Kháng chiến chống Mỹ

11852328510-1601019857-32.jpg

Lời dẫn

Có thể khẳng định những cuộc đấu tranh trên mặt trận giáo dục, văn hóa đã góp phần quan trọng trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cùng với cuộc chiến trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao… để giành độc lập cho dân tộc. Đặc biệt, việc xây dựng và phát triển giáo dục song hành cùng cuộc chiến đã giúp đất nước ta chuẩn bị được lực lượng nhân sự vừa có trình độ cao, vừa có bản lĩnh chính trị vững vàng cho công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh.

Trong những năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã có gần 3.000 nhà giáo từ miền Bắc mang bút nghiên, sách vở lên đường đi B để chi viện cho mặt trận giáo dục miền Nam. Đây đều là đội ngũ giáo viên, giảng viên giỏi, được lựa chọn không chỉ về chuyên môn mà cả ý chí chiến đấu.

Có lẽ không có nơi nào, cuộc chiến nào kéo dài mà vẫn song hành phát triển được giáo dục như ở Việt Nam. Nơi nào giải phóng, kể cả ở các “vùng lõm” giải phóng bé nhỏ, hay các vùng còn tranh chấp, ở đâu có dân, ở đó có lớp học dưới nhiều hình thức khác nhau. Đó là điều đặc biệt của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam.

Trải qua 75 mùa Xuân kể từ khi đất nước được hòa bình, đặc biệt là trong những năm chiến tranh chống Mỹ, những giá trị thực tiễn của sự nghiệp “trồng người” của một thời bom đạn vẫn còn nguyên ý nghĩa…

Hãy cùng VietnamPlus dõi theo những ngày tháng đau thương nhưng cũng đầy hào hùng của dân tộc, những “bước chân” của các thầy giáo, cô giáo không biết mỏi mệt và không màng hiểm nguy để mang ánh sáng cách mạng tới từng bản làng, ngõ xóm.

Thầy Văn gói gém sách vở, đồ dùng cá nhân, vài bộ quần áo trong chiếc ba lô, ôm hôn từ biệt hai đứa con thơ, đứa lớn ba tuổi, đứa nhỏ mới tròn 8 tháng, an ủi, động viên người vợ trẻ, rồi lên đường. Đó là ngày 5/3, mùa Xuân năm 1969…

Cùng hơn 200 đồng nghiệp, thầy Nguyễn Trọng Văn, lên đường đi B với nhiệm vụ riêng của những nhà giáo: Xây dựng và phát triển giáo dục trong vùng chiến.

“Có lẽ không có nơi nào, cuộc chiến nào kéo dài mà vẫn song hành phát triển được giáo dục như ở Việt Nam. Nơi nào giải phóng, kể cả ở các ‘vùng lõm’ giải phóng bé nhỏ, hay các vùng còn tranh chấp, ở đâu có dân, ở đó có lớp học dưới nhiều hình thức khác nhau. Đó là điều đặc biệt của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam,” thầy Đỗ Trọng Văn, nay đã 80 tuổi, xúc động nói khi nhớ lại những năm tháng thanh xuân trên mặt trận riêng của ngành giáo dục trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước.

Thầy Đỗ Trọng Văn (hàng dưới, thứ hai từ trái qua) và các cán bộ Tiểu ban Giáo dục R. (Ảnh: NVCC)
Thầy Đỗ Trọng Văn (hàng dưới, thứ hai từ trái qua) và các cán bộ Tiểu ban Giáo dục R. (Ảnh: NVCC)

Chiến lược “3 vùng”

Ngay khi cuộc chiến tranh vẫn còn đang diễn ra ác liệt, để đập tan chính sách “ngu dân” của Mỹ-Ngụy đồng thời phát triển tri thức cho lực lượng cách mạng, Đảng và Bác Hồ đã rất quan tâm đến việc xây dựng nền giáo dục mới ở miền Nam. Với quan điểm chiến tranh toàn diện, Đảng chủ trương giáo dục phải được xây dựng và đấu tranh trên cả ba vùng: Vùng giải phóng, vùng tranh chấp và vùng bị tạm chiếm.

Sau phong trào Đồng khởi Bến Tre năm 1960, các vùng giải phóng tuy ở thế cài da báo với địch, nhưng cũng ngày càng mở rộng hơn. Giải phóng đến đâu, giáo dục phát triển tới đó, kể cả các vùng lõm giải phóng, dù chỉ là một thôn, xóm. Để có sự chỉ đạo phát triển giáo dục thống nhất giữa các địa phương và toàn khu, tháng 10/1962, Tiểu ban Giáo dục miền Nam, thường được gọi là Tiểu ban Giáo dục R, đã được thành lập, trực thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục. Tiểu ban có nhiệm vụ trực tiếp phụ trách, chỉ đạo công tác giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cách mạng trong suốt thời kỳ chiến tranh, góp phần thắng lợi chung của dân tộc.

Thông tư 44/TT ngày 13/2/1963 của Trung ương Cục xác định rõ nhiệm vụ của công tác giáo dục miền Nam Việt Nam là “dựa vào lực lượng nhân dân, cán bộ giáo dục và các nhà giáo yêu nước, kiên quyết đả phá chính sách ngu dân và các hình thức giáo dục nô dịch, phản động, ngoại lai, đồi trụy của Mỹ-Ngụy; tích cực xây dựng một nền giáo dục dân tộc, dân chủ và khoa học theo chủ nghĩa Mác-Lênin, nhằm bồi dưỡng chính trị, văn hóa cho nhân dân lao động, trước nhất là cán bộ và chiến sỹ, đào tạo thế hệ trẻ toàn diện, biết căm thù giặc sâu sắc, biết yêu nước nồng nàn, có kiến thức, đạo đức và sức khỏe để tiếp tục sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và kiến thiết xã hội sau này.”

Nhiệm vụ của các cán bộ giáo dục là vừa phải nâng cao trình độ dân trí, vừa phải chống phá địch trên mặt trận văn hóa, giáo dục. (Ảnh: NVCC)
Nhiệm vụ của các cán bộ giáo dục là vừa phải nâng cao trình độ dân trí, vừa phải chống phá địch trên mặt trận văn hóa, giáo dục. (Ảnh: NVCC)

Theo đó, giáo dục miền Nam phải thực hiện hai nhiệm vụ: Đấu tranh với địch trên mặt trận văn hóa giáo dục và xây dựng lực lượng giáo dục cách mạng. Để thực hiện hai nhiệm vụ này, Tiểu ban Giáo dục R đã vạch ra hai chương trình giáo dục và Phổ thông và Bình dân học vụ cho hai nhóm đối tượng là trẻ em và người lớn.

Tiểu ban Giáo dục R đã vạch ra hai chương trình giáo dục và Phổ thông và Bình dân học vụ cho hai nhóm đối tượng là trẻ em và người lớn.

Tiểu ban Giáo dục R có vai trò và cơ cấu như một bộ giáo dục thu nhỏ phụ trách miền Nam với Văn phòng, Phòng Phổ thông, Phòng Bình dân, Phòng Đô thị (phụ trách giáo dục khu vực đô thị), Phòng Tuyên truyền, Phòng In ấn và phát hành… Tiểu ban giáo dục của các khu, tỉnh, huyện, xã cũng lần lượt được ra đời để chỉ đạo phong trào giáo dục khắp cả miền Nam.

Nơi nào có dân, nơi đó có giáo dục

Trong điều kiện chiến tranh, việc triển khai các hoạt động giáo dục cũng gặp vô vàn khó khăn, thách thức khi thiếu từ đội ngũ giáo viên đến tài liệu giảng dạy, thiếu cả học sinh, địch thì liên tục bắn phá, bắt bớ. Từ những con số 0 tròn trĩnh: không trường, không học sinh, không giáo trình, các nhà giáo cách mạng đã có rất nhiều sáng tạo để dựng trường, mở lớp.

Phong trào giáo dục phát triển mạnh mẽ tại tất cả các vùng ở Nam Bộ, bất chấp sự tàn phá của kẻ thù. (Ảnh: NVCC)
Phong trào giáo dục phát triển mạnh mẽ tại tất cả các vùng ở Nam Bộ, bất chấp sự tàn phá của kẻ thù. (Ảnh: NVCC)

Hệ thống giáo dục miền Nam vẫn phát triển mạnh mẽ và được tổ chức chặt chẽ từ Trung ương Cục đến từng xã với phương châm “nơi nào có dân, nơi đó có giáo dục.” Hai nhiệm vụ xây dựng trường lớp, lực lượng giáo dục, phát triển tri thức cho nhân dân và đấu tranh văn hóa với địch đều được triển khai quyết liệt trên cả ba vùng.

Ở vùng giải phóng, các cơ sở đạo tạo giáo viên được thành lập ở khắp các địa phương. Trường học được mở ở cả ba cấp 1, 2, và 3 như trường Nguyễn Văn Trỗi ở Quảng Nam, trường Hoàng Lê Kha ở Tây Ninh, trường Trừ Văn Thố ở Mỹ Tho, trường Lý Tự Trọng ở Tây Nam Bộ… Các trường học có nhiệm vụ đào tạo lớp thanh thiếu niên cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Bên cạnh các trường còn có các lớp phân tán trong dân, đặc biệt là các lớp xóa mù chữ và bổ túc văn hóa cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân.

Hai nhiệm vụ xây dựng trường lớp, lực lượng giáo dục, phát triển tri thức cho nhân dân và đấu tranh văn hóa với địch đều được triển khai quyết liệt trên cả ba vùng.

Ở vùng tranh chấp, vùng tạm chiếm, trường lớp không được tổ chức quy mô nhưng các lớp học vẫn được lập ra và tổ chức cơ động, linh hoạt, liên tục thay đổi địa điểm. Lớp học dưới tán cây trong rừng, trong cơ sở nhà dân và cả dưới hầm trú ẩn, lúc học ban đêm, khi học ban ngày. Bên ngoài các lớp học luôn được bố trí lực lượng cảnh giới để kịp thời thông báo nếu có địch đến. Dù giặc Mỹ càn quét, bom đạn cày nát xóm làng, dù có những người thầy đã ngã xuống nhưng các lớp học vẫn được dựng lên.

Học sinh Trường Thiếu nhi Bình Thạnh (Kiến Phong) trao đổi bài trước khi vào lớp. (Ảnh: NVCC)
Học sinh Trường Thiếu nhi Bình Thạnh (Kiến Phong) trao đổi bài trước khi vào lớp. (Ảnh: NVCC)

Với hình thức tổ chức lớp học linh hoạt, cơ động, từ trường học chính quy đến các lớp bí mật, tùy vào từng vùng đã giúp cho hàng vạn cán bộ, chiến sỹ và nhân dân xóa được nạn mù chữ, nâng cao trình độ. Từ đó, ta đã xây dựng được lực lượng chính trị nòng cốt để nuôi dưỡng và phát triển phong trào đấu tranh chống Mỹ -Ngụy đồng thời đào tạo được thế hệ nhân lực nguồn chất lượng cho công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước sau giải phóng.

Dân trí được nâng cao đã có ý nghĩa to lớn trong việc đấu tranh với địch trên mặt trận văn hóa, đánh bại các âm mưu dùng giáo dục phục vụ cho công cuộc bình định của Mỹ. Tiểu ban Giáo dục có Phòng Truyền thông, trực tiếp phụ trách biên tập nội dung hai buổi phát thanh hàng tuần trên đài phát thanh giải phóng. Ta cũng cài người vào các trường học khu đô thị, vận động giáo viên và học sinh đi theo cách mạng. Từ năm 1954, phong trào học sinh, giáo viên đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, giảm học phí, tăng lương, đòi giảng dạy bằng tiếng Việt, chống khủng bố và đàn áp… diễn ra mạnh mẽ. Sang giai đoạn đầu những năm 70, các cuộc đấu tranh của học sinh, giáo viên trực diện hơn với các cuộc biểu tình phản đối văn hóa nô dịch, đòi Mỹ rút về nước, đòi hòa bình, độc lập…

Những cuộc đấu tranh trên mặt trận giáo dục, văn hóa đã góp phần quan trọng trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cùng với cuộc chiến trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao… để giành độc lập dân tộc. Đặc biệt, việc xây dựng và phát triển giáo dục song hành cùng cuộc chiến đã giúp ta chuẩn bị được lực lượng nhân sự vừa có trình độ cao, vừa có bản lĩnh chính trị vững vàng cho công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh.

“Điều này cho thấy tầm nhìn chiến lược của Đảng và Bác Hồ. Trong điều kiện chiến tranh, giáo dục vẫn được quan tâm đặc biệt và được tổ chức bài bản. Giáo dục được xây dựng thành một mặt trận riêng trong cuộc chiến tranh toàn diện của dân tộc, vừa đấu tranh, vừa đào tạo nhân lực để sẵn sàng đưa đất nước đi lên ngay sau giải phóng. Đặc thù này có lẽ chỉ có ở Việt Nam,” nhà giáo Đỗ Trọng Văn nói./.

Trong điều kiện chiến tranh, việc triển khai các hoạt động giáo dục cũng gặp vô vàn khó khăn, thách thức, thiếu và yếu từ đội ngũ giáo viên đến sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy, điều kiện tổ chức trường lớp và cả việc vận động người dân đi học. Từ những con số 0 tròn trĩnh: không trường, không học sinh, không giáo trình, các nhà giáo cách mạng đã có rất nhiều sáng tạo để dựng trường, mở lớp.

Dựng lớp từ những số 0

Thầy Đỗ Trọng Văn, nguyên cán bộ Tiểu ban Giáo dục R, cho biết đội ngũ giáo viên được huy động từ ba nguồn: Chi viện từ miền Bắc, giáo viên các trường ở miền Nam đi theo cách mạng và lực lượng đào tạo cấp tốc tại chỗ. Từ năm 1962 đến 1975, đã có gần 3.000 giáo viên miền Bắc cầm bút nghiên, sách vở lên đường đi B để chi viện cho mặt trận giáo dục miền Nam. Đây đều là đội ngũ giáo viên, giảng viên giỏi, được lựa chọn từ các trường.

Tuy nhiên, lực lượng giáo dục đào tạo tại chỗ có trình độ thấp hơn. Với tinh thần “biết hai dạy một”, chấp nhận “cơm chấm cơm”, những người có trình độ cấp một, cấp hai sẽ được đào tạo cấp tốc trong ba, bốn tháng về nghiệp vụ sư phạm để đứng lớp. Để có nguồn giáo viên, nhiều cách làm sáng tạo, thậm chí có tính đột phá, đã được triển khai. Trường Sư phạm Kiến Tường, thuộc Tiểu ban Giáo dục khu 8, là điển hình của sự táo bạo khi chuyển cả đội tân binh nữ 30 người sang làm học viên, trong đó có cả những người chưa xóa mù chữ. Ai chưa biết chữ được dạy cho biết chữ rồi đào tạo nghiệp vụ sư phạm. Khẩu hiệu đặt ra của giáo dục Kiến Tường là “học đến đâu, dạy đến đó” (sáng là giáo viên, chiều thành học viên), “người biết chữ dạy cho người mù chữ”. Lực lượng tân binh này sau đó đã trở thành đội ngũ giáo viên nòng cốt, cùng phong trào giáo dục “cơm chấm cơm, muối chấm muối” đưa giáo dục Kiến Tường phát triển mạnh mẽ.

Trường Sư phạm cấp 1 tỉnh Mỹ Tho trong thời kỳ chống Mỹ. (Ảnh: NVCC)
Trường Sư phạm cấp 1 tỉnh Mỹ Tho trong thời kỳ chống Mỹ. (Ảnh: NVCC)

Lực lượng nhân lực thiếu và yếu, tài liệu giảng dạy càng thiếu thốn hơn. Các nhà giáo từ miền Bắc khi đi chi viện cho miền Nam đều mang theo nhiều sách giáo khoa. Tuy nhiên, hầu hết phải gửi lại giao liên trên đường hành quân vào Nam vì sức khỏe giảm sút, buộc giáo viên phải hy sinh sách để giữ sức khỏe và cõng lương thực, thực phẩm.

 Để có nguồn giáo viên, nhiều cách làm sáng tạo, thậm chí có tính đột phá, đã được triển khai.

Để có tài liệu giảng dạy, giáo viên phải tự biên soạn, hoặc lấy sách của hệ thống giáo dục của địch ở miền Nam để chọn lọc, viết lại cho phù hợp. Sách khan hiếm đến mức có khi cả tỉnh, thậm chí cả khu mới có một quyển và giáo viên, học sinh phải chuyền tay nhau chép.

Nhà giáo Trần Thư Nguyên nhớ lại những năm tháng đi B trên chiến trường miền Nam. (Ảnh: PM/Vietnam+)
Nhà giáo Trần Thư Nguyên nhớ lại những năm tháng đi B trên chiến trường miền Nam. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Nhà giáo Trần Thư Nguyên vốn là một giáo viên khoa học tự nhiên nhưng vẫn phải nhận nhiệm vụ soạn sách lịch sử. “Đến giờ tôi không nhớ nổi khi đó mình tìm kiếm tư liệu bằng cách nào để hoàn thành được nhiệm vụ đó,” thầy Trần Thư Nguyên, nguyên cán bộ Tiểu ban Giáo dục khu 8, chia sẻ.

Tài liệu có thể tự khắc phục nhưng việc tổ chức lớp học còn khó khăn hơn nhiều lần. Ở vùng giải phóng, giáo viên phải đến từng nhà để động viên, kêu gọi học sinh tới trường.

Thầy Trần Thư Nguyên,  vẫn không thể quên những ngày ngồi xuồng đi khắp vùng sông nước Cửu Long để vận động học sinh.

“Có khi đến nơi thì các em đã theo bố mẹ ra sông đánh cá. Nhưng chúng tôi vẫn kiên trì, nay tới không gặp mai lại tới. Có lẽ vì thấy thầy giáo nhiệt tình, tâm huyết nên người dân cuối cùng vẫn cho con đi học rất đông,” thầy Nguyên nhớ lại.

Vừa học vừa chạy địch càn

Ở các vùng tranh chấp hoặc vùng tạm chiếm, địa điểm lớp học tạm bợ, thay đổi liên tục. Người thầy vừa đứng lớp, vừa sẵn sàng cầm súng đánh giặc khi bị càn. Hàng trăm nhà giáo đã anh dũng hy sinh.

Khi được học cấp tốc để làm giáo viên, Đinh Lê Hà mới 17 tuổi. Lớp học của cô ở Tiểu ban Giáo dục Kiến Phong được dựng bằng tre, lợp lá dừa nước, nép dưới bóng cây tràm, ngay cạnh bờ sông. “Mỗi lần được báo địch càn, chúng tôi giấu tài liệu vào vỏ thùng đựng đạn, bọc kín rồi để xuống dưới nước. Cô trò sẽ lên xuồng vô đầm. Cũng có khi phải ‘chạy’ ngồi ở suối cạn khi trực thăng địch truy đuổi trên đầu,” cô giáo Đinh Lê Hà, nay đã 69 tuổi, kể.

Học sinh miền Nam vượt cầu khỉ tới trường. (Ảnh: NVCC)
Học sinh miền Nam vượt cầu khỉ tới trường. (Ảnh: NVCC)

Nhưng trận càn mà cô Hà nhớ nhất là năm 1969, địch đánh vào Trường Nguyễn Văn Trỗi: “Bị địch đánh lộ căn cứ, cả thầy và trò phải chạy suốt đêm về Côngpôngchàm trên đất bạn Campuchia. Chúng tôi phải chia học sinh, giao cho đoàn thanh niên phụ trách mỗi người một vài em. Lúc đầu các em còn chạy bộ được, sau đó thì chúng tôi phải cõng vì các em quá mệt. Cứ thế, vừa cõng học sinh vừa chạy.”

Nhà giáo Nguyễn Trọng Đàm, nguyên Hiệu trưởng Trường Sư phạm khu 8 vẫn nhớ những ngày cuối khóa đào tạo đầu tiên của trường, ghi lại trong hồi ký: “Hội đồng thi đang chấm bài thì một chiếc máy bay đầm già (máy bay trinh thám –PV) lên đảo một vòng rồi thả trái điểm ngay giữa khu vực trường. Anh em trong hội đồng thi chưa kịp ra công sự thì quả bom đầu tiên nổ cách chỗ chúng tôi hơn chục thước, tiếp theo là liên tục những quả bom và rocket. Tôi kéo các đồng chí vào một công sự chữ A thì một tiếng nổ dữ dội, khói đen bao phủ toàn bộ khu vực, chúng tôi đều có cảm giác như công sự bị sập. Sau trận ném bom kết thúc, chúng tôi nhìn thấy dấu vết một trái bom nổ sát ngay công sự nhưng may mắn miệng bom lại tạt về hướng khác.”

Trên mặt trận giáo dục, nhiều nhà giáo đã vĩnh viễn không thể trở về. (Ảnh: NVCC)
Trên mặt trận giáo dục, nhiều nhà giáo đã vĩnh viễn không thể trở về. (Ảnh: NVCC)

Trong cuộc chiến ác liệt, nhiều nhà giáo đã anh dũng hy sinh. Nhớ về những đồng đội được chi viện về tỉnh Quảng Đà cùng mình năm 1965, nhà giáo Bùi Thị Nguyên cho biết trong số 8 người thì có 4 người hy sinh, một người bị bắt đi tù Côn Đảo, ba người bị thương. Trên tấm bia tưởng niệm liệt sỹ của ngành giáo dục dựng tại Tây Ninh có danh sách của hơn 600 nhà giáo, trong đó có trên 100 nhà giáo từ miền Bắc đi B đã vĩnh viễn nằm lại miền Nam.

Sự càn quét ác liệt của địch cũng khiến cho nhiều kế hoạch phát triển giáo dục của ta bị đổ bể. Năm 1965, Đảng chủ trương thành lập Đại học Sư phạm và đã đưa hơn mười cán bộ của Đại học Tổng hợp Hà Nội vào Nam nhưng kế hoạch không thể triển khai khi Mỹ ồ ạt đưa quân thực hiện Chiến tranh Cục bộ. Năm 1969, hơn 200 cán bộ, giáo viên miền Bắc được bố trí theo 20 khung trường sư phạm với đủ hiệu trưởng, hiệu phó, tổ chuyên môn được chi viện cho miền Nam, sẵn sàng thành lập hệ thống trường đào tạo giáo viên cho khắp các tỉnh Nam bộ, nhưng vào đến nơi thì tình hình chiến sự thay đổi nên cũng không thực hiện được.

Tuy nhiên, giáo dục miền Nam vẫn phát triển mạnh mẽ, bất chấp mọi khó khăn thiếu thốn, mọi sự tàn khốc của chiến tranh, với nhiều cách làm sáng tạo.

Trên tấm bia tưởng niệm liệt sỹ của ngành giáo dục dựng tại Tây Ninh có danh sách của hơn 600 nhà giáo, trong đó có trên 100 nhà giáo từ miền Bắc đi B đã vĩnh viễn nằm lại miền Nam.

Những ngày thâu đêm in sách

và thư viện trong lòng đất

Phạm Mai

Để lưu trữ tài liệu và sách giáo khoa trong điều kiện chiến tranh, Tiểu ban Giáo dục R đã đào một căn hầm sâu và rộng chừng 80m2, thiết kế một sàn gỗ lớn cách tường hầm khoảng 0,6m để đi lại. “Để dưới hầm thì an toàn, nhưng mỗi lần soi đèn pin tìm sách thì những con chôm chôm lại nhảy choi choi vào mặt rất khó chịu,” cô giáo Đinh Lê Hà, nguyện cán bộ Văn thư- Phát hành, Tiểu ban Giáo dục R kể.

Thâu đêm in sách

Mùa hè năm 1968, sau thất bại của chiến dịch Mậu Thân, địch phản kích quyết liệt. Do các nhà giáo cũng tham gia chiến dịch nên các cơ sở trường lớp ở địa phương trước đây được cán bộ giáo dục dày công xây dựng hầu như bị xóa. Hoạt động của Tiểu ban Giáo dục gặp nhiều khó khăn do số cán bộ giáo dục hy sinh và bị bắt rất nhiều. Cô giáo Đinh Lê Hà được huy động về bộ phận Văn thư-Phát hành của Tiểu ban Giáo dục R. Năm ấy, cô Hà tròn 17 tuổi…

“Để dưới hầm thì an toàn, nhưng mỗi lần soi đèn pin tìm sách thì những con chôm chôm lại nhảy choi choi vào mặt rất khó chịu.”

Dù hơn 40 năm đã trôi qua, bà Hà vẫn không thể quên những ngày đầu làm công tác văn thư, lưu trữ, bắt đầu làm quen với đánh máy chữ, in sách giáo khoa. “Anh Hiếu, tổ trưởng, ân cần hướng dẫn tôi đánh máy, cách đặt bàn tay trên phím, phân công các ngón tay, mắt nhìn vào trang bản thảo thế nào để vừa đọc bản thảo vừa đánh cho nhanh. Ban đầu tôi lóng ngóng, gõ lên chữ cứ như gà mổ thóc. Buổi tối, tôi chong đèn học thuộc vị trí các chữ cái trên bàn phím để sớm thành thạo. Nhờ vậy, trong vòng một tuần, tôi đã sử dụng được mười ngón tay, lướt nhanh gần như đánh vần. Chúng tôi đặc biệt lưu ý chữ i và o, vì các từ trong văn bản nếu nhầm thì nghĩa sẽ đổi rất tệ, như từ đồng chí, giáo dục,” bà Hà kể.

Cô Đinh Lê Hà cùng đồng đội trên con đường xuyên trảng cỏ giữa hai căn cứ. (Ảnh: NVCC)
Cô Đinh Lê Hà cùng đồng đội trên con đường xuyên trảng cỏ giữa hai căn cứ. (Ảnh: NVCC)

Khi đánh máy đạt cấp độ cao, bà Hà mới được giao nhiệm vụ đánh trên giấy stencil để in sách. Đó là loại giấy bằng chất liệu đặc biệt dai, được tráng qua một lớp sáp, khi đánh chữ lên đó, máy sẽ đục thủng lớp sáp. Lắp tờ giấy sáp vào khung lụa hoặc vải, kéo ru-lô tráng lớp mực in đi qua sẽ được trang sách đầy chữ. Phương pháp in stencil này được sử dụng tới năm 1973, khi Tiểu ban Giáo dục R được chi viện từ miền Bắc một số thiết bị in typo hiện đại hơn.

Trong điều kiện chiến tranh, phải đảm bảo tiêu chí gọn, nhẹ, vận chuyển thuận lợi nên sách được in theo khổ 13×19, chữ nhỏ, sắc nét để một trang được nhiều chữ.

Ban ngày làm việc ở cứ, ban đêm, bà Hà lại cùng đồng đội đi tải giấy mực, vật liệu văn phòng phẩm, gạo, muối, thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày. “Nhiều khi đi cả đêm, ban ngày đánh máy buồn ngủ quá, đang nghe tiếng gõ giòn tan, phút chốc đã im bặt, quay lại thấy Hiền [đồng đội của bà Hà-PV] gục đầu vào máy ngủ rồi. Những hôm cần tài liệu gấp, chúng tôi làm việc xuyên đêm, người nọ phải canh gọi người kia dậy, rửa mặt, vận động xua tan cơn buồn ngủ rồi lại đánh tiếp cho kịp,” bà Hà kể.

“Những hôm cần tài liệu gấp, chúng tôi làm việc xuyên đêm, người nọ phải canh gọi người kia dậy, rửa mặt, vận động xua tan cơn buồn ngủ rồi lại đánh tiếp cho kịp.”

Hàng ngày, vào một giờ nhất định, các đơn vị trực thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục cử nhân viên mang văn thư và những tài liệu, sách vở cần phát hành đến tại một điểm an toàn trong khu căn cứ. Địa điểm này được thay đổi luôn để bảo mật. Tài liệu cần chuyển về địa phương hoặc các cơ quan khác sẽ được chuyển ra trạm giao bưu. Ngoài các bọc tài liệu, sách giáo khoa, thư từ cần chuyển thì khi ra trạm giao bưu, ai cũng phải mang một khẩu tiểu liên để phòng biệt kích và thú dữ.

“Chúng tôi thường sử dụng lại những bản tin của Thông tấn xã Giải phóng đã đọc xong để làm phong bì. Gói sách giáo khoa bằng giấy dầu, loại dai như bao xi măng, để bảo vệ được sách khi vận chuyển trong điều kiện mưa gió, đi lại khó khăn khi phải tránh các trận càn của địch. Việc phân phối tài liệu, sách giáo khoa dựa trên số điểm trường, lớp ở các tỉnh và các cơ quan. Khi có thêm lớp, thêm trường sẽ được gửi bổ sung,” bà Hà chia sẻ.

Thư viện trong lòng đất

Để lưu trữ tài liệu và sách giáo khoa đã in, Tiểu ban Giáo dục Ra đã đào một căn hầm sâu và rộng chừng 70-80m2, dưới hầm thiết kế một lớp sàn gỗ lớn, chỉ cách tường hầm khoảng 0,6m để đi lại kiểm tra và xuất nhập sách vở, tài liệu. Hầm chứa sách như một thư viện mini trong lòng đất.

Phút giải lao của các cán bộ Văn thư- Phát hành, Tiểu ban Giáo dục R. (Ảnh: NVCC)
Phút giải lao của các cán bộ Văn thư- Phát hành, Tiểu ban Giáo dục R. (Ảnh: NVCC)

Thư viện trong lòng đất tránh được bom đạn kẻ thù, nhưng lại phải đối diện với nhiều mối nguy cơ khác như mối, mọt, ẩm mốc, đặc biệt là vào mùa mưa. Các cán bộ Văn thư-Phát hành tránh mối bằng cách buộc vào thân mỗi cột tiếp giáp đất một mảnh vải dày, cứ vài ba ngày lại thấm dầu vào miếng vải đó một lần để mối sợ mùi dầu không dám tới.

“Dưới hầm có rất nhiều con chôm chôm, chúng tôi hay gọi là con vũ nữ, cứ nghe hơi người là nó chạy nhảy choi choi, nhảy luôn vào mặt, vào người rất khó chịu. Để khắc phục, chúng tôi xếp sách thành một sơ đồ hợp lý, thuộc nằm lòng để khi cẩn soạn, chỉ quét đèn pin sơ qua là tìm được ngay, ít tốn pin mà lại khỏi làm bạn lâu với mấy con ‘chân dài’ này,” bà Hà cười kể.

Thư viên mini ngoài các tài liệu, sách giáo khoa còn có nhiều tiểu thuyết và truyện dịch như “Thép đã tôi thế đấy”, “Ruồi trâu”, “Sông Đông êm đềm”, “Thời thơ ấu”… Tranh thủ những giờ phút hiếm hoi được nghỉ ngơi để đọc sách, bà Hà bảo những tác phẩm văn học kinh điển ấy đã giúp bồi dưỡng cho vốn ngôn ngữ và những ước mơ thời thiếu nữ của mình được bay bổng hơn, ý chí cũng vững vàng hơn.

Còng lưng cõng sách

Với sự càn quét của địch, hoạt động văn thư cũng như mọi công tác khác đều phải liên tục di chuyển để bảo mật, an toàn. Nhưng với những cán bộ văn thư, phát hành như bà Hà, mỗi lần di chuyển là một lần đào hầm làm thư viện rồi còng lưng cõng sách từ điểm cũ sang điểm mới. “Chúng tôi bỏ sách vào từng bao lớn, cột dưới đáy bao hai cục giấy để giữ sách không bị bẩn và hỏng khi di chuyển, mỗi bao chừng 20 đến 30kg, tùy sức mỗi người, đeo trên lưng để mang đi,” bà Hà kể.

Trong ký ức của người cán bộ giáo dục năm xưa vẫn không quên được những lần địch tấn công, những cán bộ văn thư phải chạy đến điểm an toàn để giữ tính mạng, chờ giặc đi rồi lại quay về khuân vác sách giáo khoa, tài liệu sang cứ mới.

Với những cán bộ văn thư, phát hành như bà Hà, mỗi lần di chuyển là một lần đào hầm làm thư viện rồi còng lưng cõng sách từ điểm cũ sang điểm mới.

“Còn nhớ vào một ngày tháng 5/1970, chúng tôi được lệnh di chuyển khẩn cấp do có thông tin địch sẽ rải thảm vùng căn cứ Sáu Cầu. Đó là thời điểm bắt đầu trận càn Đông Dương. Trong vòng 15 phút, chúng tôi phải thu xếp tư trang cá nhân cùng với máy móc, công cụ để có thể làm việc bất cứu lúc nào. Khi ấy tôi mang hai ba lô, cái đằng trước là tư trang cá nhân, cái sau lưng là máy chữ, giấy và vật liệu đủ để dùng khi đi đường, đến cứ dự bị Côngpôngchàm ở sâu trên đất bạn Campuchia. Chúng tôi vừa đi vừa chạy, chỉ đi chừng 15 phút là nghe bom nổ ầm ầm nơi cứ cũ. Căn nhà của tôi trúng một trái bom, không còn lại một dấu vết gì là nơi tôi từng sống,” bà Hà kể.

Đến cứ mới, bà Hà cùng đồng đội căng tăng, mắc võng ở tạm, khi ổn định chỗ làm việc lại xây dựng thư viện mini, nhà ở… “Cứ như thế chúng tôi làm việc, lao động và chiến đấu không ngơi nghỉ. Xây dựng rồi bị giặc đánh phá, rồi tiếp tục xây dựng, từ khi phong trào giáo dục còn là số không, phát triển dần lên, quần nhau với giặc… Cho tới một ngày, chính là ngày 30/4/1975, chúng tôi đã vui sướng cùng nhau vào tiếp quản Bộ Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên Sài Gòn,” bà Hà xúc động chia sẻ./.

Những trang sách kịp đến với học sinh là niềm vui của các cán bộ phụ trách Văn thư-Phát hành như cô Hà.(Ảnh: NVCC)
Những trang sách kịp đến với học sinh là niềm vui của các cán bộ phụ trách Văn thư-Phát hành như cô Hà.(Ảnh: NVCC)

Thầy cô giáo “bộ đội giải phóng”

và niềm vui vỡ òa khi tiếp quản

Phạm Mai

“Ngày 30/4/1975, cảm xúc như vỡ òa khi đất nước hoàn toàn giải phóng, chúng tôi, những cán bộ Tiểu ban Giáo dục R vào Sài Gòn tiếp quản các cơ sở giáo dục trong nhiềm vui chiến thắng hân hoan,” bà Đinh Lê Hà xúc động nói.

Vừa đi vừa may cờ Tổ quốc

Từ cuối tháng 3/1975, Tiểu ban Giáo dục R đã lên kế hoạch thành lập Tiểu ban tiếp quản giáo dục Sài Gòn với ba đoàn tiếp quản ở ba bộ phận: Cơ sở Bộ Văn hóa Giáo dụcThanh niên, các viện đại học, các trường trung học. Tiểu ban đã họp để phát quân phục cho các thành viên, tổ chức tập huấn công tác tiếp quản.

Nhớ về những ngày tiếp quản Sài Gòn, bà Đinh Lê Hà vẫn đầy xúc động: “Ngày 28/4/1975, mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng. Sáng 29/4/1975, xe bắt đầu chuyển bánh đưa chúng tôi tiến về Sài Gòn. Trên xe, chúng tôi vừa đi vừa may cờ Tổ quốc để sẵn sàng treo lên trụ sở Bộ Văn hóa Giáo dục Thanh niên. Xe xóc đâm gẫy cả kim. Ai nấy đều trào dâng niềm vui không gì diễn tả được, niềm vui chiến thắng, vui như nở từng khúc ruột.”  

Đã 45 năm trôi qua, bà Hà vẫn không thẻ quên niềm vui vỡ òa của ngày chiến thắng. (Ảnh: NVCC)
Đã 45 năm trôi qua, bà Hà vẫn không thẻ quên niềm vui vỡ òa của ngày chiến thắng. (Ảnh: NVCC)

“Niềm vui ấy càng vỡ òa khi cả đoàn đi đến gần Củ Chi thì nghe tin Dương Văn Minh đầu hàng. Đất nước đã hoàn toàn giải phóng. Chúng tôi đều reo hò. Thế là hòa bình. Thế là không còn bom đạn, không còn lo bị phục kích. Xe chạy băng băng trên đường đất đỏ bụi mù và trong niềm vui chiến thắng hân hoan,” bà Hà bồi hồi kể.

Tới Củ Chi, mọi người đều chỉnh trang lại trang phục, đầu tóc, phủi bụi trên quần áo, thật đàng hoàng tiến về Sài Gòn. Đến Ngã tư Bảy Hiền, đường đông chật cứng người.

“Người dân đứng kín đường đón chào quân giải phóng. Nhiều người tò mò sờ thử vào người tôi xem chiến sỹ cộng sản thì như thế nào rồi thì thào ‘không mọc lông như khỉ nhỉ’, vì họ được giặc tuyên truyền là ‘bảy tên cộng sản đu không gãy cành đu đủ’, và cộng sản ở trong rừng nên ‘mọc lông như khỉ”, bà Hà cười giòn khi nhớ về lần đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn hoa lệ. Cô gái Đinh Lê Hà khi ấy mới 19 tuổi. Niềm vui quá lớn khiến cô và bao đồng đội dường như không thể ngủ. “Tới tận mấy năm sau, mỗi dịp 30/4, tôi vẫn không ngủ được vì nhớ lại những cảm xúc của ngày chiến thắng, nhớ đồng đội và những năm tháng ở R,” bà Hà chia sẻ.

“Ngả mũ” trước giải phóng quân

Tiếp quản cơ sở giáo dục của ngụy quyền, các nhà giáo chiến sỹ đã khiến cho lực lượng cán bộ của địch đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về “bộ đội cụ Hồ.”

Nhìn 10 ngón tay như múa trên bàn phím của cô giải phóng quân trẻ tuổi Đinh Lê Hà, đội ngũ văn thư thuộc bộ phận văn phòng của Bộ Văn hóa Giáo dục Thanh niên của ngụy quyền Sài Gòn “choáng váng” vì tốc độ đánh máy quá nhanh.

“Mình đánh máy bằng ngón tay và từng gõ thâu đêm suốt sáng nên đánh rất nhanh, trong khi các cô văn thư ở đây lại gõ máy bằng… bút vì họ sợ hỏng móng tay. Vì thế, nhìn tôi gõ phím, họ lé mắt,” bà Hà cười khi nhớ lại.

Thầy Đỗ Trọng Văn (đi giữa) vào tiếp quản trường Đại học Văn khoa Sài Gòn. (Ảnh: NVCC)
Thầy Đỗ Trọng Văn (đi giữa) vào tiếp quản trường Đại học Văn khoa Sài Gòn. (Ảnh: NVCC)

Với nhà giáo Đỗ Trọng Văn, ngày tiếp quản cũng là một kỷ niệm khó quên khi ông được giao nhiệm vụ tiếp quản Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn. “Nhiệm vụ của tôi khi ở Tiểu ban Giáo dục R là làm công tác tuyên truyền. Tôi phải nghiên cứu viết bài về giáo dục trong vùng tạm chiếm nên đọc được nhiều bài viết của các giáo sư, trí thức ở vùng tạm chiếm, trong đó có các giáo sư của Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn. Vì thế, khi gặp các giảng viên, giáo sư của trường, tôi nói chuyện, phân tích về nền giáo dục Sài Gòn và nền giáo dục cách mạng ở miền Bắc, trong đó có đề cập đến các quan điểm giáo dục của chính các giáo sư này khiến họ rất ngạc nhiên. Họ không hiểu tại sao ‘các anh bộ đội giải phóng’ đội mũ tai bèo lại am hiểu về giáo dục như thế. Họ đặt ra những câu hỏi về giáo dục của hai chế độ miền Nam và miền Bắc, về tương lai của nền giáo dục nước nhà, tôi đều trả lời rành mạch nên họ rất khâm phục bộ đội cụ Hồ,” thầy Trọng Văn chia sẻ.

Nhà giáo Hoàng Tư Hậu, khi được giao nhiệm vụ đứng lớp để giảng về giáo dục cách mạng cho các giáo viên ngụy quyền, chỉ bằng một bài thơ đã thay đổi góc nhìn của các giáo viên này về người chiến sỹ giải phóng. Ông kể trong tuyển tập “Nhà giáo Nghệ An đi B, một thời để nhớ”: “Một buổi tối, anh em đề nghị tôi hát, tôi xin đọc bài thơ ‘Lửa Đèn’ của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Mấy trăm giáo viên ở sân trường Tiểu học Gò Dầu im phăng phắc. Khi tôi đọc: ‘Anh cùng em sang bên kia cầu…’ Tôi nghỉ uống nước, nghe tiếng nho nhỏ: ‘Họ cũng yêu, cũng tình cảm đó chứ’. Khi đọc đến đoạn: “Ta thắp đèn lên đỉnh núi, gọi quân giặc đem bom đến dội, cho đá lở đá lăn, lấy đá kê cầu… Ta bật đèn pha ôtô trong chớp lòe ánh đạn. Rồi tắt đèn quay xe, đánh lạc hướng giặc rồi ta lại lái xe đi. Ngày mai, ngày mai hoàn toàn chiến thắng. Anh dắt tay em, trời chi chít sao giăng…” Đọc đến đây thì tiếng vỗ tay rầm rầm không dứt. Âm thanh ấy như còn đọng trong đầu tôi đến tận bây giờ”./.

Niềm vui ngày gặp lại của những người thầy cô giáo miền Bắc từng cống hiến cả tuổi thanh xuân cho giáo dục miền Nam. (Ảnh: NVCC)
Niềm vui ngày gặp lại của những người thầy cô giáo miền Bắc từng cống hiến cả tuổi thanh xuân cho giáo dục miền Nam. (Ảnh: NVCC)