Cái gì đã đem lại sự hấp dẫn của bát phở Việt Nam? Độ phổ biến của phở tạo nên một ký ức cộng đồng ở bất cứ nơi nào có người Việt sinh sống hay mức độ ngon lành hấp dẫn của món ăn có thể tạo nên chứng nghiện phở? Cả hai yếu tố này đều đúng, nhưng vẫn còn thiếu một thứ: tính cách ngang tàng của phở.

Phở có xuất xứ từ đâu, đó là một công án mãi mãi không có lời giải đáp thoả đáp. Phở sinh ra “trời không tỏ, đất không hay” như hầu vương Tôn Ngộ Không vậy, hội tụ đủ linh khí thì một hôm bèn xuất hiện. Cả phở và Tôn Ngộ Không đều nhận trời làm cha, đất làm mẹ và tung hoành giữa nhân gian vậy.

Sở dĩ không có câu trả lời thoả đáng cho nguồn gốc của phở cũng bởi người Việt rất khiếm khuyết trong việc ghi chép các vấn đề dân sinh trong xã hội. Chúng ta có hàng nghìn bài thơ về trăng hoa tuyết nguyệt, nhưng lại hầu như không có bất cứ văn bản ghi chép về sinh hoạt phong tục của cộng đồng, để rồi lâm tình cảnh “truyền thuyết mơ hồ” hoặc “tam sao thất bản”. Đó là một điều rất đáng tiếc.

Song, xuất thân mập mờ lại càng tôn vẻ ngang tàng hấp dẫn của phở. Sự tranh cãi về xuất xứ của phở càng miên man bất tận, bất phân thắng bại lại càng phủ thêm những màu sắc huyền thoại lên bát phở. Phở cứ tồn tại như mạnh mẽ để lan toả nguồn cảm hứng “yên sĩ phi lý thuần – inspiration” cho những người mê đắm phở.

Sự tranh cãi về xuất thân của phở càng miên man bất tận bao nhiêu thì lại càng phủ thêm màu sắc huyền thoại cho bát phở.

Chữ “yên” trong cụm khái niệm “yên sĩ phi lý thuần” được sử dụng với nghĩa khói sương. Làn khói bay giữa trời luôn tạo nên thụ cảm mỹ học rất đẹp đẽ. Mong manh đấy, vô thường đấy những kiêu hùng, ngạo nghễ làm sao. Khách anh hùng ngồi uống rượu trên lầu, mắt nhìn theo khói sóng bay dào dạt trên sông càng cảm khái cảnh trời rộng, sông dài để động hùng tâm, tráng chí.

Làn khói bay trên bát phở cũng hào hùng, lãng mạn. Làn khói là biểu hiện của tính cách vô cùng nóng bỏng của bát phở. Phở mà không nóng thì sẽ không có khói. Phở mà không nóng thì sẽ không còn tồn tại. Thế nên, phở tồn tại hay phở không tồn tại, cũng quyết chỉ bởi làn khói.

Không có gì tẻ nhạt hơn ăn một bát phở nguội ngắt giữa mùa đông cũng như không có gì tẻ nhạt hơn phải sống với những người không có hoài bão hay cá tính. Sức nóng lan truyền chính là nét ngang tàng đầu tiên của phở. Nhờ sức nóng, phở mới đánh gục và chinh phục được miệng lưỡi của phở đồ và miệng lưỡi thế gian.

Không gì tẻ nhạt hơn ăn một bát phở nguội giữa mùa Đông (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Sức nóng của nước phở khiến mọi nguyên liệu trong bát phở phát tiết hết phẩm chất của mình. Nó thử thách xem bánh phở có dai, mềm trong nước nóng hay không. Sức nóng bắt miếng thịt bò phải trở nên mềm mại, ngọt ngào chứ không thể trơ trơ như gạch ngói.

Ăn một bát phở nóng hổi từ lúc được bưng ra cho đến khi húp cạn nhẵn hớp nước cuối cùng cũng sung sướng như hội vân long của kẻ anh hùng bồi tiếp khách thuyền quyên vậy, phở hết mà tình ý còn bất tận bao la. Còn nếu bát phở đó nguội ngắt, thiếu vắng những làn khói linh hồn thì việc ăn phở lại biến thành một cuộc hành hình cảm xúc.

Nói nét ngang tàng của phở là một “yên sĩ phi lý thuần” cũng không có gì quá đáng. Rất nhiều món ăn ngon đã làm lại sự sung sướng cho người ăn nhưng có lẽ phở là một món hiếm hoi có thể truyền nguồn cảm hứng cho các phở đồ chứ không chỉ là năng lượng, dinh dưỡng và sự thoả mãn.

Nếu bát phở nguội ngắt, thiếu vắng làn khói nghi ngút thì chẳng khác gì cuộc hành hình cảm xúc.

Nguồn cảm hứng này chính là sự lâng lâng trong tâm trí, thúc đẩy hoạt động của trí tuệ và cảm xúc của con người. Một bát phở ngon chuẩn mực vào buổi sáng chính là nguồn cảm hứng cho phở đồ có cơ hội sống một ngày tươi đẹp, không lãng phí. Trái ngược lại, nó có thể là một ngày thảm họa, khởi đầu từ bát phở.

Đối diện với một bát phở ngon, các cảm xúc tích cực như hài lòng, mãn nguyện, hạnh phúc nảy sinh. Hiếm khi chúng ta thấy một khuôn mặt nhăn nhó, cáu kỉnh trước một bát phở bởi vì phở có quyền năng loại bỏ được những năng lượng xấu. Phở đồ sẽ tập trung tuyệt đối trong quá trình “hành phở” của mình: lựa chọn phở, chờ đợi phở, đối diện phở, người – phở hợp nhất.

Chỉ có phở mới khiến các phở đồ lên cơn cao hứng để lao vào trường văn trận bút bảo vệ giá trị của phở đến hơi thở cuối cùng. Phở đồ kiên trinh nhất quán với thứ phở họ cho là ngon nhất, chuẩn mực nhất và mọi thứ có thể làm băng hoại đến đức tin đó sẽ bị công kích, phản bác dữ dội.

Phở đồ kiên trinh nhất quán với thứ phở họ cho là ngon nhất (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Trong con mắt của các phở đồ cực đoan, họ có thể đồng ý với việc nhắm rượu tây với lòng lợn mắm tôm, chấm thịt chó với bột canh nhưng luôn nhìn bằng lòng trắng với những ai nấu phở cải lương với thịt dê, thịt lợn hay ăn phở không có hành mùi hoặc cùng rau xà lách, húng chó, ngổ….

Phở đã khơi nguồn cảm hứng cho những cuộc chiến “ý thực hệ phở” sâu sắc và tàn khốc, bằng miệng lưỡi hay câu chữ suốt hàng chục năm qua, và càng bùng phát dữ dội ở kỷ nguyên mạng xã hội. Hỏi rằng, có thứ đồ ăn nào có thể anh hùng lẫm liệt như phở không?

Câu trả lời là, nhìn về trước không có, nhìn về phía sau cũng chưa thấy món nào có thể phát động chiến tranh như phở. Bánh chưng và bánh giày, hai món đồ ăn xuất hiện khá sớm trong lịch sử Việt Nam, từ thời Hùng Vương thứ 6 theo huyền sử, thế nhưng bánh chưng không hề khiến người phải mích lòng người, người phải từ mặt người như phở, cho dù nó được gói ra hình thù gì, gói bằng với nguyên liệu gì, có khuôn hay không có khuôn, có nhất thiết phải ăn thì mới thành Tết hay không?

Thế nên, phở sở hữu ngôi vị độc tôn lẫm liệt, như Lionel Messi đã khiến tất cả mọi cuộc tranh cãi về sự vĩ đại trong thế giới bóng đá phải lặng tiếng. Nhưng phở không phải là một siêu anh hùng, phở vẫn ngang tàng, phóng khoáng ở ngóc ngách phố phường, trên những vỉa hè đầy gió bụi.

Phở không cần nơi sang trọng để tăng phẩm giá, mà vẫn ngon trên tay những phở đồ đứng ngồi lổm nhổm vì thiếu chỗ.

Phở không cầu nơi sang trọng để gia tăng phẩm giá của mình. Phở không bắt con người phải đặt bàn trước hàng tháng, hàng năm. Phở không tiêu tốn của con người cả mớ tiền. Phở hiện hình trong những góc quán ọp ẹp, chật chội hay trên chiếc bàn nhựa lỏng chỏng dưới gốc cây, dưới chân cột đèn. Phở vẫn rất ngon lành trên tay của những phở đồ đứng ngồi lổm nhổm vì thiếu chỗ.

Càng ở sự bình dị, phở càng phát huy được tính cách ngang tàng của mình. Phở vẫn cứ phát triển mạnh mẽ, chiếm lĩnh các con phố. Dịch bệnh COVID-19 khủng khiếp cũng không thể dập tắt được phở.

Người Hà Nội hào hứng khi hàng quán được mở trở lại sau đợt giãn cách (Nguồn: Vietnam+)

Trong giai đoạn hàng quán bị đóng cửa vì lệnh phong toả, phở đã khiến các tửu đồ dám liều lĩnh đi ăn ở những quán phở mở lậu; thức dậy thực sớm không phải để thành công mà đi ăn phở trước khi lực lượng chức năng đi tuần; sẵn sàng bê phở vào ô tô mà ăn, sẵn sàng ngồi lê trên vỉa hè mà ăn; hoặc mày mò tìm cách nấu phở tại gia, bất chấp mất hàng tiếng đồng hồ chỉ để đổi lấy vài phút thoả mãn.

Trong những hiểm cảnh đó, ngoài câu hỏi mua lương thực, thiết bị y tế ở đâu, khi nào có vaccine thì một sự quan tâm rất lớn được dành cho vấn đề: mua phở ở đâu, quán phở nào còn hoạt động? Và rồi khi các chỉ thị hết hiệu lực, lập tức xuất hiện ngày hội “Toàn dân đi ăn phở”.

Sự tồn tại của phở trong bom đạn chiến tranh, trong đại dịch COVID-19 chẳng phải là một tuyên ngôn đầy ngang tàng của phở hay sao? Chúng ta có thể tin chắc một điều rằng, cho dù bất cứ điều tồi tệ nào xảy ra, phở sẽ không bao giờ biến mất, vẫn “còn đó trơ trơ” để chờ đón các phở đồ.

Chúng ta yêu phở cũng bởi yêu cái ngạo khí của phở. Phở không chỉ cho chúng ta sự giải toả “đói ăn khát uống” mà còn cả niềm hãnh diện được xơi một bát phở ngon. Đừng nghĩ rằng, phở chỉ đơn thuần là cơm ăn nước uống bình thường, rằng phở là một món ăn đặc sắc. Nếu chỉ thế thôi, sao chúng ta, những phở đồ lại điên cuồng vì phở?

Phở đã tạo dựng được một ký ức cộng đồng đáng kể nhất trong xã hội, chí ít ở mảnh đất gắn liền với phở là Hà Nội. Những trao đổi, tranh cãi, bài viết về phở chính là văn bản ghi chép trung thực về đời sống phong tục của con người và phở ở mỗi thời kỳ. Đó chính là chất liệu để những thế hệ sau này không hoang mang, ngờ vực về quá khứ.

Phở đã tạo dựng được ký ức cộng đồng đáng kể nhất trong xã hội, chí ít là ở Hà Nội.

Nếu có một “hộp đen” về Hà Nội nhằm lưu giữ sự kết nối nghìn năm sau, phở chắc chắn phải có một chỗ đứng trang trọng, đồ sộ và nổi bật. Cộng thêm tính cách mạnh mẽ của mình, phở sẽ truyền thừa lâu hơn rất nhiều so với tuổi đời gần 100 năm của mình.

Giá trị của phở là thế. Phở đã xây dựng được dấu hiệu nhận diện ẩm thực Việt Nam ở bàn ăn quốc tế. Dấu hiệu đó dẫu còn nhỏ nhoi nhưng khiến thế giới phải biết đến phở Việt Nam. Phở cũng đã có được ngày tôn vinh của riêng mình: Ngày Phở 12/12.

Đó là một ngày để chúng ta ca ngợi công đức phở tại một đất nước ăn mỳ tôm vào tốp đầu thế giới. Phở xứng đáng với vinh dự đó, không cảm thấy nó đến quá muộn hay quá sớm. Bởi phở rất ngang tàng!

(Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)