Tiêu chuẩn nào

ttxvntiemv-1614945087-50.jpg

Khi câu chuyện “chủ nghĩa dân tộc vắcxin” vẫn đang gây ra nhiều tranh cãi gay gắt thì gần đây việc phát hành “hộ chiếu vắcxin,” một dạng giấy thông hành điện tử cho phép những người đã được tiêm vắcxin được tự do đi lại, tiếp tục nổi lên thành chủ đề nóng và có khả năng gây thêm chia rẽ giữa các nước giàu và các nước nghèo.

Một số quốc gia ủng hộ ý tưởng này, coi đây là lối thoát cho ngành du lịch và hàng không đang gặp khó khăn, một số quốc gia khác lại bày tỏ nghi ngại bởi đến nay mới chỉ có một tỷ lệ nhỏ dân số thế giới được chủng ngừa.

Không ít nhà phân tích lo ngại nếu hộ chiếu vắcxin sớm được phát hành, các nước giàu lại là các nước chiếm ưu thế hơn trong việc mở cửa trở lại nền kinh tế; trong khi đó, các nước nghèo vẫn đang phải “vật lộn” để có được nguồn cung vắcxin do bất bình đẳng trong cơ chế phân phối và sẽ ngày càng bị tụt lại phía sau.

Tính đến ngày 2/3, Israel, UAE, Anh, Mỹ và EU dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 cho người dân.

Theo dữ liệu thống kê của ourworldindata, tính đến ngày 2/3, Israel, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tiêm chủng cho người dân, đặc biệt Israel có tỷ lệ 96/100 (số người được tiêm/100 người).

Tổng thống Mỹ Joe Biden tự tin tuyên bố rằng nước này sẽ hoàn thành chương trình tiêm chủng cho toàn bộ người trưởng thành vào tháng 5 tới. Điều này phơi bày thực tế rằng những nước có tốc độ tiêm chủng vắcxin COVID-19 cao đều là những quốc gia phát triển.

Trước đó, tổ chức phân tích Economist Intelligence Unit (EIU) cũng công bố kết quả nghiên cứu cho biết, các nước như Anh, Mỹ, Israel và các quốc gia thành viên EU sẽ đạt được “độ bao phủ tiêm ngừa diện rộng” và hoàn thành tiêm chủng cho hầu hết dân số vào cuối năm 2021; nhóm các nước phát triển còn lại theo sau sẽ đạt mục tiêu tiêm phòng vào năm 2022.

Nhân viên y tế tiêm vắcxin phòng COVID-19 cho người dân tại Gwangju, Hàn Quốc, ngày 26/2/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhân viên y tế tiêm vắcxin phòng COVID-19 cho người dân tại Gwangju, Hàn Quốc, ngày 26/2/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thậm chí, EIU cũng đưa ra cảnh báo rằng 84 quốc gia nghèo nhất thế giới sẽ không có đủ vắcxin COVID-19 cho đến năm 2023 và vấn đề thiếu hụt vắcxin sẽ kéo dài trong nửa đầu của thập niên này.

Bà Agathe Demarais, Trưởng bộ phận phân tích của EIU, nhận định việc tiêm chủng vắcxin sẽ định hình bức tranh chính trị và kinh tế toàn cầu, du lịch và gần như tất cả mọi thứ.

Cuộc đua giành nguồn cung vắcxin bắt đầu nóng lên từ tháng 1 năm nay, sau khi vắcxin Oxford/Astra Zeneca được phê duyệt. Tâm điểm đầu tiên là căng thẳng giữa EU và Anh, khi Ủy ban châu Âu (EC) ra quyết định sử dụng các biện pháp khẩn cấp trong thỏa thuận Brexit để hạn chế xuất khẩu vắcxin qua biên giới Cộng hòa Ireland sang Anh.

Mặc dù quyết định sau đó đã nhanh chóng được thu hồi do gặp phản ứng dữ dội từ Anh, Ireland và Bắc Ireland, bởi các bên lo ngại đe dọa đến Nghị định thư Bắc Ireland mà EU và Anh ký kết để giải quyết vấn đề thuế quan hậu Brexit, song cũng cho thấy thực trạng cạnh tranh “không khoan nhượng” trong cuộc đua giành nguồn cung vắcxin ngay cả với các nước giàu.

‘Việc tiêm chủng vắcxin sẽ định hình bức tranh chính trị và kinh tế toàn cầu, du lịch và gần như tất cả mọi thứ’ (Bà Agathe Demarais, Trưởng bộ phận phân tích của EIU)

Theo diễn biến mới nhất, ngày 4/3, Italy cho biết nước này đã chặn một lô 250.000 liều vắcxin COVID-19 Oxford/AstraZeneca xuất sang cho Australia. Đây là lần can thiệp đầu tiên kể từ khi EU đưa ra các quy định mới quản lý việc vận chuyển vắcxin bên ngoài khối. Động thái này của Italy được giới phân tích cho rằng sẽ tiếp tục làm thổi bùng lên căng thẳng toàn cầu về vấn đề mua sắm vắcxin.

Vấn đề ngoại giao vắcxin giữa phương Tây với Nga và Trung Quốc cũng được châm ngòi khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), đã kêu gọi các nước phương Tây nên nhanh chóng dành ra tối đa 5% lượng vắcxin mua được để chia sẻ cho châu Phi, trong khi Nga và Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng tại khu vực này thông qua các hợp đồng cung cấp vắcxin.

Tuy nhiên, đề xuất của Tổng thống Macron đã bị Mỹ và Anh từ chối với lập luận rằng sẽ san sẻ vắcxin cho các nước đang phát triển sau khi hoàn thành chương trình tiêm chủng trong nước.

Ngay tại châu Âu, thất bại của EC trong chiến lược mua vắcxin ngừa COVID-19 cho công dân châu Âu cũng đã dẫn đến cuộc “nổi loạn” của một số nước thành viên. Mới đây, Cộng hòa Séc và Slovakia đã theo chân Hungary tìm kiếm đến nguồn cung vắcxin từ Nga và Trung Quốc.

Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của hãng Sinovac tại một địa điểm tiêm chủng ở Sao Paulo, Brazil, ngày 2/3/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của hãng Sinovac tại một địa điểm tiêm chủng ở Sao Paulo, Brazil, ngày 2/3/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman cho biết ông đã đề nghị Nga cung cấp vắcxin Sputinik V ngừa COVID-19 vì không thể chờ vắcxin do EU cung cấp, đồng thời sẽ cân nhắc sử dụng cả vắcxin của Trung Quốc.

Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ ngày 24/2, sáng kiến phân phối vắcxin COVID-19 toàn cầu COVAX của Liên hợp quốc mới bắt đầu phân phối những lô vắcxin đầu tiên tới các nước đang phát triển, trong đó Ghana là quốc gia đầu tiên tiếp nhận lô 600.000 liều vắcxin theo cơ chế này.

Dự kiến đến cuối tháng 5, sẽ có 237 triệu liều vắcxin được phân phối tới 142 nước tham gia chương trình này. Điều này mở ra niềm hy vọng cho các nước phát triển, nhưng với nguồn cung vắcxin còn hạn chế, trong khi phải đảm bảo phân phối công bằng cho rất nhiều nước, các nước đang phát triển sẽ vẫn bị tụt xa trong chương trình tiêm chủng và vẫn phải duy trì các biện pháp đối phó với dịch bệnh trong thời gian dài.

Trong bối cảnh như vậy, việc đi đầu trong tốc độ tiêm chủng sẽ cho phép các nước phát triển triển khai ý tưởng hộ chiếu vắcxin, với mục đích cấp phép cho những người đã được tiêm chủng có thể di chuyển giữa các nước, kích cầu du lịch, phục hồi lại ngành hàng không và giúp sớm mở cửa trở lại nền kinh tế nhanh nhất có thể.

Nhiều ý kiến cho rằng hộ chiếu vắcxin làm hiện lên viễn cảnh một thế giới bị phân chia bởi khoảng cách giàu nghèo.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã thông báo EU đang chuẩn bị cho việc áp dụng “Thẻ xanh kỹ thuật số” để nối lại các hoạt động di chuyển quốc tế vào mùa Hè này.

Bà Ursula cho biết EU sẽ ưu tiên mở cửa du lịch trong phạm vi EU trước tiên, theo đó người châu Âu có thể đặt phòng khách sạn và khu nghỉ dưỡng trước các quốc gia khác.

Israel, Australia cũng đã thực hiện chương trình hộ chiếu vắcxin nội địa, chỉ cho phép những ai đã tiêm vắcxin mới được tiếp cận các phòng tập thể dục, các buổi hòa nhạc và các địa điểm công cộng khác. Thái Lan đang cân nhắc việc thực hiện một hệ thống hộ chiếu vắcxin nhằm khởi động ngành du lịch trong năm nay.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng hộ chiếu vắcxin làm hiện lên viễn cảnh một thế giới bị phân chia bởi khoảng cách giàu nghèo, bộc lộ rõ sự bất bình đẳng trong phân phối vắcxin toàn cầu cũng như tạo ra các vấn đề về chính trị, đạo đức đáng lo ngại.

Vắcxin Sputinik V ngừa COVID-19 của Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Vắcxin Sputinik V ngừa COVID-19 của Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chủ tịch Hiệp hội Tiêm chủng Tây Ban Nha (AEV), Amos Garcia, đã kiên quyết phản đối “hộ chiếu vắcxin” của châu Âu, coi việc cấp đặc quyền đi lại cho những người được tiêm chủng có thể làm gia tăng “khoảng cách xã hội” giữa các nước giàu và nghèo, không chỉ ở châu Âu mà còn trên toàn thế giới bởi vắcxin hiện đang được phân phối chủ yếu cho các nước giàu.

Ngoài ra, câu hỏi về việc liệu hộ chiếu vắcxin của Nga và Trung Quốc có được các nước phương Tây chấp nhận hay không cũng chưa có lời đáp.

Tiến sỹ Clare Wenham, trợ lý giáo sư về chính sách y tế toàn cầu tại Trường Kinh tế London, cho rằng: “Từ góc độ đạo đức, hộ chiếu vắcxin là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Bạn sẽ tạo ra một hệ thống hai cấp và lịch sử cho thấy rằng khi bạn tạo ra sự chia rẽ trong xã hội, điều đó sẽ dẫn đến tình trạng bất ổn dân sự. Đó là sự phân biệt chủng tộc.”

WHO đến nay vẫn chưa ủng hộ ý tưởng sử dụng “hộ chiếu vắcxin” để thúc đẩy hoạt động đi lại. WHO cho rằng hiện chưa phải là thời điểm để sử dụng hộ chiếu vắcxin bởi vẫn còn nhiều ẩn số liên quan đến hiệu quả của tiêm chủng trong việc ngăn ngừa COVID-19, trong khi nguồn cung cấp vắcxin vẫn còn hạn chế.

Giới chuyên gia hiện kêu gọi các chính phủ hãy chờ đợi để có thể cùng nhau đưa ra các tiêu chuẩn quốc tế đồng nhất cho hộ chiếu vắcxin trước khi phát hành, bởi các tiêu chuẩn không đồng đều có thể dẫn đến những nguy cơ hoặc bị biến thành trò chơi địa chính trị.

Giáo sư Melinda Mills, thuộc Trung tâm Khoa học nhân khẩu học Leverhulme tại Cao đẳng Nuffield, Đại học Oxford cho rằng các nước sẽ cần các tiêu chuẩn toàn cầu chung như Chứng chỉ tiêm chủng thông minh của WHO và đây sẽ là giải pháp hợp pháp cho vấn đề này./.

Nhân viên y tế tiêm vắcxin phòng COVID-19 cho người dân tại Accra, Ghana, ngày 2/3/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhân viên y tế tiêm vắcxin phòng COVID-19 cho người dân tại Accra, Ghana, ngày 2/3/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)