Người đứng đầu tạo dấu ấn đổi mới

1111-1611283464-89.jpg

Cùng với việc củng cố xây dựng tổ chức Đảng, tạo sự chuyển biến rõ nét về phương thức, lề lối làm việc và nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng cũng như hiệu quả hoạt động của chính quyền, việc luân chuyển cán bộ từ Trung ương về địa phương được xem là khâu đột phá có tính chiến lược để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ tài – đức và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ…

Cá nhân trưởng thành, công việc hiệu quả

Ngày 7/10/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 98-QĐ/TW của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ. Đây là quy định đầu tiên về luân chuyển cán bộ, cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị (khóa IX) về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý.

Theo đó, công tác luân chuyển cán bộ phải đặt dưới sự lãnh đạo thường xuyên, trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy, tổ chức đảng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu; giải quyết tốt mối quan hệ giữa luân chuyển với ổn định và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên sâu; vừa coi trọng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác, vừa coi trọng mục đích bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận.

Ngày 7/10/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 98-QĐ/TW của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Ngày 7/10/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 98-QĐ/TW của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Nhìn lại công tác luân chuyển cán bộ từ Trung ương về địa phương trong thời gian qua, có thể thấy đây là một khâu đột phá có tính chiến lược. Rất nhiều cán bộ đã trưởng thành qua quá trình rèn luyện, thử thách ở địa phương và đã được điều động trở lại Trung ương, được Quốc hội bầu và phê chuẩn các chức danh quan trọng.

Tháng 3/2014, Bộ Chính trị luân chuyển, điều động 44 cán bộ Trung ương về các địa phương. Sau vài năm, 9 cán bộ đã được vào Trung ương khóa 12, có người làm bí thư tỉnh ủy, có người giữ chức bộ trưởng…

Đơn cử như việc chuẩn bị nhân sự lãnh đạo cấp ủy địa phương, cơ quan, đơn vị ở Trung ương cho nhiệm kỳ 2015-2020, tháng 3/2014, Bộ Chính trị, Ban bí thư đã quyết định luân chuyển đợt một với 44 cán bộ Trung ương; trong đó có 19 thứ trưởng và tương đương về các địa phương. Sau vài năm, 9 cán bộ đã được vào Trung ương khóa 12, có cán bộ làm Bí thư tỉnh ủy, có cán bộ giữ chức Bộ trưởng…

Trước khi được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng, Bí thư Đảng ủy Bộ Tài nguyên và Môi trường khóa III, nhiệm kỳ 2015-2020, ông Trần Hồng Hà đã có 8 năm làm Thứ trưởng, nhưng xen giữa giai đoạn này có một năm được điều động về công tác tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu theo hình thức luân chuyển cán bộ.

Trong thời gian được Ban bí thư Trung ương điều động luân chuyển về công tác tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (từ ngày 2/2/2009), tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2005-2010 phụ trách công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, ông xông xáo tham gia giải quyết công việc, từng bước rà soát những vấn đề tồn đọng và duy trì, củng cố nền nếp sinh hoạt Đảng; giải quyết những vụ việc vi phạm được cán bộ và người dân ủng hộ.

Đặc biệt, ông đã cùng Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành nhiều nghị quyết để lãnh đạo toàn diện các mặt về kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng đồng thời “xốc” lại tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức; phân công, gắn trách nhiệm cho từng đồng chí ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ bám sát cơ sở.

Trước khi được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng, Bí thư Đảng ủy Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Trần Hồng Hà đã có 8 năm làm Thứ trưởng nhưng xen giữa giai đoạn này có một năm được điều động về công tác tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu theo hình thức luân chuyển cán bộ. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Trước khi được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng, Bí thư Đảng ủy Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Trần Hồng Hà đã có 8 năm làm Thứ trưởng nhưng xen giữa giai đoạn này có một năm được điều động về công tác tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu theo hình thức luân chuyển cán bộ. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Ông Hà nhấn mạnh rằng công tác xây dựng và phát triển đảng viên là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, từ nhiệm vụ này sẽ góp phần giúp địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ để phát triển kinh tế xã hội, cũng như huy động và tập hợp được công tác lãnh đạo, chỉ đạo để hoàn thành được các nhiệm vụ chính trị cũng như chuyên môn.

Chính vì thế, ở địa phương cũng như Trung ương, đây là một trong những công tác luôn luôn đi đôi với xây dựng Đảng, với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xây dựng tổ chức bộ máy. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, ông Hà cho rằng luôn phải có sự thống nhất, tức là các chủ trương phải “đi trước một bước.”

Cùng với đó, việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng phải trở thành một công việc hết sức quan trọng, bởi nếu có chủ trương, có đường lối mà không thể chế hóa, không quy định được thì công tác quản lý sẽ không thể hiệu quả. Bất kỳ một tổ chức đảng nào, từ chủ trương đến pháp luật, quan trọng nhất là khi thống nhất quán triệt tổ chức thực hiện thì tránh “mang tính hình thức” và làm sao chủ trương, nghị quyết đó của Đảng hay văn bản pháp luật đó của Nhà nước phải được triển khai cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và từng vị trí cụ thể.

Một điểm hết sức quan trọng mà ông Hà nhấn mạnh là phải đổi mới nội dung và hình thức công tác sinh hoạt Đảng – đây là một hoạt động, trách nhiệm của đảng viên. “Khi bàn một chủ trương lớn cần tập trung vào nhiệm vụ tổ chức đảng mà chúng ta với tư cách là hạt nhân. Chúng ta bàn và lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ chính trị của tổ chức của chúng ta thì khi đó mới thiết thực và chúng ta mới thấy nội dung sinh hoạt Đảng nó có ý nghĩa, tránh hình thức,” ông Hà nhấn mạnh.

Ngoài ra, trách nhiệm phối hợp giữa các tổ chức đảng với các tổ chức chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị cũng là yếu tố rất quan trọng. Do đó, công tác về cán bộ, về quy hoạch, công tác về đánh giá cán bộ, bổ nhiệm cán bộ luôn luôn phải được thống nhất bằng các tiêu chí đánh giá về mặt phẩm chất, chính trị, tư tưởng.

Đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời câu hỏi phỏng vấn của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về công tác xây dựng và phát triển Đảng ở Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường. (Video: Hùng Võ/Vietnam+)

Đi đôi với kết quả trên là thực hiện được nhiệm vụ chính trị.

“Hay nói cách khác, khi tôi làm công tác về chính quyền hay khi tôi ở dưới địa phương làm về công tác Đảng, tôi cũng luôn luôn thấy cần phải có một cơ chế và thực chất phối hợp giữa cấp ủy với chính quyền, điều đó là hết sức quan trọng,” ông Hà chia sẻ.

Luân chuyển cán bộ là “bước đệm” trưởng thành

Cho rằng việc luân chuyển cán bộ về cơ sở có ý nghĩa rất quan trọng để tạo nguồn cho cán bộ kế cận của Đảng, ông Hà khẳng định “đây là điều hết sức tâm đắc.”

Đặc biệt, theo ông Hà, nếu làm việc một lĩnh vực mà liên quan hết sức chặt chẽ với người dân như tài nguyên và môi trường mà không luân chuyển, không ở địa phương, không nắm được, không hiểu được công tác xây dựng Đảng, không nắm đựơc cơ sở, không hiểu được thực tế, không hiểu được tâm tư nguyện vọng người dân thì rất khó trưởng thành và làm tốt vai trò, trách nhiệm của người cán bộ.

“Chính vì thế, ở lĩnh vực này, tôi cho rằng bất cứ ai nếu được luân chuyển về cơ sở, nói cách khác là ‘bồi dưỡng’ hay ’đi học’ ở các cơ sở là điều rất cần thiết. Tất nhiên tôi cũng suy nghĩ rằng vấn đề này, các cơ quan tham mưu của Đảng sẽ có nghiên cứu, có nhất thiết lĩnh vực nào cũng cần phải đi không? có phải ai cũng cần phải đào tạo và luân chuyển hay không? nó còn phụ thuộc từng lĩnh vực, nhưng riêng lĩnh vực của chúng tôi thì rất cần phải có luân chuyển,” ông Hà nhấn mạnh.

“…tôi cho rằng bất cứ ai nếu được luân chuyển về cơ sở, nói cách khác là ‘bồi dưỡng’ hay ’đi học’ ở các cơ sở là điều rất cần thiết…,” ông Trần Hồng Hà. 

Thực tế đã chứng mình luân chuyển cán bộ là công việc mang tính khoa học. Việc điều động, phân công cán bộ dựa trên cơ sở công khai đánh giá đúng đắn trình độ, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ đó, môi trường và địa bàn, cương vị công tác mà cán bộ đó có thể phát huy hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ. Điều đó cũng cho thấy việc luân chuyển xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ thực tế đặt ra ở các địa phương hay ở các cơ quan trung ương để phân công và điều động cán bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng: “Trước khi trao công tác, cần bàn bạc kỹ với cán bộ. Nếu họ gánh vác không nổi, chớ miễn cưỡng trao việc đó cho họ. Khi đã trao cho họ, phải hoàn toàn tin họ. Không nên sớm ra lệnh này, trưa đổi lệnh khác.” Tuy nhiên, khi luân chuyển cán bộ, phải đặt lợi ích chung lên trên hết, kiên quyết chống bản vị, cục bộ địa phương, hoặc vì thân quen, cánh hẩu. Làm ngược lại sẽ rơi vào tình trạng “chính sách thì đúng, cách làm thì sai” với những toan tính cá nhân của một số người có động cơ không trong sáng.

Đặc biệt là kiên quyết không để xảy ra việc lợi dụng chủ trương luân chuyển cán bộ để điều động, đẩy người trung thực, thẳng thắn, người có năng lực thực sự, nhưng không hợp với mình đi nơi khác.

Trong ảnh: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II diễn ra từ ngày 11 - 19/2/1951 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Trong ảnh: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II diễn ra từ ngày 11 – 19/2/1951 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Trong việc luân chuyển cán bộ cần quan tâm đưa cán bộ lý luận ở các cơ quan nghiên cứu ở trung ương về địa phương với phương thức đi thực tế dài hạn và có thể làm công tác lãnh đạo, quản lý ở địa phương. Cũng có thể điều động những cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương có khả năng lý luận, khả năng tổng kết thực tiễn lên các cơ quan lý luận của trung ương, góp phần giúp Trung ương nghiên cứu và tổng kết thực tiễn, để làm sáng tỏ những vấn đề lý luận của cách mạng Việt Nam.

Từ kinh nghiệm cơ sở phát triển Đảng bộ vững mạnh

Với sự phấn đấu, rèn luyện, hoàn thành nhiệm vụ được giao trong thời gian luân chuyển, từ tháng 7/2010, ông Trần Hồng Hà được điều động trở lại Bộ Tài nguyên và Môi trường và được bổ nhiệm tham gia Ban Cán sự Đảng, giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đến tháng 4/2016, ông được Quốc hội Khóa XIII phê chuẩn giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho đến nay.

Từ kinh nghiệm phát triển Đảng ở địa phương đã góp phần tạo dấu ấn đổi mới đối với công tác phát triển Đảng ở Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông chia sẻ: “Nhận thức được tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng, mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương, giữa các tổ chức Đảng, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện một cách nhuần nhuyễn giữa hoạt động của ban lãnh đạo, ban cán sự với ban chấp hành Đảng ủy trong quá trình triển khai thực hiện.”

Bên cạnh đó, việc xây dựng được tiêu chí, có định hướng để tạo lực lượng kế cận tham gia vào Đảng, làm sao để mỗi cán bộ, nhân viên thấy tự hào, niềm vinh dự khi được tham gia Đảng cũng là việc mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng trong quá trình bồi dưỡng, đào tạo, để từ Đoàn thanh niên, từ các cán bộ chưa phải là đảng viên thấy khi vào Đảng sẽ được tham gia nhiều hơn, có trách nhiệm hơn và có những không gian để có thể nắm bắt được các vấn đề tốt hơn.

“Những việc đó cũng giúp cho mỗi cán bộ có cơ hội được rèn luyện trong những môi trường tốt hơn. Trong thời gian vừa qua ở ngành/bộ chúng tôi, vấn đề chỉ tiêu phát triển Đảng lúc nào cũng được chú trọng. Nhờ đó, đội ngũ đảng viên không ngừng tăng lên và ngày càng phát triển vững mạnh,” ông Hà chia sẻ.

“…trong thời gian vừa qua ở ngành chúng tôi, vấn đề chỉ tiêu phát triển Đảng lúc nào cũng được chú trọng,” ông Trần Hồng Hà.

Với tư cách là Đại biểu tham dự Đại hội XIII của Đảng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Vì thế, trong giai đoạn phát triển tới, đặc biệt là trong các dự thảo Văn kiện, dựa trên các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, sự nhất trí cao của Trung ương và trên cơ sở trí tuệ của các nhà khoa học, người dân, sẽ có rất nhiều lựa chọn để phát triển.

“Ngành tài nguyên và môi trường cũng có rất nhiều đóng góp về nội dung và xác định các mục tiêu, giải pháp quan trọng vào trong các Nghị quyết. Tôi tin tưởng khi Nghị quyết được thông qua, cùng với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, những Văn kiện quan trọng, các Nghị quyết quan trọng của Trung ương đối với ngành sẽ được cụ thể hóa và huy động được các bên tham gia, để nhận thức của mỗi người đều có sự thống nhất cao và góp phần xây dựng, bảo vệ môi trường sống tốt hơn,” ông Hà chia sẻ./.

Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc với đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, vào ngày 23/5/2020. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc với đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, vào ngày 23/5/2020. (Nguồn ảnh: TTXVN)