Truyền thông quốc tế: Việt Nam đang là “miền đất hứa’’ với nhà đầu tư

ttxvn1911xk-1605754787-59.jpg

Nhiều hãng truyền thông báo chí lớn như báo Nikkei (Nhật Bản), Sputnik (Nga) và tạp chí Global Business Outlook vừa có những bài viết nhận định rằng kinh tế Việt Nam đang tiềm ẩn cơ hội lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Điểm đến đầu tư an toàn và đầy tiềm năng

Báo Nikkei ngày 11/11 có bài viết “Việt Nam cam kết tăng trưởng 5% và sự bùng nổ đầu tư nước ngoài,” trong đó cho biết Việt Nam – nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á – đang thúc đẩy thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh đất nước đã kiềm chế được dịch bệnh COVID-19.

Global Business Outlook dẫn báo cáo của Ngân hàng Phát triển Singapore dự đoán trong 10 năm tới, Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 6-6,5% và đến năm 2029, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng cao hơn Singapore.

Theo Nikkei, Việt Nam đang tận hưởng làn sóng đầu tư nước ngoài và đang được kỳ vọng trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao lớn. Hiện chỉ riêng Samsung đã đóng góp 1/4 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong khi tập đoàn Intel của Mỹ cũng chọn Việt Nam để đặt nhà máy lắp ráp chip lớn nhất thế giới.

Việc các công ty dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam giúp thúc đẩy lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên toàn cầu.

Xuất hàng đi Nhật Bản tại Nhà máy thuộc công ty Huỳnh Đức, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)
Xuất hàng đi Nhật Bản tại Nhà máy thuộc công ty Huỳnh Đức, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Với các khoản đầu tư từ tập đoàn điện tử khổng lồ LG của Hàn Quốc và nhà sản xuất băng dính Tesa của Đức trong năm nay, Việt Nam đang trên đà trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới vào năm 2020.

Phần lớn các khoản đầu tư mới đổ vào lĩnh vực công nghệ, ví dụ sản xuất tai nghe cho Apple và màn hình tinh thể lỏng cho Sharp. Điều này phù hợp với mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là nâng cao chuỗi giá trị và chuyển đổi sang công việc đòi hỏi kỹ năng cao hơn.

Trong khi đó, theo Sputnik, chuyên gia Sergey Sinitsyn từ trường Đại học Quan hệ Quốc tế Moskva (MGIMO) nhận định “Việt Nam đang trở thành ‘miền đất hứa’ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.”

Sau khi nghiên cứu các dữ liệu chính thức của Việt Nam và những phân tích của các ấn phẩm quốc tế, chuyên gia này nhấn mạnh Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 3 trong số các quốc gia ASEAN về tốc độ tăng trưởng của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Công nhân nhà máy của công ty Huỳnh Đức tại Đông Nai kiểm tra chi tiết máy đo kỹ thuật cao. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)
Công nhân nhà máy của công ty Huỳnh Đức tại Đông Nai kiểm tra chi tiết máy đo kỹ thuật cao. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Theo chuyên gia Nga, Việt Nam là một khu vực đầu tư phát triển mạnh. Trong 4 năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã đi từ giai đoạn sơ khai đến một cấp độ có ý nghĩa đối với toàn bộ khu vực. Vì thế có thể đánh giá rằng Việt Nam đã trở thành một trong những trung tâm phát triển nhanh nhất cho các dự án đổi mới sáng tạo ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các lĩnh vực hấp dẫn nhất để đầu tư vào Việt Nam là các lĩnh vực tài chính, giáo dục, công nghệ, trí tuệ nhân tạo, cũng như công nghệ blockchain.

Theo báo cáo của quỹ đầu tư ESP Capital và Cento Ventures, lượng vốn đầu tư mạo hiểm tăng từ 5% (năm 2018) lên 17% (năm 2019) trong tổng vốn đầu tư cho start-up ở khu vực.

Quỹ đầu tư nhà nước Temasek của Singapore gia nhập dự án của VNG, còn Softbanks & GIC đầu tư vào VNPAY, và Warburg Pincus đầu tư vào MoMo. Công ty cổ phần VNG chính thức trở thành start-up đầu tiên của Việt Nam đạt giá trị 1 tỷ USD sau khoản đầu tư của GIC.

VNG có mức định giá 51.000 tỷ đồng (2,2 tỷ USD). Đây là một kết quả siêu ấn tượng, chuyên gia Nga nhấn mạnh.

Các doanh nghiệp Việt Nam kết nối trực tiếp với bộ phận thu mua của AEON Việt Nam. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)
Các doanh nghiệp Việt Nam kết nối trực tiếp với bộ phận thu mua của AEON Việt Nam. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Tạp chí Global Business Outlook (chuyên đưa tin về các ngành công nghiệp chủ chốt, trụ sở tại Anh) cũng đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.

Global Business Outlook dẫn báo cáo của Ngân hàng Phát triển Singapore công bố ngày 10/11 dự đoán trong 10 năm tới, Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 6-6,5% và đến năm 2029, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng cao hơn Singapore.

Nhà kinh tế cấp cao Irvin Seah của Ngân hàng Phát triển Singapore cho biết các nhà đầu tư toàn cầu rất quan tâm đến Việt Nam. Ông Seah viết trong báo cáo: “Nói một cách đơn giản, trong 10 năm nữa, quy mô nền kinh tế Việt Nam sẽ lớn hơn Singapore và tiềm ẩn các cơ hội tăng trưởng to lớn cho các công ty và nhà đầu tư muốn tham gia.”

Đối đầu những thách thức

Những hãng truyền thông nước ngoài nói trên cũng đề cập tới những thách thức mà Việt Nam đối mặt trong quá trình thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như những biện pháp ứng phó của Việt Nam.

Theo các chuyên gia quốc tế, làn sóng đầu tư đang gây thêm sức ép đối với Việt Nam, cụ thể là lực lượng lao động, các nhà cung cấp và quỹ đất công nghiệp.

Chuẩn bị nguồn hàng gạo xuất khẩu tại Công ty Lương thực sông Hậu (Tổng công ty Lương thực miền Nam). (Ảnh: TTXVN)
Chuẩn bị nguồn hàng gạo xuất khẩu tại Công ty Lương thực sông Hậu (Tổng công ty Lương thực miền Nam). (Ảnh: TTXVN)

Công ty bất động sản Savills cho biết, trong 2 năm qua, tỷ lệ lấp đầy tăng mạnh ở hầu hết các khu công nghiệp, hiện đạt mức trung bình 74% trên toàn quốc. Tỷ lệ lấp đầy thậm chí còn cao hơn ở khu vực gần các thành phố, gồm 99% ở Bình Dương và 94% ở Đồng Nai, hai tỉnh ven Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc thông tin kinh doanh tại Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam, cho biết “đại bàng sản xuất” (một thuật ngữ ngày càng phổ biến) đang đổ xô vào Việt Nam và cần phải chuẩn bị cho phù hợp: “Hãy xây tổ để chào đón những con đại bàng.”

Tuy nhiên, Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế của VinaCapital, bác bỏ quan điểm cho rằng các nhà máy và kho bãi của Việt Nam có thể sắp đạt hết công suất. Ông nhấn mạnh: “Nếu bạn quan tâm đến chi phí thì đúng là như vậy. Tuy nhiên, nếu bạn đang sản xuất đồ điện tử và các sản phẩm có giá trị cao hơn, chúng tôi vẫn còn chỗ.”

VinaCapital tính toán trong một báo cáo năm 2019 rằng, Việt Nam có đủ đất công nghiệp cho các công ty nước ngoài tăng gấp đôi quy mô đầu tư của họ vào thời điểm đó. Theo báo cáo, 20% thị phần ngành sản xuất trong nền kinh tế Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với mức 30% ở các “nền kinh tế con hổ” của châu Á, do đó có nhiều dư địa cho tăng trưởng.

Doanh nghiệp Việt giới thiệu sản phẩm với khách tham quan tại “Tuần lễ triển lãm sản phẩm doanh nghiệp Việt” ở TP.HCM (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)
Doanh nghiệp Việt giới thiệu sản phẩm với khách tham quan tại “Tuần lễ triển lãm sản phẩm doanh nghiệp Việt” ở TP.HCM (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Để theo kịp, Việt Nam đang triển khai xây dựng thêm nhiều khu công nghiệp. Theo số liệu của Savills, ít nhất 17 khu công nghiệp sẽ đi vào hoạt động trong vài năm tới.

Về vấn đề nguồn nhân lực, Navigos Group, sở hữu trang web việc làm lớn nhất Việt Nam, cho biết 71% công ty công nghệ nói rằng khan hiếm nhân tài là thách thức lớn nhất của họ.

Con số này vượt xa chi phí lương, vấn đề pháp lý và các thách thức khác được trích dẫn trong cuộc khảo sát công bố vào tháng 4/2020. Tương tự, các nhà tuyển dụng cho biết họ gặp khó khăn khi tìm kiếm vị trí quản lý cấp trung trong nhiều ngành khác nhau.

Tuy nhiên chuyên gia Sergey Sinitsyn từ trường Đại học Quan hệ Quốc tế Moskva (MGIMO) nhận định Việt Nam có nguồn nhân lực có khả năng sản xuất các dự án sáng tạo chất lượng cao.

Chuyên gia Nga nhấn mạnh vai trò quan trọng của nhiều trường đại học và học viện, cũng như các cơ quan thúc đẩy kinh doanh, các vườn ươm doanh nghiệp và các trung tâm kết nối kinh doanh trong việc đào tạo nhân sự. Ông Sinitsyn nhấn mạnh giáo dục ở Việt Nam không phải là một ngành dịch vụ, mà là một nhiệm vụ xã hội của nhà nước.

Một thách thức khác đối với Việt Nam là sự khan hiếm các nhà cung cấp trong nước, khiến Việt Nam phải tìm kiếm nguyên liệu từ Trung Quốc. Trong một nghiên cứu về nội địa hóa chuỗi cung ứng, trung bình Việt Nam tăng thêm 55% giá trị sản phẩm trước khi xuất khẩu, tỷ lệ thấp nhất trong số 8 quốc gia châu Á mà Đại học Harvard đánh giá vào tháng 3/2020.

Các nhà cung cấp đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu này bằng các quan hệ đối tác nước ngoài, các chương trình đào tạo và các nhà máy mới./.

Thiết bị robot hàn tự động công nghệ cao tại nhà máy của công ty Huỳnh Đức, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)
Thiết bị robot hàn tự động công nghệ cao tại nhà máy của công ty Huỳnh Đức, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)