Dòng tin chính thống

bia2-1599699875-56.jpg

Ngày 15/9/1945, bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng danh sách Chính phủ Cách mạng lâm thời được Việt Nam Thông tấn xã phát ra thế giới cũng chính là thời khắc thiêng liêng đánh dấu sự ra đời của Việt Nam Thông tấn xã (TTXVN ngày nay). Trong suốt hành trình 75 năm qua, những người làm báo TTXVN đã hòa mình cùng nhịp đập của đất nước. Lớp lớp nhà báo đã ra xung phong ra chiến trường, dùng mồ hôi, máu và mực để ghi lại chân thật và sống động cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm. Thời bình, họ vững vàng tay bút cổ vũ cho sự nghiệp phát triển kinh tế, đưa nhiều vụ việc trong bóng tối ra ánh sáng để góp phần xây dựng đất nước, để dòng tin chính thống không bao giờ ngừng chảy…

Theo ông Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc TTXVN, trải qua 75 năm kể từ ngày ra mắt bản tin đầu tiên do đồng chí Trần Kim Xuyến thực hiện và được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp duyệt, đến nay, TTXVN đã trở thành cơ quan thông tấn đa phương tiện chủ lực của quốc gia, sản xuất cả nghìn đầu tin mỗi ngày bằng nhiều loại hình truyền thống cũng như hiện đại, phát hành trên đa nền tảng và với độ bao phủ thông tin rộng khắp các châu lục.

Nhiều lớp phóng viên, kỹ thuật viên của TTXVN đã lên đường ra trận và hơn 260 người trong số đó đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường.

Từ một nhóm nhỏ cán bộ tuyên truyền và trí thức yêu nước thuộc Nha Thông tin nằm trong Bộ Tuyên truyền của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, TTXVN nay có hơn 2.200 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, chuyên viên, kỹ thuật viên, có mặt tại 63 tỉnh/thành cả nước và 28 quốc gia thuộc cả 5 châu lục. TTXVN hiện là đối tác của hơn 40 cơ quan thông tấn, báo chí trên thế giới.

Theo “Tư lệnh” của TTXVN, trong giai đoạn đất nước còn chiến tranh, các phóng viên, kỹ thuật viên TTXVN có mặt ở những nơi nóng bỏng nhất của cuộc chiến, không chỉ ghi lại các trận đánh như những nhân chứng lịch sử, họ còn trực tiếp tham gia chiến đấu. Nhiều lớp phóng viên, kỹ thuật viên của TTXVN đã lên đường ra trận và hơn 260 người trong số đó đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường.

Để có được dòng tin, bức ảnh, bài viết… mang giá trị tiếp sức, chia lửa với chiến trường, nhiều nhà báo đã để lại một phần cơ thể mình, có những người mang trong mình bệnh tật trọn đời do chiến tranh.

Có thể nói, trong suốt các cuộc chiến tranh gian khổ và ác liệt, không nơi nào vắng mặt phóng viên, kỹ thuật viên TTXVN. Họ thực sự là những “chiến binh báo chí” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Không chỉ đưa thông tin từ các vùng bom đạn, các nhà báo-chiến sĩ của TTXVN còn mang lại niềm tin vào chiến thắng.

Đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, TTXVN cũng chuyển sang giai đoạn mới, phát triển vượt bậc cả về cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý và điều hành, sản xuất thông tin và đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, không ngừng ra mắt các ấn phẩm mới phục vụ đắc lực công tác thông tin đối nội và đối ngoại.

Theo kịp xu thế thời đại, vào đầu thập kỷ 80, TTXVN liên tiếp cho ra mắt các tờ báo tiếng Việt: Thể thao & Văn hóa (năm 1982), Tin tức (năm 1983), Khoa học & Công nghệ (năm 1983)… Đất nước đổi mới, đầu thập kỷ 90, TTXVN đi đầu xuất bản một loạt tờ báo tiếng nước ngoài: Việt Nam News (năm 1991), Vietnam Law and Legal Forum (năm 1994), Le Courrier du Vietnam (1994)… Rồi, khai trương mạng VNANET vào năm 1998, trở thành một trong những cơ quan báo chí đầu tiên ở Việt Nam hoạt động trên mạng Internet.

Bước vào xa lộ thông tin, sự tích hợp của thông tin đa phương tiện, TTXVN ngoài việc khẳng định vị thế thông tin nguồn, còn tiếp tục cho ra mắt nhiều loại hình báo chí mới chuyển tải kịp thời thông tin đến công chúng: Kênh Truyền hình Thông tấn – kênh thông tin chuyên biệt thời sự chính luận đầu tiên của cả nước; báo điện tử VietnamPlus với 6 thứ tiếng… Ngày 24/3/2015, TTXVN tiếp tục ra mắt 5 sản phẩm thông tin mới là: Tin đồ họa; Tin âm thanh; Trang tích hợp Tin – Ảnh; Bán nguyệt san “Kinh tế Việt Nam và Thế giới”; Báo ảnh song ngữ Dân tộc & Miền núi tiếng Tày, Xê-đăng, Cơ-tu…

Từ một cơ quan thông tấn với số lượng cán bộ ít ỏi thuở ban đầu, TTXVN nay đã trở thành một cơ quan thông tấn đa phương tiện chủ lực của quốc gia với tổng cộng 28 đơn vị, trong đó có 16 đơn vị thông tin, gồm 7 ban biên tập, trung tâm tin nguồn (Trong nước, Thế giới, Đối ngoại, Kinh tế, Ảnh, Tư liệu và đồ họa, Truyền hình), 9 tòa soạn (gồm cả báo in, báo điện tử và tạp chí) và Nhà xuất bản (VietnamPlus, Tin tức, Thể thao & Văn hóa, Việt Nam News, Le Courrier du Vietnam, Báo ảnh Việt Nam, Thời báo Việt-Hàn, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi, Nhà Xuất bản Thông tấn). TTXVN sản xuất gần 60 sản phẩm thông tin thuộc đủ các loại hình: tin văn bản, ảnh, truyền hình, tin đồ họa, tin âm thanh, cùng nhiều sản phẩm thông tin hiện đại như Megastory, long-form, RapNews.., phát hành trên các bản tin, báo in, báo điện tử, truyền hình, truyền thông đa phương tiện và mạng xã hội. TTXVN cũng là cơ quan báo chí có hệ thống cơ quan thường trú ở trong và ngoài nước lớn nhất Việt Nam – với 30 cơ quan thường trú tại 28 quốc gia và mạng lưới cơ quan thường trú tại 63 tỉnh, thành trong cả nước.

“Bằng sức mạnh thông tin, TTXVN đã và đang tiếp tục đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Đặc biệt, bằng sự lan tỏa thông tin về Việt Nam thông qua sự hợp tác với hơn 40 hãng thông tấn, báo chí trên thế giới, TTXVN đang đóng góp hiệu quả vào sự phát triển quan hệ giữa Việt Nam với các nước, vào tiến trình hội nhập của Việt Nam với toàn cầu,” ông Lợi nhấn mạnh.

Ở thời điểm hiện tại, khi đại dịch COVID-19 đang đe dọa sự bình yên của toàn cầu, nhân loại đang trong một cuộc chiến đầy cam go với “giặc vô hình” mà Thủ tướng đã từng kêu gọi “chống dịch như chống giặc.” Và, trong bối cảnh ấy, công chúng lại thấy một lần nữa lớp lớp người làm báo của TTXVN trong và ngoài nước đã tận hiến với nghề. Vào lúc này, các nhà báo TTXVN lại tái hiện tinh thần quyết liệt, xả thân để có những dòng tin chủ lưu “nhanh-đúng-trúng-hay” như những bậc nhà báo lão thành trong thời kỳ kháng chiến hay ngọn lửa tuổi trẻ Đinh Hữu Dư vào tháng 10/2017 đã hy sinh khi tác nghiệp để có những thông tin sống động về đợt lũ kinh hoàng tại Nghĩa Lộ, Yên Bái.

Thực tế cho thấy, vào chiến dịch COVID-19, nhiều nhà báo thông tấn đã làm việc không kể ngày đêm, chịu những áp lực về thời gian và sự nguy hiểm cả cho bản thân lẫn gia đình, đặc biệt ở các tâm dịch như Đà Nẵng, Quảng Nam hồi tháng 7 vừa qua, trước đó là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 3, và tại nhiều điểm nóng về dịch bệnh trên thế giới. Sát cánh bên họ là các đồng nghiệp trong công tác hỗ trợ hậu cần, trang phục bảo hộ, phương tiện tác nghiệp.

“Công chúng lại thấy một lần nữa lớp lớp người làm báo của TTXVN trong và ngoài nước đã tận hiến với nghề…”

“Sự chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau, sự quan tâm lo lắng cho nhau khi có đồng nghiệp xung phong đến những địa điểm, địa bàn khó khăn để tác nghiệp trong những tháng ngày qua, khiến chúng ta nhớ lại hình ảnh những năm 60-70 của thế kỷ trước, các nhà báo Việt Nam Thông tấn xã sẵn sàng nhận lệnh bổ sung cho chiến trường miền Nam, sát cánh với các đồng nghiệp Thông tấn xã Giải phóng trên từng hướng tiến quân,” ông Lợi nhận định.

Người đứng đầu TTXVN cũng cho hay chiến dịch thông tin về dịch bệnh COVID-19 chỉ là một trong nhiều ví dụ về nỗ lực của các nhà báo TTXVN trong sứ mệnh đóng góp vào công cuộc duy trì ổn định xã hội, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Thực tế đã cho thấy, trong thời chiến cũng như thời bình, các nhà báo TTXVN đều khẳng định vai trò xung kích tại các điểm nóng thông tin ở trong nước cũng như trên thế giới, để TTXVN luôn được đảm bảo là kênh thông tin chính thống, chuẩn xác, tin cậy của hệ thống báo chí trong và ngoài nước, với những sản phẩm thông tin hiện đại và hấp dẫn công chúng nhờ sự đa dạng về hình thức thể hiện và kênh phát hành…

Thông tin thông tấn có được các đặc tính nổi bật đó là nhờ sự tận tụy với nghề, sự năng động, nhạy bén và sáng tạo của đội ngũ người làm báo của ngành. Có không ít phóng viên đã trải qua những thử thách khắc nghiệt của nghề báo, tác nghiệp tại những địa bàn khó khăn như vùng núi, hải đảo và trong những thời điểm “nước sôi lửa bỏng.”

Có những phóng viên của chúng ta phải xông vào các điểm nóng về thiên tai, sự cố; phải bám sát hằng ngày, hằng giờ diễn biến của các phiên tòa “điểm,” thức trọn đêm ở Đồng Đăng để giữ được vị trí ghi hình tốt trong sự kiện Thượng đỉnh Mỹ-Triều, trắng đêm chờ thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo về những trường hợp gian lận thi cử trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018.

Chúng ta cũng có thể kể ra đây những chiến dịch thông tin quên mình của phóng viên Báo điện tử VietnamPlus trong vụ cháy Rạng Đông, ô nhiễm nguồn nước Sông Đà, dầm mình trong mưa rừng để đi tìm “Tội ác dưới tán rừng xanh”…

“Điều đó có được là nhờ sự tận tụy với nghề, sự năng động và ham học hỏi của đội ngũ người làm báo TTXVN, những con người luôn giữ vững bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề báo,” ông Lợi nói.

Nhìn nhận báo chí đang đang trải qua những thay đổi to lớn, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Lợi khẳng định TTXVN không nằm ngoài xu thế. Với sự phát triển bùng nổ chóng mặt của khoa học và công nghệ, những thay đổi nhanh chóng về nhu cầu tiếp nhận thông tin của công chúng xuất đang là thách thức lớn đối với các hãng thông tấn và cơ quan báo chí.

“Nhưng ở góc độ nghề nghiệp, TTXVN nhìn nhận đây chính là cơ hội để thay đổi, cải tiến phương thức làm báo thời hiện đại, tránh theo lối mòn và hướng đến mục tiêu đạt hiệu quả tuyên truyền cao nhất,” ông Lợi nhìn nhận.

Nhận rõ vấn đề từ sớm, thời gian qua, không chỉ tạo ra các sản phẩm báo chí hội tụ thế mạnh của nhiều đơn vị, bổ sung cho hàng nghìn sản phẩm thông tin truyền thống được sản xuất mỗi ngày, năm 2018, TTXVN đã vận hành chính thức cổng thông tin mới, tập hợp tất cả các loại hình sản phẩm thông tin của ngành. Các sự kiện lớn của đất nước, các vấn đề thời sự quan trọng trên thế giới đều được TTXVN xây dựng kế hoạch thông tin một cách bài bản, huy động sức mạnh của tất cả các đơn vị thông tin trong ngành. Tháng 9/2018, đúng dịp kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống, TTXVN khai trương màn hình thông tin điện tử lớn tại Trụ sở Trung tâm Thông tấn quốc gia.

“Có những phóng viên của chúng ta phải xông vào các điểm nóng về thiên tai, sự cố; phải bám sát hằng ngày…”

Thực tế TTXVN đã có sự chuẩn bị tốt để đón đầu xu thế của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Với đầy đủ nền tảng kỹ thuật và con người, TTXVN đã từng bước phát triển theo mô hình đa phương tiện, trên cơ sở đa nền tảng nhằm phát huy thế mạnh của các loại hình báo chí, qua đó đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao và đa dạng của công chúng.

Bằng chứng là nhiều đơn vị của TTXVN đã đoạt những giải thưởng báo chí cao quý không chỉ trong nước mà còn quốc tế như Ứng dụng Chatbot đoạt “Giải thưởng xuất sắc chất lượng thông tấn” của OANA tại phiên bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Tổ chức các Hãng thông tấn khu vực châu Á-Thái Bình Dương (OANA) lần thứ 44; năm 2015, VietnamPlus đã được WAN-IFRA chọn là một trong năm tòa soạn nhỏ nhưng sáng tạo nhất thế giới…

“Chúng ta có thể tự hào rằng, TTXVN đang nằm trong dòng chảy thông tin thế giới, bắt kịp sự phát triển của truyền thông thế giới về sản xuất các loại hình thông tin hiện đại đồng thời không ngừng mở rộng kênh phát hành,” ông Lợi cho biết.

“Giải thưởng xuất sắc chất lượng thông tấn” của OANA tại phiên bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Tổ chức các Hãng thông tấn khu vực châu Á-Thái Bình Dương (OANA) lần thứ 44

Ghi nhận những đóng góp to lớn của TTXVN trong 75 năm qua, Đảng và Nhà nước đã trao tặng TTXVN 3 danh hiệu Anh hùng: 1 danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và 2 danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (cho TTXVN và TTXGP), cùng nhiều phần thưởng cao quý khác, như Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất…

Tuy nhiên, với tâm niệm chỉ có điểm khởi đầu và không có điểm dừng lại, thông tin đem đến sức mạnh cho TTXVN, nhưng nó chỉ mạnh khi tiếp cận được nhanh và tới đông đảo công chúng, được công chúng tiếp nhận và sử dụng lâu dài. Bởi thế, tập thể những người làm báo TTXVN vẫn đang nỗ lực sáng tạo không ngơi nghỉ để đưa thông tin tiếp cận độc giả khắp năm châu. Những danh hiệu và phần thưởng cao quý là lời nhắc nhở đối với mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, người lao động TTXVN hôm nay phải nỗ lực hơn nữa để viết tiếp những trang sử vẻ vang của ngành.

Nhấn mạnh yếu tố con người, Tổng giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi khẳng định việc phát triển nhân lực TTXVN cần phải được đảm bảo đủ số lượng và coi trọng nâng cao chất lượng. Những người làm báo TTXVN cần tiếp tục chủ động học hỏi, nâng cao năng lực làm báo hiện đại và trình độ ngoại ngữ, không ngừng trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp…

Ngoài ra, TTXVN sẽ tiếp tục tranh thủ hoạt động đối ngoại để học hỏi các đồng nghiệp quốc tế, vận dụng sáng tạo và phù hợp với điều kiện của ngành để gửi tới độc giả khắp thế giới những sản phẩm thông tin chất lượng cao theo tiêu chí làm báo hiện đại, góp phần tuyên truyền hiệu quả về thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, hoạt động đối ngoại, cũng như vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam.

“Bắt đầu ngày làm việc mới, mỗi chúng ta hãy tự giao nhiệm vụ cho mình – hôm nay mình sẽ làm gì cho ngành và cuối ngày nhìn lại để thấy kết quả chúng ta đã làm,” ông Lợi nhắn nhủ.

“Bắt đầu ngày làm việc mới, mỗi chúng ta hãy tự giao nhiệm vụ cho mình – hôm nay mình sẽ làm gì cho ngành và cuối ngày nhìn lại để thấy kết quả chúng ta đã làm.”

TTXVN tự hào khẳng định rằng lịch sử xây dựng và phát triển của ngành gắn liền với dòng chảy lịch sử của đất nước.

Cụ thể, ngày 23/8/1945 là ngày ra bản tin đầu tiên. Ngày 24/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên Việt Nam Thông tấn xã. Ngày 15/9/1945, Việt Nam Thông tấn xã phát ra thế giới bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng tiếng Việt, Anh và Pháp. Ngày 12/10/1960, Thông tấn xã Giải phóng ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu của giai đoạn kháng chiến mới của dân tộc. Và một năm sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối, ngày 12/5/1976, Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng hợp nhất thành TTXVN.

Đó là những dấu mốc lớn trong trang sử vẻ vang của ngành, được xây dựng bằng công sức và trí tuệ, bằng cả xương máu và sự hy sinh của nhiều thế hệ người làm báo TTXVN.