Có thể khẳng định rằng thành tựu kinh tế-xã hội quan trọng nhất trong 5 năm qua (2015-2020) của Quảng Ninh chính là kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, cơ cấu chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh, phúc lợi, tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.
Đây cũng chính là những thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ 5 năm của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, góp phần đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương đi đầu về phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.
Đột phá bằng chính sách
Trong các chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước, Quảng Ninh được xác định là trung tâm kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và vùng đồng bằng sông Hồng, là cửa ngõ quan trọng của hành lang kinh tế Nam Ninh-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh.
Không chỉ có hệ thống cảng biển, cảng nước sâu có năng lực bốc xếp cho tàu hàng trọng tải lớn, Quảng Ninh còn có hệ thống cửa khẩu phân bố trên dọc tuyến biên giới, đặc biệt cửa khẩu quốc tế Móng Cái là nơi hội tụ giao lưu thương mại, du lịch, dịch vụ và thu hút các nhà đầu tư và là cửa ngõ giao dịch xuất nhập khẩu với Trung Quốc và các nước trong khu vực.
Chính vì vậy, để biến các cơ hội và tiềm năng thành thế mạnh của địa phương, trong nhiều năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2015-2020, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nhiều chính sách “trải thảm đỏ” bằng môi trường đầu tư thuận lợi, để trở thành nơi “đất lành chim đậu.”
Đối với các dự án động lực, có tính lan tỏa trong nền kinh tế, Quảng Ninh có những chính sách riêng, đặc thù có tính đột phá để khuyến khích đầu tư. Không chỉ vậy, tỉnh luôn xác định nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư đi đôi với cải thiện môi trường đầu tư.

Những chính sách đó không chỉ tạo được sự thay đổi đột phá về kinh tế-xã hội mà quan trọng hơn đã đưa Quảng Ninh lên vị trí dẫn đầu trong các bảng xếp hạng.
Theo kết quả công bố mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019, Quảng Ninh tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước và là năm thứ 3 liên tiếp Quảng Ninh giành được vị trí quán quân trong bảng xếp hạng này.
Ngoài ra, theo kết quả khảo sát của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Quảng Ninh tiếp tục được đứng đầu Bảng xếp hạng các chỉ số PAR INDEX (chỉ số cải cách hành chính) và chỉ số SIPAS (chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính) năm 2019.
Quảng Ninh đứng đầu Bảng xếp hạng các chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019.
Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp Quảng Ninh có được vị trí đứng đầu toàn quốc về chỉ số cải cách hành chính và năm 2019 cũng là năm Quảng Ninh xuất sắc vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng về chỉ số hài lòng sự phục vụ hành chính của các cấp chính quyền đối với người dân, doanh nghiệp, vượt 6 bậc so với năm 2018 – một chỉ số mà theo các nhà quản lý là rất khó đạt điểm cao…
Đẩy mạnh tăng trưởng xanh
Có thể thấy, để tạo được sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện, mục tiêu tăng trưởng xanh của tỉnh đã được đưa ra bàn và nhận được sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị, cũng như của nhân dân trong tỉnh tại các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (2010-2015), Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (2015-2020).
Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã nhấn mạnh: Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp; là trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực, một trong những cực tăng trưởng kinh tế của miền Bắc và cả nước… Đây được coi như kim chỉ nam cho sự phát triển toàn diện kinh tế-xã hội của tỉnh.
Đánh giá về giai đoạn 2015-2020, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế địa phương duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước, bình quân 5 năm tăng 10,7%. Đến năm 2020, quy mô nền kinh tế đạt 211.476 tỷ đồng, tăng gấp 1,86 lần so với năm 2015.
Đáng chú ý, tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh đã tăng từ 39,3% năm 2010 lên 44,8% năm 2018, dự kiến đến năm 2020 là 48%; công nghiệp giảm từ 53,4% năm 2010 xuống 49,2% năm 2018, dự kiến đến năm 2020 còn 47%; nông nghiệp giảm từ 8,7% năm 2010 xuống còn 6% năm 2018, dự kiến đến năm 2020 còn 5%.

Bên cạnh đó, dịch vụ ngày càng giữ vai trò chủ đạo, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Không gian phát triển du lịch được mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản.
Tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất và tái lập Sở Du lịch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược có uy tín, thương hiệu đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
Ước tính, giá trị tăng thêm ngành dịch vụ tăng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 8,8%/năm; giai đoạn 2016-2018 là 11,9%/năm. Dự kiến, giai đoạn 2016-2020 đạt 13,1%/năm.

“Mặc dù năm 2020 chịu ảnh hưởng sâu rộng của đại dịch COVID-19, song tổng số khách du lịch 5 năm ước đạt 53 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 19,3 triệu lượt, tăng bình quân 1,7%/năm; khách nội địa tăng bình quân 9,5%/năm; doanh thu du lịch tăng bình quân 11,9%/năm. Du lịch đóng góp khoảng 7,1% tổng thu ngân sách nội địa (giai đoạn 2011-2015 chiếm 5,1%),” lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho hay.
Vấn đề môi trường được quan tâm, xử lý theo hướng bền vững hơn. Đến nay, Quảng Ninh đã hoàn thành xử lý 100% các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 100% các khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 80% nước thải từ hoạt động khai thác than đã được xử lý, hầu hết các bãi thải mỏ không còn hoạt động đã được hoàn nguyên môi trường. Hiện tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải ở đô thị đạt 90%…
Dấu ấn đổi mới, sáng tạo còn thể hiện trong các quyết sách ở từng ngành, từng lĩnh vực. Vì vậy, những con số đạt được vô cùng ấn tượng.
Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, tỷ trọng đóng góp của ngành khai khoáng trong GRDP giảm dần từ 21,3% năm 2015 xuống còn 17,3% năm 2020, phù hợp với lộ trình đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh.
Bên cạnh đó, đóng góp vào thu nội địa của ngành than mặc dù vẫn chiếm tỷ trọng lớn, song có xu hướng giảm dần. Tỉnh từng bước thực hiện lộ trình kết thúc khai thác than lộ thiên theo quy hoạch của Chính phủ.
“Quảng Ninh đã thu hút một số nhà đầu tư lớn có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp sạch vào nghiên cứu, đầu tư như TCL, Foxconn, Thành Công… Quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ theo hướng bền vững; thực hiện lộ trình chấm dứt khai thác đá vôi để giữ gìn cảnh quan…,” lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh.

Cùng với dịch vụ và du lịch, ngành nông nghiệp của Quảng Ninh đã từng bước tái cơ cấu theo hướng bền vững, định hướng phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, công nghệ cao, sản xuất tập trung, quy mô lớn.
Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 89/98 xã (91%) đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao), vượt mục tiêu đặt ra. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 45 triệu đồng/người/năm (bình quân cả nước đạt khoảng 40 triệu đồng), tăng 1,5 lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn khoảng 1%…
“Trải thảm đỏ” bằng hạ tầng
Cùng với Hà Nội và Hải Phòng, Quảng Ninh là một trong ba cực của tam giác tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Chính vì vậy, Quảng Ninh luôn có định hướng và áp dụng nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, xác định phát triển kết cấu hạ tầng là một trong 3 khâu đột phá chiến lược, tỉnh Quảng Ninh đã dồn sức huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng, nhất là ưu tiên cho các công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm. Nhờ đó, hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh từng bước được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.
Một trong những dấu ấn của Quảng Ninh là phát triển kết cấu hạ tầng với hàng loạt dự án cao tốc.
Hải Phòng-Hạ Long-Vân Đồn dài 120km (cao tốc Vân Đồn-Móng Cái dài hơn 80 km, dự kiến hoàn thành trong năm 2022), cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai… Tổng vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giai đoạn 2016-2020 ước đạt hơn 123.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngoài ngân sách chiếm 62% tổng vốn đầu tư.
Bênh cạnh đó, Quảng Ninh đã hoàn thành và triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội và Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn.

Ngoài ra, Khu kinh tế ven biển Quảng Yên được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập, bổ sung quy hoạch với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, vị trí thuận lợi đang trở thành hạt nhân mới thúc đẩy tăng trưởng của tuyến phía Tây của tỉnh; được nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm nghiên cứu, đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ, cảng biển, logistics, phát triển đô thị theo hướng hiện đại, công nghiệp công nghệ cao…
Cùng với sự đóng góp của các ngành kinh tế, trong những năm qua, thu ngân sách nội địa của Quảng Ninh luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước có đóng góp về Trung ương. Hơn nữa là kỷ cương, kỷ luật tài chính-ngân sách được tăng cường; bảo đảm cân đối vững chắc thu, chi ngân sách địa phương.
Điểm nhấn quan trọng của việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội đã đem lại những thay đổi căn bản. Theo đó, năng suất lao động xã hội bình quân tăng 12,1%/năm, năm 2020 đạt 292,9 triệu đồng/người, tăng gấp 1,77 lần so với năm 2015. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm ước đạt 341.644 tỷ đồng, tăng 1,56 lần so với giai đoạn 2011-2015, bình quân tăng 10,3%/năm (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra 10%). GRDP bình quân đầu người ước đạt trên 6.700 USD/người/năm, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Quảng Ninh là tỉnh năng động, dám nghĩ dám làm, áp dụng nhiều hình thức đầu tư, thúc đẩy nhiều thành phần kinh tế
Với nhiều kết quả nổi bật, trong chuyến thăm và làm việc tại Quảng Ninh ngày 24/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Quảng Ninh là tỉnh năng động, dám nghĩ dám làm, áp dụng nhiều hình thức đầu tư, thúc đẩy nhiều thành phần kinh tế, nhất là các tập đoàn kinh tế tư nhân, FDI tham gia đầu tư. Cho nên, Quảng Ninh đã trở thành cực tăng trưởng mạnh, toàn diện ở vùng Đông Bắc, khẳng định vị trí quan trọng trong các lĩnh vực của cả nước.
Thủ tướng nêu rõ sự chuyển đổi của Quảng Ninh từ “nâu” sang “xanh” cũng chính là hướng phát triển của Việt Nam nói chung hiện nay; phát triển kinh tế còn phải gắn với việc bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.
Thủ tướng cũng mong Quảng Ninh phải có chiến lược phát triển, nhất là kinh tế du lịch mũi nhọn. Vị thế mới, vận hội mới, thời cơ mới với sự ứng phó mới, đòi hỏi tỉnh phải có hướng đi quyết liệt, bài bản trong thời gian còn lại của năm 2020 và cho cả nhiệm kỳ tới.
Đây cũng là định hướng quan trọng để Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đề ra mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tiếp theo./.
