Hạnh phúc nở hoa

tranthisen-1608476226-96.jpg

13 năm trước, sau khi phát hiện nhiễm HIV, khổ tâm, dằn vặt lại thêm bị tất cả mọi người hắt hủi, nhiều khi chị chỉ muốn chết. Những người xung quanh và cả gia đình chồng chị phân biệt, kỳ thị chị tới từng chiếc bát, cái đũa. Họ nhìn thấy gia đình chị là xua đuổi…

Nuốt những nỗi niềm ấy vào trong lòng, vợ chồng chị Trần Thị Sen đã rời bỏ quê hương Nghệ An vào Nam sinh sống, để tránh đi sự cô đơn, ghẻ lạnh của những người xung quanh.

Một năm sau (năm 2008) chồng chị mất. Một mình chị đi làm công nhân may vừa để có kinh phí đi điều trị vừa nuôi con nơi xứ người. Giờ đây, sau hơn 10 năm nơi đất khách quê người, cuộc sống mới đã mỉm cười với gia đình chị. Chị Sen đã lên chức bà nội với hai đứa cháu kháu khỉnh và một người chồng thứ hai – là sỹ quan công an ân cần ở bên đồng hành, chăm sóc cho chị.

Lặn lội đi tìm người có HIV

Tại phòng khám ngoại trú, Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương), đầu giờ sáng có mấy chục bệnh nhân đến khám, ngồi chờ lấy thuốc.

Nhìn chị Sen, ít ai nghĩ chị mang trong mình bệnh HIV, bởi chị xông xáo, hoạt bát không giống một người đang có bệnh. Những năm qua, chị điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) và đạt tải lượng virus ở mức không phát hiện được trong máu thì không có nguy cơ lây truyền HIV qua quan hệ tình dục cho người khác.

Chị Trần Thị Sen tận tụy với công việc hỗ trợ những người có HIV đi điều trị. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
Chị Trần Thị Sen tận tụy với công việc hỗ trợ những người có HIV đi điều trị. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Hơn 10 năm nay tất bật với công việc hỗ trợ cho các bệnh nhân có HIV tại đây, chị cười, khi nào mình còn khoẻ thì vẫn còn làm, còn đi hỗ trợ vận động những người có HIV khác điều trị.

Chị Trần Thị Sen sinh năm 1974 (hiện ở Bến Cát, Bình Dương), một người nhiễm HIV đã 13 năm nay. Chị cho hay, chị tham gia vào công việc hỗ trợ điều trị, vận động những người có HIV đi điều trị từ năm 2009 đến nay. Hàng ngày, chị hỗ trợ những bệnh nhân có HIV động viên tới khám. Chị rà soát khi đến ngày không có bệnh nhân tới khám sẽ gọi điện để nhắc lịch bệnh nhân.

Chị Sen hướng dẫn người có HIV đi khám và lấy thuốc. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
Chị Sen hướng dẫn người có HIV đi khám và lấy thuốc. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Nhiều người bệnh nhân khi nhận kết quả cũng cảm thấy sốc, lo lắng và buồn tủi. Rất may mắn, khi các bệnh nhân tôi động viên đi điều trị đều đạt được kết quả tốt. Trong 10 năm qua chị không nhớ hết đã vận động được bao nhiêu bệnh nhân tới điều trị HIV.

Chị kể: “Những ngày đầu, tôi đi tìm bệnh nhân để vận động, đưa họ vào điều trị kịp thời. Trong hành trình của mình, cũng có vài lần gặp trường hợp người mắc bệnh HIV không đi điều trị kịp đã tử vong rất xót xa.”

Làm quen với công việc đi tìm bệnh nhân rồi, nên nhiều khi chị không còn biết sợ. Đây vừa là phần việc chị yêu thích khi giúp đỡ những người mắc bệnh như chị có thêm cơ hội duy trì sự sống đồng thời chị cũng có thêm một phần kinh phí để trang trải cuộc sống.

Trong hành trình của mình, cũng có vài lần gặp trường hợp người mắc bệnh HIV không đi điều trị kịp đã tử vong rất xót xa.

Có những ngày chị một mình lặn lội lên vùng trồng cây cao su ở Đồng Tháp, đi tìm bệnh nhân bỏ điều trị. Tôi đi mãi, đi mãi không tới nơi vì bệnh nhân đó không khai đúng địa chỉ.

Trước những tình huống trên, chị phải tìm đến địa phương phải khéo léo liên hệ với ban phụ nữ, với công an để nhờ họ phối hợp nhằm tìm ra chính xác người cần tìm. Khi đó, mình lại phải nói nhân viên hỗ trợ điều trị của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương muốn tìm bệnh nhân này.

Sau đó, những bệnh nhân họ có ý thức và biết sử dụng công nghệ hơn, chị sử dụng Zalo, facebook để liên hệ nên việc liên lạc cũng đỡ vất vả hơn.

Chị Sen nhớ lại, có bạn một bạn nam, sinh năm 1985 ở Thủ Dầu 1, thành phố Bình Dương bị mắc HIV nhưng khi chị vận động đi chữa trị thì viện cớ mưu sinh để trốn tránh.

Nhân viên y tế phát thuốc ARV điều trị cho bệnh nhân. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
Nhân viên y tế phát thuốc ARV điều trị cho bệnh nhân. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

“Khi đó, tôi chỉ biết bảo ai cũng chết, nếu không điều trị, trước khi bạn chết sẽ đau đớn vô cùng, da mốc xì, lở loét hôi tanh… Bệnh này có thể chữa được và sống lâu dài, bạn hãy quay lại uống thuốc đều đều và biết yêu thương bản thân mình hơn. Tôi đã từng trải qua những thời điểm này giống như bạn. Bạn hãy sống cuộc sống lành mạnh và có trách nhiệm hơn,” chị Sen tâm sự. Nói mãi, rồi bạn nam đó cũng đã nghe chị và kiên trì điều trị.

“Ngày mai bạn sẽ hạnh phúc hơn ngày hôm nay”

Miên man trong những câu chuyện về những người có HIV, chị Sen luôn lạc quan. Chị bảo, với mọi người, chị đều nhắn nhủ với phương châm: “Chắc chắn ngày mai bạn sẽ hạnh phúc hơn ngày hôm nay. Tôi muốn tôi là người cần thiết, người có ích.”

Chị Sen cho hay, chị điều trị HIV đã được hơn 10 năm, sức khỏe tốt và đạt được K=K (Không phát hiện = Không lây truyền cho người khác) nên rất mừng. Ngoài làm việc ở phòng khám, chị còn nhận làm thêm việc khác như may, lau dọn nhà cửa.

Nhớ lại khoảng thời gian hơn 10 năm trước, chị cho hay: “Mình bị nhiễm HIV từ chồng. Chồng thì đi chơi với bạn bè, có dùng ma túy. Hội bạn của chồng thường tặng nhau bằng cách chích ma túy chung. Rồi đến một ngày mặt anh cứ xanh xao. Gặng hỏi mãi anh ấy mới nói: “Anh nói thật với em, em hãy tha thứ cho anh! Anh chích ma túy chung với người có HIV, bác sỹ vừa thông báo anh đã mắc bệnh.” Những ngày sau đó, chị Sen đi kiểm tra và cũng nhận được kết quả nhiễm bệnh. “Khi đó, mình sốc một thì ông xã sốc nhiều lần,” chị Sen nhớ lại.

Mỗi người mang trong mình một bệnh, cái bệnh ấy không có tội lỗi, điều quan trọng nhất là bạn sống như thế nào

Ngày mới vào Nam, chị Sen xin làm công nhân may. Sau đó gần một năm thì chồng chị chết. Chị Sen sau đó đi chữa bệnh, bởi nghe nói đã có thuốc điều trị bệnh HIV.  

“Cuộc đời người ta có nhiều dấu mốc khiến người ta thay đổi. Thời điểm sau khi biết hai vợ chồng chị mắc bệnh, gia đình chị bị kỳ thị. Sau khi chồng chị mất, gia đình chồng ở Nghệ An hầu như không còn ai có mối liên hệ gì với mẹ con chị,” chị Sen nhớ lại.

Chị tâm niệm một điều: “Mỗi người mang trong mình một bệnh, cái bệnh ấy không có tội lỗi, điều quan trọng nhất là bạn sống như thế nào, khi bạn sống chân thành, bạn sẽ nhận được quả ngọt là hạnh phúc.”

Những bệnh nhân chờ khám, điều trị HIV tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
Những bệnh nhân chờ khám, điều trị HIV tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Hiện tại, chị đang sống với một người chồng thứ hai là sỹ quan công an. Khi quen nhau, chị có chia sẻ chị là người có HIV, nhưng anh cũng không kỳ thị và sợ hãi gì, vẫn quyết tâm theo đuổi, đến với chị dù biết chị có bệnh.

Chị lấy người chồng thứ hai vào năm 2010. Anh nói: “Đó như là một duyên Trời, đến với nhau, gắn kết với nhau để mỗi người hết cô đơn trong cuộc đời này.”

Chung sống với nhau 10 năm qua, người chồng thứ hai của chị không mắc bệnh HIV, vì chị uống thuốc ARV đều đặn nên không có khả năng lây truyền bệnh qua đường tình dục cho người khác.

Trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, chị Sen bộc bạch, với mỗi người chị đều nhắn nhủ: Bạn hãy vui vẻ, hãy yêu thương khi mình còn có cơ hội để làm những việc chưa làm được. Vượt qua bệnh tật, mình vẫn đi làm, nuôi con ăn học, dựng vợ gả chồng cho con.

“Cảm ơn những nỗi đau mà tôi đã có như ngày hôm nay. Dù bẽ bàng thật, nhưng sau vẫn có hạnh phúc. Những người phụ nữ như chúng tôi vẫn được yêu thương,” chị Sen nghẹn ngào./.

“K=K – Không phát hiện = Không lây truyền” được dịch từ tiếng Anh U=U (Undetectable = Untransmittable) là một phát hiện mới về lợi ích của điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) với người nhiễm HIV dựa trên bằng chứng khoa học.

Một người nhiễm HIV, được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) và khi đạt tải lượng virus ở ngưỡng không phát hiện được trong máu thì nguy cơ lây truyền HIV sang người khác qua đường tình dục rất thấp (từ không đáng kể đến không có nguy cơ).

Tải lượng virus không phát hiện được định nghĩa là khi có dưới 200 bản sao/ml máu. Điều này có ý nghĩa rằng, một người nhiễm HIV được điều trị ARV khi có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện sẽ vừa bảo vệ sức khoẻ cho người sống chung với HIV và ngăn ngừa lây nhiễm HIV sang bạn tình.