BỘ TRƯỞNG TRẦN HỒNG HÀ

Kiên quyết đưa đất nông lâm trường vào khuôn khổ

Nhìn vào thực tiễn hiện nay có thể thấy sự mâu thuẫn trong công tác quản lý và sử dụng đất nông lâm trường, khi mà ‘người có năng lực cần đất thì thiếu đất, còn người thiếu năng lực thì lại thừa đất.’ Vì thế, cùng với việc đổi mới luật, chúng ta cần tiếp tục kiên quyết xử lý đối với các công ty nông, lâm nghiệp sử dụng không hiệu quả quỹ đất; dành quỹ đất chuyển giao về địa phương để quản lý cũng như giải quyết căn cơ các vấn đề chính sách, xã hội.”

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) về thực trạng quản lý, sử dụng đất đai nông lâm trường hiện nay, cũng như các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả quản lý trong thời gian tới.

Đất đai cần vào tay “người biết vun trồng”

– Thưa Bộ trưởng, vừa qua, Báo Điện tử VietnamPlus đã có loạt bài viết “Giải phóng đất nông lâm trường: Cần ‘cuộc cách mạng’ quyết liệt hơn” phản ánh về thực trạng quản lý và sử dụng nguồn quỹ đất này. Là tư lệnh ngành, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Đầu tiên, tôi đánh giá cao Báo Điện tử VietnamPlus đã triển khai loạt bài viết rất công phu và phản ánh đúng thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất đai nông lâm trường trong thời gian qua. Đây thực sự là vấn đề rất đáng quan tâm!

Đúng như nhà báo đã phản ánh, việc quản lý sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường còn tồn tại bất cập. Quá trình phát triển các nông lâm trường đã trải qua 60 năm. Tại thời điểm thành lập, nhiều nơi đã giao chồng lên diện tích đất của người dân, giấy tờ, hồ sơ lạc hậu không quản lý được trên thực địa, có nhiều trường hợp người dân góp đất. Trong một thời gian dài các nông, lâm trường quản lý không hiệu quả để tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích xen kẽ, dẫn tới khó kiểm soát trong ranh giới đất được giao.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus. (Ảnh: Vũ Võ/Vietnam+)

Vừa qua, chúng ta đã tập trung sắp xếp đổi mới nâng cao hiệu quả – trong đó các nông, lâm trường được rà soát chức năng nhiệm vụ; sắp xếp, chuyển đổi thành các công ty nông, lâm nghiệp, các tổ chức khác hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và thành Ban quản lý rừng, các tổ chức sự nghiệp khác. Tuy nhiên, việc chuyển đổi ở nhiều doanh nghiệp thực chất mới thực hiện được việc đổi tên, chưa có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản lý và quản trị doanh nghiệp.

Nhiều nơi vẫn chưa hoàn thành việc chuyển đổi hình thức từ giao đất không thu tiền sử dụng đất sang thuê đất; chưa giải quyết dứt điểm cho thuê, cho mượn, giao khoán trái pháp luật. Có tình trạng năng lực của nhiều nông trường, lâm trường không tương xứng với diện tích đất được giao để sử dụng; nhiều công ty diện tích bình quân một người cao hơn rất nhiều lần so với diện tích bình quân tại địa phương. Nhìn vào vấn đề này có thể thấy sự mâu thuẫn, khi mà “người có năng lực cần đất thì thiếu đất, còn người thiếu năng lực thì lại thừa đất.”

“Trong thời gian tới, chúng ta sẽ phải tiếp tục rà soát, kiên quyết xử lý đối với các công ty nông, lâm nghiệp, các ban quản lý sử dụng không hiệu quả.”

Vì thế, trong thời gian tới, chúng ta sẽ phải tiếp tục rà soát, kiên quyết xử lý đối với các công ty nông, lâm nghiệp, các ban quản lý sử dụng không hiệu quả quỹ đất để căn cứ vào quy định và hồ sơ pháp lý có thể công nhận quyền cho người dân, hoặc thu hồi giao các địa phương. Tinh thần chung là đất đai, tài nguyên hết sức quan trọng nên phải được giao cho các chủ thể sử dụng hiệu quả hơn để phát triển kinh tế, xã hội; bảo vệ môi trường đồng thời giải quyết đúng đắn quyền lợi ích hợp pháp của người dân, giải quyết các vấn đề chính sách, xã hội.

Đối với vấn đề người dân thiếu đất sản xuất (trong số đó có những người đã được Nhà nước giao đất nông nghiệp rồi nhưng chuyển nhượng, cầm cố, di cư tự do), tôi cho rằng cần có giải pháp tổng thể phù hợp với từng đối tượng, không thể chỉ nhìn ở vào góc độ đất đai. Theo đó, cần có chính sách đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, dành quỹ đất chuyển giao về địa phương phát triển công nghiệp, dịch vụ để tạo được nhiều việc làm cho lao động và có thể giao đất cho các đối tượng chính sách, đối tương chưa được nhà nước giao đất nông nghiệp lần nào.

Kiên quyết thu hồi nếu không sử dụng hiệu quả

– Xét riêng về khía cạnh quản lý Nhà nước, đất đai nông, lâm trường hiện đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Đất đai là một loại tài nguyên đặc biệt. Theo quy định của Luật Đất đai thì Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thống nhất quản lý nhà nước về đất đai’ trong đó có đất đai từ các nông, lâm trường. Các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm giúp Chính phủ trong quản lý Nhà nước về đất đai. Luật cũng đã phân cấp rất mạnh cho Ủy ban Nhân dân các tỉnh/thành phố chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước tại địa phương.

Với thẩm quyền và trách nhiệm được giao, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ về “tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh,” Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Quốc hội ban hành Luất đất đai; trong đó quy định các công ty nông, lâm nghiệp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất  để sử dụng vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp phải rà soát lại hiện trạng sử dụng đất; xác định rõ diện tích bàn giao về địa phương và phải chuyển sang hình thức thuê đất.

“Cần thu hồi phần đất các công ty nông, lâm nghiệp đang khoán trắng, cho mượn trái pháp luật, bị lấn chiếm, tạo quỹ đất để ưu tiên giao đất, cho thuê đất cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không có đất, thiếu đất sử dụng.”

Đối với phần đất các công ty nông, lâm nghiệp không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, đang khoán trắng, cho thuê, cho mượn trái pháp luật, bị lấn, bị chiếm, diện tích đất đã bán vườn cây… thì phải bị thu hồi tạo quỹ đất để ưu tiên giao đất, cho thuê đất cho các hộ, gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không có đất hoặc thiếu đất sản xuất ở địa phương sử dụng…

Thời gian qua, chúng tôi đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng.

Cần có chính sách đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, dành quỹ đất chuyển giao về địa phương phát triển. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Lộ trình là đo đạc, lập hồ sơ, bóc tách diện tích đất chồng lấn, tranh chấp, lấn chiếm lập phương án sắp xếp, giải quyết, giao đất, cho thuê đất, hoặc thu hồi để giao, cho thuê đối với các chủ thể có năng lực; diện tích có chồng lấn, tranh chấp, lấn chiếm thì tập trung giải quyết, xử lý.

– Mặc dù hệ thống pháp luật là vậy, nhưng vẫn còn một “điểm tối” rất đáng quan tâm là từ khi thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX đến nay, số diện tích mà các công ty nông, lâm trường sử dụng kém hiệu quả, khoán trắng, cho thuê, cho mượn trái pháp luật trả về địa phương đã lên tới hơn 1 triệu hécta, trong khi số hộ dân thiếu đất sản xuất vẫn còn lớn. Vậy theo Bộ trưởng, đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Đúng là từ khi thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 112/2015/QH13 của Quốc hội và Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ, các công ty nông, lâm nghiệp đã bàn giao đất về cho địa phương 463.088 hécta; nâng tổng diện tích lũy tiến các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao cho địa phương từ năm 2004 (bắt đầu thực hiện Nghị quyết 28/NQ-TW ngày 16/6/2003) đến nay lên 1.084.653 hécta.

Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, do hầu hết diện tích bàn giao về địa phương đến nay vẫn chưa được đo đạc địa chính chi tiết đến từng thửa đất nên việc triển khai còn rất chậm. Trên thực tế, các địa phương có đất nông, lâm trường hầu hết là các tỉnh có khó khăn về ngân sách, hàng năm ngân sách Trung ương vẫn phải hỗ trợ.

Quang cảnh xung quanh khu tái định cư bản Poọng, xã Tam Chung, huyện biên giới Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: TTXVN phát)

Hơn nữa, đối tượng thụ hưởng đa số là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng có vị trí chiến lượng về quốc phòng, an ninh.

Từ năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổng hợp và đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí cho các địa phương từ ngân sách Trung ương, tuy nhiên do tình hình ngân sách khó khăn nên Trung ương chưa bố trí được.

Sau khi điều tra, nếu còn phát hiện trường hợp công ty nông, lâm nghiệp giữ lại diện tích đất đai quá lớn, không sử dụng hiệu quả thì sẽ kiên quyết thu hồi bàn giao cho địa phương, trong đó xem xét giao cho người dân thiếu đất sản xuất.

Để giải quyết những hạn chế kể trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương chủ động bố trí kinh phí từ nguồn thu từ đất để thực hiện việc đo đạc chi tiết đồng thời tiếp tục kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí để các địa phương triển khai đo đạc chi tiết làm cơ sở cho việc cấp giấy chứng nhận, giao đất, cho thuê đất. Đối những công ty nông, lâm nghiệp có diện tích đất quá lớn so với lực lượng lao động, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện việc điều tra, đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp sau rà soát, sắp xếp theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP.

Sau khi điều tra, nếu còn phát hiện trường hợp công ty nông, lâm nghiệp giữ lại diện tích đất đai quá lớn, không sử dụng hiệu quả thì sẽ kiên quyết thu hồi bàn giao cho địa phương, trong đó xem xét giao cho người dân thiếu đất sản xuất.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu trước Quốc hội. (Ảnh: TTXVN phát)

Xây dựng hệ thống dữ liệu quản lý đất nông lâm trường

– Ngoài bất cập từ thực tiễn triển khai ở cấp cơ sở cũng như năng lực quản lý yếu kém của các công ty nông, lâm trường, theo Bộ trưởng, chính sách về đất đai hiện nay còn có những khiếm khuyết gì mà ông thấy còn trăn trở?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Theo tôi, vấn đề lớn nhất hiện nay là xác định giá trị tài sản công; các công ty nông, lâm nghiệp nắm giữ quỹ đất lớn so với nguồn lực và chưa có sự đổi mới thực sự về sắp xếp, đổi mới phương thức hoạt động để phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Nguyên tắc lớn nhất trong hoàn thiện chính sách, pháp luật để giải quyết đối với đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường là tài nguyên, nguồn lực đất đai phải được phân bổ, sử dụng công bằng, hiệu quả; đất đai cần được giao cho các chủ thể sử dụng hiệu quả gắn với thực hiện chủ trương, chính sách xã hội.

Như vậy, các công ty nông, lâm nghiệp chỉ nên được giao đất dựa trên năng lực sử dụng để đảm bảo hiệu quả. Quỹ đất còn lại giao về địa phương tạo quỹ đất cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, trước mắt ưu tiên cho người dân thiếu đất, người đang phải thuê, khoán lại đất của chính các nông, lâm trường.

“Cần sớm xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia quản lý đến từng thửa đất và phải có chế tài mạnh mẽ hơn nữa.”

Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang thiếu bộ công cụ quản lý đất đai hiện đại, nhanh chóng và chính xác. Do đó cần sớm xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia quản lý đến từng thửa đất và phải có chế tài mạnh mẽ hơn nữa để người dân đã được Nhà nước giao đất sản xuất phải giữ đất để ổn định để sản xuất, không phát sinh thêm tình trạng “tái thiếu đất sản xuất.” 

Công trình xây dựng sai phạm xây dựng trên đất lâm nghiệp tại huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. (Ảnh Thành Đạt/TTXVN)

– Trước mắt, để khắc phục được những vướng mắc còn tồn tại, cũng như tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý, sử dụng đất đai nông lâm trường, theo Bộ trưởng, Chính phủ cần có những chỉ đạo cụ thể thế nào?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Với phương châm phải có những quyết sách đột phá trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, trong đó tập trung ổn định người sử dụng đất tại chỗ, bảo vệ đất đai và tăng cường công tác quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp triển khai thực hiện các giải pháp thực sự căn cơ.

Đầu tiên là cơ quan chức năng sẽ tiến hành rà soát tổng thể các quy định về đất đai, lâm nghiệp, tài chính, chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số và dân di cư tự do, các hộ nghèo thiếu đất sản xuất… để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn. Đây sẽ là tiền đề cho việc xây dựng kế hoạch chi tiết, ưu tiên nguồn lực đất đai, kinh phí và con người để thực hiện chính sách đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất, dân di cư tự do, từ đó giảm thiểu việc lấn chiếm đất đai, phá rừng lấy đất sản xuất.

“Tập trung nguồn lực để đến năm 2023 hoàn thành việc đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường.”

Thứ hai là rà soát đánh giá hiệu quả các mô hình quản lý sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp để đề xuất phương án xử lý đảm bảo cân đối giữa mô hình quản trị doanh nghiệp, sản xuất, nguồn lực lao động với diện tích đất giữ lại, mang lại nguồn thu cho ngân sách. Phần diện tích dôi dư sẽ ưu tiên giao hoặc cho thuê cho người dân tại chỗ đang trực tiếp nhận khoán, thuê, mướn lại đất của nông, lâm trường để đảm bảo đất đai được sử dụng hiệu quả.

Thứ ba là tập trung nguồn lực để đến năm 2023 hoàn thành việc đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường nhằm quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên rừng. Cung cấp thông tin làm cơ sở xác định và thu nghĩa vụ tài chính của các đối tượng sử dụng đất.

Một nhiệm vụ khác cũng rất quan trọng là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai. Trong đó quan tâm giải quyết dứt điểm tranh chấp, khiếu nại về đất đai giữa nông, lâm trường đối với người dân để giải quyết các vấn đề bức xúc xảy ra ở địa phương.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc triển khai xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 19/8/2021. (Ảnh: TTXVN phát)

Phân bổ hợp lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai

– Mới đây, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã quyết định đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Tại buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường vào ngày 19/8 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã giao các nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành. Xin Bộ trưởng chia sẻ quan điểm về việc sửa đổi luật để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai thời gian tới? 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Hiện nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đang chỉ đạo việc tổng tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương; Chính phủ đang tập trung chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai trên cơ sở đó chúng ta có căn cứ chính trị, căn cứ thực tiễn để kịp thời sửa đổi những bất cập trong Luật Đất đai.

Luật cũng phải có tính dự báo, có tầm nhìn dài hạn; phải đảm bảo hệ tính đồng bộ, thống nhất trong chính sách, pháp luật về đất đai để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhằm đáp ứng mục tiêu cao nhất là phân bổ hợp lý, sử dụng hiệu quả với tầm nhìn dài hạn, hài hòa lợi ích tổng thể giữa các thế hệ, giữa phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết 17 về “Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.” Theo đó, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần 1 tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022). Tại buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường vào chiều 19/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã khẳng định việc sửa đổi Luật Đất đai là nhiệm vụ lập pháp trọng tâm của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XV. Theo Quyết định số 1427/QĐ-TTg ngày 24/8 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường được phân công chủ trì soạn thảo, trình Chính phủ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trước ngày 10/1/2022. Việc xây dựng dự án luật phải bảo đảm tiến độ, chất lượng, khả thi, coi việc hoàn thành chương trình là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.