Việt Nam – Mẫu hình thành công thực hiện các mục tiêu về y tế

vnapotalky-1614363624-78.jpg

Ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Hội nghị cán bộ y tế và ngày 27/2 trở thành Ngày Thầy thuốc Việt Nam.

Những năm qua, ngành y tế đã có bước phát triển toàn diện, mạnh mẽ. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.

Ngành y tế Việt Nam không chỉ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe của Nhân dân mà còn có đóng góp ngày càng tích cực vào sự phát triển của y học thế giới.

Để hiểu rõ hơn về những “thanh xương sống” làm nên một nền y tế chứng tỏ sự ưu việt, vững chắc trước mọi hoàn cảnh, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài Chính kiêm Giám đốc Chương trình hợp tác y tế với WHO, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở (Bộ Y tế).   

Thực hiện tốt các Mục tiêu Thiên niên kỷ về y tế

-Việt Nam được Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế đánh giá cao việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) trong lĩnh vực y tế. Xin Phó giáo sư cho biết cụ thể về các mục tiêu này?

Một ca phẫu thuật tại Trung tâm kỹ thuật cao - Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội). Ảnh: (Hoàng Hiếu/TTXVN)
Một ca phẫu thuật tại Trung tâm kỹ thuật cao – Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội). Ảnh: (Hoàng Hiếu/TTXVN)

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng: Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (bao gồm 8 mục tiêu và 21 chỉ tiêu cụ thể) được xem là một cam kết toàn cầu đã được toàn bộ 189 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có Việt Nam, nhất trí phấn đấu đạt được vào năm 2015 tại Hội nghị thượng đỉnh Thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc diễn ra từ 6-8/9/2000.

Tổng kết 15 năm thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, Việt Nam đã cơ bản đạt được các mục tiêu về y tế. Việt Nam được Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng, là mẫu hình thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế với những thành tựu đặc biệt ấn tượng.

Việt Nam được Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng, là mẫu hình thành công trong lĩnh vực y tế với những thành tựu đặc biệt ấn tượng.

Thứ nhất, về mức độ hoàn thành Mục tiêu, Việt Nam đạt/vượt 16/17 các chỉ tiêu đề ra, chỉ có 1 chỉ tiêu (Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi) gần đạt. Các chỉ tiêu của Việt Nam đạt được hầu hết đều tốt hơn, trong đó rất nhiều chỉ tiêu tốt hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu thực hiện.

Thứ hai, Việt Nam hoàn thành các Mục tiêu trong bối cảnh nguồn lực (tổng chi tiêu y tế tính trên đầu người) còn rất hạn chế.

Đặc biệt, rất nhiều chuyên gia đã phân tích bài học thành công của Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế và thấy rằng thành công của Việt Nam là nhờ tổng hòa của nhiều yếu tố khác nhau.

Đó là các yếu tố: Môi trường chính sách thuận lợi (nỗ lực và quyết tâm chính trị cao; quốc gia hóa các mục tiêu MDGs thành các Mục tiêu phát triển Việt Nam; lồng ghép sâu rộng các mục tiêu này vào những kế hoạch, chiến lược, chính sách quan trọng, xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể và bố trí ngân sách phù hợp để đạt được mục tiêu…) và có một hệ thống y tế hoạt động hiệu quả và công bằng, với nền tảng là mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp.

Điểm sáng hiếm hoi trên quy mô toàn cầu

-Trong năm qua, Việt Nam được thế giới nhắc đến như là một điều kỳ diệu trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Bà nhìn nhận về ý kiến đánh giá này như thế nào?

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng: Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là quốc gia thành công nhất trong phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả với chi phí thấp. Với chiến lược “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị,” Việt Nam đã thành công trong việc ngăn chặn sớm nguồn lây, phát hiện sớm ca bệnh, truy vết nhanh, khoanh vùng cách ly kịp thời cũng như quản lý, điều trị tốt ca bệnh.

Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là quốc gia thành công nhất trong phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả với chi phí thấp.

Nhờ vậy, các tính huống đa dạng về dịch COVID-19 (ca bệnh lẻ, chùm ca bệnh lây nhiễm cộng đồng, dịch lây lan hạn chế trong cơ sở y tế) đều được kiểm soát hiệu quả trong thời gian ngắn nhất.

Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong bốn quốc gia đầu tiên phân lập được virus corona chủng mới. Chỉ trong một thời gian ngắn, Việt Nam đã chủ động sản xuất được máy thở, sinh phẩm chẩn đoán và bắt đầu thử nghiệm vắcxin ngừa COVID-19.

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trước đây, nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng với đặc thù về địa lý và quy mô dân số (nằm sát các vùng dịch lớn, đường biên giới dài, giao thương đường bộ, đường không và đường biển lớn, quy mô dân số lớn…), Việt Nam có nhiều nguy cơ trở thành điểm nóng của đại dịch COVID-19. Trên thực tế, nhiều quốc gia có các đặc điểm tương đồng về địa lý và quy mô dân số như Việt Nam đang trở thành những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 như Brazil, Pakistan, Indonesia…

Trên thực tế, nhiều quốc gia có các đặc điểm tương đồng về địa lý và quy mô dân số như Việt Nam đang trở thành những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 như Brazil, Pakistan, Indonesia…

Thực tế công tác phòng chống đại dịch COVID-19 tại Việt Nam trong 1 năm qua đã cho thấy bất chấp các yếu tố nguy cơ, bằng cách phát huy sáng tạo những thế mạnh sẵn có về thể chế và môi trường chính sách, về sức mạnh cộng đồng và hệ thống y tế với nền tảng vững chắc của mạng lưới y tế cơ sở…, Việt Nam đã trở thành điểm sáng hiếm hoi trên quy mô toàn cầu, là quốc gia ứng phó có hiệu quả nhất với đại dịch COVID-19, vừa khống chế dịch bệnh vừa đảm bảo sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Nền tảng ít quốc gia có được

-Theo bà, có phải hệ thống y tế cơ sở là điểm nhấn vững chắc để Việt Nam có được những thành công trong phòng chống dịch COVID-19?

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng: Những năm qua, ngành y tế Việt Nam xuyên suốt cách tiếp cận chiến lược “ưu tiên phòng bệnh hơn chữa bệnh,” với sự cam kết chính trị mạnh mẽ, mức độ đồng thuận rất cao của cộng đồng dân cư. Đặc biệt là có một mạng lưới y tế cơ sở và một hệ thống y tế dự phòng/ứng phó với những thảm họa về sức khỏe công cộng phát triển rộng khắp và vận hành hiệu quả.

Đây chính là những yếu tố thuận lợi mang tính nền tảng mà ít quốc gia có được, đã mang lại cho Việt Nam lợi thế so sánh rất lớn so với đa số quốc gia khác trong việc đối phó với các dịch bệnh mới bùng phát.

Các y bác sỹ với những nỗ lực cứu chữa cho bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các y bác sỹ với những nỗ lực cứu chữa cho bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Xét về góc độ hệ thống y tế, Việt Nam có một điểm mạnh mà ít quốc gia có được, đó là chúng ta đã dày công xây dựng và phát triển một mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp và vận hành hiệu quả, có đủ năng lực cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cũng như thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cơ bản cho cộng đồng dân cư.

Mạng lưới y tế cơ sở của chúng ta có nhiều ưu điểm vượt trội so với mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhiều quốc gia, đó là độ bao phủ rất cao, đảm bảo bao phủ tất cả các địa bàn dân cư, kể cả những khu vực rất khó tiếp cận về mặt địa lý; có sự gắn kết chặt chẽ, mật thiết với cộng đồng dân cư thông qua vai trò của các trạm y tế xã và đội ngũ nhân y tế thôn bản; tích hợp nhiều chức năng như khám chữa bệnh, dự phòng kế hoạch hóa gia đình, phục hồi chức năng nâng cao sức khỏe…

Mạng lưới y tế cơ sở có khả năng thực hiện hiệu quả các can thiệp y tế cá nhân cũng như cộng đồng, các can thiệp tại chỗ cũng như lưu động và đã tích lũy nhiều kinh nghiệm thực tế trong việc phòng chống các dịch bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng như SARS, cúm gà…

Lấy mẫu bệnh phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)
Lấy mẫu bệnh phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Do vậy, khi được kích hoạt để phục vụ công tác phòng chống đại dịch COVID-19, mạng lưới này đã vận hành hết sức hiệu quả, đảm bảo không có khoảng trống về độ bao phủ, phối hợp thực hiện hầu hết các hoạt động phòng chống dịch cơ bản như truy vết, sàng lọc, khoanh vùng cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm, tiêu độc khử trùng, thu dung điều trị tại chỗ, truyền thông vận động cộng đồng…

Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân

-Ngành y tế Việt Nam vẫn đang không ngừng đổi mới để hoàn thiện hệ thống vững mạnh. Vậy  mục tiêu quan trọng hàng đầu của ngành y tế hiện nay là gì, thưa bà?

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng: Bộ Y tế xác định việc đổi mới y tế cơ sở hướng tới thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu của ngành y tế hiện nay. Điều này là để đảm bảo mọi người dân, không loại trừ ai, đều được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế cần thiết khi có nhu cầu mà không gặp phải những rủi ro về tài chính.

Cán bộ y tế Trạm Y tế xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu  xuống các bản tuyên truyền cho bà con về chính sách y tế, phòng chống  bệnh tật. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)
Cán bộ y tế Trạm Y tế xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu xuống các bản tuyên truyền cho bà con về chính sách y tế, phòng chống bệnh tật. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)

Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là việc bảo đảm công bằng trong sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực cho chăm sóc sức khỏe và cải thiện khả năng bảo vệ tài chính.

Do vậy, bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân vẫn được xem là một mục tiêu đầy thách thức với mọi hệ thống y tế, đặc biệt tại những quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người thấp và trung bình.

Hiện nay, người ta cho rằng không một quốc gia nào có thể đạt được mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân nếu không có hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu đủ mạnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu được coi là lựa chọn thông minh, là chìa khóa để thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Luận cứ được thừa nhận rộng rãi này bắt nguồn từ ưu thế không thể tranh cãi của chăm sóc sức khỏe ban đầu về tác động sức khỏe, về hiệu quả sử dụng nguồn lực cũng như tính công bằng.

Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân vẫn được xem là một mục tiêu đầy thách thức với mọi hệ thống y tế.

Tại Việt Nam, đổi mới hệ thống y tế cơ sở đã được Đảng, Chính phủ và ngành y tế xác định là vấn đề trọng tâm ưu tiên (đã được nêu rõ trong Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương, Quyết định 2348 của Thủ tướng Chính phủ) để hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân cũng như các Mục tiêu Phát triển Bền vững về y tế.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương tích cực xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động về xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới và bước đầu đã mang lại những kết quả rất tích cực.

Có thể kể tới những thành quả như: Năng lực cung ứng dịch vụ cũng như chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu được cải thiện; hệ thống y tế cơ sở đáp ứng linh hoạt và hiệu quả hơn với xu hướng gia tăng các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm. Tiếp đó là sự tương tác giữa các tuyến chăm sóc sức khỏe trở nên linh hoạt và hiệu quả hơn, góp phần khắc phục tình trạng quá tải ở tuyến trên và trong khi tuyến dưới hoạt động dưới công suất.

Bên cạnh đó, ngành y tế cũng đang có những bước đột phá mạnh mẽ trong việc ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 trong công tác quản lý y tế và chăm sóc sức khỏe người dân…

Xin trân trọng cảm ơn phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng và xin chúc cho ngành y tế tiếp tục đạt được nhiều thành tựu trên hành trình đầy vẻ vang và tự hào!./.

Các y bác sỹ chúc mừng 27 bệnh nhân đã khỏi bệnh và được ra viện tại tỉnh Hải Dương ngày 26/2. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)
Các y bác sỹ chúc mừng 27 bệnh nhân đã khỏi bệnh và được ra viện tại tỉnh Hải Dương ngày 26/2. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)