Đồng thầy đưa tín ngưỡng thờ Mẫu ra quốc tế

0174-1609464930-47.jpg

Dù được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể lâu đời của Việt Nam, tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn ít nhiều bị nhìn nhận là mê tín dị đoan, thậm chí bị coi là lừa đảo, bịp bợm. Trước thái độ nghi ngờ mà nhiều người dành cho góc văn hóa dân gian truyền thống lâu đời này, tôi tìm gặp nghệ nhân văn hóa Nguyễn Đức Hiển để nghe chia sẻ của người đồng thầy đã có thời gian nghiên cứu, học tập tại nước ngoài.

Tiếp xúc với ông, tôi hết sức ngạc nhiên khi biết ông còn mang học vị Thạc sỹ ngành Văn hóa và giáo dục được cấp tại Thụy Điển, là Uỷ viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu văn hoá tín ngưỡng Việt Nam (trực thuộc Hội nghiên cứu khoa học về Đông Nam Á – Việt Nam), là “đại sứ văn hóa” giới thiệu về hầu đồng trên kênh truyền hình quốc tế CNN, cũng là người đầu tiên đưa trang phục hầu đồng lên sân khấu thời trang đương đại…

Có lẽ nhiều người cũng không ngờ được rằng một gương mặt có học vị, chức danh với nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy về văn hóa và giảng dạy môn tiếng Anh lại lựa chọn tín ngưỡng thờ Mẫu này làm lẽ sống.

Chính tín ngưỡng này đã giúp ông đi tới nhiều nơi, làm được nhiều điều. Với một tình yêu chân thành và tự nhiên nhất, ông tiếp tục hòa vào tín ngưỡng ấy để phát triển, thực hành công việc thiết kế thời trang khăn chầu áo ngự, mở phủ tiên hương của riêng mình với nguyện vọng giúp đỡ những người có căn số được trình đồng.

Người ta thường hay dùng hai chữ “có căn” để nói về những thanh đồng, thầy đồng chuyên thực hiện tín ngưỡng thờ Mẫu. Song đối với nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển, ông gọi đó là “căn duyên” – nhờ duyên mới có căn quả.

Sinh ra tại làng hoa Ngọc Hà, Hà Nội, đồng thầy Nguyễn Đức Hiển lớn lên trong một gia đình có truyền thống thực hành nghi thức diễn xướng hầu đồng. Từ nhỏ, ông đã có cơ hội theo mẹ và bà ngoại tới xem những giá đồng của các đồng thầy khác, đôi khi là giá đồng của chính bà hoặc mẹ. Với niềm tự hào, ông kể rằng những cơ duyên trong đời ông hầu hết đều bắt nguồn từ chính tín ngưỡng thờ Mẫu.

“Ngay từ khi còn bé, hình ảnh của những vị thánh nhân đất Việt của ‘đạo Mẫu’ đã in vào tâm trí tôi, những mảng màu sắc rực rỡ đã thu hút tôi,” người nghệ nhân chia sẻ.

Khi vào đại học, cậu thanh niên Nguyễn Đức Hiển bắt đầu thực hành nghi thức hầu đồng. Nhưng không muốn chỉ dừng lại ở thực hành tín ngưỡng, cậu vẫn muốn tìm hiểu, nghiên cứu nghiêm túc và bài bản về các tín ngưỡng, tôn giáo nói chung, đặc biệt là trong môi trường quốc tế.

Đó là lý do sau khi tốt nghiệp 2 ngành Anh văn và Kinh tế-Luật tại Việt Nam, đồng thầy Nguyễn Đức Hiển dành thêm 2 năm để theo học bậc Thạc sỹ, chuyên ngành Văn hóa và giáo dục tại trường Đại học Dalarna, Thụy Điển.

Nhờ thế mà sự cởi mở, linh động trong môi trường quốc tế của ông dần hình thành và trở thành một thế mạnh. Cùng với đó, ông có không ít lần được mời giảng dạy các tiết học, bộ môn liên quan tới tín ngưỡng dân gian tại nhiều trường đại học lớn nhỏ ở Việt Nam.

Nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển kể rằng ông đã nhiều lần đi nước ngoài để diễn xướng cho các nhóm kiều bào, tạo cơ hội cho họ tiếp xúc, tìm về văn hóa dân gian. Nhưng kể từ 2016, khi tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ-Tứ phủ của người Việt chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, những chuyến đi hầu đồng xuyên biên giới mang đến cảm giác khác hẳn cho ông.

Đồng thầy Nguyễn Đức Hiển trong trang phục hầu giá công chúa Nguyệt Hồ tại phủ Tiên Hương của ông, Quốc Oai, Hà Nội. (Ảnh: NVCC)
Đồng thầy Nguyễn Đức Hiển trong trang phục hầu giá công chúa Nguyệt Hồ tại phủ Tiên Hương của ông, Quốc Oai, Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

“Đi diễn cho bạn bè ở nước ngoài đã là một niềm tự hào, nhưng đi với tư cách đại diện cho Việt Nam để truyền tải nét đẹp văn hóa từ xa xưa là niềm vinh dự và vui mừng khôn xiết của tôi,” người nghệ nhân chia sẻ.

Ông trở thành một gương mặt tiêu biểu trong giới hoằng dương thờ Mẫu, thường xuyên nhận lời mời tham gia các sự kiện văn hóa hữu nghị-quốc tế như chương trình giao lưu diễn xướng tại Festival văn hóa 29 nước ASEAN tại Nam Ninh, Trung Quốc (2016), Hội thảo giao lưu văn hóa Việt Nam-Ấn Độ (2018), giao lưu với trường đào tạo múa tại Singapore, biểu diễn nghi thức hầu đồng theo lời mời của ông Vũ Bình, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Fukyoka, Nhật Bản (2019)…

Phủ Tiên Hương của đồng thầy Nguyễn Đức Hiển. (Ảnh: NVCC)
Phủ Tiên Hương của đồng thầy Nguyễn Đức Hiển. (Ảnh: NVCC)

Năm 2018, kênh truyền hình CNN của Mỹ đã tới Việt Nam để thực hiện chương trình “Destination Hanoi” (một chương trình du lịch, khám phá văn hóa). Phóng sự đã giới thiệu về tín ngưỡng dân gian này. Cùng với vở diễn “Tứ phủ” của đạo diễn Việt Tú, đồng thầy Nguyễn Đức Hiển và phủ Tiên Hương của ông ở Quốc Oai, Hà Nội đã được chọn để lên sóng.

Đây là ngôi phủ do chính ông xây dựng nên, vừa dùng làm nơi lưu trữ, giao lưu văn hóa quốc tế, vừa giúp đỡ những người có căn quả được trình đồng mà không phải chi trả những khoản tốn kém ngoài khả năng của họ và không phải phụ thuộc vào những chủ đền khác.

Càng đi, càng học, càng tìm hiểu, đồng thầy Nguyễn Đức Hiển càng có cái nhìn đúng đắn về tín ngưỡng mình đang theo. “Tôi không hề băn khoăn về con đường mình đi. Để trở thành một đồng thầy thì tôi hoàn toàn phải có căn duyên để có thể mang theo sứ mệnh truyền bá những giá trị cốt lõi của tín ngưỡng này,” ông chia sẻ một cách thẳng thắn.

Video đồng thầy Nguyễn Đức Hiển nói tiếng Anh, giới thiệu về tín ngưỡng thờ Mẫu trong chương trình “Destination Hanoi”

Hiểu rõ mục tiêu cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu, ông không hề cảm thấy dè dặt về những điều mình làm. “Mục đích, giá trị sâu xa ở đây chính là hướng về tổ tiên nguồn cội, báo ơn các vị thánh nhân đất Việt cũng như những bậc anh hùng có công xây dựng đất nước trong văn hóa dân gian. Để cộng đồng đều hiểu và trân trọng điều ấy, gánh nặng trước tiên sẽ thuộc về những người đang thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, như tôi vậy,” thạc sỹ Nguyễn Đức Hiển chia sẻ.

Việc đưa tín ngưỡng thờ Mẫu lên sân khấu từng vướng phải nhiều hoài nghi, đặc biệt là lo ngại thầy đồng sẽ bỏ phía sau cả hệ giá trị văn hóa, chỉ mang đến sự trình diễn, những động tác phỏng theo hầu đồng thật.

Tuy nhiên, nhờ có những vở “Ngũ Biến” (đạo diễn: cố nghệ sỹ nhân dân Anh Tú) đạt giải “Vở diễn hay nhất,” nghệ sỹ nhân dân Lệ Ngọc đạt ”Nghệ sỹ biểu diễn xuất sắc” tại Liên hoan-Diễn đàn Sân khấu Trung Quốc-ASEAN thì nghi thức hầu đồng dần khẳng định giá trị của mình, có được sự yên tâm của những người thực sự quan tâm tới tín ngưỡng dân gian này của Việt Nam.

“Nếu có điều kiện, tôi mang cả đội cung văn và tay quỳnh, tay quế đi theo để đàn hát,” nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển chia sẻ về cách ông tái tạo không khí của một buổi hầu đồng trên sân khấu quốc tế. “Còn nếu tài chính không cho phép thì tôi dùng âm nhạc đã được thu vào USB. Như vậy là đủ dựng lại không gian diễn xướng nghi lễ hầu đầu đồng của ‘đạo Mẫu’ ở bất cứ đâu, trở thành một sản phẩm đóng gói hoàn chỉnh về cả mặt nghệ thuật, tâm linh và thụ cảm,” người nghệ nhân chia sẻ.

Thay cho công đồng, để cho mọi thứ đầy đủ tươm tất, ông bày trước trước mặt một ban thờ nhỏ, ở trên đặt mâm ngũ quả, lọ hoa, đôi nến, giữa là một đỉnh trầm nhỏ. “Khi tôi diễn xướng thì trầm được đốt lên, nến cũng được thắp để tạo vẻ linh thiêng chốn đền phủ trong lòng khán giả.”

Nghệ nhân văn hóa trình diễn giá Quan Hoàng Mười trong chương trình ‘Tín ngưỡng thờ Mẫu - Điểm hẹn tâm linh của người Việt’ tại Hà Nội năm 2018. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nghệ nhân văn hóa trình diễn giá Quan Hoàng Mười trong chương trình ‘Tín ngưỡng thờ Mẫu – Điểm hẹn tâm linh của người Việt’ tại Hà Nội năm 2018. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trước sự phân vân của phóng viên về rào cản ngôn ngữ có thể khiến khán giả không hiểu nội dung của màn trình diễn, nghệ nhân cho biết ông đã vận dụng thế mạnh về ngoại ngữ của mình.

“Trước buổi diễn xướng, tôi đã dịch sẵn sang tiếng Anh những lời hát văn, lời giới thiệu sơ lược về các thánh nhân được diễn xướng buổi hôm đó rồi phát cho khán giả. Nhờ đó, họ sẽ hiểu tính cách của những vị thánh ấy, những điều họ đã làm khi ở trần thế, vì sao họ được tôn thánh và thờ phụng…” ông cho biết

“Khi tôi diễn xướng, hình ảnh của những vị thánh sẽ lại hiện lên. Cùng với âm nhạc, khán giả hoàn toàn có thể ‘feel’ (cảm nhận) cùng tôi, cảm nhận giống tôi và thực chứng, tôi thấy họ tỏ ra cực kỳ thích thú”, nghệ nhân kể lại.

Tiếp nối mạch tự hào, năm 2019, đồng thầy Nguyễn Đức Hiển trở thành người đầu tiên đưa khăn chầu áo ngự trong nghi thức hầu đồng lên sân khấu của chương trình “Tuần lễ thời trang và làm đẹp quốc tế tại Việt Nam.”

Kết hợp với ông là người thợ thêu lành nghề kiêm nhà đồng thiết kế Nguyễn Điển và thợ thêu Phạm Loan của làng Đông Cứu, Thanh Trì – làng nghề truyền thống của đất Kinh kỳ xưa, nổi tiếng với tay nghề cao, cho ra những trang phục thêu thủ công hoàn toàn, vừa đẹp mắt, vừa phản ánh đúng những giá trị lịch sử của quan chức trong triều đình khi xưa.

Video đồng thầy Nguyễn Đức Hiển chia sẻ về những thiết kế khăn chầu áo ngự đẹp mắt và buổi trình diễn trang phục hầu đồng trên sân khấu hiện đại năm 2019:

Để thiết kế nên bộ khăn áo vừa đẹp về hình thức, vừa đẹp và đúng về yếu tố tâm linh, ý nghĩa văn hóa, nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển phải có hiểu biết sâu sắc, hiểu về quy tắc màu sắc tương ứng với cả vị thánh, quy tắc sử dụng các loại hoa văn, họa tiết có trên áo…

Đối với một người yêu cái đẹp như ông, thiết kế và ngắm nhìn những thiết kế của mình được biểu diễn trên sân khấu hiện đại là một trong những trải nghiệm đẹp đẽ và viên mãn nhất.