Với những hiệu quả tích cực sau một năm triển khai mô hình điểm “Bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam”, lãnh đạo các trường và các địa phương đều bày tỏ mong muốn mô hình sẽ tiếp tục được triển khai và nhân rộng để mọi học sinh đều được thụ hưởng những lợi ích mà mô hình mang lại. Từ đó, cải thiện được các chỉ số về dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam, cải thiện tầm vóc người Việt trong tương lai và hạn chế các bệnh không lây nhiễm.

Để thêm nhiều trẻ em hưởng lợi

Là hiệu trưởng một trường trực tiếp thụ hưởng dự án trong suốt một năm qua, đồng hành cùng mọi hoạt động của dự án và nhận thấy rõ rệt sự thay đổi về tinh thần và thể chất của trẻ, thay đổi trong nhận thức về vấn đề dinh dưỡng học đường của đội ngũ cán bộ, giáo viên, phụ huynh, tiến sỹ Đào Thị My, Hiệu trưởng Trường mầm non thực hành Hoa Hồng chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn đề án kéo dài để có thể chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho trẻ.”

“Chúng tôi mong muốn đề án kéo dài để có thể chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho trẻ.”

Tiến sỹ Đào Thị My

Với những địa phương khu vực miền núi vốn còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế, sự quan tâm và hiểu biết của người dân về vấn đề dinh dưỡng cho trẻ chưa được đầy đủ, mong mỏi nhân rộng mô hình càng lớn hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, học sinh miền núi thường không được ăn phong phú như ở miền xuôi. Do vậy, việc áp dụng hàng trăm thực đơn, với nhiều loại thực phẩm phong phú, hàng ngày bổ sung dinh dưỡng cân bằng từ sữa tươi, như ở Trường Tiểu học Tô Múa, đơn vị thụ hưởng dự án, đã khiến học sinh rất hào hứng.

Niềm vui của học sinh Trường Tiểu học Tô Múa, Sơn La khi được ăn bữa ăn ngon, đủ chất và uống sữa tươi. (Ảnh: PV)

Ông Chiến cho rằng khi áp dụng mô hình, tác động lớn nhất là thay đổi nhận thức của thầy cô và cha mẹ. Thay vì lo cho học sinh ăn đủ, ăn no, phụ huynh và các nhà trường biết cân bằng giữa các thực phẩm để đủ dinh dưỡng.

Lãnh đạo ngành giáo dục Sơn La cho biết trên địa bàn tỉnh có khoảng 50.000 học sinh trong diện được hưởng chế độ bán trú nhưng hiện chỉ có 178 trường bán trú, đáp ứng cho khoảng 1/3 nhu cầu học sinh. Phần lớn số học sinh còn lại phải thuê trọ, ở nhà người quen hoặc tự lo ăn trưa. “Vì thế, không chỉ dừng lại ở việc thí điểm tại hai trường, chúng tôi rất mong muốn được áp dụng ở nhiều trường hơn nữa trong tỉnh”, ông Chiến nói.

“Không chỉ dừng lại ở việc thí điểm tại hai trường, chúng tôi rất mong muốn được áp dụng ở nhiều trường hơn nữa trong tỉnh.”

Ông Nguyễn Văn Chiến

Bày tỏ sự tâm đắc với mô hình “Bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam”, ông Vũ Văn Trà, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho rằng, với mô hình này, thực đơn được các chuyên gia dinh dưỡng hỗ trợ xây dựng đảm bảo dinh dưỡng và vi chất cần thiết cho trẻ, phối hợp với các thực phẩm sẵn có tại địa phương để tập cho trẻ thói quen ăn uống đa dạng. Các nhà trường có phần mềm tính toán các bữa ăn làm sao đủ dinh dưỡng, phù hợp với mức đóng của phụ huynh học sinh và điều kiện thực tế trên địa bàn, đồng thời tận dụng tối đa cơ sở vật chất và lựa chọn hoạt động phù hợp cho trẻ vận động.

“Chúng tôi sẽ tổng kết đề án và nhân rộng ra toàn thành phố đối với toàn bộ hệ thống các trường mầm non của thành phố Hải Phòng,” ông Trà nói.

Trong khi đó, tại Quảng Nam, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Thanh Quốc cho hay mặc dù địa phương còn nhiều khó khăn, ngân sách còn hạn chế, nhưng ngân sách dành cho đề án Bữa ăn học đường cũng như Sữa học đường đã được tỉnh hoạch định sẵn cho đến năm 2024.

Bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng của học sinh Quảng Nam khi tham gia mô hình điểm. (Ảnh: PV)

“Chúng ta không thể dạy và cung cấp kiến thức cho trẻ với tình trạng cơ thể trẻ gầy gò, ốm yếu. Tôi đánh giá cao Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khi thay đổi vấn đề giáo dục thể chất, đặc biệt là bắt đầu từ trẻ mầm non, tiểu học. Chúng ta phải chuẩn bị cho trẻ một cơ thể mạnh khỏe thì trẻ mới học tốt và tiếp thu kiến thức tốt”, ông Quốc chia sẻ.

Ông Quốc cũng đánh giá cao giá trị dinh dưỡng của sữa tươi, được thể hiện trong những con số tổng kết sự phát triển thể lực, tầm vóc của trẻ sau một năm học triển khai mô hình điểm cũng như của cả chương trình Sữa học đường tại Quảng Nam.

Là người quản lý trực tiếp đối với Trường Mầm non Sơn Ca, đơn vị thụ hưởng dự án trong một năm qua, bà Nguyễn Thị Thanh Hiền, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) nhận định: “Sự đón nhận tích cực từ nhà trường, học sinh và phụ huynh mầm non Sơn Ca là bước khởi đầu để chương trình có thể được triển khai rộng trên cả nước, bởi đầu tư cho tầm vóc tương lai luôn là sự đầu tư xứng đáng!”

Cần giải nhiều bài toán

Nhìn từ góc độ chuyên gia, bác sỹ Từ Ngữ, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam đánh giá cao mô hình “Bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam”.

Theo ông Ngữ, đã có nhiều nghiên cứu, hoạt động đẩy mạnh bữa ăn học đường nhưng các mô hình đó chưa thực hiện được tổng thể đánh giá bữa ăn đã được khoa học và hợp lý chưa. Nguyên nhân chủ yếu vì thiếu giám sát định kỳ của các nhà chuyên môn.

Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Thị Nhung, Viện Dinh dưỡng Quốc gia giám sát bữa ăn của học sinh trong chương trình mô hình điểm. (Ảnh: PV)

“Bữa ăn học đường là một vấn đề khó khăn khi không phải cứ quy định là có thể thực hiện được mà còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố như mức thu, kinh tế địa phương, kiến thức về dinh dưỡng. Ngoài ra còn cần sự ủng hộ của phụ huynh học sinh và xã hội. Khi nhà trường làm một công việc khó khăn như vậy, nếu không được hỗ trợ tập huấn chuyên môn và giám sát định kỳ từ những chuyên gia thì sẽ vô cùng khó khăn để ngành giáo dục địa phương có thể quản lý thực hiện tốt bữa ăn học đường,” bác sỹ Từ Ngữ nói.

Tuy nhiên, ông cho rằng nhược điểm này đã được khắc phục trong mô hình “Bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam”.

“Mô hình điểm là một thực nghiệm quan trọng trong việc áp dụng các giải pháp cần thiết để có thể thực hiện một cách khả thi và toàn diện (thực đơn được áp dụng theo đúng thiết kế của chuyên gia) trong điều kiện thực tế của từng địa phương bằng việc khảo sát đánh giá tình trạng dinh dưỡng, bếp ăn, nhân lực, trình độ chuyên môn, mức thu, thực phẩm, phong tục tập quán ăn uống và có thể xây dựng thực đơn khoa học, phù hợp với giá tiền. Trong trường hợp không đủ tiền thì đề án hỗ trợ. Đề án cũng hỗ trợ tập huấn, thực hành, theo dõi, giám sát với sự tham gia của các chuyên gia; tập huấn hội thảo phụ huynh học sinh để vận động xã hội và phụ huynh, giáo dục dinh dưỡng,” ông Ngữ phân tích.

Trước những đề xuất về việc nhân rộng mô hình, bác sỹ Từ Ngữ cho rằng cần phải trả lời rất nhiều câu hỏi để có thể thực hiện được điều này như nếu không có sự hỗ trợ kinh phí từ nhà tài trợ, các trường có duy trì được thực đơn bằng việc yêu cầu phụ huynh đóng thêm tiền? Việc mở rộng có đảm bảo sẽ được đánh giá định kỳ, bài bản, quản lý và giám sát? Cơ sở vật chất và nhân lực cần được đảm bảo như thế nào? Cần sự phối hợp ra sao giữa ngành y tế và giáo dục?…

“Mục tiêu mô hình điểm năm 2020-2021 là thử nghiệm, việc mở rộng các tỉnh thành cũng chính là mục tiêu của chương trình bữa ăn học đường trong đề án sức khỏe học đường do Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai. Giải quyết được những câu hỏi này cũng chính là chúng ta giải quyết những việc cần làm ngay để chuẩn hóa bữa ăn học đường,” bác sỹ Từ Ngữ nói

Theo bác sỹ Từ Ngữ, đã có những bài học cho vấn đề này như việc triển khai phần mềm dinh dưỡng học đường trước đây không hiệu quả mà chỉ được các trường thực hiện mang tính phong trào mỗi tuần một buổi, thực đơn không thực hiện đúng như thiết kế mà chỉ đảm bảo về cung cấp năng lượng.

Học sinh Quảng Nam được giáo dục về dinh dưõng và được thụ hưởng bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng khi tham gia mô hình điểm. (Ảnh: PV)

Ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề thừa cân, béo phì tăng nhanh ở trẻ hiện nay và cho rằng điều này báo động những bệnh tật rất nguy hiểm cho trẻ em như rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, hội chứng chuyển hóa. Vì thế, cần có một mạng lưới giám sát định kỳ dinh dưỡng như thế nào để đưa ra các số liệu cho phụ huynh học sinh, xã hội để có giải pháp can thiệp sớm.

Những băn khoăn của bác sỹ Từ Ngữ là hoàn toàn đúng khi trên thực tế, để triển khai ở 10 tỉnh trong năm học vừa qua, Mô hình đã có sự tài trợ rất lớn từ Tập đoàn TH với vai trò nhà đồng hành hỗ trợ phục vụ nghiên cứu. Đơn vị này hỗ trợ từ khâu khảo sát, đề xuất phương án tập huấn đến hỗ trợ kinh phí cải thiện cơ sở vật chất phục vụ bếp ăn, kinh phí mua trang thiết bị tập luyện thể thao đến hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho các suất ăn, cung cấp miễn phí khẩu phần sữa tươi sạch, ở những vùng khó khăn. Ở những vùng này, mức đóng góp của phụ huynh rất thấp, chưa đủ chi phí cho các bữa ăn đạt chuẩn về calo, khẩu phần theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia.

Xã hội hóa và chính sách quốc gia

Đồng tình với những kiến nghị, đề xuất nhân rộng Mô hình, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho hay Bộ Giáo dục và Đào tạo hy vọng và tin tưởng với cách làm bài bản, chặt chẽ, khoa học và có tính thực tiễn cao, Mô hình điểm sẽ được nhân rộng trong thời gian tới, nhất là khi ngày 2/10 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký phê duyệt “Chương trình Sức khỏe học đường 2021-2025.”

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh đánh giá cao những kết quả đạt được từ mô hình điểm. (Ảnh: PV)

Nội dung Chương trình gồm 5 điểm, trong đó có ba điểm tương đồng với nội dung thực hiện của mô hình “Bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam”, gồm: hoạt động thể chất, bữa ăn học đường và giáo dục tuyên truyền. Hai nội dung còn lại của Chương trình Sức khỏe học đường 2021-2025 là chăm sóc, bảo vệ, quản lý sức khỏe học sinh và ứng dụng công nghệ thông tin.

Về hoạt động thể chất, chương trình đặt mục tiêu 80% trường học bảo đảm trang thiết bị cần thiết dành cho giáo dục thể chất và hoạt động thể thao; 85% trường học tổ chức hoạt động vận động thể lực phù hợp cho học sinh thông qua các hoạt động thể thao ngoại khóa, hình thức câu lạc bộ thể thao; 100% trường phổ thông có đủ giáo viên giáo dục thể chất và được tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ…

Về bữa ăn học đường, 100% trường học tổ chức các hoạt động giáo dục dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn cho học sinh thông qua các giờ học chính khóa, hoạt động ngoại khóa; 100% trường học có tổ chức bữa ăn học đường và căng tin trường học bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định, trong đó 60% trường học ở khu vực thành thị và 40% trường học ở khu vực nông thôn xây dựng thực đơn đáp ứng nhu cầu theo khuyến nghị của Bộ Y tế về bảo đảm dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi và đa dạng thực phẩm. 60% trường học có tổ chức bữa ăn học đường sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa trong bữa ăn học đường đạt chuẩn theo quy định.

Về tuyên truyền, giáo dục sức khỏe học đường trong trường học, chương trình đặt chỉ tiêu 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần; được giáo dục về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn; 95% cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên y tế trường học được tập huấn về chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe học sinh trong trường học.

Chính phủ nêu rõ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước; nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn thu hợp pháp của các trường học theo quy định pháp luật.

Giải bài toán ngân sách, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho rằng để nhân rộng mô hình “Bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam” đồng thời thực hiện Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 cần sự vào cuộc của toàn xã hội bên cạnh sự đồng hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ban, ngành và Tập đoàn TH. Bà Minh cũng đề nghị các địa phương cũng cần chủ động tìm kiếm các đơn vị, doanh nghiệp tài trợ, truyền thông cho mô hình.

Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo để triển khai tiếp mô hình tại 20 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Trong khi ngành giáo dục tiếp tục tìm kiếm thêm các đơn vị tài trợ, bà Thái Hương – nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH cam kết tiếp tục đồng hành với chương trình để có thể triển khai tại 20 tỉnh, thành phố trong cả nước ở giai đoạn tiếp theo, đảm bảo các bữa ăn học đường có được bổ sung sữa tươi sạch và các sản phẩm từ sữa tươi trong bữa ăn đạt chuẩn theo quy định.

“Tôi thực sự hạnh phúc vì sự nỗ lực để các em ở lứa tuổi vàng có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, toàn diện thông qua bữa ăn học đường đã có kết quả. Các em có khỏe mới học tốt. Sức khỏe và trí tuệ của trẻ em hôm nay là sức mạnh của dân tộc ngày mai”, Nhà Sáng lập Tập đoàn TH chia sẻ trước những kết quả tích cực Mô hình mang lại. Bà Thái Hương cũng bày tỏ tin tưởng sẽ có nhiều nhà hảo tâm sẵn sàng chung tay thực hiện cùng Bộ vì đây chương trình giàu tính nhân văn, mang ý nghĩa chiến lược quốc gia.

Bà Hương cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội đồng khoa học để đánh giá, rút kinh nghiệm và đề xuất với Chính phủ ban hành quyết sách mạnh mẽ cho vấn đề dinh dưỡng học đường nhằm thực hiện cho được mục tiêu cải thiện thể lực và tầm vóc người Việt.

“Tôi thực sự hạnh phúc vì sự nỗ lực để các em ở lứa tuổi vàng có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, toàn diện thông qua bữa ăn học đường đã có kết quả. Các em có khỏe mới học tốt. Sức khỏe và trí tuệ của trẻ em hôm nay là sức mạnh của dân tộc ngày mai.”

Bà Thái Hương, Nhà sáng lập Tâp đoàn TH

Khẳng định sự đồng hành đầy tâm huyết và trách nhiệm của Tập đoàn TH có vai trò đặc biệt trong sự thành công của dự án, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết ngành giáo dục sẽ tiếp tục khảo sát để nhân rộng mô hình, không chỉ gói gọn trong 20 tỉnh. Ngành cũng sẽ chú trọng số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu ở từng địa phương, tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm, tập trung vào các thực đơn dinh dưỡng, phù hợp với từng khu vực, vùng miền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện mô hình.

Phóng sự về mô hình điểm “Bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam”. (Nguồn: Vnews)

Những kết quả triển khai từ mô hình sẽ được sử dụng làm cơ sở khoa học và thực tiễn để nhân rộng góp phần thực hiện Chương trình “Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025”, đề xuất xây dựng chính sách về Dinh dưỡng học đường, hiện thực hóa một trong những nội dung quan trọng của Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030, Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2040, góp phần nuôi dưỡng, cải thiện tầm vóc, sức khỏe và trí tuệ thế hệ tương lai.

Với trọng tâm giải bài toán kép vừa thừa dinh dưỡng dẫn đến béo phì, vừa thiếu dinh dưỡng dẫn đến thấp còi, đây thực sự là một chương trình có ý nghĩa thiết thực lâu dài, góp phần giải quyết căn cơ câu chuyện về tầm vóc người Việt. “Sức khỏe và trí tuệ của trẻ em hôm nay là sức mạnh của dân tộc ngày mai” – đó chắc chắn là tâm niệm không chỉ của riêng nhà Sáng lập Tập đoàn TH Thái Hương – nữ doanh nhân luôn tâm huyết với những triết lý kinh doanh của một người tử tế, của một người mẹ.

“Sức khỏe và trí tuệ của trẻ em hôm nay là sức mạnh của dân tộc ngày mai.”

Bà Thái Hương, Nhà sáng lập Tâp đoàn TH

Bài 1: Thách thức kép về dinh dưỡng trẻ em

Bài 2: Thổi luồng gió mới

Bài 3: Nhân rộng Mô hình, tạo cơ sở cho quyết sách quốc gia

Exit mobile version