Tình người trong cơn “lốc xoáy”: Những mệnh lệnh từ trái tim

vnapotalco-1601173389-2.jpg

Thở phào nhẹ nhõm sau những ngày cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, anh Vi Đ. Minh (Hà Tĩnh) không giấu nổi niềm xúc động kể anh cũng như nhiều đồng nghiệp làm việc tại Guinea Xích đạo thời điểm chưa về nước thực sự đã phải bật khóc vì không biết có thể sống tiếp hay không.

Bản thân anh trước khi về nước, kết quả xét nghiệm cho thấy anh mắc COVID-19 khiến mọi thứ xung quanh dường như sụp đổ, đường về nhà lại càng trở nên mờ mịt hơn bao giờ hết…, nhất là trong bối cảnh ở nước sở tại, dịch bệnh đang bùng phát mạnh mẽ.

Thế nhưng, nỗi lo lắng đã được giải tỏa đối với anh Minh và những người lao động xa quê ở Guinea Xích đạo khi được thông báo có chuyến bay “giải cứu” công dân vào ngày 28/7. Niềm vui vỡ oà, đường về nhà đã được mở!

“Chúng tôi cảm thấy mình may mắn và tự hào khi được chính phủ quan tâm, tạo điều kiện để được trở về nhà,” anh Minh sung sướng nhớ lại.

Không ai bảo ai, họ nhanh chóng gói ghém đồ đạc, chờ đợi… đếm từng giờ từng phút, hướng mắt về bầu trời để chờ đón chiếc máy bay màu xanh từ Việt Nam sang đưa về Tổ quốc thân yêu…

Và rồi, chuyến bay “giải cứu” khi đó xác định có tới 50% ca bệnh dương tính với virus Sars-Cov-2 (129 người) đã trở về an toàn trong sự vỡ oà niềm hạnh phúc của 219 người con xa xứ…

“Chúng tôi cảm thấy mình may mắn, tự hào khi được chính phủ quan tâm, tạo điều kiện để trở về nhà,”(anh Vi Đ. Minh)

Và niềm hạnh phúc đó càng được nhân lên gấp bội khi anh Minh và nhiều người khác trên chuyến bay “lịch sử” đó có thể đoàn tụ gia đình sau hơn 2 tuần cách ly.

Đầu tháng Chín này, chuyến bay mang số hiệu VN409 hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất ngày 6/9 cũng thật đặc biệt khi có tới 53 “công dân nhí” là các trẻ em dưới 1 tuổi, trong tổng số 403 công dân Việt Nam vừa trở về từ Hàn Quốc. Do hoàn cảnh khó khăn, đang trong thời gian lao động tại Hàn Quốc nên ba mẹ các bé chưa thể trở về mà phải cho các bé về trước.

Công dân trở về từ Guinea Xích đạo nhận giấy ra viện trước khi trở về nhà sau thời gian cách ly. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Công dân trở về từ Guinea Xích đạo nhận giấy ra viện trước khi trở về nhà sau thời gian cách ly. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Những đứa trẻ này đã được chăm sóc đặc biệt trong khu cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng (Bình Dương), với hàng chục cán bộ y tế chuyên khoa nhi…

Đó chỉ là 2 trong số hơn 100 chuyến bay giải cứu rất đặc biệt, đầy tình người… chuyên chở tình nhân ái, sự quan tâm, đùm bọc với tinh thần không quản ngại khó khăn, vất vả của các cơ quan chức năng để đưa hơn 30.000 người Việt ở 50 quốc gia trên thế giới về nước an toàn thời gian dịch bệnh vừa qua.

Những “cánh chim” mang hy vọng

Năm 2020, đại dịch COVID-19 được xem như cơn lốc xoáy, càn quét qua hơn 220 quốc gia, không kể giàu-nghèo, nước lớn hay bé, không ngoại trừ châu lục nào… với tốc độ khủng khiếp.

Nhiều nước đóng cửa biên giới, các chuyến bay trên bầu trời trở nên hiếm hoi hơn. Nhưng trên dải đất hình chữ S, trong cơn lốc bệnh tật đang càn quét kinh hoàng ấy, tinh thần nhân văn, tình thương thân tương ái càng được thể hiện sâu sắc hơn bao giờ hết.

Trên dải đất hình chữ S, trong cơn lốc bệnh tật đang càn quét kinh hoàng ấy, tinh thần nhân văn, tình thương thân tương ái càng được thể hiện sâu sắc hơn bao giờ hết.

Ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm chiến thắng đại dịch COVID-19.

Những chuyến bay của Hàng không quốc gia Việt Nam với các phi công, tổ lái, tiếp viên… và đội ngũ y bác sỹ không quản nguy hiểm, bay đến các “tâm dịch” để đón công dân Việt Nam về nước đã thực sự trở thành niềm tự hào về tinh thần tương thân thương ái của dân tộc.

“Hôm nay là một ngày đặc biệt, tôi sẽ về đoàn tụ với gia đình sau khoảng thời gian vô cùng sóng gió,” (anh N.P.T)

Ngày 14/8, có 183/219 công dân từ Guinea Xích đạo về nước trên chuyến bay ngày 29/7, sau thời gian cách ly và có kết quả âm tính đã chính thức được trở về với gia đình.

Nhiều người tâm sự, về nước là đã sống rồi: “Chúng tôi tin tưởng và đặt hết niềm tin vào các bác sỹ Việt Nam. Hôm nay là một ngày đặc biệt, tôi sẽ về đoàn tụ với gia đình sau khoảng thời gian vô cùng sóng gió,” là một trong số những người kết thúc cách ly y tế vào ngày 14/8, anh N.P.T không giấu nổi vui mừng nói.

Anh N.P.T cho hay thời điểm đó, khi Guinea Xích đạo đã có 3.000 ca mắc COVID-19 và hơn 50 ca tử vong, những người lao động Việt Nam, trong đó có anh, cảm thấy rất bế tắc. Anh em không ai nghĩ rằng lại có được ngày hôm nay. “Xin cảm ơn mọi người vì tất cả!” anh N.P.T xúc động.

Tàu bay A350 của Vietnam Airlines tại Sân bay quốc tế Bata, Guinea Xích Đạo chuẩn bị đón lao động Việt Nam về nước. (Nguồn: TTXVN)
Tàu bay A350 của Vietnam Airlines tại Sân bay quốc tế Bata, Guinea Xích Đạo chuẩn bị đón lao động Việt Nam về nước. (Nguồn: TTXVN)

Còn anh B.V.C là một trường hợp đã được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2 khi đang ở Guinea Xích đạo thì cho biết: “Từ khi mắc bệnh tôi đã bị sốt cao, ho, tức ngực và đôi lúc khó thở. Cũng như những bệnh nhân khác, tôi được đưa vào bệnh viện ở nước sở tại để cách ly, điều trị. Lúc vào viện, tôi rất hoang mang vì sự cách biệt về văn hóa và ngôn ngữ, nên rất khó để nói chuyện với các y, bác sỹ.”

Rất may mắn, khi trở về Việt Nam, anh C. đã có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 ngay trong lần sàng lọc đầu tiên.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 xác định với phương châm: “Tính mạng con người và lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết” và “Không để ai bị bỏ lại phía sau.”

Đảng, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả trong từng giai đoạn; quyết liệt chỉ đạo thực hiện với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt có sự đồng thuận, thực hiện nghiêm túc của người dân cả nước.

Với lời hiệu triệu “Mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh” của Đảng, Chính phủ, nhân dân cả nước đã đồng tâm, đồng sức, đồng lòng chống lại đại dịch.

Trong khó khăn, những giá trị nhân văn của tinh thần “tương thân tương ái,” “lá lành đùm lá rách,” sự đoàn kết của dân tộc Việt Nam được thắp sáng bằng nhiều hình thức tạo hiệu ứng lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội.

Trong khó khăn, những giá trị nhân văn của tinh thần “tương thân tương ái,” “lá lành đùm lá rách,” sự đoàn kết của dân tộc Việt Nam được thắp sáng bằng nhiều hình thức tạo hiệu ứng lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội.

Đó là một Việt Nam không để ai bỏ lại phía sau với những chuyến bay giải cứu đưa công dân từ các vùng tâm dịch về nước, là những người Việt Nam nghiêm chỉnh tuân thủ chấp hành các khuyến cáo của Đảng, Chính phủ, ngành y tế…; đặc biệt, là sự tận tâm của đội ngũ y bác sỹ không quản ngại ngày đêm điều trị khỏi những ca bệnh nặng bất kể là người Việt Nam hay người nước ngoài, mà điển hình là trường hợp bệnh nhân 91 sau hơn 100 ngày điều trị tích cực đã trở về đoàn tụ với gia đình ở Anh.

Còn nhớ, khi bệnh nhân số 91, phi công người Anh trong giai đoạn nguy kịch tưởng chứng như không qua khỏi, đội ngũ y bác sỹ của Việt Nam tìm mọi cách để duy trì sự sống cho bệnh nhân.

Bệnh nhân phi công người Anh đã có 68 ngày thở máy, hầu hết trong số đó anh phải phụ thuộc vào ECMO, một hình thức hỗ trợ sự sống chỉ được dùng trong những trường hợp nghiêm trọng nhất.

Lãnh đạo Bộ Y tế trao giấy chứng nhận xuất viện và chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 cho bệnh nhân 91. (Nguồn: TTXVN)
Lãnh đạo Bộ Y tế trao giấy chứng nhận xuất viện và chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 cho bệnh nhân 91. (Nguồn: TTXVN)

Có những lúc bệnh nhân như cận kề với “cửa tử” khi 90% phổi đông đặc, phương án ghép phổi được các bác sỹ đưa ra. Ngạc nhiên thay, vì sự sống của một công dân người nước ngoài, đã có hơn 60 người Việt Nam tình nguyện đăng ký hiến phổi khi biết bệnh nhân không có người thân. Đó là những nghĩa cử cao đẹp, đầy tính nhân văn của người Việt Nam, là minh chứng rõ nét nhất cho tinh thần tương thân, tương ái, sự bao dung không biên giới.

Việc bệnh nhân Cameron còn sống được sau khoảng thời gian dài hôn mê và được các bác sỹ Việt Nam cứu chữa thực sự là một điều hiếm có. (Bác sỹ Manish Patel,người chịu trách nhiệm chăm sóc cho bệnh nhân phi công người Anh)

Sau khoảng 4 tháng được các bác sỹ Việt Nam tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) tận tình cứu chữa, Stephen Cameron – bệnh nhân mắc COVID-19 trong tình trạng nặng nhất ở Việt Nam được biết đến với cách gọi bệnh nhân 91, đã trở về quê hương Scotland, Vương quốc Anh.

Bác sỹ Manish Patel, chuyên gia tư vấn hô hấp và là người chịu trách nhiệm chăm sóc cho bệnh nhân phi công đánh giá việc bệnh nhân Cameron còn sống được sau khoảng thời gian dài hôn mê và được các bác sỹ Việt Nam cứu chữa thực sự là một điều hiếm có.

Tỏa sáng tấm lòng Việt Nam

Tinh thần chống dịch COVID-19 không chỉ dừng lại ở trong nước, mà từ Chính phủ, bộ, ngành đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… đều quan tâm đến việc hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người Việt đang ở nước ngoài và ngành y tế các nước, nhất là các nước bị dịch bệnh hoành hành nặng nề như Mỹ, Italy, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga, Ấn Độ và các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Myanmar…

Hàng nghìn tấn thiết bị y tế gồm khẩu trang, găng tay, đồ bảo hộ y tế, dung dịch sát khuẩn… đã được Chính phủ, Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam, Hội hữu nghị các nước và doanh nghiệp gửi tặng Chính phủ, nhân dân các nước, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của Chính phủ, nhân dân Việt Nam với bạn bè quốc tế cũng như tinh thần quốc tế cao cả.

Lòng nhân ái không giới hạn của người Việt Nam một lần nữa lại tỏa sáng, nhận được nhiều lời ca ngợi của bạn bè quốc tế.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trao tượng trưng vật tư y tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và nhân dân Việt Nam gửi tặng Chính phủ,nhân dân Hoa Kỳ phòng, chống COVID-19 cho Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink. (Nguồn: TTXVN)
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trao tượng trưng vật tư y tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và nhân dân Việt Nam gửi tặng Chính phủ,nhân dân Hoa Kỳ phòng, chống COVID-19 cho Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink. (Nguồn: TTXVN)

Điều đó cho thấy trong gian khó, Đảng và Chính phủ luôn đồng hành vì dân và lo cho dân. Khi dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu, người Việt ở khắp thế giới muốn trở về quê hương, dù tốn kém, khó khăn do đất nước còn nghèo, công cuộc chống dịch và phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng đất Mẹ Việt Nam vẫn dang rộng vòng tay đón họ trở về.

Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, từ đầu tháng 4/2020 đến nay, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan triển khai được hơn 100 chuyến bay đưa hàng chục nghìn người từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn.

Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Việt Nam đã phối hợp với nhiều nước như Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Singapore, Canada… tổ chức các chuyến bay đặc biệt đưa người Việt về nước, sau khi các quốc gia này dừng đường  bay thương mại để ngăn COVID-19 lây lan.

Với tinh thần quyết tâm và coi công tác bảo hộ, đưa công dân về nước trong bối cảnh đại dịch không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là “mệnh lệnh đến từ trái tim”, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, tổ chức, tham gia nhiều cuộc họp liên ngành để cùng các bộ: Quốc phòng, Y tế, Giao thông vận tải xây dựng chi tiết các kế hoạch bay và thực hiện cách ly, giám sát y tế.

Lòng nhân ái không giới hạn của người Việt Nam một lần nữa lại tỏa sáng, nhận được nhiều lời ca ngợi của bạn bè quốc tế.

Nhân dân Việt Nam có truyền thống yêu nước, nhân nghĩa. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, truyền thống đó lại càng được nhân lên gấp bội. Thời gian qua, toàn dân ta đã đồng lòng, cùng chung sức với Đảng, Nhà nước ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh qua các giai đoạn hiệu quả.

Thực tế đã chứng minh trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, các ngành, các cấp, các địa phương, cả hệ thống chính trị đã đoàn kết, thống nhất triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ, vừa ngăn chặn, hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh, vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội.

Những kết quả tích cực đó thể hiện sức mạnh đoàn kết dân tộc, sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong cuộc chiến đấu chống đại dịch, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao./.

(Đón công dân Việt Nam và trẻ em trở về từ Hàn Quốc thực hiện cách ly y tế. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)
(Đón công dân Việt Nam và trẻ em trở về từ Hàn Quốc thực hiện cách ly y tế. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)