Gỡ “nút thắt” cho du lịch phục hồi hậu giãn cách

Đại dịch COVID-19 với sức tàn phá khủng khiếp đã xác lập một “trật tự thế giới mới” cho ngành du lịch. Đặc biệt, dịch bệnh đã khiến nền kinh tế xanh vướng phải nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ nếu muốn sớm phục hồi hậu giãn cách.


Sống chung an toàn với COVID

Để có thể khởi động phục hồi du lịch nội địa trong giai đoạn bình thường mới, theo Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình, vấn đề cốt lõi là cần làm rõ để hiểu đúng và làm trúng theo khái niệm du lịch an toàn. “Chúng ta nói rất nhiều đến du lịch an toàn, vậy thì tiêu chí của du lịch an toàn là gì, quan điểm phát triển du lịch ở các địa phương cần phải được thống nhất ra sao,” ông Bình đặt câu hỏi.

Những vấn đề đó sẽ được giải quyết khi Hiệp hội Du lịch triển khai “Chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc, khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19,” nhằm rút ra những kinh nghiệm cần thiết trong việc điều chỉnh các hoạt động cho phù hợp với tình hình mới, đó là phát triển trong bối cảnh sống chung an toàn với COVID-19.

Tuy nhiên, sau quãng dài cầm cự, doanh nghiệp cũng như nguồn nhân lực của ngành đã rơi xuống “đỉnh đáy.” Do đó, việc khởi động lại hoạt động du lịch sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trẻ em khám phá thế giới động vật ở đảo ngọc Phú Quốc.

“Khó khăn nhất hiện nay là chúng ta chưa hiểu rõ khái niệm an toàn du lịch. An toàn du lịch thời điểm này có phạm vi rất rộng, ví dụ đi an toàn, ở an toàn, dịch vụ phải an toàn, gặp gỡ những người an toàn và đến những điểm an toàn. Từng đó hoạt động đều phải thể hiện rõ bằng các tiêu chí cụ thể và phải sớm xây dựng hoàn thiện bộ tiêu chí,” ông Bình nhấn mạnh.

Khó khăn thứ hai được vị chuyên gia này nếu ra là vấn đề nhận thức. Bởi thực tế có nhiều địa phương đang rất tích cực khởi động lại du lịch, coi du lịch như công cụ để phục hồi kinh tế, nhưng có nhiều địa phương quá lo sợ vấn đề an toàn dịch bệnh nên ngần ngại “mở cửa.”

Để sớm “mở cửa bầu trời,” du lịch không chỉ thụ động chờ đợi quyết sách từ Chính phủ, mà các cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp, địa phương cũng cần chủ động gia tăng hàm lượng giá trị văn hóa, giá trị dịch vụ…

Vì thế, cần làm rõ và hiểu rõ khái niệm “vùng xanh.” Vùng xanh ở đây là những điểm nhỏ như một phường, một xã an toàn, thậm chí một ngôi chùa… an toàn vẫn có thể đi tham quan được, không nhất thiết cứ phải một tỉnh an toàn. Đó là khái niệm lạc hậu cần thay đổi.

“Để triển khai chương trình khôi phục du lịch nội địa sẽ rất vất vả vì cần phải thống nhất được nhận thức, đồng bộ với nhau trong các hoạt động của ngành. Nhưng nếu không có mở đầu thì sẽ khó có thể giải quyết được các nút thắt,” ông Bình khẳng định.

Cần gia tăng ‘sức mạnh mềm’

Để có thể sớm “mở cửa bầu trời,” du lịch không chỉ thụ động chờ đợi những quyết sách từ Chính phủ, mà các cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp, địa phương cần chủ động tự gia tăng hàm lượng giá trị văn hóa, giá trị dịch vụ…

Về vấn đề này, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, tiến sỹ Hà Văn Siêu cho rằng đại dịch khiến nhu cầu và tâm lý du khách thay đổi rất nhiều. Lượng khách tới các điểm đến được dự báo sẽ không còn đông như trước nữa, chi tiêu của họ cũng sẽ căn cơ chứ không vô tư nữa do ảnh hưởng về kinh tế.

Thực tế buộc những người kinh doanh dịch vụ du lịch phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng những sản phẩm, dịch vụ chất lượng, gia tăng hàm lượng về văn hóa cũng như đầu tư sức sáng tạo nhiều hơn, tinh tế hơn, sao cho đúng, trúng nhu cầu.

“Với yêu cầu đó, họ phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu đồng thời chuẩn bị những sản phẩm, dịch vụ có chiều sâu, được thiết kế công phu, mang lại giá trị gia tăng lớn, để chi tiêu của 50 du khách bây giờ bằng doanh thu từ 100 du khách trước kia. Muốn làm được điều đó, cần sáng tạo dựa trên những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc,” ông Siêu chia sẻ.

Đặc biệt, trong bối cảnh COVID-19 bùng phát phức tạp như hiện nay, để chuẩn bị cho chặng đường dài phục hồi sắp tới, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch nên tập trung vào những sản phẩm, dịch vụ, loại hình du lịch văn hóa nào để ngay khi “hé cửa” là có ngay cơ hội rút hầu bao du khách?

Theo vị chuyên gia này, để cho khách thưởng thức một món ăn, ngoài việc chế biến công phu, vừa ngon vừa bắt mắt còn phải có không gian ẩm thực thoải mái, đặc biệt cần câu chuyện, nguồn gốc của món ăn. Bên cạnh đó là những dịch vụ đi kèm như tạo điều kiện để du khách được trải nghiệm một trong những công đoạn làm ra món ăn đó, có vậy mới tạo được giá trị văn hóa gia tăng cho chuyến đi của du khách.

Như vậy, phát triển ngành công nghiệp văn hóa chính là góp phần tạo ra cơ hội mới, nguyên liệu mới, sản phẩm và dịch vụ mới để thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa nói riêng, nền kinh tế xanh nói chung trong tương lai.

Khám phá đảo ngọc Phú Quốc.

“Ở chiều ngược lại, phát triển du lịch sẽ đánh thức yêu cầu cần phải đẩy mạnh đầu tư cho phát triển công nghiệp văn hóa cũng như mang về nguồn thu không nhỏ để tái đầu tư, bảo tồn và phát triển công nghiệp sáng tạo nói riêng, nền văn hóa dân tộc nói chung. Đó là lợi ích kép, là sự chia sẻ, phân phối công bằng,” ông Siêu khẳng định.

Dẫu còn đó ngổn ngang những khó khăn thì các cơ quan quản lý, địa phương, doanh nghiệp vẫn đang gấp rút “xốc” lại tinh thần, kiện toàn bộ máy và hoàn thiện kế hoạch phục hồi nền kinh tế xanh đang nhuốm một màu xám xịt. Tương lai là câu chuyện của ngày mai, nhưng ngày mai sẽ luôn bắt đầu với những ánh bình minh tươi sáng, rạng rỡ.

Xuân Mai
Xuân Mai