Thông tấn xã Giải phóng

1-1601975036-41.jpg

Chính thức ra đời ngày 12/10/1960 tại khu rừng Chàng Riệc (tỉnh Tây Ninh), Thông tấn xã Giải phóng đã thực hiện và hoàn thành “sứ mệnh” vẻ vang, anh dũng trên mặt trận thông tin, duy trì mạch thông tin thông suốt, kịp thời về cuộc đấu tranh chính nghĩa của quân và dân miền Nam vì hòa bình thống nhất nước nhà đến đông đảo bạn đọc trong nước và quốc tế.

Trong hơn 15 năm hoạt động và phát triển, Thông tấn xã Giải phóng phải sơ tán trụ sở hàng chục lần để tránh quân địch phát hiện và bảo mật thông tin. Đặc biệt, trong năm 1961, Thông tấn xã Giải phóng đặt trụ sở chính tại Chiến khu Đ (xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai).

Dù chỉ hoạt động trong thời gian ngắn tại Đồng Nai, song Thông tấn xã Giải phóng đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình, tại Chiến khu Đ.

Vượt qua bom đạn của kẻ thù, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng luôn hiện diện tại nhiều chiến trường ác liệt. Đội ngũ phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng không ngừng trưởng thành, kịp thời đưa thông tin đến các cán bộ chiến sỹ cách mạng cũng như những người dân trong cả nước.

Những thông tin của Thông tấn xã Giải phóng phát đi đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; vạch trần âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ, bản chất phản động của chế độ tay sai Mỹ ở miền Nam; tập hợp các tầng lớp nhân dân miền Nam đấu tranh chống Mỹ, Ngụy và tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới./.

Sứ mệnh thông tin vẻ vang

Vũ Xuân Bân

Ngày 12/10/1960, tại khu rừng Chàng Riệc (Tây Ninh), Thông tấn xã Giải phóng đã phát đi bản tin đầu tiên, đánh dấu sự ra đời và thực hiện “sứ mệnh” thông tin vẻ vang và anh dũng, kịp thời cổ vũ cuộc đấu tranh chính nghĩa của quân và dân miền Nam vì hòa bình, thống nhất đất nước.

Cơ quan phát ngôn và thông tấn chính thức của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình miền Nam và từ những yêu cầu tất yếu của cách mạng trong tình hình mới, đồng thời khẳng định sự chính danh và tăng cường thống nhất sự lãnh đạo cách mạng trong toàn miền, việc thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là một yêu cầu cấp bách.

Ngày 12/10/1960, tại khu rừng Chàng Riệc (Tây Ninh), Thông tấn xã Giải phóng đã phát đi bản tin đầu tiên, đánh dấu sự ra đời và thực hiện “sứ mệnh” thông tin vẻ vang và anh dũng, kịp thời cổ vũ cuộc đấu tranh chính nghĩa của quân và dân miền Nam vì hòa bình, thống nhất đất nước.

Để phục vụ cho việc tuyên bố thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (ngày 20/12/1960) và đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ mới của cách mạng miền Nam, Ban Tuyên huấn Xứ ủy đã giao đồng chí Đỗ Văn Ba, nguyên phụ trách Chi nhánh Việt Nam Thông tấn xã Nam Bộ, chuẩn bị cho sự ra đời của một cơ quan thông tin chính thức ở miền Nam.

Biên tập viên TTXGP tại căn cứ “R” chọn ảnh của phóng viên từ các mặt trận gửi về. (Ảnh: Tư liệu TTXGP)
Biên tập viên TTXGP tại căn cứ “R” chọn ảnh của phóng viên từ các mặt trận gửi về. (Ảnh: Tư liệu TTXGP)

Sau một thời gian ngắn chuẩn bị về lực lượng và phương tiện, đúng 19 giờ ngày 12/10/1960, tại khu rừng Chàng Riệc (Tây Ninh), “Tiếng nói chính thức của những người yêu nước miền Nam Việt Nam” đã bắt đầu phát lên trên sóng điện 31m bằng một chiếc máy phát sóng 15W, đánh dấu sự ra đời của Thông tấn xã Giải phóng với tên gọi “GPX.”

Với tư cách là cơ quan phát ngôn chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và sau là Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, Thông tấn xã Giải phóng với các bản tin phản ánh “đúng sự thật, đúng sự lãnh đạo của Đảng,” phát đi từ Hà Nội đều đặn vào 18 giờ hàng ngày, đã trở thành vũ khí đấu tranh cách mạng sắc bén, mạnh mẽ, góp phần cực kỳ quan trọng làm nên những chiến công chói lọi của dân tộc Việt Nam đi tới ngày thống nhất đất nước.

Duy trì “mạch máu” thông tin giữa chiến trường ác liệt

Với khẩu hiệu “Làn sóng điện không bao giờ tắt,” từ lúc ra đời, mặc dù chỉ có một số máy phát 15 watt, nhưng Thông tấn xã Giải phóng không ngừng nỗ lực vượt khó, cải tiến phương tiện kỹ thuật tại chỗ và tiếp nhận các phương tiện kỹ thuật mới được tăng cường, hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau.

Bản tin đầu tiên của TTXGP ra mắt, ngày 12/10/1960, đánh dấu sự ra đời và thực hiện sứ mệnh thông tin vẻ vang và anh dũng, kịp thời cổ vũ cuộc đấu tranh chính nghĩa của quân và dân miền Nam vì hòa bình thống nhất đất nước. (Ảnh: Tư liệu TTXGP)
Bản tin đầu tiên của TTXGP ra mắt, ngày 12/10/1960, đánh dấu sự ra đời và thực hiện sứ mệnh thông tin vẻ vang và anh dũng, kịp thời cổ vũ cuộc đấu tranh chính nghĩa của quân và dân miền Nam vì hòa bình thống nhất đất nước. (Ảnh: Tư liệu TTXGP)

Nhờ vậy Thông tấn xã Giải phóng nhanh chóng trở thành cơ quan thông tấn báo chí có phương tiện kỹ thuật tốt và có tính bảo mật cao nhất trong khối thông tin báo chí cách mạng ở miền Nam lúc bấy giờ.

Trong suốt 15 năm chống Mỹ ác liệt, dưới bom đạn kẻ thù, mặc dù Thông tấn xã Giải phóng đã phải thay đổi căn cứ hàng chục lần, nhưng vẫn luôn duy trì “mạch máu” thông tin và có mặt ở hầu hết các mặt trận, điểm nóng trên chiến trường miền Nam.

Tin, ảnh của Thông tấn xã Giải phóng từ Cà Mau đến Quảng Trị, từ vùng nông thôn U Minh Thượng đến đô thị Sài Gòn-Gia Định… đều luôn nóng hổi tính thời sự, không chỉ cung cấp kịp thời cho các cơ quan thông tấn báo chí trong, ngoài nước, giúp Trung ương cục miền Nam phân tích, nhận định tình hình để đi đến những quyết định có tính chiến lược, chỉ đạo kịp thời hoạt động trên chiến trường mà còn là những bằng chứng tố cáo với toàn thế giới về tội ác tàn bạo của Mỹ – ngụy, qua đó tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè khắp năm châu đối với cuộc kháng chiến đầy gian lao của nhân dân.

Trong giai đoạn ác liệt của cuộc chiến, không một chiến trường, không một hướng tiến quân, không một địa bàn chiến đấu nào vắng mặt phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng. Có thể nói, ở đâu có trận đánh là ở đó phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, thông tin kịp thời thành tích của quân dân ta từ chiến thắng tại Ấp Bắc (năm 1963), Bình Giã (năm 1964) đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (năm 1968) đánh vào Sài Gòn và các đô thị miền Nam…

Trong suốt 15 năm chống Mỹ ác liệt, dưới bom đạn kẻ thù, mặc dù Thông tấn xã Giải phóng đã phải thay đổi căn cứ hàng chục lần, nhưng vẫn luôn duy trì “mạch máu” thông tin và có mặt ở hầu hết các mặt trận, điểm nóng trên chiến trường miền Nam.

Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, Thông tấn xã Giải phóng tung ra hai cánh quân lớn cùng với một số phóng viên Việt Nam Thông tấn xã bám sát các đơn vị chủ lực, thông tin nhanh về các trận đánh, về tình hình chiến trường, về các bước tiến quân như vũ bão của bộ đội, tiếp quản các vùng giải phóng…

Nhờ vậy, phóng viên Thông tấn xã đã kịp thời ghi lại thời khắc lịch sử, với những bức ảnh nổi tiếng như “Xe tăng chiếm dinh Độc lập” của phóng viên Trần Mai Hưởng hay “Mẹ con ngày gặp mặt” của phóng viên Lâm Hồng Long…

Thông tấn xã Giải phóng còn là đơn vị chủ lực thông tin về hai phái đoàn của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đấu tranh ngoại giao với phái đoàn của Mỹ và của ngụy quyền Sài Gòn tại Hội nghị Paris về Việt Nam.

Điện báo viên VNTTX dừng chân ở Trảng Bàng (Tây Ninh) để chuyển về căn cứ tin Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, ngày 30/4/1975. (Ảnh: Tư liệu VNTTX)
Điện báo viên VNTTX dừng chân ở Trảng Bàng (Tây Ninh) để chuyển về căn cứ tin Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, ngày 30/4/1975. (Ảnh: Tư liệu VNTTX)

Hàng ngày, các phái đoàn đàm phán của ta đều nhận được bản tin của Thông tấn xã Giải phóng, phục vụ đắc lực công việc đàm phán.

Thông tấn xã Giải phóng đã tạo dư luận đồng tình trong nước và quốc tế. Cùng với cuộc đấu tranh của nhân dân ta trên mặt trận quân sự, ngoại giao… đã góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn mùa Xuân 1975.

“Chắc tay bút, vững tay súng”

Bên cạnh nhiệm vụ thông tin nhanh, đúng định hướng tư tưởng, góp phần mạnh mẽ vào việc cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, lực lượng phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên của Thông tấn xã Giải phóng còn trực tiếp cầm súng chiến đấu và trở thành những chiến sỹ thực thụ.

Tại căn cứ cũng như các phân xã, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng đều được trang bị vũ khí, từ súng tiểu liên đến cả súng chống tăng và súng cối 82mm. Không chỉ cầm súng để bảo vệ căn cứ, bảo vệ nơi trú đóng mà tất cả phóng viên Thông tấn xã Giải phóng khi tham gia đưa tin trong các trận đánh đều trở thành chiến sỹ, luôn “tay viết-tay súng, tay máy-tay súng.”

Trong muôn vàn dòng tin, tấm ảnh của TTXGP gửi về miền Bắc có cả những dòng tin cuối cùng của một phân xã, bởi chỉ sau đó ít phút các anh các chị đã phải chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, đến người cuối cùng để những dòng tin ấy đến được Hà Nội, đến được với Bộ Chính trị và Trung ương Đảng.

Nhiều phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên của Thông tấn xã Giải phóng đã kiên cường chiến đấu với quân địch và sẵn sàng hy sinh để bảo toàn căn cứ.

Để có những dòng tin chiến sự nóng bỏng, một tấm ảnh có sức cổ vũ, để kịp thời chuyển tải những thông tin lãnh đạo của Đảng ta đến chiến sỹ, nhân dân miền Nam, phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng đã phải có mặt tại những nơi nóng bỏng, tại mặt trận như những người lính và cũng chịu hy sinh như người lính.

Phóng viên TTXGP tham gia chống địch trong trận càn Junction City (năm 1967). Họ có mặt trên mọi trận đánh, hướng tiến công để thông tin kịp thời về những chiến công của quân dân ta. (Ảnh: Tư liệu TTXGP)
Phóng viên TTXGP tham gia chống địch trong trận càn Junction City (năm 1967). Họ có mặt trên mọi trận đánh, hướng tiến công để thông tin kịp thời về những chiến công của quân dân ta. (Ảnh: Tư liệu TTXGP)

Trong muôn vàn dòng tin tấm ảnh các anh các chị gửi về miền Bắc có cả những dòng tin cuối cùng của một phân xã, bởi chỉ sau đó ít phút các anh các chị đã phải chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, đến người cuối cùng để những dòng tin ấy đến được Hà Nội, đến được với Bộ Chính trị và Trung ương Đảng.

Một cuốn phim chụp dở dang, một đoạn phim còn trong máy quay, một bản tin đang phát dở không lưu tên tác giả, không rõ người phát. Đó là những tác phẩm vô giá bởi chúng đã được đổi bằng cả cuộc đời.

Điển hình như đồng chí Trần Ngọc Đặng, tháng 3/1967, tại căn cứ Tây Ninh, đã bắn cháy hai xe bọc thép Mỹ và anh dũng hy sinh, được tuyên dương danh hiệu “Dũng sỹ diệt cơ giới.”

Đồng chí Trần Văn Minh (chiến đấu cùng đồng chí Đặng) bị thương nặng, bị Mỹ bắt và cưa chân. Đồng chí Trương Thị Mai, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng ở Trung Nam Bộ bị địch bắt, tra tấn dã man, nhưng vẫn không một lời khai báo, chấp nhận hy sinh để bảo toàn căn cứ.

Nhiều trường hợp hy sinh cả tập thể, cơ quan bị xóa sổ nhiều lần, nhưng các phân xã, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng vẫn quyết tâm bám trụ đến cùng để hoàn thành nhiệm vụ.

Cụ thể như Phân xã Kiến Tường (nay là Long An) 3 lần bị địch hủy diệt, hàng chục đồng chí hy sinh năm 1968; Phân xã Rạch Giá (Kiên Giang) 5 lần bị địch giết hại toàn bộ phóng viên, kỹ thuật viên; Phân xã Nam Tây Nguyên (khu X) có 5/6 đồng chí cùng hy sinh do bom địch năm 1969…

Rồi có gia đình, hai cha con, hai anh em ruột đều là liệt sỹ của Thông tấn xã Giải phóng.

Trong số các liệt sỹ của Thông tấn xã Giải phóng có đồng chí Phó Giám đốc Bùi Đình Túy (bút danh Đinh Thúy), hy sinh tại Trảng Dầu (Bình Long) ngày 21/9/1967 do bị địch ném bom. Ông là nhà báo đầu tiên được lấy tên để đặt cho đường phố ở Việt Nam (đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh).

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, thì trong 30 năm chiến tranh giữ nước, báo chí cả nước có khoảng 450 người hy sinh thì riêng Thông tấn xã Giải phóng có tới 240 người, là đơn vị có số lượng nhà báo hy sinh lớn nhất trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.

Nhiều phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng đã vĩnh viễn nằm lại trên những cánh rừng già, đến nay hài cốt vẫn chưa tìm thấy. Bên cạnh đó, hàng chục người khác đã để lại một phần xương máu của mình trên chiến trường.

Đây là những tổn thất to lớn nhưng cũng là niềm tự hào về truyền thống dũng cảm kiên cường, bất khuất của những chiến sĩ xung kích trên mặt trận báo chí và tư tưởng, sẵn sàng hy sinh để duy trì “mạch máu” thông tin giữa chiến trường ác liệt.

Ghi nhận những đóng góp to lớn của Thông tấn xã Giải phóng, năm 1968, Trung ương cục miền Nam khen tặng Thông tấn xã Giải phóng 16 chữ vàng “CẦN CÙ DŨNG CẢM, TỰ LỰC CÁNH SINH, KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN, HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ,” cùng nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng và Nhà nước.

Với việc thực hiện xuất sắc nhiệm vụ thông tin và trực tiếp tham gia chiến đấu, với những chiến công và hy sinh to lớn trong cuộc kháng chiến đầy gian khổ chống ngoại xâm, Thông tấn xã Giải phóng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình.

Và ngày 12/5/1976 là thời khắc lịch sử của ngành thông tấn cách mạng, Việt Nam Thông tấn xã cùng Thông tấn xã Giải phóng chính thức hợp nhất với tên gọi là Thông tấn xã Việt Nam, hòa với khí thế cách mạng chung của toàn dân tộc, bước vào giai đoạn mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

15 năm (1960 -1975), phóng viên của TTXGP và VNTTX luôn sát cánh, có mặt trên mọi trận đánh, hướng tiến công để thông tin kịp thời về những chiến công của quân dân ta. Trong ảnh: Phóng viên TTXGP và VNTTX tham gia đưa tin trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975. (Ảnh: Tư liệu VNTTX)
15 năm (1960 -1975), phóng viên của TTXGP và VNTTX luôn sát cánh, có mặt trên mọi trận đánh, hướng tiến công để thông tin kịp thời về những chiến công của quân dân ta. Trong ảnh: Phóng viên TTXGP và VNTTX tham gia đưa tin trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975. (Ảnh: Tư liệu VNTTX)

35 năm nhớ lại toàn ngành vào mặt trận

Đỗ Phượng

Ba mươi lăm năm qua, năm nào ta cũng có dịp đọc bài viết, nghe lời kể, cùng những cuộc gặp mặt mừng ngày toàn thắng. Lẽ thông thường ở mỗi cuộc gặp gỡ, ở mỗi bài viết và nói từ trên những cương vị, địa bàn khác nhau thường chỉ đề cập đến hoạt động và trách nhiệm có phần đơn lẻ. Phải chăng trong lần thứ 35 năm này thử nhớ lại cục diện và hoạt động chung của toàn ngành Thông tấn trong mùa xuân 1975 lịch sử đó.

Ở đây có anh chị em VNTTX và TTXGP, tuy hai tổ chức nhưng chỉ là một. Họ đều là những chiến sỹ thực hiện chung một nhiệm vụ. Xin nâng cốc chúc Thông tấn xã cả nước ta không ngừng phát triển và tiến bộ. (Phát biểu của đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục và Thường vụ Trung ương Cục ngày 15/9/1975 tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập VNTTX)

Một nhánh, một việc đã khó, toàn cục, toàn ngành đâu có dễ dàng. Vả lại, tuổi cao, thời gian cũng đã dài, nhớ nhớ quên quên, cái còn nhớ cũng chỉ được dăm bảy phần, nhiều cái quên có khi lại quên chính việc quan trọng.

Phó Tổng biên tập Đỗ Phượng (thứ ba bên trái) tiễn đoàn phóng viên VNTTX vào chiến trường B, tháng 3/1975. (Ảnh: Tư liệu VNTTX)
Phó Tổng biên tập Đỗ Phượng (thứ ba bên trái) tiễn đoàn phóng viên VNTTX vào chiến trường B, tháng 3/1975. (Ảnh: Tư liệu VNTTX)

Nhiều người trong cuộc đã qua đời. Mạnh dạn ghi lại toàn cục, toàn ngành khó đạt tới sự chuẩn xác như mong muốn. Hy vọng có được nhiều nguồn tư liệu bổ sung để đến năm thứ 40 có được đầy đủ những tư liệu chuẩn, đúng với lịch sử đã diễn ra.

Nhớ lại một buổi chiều cuối tháng giêng năm 1975, tan cuộc họp, anh Lê Văn Lương giữ lại hỏi thăm sức khoẻ anh Trần Thanh Xuân và khả năng công tác chuyên môn và kỹ thuật của TTXGP.

Anh cũng hỏi về tình hình Phân xã khu V và tổ chức Thông tấn xã ở B5 (mặt trận Trị-Thiên) và B3 (mặt trận Tây Nguyên). Anh cũng hỏi khá kỹ về đội ngũ cán bộ và lực lượng kỹ thuật có thể cơ động của Tổng xã. Với tầm suy nghĩ chiến lược của một nhà lãnh đạo, anh dành thì giờ hỏi kỹ về kỹ thuật và đội ngũ cán bộ làm công việc hàng ngày thu lượm các nguồn thông tin nước ngoài và trình độ khả năng công tác của những phóng viên công tác ở ngoài nước.

Trước khi chia tay, anh nói vừa như nhắc nhở vừa như trao nhiệm vụ: Anh Ba (Lê Duẩn), Anh Năm (Trường Chinh) và Ban Bí thư trao trách nhiệm cho lãnh đạo Thông tấn xã, chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng đáp ứng mọi biến động trong tình hình mới không được để xảy ra một sơ xuất nào dù nhỏ.

Vẫn như thường lệ anh nói nhỏ nhẹ, không hề cao giọng, nhưng người nghe như cảm nhận được nỗi bức xúc và sự lo lắng của đồng chí Thường trực Ban Bí thư về chức trách của một cơ quan thông tin chiến lược của Đảng và Nhà nước trước giai đoạn bước ngoặt của cách mạng.

Các phóng viên TTXGP cùng Chủ tịch UBTW Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Nguyễn Hữu Thọ. (Ảnh: Tư liệu TTXGP)

Các phóng viên TTXGP cùng Chủ tịch UBTW Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Nguyễn Hữu Thọ. (Ảnh: Tư liệu TTXGP)

Những ngày trước Tết âm lịch Ban lãnh đạo Thông tấn xã cùng nhau rà soát tình hình mọi mặt. Anh Năm Trần Thanh Xuân khoẻ mạnh, đội ngũ tin, ảnh, kỹ thuật đều khá tốt, đường dây liên lạc điện báo tự động song song với điện báo Morse, kể cả truyền ảnh vô tuyến hoạt động tốt.

Đường liên lạc Hà Nội-Tân Sơn Nhất bằng điện báo tự động làm việc đều đặn. Liên lạc với khu 8, khu 9 và nhiều tỉnh Nam bộ khá tốt. Chỉ khu 6 có phần hơi yếu, nhiều khó khăn. Khu V và các tỉnh miền Trung hoạt động tốt, Tây Nguyên đã được tăng cường thêm phân xã quân sự. Trị-Thiên đảm bảo tốt.

Các ban biên tập tin Thế giới và Đối ngoại đã được kiện toàn. Lực lượng biên tập, biên dịch làm tin tham khảo, kể cả lực lượng nghe đài (thu phonie) có thể yên tâm.

Một số phóng viên tin, ảnh, điện báo ở Tổng xã và các tỉnh miền Bắc có thể huy động nhanh khi cần động viên. Phóng viên ngoài nước đều có kinh nghiệm, nhạy bén với thời cuộc. Anh Đào Tùng kết luận: Thông tấn ta luôn sẵn sàng ra quân bất cứ lúc nào. Nhưng cuộc họp vẫn đi tới những kết luận chặt chẽ: Chuẩn bị sẵn sàng một đoàn lãnh đạo Tổng xã cùng một số phóng viên giỏi vào B2 nắm tình hình cụ thể, có kế hoạch chi viện sát với thực tế, nếu tình hình chuyển biến nhanh thì trụ lại trực tiếp hỗ trợ tại chỗ.

Trước mắt, các anh Đào Tùng, Lê Chân chỉ đạo hàng ngày hai ban biên tập tin Thế giới và Đối ngoại đặc biệt coi trọng bộ phận thu tin nước ngoài và chỉ đạo phân xã ngoài nước.

Nhóm phóng viên GP 10 của VNTTX chi viện cho TTXGP đi chiến trường miền Đông Nam Bộ tại chiến khu Mã Đà (Đồng Nai) đầu năm 1974 (Từ trái qua: Kim Sơn, Vũ Xuân Bân, Phạm Cao Phong, Nguyễn Sỹ Thuỷ, Lý Văn Tích). (Ảnh: Tư liệu TTXGP)
Nhóm phóng viên GP 10 của VNTTX chi viện cho TTXGP đi chiến trường miền Đông Nam Bộ tại chiến khu Mã Đà (Đồng Nai) đầu năm 1974 (Từ trái qua: Kim Sơn, Vũ Xuân Bân, Phạm Cao Phong, Nguyễn Sỹ Thuỷ, Lý Văn Tích). (Ảnh: Tư liệu TTXGP)


Anh Hoàng Tư Trai rà soát tình hình T6, T7, chỉ đạo Cục Kỹ thuật vừa tổ chức sẵn sàng các tổ điện báo cơ động, vừa chuẩn bị khi cần thiết chuyển cơ sở kỹ thuật nặng vào chiến trường, đồng thời anh Hoàng Tư Trai lo thêm nguồn vốn và xin thêm xe sẵn sàng cho các tổ phóng viên cơ động.

Đỗ Phượng cùng Ban biên tập tin ảnh miền Bắc, Ban biên tập tin ảnh miền Nam, Phòng thông tấn quân sự, ban B và tổ chức cán bộ bố trí lại lực lượng phóng viên tin ảnh và điện báo cơ động, làm việc với Ban Thống nhất Trung ương chuẩn bị sẵn trang phục và vật dụng cần thiết cho các tổ cơ động, đồng thời giữ vững liên lạc với B2, B1, B3, B5, Tân Sơn Nhất và các tỉnh miền Trung, miền Nam.

Tuần đầu tháng 3 năm 1975, văn phòng anh Ba (Lê Duẩn) thông báo miệng ý kiến chỉ đạo cấp trên. Thông tấn xã chuẩn bị làm việc giống như thời kỳ tháng 12 năm 1972 (chiến tranh chống B.52).

Anh Trần Độ yêu cầu giao ban vào 7 giờ các buổi sáng ở Ban Thống nhất. Văn phòng anh Văn (Võ Nguyên Giáp) nhắc: bất cứ lúc nào trong ngày, có tin quan trọng phải báo cáo ngay.

Thực ra thời gian mở chiến dịch Tây Nguyên chỉ được truyền miệng vào tối mùng 9 tháng 3 và vẫn là tinh thần chỉ đạo giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976.

Chiến dịch Buôn Ma Thuột phát triển thắng lợi nhanh vượt qua mọi dự kiến. Anh Đào Tùng lãnh đạo đoàn cán bộ đặc biệt lên đường ngay vừa nắm tình hình tại chỗ, vừa trực tiếp tăng cường cho Tổng xã TTXGP.

Được các anh Tố Hữu, Hoàng Tùng đồng ý, anh Đào Tùng lên đường mà không kịp báo cáo và xin quyết định của Ban Bí thư (điều này hạn chế vị trí và trách nhiệm đáng phải có của anh Đào Tùng tại chiến trường).

Nhà báo Lâm Tấn Tài (người đứng bìa phải) đang theo dõi truyền tin bài về cứ tại một tổ phóng viên TTXGP tác nghiệp tại vùng ven Sài Gòn trươc cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. (Ảnh: Tư liệu TTXGP)

Nhà báo Lâm Tấn Tài (người đứng bìa phải) đang theo dõi truyền tin bài về cứ tại một tổ phóng viên TTXGP tác nghiệp tại vùng ven Sài Gòn trươc cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. (Ảnh: Tư liệu TTXGP)

Thường vụ Trung ương Cục đề nghị xin Đỗ Phượng vào tăng cường cho Ban Tuyên huấn Trung ương Cục và TTXGP. Lúc này anh Lê Văn Lương mới biết đoàn anh Đào Tùng đã lên đường. Anh Hoàng Tùng đề nghị Ban Bí thư được giữ Đỗ Phượng lại, cho đến khi anh Đào Tùng trở ra.

Mấy ngày sau, nhận tin từ anh Doãn Tuế, Tư lệnh pháo binh đã gặp đoàn anh Đào Tùng và giúp đoàn Thông tấn xã điều kiện vào nhanh B2, anh Đào Tùng cũng nhắc khẩn trương thực hiện các kế hoạch đã bàn.

Tình hình mặt trận phát triển dồn dập. Từ ngày 10 tháng 3 năm 1975 Phòng Thông tấn quân sự và Phòng Thư ký tập trung ăn nghỉ tại chỗ làm việc. Phòng làm việc của Đỗ Phượng luôn có mặt Lê Minh hoặc Trần Dũng cùng Xuân Ổn túc trực 24/24 giờ.

Ngoài việc giao ban 7 giờ sáng với anh Trần Độ ở Ban Thống nhất, từ sau 5 giờ chiều hàng ngày, Đỗ Phượng có mặt tại nhà riêng anh Ba (Lê Duẩn) vừa báo cáo thông tin, vừa chờ chỉ thị hoặc nghe ngóng động thái mới để kịp bố trí lực lượng.

Chị Sáu đã nhận từ Ban Thống nhất Trung ương về các trang phục, lương khô, thuốc men và cả một số máy ảnh đủ để trang bị cho các đoàn, tổ công tác cơ động. Anh Trai, anh Hoá cùng văn phòng đã lo đủ xe và các tổ máy điện báo cơ động.

Đoàn tăng cường cho khu V có cả kỹ thuật điện báo truyền chữ, truyền ảnh (teletype và telephoto) do anh Hường phụ trách đã lên đường. Liên tục các tổ cơ động có thể điều động đều được vào trận.

Đoàn xe chở phóng viên và trang thiết bị của VNTTX chi viện cho TTXGP trên đường Trường Sơn. Suốt 15 năm (1960-1975), VNTTX không ngừng chi viện sức người, sức của cho TTXGP, cùng góp sức hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của sự nghiệp thống nhất dân tộc, tô thắm trang sử vàng của Thông tấn xã Việt Nam anh hùng. (Ảnh: Tư liệu VNTTX)

Đoàn xe chở phóng viên và trang thiết bị của VNTTX chi viện cho TTXGP trên đường Trường Sơn. Suốt 15 năm (1960-1975), VNTTX không ngừng chi viện sức người, sức của cho TTXGP, cùng góp sức hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của sự nghiệp thống nhất dân tộc, tô thắm trang sử vàng của Thông tấn xã Việt Nam anh hùng. (Ảnh: Tư liệu VNTTX)

Tổ đi sau nhất cũng là tổ cơ động cuối cùng có Trần Mai Hưởng, Lâm Hồng Long… cũng được tăng cường cho mặt trận Huế. Với tư tưởng chỉ đạo mặt trận phát triển đến đâu thì tiến theo đến đó. Từ chiến trường B2, nửa cuối tháng 4 năm 1975, toàn TTXGP kể cả số phóng viên đi theo anh Đào Tùng, như Mai Hạnh, Văn Bảo lên đường theo các tuyến khác nhau tiến vào đích cuối cùng.

Anh chị Trần Thanh Xuân cũng rời căn cứ. Căn cứ TTXGP được trao lại cho anh Đào Tùng và một nhóm cán bộ kỹ thuật vừa lo bảo vệ căn cứ, vừa giữ liên lạc với Hà Nội và các hướng.

Lúc này anh Xuân Bích được tăng cường cho khu 6 đã có mặt ở Đà Lạt, các tỉnh Nam Trung bộ đã được tăng cường đủ phóng viên. Khoảng những ngày 15-16/3 cho đến đầu tháng 5 năm 1975, Ban biên tập tin ảnh miền Nam và Phòng Thông tấn quân sự phát tin dồn dập.

Từ cuối tháng 3, không thể chờ in vào bản tin ngày mà phải in ngay tin chiến sự kịp gửi cho đài, báo và các cơ quan Trung ương. Có mặt trận, vừa phát tin xong, lại có tin bổ sung. Có mặt trận phát tới ba, bốn tin trong ngày. Chưa bao giờ, biên tập càng làm tin, càng khỏe, càng vui. Căng tin nhộn nhịp chạy bánh, chạy phở phục vụ. Không đưa bánh, đưa phở cũng sang nghe ngóng tin tức.

Lực lượng làm tin phương Tây cũng ngập đầu trong công việc cả ngày, đêm. Không chỉ những người làm tin phổ biến, khối lượng tin, bài tham khảo nhận từ các hãng phương Tây lớn hơn, lại có nhiều chuyện giật gân như việc tướng tá ngụy tranh nhau phương tiện cả đường không, đường biển, đường bộ rút chạy ngay sau những tuyên bố “tử thủ.”

Ta đã khai thác được khá nhiều từ nguồn phương Tây làm phong phú thêm nguồn tin và ghi nhanh chiến sự ngắn gọn từ chiến trường gửi về. Càng phải cảm ơn nguồn ảnh truyền qua vô tuyến của các hãng phương Tây, ta nhận khá rõ phát cho các báo sử dụng, có ngày tới 5 hoặc 7 ảnh.

Nhiều ảnh đẹp còn được phóng to trưng bày trong bảng tin, ảnh trước trụ sở 5 Lý Thường Kiệt của VNTTX. Sáng và chiều nào, Thông tấn xã cũng nhiều khách, kể cả cán bộ cao cấp các cơ quan trung ương ghé vào đọc tin và hỏi chuyện chiến trường.

Đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy khu 5 đến thăm cơ sở thu phát tin bằng máy Teletype của Đài minh ngữ thuộc TTXGP. (Ảnh: Tư liệu TTXGP)
Đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy khu 5 đến thăm cơ sở thu phát tin bằng máy Teletype của Đài minh ngữ thuộc TTXGP. (Ảnh: Tư liệu TTXGP)


Một ngày giữa tháng 4, chị Yến là điện báo viên phụ trách theo dõi các đài từ chiến trường báo cáo với Đỗ Phượng: Các tổ cơ động của Tổng xã và các tổ công tác của B2 đều không lên sóng. Các đài của Tổng xã đều thường trực lên hô hiệu nhưng không có phản hồi. Chị phản ánh với thái độ lo lắng.

Nhưng nguồn tin không thiếu. Thông tin từ Tân Sơn Nhất, Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, tiếp đó là Quảng Đà, Phú Khánh, Lâm Đồng cùng nguồn tin phương Tây khá đầy đặn cho bản tin hàng ngày.

Các ngày 27, 28/4, tình hình chính trị của chính quyền Sài Gòn biến động mạnh, hoạt động ngoại giao của một số sứ quán phương Tây tại Sài Gòn cũng nhộn nhịp. Đúng lúc đó, Tân Sơn Nhất điện ra: buộc phải ngừng lên máy làm việc. Các tổ cơ động của B2 kể cả bộ phận của anh Năm Xuân cùng các tổ cơ động của Tổng xã theo kỷ luật chiến trường đều không lên máy.

Như trên trời rơi xuống, chị Yến mang bản tin của tổ Mai Hưởng cùng các phóng viên ảnh, kể cả phóng viên thông tấn quân sự báo về đã gặp cựu Trưởng phòng thông tấn quân sự (Trần Bình, Phó Chính ủy Sư đoàn 304) sẽ chuyển hướng đi theo lực lượng này vào đích cuối cùng. Điện ngắn không quên nhờ nhắn tin cho gia đình cựu Trưởng phòng thông tấn quân sự.

Tràn ngập niềm vui, vội vàng lên chỗ anh Đống Ngạc (Văn phòng Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn). Không ai ở dưới nhà, ngồi chờ trên ghế gỗ cứng mà ngủ ngon lành hồi nào không biết. Có ai đó lấy báo đập nhẹ vào đầu, bừng mở mắt: anh Ba Lê Duẩn mặc quần sà lỏn tươi cười đứng trước mặt: Về, về ngủ đi cho khoẻ, anh Tấn (Tướng Lê Trọng Tấn) đã hội được cánh quân phía đông, Dương Văn Minh hay ai cũng không còn làm gì được nữa. Nhớ chuẩn bị pháo nổ to và dài. Có tin địch đầu hàng thì nổ pháo ngay. Ban Bí thư đã quyết định Thông tấn xã nổ pháo là báo tin toàn thắng cho nhân dân. Khác mọi khi anh thường nói dài, giải thích, dặn dò, lần này anh nói nhanh rồi đi vội lên lầu.

Đống Ngạc cho biết: anh Văn và các anh vừa báo tin cho anh Ba về các cánh quân đều đã tập kết đầy đủ, áp sát mục tiêu, anh Lê Trọng Tấn đã nắm Quân đoàn II và các sư của khu V, hình thành cánh quân phía đông, hợp đồng binh chủng đủ mạnh sẽ tiến thẳng vào mục tiêu chính.

Kỹ thuật viên TTXGP điều khiển dàn máy Teletype. Trong hơn 15 năm ra đời và phát triển dưới bom đạn kẻ thù (1960–1975), TTXGP phải sơ tán trụ sở chính hàng chục lần nhưng vẫn luôn duy trì “mạch máu” thông tin. (Ảnh: Tư liệu TTXGP)
Kỹ thuật viên TTXGP điều khiển dàn máy Teletype. Trong hơn 15 năm ra đời và phát triển dưới bom đạn kẻ thù (1960–1975), TTXGP phải sơ tán trụ sở chính hàng chục lần nhưng vẫn luôn duy trì “mạch máu” thông tin. (Ảnh: Tư liệu TTXGP)


Bộ Chính trị quyết định không có tiếp xúc ngoại giao, buộc địch đầu hàng không điều kiện. Tình hình chắc sẽ chuyển biến từng giờ. Các ông phải nắm tin nhanh và cả phản ứng của phương Tây, nhất là Mỹ. Nhân nhắc lại Đống Ngạc, Thông tấn xã đã đề nghị với anh Văn cho máy bay chuyển ảnh về Hà Nội cho kịp, như Tướng Zhucov đã cho máy bay chuyển ảnh từ Berlin về Moscow năm 1945 theo lệnh của Stalin.

Nhờ Văn phòng Bí thư Thứ nhất nhắc thêm. Đống Ngạc cho biết anh Văn đã đồng ý, nếu chưa bay được từ Sài Gòn thì có thể từ Đà Nẵng hay Huế đã có lệnh sẵn sàng chở phóng viên Thông tấn xã đem ảnh và tài liệu về Hà Nội.

Phóng xe về Tổng xã vừa ăn phở vừa triệu tập anh em văn phòng đang trực lên giao nhiệm vụ: chuẩn bị đủ pháo tốt, dùng dây thép nối dài từ tầng trên cùng của nhà số 5 chưa treo vội nhưng sẵn sàng có lệnh thì phải nổ pháo giòn giã và kéo dài.

Sáng 29/4, Trần Dũng cho biết cả 4 cánh quân đều có tổ phóng viên đi theo sẵn sàng lên sóng. Riêng cánh Tây Nam chưa liên lạc được, chắc sẽ sử dụng phân xã khu 8. Các phóng viên TTXGP theo các đồng chí lãnh đạo ở các hướng thì không được mang theo điện đài nên không thể chờ tin, bài của họ.

Lúc này, các báo và đài đều có người chờ sẵn ở VNTTX để nhận tin, ảnh.

20 giờ 30 phút tối hôm đó, trời mưa to, điện thoại của Đống Ngạc gọi: Lên ngay, mang theo máy ảnh. Lên đến nơi, Đống Ngạc kêu trễ rồi, anh Văn (Võ Nguyên Giáp) vừa đi khỏi nhà anh Ba được mấy phút. Đống Ngạc rất tiếc đã không chụp được ảnh anh Ba và anh Văn ôm hôn nhau cười vui trong nước mắt.

Thực ra, từ khi Văn Bảo đi cùng anh Đào Tùng đã để lại bộ máy ảnh tốt, dễ sử dụng cho anh Đống Ngạc, nhưng trong giây phút lịch sử đó, đèn máy ảnh lại không phát sáng. Chắc không tại máy mà do sự xúc động của người chụp. Ngồi lại uống trà, Đống Ngạc cho biết theo anh Văn tình hình Sài Gòn có thể kết thúc trong buổi sáng 30/4. Các ngày 1 và 2/5 có thể kết thúc ở Cần Thơ, Phú Quốc, Côn Đảo. Trường Sa và các đảo phụ cận đã thu gọn xong cả rồi.

Phóng viên TTXGP và VNTTX tham gia đưa tin trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975. (Ảnh: Tư liệu VNTTX)
Phóng viên TTXGP và VNTTX tham gia đưa tin trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975. (Ảnh: Tư liệu VNTTX)

Trưa 30/4, vừa nhận tin điện báo của tổ Mai Hưởng, vừa nghe đài Sài Gòn, làm tin ngay, song phải đưa lên cấp trên xem lại bởi đó có lẽ là bản tin quan trọng nhất trong lịch sử chiến tranh, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thực hiện trọn vẹn di huấn thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.”

Không đợi duyệt tin, tràng pháo dài từ tầng trên cùng nhà số 5 Lý Thường Kiệt nổ giòn giã trong khi cán bộ và nhân dân đã đứng đông nghịt tràn ngập cửa trường Đại học Tổng hợp, trên dọc đường Lý Thường Kiệt, Lê Thánh Tông, tràn cả lên vườn hoa. Tiếng vỗ tay, tiếng reo hò và cả những hàng nước mắt, các đoàn người nối tiếp nhau tràn ngập trước trụ sở VNTTX ngay cả khi tiếng pháo đã ngừng hẳn.

Khỏi phải nói thêm về khí thế, niềm vui của nhân dân ta, cả bạn bè quốc tế ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Trở lại Sài Gòn, các tổ và phóng viên đi theo các cánh quân và lãnh đạo đã hội đủ ở Sài Gòn. Chị Năm Xuân (Mai Thị Trình), Nguyễn Đức Giáp, Hai Luận (Ngô Dương Luận) đã liên hệ được với chị Tư Hòa (nguyên Trưởng phòng Y tế VNTTX ở Hà Nội, về hoạt động hợp pháp ở Sài Gòn đã nhiều năm), cùng các cơ sở khác.

Ngoài việc tiếp quản trụ sở Việt tấn xã làm trụ sở TTXGP, để anh Năm Xuân có chỗ làm việc ngay, còn tiếp nhận thêm một số nhà làm việc, trong đó có 155 Hiền Vương (nay là Võ Thị Sáu) để làm trụ sở cho đại diện VNTTX tại miền Nam.

Anh Năm Xuân đã giao cho Sáu Nghĩa cử người đem ảnh chụp xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập của Văn Bảo về để phát ngay ra Hà Nội và đón anh Đào Tùng và bộ phận còn lại trong cứ ra Sài Gòn. Cơ sở kỹ thuật ở Tân Sơn Nhất được chuyển ra 155 Võ Thị Sáu nhưng chưa làm việc được ngay. Liên lạc từ Sài Gòn về Hà Nội vẫn phải dùng Morse. Cơ sở kỹ thuật của Việt tấn xã chỉ có vài máy thu teletype, không có máy phát.

Hoàng Thiểm ngay khi vào Dinh Độc Lập, đã tập hợp nhanh ảnh chụp Dinh Độc Lập, tình hình nhân dân Sài Gòn đón các đoàn quân giải phóng, lấy xe của Phó thủ tướng ngụy quyền Sài Gòn mang phim, ảnh và tài liệu theo đường bộ, lên máy bay từ Huế ra Hà Nội.

Càng biểu dương và vô cùng biết ơn anh chị em B2 vì ngay đêm 30 tháng 4, đã nhận được ảnh xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập. Vận dụng hết khả năng kỹ thuật ảnh lúc đó để có được tấm hình rõ nét cho các báo và phát qua đường vô tuyến thu ra nước ngoài.

Tấm ảnh lịch sử đó cho đến 10 năm sau, khi kỷ niệm 10 năm giải phóng Sài Gòn, Hãng Thông tấn Kyodo và nhiều báo ở Nhật Bản vẫn in lại, dù lúc đó có nhiều ảnh đẹp hơn, kể cả ảnh màu. Các bạn Nhật Bản giải thích “Đó là tấm ảnh vô giá dù có nhiều ảnh đẹp hơn nhưng lịch sử, chứng vật lịch sử cần được trân trọng mãi mãi.”

Tổ tráng phim, in ảnh (B22) của TTXGP. (Ảnh: Tư liệu TTXGP)
Tổ tráng phim, in ảnh (B22) của TTXGP. (Ảnh: Tư liệu TTXGP)

Trở lại với chiến công của Hoàng Thiểm. Khi Hoàng Thiểm ra Hà Nội đã tập trung in ngay hàng trăm kiểu ảnh màu và đen trắng. Đưa Hoàng Thiểm lên gặp anh Lê Duẩn và cả anh Tố Hữu. Anh Lê Duẩn thích thú và khen ngợi các tấm ảnh nhân dân nô nức đón chào quân giải phóng. Tiếp đó, Hoàng Thiểm được các anh Tổng cục Chính trị đưa đến gặp anh Văn.

Tập ảnh Hoàng Thiểm đem ra được tận dụng không chỉ cho báo mà còn được phát hành rộng rãi cho các cơ quan tuyên truyền, trưng bày trong các cuộc triển lãm cấp tốc.

Không nhớ rõ ngày giờ, nhưng chỉ nhớ Hoàng Thiểm vừa mang ảnh ra, thì các kỹ sư và kỹ thuật viên đã tìm đủ phụ tùng để sửa chữa, lắp đặt những máy teletype từ Tân Sơn Nhất đem ra 155 Võ Thị Sáu. Máy móc đã làm việc tốt, nối liền đường điện báo tự động Hà Nội-Sài Gòn. Công việc đang bề bộn trong niềm vui thì các anh Lê Văn Lương, Tố Hữu, Hoàng Tùng gọi lên cho biết Trung ương Cục điện báo yêu cầu Đỗ Phượng vào gấp. Các anh chỉ thị lên đường ngay, không cần chờ anh Đào Tùng ra.

Mãi mãi nhớ Lê Đình Phấn, anh đã về cõi Bác Hồ. Không biết từ lúc nào, anh đã chuẩn bị một xe commăngca, thay ghế ngồi bảo đảm đi đường dài, một xe nhiều chỗ ngồi được đặt tên là xe “chính sách” và một xe tải lớn mang theo các thiết bị kỹ thuật bổ sung cho B2.

Anh Phấn là Phó chánh văn phòng Thông tấn xã, lớn tuổi nhưng khoẻ mạnh, lái xe giỏi. Anh chuẩn bị sẵn hai bản đồ: Bản đồ toàn miền Nam và bản đồ Thành phố Hồ Chí Minh.

Hầu như những đồng chí phụ trách gắn bó với chiến trường miền Nam cùng đi chuyến này. Cả hai đồng chí lãnh đạo thông tấn quân sự Lê Minh và Trần Dũng, anh Đỗ Bích, cán bộ cách mạng lão thành, Trưởng phòng tổ chức, một con người tiêu biểu sống mẫu mực 21 năm “ngày Bắc, đêm Nam,” chị Trần Thị Tỳ gắn liền với tư liệu miền Nam, chị Sáu, người cả cuộc đời làm tổ chức chỉ lo cho cán bộ chiến trường miền Nam, chị Yến, người gắn bó với hô hiệu các đài mang tên LPA trên toàn miền Nam và đội quân thiếu nhi con anh chị Năm Xuân, con chị Sáu, chị Yến và cả cháu Mai con chị Tư Hòa.

Vẫn mặc trang phục quân giải phóng nhưng xe đi trong hoà bình. Đi nhanh từ Hà Nội đến cầu Hiền Lương, chỉ nghỉ lại dọc đường ban đêm. Nhưng đến Huế, anh chị em gặp nhau, những phóng viên, điện báo viên trải qua những năm dài gian khổ còn sống khoẻ mạnh, cả các đồng chí lãnh đạo Đảng bộ địa phương đều là người quen cũ, không thể không dừng lại, không thể không có những cuộc đi thăm hỏi, không thiếu được các bữa ăn, nhất là các món ăn Cung đình Huế. Dừng lại Huế chỉ một đêm và gần hai ngày.

Nhưng đến Đà Nẵng càng không thể đi ngay. Có biết bao gia đình và cơ sở cần đến thăm. Có bao chuyện cần bàn để xây dựng cơ quan đại diện ở miền Trung và Tây Nguyên, lại còn vừa bổ sung, luân chuyển cán bộ cho các tỉnh trong khu vực, kể cả việc dựng vợ gả chồng cho một số cán bộ phóng viên bởi đã hòa bình như lời hẹn ước.

Quảng Ngãi cũng phải dừng lại không phải chỉ vì đề tài “quê gốc của bún bò, giò heo có đúng là Quảng Ngãi không” mà cũng như mọi nơi đi qua, công tác luân chuyển và điều kiện hoạt động của cán bộ sau giải phóng đòi hỏi phải có thì giờ cùng bàn bạc.

Đến Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà thì không chỉ có những công việc giống như mọi nơi mà lại có hai việc bức xúc: một là xe chính sách gồm các chị và các cháu bỏ xa đoàn, đi lạc phải mất công tìm kiếm, hai là cần thuyết phục anh Đỗ Bích ở lại thăm gia đình. Đã 21 năm chị và các cháu ngóng tin anh. Cả tình và lý, anh Bích chấp nhận ở lại, sẽ vào Sài Gòn sau.

Đến Phan Rang quyết định ngược lên Đà Lạt gặp Xuân Bích và anh em khu 6 trong đó có cô điện báo viên duy nhất của khu 6 còn sống sau chiến tranh. Đến chỗ Xuân Bích thì có điện của anh Năm Xuân hỏi ngày đến Sài Gòn và nhắc khéo anh Trần Quang Huy chuyển lời hỏi thăm. Biết là không thể trì hoãn.

Rời Đà Lạt, tới Sài Gòn lúc 6 giờ chiều. Anh Phấn chỉ theo bản đồ mà không cần hỏi đường, xe dừng đúng trước nhà 155 Hiền Vương (Võ Thị Sáu). Hầu như tất cả đã chờ sẵn. Ôm nhau, mừng mừng, tủi tủi. Chỉ riêng cháu Mai đứng trước bố mẹ mà tần ngần. Cháu đã học cấp ba phổ thông, không quên mặt bố mẹ. Thì ra tội là ở chú Đỗ Phượng hay trêu cháu dọc đường “chuyến này về làm tiểu thư nhà tư sản ở Sài Gòn.”

Các cháu học sinh miền Bắc thời đó, phân biệt địch ta, phân biệt giai cấp rõ ràng và quyết liệt. Phải đến với cháu nói rõ “ba mẹ là anh hùng sống trong lòng địch làm kinh tế cho cánh mạng, không phải là tư sản đâu, chú nói giỡn đó.”

Vậy mà chị Tư Hòa cho biết cả tháng trời, Mai mới nhận thức rõ và quan hệ thân thiết với ba má. Mai học giỏi và ngoan, tiếc cháu mất sớm vì bạo bệnh. Xin trong trang viết này chia sẻ với chị Tư. Gặp anh chị em TTXGP, nhiều người chỉ nghe tên nhưng chưa biết mặt.

Ngay cả lớp cao tuổi như Ba Đỗ, Sáu Nghĩa, 30 năm chiến đấu chưa một lần ra Bắc. Thế mà sao thân thiết, gần gũi. Nhiều đồng chí chỉ nghe tiếng nói qua băng ghi âm và đọc thư gửi từ Hà Nội. Anh chị em không nói đến những món quà lớn mà rất nhớ những cái nhỏ nhặt như dụng cụ thô sơ để xỏ quai dép cao su.

Khoảng một tháng sau, thương anh Năm Xuân vốn nghiêm chỉnh, thật thà, luôn lo nghĩ cho anh em nên rất lo khi họp đại hội toàn Đảng bộ, chân ướt chân ráo mới vào làm sao Đỗ Phượng có đủ số phiếu trúng cử ở mức kha khá để làm Bí thư Đảng ủy như chỉ đạo của Trung ương Cục.

Trên hai trăm lá phiếu 100% đã dồn cả cho người mới đến. Không thể nói khác hơn đó là những lá thăm mang theo tình cảm cách mạng trong sáng, không tiền bạc, của cải nào có thể so sánh được. Cho đến lúc này, đã 35 năm, vẫn không thể quên tinh thần cách mạng và tình chân thành đó.

Bài viết đã quá dài, xin được kết thúc bắng sự kiện đặc biệt ngày 15 tháng 9 năm 1975. Được anh Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục và Thường vụ Trung ương Cục cho phép, Thông tấn xã đã tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày thành lập VNTTX ngay tại một nhà hàng nổi tiếng nhất ở trung tâm Chợ Lớn. A

Anh Phạm Hùng và các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục, Chính phủ Cách mạng Lâm thời, lãnh đạo các ban, ngành của miền Nam, cùng các nhà lãnh đạo lực lượng thứ ba và một số nhân sỹ, trí thức và các nhân vật tiêu biểu trong chính quyền Sài Gòn cũ đã tham dự.

Không một chút nghi thức, chủ nhà nói vài lời giới thiệu và cảm ơn chung các vị khách và mời đồng chí Phạm Hùng chúc rượu. Anh Phạm Hùng nói ngắn gọn đại ý là: Xin cảm ơn tất cả các bạn có mặt để chúc mừng 30 năm ngày truyền thống VNTTX, cơ quan thông tin chiến lược do Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập và đặt tên. Ở đây có anh chị em VNTTX và TTXGP tuy hai tổ chức nhưng chỉ là một. Họ đều là những chiến sỹ thực hiện chung một nhiệm vụ. Xin nâng cốc chúc Thông tấn xã cả nước ta không ngừng phát triển và tiến bộ.

Đó là cuộc gặp gỡ đông đảo đầu tiên mang tính tập hợp rộng rãi ở miền Nam kể từ sau ngày 30/4/1975 được Thường vụ Trung ương Cục khen ngợi, đánh giá cao.

Từ trái tim một người gắn bó với TTXVN, nhân bài viết này, hết lòng biết ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các đồng chí và đồng nghiệp các thế hệ của TTXVN và gia đình họ cùng các tổ chức và cơ sở đã ủng hộ hết lòng sự nghiệp Thông tấn./

Phó Tổng biên tập VNTTX Đỗ Phượng cùng các phóng viên trên đường đi công tác tại Quảng Trị (1973). (Ảnh: Tư liệu VNTTX)
Phó Tổng biên tập VNTTX Đỗ Phượng cùng các phóng viên trên đường đi công tác tại Quảng Trị (1973). (Ảnh: Tư liệu VNTTX)

Ký ức về một lớp người cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp Thông tấn

Trần Ấm

Một nửa cuộc đời anh em chúng tôi – lớp phóng viên năm 1965 đã sống, làm việc và hy sinh cho sự nghiệp Thông tấn hôm nay.

Con đường về Thông tấn

Vào những ngày đầu tháng 5/1965, trong không khí cả nước sôi sục khí thế chống Mỹ, cứu nước, phong trào miền Bắc chi viện sức người và sức của cho miền Nam được phát động rầm rộ, anh em chúng tôi đang trong giai đoạn kết thúc cuộc đời sinh viên ở các trường đại học Tổng hợp, Sư phạm, Ngoại giao… thì được anh Châu, cán bộ tổ chức Trung ương cùng chị Sáu, anh Bích, cán bộ tổ chức của Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX), về làm việc với Ban giám hiệu các trường.

Một nửa cuộc đời anh em chúng tôi – lớp phóng viên năm 1965 đã sống, làm việc và hy sinh cho sự nghiệp Thông tấn hôm nay.

Qua lý lịch, học bạ và làm việc trực tiếp với các giáo viên chủ nhiệm để chọn người, chúng tôi được phòng giáo vụ, Ban Giám hiệu nhà trường gọi lên nói rõ mục đích, ý nghĩa việc tuyển chọn người theo yêu cầu của VNTTX để chi viện cho miền Nam. Thế là trong vòng một tuần lễ chúng tôi kết thúc sớm khóa luận văn tốt nghiệp và vui vẻ chấp hành lệnh điều động của tổ chức.

Chúng tôi được xe của VNTTX đón đi đến lớp học tại thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Tây cũ, nay là Hà Nội. Và thế là chúng tôi bắt đầu bước vào nghề mới – nghề Thông tấn – báo chí.

 Phóng viên, kỹ thuật viên VNTTX trong Phòng liên lạc Ban liên hợp quân sự bốn bên tại Trại Davis Sài Gòn, tháng 3/1973, thu và biên tập tin gửi về Tổng xã tại Hà Nội để cung cấp cho các cơ quan, báo chí trong và ngoài nước. (Từ trái qua): Kỹ sư Trương Việt Cường, điện báo viên Ngô Duy Phùng, phóng viên Như Kim và kỹ thuật viên Phạm Quang Khang. (Ảnh: Tư liệu VNTTX)
 Phóng viên, kỹ thuật viên VNTTX trong Phòng liên lạc Ban liên hợp quân sự bốn bên tại Trại Davis Sài Gòn, tháng 3/1973, thu và biên tập tin gửi về Tổng xã tại Hà Nội để cung cấp cho các cơ quan, báo chí trong và ngoài nước. (Từ trái qua): Kỹ sư Trương Việt Cường, điện báo viên Ngô Duy Phùng, phóng viên Như Kim và kỹ thuật viên Phạm Quang Khang. (Ảnh: Tư liệu VNTTX)

Lớp học là đình Cấn Thượng, các học viên ở trong nhà dân. Phụ trách lớp học là anh Châu Quỳ và anh Trúc, phụ trách tài vụ lớp học là anh Thọ, cấp dưỡng lớp học là anh Luân. Các thầy dạy làm nghề báo của cơ quan VNTTX là các anh Hoàng Tuấn, Lê Chân, Lê Bá Thuyên…

Các thầy ngoài cơ quan Thông tấn là các anh Quang Đạm, Hoàng Tùng (báo Nhân Dân), Lưu Quý Kỳ, Trần Minh Tước (Vụ Báo chí, Ban Tuyên huấn Trung ương), anh Trần Lâm (Tổng biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam)…

Chúng tôi được nghe giảng hoặc thảo luận tổ. Kỷ luật lớp học khá nghiêm ngặt. Suốt 3 tháng không cho phép ai về thăm gia đình hoặc về Hà Nội thăm bạn bè (trừ trường hợp thật đặc biệt). Hết 3 tháng học lý thuyết chúng tôi được chia làm hai nhóm phóng viên tin và phóng viên ảnh.

Phóng viên ảnh tiếp tục ở lại Cấn Thượng học thêm 45 ngày, còn phóng viên tin về VNTTX thực tập.

Số học viên về VNTTX – số 5 Lý Thường Kiệt thực tập chia làm 3 tốp. Tốp thực tập tin thế giới gồm các anh Hoàng Hòe, Đàm, Mến, Lương. Tốp chúng tôi gồm Trần Ấm, Nguyễn Văn Nhường, Lê Đình Phụng thực tập tin đối ngoại, về tổ tin tiếng Pháp (AVI), Ban tin Đối ngoại.

Tổ tin tiếng Pháp hồi đó có 3 người gồm các anh Tô Chương, anh Phạm Văn Đức và chị Trình (vợ anh Trần Thanh Xuân). Cũng trong thời gian thực tập ở VNTTX, chúng tôi được dự Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập VNTTX. Phòng trưng bày truyền thống của cơ quan được đặt ở nhà ăn, 18 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

Phó Tổng biên tập VNTTX Trần Thanh Xuân và các phóng viên VNTTX tại một trạm dừng chân trên đường vào chiến trường miền Nam (3/1973). (Ảnh: Tư liệu VNTTX)
Phó Tổng biên tập VNTTX Trần Thanh Xuân và các phóng viên VNTTX tại một trạm dừng chân trên đường vào chiến trường miền Nam (3/1973). (Ảnh: Tư liệu VNTTX)

Dự Lễ kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập của cơ quan, anh em chúng tôi thấy được lớp đàn anh đi trước trong kháng chiến chống Pháp là những tấm gương sáng cho chúng tôi noi theo. Đặc biệt, gương các anh Đình Chương, Lê Bá Thuyên là phóng viên mặt trận Điện Biên Phủ để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng đẹp về phóng viên chiến trường. Một công việc mà chúng tôi sắp phải bắt tay vào làm việc thực sự ở miền Nam.

Dự Lễ kỷ niệm ngày thành lập cơ quan xong cũng là lúc chúng tôi kết thúc đợt thực tập và lại chuyển sang giai đoạn học tập khác. Đó là học về nhiệm vụ cách mạng miền Nam và tập hành quân đeo gạch rèn luyện sức khỏe để vượt Trường Sơn. Và từ đó, chúng tôi rong ruổi trên đường Trường Sơn đầy gian khổ với tấm chứng minh thư “đi ông cụ” (tức đi vào Trung ương Cục miền Nam ở miền Đông Nam Bộ).

Ròng rã 3 tháng trời có lẻ. Cứ ngày đi đêm nghỉ, hoặc ngày nghỉ, đêm đi tùy theo từng chặng. Mỗi chặng bình quân đi 10 giờ liên tục. Hành trang của mỗi người không thể thiếu được là chiếc ba lô cóc với bộ tăng, võng, bình toong, hăng-gô, gói muối tinh và gói mắm kem. Chúng tôi là những thanh niên ra đi với lòng phơi phới, được trực tiếp tham gia chống Mỹ ở nơi tuyến đầu.

Đoàn viên thanh niên TTXGP tại căn cứ ký kết giao ước thi đua. (Ảnh: Tư liệu TTXGP)
Đoàn viên thanh niên TTXGP tại căn cứ ký kết giao ước thi đua. (Ảnh: Tư liệu TTXGP)

Những ngày đầu có sức khỏe, có tinh thần chiến đấu cao nên cứ muốn một ngày đi hai trạm hoặc ba trạm để mau tới đích, kẻo vào tới nơi cuộc chiến tranh kết thúc mất, chỉ còn đi nhặt ống bơ thì uổng công quá! Nhưng đến tháng thứ hai, tháng thứ ba sức khỏe yếu dần, sốt rét rừng bắt đầu thâm nhập. Một số anh chị em phải rớt lại một vài chặng, nhưng chưa có người nào hy sinh như một số đoàn khác.

Đến đầu năm 1966 chúng tôi về tới Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP), lúc đó đóng ở vùng giáp biên giới tỉnh Tây Ninh với Campuchia, thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông. Về tới cơ quan chưa được một tuần, phần lớn anh em chúng tôi được phân công đi các mặt trận ở miền Đông Nam bộ. Có 2 tổ phóng viên trực tiếp xuống Công trường 9 (Sư đoàn 9) và Công trường 5 (Sư đoàn 5). Địa bàn hoạt động của Sư đoàn 9 là trục đường 13, vùng Bình Long-Tây Ninh. Sư đoàn 5 hoạt động ở vùng Bà Rịa-Long Khánh và vùng Rừng Sác, Lòng Tàu.

Những con đường đi săn tin

Nghề Thông tấn vốn đã cực nhọc, nhưng nghề Thông tấn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ – đặc biệt là những phóng viên chiến trường còn nhọc nhằn hơn nhiều.

Khi Mỹ-Ngụy chuẩn bị bước vào cuộc phản công chiến lược “Tìm diệt” thì cũng là lúc lãnh đạo TTXGP phân công chúng tôi đi theo các “Công trường” để đưa tin. Tổ chúng tôi đi Công trường 9 gồm có 4 phóng viên và 1 tổ điện đài gồm 5 người. Tổ phóng viên do anh Nguyễn Văn Đàm làm tổ trưởng, tôi (Trần Ấm), anh Trọng Linh, anh Nguyễn Đặng (phóng viên ảnh) làm tổ viên.

Phóng viên VNTTX Lam Thanh, Xuân Lâm, Vũ Tạo và các đồng nghiệp đi Chiến dịch Quảng Trị (tháng 1/1972). (Ảnh: Tư liệu VNTTX)
Phóng viên VNTTX Lam Thanh, Xuân Lâm, Vũ Tạo và các đồng nghiệp đi Chiến dịch Quảng Trị (tháng 1/1972). (Ảnh: Tư liệu VNTTX)

Chúng tôi lên đường đi tới Sư đoàn 9 vô cùng vất vả. Đi theo các trạm giao liên vượt sông Sài Gòn đến vùng Mã Đà. Vừa tới nơi thì được biết đơn vị hành quân về vùng Dầu Tiếng, Bời Lời (Tây Ninh). Đoàn chúng tôi quay về vùng Dầu Tiếng-Bời Lời thì đơn vị bộ đội lại vừa di chuyển để tránh bom B52. Tìm lòng vòng cả một tuần lễ mới đến được chỉ huy sở của Sư đoàn.

Đến nơi công tác, công việc đầu tiên là phải đào công sự, đi gùi gạo, gùi nước – nghĩa là phải làm những việc cần thiết để tồn tại trước. Có tồn tại thì mới nói đến chuyện hành nghề, mà có hành nghề được còn phụ thuộc vào các trận đánh của bộ đội.

Chúng tôi tới Sư đoàn 9 đúng vào lúc đơn vị đang “ém quân” (tự giấu mình), trong khi đó Sư “Anh cả đỏ” cứ lồng lộn đi tìm quân giải phóng. Còn chúng tôi bám sát hoạt động của bộ đội, để săn tin, đưa tin. Nhưng bộ đội lại không đánh, thật sốt ruột. Suốt ngày này sang ngày khác chỉ đào công sự, gùi gạo, xuống các đơn vị thâm nhập làm quen. Khi bước vào cuộc sống của bộ đội, phóng viên hòa nhập với cuộc đời người lính. Ngoài nhiệm vụ viết tin, bài, còn phải đào công sự, tải đạn ra tuyến trước, tải thương về tuyến sau.

Cũng chính trong cuộc sống hóa thân chiến sỹ ấy đã tạo cho phóng viên có được cuộc sống người chiến sỹ, viết những bài thông tấn, phóng sự gần với người lính hơn. Thậm chí bộ đội bắt được con gà rừng cũng gọi phóng viên đến cùng chia vui. Đời phóng viên ở mặt trận, lại ở mặt trận miền Đông Nam bộ quả là gian lao và vất vả. Nhưng chúng tôi cũng có niềm vui là gắn với những chiến công của chiến sỹ miền Đông bằng những tin, bài.

Các chiến dịch đường 13, các trận càn “Hòn đá vàng,” “Hòn đá bạc,” “Gadsden,” “Túc-xơn,” “Junction City”… Rồi Dầu Tiếng, Tây Ninh, Chơn Thành, Lộc Ninh… Chiến công nối tiếp chiến công; tin, bài nối tiếp tin bài. Cứ theo năm tháng mà chúng tôi trưởng thành dần lên với các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam.

Đến cuối năm 1967, anh em chúng tôi lại triển khai theo một hướng khác – “Tiến về Sài Gòn.” Hơn một chục phóng viên dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Vũ Linh (Bảy Lý) – Giám đốc TTXGP – theo các cánh quân tiến về Sài Gòn với Xuân Mậu Thân 1968. Tiếp sau các trận càn biên giới Việt Nam-Campuchia, chiến tranh mở rộng sang Campuchia, anh em chúng tôi lại có mặt trên các mặt trận Suông, Chúp, Kampong Cham-Ta keo, Căngđan… Rồi chiến dịch đường 13, Lộc Ninh-Chơn Thành.

Tổ ảnh quân sự của VNTTX năm 1970 (từ trái sang): Văn Bảo, Chu Chí Thành, Phạm Văn Hoạt, Nguyễn Xuân Lâm, Lương Nghĩa Dũng, Đinh Hữu Thứ. (Ảnh: Tư liệu VNTTX)
Tổ ảnh quân sự của VNTTX năm 1970 (từ trái sang): Văn Bảo, Chu Chí Thành, Phạm Văn Hoạt, Nguyễn Xuân Lâm, Lương Nghĩa Dũng, Đinh Hữu Thứ. (Ảnh: Tư liệu VNTTX)

Trong khi đó ở chiến trường Bình Trị Thiên, khu 5, các anh Nghiêm Sỹ Thái, Hồ Hải Học cùng các phóng viên lớp đàn anh là Nguyễn Đình Thuyên, Võ Thế Ái, Vũ Đảo theo các chiến dịch đường 9, Khe Sanh, Đắc Tô-Tân Cảnh, Quảng Đà-Quảng Tín tạo nên tuyến tin liên hoàn của TTXGP trong thời chống Mỹ.

Khi có Hiệp định Paris 1973, tuy VNTTX ở Hà Nội có tăng cường lớp phóng viên GP10 cho TTXGP, song anh em khóa chúng tôi vẫn là lực lượng có kinh nghiệm để viết tiếp những chiến công cho đến ngày 30/4/1975, ngày toàn thắng của dân tộc.

Anh em chúng tôi về VNTTX lúc đó mới tròn 20 tuổi, đến nay đã trên dưới tuổi 70, đã 45 năm trôi qua. Với hơn 1/4 thế kỷ, một tay cầm bút, một tay cầm súng chiến đấu cho sự nghiệp Thông tấn, lớp chúng tôi cũng đã trưởng thành và cũng không ít mất mát hy sinh.

Trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, nhiều anh em đồng nghiệp của chúng tôi đã ngã xuống. Các anh Tuân (Bình Trị Thiên), Nhường (khu 5); các anh Tròn, Liệt, Cước, Phụng, Quy, Bang… ở mặt trận Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long. Anh Ngọc bị bắt làm tù binh, mãi đến khi có Hiệp định Paris mới được trao trả và chuyển công tác. Ngay sau Hiệp định Paris anh Đức Hoằng, lớp chúng tôi, đang là Trưởng phân xã Lộc Ninh đã bị bom Mỹ giết hại. Có thể nói anh Đức Hoằng là người phóng viên cuối cùng lớp chúng tôi ngã xuống cho sự nghiệp Thông tấn.

Lớp chúng tôi còn chưa thể yên tâm khi phải trả lời thân nhân của các anh Nhường, Quy, Phụng, Tròn, Bang, Liệt, Châu… về phần mộ của các anh hiện ở đâu. Hình ảnh các anh vẫn còn đó, nhưng phần mộ của các anh vẫn chưa tìm thấy. Những người như chúng tôi còn may mắn hơn, được sống, lòng không nguôi day dứt, bùi ngùi và nhớ thương.

Trong ngày kỷ niệm ngày thành lập ngành, trong sự nghiệp Thông tấn có hương hồn các anh. Chúng tôi – những người còn sống không chỉ dành một phút mặc niệm mà phải cần hơn thế nữa – cần suy nghĩ về họ – nghĩ về một lớp người đã cống hiến, đã hy sinh./.

Chiến công diệt xe tăng của chiến sĩ TTXGP trong trận càn Junction City (1967). Nhiều cán bộ, phóng viên, nhân viên TTXGP vừa dũng cảm chiến đấu bảo vệ căn cứ, tiêu diệt địch, nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh. (Ảnh: Tư liệu TTXGP)
Chiến công diệt xe tăng của chiến sĩ TTXGP trong trận càn Junction City (1967). Nhiều cán bộ, phóng viên, nhân viên TTXGP vừa dũng cảm chiến đấu bảo vệ căn cứ, tiêu diệt địch, nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh. (Ảnh: Tư liệu TTXGP)

Ký ức hào hùng của lớp phóng viên chiến trường GP10

Vũ Xuân Bân

Ngày đón nhận danh hiệu anh hùng của Thông tấn xã Giải phóng, nay là Thông tấn xã Việt Nam, đang đến gần khiến chúng tôi xốn xang, xúc động.

Là lớp phóng viên chiến trường GP10, chúng tôi có dịp hồi tưởng lại những tháng ngày gian khổ hành quân trên đường Trường Sơn cũng như những tháng năm hào hùng ở chiến khu xưa, hay còn gọi là ở R (Tây Ninh) và những ngày làm phóng viên mặt trận ở khắp chiến trường miền Nam.

“Đi tiếp phẩm qua trảng ‘Cố Vấn’ – Căn cứ ‘R’ – Chiến khu Tây Ninh” (Phạm Quang Nghị đi xe đạp trước, Vũ Xuân Bân đi sau. Ảnh Chụp cuối năm 1973). (Ảnh tác giả cung cấp)
“Đi tiếp phẩm qua trảng ‘Cố Vấn’ – Căn cứ ‘R’ – Chiến khu Tây Ninh” (Phạm Quang Nghị đi xe đạp trước, Vũ Xuân Bân đi sau. Ảnh Chụp cuối năm 1973). (Ảnh tác giả cung cấp)

Những tháng năm chiến tranh gian khổ đó, đói cơm, nhạt muối, lo ăn từng bữa, ốm đau bệnh tật, nhất là sốt rét không chừa một ai, sống chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng không ai kêu ca, phàn nàn, nản chí, tính toán cá nhân, mà luôn lạc quan, yêu đời, trong lòng lúc nào cũng “phơi phới dậy tương lai,” tất cả vì miền Nam ruột thịt, thống nhất đất nước.

Thế hệ trẻ lúc đó được giáo dục rất tốt. Học xong đại học, học tiếp lớp phóng viên đặc biệt GP10 cho trận đánh cuối cùng, giải phóng miền Nam, thống nhất non sông, chúng tôi được về ăn Tết nguyên đán Quý Sửu (1973) và nghỉ một tuần chia tay tạm biệt cha mẹ, người thân ở quê nhà để chuẩn bị bước vào những ngày gian khổ hành quân vượt Trường Sơn.

Buổi sáng hết phép chia tay cha mẹ, người thân, tôi mới thổ lộ: “Con ra Hà Nội để nhận nhiệm vụ mới đi B” (đi nhận công tác tại chiến trường miền Nam).”

Cả nhà nghe tin đó đều bất ngờ vì cứ ngỡ tôi sau khi tốt nghiệp đại học sẽ làm việc tại một cơ quan nghiên cứu nào đó ở Hà Nội.

Việc tôi đi B đột ngột đã khiến mẹ tôi bị sốc, bà cứ thẫn thờ như người mất hồn vì thương tôi, là con trai duy nhất trong gia đình, lại phải đi B, tức vào chiến trường – nơi mũi tên hòn đạn – không biết sống chết ra sao.

Tôi còn nhớ như in hôm mẹ tiễn tôi lên đường ra đến bờ đê Nam sông Mã, mẹ tôi khóc nức nở khi tôi vẫy tay chào và nhắn hẹn: “Con đi công tác xa có lẽ khi nào giải phóng miền Nam con mới về thăm quê nhà.”

Phạm Quang Nghị (bên phải) gặp Vũ Xuân Bân (Phóng viên TTXGP) vừa miền Bắc vào “R” – Chiến khu Tây Ninh. Ảnh chụp tháng 6/1973). (Ảnh tác giả cung cấp)
Phạm Quang Nghị (bên phải) gặp Vũ Xuân Bân (Phóng viên TTXGP) vừa miền Bắc vào “R” – Chiến khu Tây Ninh. Ảnh chụp tháng 6/1973). (Ảnh tác giả cung cấp)

Vài tháng sau đó, vào buổi chiều đi chăn trâu ở ngoài đồng, mẹ tôi bần thần vì thướng nhớ con trai nên không tránh kịp trời mưa dông bất chợt và bị cảm lạnh, ốm một trận “thập tử nhất sinh.” May mà bà qua được nhưng bị di chứng lạnh cóng chân tay, sức khỏe yếu hẳn đi.

Được phân công đi chiến trường “miền Đông Nam Bộ – gian lao mà anh dũng,” chủ yếu là tại Long Khánh-Bà Rịa-Vũng Tàu trong năm 1974, tôi đã nếm trải vài ba trận sốt rét, phải tiêm thuốc quinin vào mông để nhanh chóng cắt cơn, hành quân tiếp.

Nhớ nhất là có cả gần tháng trời ở trong hang trên núi Minh Đạm với cán bộ và du kích địa phương nằm ngay sát bờ biển, cách không xa bãi tắm Vũng Tàu, vô cùng gian nan.

Tại đây cuộc đấu tranh với nguy quân, ngụy quyền diễn ra quyết liệt, tôi đã viết những bài báo đầu tiên “Cuộc sống vùng ven,” “ Dưới chân núi Minh Đạm,” “Sự thức tỉnh muộn màng của một sỹ quan ngụy,” “Trên vành đại Úc hôm nay”

Các bài báo được phát trên bản tin thời sự Thông tấn xã Giải phóng và TTXVN, sau đó được phát trên Đài phát thanh Giải Phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam , là nguồn cổ vũ động viên rất lớn, làm tôi rất phấn chấn về nghề nghiệp.

Các phóng viên GP10 chụp ảnh kỷ niệm tại khu di tích căn cứ Trung ương cục miền Nam nhân chuyến trở lại R – Chiến khu Tây Ninh. (Ảnh: Vũ Xuân Bân/Vietnam+)
Các phóng viên GP10 chụp ảnh kỷ niệm tại khu di tích căn cứ Trung ương cục miền Nam nhân chuyến trở lại R – Chiến khu Tây Ninh. (Ảnh: Vũ Xuân Bân/Vietnam+)

Cũng chính tại đây đã không ít ngày đói cơm, nhạt muối, sốt rét hành hạ và thật may mắn đến ngày chiến thắng 30/4/1975 giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi cùng nhiều đồng đội vẫn còn sống để được về quê gặp lại cha mẹ, người thân, như nhắn hẹn lúc chia tay mẹ già ngày nào đã thành hiện thực.

Thật bất ngờ, đầu năm 2019, tôi được người bạn cùng quê Phạm Quang Nghị, đồng môn Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội cũ, nay là Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Hà Nội đã tặng quyển sách quý Nhật ký “Nơi ấy là Chiến trường,” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, thu hút sự chú ý của bạn đọc.

Ở trang 253 của cuốn Nhật ký, Phạm Quang Nghị ghi chép “Ngày 7/6/1973 có nhắc đến tôi (Vũ Xuân Bân) trong một kỷ niệm ‘Ngày qua, tức ngày 6/6/1973,’ tôi mới từ ngoài Bắc vượt Trường Sơn vào nhận công tác tại Thông tấn xã Giải Phóng được 4 ngày, hỏi thăm được địa chỉ đã tranh thủ băng rừng ở “R” đến thăm Phạm Quang Nghị, lúc đó là phóng viên biên tập Văn nghệ Giải phóng.

Câu chuyện gặp nhau cách nay hơn 47 năm không ngờ đã được Phạm Quang Nghị ghi chép lại một cách trung thực, sống động.

Không những vậy, trong phần cuối của sách “Nơi ấy là CHIẾN TRƯỜNG” có mục “Một số hình ảnh và tư liệu” đăng hai bức ảnh quý tôi chụp chung với Phạm Quang Nghị, trong đó có ảnh chú thích “Gặp Vũ Xuân Bân (Phóng viên Thông tấn xã Giải phóng) vừa miền Bắc vào “R”(ảnh chụp tháng 6 năm 1973 – cách nay hơn 47 năm) và một ảnh chú thích “Đi tiếp phẩm qua trảng ‘Cố Vấn’-Căn cứ ‘R’ Tây Ninh” (Phạm Quang Nghị đi xe đạp trước, tôi đi sau – ảnh dưới: Chụp cuối năm 1973, cách nay hơn 47 năm).

Có thể nói cuốn Nhật ký “Nơi ấy là Chiến Trường” như một bộ phim tái hiện chân thực về một giai đoạn chiến tranh giải phóng miền Nam, về quê hương đất nước, về cuộc sống, về tâm trạng người chiến sỹ, người dân và các đối tượng bên kia chiến tuyến…

Đó là tư liệu quý mà bạn đồng môn, đồng nghiệp Phạm Quang Nghị, vốn là người rất cẩn trọng còn lưu giữ được và là kỷ niệm cực kỳ sâu sắc giữa tôi và Phạm Quang Nghị thời trai trẻ cùng quê, cùng học khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội.

(Nghị học khoá 12, trước tôi 1 năm) và cùng vượt Trường Sơn vào “R” (Nghị đi trước tôi gần 2 năm) cùng vào chiến trường Nam Bộ, cùng là phóng viên nhưng ở 2 cơ quan Văn nghệ và Thông tấn xã Giải phóng.

Cả hai chúng tôi chỉ bị những trận sốt rét, có lúc “lên bờ xuống ruộng,” tối tăm mặt mũi tưởng không qua nổi, nhưng may mắn cuối cùng chúng tôi vẫn còn sống để về với cha mẹ, người thân và quê hương, tiếp tục công tác cho đến lúc nghỉ hưu.

Đối với Phạm Quang Nghị thành đạt hơn nhiều, trở thành cán bộ cấp cao, là một trong những cựu sinh viên khoa Sử – Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) thành đạt nhất, nay đã nghỉ hưu, trở về đời thường, làm “dân vạn đại,” lại tiếp tục viết sách, làm thơ dâng hiến tiếp cho đời.

Chiến tranh lùi xa gần nửa thế kỷ, Thông tấn xã Giải phóng được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng, là dịp gợi nhớ lại những tháng năm gian lao kháng chiến, ác liệt, tình đồng chí, đồng đội, tình yêu thương của người dân, đã giúp chúng ta củng cố niềm tin tất thắng, có thêm nghị lực, dũng khí, vững vàng trên vị trí phóng viên chiến trường, người lính xung kích trên mặt trận chính trị tư tưởng, góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc để đất nước có ngày hôm nay./.

Các cựu phóng viên GP10 thắp hương tại căn cứ Trung ương cục miền Nam - vùng “Mã Đà sơn cước”- chiếc nôi của “Chiến khu Đ”. (Ảnh: Vũ Xuân Bân/Vietnam+)
Các cựu phóng viên GP10 thắp hương tại căn cứ Trung ương cục miền Nam – vùng “Mã Đà sơn cước”- chiếc nôi của “Chiến khu Đ”. (Ảnh: Vũ Xuân Bân/Vietnam+)

Phân xã TTXGP Trung Trung bộ và những kỷ niệm không quên

Võ Thế Ái

Phóng viên Thông tấn xã với trận đầu thắng đế quốc Mỹ

Ông Hoàng Minh Thắng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng, khi còn ở quân đội là Chỉ huy trưởng trận Núi Thành ngày 26/5/1965, tiêu diệt gọn một đại đội thuộc Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ.

Phóng viên ảnh Phong Vân (bút danh Chính Vân) của TTXGP khai thác thông tin về du kích xã An Phú, huyện Củ Chi bắn hạ máy bay Mỹ, tháng 4/1975. (Ảnh: Nguyễn Đức Cảnh/TTXGP)
Phóng viên ảnh Phong Vân (bút danh Chính Vân) của TTXGP khai thác thông tin về du kích xã An Phú, huyện Củ Chi bắn hạ máy bay Mỹ, tháng 4/1975. (Ảnh: Nguyễn Đức Cảnh/TTXGP)

Trong cuốn hồi ký dày 392 trang nhan đề: “Nơi ấy tôi đã sống” của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, tháng 5/2003, ông đã dành 17 trang để kể tường tận về trận đầu thắng Mỹ lẫy lừng ấy, trong đó hai trang 111 và 112 có đoạn khá lý thú nói về việc thực hiện nghiệp vụ của phóng viên Thông tấn xã như sau:

“… Sau trận đánh tôi được điện về Khu báo cáo tình hình. Vừa đến cơ quan Quân khu đóng ở Nước Trắng, Trà My, anh Hai Mạnh (đồng chí Chu Huy Mân) hồi đó là Tư lệnh Quân khu V cho gọi chúng tôi gặp ngay. Anh Hai ân cần mời chúng tôi uống trà rồi vui vui nói:

– Các ông giỏi lắm. Chúc mừng các ông. Nhưng mình lại nhận được điện khen của anh Thanh (Đại tướng Nguyễn Chí Thanh) trước khi nhận được báo cáo của các ông điện về Quân khu.

Chúng tôi chuyện trò sôi nổi về trận đánh, về cái sự kỳ lạ Trung ương Cục lại nhanh chóng nhận được tin trận đánh Núi Thành trước cả Quân khu. Sau này mới biết vì có một đồng chí phóng viên Thông tấn xã đi theo trận đánh đã điện vào Trung ương Cục bài tường thuật trận đánh. Anh em kể lại, lúc đó đồng chí Nguyễn Chí Thanh đang ngồi trên võng cá nhân mắc trong rừng cao su Lộc Ninh, khi đọc xong bài tường thuật vừa nhận đã nhảy xuống khỏi võng, thảo điện khen ra Quân khu V. Trong lúc đó báo cáo của chúng tôi về Quân khu bằng đài 15W thì chưa dịch xong mật mã.”

Phóng viên TTXGP tác nghiệp trên đường đi công tác ở Đồng Tháp Mười. (Ảnh: Tư liệu TTXGP)

Phóng viên TTXGP tác nghiệp trên đường đi công tác ở Đồng Tháp Mười. (Ảnh: Tư liệu TTXGP)

Đến gặp người cựu phóng viên Thông tấn xã đã nghỉ hưu và đang sống tại Hà Nội để tặng cuốn sách, ông Hoàng Minh Thắng tỏ ý tiếc đã không nhớ thật chính xác họ tên người phóng viên để đưa vào sách.

Phóng viên cảm ơn và nói: “Cánh phóng viên Thông tấn xã chúng tôi có mấy khi nêu tên đâu. Anh có nhã ý nhắc tới hoạt động của Thông tấn xã vào một thời điểm lịch sử như vậy là đã quý lắm rồi.”

Hưởng gió đồng bằng

Với phong trào quần chúng rầm rộ nổi dậy phá “ấp chiến lược” và các cuộc tiến công địch dồn dập suốt năm 1964, kết thúc bằng chiến thắng lớn An Lão, tỉnh Bình Định, vào cuối năm đó, một vùng trung du và đồng bằng rộng lớn ở Trung Trung bộ đã được giải phóng, tạo thuận lợi cho các cơ quan khu V rời rừng núi, chuyển tới những vùng áp sát địch hơn.

Và thế là sau Tết Ất Tỵ (1965), sau khi thịt sạch heo gà, chúng tôi ở phân xã Thông tấn xã giải phóng cùng với toàn thể anh chị em ở Ban Tuyên huấn Khu thực hiện “hạ sơn” với tâm trạng phấn chấn, chắc mẩm phen này đi luôn về Đà Nẵng.

Phóng viên TTXGP tác nghiệp ở chiến trường Củ Chi. (Ảnh: Tư liệu TTXGP)
Phóng viên TTXGP tác nghiệp ở chiến trường Củ Chi. (Ảnh: Tư liệu TTXGP)


Chúng tôi tới đóng ở xã Kỳ Yên, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Cũng như nhiều vùng khác ở Trung Trung bộ, xã vừa trải qua một cơn bão lũ dữ dội cuối năm trước, nên Ban và phân xã phải thu xếp thì giờ vừa đảm bảo công tác chuyên môn vừa khẩn trương giúp dân sửa sang nhà cửa, hầm hào, trồng khoai phòng giáp hạt…

Trong xã có nhiều tín đồ Phật giáo, riêng thôn Danh Sơn có nhà thờ Thiên Chúa giáo. Lâu lắm mới được nghe tiếng gõ mõ tụng kinh và tiếng chuông ngân vang trong gió chiều, chúng tôi thấy lòng ấm áp.

Tôi và cậu Vinh, một thanh niên Quảng Ngãi đang học nghề phóng viên, ở và làm việc tại nhà một vị đại diện Phật giáo. Chắc cảm kích vì cách giao tiếp cởi mở chân thật của chúng tôi (nói đúng hơn chúng tôi cũng có tuyên truyền rỉ rả đôi chút nhưng vẫn với lòng thành thật), nên về sau ông ta thú nhận thỉnh thoảng vẫn đi Đà Nẵng xin chỉ thị của Giáo hội về “đối sách” với Mặt trận Dân tộc Giải phóng và với cán bộ Mặt trận đang ở ngay trong nhà ông.

Phóng viên VNTTX cùng các đồng nghiệp TTXGP trước cửa ngõ Sài Gòn sáng sớm 30/4/1975. (Ảnh: Tư liệu VNTTX) 
Phóng viên VNTTX cùng các đồng nghiệp TTXGP trước cửa ngõ Sài Gòn sáng sớm 30/4/1975. (Ảnh: Tư liệu VNTTX) 

Cách Kỳ Yên chỉ vài cây số, phía Bắc là đồn Phước Lâm, phía khác là mấy đồn ngụy nữa, nhưng tin tưởng ở lực lượng du kích vây đồn, chúng tôi vẫn ăn ngon, ngủ yên. Nửa tháng sau, tuy nơi đóng cơ quan mới bị dội một trận pháo cấp tập, Ban và phân xã vẫn chỉ xê dịch qua các thôn của Kỳ Yên, ít lâu sau mới di chuyển đi xã khác.

Trụ bám ở đồng bằng lúc đó rất thuận lợi. Với phân xã Giải phóng xã, ấy là đưa tin nhanh hơn, phong phú hơn. Trận đầu tiên đánh đế quốc Mỹ, quân ta diệt gọn một đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ ở Núi Thành, phân xã đưa ngay được bài tường thuật ra Hà Nội và vào Trung ương Cục miền Nam.

Tuy nhiên, với sự kiện quân viễn chinh Mỹ kéo vào Đà Nẵng từ 8/3/1965 và tiếp đó tới đóng ở Chu Lai cùng nhiều căn cứ khác, quân dân Việt Nam lại đứng trước thử thách khốc liệt, phải đương đầu với một kẻ địch có phương tiện chiến tranh nhiều và hiện đại gấp trăm lần quân ngụy Sài Gòn và cả quân viễn chinh Pháp trước đây.

Sinh hoạt hàng ngày của cơ quan đóng trong nhà dân trở nên rất căng thẳng. Các loại “tàu rà” của Mỹ lượn lờ trên bầu trời hầu như suốt ngày, hễ thấy chút gì khả nghi là phát tín hiệu cho đại bác dội đến xối xả hoặc máy bay xô đến oanh kích. Bọn thám báo lùng sục liều lĩnh hơn. Trực thăng đưa lính đổ bộ xuống mục tiêu hung hăng như cướp đường cướp chợ.

Kỹ thuật viên TTXGP thử nghiệm thu phát ảnh trên hệ thống máy Telephoto hiện đại nhất ở Việt Nam lúc bấy giờ (năm 1974) do Cộng hòa Dân chủ Đức hỗ trợ. (Ảnh: Tư liệu TTXGP)

Kỹ thuật viên TTXGP thử nghiệm thu phát ảnh trên hệ thống máy Telephoto hiện đại nhất ở Việt Nam lúc bấy giờ (năm 1974) do Cộng hòa Dân chủ Đức hỗ trợ. (Ảnh: Tư liệu TTXGP)

Trong các bộ phận của Ban Tuyên huấn, dễ gặp nguy hiểm nhất là bộ phận điện đài. Đài nhỏ, chỉ 15W, dùng điện ragonot quay tay, nhưng nó là điện đài minh ngữ, rất dễ bị phát hiện. Ấy vậy mà, bình thản chấp nhận chơi trò “ú tim” với địch (đồng thời cố gắng giữ bí mật hoặc thẳng thừng tranh chấp với một số cơ quan bạn sợ vạ lây), Trưởng đài Hồng Sinh và các điện báo viên vẫn tự bảo vệ được, qua thời gian dài vẫn đều đều hàng ngày cử người liên lạc với Ban và phân xã để nhận tin phát và trao tin tham khảo thu được từ Hà Nội.

Càng ngày, yêu cầu di chuyển cơ quan càng khẩn trương. Chúng tôi sống lưu động từ xã này sang xã khác, dọc vùng đồng bằng và trung du các huyện Tam Kỳ, Tiên Phước, Thăng Bình, tới đâu cũng được sự che chở của nhân dân. Tuy là “lính cùi chỏ” chuyên cầm bút, nhưng có mang súng dài, súng ngắn phòng thân, nên nhiều lúc mọi người lầm tưởng chúng tôi là bộ đội giải phóng có kỷ luật nghiêm, có vài cô gái lại chê: “Lính tráng chi như gà trống thiến.”

Được dịp tốt để phát triển đội ngũ, các anh ở Ban chủ trương mở một lớp đào tạo phóng viên để bổ sung cho báo Cờ Giải phóng, Giải phóng xã và các báo tỉnh. Lớp cũng phải dựa vào dân và nếu tôi nhớ không lầm thì buổi khai giảng diễn ra ở xã Kỳ Mỹ (huyện Tam Kỳ).

Gần hai chục anh em trẻ được tuyển dụng chọn từ các tỉnh hoặc từ thành phố Đà Nẵng ra vùng giải phóng, khỏi phải “nhảy núi,” nhưng phải học tập trong hoàn cảnh không ổn định và luôn có bom rơi, đạn nổ. Dù vậy, qua một mùa Hè nóng bỏng, khóa báo chí này vẫn đưa được vào trận những phóng viên xông xáo, yêu nghề.

Một thời gian sau, nghe đài phát thanh của Mỹ-ngụy rêu rao “bắt được một ký giả Bắc Việt,” Ban tìm cách xác minh mới biết đó là học viên cũ Lê Nguyên Khôi, bị bắt khi đi công tác ở vùng sau lưng địch. Anh Khôi giữ được khí tiết cho đến ngày ra tù và trở về với nghề làm báo ở Quảng Nam quê anh.

Các chiến sỹ thi đua của TTXGP trong Liên hoan thi đua Ban Tuyên huấn Trung ương Cục (1968). (Ảnh: Tư liệu TTXGP)

Các chiến sỹ thi đua của TTXGP trong Liên hoan thi đua Ban Tuyên huấn Trung ương Cục (1968). (Ảnh: Tư liệu TTXGP)

Khoảng tháng 4/1965, một đoàn báo chí và điện ảnh Trung Quốc vào thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi được Ban phân công tiếp xúc làm việc với đại biểu Tân Hoa xã. “Hoạt động đối ngoại” khá độc đáo, khiến tôi khó quên: Các cuộc đàm đạo và tham quan đều diễn ra giữa tiếng gầm rú của các loại máy bay “Thần sấm,” “Con ma”… hoặc tiếng rít của đạn pháo Mỹ-ngụy.

Ấy vậy mà không bì được với anh Trần Đống, anh len lỏi vào tận thành phố Đà Nẵng và khu kho xăng Liên Chiểu ở chân đèo Hải Vân để quay nhiều thước phim quý giá theo đề nghị của đoàn điện ảnh Trung Quốc.

Trong năm 1965 không thể quên ấy, ngoài trận Núi Thành lịch sử, các lực lượng giải phóng Trung Trung bộ còn nện cho Mỹ-ngụy nhiều đòn nên thân khác, lừng lẫy nhất là Ba Gia và Vạn Tường.

Đồng thời, quần chúng liên tục kéo đi đấu tranh chính trị trực diện không những với ngụy mà cả với Mỹ, chống khủng bố, chống dồn dân. Chúng tôi đã có dịp gặp những bà, những mẹ vừa đi đấu tranh trở về, trán còn lấm tấm mồ hôi, áo dài còn vắt vai…

Các mẹ, các chị kể chuyện sôi nổi, sinh động, và chỉ cần chúng tôi phản ánh trung thực những chuyện kể ấy là bài viết đủ hấp dẫn, chẳng phải “thêm mắm thêm muối” gì cả. Đặc biệt các mẹ, các chị rút ra kết luận vô cùng quý báu: “Đấu với Mỹ cũng không khó hơn đấu với ngụy.”

Nhưng chiến tranh cũng mỗi ngày một ác liệt hơn. Có lần, 4 máy bay “Thần sấm” oanh tạc đúng cơ quan Ban Tuyên huấn Khu. May không có ai thiệt mạng, chỉ có nhân viên trẻ Nguyễn Tạo bị thương.

Khi chúng tôi đến vực Tạo ra khỏi cái hầm hàm ếch đào phía dưới một lũy tre thì mới hiểu ra rằng đáng lẽ đồng chí đã không bị thương nếu không nhường chỗ cho chiếc máy chữ và giỏ tài liệu được nằm phía bên trong hầm (về sau đồng chí Tạo trở thành Bí thư Huyện ủy Lý Sơn-Quảng Ngãi, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và nhân dân, và tôi rất thương tiếc khi nghe tin đồng chí không còn nữa).

Phi pháo địch hoạt động cả ngày lẫn đêm. Nhiều đêm, mọi người đang ngủ bỗng giật nẩy mình vì tiếng bom nổ rần rồi mới nghe tiếng máy bay lướt qua bầu trời.

Khi đóng cơ quan ở xã Thăng Lãnh, huyện Thăng Bình vào mùa lòn bon chín, lần đầu tiên chúng tôi nghe tiếng rùng rùng dài hàng chục phút của bom chùm do máy bay B.52 thả “rải thảm” ở một vùng ven núi gần đó, và sau đó thì nhiều lần chứng kiến bom B.52 tàn phá từng vùng trung du và đồng bằng mới được phục hồi sau bão lũ.

Trong một dịp từ nơi đóng cơ quan ở xã Phước Cẩm (huyện Tiên Phước) xuống thị trấn Cẩm Khê, chúng tôi nhìn thấy một đàn trực thăng của tụi “kỵ binh bay” Mỹ bay như châu chấu ngang trời, rền rĩ đinh tai nhức óc.

Hệ thống “ấp chiến lược” từng bị xóa sổ vào năm 1964, nay lại “đội mồ sống dậy” qua sức ép nặng nề của bom pháo và các cuộc càn quét bằng “trực thăng vận” của Mỹ.

Sự gan góc cũng phải có tính toán, nếu không thì “lợi bất cập hại.” Cùng lúc quân giải phóng tiến công địch trong Thu Đông 1965, các cơ quan khu V lần lượt trở về căn cứ địa Trường Sơn.

Ở nơi rừng núi thiếu thốn trăm bề, phân xã Thông tấn xã giải phóng Trung Trung bộ lại tiếp tục cố gắng bảo đảm cho nguồn tin luôn thông suốt trên làn sóng điện, góp phần nhỏ bé vào công tác tư tưởng: Quyết chiến đấu lâu dài vì “Không có gì quý hơn độc lập tự do” (lời Bác ở một “Hội nghị Diên Hồng” của thời đại mới, năm 1966)./.

 Các phóng viên TTXGP tại căn cứ Trà Nô của Khu V, tháng 10/1974. (Ảnh: Tư liệu TTXGP)

 Các phóng viên TTXGP tại căn cứ Trà Nô của Khu V, tháng 10/1974. (Ảnh: Tư liệu TTXGP)