Sau 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng (2011-2020), Việt Nam tuy giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng nhưng vẫn đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như tỷ lệ trẻ béo phì tăng nhanh, tỷ lệ suy dinh dưỡng chênh lệch lớn giữa các khu vực và tỷ lệ trẻ thiếu vi chất cao. Việt Nam đứng trước bài toán kép về dinh dưỡng trẻ em: vừa thiếu vừa thừa chất.

“Vỡ” mục tiêu chiến lược quốc gia

Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2017-2020 của Bộ Y tế, sau 10 năm, Việt Nam đã đạt mục tiêu về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng và tăng chiều cao đặt ra trong Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch hành động quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2017-2020.

Tuy nhiên, vẫn có sự chênh lệch rất lớn về tỷ lệ suy dinh dưỡng giữa các khu vực, nhiều nơi còn ở mức rất cao so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới. Chiều cao người Việt vẫn còn khiêm tốn so với các nước. Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ thiếu vi chất vẫn chưa đạt mục tiêu trong khi tỷ lệ trẻ béo phì lại tăng phi mã.

Cụ thể, tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi trên toàn quốc đã giảm từ 29,3% (năm 2010) xuống 19,6% (năm 2020), chuyển từ mức cao sang mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới về vấn đề sức khỏe cộng đồng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ học đường (5-19 tuổi) giảm từ 23,4% (năm 20210) xuống 14,8%.

Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền

Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn chênh lệch giữa các vùng miền và tốc độ giảm suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm xuống ở mức dưới 1%/năm kể từ năm 2015. Trong khi tỷ lệ này ở khu vực Đồng bằng sông Hồng là 11,2%, khu vực Đông nam bộ là 9,7% thì ở Tây Nguyên là 28,8%, khu vực miền núi phía Bắc thậm chí lên tới 37,4%, cao gấp gần 4 lần so với khu vực Đông Nam bộ.

Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi ở khu vực thành thị là 12,4%, nông thôn là 14,9%, miền núi là 38%, thuộc mức rất cao về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng theo phân loại của WHO năm 2018.

Chiều cao trung bình của người Việt Nam đã tăng hơn 2 cm sau 10 năm (nam 168,1 cm; nữ 156,2 cm), vượt so với mục tiêu đề ra (nam 167 cm; nữ 156 cm) nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực (Thái Lan là 170,3 cm với nam, 159 cm với nữ; Singapore là 170 cm với nam và 160 cm với nữ…)

Tuy đạt kết quả rất tích cực về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, cải thiện chiều cao, song tình trạng thiếu vi chất như Vitamin A, sắt và kẽm dù có giảm nhưng đều chưa đạt được mục tiêu đặt ra.

Các chỉ số chưa đạt mục tiêu đặt ra

Cụ thể, theo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đến năm 2020, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi tại Việt Nam là 19,6% trong khi mục tiêu đặt ra là 15%. Tỷ lệ thiếu Vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 9,5% trong khi mục tiêu đặt ra là dưới 8%.

Tỷ lệ thiếu kẽm đặc biệt rất cao ở trẻ dưới 5 tuổi, chiếm tới 58% – xếp ở mức nặng về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Tỷ lệ này còn cao hơn nữa ở khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, lên đến 67%. Ở khu vực thành phố tuy có thấp hơn (49%) nhưng vẫn ở mức nặng và hầu như không cải thiện trong năm năm qua (2015-2020).

Tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em rất cao trên cả nước

Theo Bộ Y tế, điều này cho thấy, tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng mức nặng có thể giảm xuống song song với mức cải thiện điều kiện kinh tế xã hội, nhưng nếu không có các can thiệp đặc hiệu thì khó có thể giảm tiếp xuống mức trung bình.

Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu “khống chế tỷ lệ béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 5% ở nông thôn và dưới 10% ở thành phố lớn vào năm 2015 và tiếp tục duy trì đến năm 2020”. Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ béo phì ở trẻ em không những không được khống chế mà còn gia tăng nhanh chóng ở mọi lứa tuổi, cả ở thành thị và nông thôn.

Năm 2020, tỷ lệ thừa cân/béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi là 7,4% (9,8% ở thành thị; 5,3% ở nông thôn). Tỷ lệ này ở lứa tuổi học đường rất cao, lên đến 19%, tăng gấp hơn 2,2 lần so với tỷ lệ 8,5% của năm 2010. Trong đó, khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.

Tỷ lệ trẻ béo phì ở lứa tuổi học đường.

Các chuyên gia y tế nhận định, những số liệu đã chỉ rõ Việt Nam đang phải đối mặt với cả hai vấn đề: thừa và thiếu dinh dưỡng. Trong khi thừa dinh dưỡng dễ dẫn đến các bệnh mãn tính thì thiếu dinh dưỡng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển trí não và thể chất của trẻ nhỏ, và đều để lại những hệ lụy lâu dài.

Mô hình tác động toàn diện

Theo Bộ Y tế, một trong những nguyên nhân dẫn đến các tồn tại trên là nhiều can thiệp dinh dưỡng quan trọng quyết định đến phát triển tầm vóc và thể lực của trẻ như bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng tại các hộ gia đình và trường học mới chỉ được triển khai trên diện hẹp. Việc tăng cường vận động/hoạt động thể chất cho trẻ vẫn chưa được chú trọng đúng mức.

Bên cạnh đó, nhận thức của xã hội về dinh dưỡng cho trẻ còn hạn chế. Kết quả điều tra cho thấy có đến 53% phụ huynh không biết con mình bị thừa cân. Tại các trường học ở thành phố có xu hướng tăng tiêu thụ các loại nước ngọt và thức ăn nhanh.

Vì thế, trong dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021- 2030 và tầm nhìn đến năm 2040, một trong những giải pháp được Bộ Y tế xác định có vai trò quan trọng là truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về dinh dưỡng, đặc biệt là trong các nhà trường và phụ huynh.

Bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cho trẻ của Trường Mầm non Sơn Ca khi thực hiện mô hình điểm. (Ảnh: PV)

Đây cũng là những vấn đề đã được Chính phủ đặt ra từ năm 2019 khi quyết định triển khai đề án “Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018 – 2025” (Đề án 41) khi mục tiêu của đề án là nâng cao hiểu biết về dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực phù hợp đối với trẻ em, học sinh, sinh viên của cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên, trẻ em, học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh.

Mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, 100% cán bộ làm công tác y tế trường học; ít nhất 85% học sinh, sinh viên, giáo viên; ít nhất 50% cha mẹ học sinh được truyền thông về lợi ích của dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực đối với việc phòng, chống các bệnh không lây nhiễm. Có ít nhất 90% cơ sở giáo dục tổ chức bữa ăn bán trú cung cấp bữa ăn tại trường học đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng theo quy định; 100% cơ sở giáo dục thực hiện đầy đủ các các quy định về hoạt động thể lực thông qua các hoạt động chính khóa và ngoại khóa. 

Theo ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau hơn một năm triển khai đề án, nhận thức, trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục trong việc xây dựng và chỉ đạo thực thi chính sách; hiểu biết và thực hành của giáo viên, học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh về dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực đã được nâng lên.

Đi kèm với bữa ăn đủ chất là một hộp sữa tươi đảm bảo chất lượng mỗi ngày.

Đề án đã nhận được sự chung tay của nhiều đơn vị, trong đó Tập đoàn TH là đơn vị tiên phong, đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện mô hình điểm “Bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam”.

Từ thực tế trẻ em thành thị có sự phát triển khác biệt với trẻ em nông thôn và trẻ em vùng dân tộc thiểu số, 10 trường thuộc 10 tỉnh thành với các đặc tính vùng miền địa lý khác nhau đã được chọn để triển khai mô hình này, gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thái Bình, Sơn La, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Lâm Đồng, An Giang trong năm học 2020-2021. Ở mỗi địa phương cũng xác định cụ thể 10 trường để làm cơ sở đối sánh.

Xác định sự thiếu thực hành, nhận thức chưa đầy đủ về dinh dưỡng và vận động từ phía phụ huynh và nhà trường là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thấp còi hoặc thừa cân ở trẻ nhỏ, mô hình đã thực hiện đúng theo tinh thần của Đề án 41 trong phát triển thể chất cho trẻ là tác động toàn diện: kết hợp dinh dưỡng và vận động, nhà trường và phụ huynh, lý thuyết và thực hành.

Học sinh được học kiến thức về dinh dưỡng. (Ảnh: PV)

Theo đó, các trường thí điểm sẽ thực hiện chế độ bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, bổ sung dưỡng chất từ sữa tươi sạch, kết hợp tăng cường hoạt động thể lực, đồng thời được tập huấn nâng cao kiến thức về dinh dưỡng cho mọi đối tượng, từ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh và thay đổi thói quen thực hành ăn uống lành mạnh của trẻ.

Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, cho biết TH đã ký hợp đồng với những chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu Nhật Bản, kết hợp với những chuyên gia Việt Nam để thí điểm chế độ dinh dưỡng sao cho phù hợp với thể trạng của người Việt. Mô hình đã xây dựng hàng trăm thực đơn mẫu phù hợp cho từng lứa tuổi và các mùa ở từng vùng địa lý khác nhau, đảm bảo cân đối chế độ dinh dưỡng, kết hợp tăng cường hoạt động thể lực, giúp trẻ hình thành chế độ ăn lành mạnh, chế độ vận động tích cực. Đặc biệt, một khẩu phần hợp lý sữa tươi sạch đã được bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày của toàn bộ các học sinh tại các trường tham gia mô hình điểm.

Các trường học được tập huấn kỹ càng bởi các chuyên gia dinh dưỡng và thể chất, được trang bị bếp ăn, dụng cụ phù hợp cho các bữa ăn tại trường cũng như các mô hình, đồ chơi giúp vận động thể lực. Chương trình giáo dục dinh dưỡng được triển khai cho các giáo viên, nhân viên bếp, kế toán ăn và cho cả các em học sinh.

Các phụ huynh cũng được tập huấn về đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ trong các bữa ăn tại nhà, vai trò của vận động đối với sức khỏe của trẻ. Mô hình đặt mục tiêu trên 80% học sinh có ít nhất 60 phút hoạt động thể lực mỗi ngày, theo đúng khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới.

Theo bác sỹ, tiến sỹ Từ Ngữ, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, tính toàn diện và sự giám sát định kỳ của các nhà chuyên môn là điểm mới tích cực của mô hình này so với những nghiên cứu, hoạt động đẩy mạnh bữa ăn học đường đã từng có trước đây. Nguồn dưỡng chất toàn diện từ sữa tươi sạch bổ sung trong thực đơn hàng ngày của trẻ cũng là một điểm đáng chú ý khi triển khai mô hình. Sữa tươi nguyên chất chứa các protein ở dạng “hoàn chỉnh” mang đến lợi ích trực tiếp cho quá trình tăng trưởng và phát triển của trẻ em. Khi được uống sữa tươi thường xuyên, trẻ sẽ tăng trưởng và phát triển, đầy đủ cả về thể chất và trí tuệ.

Mô hình được triển khai bài bản, từ khảo sát thực tế đến tập huấn, hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ triển khai với sự theo sát của các chuyên gia, có giám sát, đánh giá, đối sánh, thậm chí có tính đến cả yếu tố văn hóa, tự nhiên, xã hội của địa phương. Đây là một thực nghiệm quan trọng, toàn diện, đưa ra được các giải pháp cần thiết, khả thi cho vấn đề dinh dưỡng và phát triển thể lực, trí lực cho trẻ./.

Bài 2: Thổi luồng gió mới

Exit mobile version