ĐÓN GIAO THỪA

cùng thực tập sinh Việt Nam tại Israel

Đã thành truyền thống, mỗi dịp Tết nguyên đán, cộng đồng tu nghiệp sinh nông nghiệp Việt Nam đang học tập và làm việc tại Idan, miền nam Israel, lại cùng nhau sum vầy gói bánh chưng, chuẩn bị mâm cỗ ngày tết để vơi đi nỗi nhớ nhà, nỗi nhớ quê hương.

Từ Tel Aviv mất khoảng 3 giờ chạy xe xuyên qua những quả đồi và vùng sa mạc Negev mới tới Idan, thuộc vùng Arava, phía Nam của Biển Chết. Nằm sát biên giới giữa Israel và Jordan, nơi đây có khí hậu sa mạc. Đất đai cằn cỗi, quanh năm lượng mưa rất thấp. Mùa Hè nhiệt độ có thể vượt 40 độ C, nhưng mùa đông khá lạnh, có thể xuống dưới 10 độ.

Bánh chưng được gói bằng lá chuối nhờ các tu nghiệp sinh ở miền Bắc gửi xuống. Cành đào được sử dụng bằng cành khô rồi nắn sáp để tạo hình bông hoa. Lá cờ Tổ quốc được dùng làm phông nền, và tất nhiên không thể thiếu tấm ảnh Bác Hồ.

Idan là một hợp tác xã nông nghiệp (Moshav), gồm 69 hộ gia đình, đa phần đều làm trang trại (farm), canh tác các loại cây trồng khác nhau để cung cấp ra thị trường, đồng thời kết hợp làm du lịch.

Ngoài nguồn nhân lực địa phương, các trang trại kết hợp với Trung tâm Đào tạo Nông nghiệp vùng Arava (AICAT) để nhận thêm sinh viên thực tập, kết hợp làm thêm ngoài giờ học. Ngoài sinh viên Việt Nam còn có sinh viên một số nước châu Á và châu Phi cũng đang học tập và làm việc tại đây.

Tết năm nay rơi vào ngày làm việc bình thường nên các thực tập sinh Việt Nam phải tranh thủ thời gian sau giờ làm để mua sắm, chuẩn bị gói bánh chưng, bánh tét, nấu nướng và trang trí mâm cỗ ngày tết.

Bánh chưng được gói bằng lá chuối nhờ các tu nghiệp sinh ở miền Bắc gửi xuống. Cành đào được sử dụng bằng cành khô rồi nắn sáp để tạo hình bông hoa. Lá cờ Tổ quốc được dùng làm phông nền, và tất nhiên không thể thiếu tấm ảnh Bác Hồ.

Gà luộc, mâm ngũ quả bày sẵn trên bàn. Năm nay còn có thêm bức tranh Hổ do một bạn trong nhóm khéo tay tự vẽ. Bức tranh sinh động không khác gì tranh Đông Hồ ngày tết. Ngoài mâm cỗ Tết, các bạn sinh viên góp tiền mua một con dê của người dân về làm thịt liên hoan cho thêm phần đầy đặn.

Được biết các sinh viên Việt Nam tổ chức đón Giao thừa, bà Hanni Arnon – Giám đốc Trung tâm AICAT – đã đến tận nơi để chia vui và chúc mừng với các em.

Bà Hanni cho biết năm nay, cộng đồng tu nghiệp sinh Việt Nam tại Idan bao gồm 36 sinh viên, tập trung chủ yếu ở hai trang trại Natureza và Aloni, cùng học tập với các tu nghiệp sinh quốc tế đến từ nhiều quốc gia khác như Thái Lan, Campuchia, Kenya, Namibia. Nhiều năm hợp tác, sinh viên Việt Nam tỏ ra rất thông minh, chăm chỉ nên có kết quả học tập tốt.

Tại trang trại Natureza hiện đang có 10 sinh viên Việt Nam đang thực tập với công việc chính là chăm sóc cà chua, rau các loại, nho, xoài… Đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau như Cao Bằng, Gia Lai, Thái Nguyên, Sơn La, mỗi sinh viên đều mang trong mình một giấc mơ sang đất nước Israel nổi tiếng với ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để sau này trở về quê hương lập nghiệp.

Hoạt động đón Tết của du học sinh Việt Nam ở Israel

Bế Văn Tuyên, quê Cao Bằng, đang học Đại học Nông Lâm năm cuối, cho biết sau mấy tháng đầu sang đây em đã học được những kinh nghiệm về trồng rau củ trong nhà lưới. Từ mảnh đất sa mạc khô cằn, không nước, không màu mỡ mà người dân Israel đã thu hoạch được những mùa vụ năng suất cao.

Các giờ học không chỉ học lý thuyết đơn thuần, mà sinh viên còn được truyền đạt các kinh nghiệm thực tế từ giáo viên là các chủ trang trại.

Bên cạnh Tuyên là Ngô Trung Kiên, một sinh viên có cặp mắt sáng chứa đầy nhiệt huyết tuổi trẻ. Rất tình cờ là Kiên và Tuyên là hai bạn khi ở Việt Nam học cùng trường, cùng lớp, ở cùng ký túc, khi sang Israel lại được phân về cùng một farm. Hàng ngày đôi bạn nấu cơm, ăn chung và giúp đỡ nhau trong học tập nên cũng vơi bớt nỗi nhớ nhà.

Các tu nghiệp sinh Việt Nam và thành phẩm bánh chưng.

Kiên cho biết ở Natureza các sinh viên đều sống vui vẻ, chan hòa, hỗ trợ giúp đỡ nhau và hòa đồng với các bạn sinh viên quốc tế. Ngày nghỉ, thỉnh thoảng nhóm lại tổ chức đi tham quan, vừa nghỉ ngơi thư giãn vừa có thêm trải nghiệm.

Cách Natureza hơn 1km là trang trại Aloni, nơi có 15 sinh viên và một vài lao động Việt Nam đang sinh sống, không khí đón Giao thừa cũng vui nhộn không kém. Lẽ ra mọi năm tất cả sinh viên Việt ở Idan sẽ cùng nhau gói bánh chưng, đun bánh và tụ tập ca hát đón giao thừa.

Tuy nhiên, năm nay do dịch bệnh COVID-19 nên mỗi farm tổ chức riêng để giảm nguy cơ lây nhiễm. Ngoài bánh chưng, các món ăn năm nay vẫn đầy đủ giò, nem, xôi, gà…

Là những sinh viên vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường, nhiều bạn nhờ cuộc sống xa nhà mà tinh thần trở nên mạnh mẽ hơn, các kỹ năng tự lập cũng tốt hơn. Hoàng Văn Vinh từ Bình Định vào Thành phố Hồ Chí Minh học Đại học Kiến trúc. Khi được hỏi tại sao đang theo học một chuyên ngành không liên quan đến nông nghiệp nhưng lại sang Israel học tập, Vinh cho biết em mong muốn có thêm những trải nghiệm trong cuộc sống và học hỏi các kỹ năng phát triển bản thân.

Israel chênh múi giờ 5 tiếng với Việt Nam, nên thời khắc Giao Thừa diễn ra lúc 19.00 trong ngày cuối cùng của năm cũ. Mâm cơm đã được bày biện sẵn sàng. Tất cả cùng ngồi thành một vòng tròn lớn, nâng cốc tạm biệt Năm cũ đã trôi qua bình an, đón chào một Năm mới đang đến với nhiều dự định và hoài bão của tuổi trẻ.

Em tâm sự: “Sang đây được chứng kiến từ mảnh đất cằn cỗi người Do Thái đã khắc phục khó khăn, làm được những điều phi thường trong trồng trọt, cách làm chuyên nghiệp của người Do Thái đã giúp em đã giúp em học hỏi được rất nhiều điều.”

Hằng Ny, quê Quảng Trị đang học tại Đại học Nông-Lâm Huế vừa sang được hơn 3 tháng. Dáng vóc nhỏ nhắn, làn da trắng hồng đã bắt đầu nhuốm nắng sa mạc. Ny cho hay thời gian đầu mới sang cũng gặp khá nhiều khó khăn. Chưa quen với thời tiết khô nóng, sau một tuần Ny đã bị ốm. May nhờ có sự chuẩn bị sẵn thuốc men và các bạn trong farm giúp đỡ nên em bình phục nhanh.

Ngoài ra, chuyện ăn uống không hợp khẩu vị cũng là một vấn đề, do ở đây thiếu đồ ăn và gia vị Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó cũng giống như các bạn, Ny nhanh chóng làm quen với đồ ăn địa phương, thay đổi cách chế biến để đảm bảo sức khỏe học tập và làm việc.

Ngoài Natureza và Aloni là đông nhất, một số farm trong Moshav Idan cũng có lẻ tẻ một số sinh viên Việt Nam đang sinh sống, đêm Giao thừa các bạn cũng được mời về vui chung liên hoan đón Năm Mới. Hà Kim Nguyên, quê ở Bình Định vừa tốt nghiệp Đại học Nông-Lâm Huế đang làm việc ở farm Orrca.

Hỏi chuyện mới biết, đằng sau dáng vẻ gày gò, thư sinh là một nghị lực đáng nể. Nguyên tâm sự hồi đi học ở trong nước gia đình em đã rất khó khăn. Ba em bị tai nạn, gia đình mất hẳn trụ cột lao động, phải rất tằn tiện em mới đủ tiền đi học. Học xa nhà, năm ngoái em còn không đủ tiền để về nhà thăm gia đình trước khi lên máy bay sang Israel.

Nguyên không giấu mục tiêu sang đây để kiếm tiền giúp ba mẹ trả nợ: “Để sang được đây ba mẹ em phải vay mượn tiền lo các chi phí ban đầu. Em sẽ cố gắng dành dụm trước hết là để gửi về giúp ba mẹ trả nợ, sau sẽ dành một số vốn để về nước làm nông nghiệp.”

Học về chuyên ngành bảo vệ thực vật, Nguyên suy nghĩ rất nhiều về tình trạng rau quả ở Việt Nam thường bị dùng hóa chất để trừ sâu bệnh và bảo quản, không tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

Tại Israel, em đang tập trung nghiên cứu các công nghệ và quy trình quản lý sâu bệnh bằng phương pháp tự nhiên. Với số tiền công lao động khoảng 21 NIS (150.000 VND)/giờ, Nguyên hy vọng sau này trở về quê hương em sẽ có đủ tiền để thực hiện được ước mơ của mình.

Nói về trường hợp của Nguyên, trưởng nhóm Trần Thị Thu Hà cho biết đây là trường hợp sinh viên vượt khó, học tập tốt; qua Tết các bạn sẽ tổ chức một số hoạt động để giúp đỡ, động viên vươn lên trong cuộc sống. “Chúng em đến đây mỗi bạn có một hoàn cảnh khác nhau, đến từ nhiều vùng miền khác nhau của Tổ quốc. Tình thương yêu, đùm bọc sẽ giúp chúng em vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt việc học tập nơi đất khách,” Hà tâm sự.

Israel chênh múi giờ 5 tiếng với Việt Nam, nên thời khắc Giao Thừa diễn ra lúc 19.00 trong ngày cuối cùng của năm cũ. Mâm cơm đã được bày biện sẵn sàng. Tất cả cùng ngồi thành một vòng tròn lớn, nâng cốc tạm biệt Năm cũ đã trôi qua bình an, đón chào một Năm mới đang đến với nhiều dự định và hoài bão của tuổi trẻ./.

Vũ Hội