Vững tay chèo đưa con thuyền ASEAN vượt sóng đại dịch

ttxvn1712as-1608188808-50.jpg

Năm 2020 là một năm đặc biệt đối với ASEAN nói chung và đầy thách thức đối với Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN nói riêng, nhưng với sự chuẩn bị chu đáo, chủ động, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của nước Chủ tịch ASEAN và để lại nhiều dấu ấn quan trọng.

Việt Nam – Thành viên tích cực, chủ động và đáng tin cậy

Từ khi gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam đã cùng ASEAN trải qua nhiều sóng gió. Trong sự vững vàng của ASEAN ngày hôm nay có những nỗ lực bền bỉ của Việt Nam.

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, với sự chuẩn bị chu đáo, chủ động, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của nước Chủ tịch ASEAN và để lại nhiều dấu ấn quan trọng.

Trong 25 năm qua, Việt Nam đã tích cực cùng với các nước triển khai các thỏa thuận và kế hoạch hợp tác quan trọng của ASEAN, đặc biệt là việc xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Sự kiện Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành vào cuối năm 2015 có những đóng góp đáng ghi nhận của Việt Nam, trong đó có các sáng kiến, đề xuất như Chương trình Hành động Hà Nội 2010. Việt Nam cũng là một trong những nước đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng ASEAN.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 23. (Ảnh: TTXVN phát)  
Các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 23. (Ảnh: TTXVN phát)  

Dấu ấn của Việt Nam trong ASEAN còn được thể hiện qua những đóng góp đối với quá trình mở rộng hợp tác của ASEAN. Khi giữ chức Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến mở rộng thành viên của Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) bằng việc thúc đẩy kết nạp Nga và Mỹ. Việt Nam cũng đề xuất sáng kiến mở rộng cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+).

Đó là những cơ chế hết sức quan trọng trong việc kết nối không chỉ trong ASEAN mà giữa ASEAN với các nước, tạo vị thế của ASEAN với các nước. Thông qua hàng loạt sáng kiến, chương trình như “Tầm nhìn 2020 và kế hoạch thực hiện,” “Tuyên bố ASEAN 2,” “Hiến chương ASEAN,” “Lộ trình phát triển Cộng đồng ASEAN (2009 – 2015),” “Sáng kiến hội nhập ASEAN” và “Kế hoạch Tổng thể và Kết nối ASEAN, ” Việt Nam được đánh giá đã thể hiện vai trò điều phối các cơ chế với các đối tác bên ngoài như bằng cách kết nối, mở rộng quan hệ, làm sâu sắc thêm quan hệ giữa ASEAN với các đối tác này.

Sáng tạo với tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng”

Năm 2020, đánh dấu 25 năm gia nhập ASEAN, cũng là lần thứ ba đảm đương cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung đang đối mặt với những thách thức to lớn do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.

Để chuẩn bị cho trọng trách quan trọng này, từ cuối năm 2018, Việt Nam đã tích cực thực hiện nhiều công tác chuẩn bị với mong muốn tiếp tục xây dựng Cộng đồng ASEAN thêm vững mạnh.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam khai mạc hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 7 . (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam khai mạc hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 7 . (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 diễn ra bất ngờ và lan rộng trên toàn thế giới đã làm đảo lộn mọi kế hoạch, chương trình mà Việt Nam đã chuẩn bị trong hai năm 2018 và 2019.

Không để dịch bệnh làm ảnh hưởng đến các hoạt động của ASEAN, Việt Nam đã tìm mọi cách thích ứng, nhanh chóng, kịp thời chuyển chương trình lẫn trọng tâm của ASEAN trong năm 2020 sang chống dịch COVID-19 và đã được các nước hưởng ứng.

Vào thời điểm khi dịch bệnh COVID-19 mới bùng phát và vẫn còn diễn biến phức tạp, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã sớm tập trung điều phối, cùng các nước thành viên ASEAN thực hiện “nhiệm vụ kép,” vừa đẩy mạnh phòng chống dịch, vừa tiếp nối nỗ lực xây dựng Cộng đồng, triển khai các trọng tâm ưu tiên đề ra trong năm 2020.

Việt Nam đã thể hiện tầm lãnh đạo mạnh mẽ trong việc dẫn dắt khu vực gắn kết và chủ động thích ứng với các thách thức này, đồng thời đặt vai trò trung tâm của ASEAN và sự quan tâm của người dân lên hàng đầu. (Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi) 

Đến nay, ASEAN đã kịp thời có cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ “cả Cộng đồng” trong ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh COVID-19, thích ứng và từng bước phục hồi toàn diện.

ASEAN cũng đã tranh thủ được sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực của các nước đối tác cho nỗ lực ứng phó dịch bệnh COVID-19 và thúc đẩy phục hồi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 về ứng phó với dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 về ứng phó với dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Dưới sự chủ trì của Việt Nam, ASEAN đã tổ chức một loạt hội nghị trực tuyến nhằm thảo luận cách ứng phó với đại dịch COVID-19, đặc biệt là Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về đại dịch, nhất trí thúc đẩy tiến độ triển khai 4 sáng kiến gồm Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19, Kho dự trữ vật tư y tế khu vực ASEAN, Quy chuẩn ứng phó với những tình huống y tế công cộng khẩn cấp và Kế hoạch phục hồi hậu COVID-19.

Những sáng kiến này đã góp phần giúp ASEAN đứng vững trước đại dịch COVID-19 và sớm đi vào phục hồi, bảo đảm cho định hướng phát triển của ASEAN. Quan trọng hơn, thông qua hợp tác chống COVID-19 và phục hồi kinh tế, sự gắn kết trong ASEAN càng bền chặt.

Mặc dù phải ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19 và thiên tai, nhưng “Việt Nam đã thể hiện tầm lãnh đạo mạnh mẽ trong việc dẫn dắt khu vực gắn kết và chủ động thích ứng với các thách thức này, đồng thời đặt vai trò trung tâm của ASEAN và sự quan tâm của người dân lên hàng đầu,” Tổng Thư ký Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Dato Lim Jock Hoi nhận định.

Lần đầu tiên trong lịch sử 53 năm của ASEAN, phần lớn các hội nghị các cấp của ASEAN được tổ chức với hình thức trực tuyến, kể cả Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 (tháng 6/2020), Hội nghị Ngoại trưởng AMM 53 (tháng 8/2020) và Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 (tháng 11/2020).

Đây là hình thức hoàn toàn mới, nhất là đối với các hội nghị cấp cao, nên không tránh khỏi nhiều lúng túng và bỡ ngỡ đối với Việt Nam cũng như các thành viên ASEAN và các đối tác phát triển khác.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chanocha phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chanocha phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tuy nhiên, các nước thành viên và nhiều nhà quan sát chính trị quốc tế cùng dư luận truyền thông đều đánh giá rằng Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình từ công tác chuẩn bị, đến chương trình nghị sự và lựa chọn chủ đề.

Đặc biệt, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 cuối tháng 6 vừa qua, với việc thông qua Tuyên bố “Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng: Vượt lên các thách thức và duy trì tăng trưởng” và Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho một thế giới công việc đang đổi thay, trong đó các nước ASEAN cam kết đẩy lùi thách thức của dịch bệnh, duy trì đà hợp tác, liên kết ASEAN.

Việt Nam cũng đã lựa chọn chủ đề cho Năm ASEAN 2020 là “Gắn kết và chủ động thích ứng,” với mong muốn khẳng định đoàn kết có ý nghĩa quyết định với sự vững bền của ASEAN.

Một Cộng đồng ASEAN gắn kết và phát triển mới có thể thích ứng hiệu quả với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, chủ động thích ứng sẽ giúp ASEAN gắn kết chặt chẽ, nhờ đó tăng cường sức mạnh tổng thể.

Những dấu son thành công

Năm 2020 con tàu ASEAN 2020 phải đi qua vùng biển động, dông bão dữ dội của đại dịch COVID-19, bị chao đảo bởi tình hình thương mại, kinh tế suy giảm mạnh, cạnh tranh địa chiến lược quốc tế diễn ra gay gắt tại khu vực…

Bằng ý chí kiên cường, quyết tâm cao, hành động mạnh mẽ của cả Cộng đồng ASEAN, sự hợp tác hiệu quả của các đối tác và tay lái vững vàng của “thuyền trưởng” Việt Nam, Năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã thành công toàn diện, vang dội, trọn vẹn và thực chất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/ TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/ TTXVN)

Thủ tướng nêu rõ Năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã thành công về chất lượng nội dung, số lượng kỷ lục các văn kiện được thông qua, số lượng hơn 550 cuộc họp, nhiều sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam đã trở thành tài sản chung của ASEAN; thành công trong bảo đảm an ninh, an toàn, trọng thị về lễ tân; và thành công trong quảng bá hình ảnh Cộng đồng ASEAN và Việt Nam hòa bình, ổn định phát triển thịnh vượng trong tâm thức của bạn bè quốc tế.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng,” ASEAN đã mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn thách thức trong năm qua, thực hiện thành công các mục tiêu ưu tiên hợp tác đề ra cho năm 2020, ngày càng trở nên đoàn kết, gắn kết, với khả năng tự cường và thích ứng cao hơn.

Thứ nhất, công cuộc xây dựng Cộng đồng ASEAN tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều tiến triển cụ thể. Bất chấp những khó khăn do dịch bệnh khiến lần đầu tiên trong lịch sử cả hai hội nghị cấp cao phải tổ chức trực tuyến, các nhà lãnh đạo ASEAN đã hoàn tất đánh giá giữa kỳ triển khai Kế hoạch tổng thể Cộng đồng ASEAN 2025 và Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN 2025, đưa ra Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, xây dựng nền tảng vững chắc cho con đường phát triển phía trước của Cộng đồng ASEAN.

Đặc biệt, ASEAN đã gắn kết hợp tác phát triển tiểu vùng với tiến trình phát triển chung của ASEAN để mọi người dân có được cơ hội đóng góp cho cộng đồng; nâng cao hình ảnh và hiện diện của Cộng đồng ASEAN, theo đó khuyến khích treo cờ ASEAN và sử dụng bài hát ASEAN, đưa hình ảnh ASEAN gần với người dân và cộng đồng.

Các nền tảng kinh tế vĩ mô được duy trì, kết nối, liên kết kinh tế ngày càng sâu rộng, điển hình là việc ký kết thành công Hiệp định RCEP với những đóng góp to lớn và xử lý khéo léo hài hòa với các đối tác trên vai trò chủ nhà của Việt Nam, mở ra Khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.

Hợp tác an sinh, xã hội tiếp tục được bảo đảm. Quan hệ đối ngoại ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chào mừng tại Lễ khai mạc hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chào mừng tại Lễ khai mạc hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Thứ hai, dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, ASEAN đã thực sự linh hoạt và chủ động, thích ứng với các biến động của thời cuộc. Dịch bệnh COVID-19 đã đặt ra những thách thức chưa từng có, do đó cũng đòi hỏi những biện pháp chưa từng có tiền lệ.

Trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, rất nhiều cái “đầu tiên” đã được sáng tạo để hoàn thành các mục tiêu đề ra: số lượng các Hội nghị tăng lên để kịp thời ứng phó với COVID-19, Cấp cao ASEAN lần đầu tiên đã họp 3 lần trong năm thay vì 2 lần theo thông lệ, nhiều Hội nghị Cấp cao, Bộ trưởng lần đầu được tổ chức trực tuyến; và đặc biệt, nhiều văn kiện quan trọng của ASEAN cũng được ký kết trực tuyến lần đầu tiên.

Thứ ba, với những thành công trong năm qua, vai trò, uy tín quốc tế của ASEAN ngày càng được coi trọng, nâng cao; là minh chứng sống động cho vai trò, tầm quan trọng của đoàn kết, hợp tác trước những cơ hội, thách thức, đặc biệt là sức sống, giá trị của hợp tác và cơ chế đa phương. Thành công của ASEAN đã mang lại những bài học kinh nghiệm quý trong huy động sức mạnh tập thể không chỉ ở tầm khu vực mà cả ở tầm quốc tế trong ứng phó với những thách thức chung của nhân loại.

Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi cho rằng mỗi thành tựu mà ASEAN đã gặt hái được trong năm 2020 đều “độc nhất vô nhị và đáng khen ngợi.”

Trong khi đó, Phó Tổng thư ký ASEAN Kung Phoak nhận tuy đại dịch COVID-19 đã làm chậm lại đáng kể một số hoạt động và sự kiện, nhưng ASEAN – dưới sự lãnh đạo đầy năng động của Việt Nam – vẫn tập trung nỗ lực xây dựng cộng đồng và thúc đẩy hội nhập khu vực./.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)