Người ‘săn’ hình ảnh

biatranhong-1608518179-26.jpg

Gần tới Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12, Đại tá Trần Hồng càng bận rộn với những cuộc họp mặt, lễ kỷ niệm và các sự kiện của ngành. Cả là năm nay, ông tất bật chuẩn bị cho phòng trưng bày 103 bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Khu Công nghiệp Nam Cầu Kiền, thành phố Hải Phòng.

Ông tự tay đi phóng ảnh, giám sát quá trình xử lý, gửi ảnh về Hải Phòng rồi khảo sát quá trình tổ chức. Ông đã xuất bản 4 cuốn sách ảnh và tổ chức nhiều triển lãm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đối với ông, “hạnh phúc nhất cuộc đời là được cầm máy ảnh” và “may mắn nhất trong đời là được chụp rất nhiều ảnh về Đại tướng.”

Gác lại công việc còn bộn bề, đại tá, nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng niềm nở tiếp khách vào một ngày đông giá rét. Ở cái tuổi ngoại thất thập, ông vẫn còn rất tinh anh. Những câu chuyện của ông đem lại cho người đối diện thật nhiều cảm xúc về một thời gian khó để có những tấm hình tư liệu quý giá về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Sinh năm 1947 tại Hà Tĩnh, đại tá Trần Hồng tốt nghiệp khóa 1 (1969-1973) trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Ông cũng là chiến sỹ Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn.

Trở thành phóng viên ảnh báo Quân đội Nhân dân từ năm 1973, cùng năm, lần đầu tiên ông được giao nhiệm vụ chụp ảnh người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam từ phía xa.

Trở thành phóng viên ảnh báo Quân đội Nhân dân từ năm 1973, cùng năm, lần đầu tiên ông được giao nhiệm vụ chụp ảnh người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam từ phía xa.

“Những cú bấm máy lúc ấy phải tính toán kỹ lưỡng, không được phép sai sót vì máy ảnh và phim là hai thứ rất quý, không thể lãng phí và sử dụng tùy tiện. Tôi còn nhớ, khi đi thực tập, mỗi người chỉ được phép chụp 5 tấm thôi,” ông kể lại.

Tới tháng 10/1994, nhà báo Trần Hồng được tiếp cận gần gũi với Đại tướng. Khi ấy, ông đến nhà riêng của Đại tướng xin được chụp ảnh, song không thuyết phục được người thư ký. Trần Hồng buồn bã, định ra về thì Đại tướng xuất hiện và bảo “cứ để cậu ấy vào.”

Người thư ký không hề biết phía sau cánh cửa Trần Hồng và Đại tướng đã trò chuyện những gì, chỉ biết rằng, 5 giờ sáng hôm sau, người phóng viên ảnh gầy gò ấy lại đến nhà Đại tướng ở cho đến 9 giờ tối mới về. Kết quả, Trần Hồng đã có được thiên phóng sự “Một ngày với Đại tướng” mà ông vô cùng tâm đắc.

Đại tá Trần Hồng kể, rất nhiều người khi gặp ông đã đặt câu hỏi, vì cớ gì mà ông lại được may mắn chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều đến thế? Vì cớ gì ông lại được Đại tướng lựa chọn, cho phép ông có thể đến gặp và chụp ảnh Đại tướng bất cứ lúc nào…? Rồi ông bảo, đó là một câu hỏi khó, không dễ trả lời, có lẽ đó là vì một cơ duyên nào đó…

Có lần, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng hỏi ông: “Trần Hồng ơi, sao cậu chụp ảnh tớ nhiều thế?” Trần Hồng trả lời: “Thế sao Đại tướng lại cho em chụp ảnh nhiều như vậy?” “Lúc đó, khi nghe xong câu nói của tôi, Đại tướng chỉ cười, một nụ cười hiền mà tôi không bao giờ quên được,” đại tá Trần Hồng nhớ lại.

Ông tự nhận mình là người chụp ảnh không giỏi, chỉ trung bình. Ngay cả máy ảnh ông sử dụng, ông cũng bảo, nó chỉ thuộc loại “xoàng” chứ không “xịn” như của nhiều nhiếp ảnh gia khác. Bởi thế, với ông, việc được chụp ảnh Đại tướng nhiều có lẽ chỉ nhờ một chữ “nhân duyên.”

Là người có vinh dự được chụp ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong nhiều năm, đại tá, nhà báo Trần Hồng đã lưu giữ lại cho thế hệ mai sau những hình ảnh độc đáo, rất đời thường, dung dị.

Lần tiếp xúc mà Trần Hồng nhớ nhất chính là một ngày ở nhà Đại tướng. Câu chuyện bắt đầu từ khi vị tướng tài ba tập thể dục và ngồi thiền buổi sáng. Đại tướng biết Trần Hồng đang say sưa chụp ảnh, nên ông cũng tập lâu hơn thường ngày nhằm tạo điều kiện cho chàng phóng viên trẻ tác nghiệp ở những góc độ khác nhau. Xong xuôi, Đại tướng cười hiền: “Hôm nay có cậu chụp nên tôi tập nhiều hơn thường ngày, có hơi mệt đấy.”

Đến bữa, Trần Hồng xúc động khi thấy mâm cơm của Đại tướng và phu nhân Đặng Bích Hà trong ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu có một đĩa muối, một đĩa rau và hai quả trứng. Ông kể lại: “Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh hai quả trứng cứ lăn qua lăn lại. Đại tướng nói: ‘Em ăn đi! Cứ gắp cho anh nhiều thế?’ Tôi nghe được trọn vẹn giọng nói thương yêu, trìu mến, nhanh tay bấm được bức ảnh rồi mắt chớp lệ nhòa.”

Hôm đó, rất nhiều lần tay của người phóng viên ảnh run lên bởi mỗi khi giơ máy lên là cảm xúc trào dâng. Nhiều lúc Trần Hồng run rẩy, không bình tĩnh được bởi ông được tận mắt nhìn thấy một vị Đại tướng làm quân thù khiếp vía nhưng rất đỗi bình dị, gần gũi trong cuộc sống đời thường.

Nhiều lúc Trần Hồng run rẩy, không bình tĩnh được bởi ông được tận mắt nhìn thấy một vị Đại tướng làm quân thù khiếp vía nhưng rất đỗi bình dị, gần gũi trong cuộc sống đời thường.

Bên cạnh bộ ảnh đời thường, Trần Hồng còn có những bộ ảnh “độc” khi Đại tướng đi công tác Cao Bằng, về thăm chiến trường Điện Biên, Đại tướng với bạn bè quốc tế và đặc biệt là khoảng thời gian 1.559 ngày Đại tướng nằm điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (từ năm 2009 cho đến năm 2013, khi Đại tướng mất). Suốt thời gian đó, đại tá Trần Hồng thường xuyên vào thăm Đại tướng trong bệnh viện, mang cho Đại tướng xem những bức ảnh ông đã chụp.

“Có một ngày, Đại tướng trông rất buồn, các cán bộ, bác sỹ chăm sóc đều cảm thấy lo lắng không hiểu vì sao, về sau mới hay rằng, ngày hôm đó, căn phòng được dọn dẹp, bài trí lại cho đẹp hơn nhưng bức ảnh chân dung hai vợ chồng Đại tướng thì chưa được treo về vị trí cũ, nơi mà từ giường bệnh, ông vẫn thuận tiện ngắm nhìn,” nhà báo Trần Hồng trầm ngâm kể lại.

Khi xem những bức ảnh Đại tá Trần Hồng chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã nhận xét Trần Hồng đã chụp những bức ảnh ở khoảng cách gần, với tâm thế như con ngắm cha, như cháu ngắm ông.

“Đó là cái nhìn của người thân trong một gia đình ấm cúng. Vì thế, Trần Hồng cho chúng ta nhiều bức ảnh có giá trị. Đặc biệt là giá trị tư liệu. Như bức ảnh ông chơi với cháu, ông bà dùng bữa cơm đạm bạc, rồi ông chơi đàn, ông tập thiền… Những hình ảnh đó cho chúng ta hiểu được, Võ Nguyên Giáp không chỉ là vị tướng huyền thoại, ông còn là một người cha chu đáo, một người ông hiền từ, một nghệ sỹ phiêu lãng…,” nhà thơ Trần Đăng Khoa đánh giá.

Nói về cảm xúc của mình khi được chụp ảnh về đại tướng, nhà báo Trần Hồng bảo rằng dù Đại tướng đã đi xa nhưng hình ảnh vị anh cả của quân đội vẫn luôn trong trái tim ông, rạng rỡ, tươi cười và luôn là tượng đài tinh thần vững chắc.

Bên cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những bà mẹ Việt Nam là chủ đề lớn mà nhiếp ảnh gia Trần Hồng đam mê theo đuổi trong suốt hơn 40 năm cầm máy.

Từng là một người lính bước ra từ chiến trường, nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng hiểu được sự hy sinh, nỗi đau mất mát và nghị lực của các bà mẹ Việt Nam. Theo đuổi những bức hình đề tài “mẹ” từ khi biết cầm máy ảnh, ông đã ghi lại rất nhiều chân dung của những người mẹ Việt Nam, trong đó có các Mẹ Việt Nam Anh hùng, những người mẹ với nỗ lực vươn lên để thành công, hay đơn giản là một người phụ nữ bình thường với thiên chức cao quý – làm mẹ.

Theo đuổi những bức hình đề tài “mẹ” từ khi biết cầm máy ảnh, ông đã ghi lại rất nhiều chân dung của những người mẹ Việt Nam

Đại tá Trần Hồng chia sẻ: “Trải qua những cuộc chiến tranh, các bà mẹ Việt Nam đã phải chịu đựng vô vàn mất mát, đau khổ. Tôi đã đi khắp nơi, từ vùng này đến vùng khác, chụp bà mẹ này đến bà mẹ khác. Mỗi khi cầm máy, tôi lại nhớ đến mẹ của mình. Đó chính là nguyên nhân khiến tôi say mê theo đuổi từ khi ra trường năm 1973 cho đến nay và càng chụp càng cảm thấy hứng thú. Sự hy sinh cao cả, sự chịu đựng khổ đau hiện lên rất rõ trong ánh mắt.”

Năm 1992, Đại tướng đến dự triển lãm ảnh về các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tại nhà triển lãm số 45 Tràng Tiền của Trần Hồng. Đại tướng thân tình hỏi: “86 bức ảnh chân dung Mẹ, Trần Hồng thích ảnh nào nhất?” Trần Hồng thẳng thắn đáp rằng ông thích cả 86 ảnh vì tất cả đều là tâm huyết của ông và ông sẽ chịu trách nhiệm đến cùng với thành quả lao động của mình. Câu trả lời giản dị nhưng khiến Đại tướng hài lòng. Đại tướng đã viết mấy chữ đề tặng triển lãm: “Những tấm ảnh (những bức tranh) như thơ, như nhạc. Qua những hình ảnh ghi lại, người xem rất xúc động với những tình cảm, những nỗi đau thương và những niềm vui. Qua những con mắt làm cho người xem nhớ mãi. Chúc Trần Hồng, người nghệ sỹ-chiến sỹ có nhiều tác phẩm lớn. (Ngày 23/12/1992. Ký tên: Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Chính bởi vì đối với Trần Hồng, Đại tướng là một tượng đài, nên nhà báo-chiến sỹ Trần Hồng rất tự nhiên đã tiếp thu được tinh thần và nhân cách của Đại tướng từ những việc nhỏ nhất.

Trong suốt những lần cầm máy đi theo Đại tướng, Trần Hồng hiểu rằng Đại tướng là con người thẳng thắn, ghét dối trá, nên ông luôn tâm niệm rằng “nghề báo phải đi đến tận cùng sự thật” và “sự thật là chân lý, là sức thuyết phục mạnh nhất.”

Khi được hỏi rằng ông có lời khuyên nào cho những tay máy trẻ, Trần Hồng cũng vẫn lặp lại điều này. “Bạn chỉ có một giây để ghi lấy sự thật trong khoảnh khắc, cho nên bức ảnh phải làm sao cho thật ‘đắt.’ Ảnh báo chí tuyệt nhiên không khi nào được dùng kỹ xảo để chỉnh sửa ảnh, không được chắp ghép. Ảnh báo chí là sự thượng tôn đối với sự thật, không được lừa dối bạn đọc,” ông nói.

Ngoài ra, ông nhấn mạnh một điều là làm gì cũng cần sự đam mê. Bất kỳ việc gì, cứ có đam mê là đã thành công đến 50% rồi, nửa còn lại do may mắn hoặc các yếu tố khách quan khác.

“Nếu nói rằng tôi thành công ở mảng ảnh về Đại tướng, thì điều đó là nhờ tôi say mê chụp và chụp rất nhiều,” ông chia sẻ.

“Hãy sống với đam mê của mình, vì mỗi người đều có một sức ảnh hưởng nhất định trong cuộc đời này. Hãy lắng nghe tất cả những lời khen chê, đừng vì được tán dương mà để ‘trọng tâm rơi khỏi chân đế.’ Và, cuối cùng, hãy giữ sự hồn nhiên, dù ở độ tuổi nào,” ông nói.

Tạm biệt người lính già cả đời gắn mình với nhiếp ảnh khi phố đã lên đèn, tôi nhớ mãi những lời khuyên của ông. Đó cũng chính là cách sống của Trần Hồng: Tràn đầy năng lượng tích cực và nụ cười luôn thường trực trên môi./.