20 năm đi tìm đồng đội

3-1548828468-68.jpg

Chiều hoàng hôn đất An Giang…

Trước cửa căn nhà đơn sơ, bình dị nằm sát bên đường tỉnh lộ, có một người phụ nữ lặng lẽ đứng đợi chồng về. Từ phía xa xa, ông lão hơn 70 tuổi liêu xiêu trên chiếc xe máy cũ mèm, khoác áo lính, đi giày lính đang hiện rõ dần. Bóng người lính già ngả nghiêng trên con đường, nụ cười ông tươi rói. Hôm nay ông lại tìm thêm được một bộ hài cốt liệt sỹ trên chiến trường Campuchia…

Từ hàng chục năm qua, cựu chiến binh mặt trận K Huỳnh Trí đã một mình lặn lội trên đất bạn chùa Tháp, lần theo những manh mối mong manh để đi tìm lại hài cốt những đồng đội đã hy sinh, đưa họ về với đất Mẹ thương yêu. Nhiều người gọi ông bằng cái tên thân thương: Ông già tìm mộ.

Từ những năm tháng đỏ lửa chiến trường K…

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ bày biện đầy kỷ vật của những tháng năm chiến trận, ông Huỳnh Trí (Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân) vẫn tỏ ra vô cùng minh mẫn, mặc dù đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy. Đặc biệt, khi được hỏi về chuỗi ngày trên đất bạn Campuchia, người cựu chiến binh già bỗng dưng hoạt bát hẳn. Những hình ảnh, những gương mặt đồng đội, niềm vui và cả nỗi đau, mất mát.,. trong phút chốc bỗng dưng ùa về, như mới chỉ xảy ra ngay ngày hôm qua.

“Tính tới khi cuộc chiến chống chế độ diệt chủng Pol Pot kết thúc, tôi cùng các đồng đội, anh em đã đi qua rất nhiều vùng đất bạn. Nhiều người trong số bạn bè tôi đã vĩnh viễn phải nằm lại.
“Tính tới khi cuộc chiến chống chế độ diệt chủng Pol Pot kết thúc, tôi cùng các đồng đội, anh em đã đi qua rất nhiều vùng đất bạn. Nhiều người trong số bạn bè tôi đã vĩnh viễn phải nằm lại.” 

Châm điếu thuốc, rít một hơi thật sâu, ông run run kể: “Sau khi kháng chiến chống Mỹ cứu nước vừa kết thúc thắng lợi, tôi trở về Ban chỉ huy quân sự tỉnh An Giang làm việc. Cuối tháng 4/1977, khi đang đi dự hội nghị mừng công tại Cần Thơ thì anh em ở các vùng biên giới giáp Campuchia báo tin: Lính Pol Pot đang xâm lấn vào lãnh thổ của nước ta. Lúc ấy, lòng tôi nóng như lửa đốt. Hội nghị cũng nhanh chóng được rút ngắn để chúng tôi trở về, một lần nữa cầm súng chống quân thù.”

Vào thời điểm này, Pol Pot huy động lực lượng cấp sư đoàn liên tục nã pháo vào các làng mạc vùng biên các tỉnh miền Tây, trong đó An Giang nơi ông Hai Trí công tác là một trong những điểm nóng nhất. Từ phía những bưng, biền Campuchia, địch lấn sâu dần vào vùng đất máu thịt Tổ quốc, đốt phá làng mạc, giết hại người dân vô tội.

“Pol Pot đi tới đâu, hoang tàn ở đấy. Ngày đầu, khi tôi lên được xã Khánh Bình và An Phú thì giặc đã chiến được một phần bờ sông Vĩnh Khánh, ấp 3, đồn Hội Đồng và nhiều phần đất khác. Riêng tại ấp 3, 85 người dân đã bị chúng giết hại. Trâu bò, lợn gà của bà con cũng không thoát nổi. Lúc này, không ai bảo ai, bộ đội chúng tôi quyết tâm phải đẩy bằng được chúng ra khỏi biên giới,” ông Hai Trí khẽ nheo mắt, đăm đăm nhìn ra phía ngoài đang sầm sập tối.

Mặc dù vậy, khi ấy, chưa bao giờ, ông Hai có thể nghĩ: Cuộc trường chinh chính nghĩa lần này sẽ kéo dài tới đến hơn 10 năm; và càng không nghĩ: Nó cũng là điểm bắt đầu cho hơn hai thập kỷ nữa để đi tìm tàn tích chiến tranh của chính mình.

Bộ đội Việt Nam chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam (Ảnh: TTXVN)
Bộ đội Việt Nam chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam (Ảnh: TTXVN)

Lặng lại một lúc, ông trải lòng: “Tính tới khi cuộc chiến chống chế độ diệt chủng Pol Pot kết thúc, tôi cùng các đồng đội, anh em đã đi qua rất nhiều vùng đất bạn. Nhiều người trong số bạn bè tôi đã vĩnh viễn phải nằm lại. Ngày đánh đồn Hội Đồng, Đại đội phó Đại đội 1 của chúng tôi khi bị đạn bắn vẫn cắn răng tự băng bó vết thương ở bụng. Chỉ tới khi chiếm lại được đồn, anh mới hy sinh. Khi chiến tranh kết thúc, mặc dù đã được điều động về làm Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang nhưng tôi vẫn không thể quên được những người đã ngã xuống ấy.”

Người lính, sau khi rời bỏ cây súng và chiến trường đỏ lửa lại tự mang trong mình ám ảnh khôn nguôi.

Người lính, sau khi rời bỏ cây súng và chiến trường đỏ lửa lại tự mang trong mình ám ảnh khôn nguôi. Nó theo ông vào từng giấc mơ – nơi mà gương mặt của những đồng đội không may mắn chớp nhoáng hiện về. Nó đeo đẳng ông trong câu chuyện nhuốm màu máu mà hết năm này tới năm khác, cựu binh Tây Nam kể cho những lớp lính sau như một cách ôn lại truyền thống hào hùng.

Đến năm 1999, mặc dù vẫn chưa tới tuổi nhưng ông Hai Trí vẫn quyết định làm đơn xin nghỉ, để chính thức bắt đầu hành trình đi tìm đồng đội của riêng mình.

… đến hành trình 20 năm tình nguyện tìm mộ đồng đội.

Thấy chúng tôi thắc mắc về quyết định “về hưu sớm” của mình, ông Hai Trí cười khà khà. Ông bảo: Nỗi ám ảnh về những người đã nằm xuống trên chiến trường K thật ra chỉ là một phần nhỏ lý do.“Ngày đó, không ít người cản tôi, nói tôi không minh mẫn. Nhưng tôi thì lúc nào cũng nghĩ: Hòa bình mà chúng ta đang được hưởng bây giờ đã được đánh đổi bằng rất nhiều máu thịt của những đồng chí, đồng đội. Còn sống là một điều may mắn, thế nên, tôi phải tìm cách tri ân, đưa anh em trở về.”

“Hòa bình mà chúng ta đang được hưởng bây giờ đã được đánh đổi bằng rất nhiều máu thịt của những đồng chí, đồng đội. Còn sống là một điều may mắn, thế nên, tôi phải tìm cách tri ân, đưa anh em trở về.”

Nghĩ là làm, cựu chiến binh Tây Nam Hai Trí sau khi rời bỏ vị trí hiện tại gần như ngay lập tức bắt đầu công việc mới của mình. Ông về bàn với bà xã để bà chuẩn bị tư trang, tiền bạc cho những chuyến đi sắp tới. May mắn, bà Hai – một cựu nữ thanh niên xung phong gần như ủng hộ ông vô điều kiện.

Chiếc balo cũ kỹ được sắp ra, bên trong ngoài chiếc xà beng quân dụng, bộ quân phục bạc màu còn lỉnh kỉnh đủ thứ thuốc men, lương khô và chai nước uống.

Một sáng cuối năm 1999, mang theo tư trang ấy, ông Hai Trí lầm lũi đẩy chiếc xe máy cà tàng, bành bạch chạy về phía vùng biên Tri Tôn.


Một sáng cuối năm 1999, mang theo tư trang ấy, ông Hai Trí lầm lũi đẩy chiếc xe máy cà tàng, bành bạch chạy về phía vùng biên Tri Tôn.

Trong suốt hai năm 1999-2000, ông gần như chỉ độc hành một mình trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Nghe thông tin ở đâu có bộ đội tình nguyện Việt Nam hy sinh, ông lại lái chiếc xe cũ mèm tới. Vai khoác balo, chân cà nhắc vết thương chinh chiến ngày nào, một mình Hai Trí – người thương binh chịu thương tật tới 49% vừa đi tìm, vừa cặm cụi đánh dấu, phác họa lại bản đồ vào cuốn sổ tay nho nhỏ.

Ban đầu, ông Hai chỉ đi dọc vùng biên An Giang. Nhưng càng về sau, cung đường càng ngày càng được mở rộng. Cùng với đó, chuỗi ngày xa nhà của ông cũng ngày càng dài thêm.

“Đáng nhớ nhất là những lần một mình tôi sang đất Campuchia tìm đồng đội. Mặc dù đã xin phép và làm các thủ tục trước, nhưng không ít lần, tôi bị đuổi về vì họ không tin rằng một ông già chỉ cầm cuốc, xẻng lại làm cái công việc đặc biệt ấy. Nhưng tôi không nản. Bao nhiêu năm anh em đã mồ hoang mả lạnh, mình vướng một chút đã là gì,” ông Hai Trí lầm rầm nói.

Hành trang trong những ngày ông Hai Trí đi tìm đồng đội trên chiến trường K.
Hành trang trong những ngày ông Hai Trí đi tìm đồng đội trên chiến trường K.

Cứ như vậy, trong vài năm đầu, người dân sống ven biên giới An Giang, cả của Việt Nam lẫn Campuchia đều dần quen với cái bóng dáng tập tễnh, khấp khểnh như một dấu hỏi in vào ráng chiều đỏ rực của ông Hai. Cơm ông xin ăn nhờ người ven đường hoặc của xã đội. Ngủ ông cũng tạm bợ bên đường. Chỉ khi đã xác định chính xác mộ chí, ông mới thông báo nhờ lực lượng của huyện đội địa phương tham gia cất bốc.

Bằng nỗ lực phi thường và kỳ lạ ấy, trong giai đoạn này, ông đã đưa được 145 hài cốt liệt sỹ, trong đó có 15 bộ hài cốt trên đất nước chùa Tháp về quy tập tại các nghĩa trang của tỉnh An Giang.

– Có bao giờ chú thấy nản chí vì cuộc tìm kiếm này không?

– Nản thì không bao giờ, vì tôi vẫn xác định: Ngày nào còn sức, tôi sẽ còn đi. Nhưng sức cá nhân thì hạn hẹp. Vì thế, cuối năm 2000 tôi đã viết bức thơ gửi Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, là Chủ nhiệm Tổng cục chính trị lúc bấy giờ, đề đạt nguyện vọng sớm có đội quy tập chính quy, quy mô hơn. May mắn là chỉ vài tháng sau, một loạt đơn vị như thế được thành lập. Riêng An Giang, đội tìm kiếm K93 (Đội chuyên trách trong việc tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh trên đất bạn Campuchia thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang) được ra đời trong niềm vui vô hạn của tôi.

Ngày nào còn sức, tôi sẽ còn đi.

Trong 17 năm tiếp theo, ông già tìm mộ lại đằng đẵng với những chuyến đi sâu hơn vào lãnh thổ Campuchia cùng anh em K93 và sau này là đội K90 (Đội chuyên trách trong việc tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh trên đất bạn Campuchia thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 9). Từ Takeo, Kandal, Kampot, Kampong Speu, Koh Kong… đâu đâu cũng đều in dấu chân ông với tư cách là người cố vấn.

Mỗi lần nhớ lại hành trình đi tìm đồng đội, mắt ông Hai lại đỏ vằn. Những ký ức dội về đột ngột khiến vị Đại tá già rưng rưng, đau xót...
Mỗi lần nhớ lại hành trình đi tìm đồng đội, mắt ông Hai lại đỏ vằn. Những ký ức dội về đột ngột khiến vị Đại tá già rưng rưng, đau xót…

Cực nhất với những người như Hai Trí lúc này không phải là sự thiếu thốn về nhân lực và vật lực nữa. Điều đáng sợ hơn là thời gian và những biến động của lịch sử đã kịp xóa nhòa hầu hết những vết dấu năm xưa. Có những cánh rừng vốn là ngôi mồ tập thể của quân tình nguyện giờ hóa thành làng mạc, đồi nương. Họ vừa đi, vừa hỏi, vừa mải miết ghi chép và đánh dấu những điểm đáng nghi. Có điểm đội chuyên trách phải đào tới 2,3 lần, có lúc sâu tới cả chục mét mới phát hiện những mẩu xương đã đen xạm và vài mảnh vải dù rách nát.

“Mỗi lần tìm thấy anh em, cả đoàn ai cũng rớt nước mắt. Ngày về với đất Mẹ quê hương đã rất gần rồi,” ông Hai trầm ngâm kể.

Ám ảnh hơn cả là lần cả đoàn tìm tới huyện Buset. Theo chỉ dẫn của những người già, gần chục con người xoay trần đào trên trảng rừng cao su. Chỉ một lát, hai bộ hài cốt được phát hiện ngay bìa rừng. Mộ được vùi nông, chỉ cách mặt đất chừng 50cm.

Linh cảm đây có thể chỉ là một phần nhỏ trong một nghĩa địa khổng lồ, ông Hai quả quyết đề nghị anh em tiếp tục mở rộng diện tìm kiếm. Những nhát xẻng công binh dần dần xắn sâu hơn, xa hơn. Hương khói và những tiếng lầm rầm cầu khấn vang vọng khắp rừng.

Sau vài ngày nỗ lực, hơn 10 bộ hài cốt khác được phát hiện thêm, lẩn khuất trải dài vào sâu lõi rừng cao su rậm rịt. Nhìn đồng đội, đồng chí ngày nào giờ chỉ còn những nắm xương tàn, không ai kìm được nước mắt.Nhờ ông Huỳnh Trí, việc tìm mộ liệt sỹ của cả đội thuận lợi hơn.

Gần 20 năm qua, ông Huỳnh Trí và Đội K93 đã tìm được 2.533 bộ hài cốt liệt sỹ, trong đó 275 hài cốt liệt sỹ có tên. Chỉ tới vài năm trở lại đây, khi chiếc chân trái đã không thể đi dài ngày, khi đôi tay đã ngễnh ngãng, ông mới dừng lại hành trình của mình.

Giờ, ngồi lặng lại bên căn phòng nhỏ của gia đình, ông bảo: Giá như còn sức, ông sẽ vẫn còn đi. Nói đoạn, ông lão khe khẽ ngâm nga bài thơ do mình tự viết:“Ta đi tìm đồng đội/Một việc rất thiêng liêng/Làm việc nghĩa cho đời/Ta uống nước nhớ nguồn…”

Gần 20 năm qua, ông Huỳnh Trí và Đội K93 đã tìm được 2.533 bộ hài cốt liệt sỹ, trong đó 275 hài cốt liệt sỹ có tên. Hầu hết các hài cốt này được an táng tại nghĩa trang Dốc Bà Đắc thuộc huyện Tri Tôn, An Giang - một nghĩa trang Trường Sơn phía Tây Nam Tổ quốc. 
Gần 20 năm qua, ông Huỳnh Trí và Đội K93 đã tìm được 2.533 bộ hài cốt liệt sỹ, trong đó 275 hài cốt liệt sỹ có tên. Hầu hết các hài cốt này được an táng tại nghĩa trang Dốc Bà Đắc thuộc huyện Tri Tôn, An Giang – một nghĩa trang Trường Sơn phía Tây Nam Tổ quốc.