn trẻ con ở trường này.

Đúng-đúng-đúng. Kiếm tiền thì không nề hà việc gì cả. Lúc đó tôi tự luyện tập và huấn luyện cho lũ trẻ. Lúc đó đấy là một trong những vị trí tốt nhất có thể kiếm chút tiền. Ai đó thậm chí đã kiếm được đến 30 nghìn rúp ở giải bóng đá không chuyên. Người ta gọi tôi tới đó. Ở đó cũng lại gặp Karasevich – anh ấy với tôi là một người anh cả. Chúng tôi đã có những buổi tập luyện rất tuyệt.

Khi nộp đơn thi đấu có vẻ như người ta không thể đăng ký vì hộ chiếu bóng đá Việt Nam của tôi – trước đây đã ghi danh vào đội trẻ của Việt Nam. Họ nói với tôi cần phải đến Liên đoàn bóng đá Nga và đổi hộ chiếu bóng đá. Tôi biết rằng vào đội tuyển trẻ chỉ có 1 lần thay đổi hộ chiếu thể thao. Và thế là tôi phải suy nghĩ…

Bước ngoặt

Cậu vẫn hi vọng được chơi cho đội tuyển Việt Nam?

Tôi đã có ý nghĩ về Việt Nam, nhưng sau đó tôi chợt nghĩ, ở đó không ai cần tôi. Thậm chí ý nghĩ quay trở về cũng gần như là xa vời. Tôi nghĩ thêm rất lâu, hỏi lời khuyên của bạn bè. Cuối cùng tôi quyết định chuẩn bị giấy tờ để đổi hộ chiếu thể thao. Để thay đổi cần phải gọi về Liên đoàn bóng đá Việt Nam xin phép.

Để có được số của Liên đoàn, tôi đã gọi cho huấn luyện viên thủ môn ở đó, kể cho ông ấy nghe rõ sự tình. Ông ấy đề nghị tôi không vội quyết định ngay và cho một tuần để cố gắng làm được gì đó, bởi ở Việt Nam không có thủ môn nào có lợi thế thể hình và được đào tạo bài bản như vậy.

Một tuần trôi qua, rồi một tuần nữa… Không có tin tức gì cả. Nhưng ý nghĩ về đội tuyển quốc gia lại được đánh thức trong tôi. Tôi ngồi xuống và nghĩ, bên tay phải tôi là nước Nga và Trường bóng đá, bên tay trái là giấc mơ được thi đấu trong màu áo đội tuyển quốc gia Việt Nam. Tôi phải làm gì đây?

Cậu đã làm gì?

Chức vô địch giải 8x8 là một bước ngoặt với Lâm (Nguồn: Soviet Sport)
Chức vô địch giải 8×8 là một bước ngoặt với Lâm (Nguồn: Soviet Sport)

Vào tháng Ba chúng tôi có giải đấu sân 8×8. Vì tôi không thể đăng ký cho Trường bóng đá, họ không gọi tôi tham gia giải này. Sau đó cho phép tôi đăng ký cho đội khác – tôi đăng ký cho Duslar. Trận đầu tiên chúng tôi gặp nhau kết thúc với tỉ số hòa 3-3. Trường bóng đá sớm qua vòng loại, nhưng Duslar chiến thắng chung cuộc và trở thành nhà vô địch nước Nga. Tôi vẫn còn giữ huy chương.

Giải vô địch mở ra cho tôi cơ hội mới và tôi viết thư ngỏ lên Facebook trong đó kể về bản thân và về việc tôi khao khát chơi bóng ở Việt Nam và cống hiến cho đội tuyển quốc gia Việt Nam. Bức thư ngỏ sau đó nhận được rất nhiều lượt share, comment. Các nhà báo Việt Nam bắt đầu viết cho tôi.

Ở Việt Nam, thế giới bóng đá chia làm hai phe, một bên là những người cho rằng nên trao cho tôi cơ hội, và bên kia là những ai không muốn thấy một kẻ xa lạ trong đội tuyển.

Một trong các phóng viên đã gửi cho tôi số điện thoại của huấn luyện viên đội tuyển U23 đang tập trung đội tuyển Olympic. Tôi nói chuyện. Ông ấy nói rằng sẽ gọi lại. Nhưng mà, huấn luyện viên thủ mộn ở đội tuyển là một người từng làm việc ở HAGL và không đưa tôi vào đội hình chính. Đã có nhiều áp lực lên ông ấy.

Ở Việt Nam, thế giới bóng đá chia làm hai phe, một bên là những người cho rằng nên trao cho tôi cơ hội, và bên kia là những ai không muốn thấy một kẻ xa lạ trong đội tuyển. Một ngày sau huấn luyện viên đã viết và chia sẻ rằng họ không cần tôi.

“Thư xin việc” của Đặng Văn Lâm trên Facebook

Tiếp theo là gì?

Tôi không được gọi vào đội tuyển, nhưng sự ồn ào sau bức tâm thư đã giúp tôi tìm được câu lạc bộ.

Trong cả tuần các báo Việt Nam chỉ viết về một chàng trai Nga khao khát chơi bóng ở Việt Nam và thi đấu cho đội tuyển Việt Nam.

Khoảng một tuần sau nữa, Chủ tịch của một câu lạc bộ ở Top giữa, Hải Phòng, gọi điện và và hỏi tôi muốn được trả mức lương bao nhiêu. Tôi nói, tiền không quan trọng, tôi muốn được chơi bóng. Tôi nghe được câu trả lời: “Hãy bay về đây!”

Anh bay về. Có được vào đội hình chính ngay không?

Không, ở vị trí đó đang có một thủ thành lớn tuổi – anh ấy gần như là huyền thoại của câu lạc bộ. Một vòng giải nữa trôi qua theo tiến độ lúc tôi đến, mùa giải mới cũng đã bắt đầu, qua thêm 9 vòng đấu và thủ môn chính bị ốm. Ở tuổi 33, anh tưởng tượng được không?! Nhưng đối với anh ấy đây là mùa giải tốt nhất – 5 trận giữ sạch lưới, 9 vòng đấu bất bại, vẫn đang ở vị trí dẫn đầu.

Anh ấy ốm, nhưng chúng tôi vẫn phải tiếp tục thi đấu, tôi cần phải đứng trong khung gỗ. Đây chính là cơ hội! Tôi đã sẵn sàng đón nhận. Nhưng không biết sao lại hồi họp thế – 3 ngày gần như không ăn uống gì. Đây là trận bóng quan trọng đầu tiên của tôi với 12 nghìn người cổ vũ trên khán đài – cứu được tôi chỉ có thuốc Nashatyi.

Đặng Văn Lâm cảm ơn huấn luyện viên Trương Việt Hoàng khi chia tay Hải Phòng để sang Muangthong United (Ảnh: Facebook Đặng Văn Lâm)
Đặng Văn Lâm cảm ơn huấn luyện viên Trương Việt Hoàng khi chia tay Hải Phòng để sang Muangthong United (Ảnh: Facebook Đặng Văn Lâm)

Ở Việt Nam họ cổ vũ như thế nào? Có giống ở Nga không?

Chúng ta có những cổ động viên hăng hái. Họ giống như phần lớn các cổ động viên châu Âu – đi theo đội mỗi trận đấu, đốt pháo sáng. Họ cũng là những hooligan. Còn ở Việt Nam nói chung họ cổ vũ khác nhiều – không gào thét, nhưng có âm nhạc. Chúng tôi là đội bóng có đông cổ động viên nhất. Sân vận động có sức chứa 30 nghìn chỗ, mỗi trận đấu có từ 18-20 nghìn cổ động viên đến cổ vũ.

Trận bóng kết thúc thế nào?

Chúng tôi thua khá tiếc nuối ở những phút cuối với tỉ số 1-2. Giận giữ lại trút về phía tôi. Chỉ có Chủ tịch câu lạc bộ ủng hộ tôi, nhờ đó tôi được thi đấu trận tiếp theo. Đây là trận giữ sạch lưới đầu tiên của tôi ở Việt Nam. Sau đó họ gọi tôi vào đội tuyển.

Chúng tôi thua khá tiếc nuối ở những phút cuối với tỉ số 1-2. Giận giữ lại trút về phía tôi. Chỉ có Chủ tịch câu lạc bộ ủng hộ tôi, nhờ đó tôi được thi đấu trận tiếp theo. Đây là trận giữ sạch lưới đầu tiên của tôi ở Việt Nam. Sau đó họ gọi tôi vào đội tuyển.

Đây là lần triệu tập nhanh nhất trong lịch sử đội tuyển quốc gia. Chỉ vỏn vẹn sau 2 trận đấu ở giải vô địch. Tôi đi dự Cúp Đông Nam Á với tư cách là thủ môn thứ 3. Nhưng tôi không được ra sân.

Cuối cùng thì anh ra sân trong màu áo đội tuyển quốc gia là vào thời gian nào?

Từ khi tôi trở thành thủ môn chính của câu lạc bộ. Lần đâu tiên ra sân trong màu áo của đội tuyển quốc gia là vào năm 2017 trong trận đấu với đội tuyển Jordan ở vòng loại Asian Cup 2019. Chúng tôi hòa 0-0 và tôi trở thành cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu.

Tôi cũng cần khiêm tốn một chút

Trở lại với Asian Cup, sau khi vượt qua Jordan ở vòng 1/8 anh đã tạo nên cho mình thêm một điểm nhấn ở cấp độ đội tuyển.

Đúng vậy. Và người ta đánh giá tôi là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu.

Không nên khiêm tốn như thế, anh đã đẩy được quả penalty giúp đội nhà vào tứ kết.

Dẫu là vậy nhưng tôi cũng cần khiêm tốn một chút. Khi chúng tôi phạm sai lầm thì người ta mắng chửi. Bây giờ thì có thể là khen ngợi khi mà tôi đẩy được quả penalty (cười).

Tháng 12 cậu đã chiến thắng ở giải này và có 5 trận giữ sạch lưới.

Đúng vậy, đó là câu chuyện rất đẹp. Chúng tôi lặp lại chiến thắng cách đây đúng 10 năm trước – một trong những thành tích to lớn nhất đối với Việt Nam. Tôi cũng có hàng loạt kỷ lục tại giải này – 405 phút giữ sạch lưới. Sau đó thì có tới 4 trận bị thủng lưới ở những phút cuối của hiệp 1. Đáng tiếc. Nhưng mà tôi may mắn lọt vào đội hình tiêu biểu của giải đấu.

Trong trận chung kết với Malaysia ở AFF Cup, lượt đi có kết quả hòa, còn lượt về các bạn đã thắng 1-0. Tôi muốn hỏi vì sao anh lại bị nhận thẻ vàng ở phút thứ 9 của trận đấu?

Đấy quả là một trận đấu đỉnh cao. Chúng tôi va chạm với tiền đạo đối phương. Anh ta chửi tôi “F… Y” và tôi cũng đáp lại anh ta như thế. Vì vậy mà tôi bị trừng phạt. Đấy cũng là trọng tài đã bắt trận đấu với Jordan tại Asian Cup.

Anh ăn mừng chiến thắng quá cuồng nhiệt, phải chăng giống như người ta gọi là ăn mừng kiểu Dzyuba?

Anh đã xem rồi sao? Đơn giản là tôi thích thế, giống như Artem (Dzyuba) ở World Cup cũng đã truyền tải sự cuồng nhiệt tới mọi người như vậy với ý nghĩa: “Tôi phụng sự nước Nga!” Tôi cũng muốn chứng tỏ bản thân như vậy với người hâm mộ (Việt Nam).

Dù trong tôi chỉ có một nửa dòng máu Việt, nhưng tôi nguyện cống hiến hết mình cho đất nước, tôi nguyện chiến đấu vì Việt Nam. Tôi đã có một chặng đường sự nghiệp không dễ dàng. Sau giải vô địch (AFF Cup 2018) tôi trở thành tấm gương không chỉ đối các vận động viên, mà còn cả đối với nhiều trẻ em. Tôi đã chứng tỏ một điều rằng không bao giờ đầu hàng số phận, dù là người ta không thích tôi, đẩy tôi sang Lào, bị tẩy chay. Cần phải tự tin vào bản thân và đi đến đích mình đặt ra.

Bây giờ lại quay trở lại Asian Cup, vòng tứ kết. Đây có đúng là sự kiện lịch sử với Việt Nam?

Đúng vậy. Thực tế là chúng tôi đã từng có mặt ở vòng tứ kết, nhưng với tư cách là đội chủ nhà được đặc cách. Lúc đó giải đấu cũng có ít đội tham gia hơn. Vòng tứ kết diễn ra ngay sau lượt đấu đầu tiên của vòng loại. Ở giải năm nay, chúng tôi lập kỳ tích lần đầu tiên qua vòng loại trực tiếp, lần đầu tiên có chiến thắng ở cấp độ như vậy.

Điều này có thể so sánh, ví dụ như với việc Nga vào vòng tứ kết World Cup?

Có thể so sánh như vậy. Thậm chí là nhân dân Việt Nam coi điều này (vào tứ kết Asian Cup) còn có ý nghĩa lớn hơn. Bạn không thể tưởng tượng được điều gì đã diễn ra trên khắp các thành phố ở Việt Nam sau trận thắng Jordan. Cả nước Việt Nam đổ ra đường ăn mừng chiến thắng, khắp các quảng trường đều chật kín người.

Tầm vóc của Đặng Văn Lâm đã lớn hơn trước rất nhiều (Ảnh: Minh Thùy)
Tầm vóc của Đặng Văn Lâm đã lớn hơn trước rất nhiều (Ảnh: Minh Thùy)

Bây giờ thì tôi hiểu rồi. Các bạn đã ăn mừng chiến thắng của đội nhà ở AFF Cup như thế nào?

Nếu như ở Asian Cup tôi không theo dõi tình hình ở vòng bảng, họ cũng ăn mừng lớn lắm. Chúng tôi được đặt cho một chiếc xe buýt hai tầng, diễu hành các tuyến phố thủ đô cùng với chiếc cúp vô địch giải bóng đá Đông Nam Á, đến dự buổi hòa nhạc vinh danh tại quảng trường trung tâm.

Đối với chúng tôi đó là thành tích lịch sử. Chúng tôi đã mang đến niềm vui khôn tả cho nhân dân Việt Nam trước khi đọ sức với đội Nhật Bản.

Sau đó chúng tôi có 4 ngày xả trại trước khi gặp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Tại cuộc gặp chúng tôi được trao tặng các huân, huy chương cao quý. Đó là những phần thưởng danh giá mà phải mất 30-40 năm lao động mới có thể nhận được. Sau đó chúng tôi có 1 tuần tập trung tại Hà Nội và bay đi Qatar dự Asian Cup.

Đối với chúng tôi đó là thành tích lịch sử. Chúng tôi đã mang đến niềm vui khôn tả cho nhân dân Việt Nam trước khi đọ sức với đội Nhật Bản.

Cảm xúc trước trận đấu đó như thế nào?

Rất tuyệt vời. Chúng tôi có tâm lý khá thoải mái. Tất cả đều muốn chiến thắng, nhưng người Nhật thì buộc phải thắng, còn chúng tôi dù sao cũng đã là nhà vô địch trong lòng người hâm mộ. Chúng tôi sẽ chơi cống hiến trong trận đấu như vậy. Tôi cũng rất muốn cảm nhận mình ngang hàng với người Nhật. Điều đó rất thú vị.

Cậu đã bị Azmun (Serdan Azmun, Iran) chọc thủng lưới hai quả. Anh ta thực sự mạnh chứ?

Vâng, rất mạnh. Khi ghi bàn thứ hai, anh ta vượt qua hai hậu vệ của chúng tôi một cách dễ dàng. Họ đã cố gắng ngăn anh ta, ngáng chân, kéo người. Anh ấy trụ quá vững chắc. Một người Việt Nam bình thường có thể đổ ngã đến 10 lần. Anh ta thì không. Thậm chí là đã nỗ lực ghi bàn.

Văn Lâm đã có trận đấu xuất sắc trước Nhật Bản dù đội nhà thua trận (Ảnh: Thùy Minh/Vietnam+)
Văn Lâm đã có trận đấu xuất sắc trước Nhật Bản dù đội nhà thua trận (Ảnh: Thùy Minh/Vietnam+)

Có hai thời điểm sẽ làm mọi người ngạc nhiên… thứ nhất, anh trả lời phỏng vấn chúng tôi ngay trong quá trình diễn ra giải đấu.

Nói chung là tôi không nên nói. Với phóng viên Việt Nam tôi không thể giao tiếp. Nhưng đối với phóng viên Nga thì đơn giản là tôi không thể từ chối. Tôi rất muốn người dân ở Nga biết trong đội tuyển quốc gia Việt Nam cũng có một người Nga đã được đào tạo bài bản tại các trường bóng đá danh tiếng Spartak và Dinamo.

Mục tiêu của tôi là giải vô địch Nhật Bản

Điều thứ hai – làm tôi ngạc nhiên, đó là ngay chính trong giải đấu này anh đã tuyên bố là sẽ thi đấu cho câu lạc bộ Muangthong United của Thái Lan. Điều này đã diễn ra như thế nào?

Vâng, tôi đã ký hợp đồng với họ cách đây không lâu, khoảng đầu tháng 1/2019. Điều này ít người biết. Đấy là nhà cựu vô địch của giải Thái Lan, một đội bóng danh tiếng. Họ tham gia AFC Champions League. Đối với tôi đây là bước tiến lớn. Giải vô địch Thái Lan ở mức cao hơn ở Việt Nam. Với tôi, đây là bàn đạp vào châu Á, là bước đệm để tiến sang Nhật Bản.

Mục tiêu của anh là Nhật Bản?

Có thể hiểu là mọi người đều có mục tiêu của mình. Có thể là châu Âu. CLB mới chọn tôi là bởi vì họ đã bán thủ thành tốt nhất của họ cho giải Vô địch của Bỉ. Nhưng mà, ngoài ra thì các cầu thủ thường ghé sang Nhật Bản. Vụ chuyển nhượng của tôi là đắt giá nhất trong số các thương vụ mua thủ môn ở Đông Nam Á. Tôi thực hiện vụ này thông qua đại diện người Nga Andrei Grushin. Tôi đã nói về anh ấy lúc trước. Đó là người mà trước đó đã không đặt niềm tin vào tôi. Hãy viết đi, anh ấy sẽ rất vui được trao đổi.

Anh không nghĩ trở về Nga à? Giả dụ bây giờ có đề nghị từ một đội bóng ở giải hạng Nhất…

Hạng Nhất sao? Tôi nghĩ là không. Ở đó là cuộc đua khốc liệt của các ngoại binh. Tôi có thể đến giải hạng Nhất khi tôi ngoài 30 tuổi, để được gần nhà. Nhưng bây giờ, khi tôi còn trẻ, tôi muốn thi đấu đỉnh cao, hoặc là ở châu Âu, nếu họ có lời mời, hoặc là ở Nhật Bản.

Ở Việt Nam người ta xưng hô với anh thế nào? Có biệt danh nào không?

Có. Tôi rất thích khi ở đây người ta gọi tôi là gấu Nga.

Hãy nói gì đó cho những người ủng hộ anh ở Nga.

Tôi vui mừng vì cuối cùng thì mọi người cũng biết đến tôi. Hãy ủng hộ tôi hơn nữa, bởi vì trong khung thành của đội tuyển Việt Nam có một chàng trai Nga, có dòng máu Nga đang tuôn chảy. Tâm hồn tôi vẫn là người Nga. Hãy cổ vũ cho Việt Nam. Tôi sẽ rất vui mừng và biết ơn vì có sự ủng hộ từ nước Nga.

Chiếc huy chương vàng AFF Cup là đỉnh cao trong sự nghiệp của Đăng Văn Lâm. Nhưng phía trước còn nhiều đỉnh cao khác sẽ được anh chinh phục? (Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN)
Chiếc huy chương vàng AFF Cup là đỉnh cao trong sự nghiệp của Đăng Văn Lâm. Nhưng phía trước còn nhiều đỉnh cao khác sẽ được anh chinh phục? (Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN)

Người dịch: Khôi Nguyên

Ảnh: Hoàng Linh – Thùy Minh

Dàn trang: Thanh Trà