ASEAN vững vàng hướng tới tương lai

0708anh1-1596768274-67.jpg

Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 8/8/1967 với 5 thành viên ban đầu và đã phát triển dần thành một tổ chức hợp tác toàn diện, chặt chẽ, bao gồm cả 10 nước Đông Nam Á.

Lịch sử 53 năm tồn tại, phát triển của ASEAN đã chứng minh, một ASEAN đoàn kết, thống nhất, liên kết chặt chẽ, biết gắn lợi ích quốc gia, lợi ích khu vực sẽ duy trì được vai trò trung tâm.

Kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN, TTXVN xin giới thiệu chùm bài “ASEAN vững vàng hướng tới tương lai” với 3 bài viết về một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, phồn vinh, lấy người dân làm trung tâm, góp phần bảo đảm những lợi ích lâu dài của các quốc gia thành viên, người dân trong khu vực cũng như vai trò của Việt Nam – một thành viên tích cực, năng động của ngôi nhà chung ASEAN./.

ASEAN – Hình mẫu thành công về hợp tác khu vực

Nguyễn Hồng Điệp

Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 8/8/1967 với 5 thành viên ban đầu và đã phát triển dần thành một tổ chức hợp tác toàn diện, chặt chẽ, bao gồm cả 10 nước Đông Nam Á.

Lịch sử 53 năm tồn tại, phát triển của ASEAN đã chứng minh, một ASEAN đoàn kết, thống nhất, liên kết chặt chẽ, biết gắn lợi ích quốc gia, lợi ích khu vực sẽ duy trì được vai trò trung tâm.

Cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế

Ý tưởng về Cộng đồng được đề cập từ rất sớm, ngay khi Lãnh đạo các nước ASEAN thông qua Tầm nhìn ASEAN 2020 (năm 1997).

Năm 2003, Lãnh đạo các nước ASEAN chính thức quyết định xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2020. Đến năm 2007, Lãnh đạo các nước ASEAN đã nhất trí sẽ đạt mục tiêu này vào năm 2015 (thay vì đến năm 2020 như thỏa thuận trước đó).

Lịch sử 53 năm tồn tại, phát triển của ASEAN đã chứng minh, một ASEAN đoàn kết, thống nhất, liên kết chặt chẽ, biết gắn lợi ích quốc gia, lợi ích khu vực sẽ duy trì được vai trò trung tâm.

Để xây dựng Cộng đồng ASEAN, tháng 1/2009, Lãnh đạo các nước ASEAN đã thông qua Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015) cùng các kế hoạch triển khai trên 3 trụ cột về chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, với hơn 800 biện pháp/hoạt động cụ thể.

Tiếp đó là Kế hoạch về Kết nối ASEAN và Sáng kiến Liên kết ASEAN về thu hẹp khoảng cách phát triển. Các nhà Lãnh đạo đã ký Hiến chương ASEAN vào tháng 11/2007 và có hiệu lực tháng 12/2008, để tạo cơ sở pháp lý, khuôn khổ thể chế cho xây dựng Cộng đồng.

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (thứ hai, từ phải sang), Tổng Thư ký ASEAN và các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại cuộc họp kết nạp Việt Nam trở thành thành viên chính thức thứ bảy của ASEAN, ngày 28/7/1995, tại Thủ đô Bandar Seri Begawan (Brunei). (Ảnh: Trần Sơn/TTXVN)
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (thứ hai, từ phải sang), Tổng Thư ký ASEAN và các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại cuộc họp kết nạp Việt Nam trở thành thành viên chính thức thứ bảy của ASEAN, ngày 28/7/1995, tại Thủ đô Bandar Seri Begawan (Brunei). (Ảnh: Trần Sơn/TTXVN)

Mục tiêu tổng quát của Cộng đồng ASEAN là xây dựng ASEAN đến năm 2015 trở thành một Cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm về xã hội, hợp tác rộng mở với bên ngoài; hoạt động theo luật lệ, hướng tới người dân.

Cộng đồng Chính trị-An ninh có mục tiêu tạo dựng môi trường hòa bình, an ninh ở khu vực thông qua việc nâng hợp tác chính trị-an ninh ASEAN lên tầm cao mới, với 3 đặc trưng chính gồm: hoạt động theo luật lệ với các giá trị, chuẩn mực chung; gắn kết, hòa bình, tự cường, có trách nhiệm chung bảo đảm an ninh toàn diện; một khu vực năng động, quan hệ rộng mở với bên ngoài.

Cộng đồng Kinh tế nhằm tạo ra một thị trường duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn, lao động có tay nghề; có sức cạnh tranh cao; phát triển đồng đều; hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu.

Cộng đồng Văn hóa-Xã hội có mục tiêu phục vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy bình đẳng, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, tăng cường ý thức cộng đồng, bản sắc chung.

Cùng với đó, ASEAN còn hướng tới mục tiêu làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, giữ vai trò trung tâm ở khu vực thông qua nhiều khuôn khổ hợp tác được lồng ghép vào hoạt động của từng trụ cột Cộng đồng ASEAN.

Ngày 9/4/2010, Hội nghị ASEAN 16 - Hội nghị Cấp cao ASEAN đầu tiên trong năm 2010 - đã kết thúc tốt đẹp với việc thông qua nhiều văn kiện quan trọng với chủ đề ‘Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động.’ (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
Ngày 9/4/2010, Hội nghị ASEAN 16 – Hội nghị Cấp cao ASEAN đầu tiên trong năm 2010 – đã kết thúc tốt đẹp với việc thông qua nhiều văn kiện quan trọng với chủ đề ‘Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động.’ (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Không chỉ gắn kết, liên kết về nội khối, ASEAN còn tích cực mở rộng quan hệ với các đối tác bên ngoài, trở thành một đối tác quan trọng của các nước lớn trong và ngoài khu vực.

ASEAN đã trở thành đối tác quan trọng của nhiều nước, tổ chức khu vực, quốc tế. Các đối tác đều coi trọng quan hệ, đẩy mạnh hợp tác toàn diện với ASEAN cả về đa phương và song phương, hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, ủng hộ vai trò chủ đạo của Hiệp hội ở khu vực.

Đến nay, 93 nước ngoài khu vực đã cử Đại sứ tại ASEAN. ASEAN đã lập 54 Ủy ban ASEAN tại nước thứ 3 và tổ chức quốc tế để thúc đẩy hợp tác các vấn đề ASEAN quan tâm và quảng bá hình ảnh ASEAN ra với cộng đồng quốc tế.

ASEAN đóng vai trò là động lực chính trong việc thúc đẩy hợp tác, liên kết khu vực ở Đông Á, nhất là về kinh tế-thương mại, thông qua cơ chế, khuôn khổ khác nhau ở khu vực.

Cùng với tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp hội đã chủ động đi đầu trong việc hình thành một mạng lưới các Khu vực mậu dịch tự do (FTA) với từng đối tác quan trọng như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand; thúc đẩy nhiều chương trình hợp tác kinh tế-thương mại đa dạng với các đối tác lớn như Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu, Nga và đang đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục ẩn chứa nhiều bất định, cạnh tranh giữa nước lớn gia tăng, ASEAN với vị trí địa chiến lược ở trung tâm của khu vực rộng lớn kết nối hai vùng biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đang đứng trước vận hội và thách thức mới.

Không chỉ gắn kết, liên kết về nội khối, ASEAN còn tích cực mở rộng quan hệ với các đối tác bên ngoài, trở thành một đối tác quan trọng của các nước lớn trong và ngoài khu vực.

Với dân số gần 650 triệu người và diện tích hơn 1,7 triệu km2, ASEAN là thị trường tiền năng với một nền kinh tế năng động, là điểm sáng kinh tế toàn cầu.

Các nước ASEAN cũng không ngừng vận động vươn lên, đón đầu những lợi ích của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bằng việc tham gia mạnh mẽ vào các lĩnh vực công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, robot tiên tiến.

Tuy nhiên, sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ, cọ xát thương mại giữa các nước lớn cũng đặt ra nhiều thách thức, ảnh hưởng tiêu cực tới tốc độ phát triển kinh tế và thương mại quốc tế.

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng phụ trách thương mại châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 23 (MRT 23) và các sự kiện liên quan, trong năm APEC 2017, sáng 22/5/2017, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị Bộ trưởng giữa kỳ lần thứ 3 Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng phụ trách thương mại châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 23 (MRT 23) và các sự kiện liên quan, trong năm APEC 2017, sáng 22/5/2017, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị Bộ trưởng giữa kỳ lần thứ 3 Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Bên cạnh đó, khác biệt trong phát triển kinh tế giữa các quốc gia thành viên và các yêu cầu hội nhập cao hơn, sâu hơn trong giai đoạn mới đòi hỏi các chính phủ phải có các quyết sách kinh tế phù hợp. Như vậy, ASEAN đang đứng trước yêu cầu tận dụng tối đa cơ hội, xử lý tốt các thách thức, tránh nguy cơ tụt hậu để tiếp tục vươn lên bền vững.

Đại sứ Kamsiah, Trưởng Phái đoàn thường trực Malaysia tại ASEAN cho rằng, một trong những bản sắc lớn nhất của ASEAN là sự đồng thuận. Theo đó, dù lớn, dù mạnh hay giàu có, nhưng khi đưa ra quyết định cho toàn khối đều cần phải có sự nhất trí của tất cả các quốc gia thành viên.

Đây cũng là điều thực sự khác biệt giữa ASEAN với các tổ chức khu vực khác. Ngoài ra, dù nằm cùng khu vực, các nước thành viên ASEAN đều là những nước láng giềng, đối tác thân thiết, thực sự tôn trọng chủ quyền của nhau. Điều này là một “bản sắc mạnh mẽ” của ASEAN.

ASEAN – hình mẫu thành công về hợp tác khu vực

Cộng đồng ASEAN hình thành ngày 31/12/2015 đã đưa ASEAN trở thành một Cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và sẻ chia trách nhiệm xã hội.

ASEAN ngày nay được coi là hình mẫu thành công về hợp tác khu vực. Các diễn đàn do ASEAN khởi xướng đã quy tụ được nhiều quốc gia, được tất cả các nước lớn coi trọng.

Việc Cộng đồng ASEAN hình thành vào cuối năm 2015 là sự tích tụ kết quả hợp tác ASEAN trong 5 thập kỷ qua, phản ánh mức độ liên kết ASEAN đạt được đến nay, đưa ASEAN trở thành một tổ chức có mức độ liên kết cao hơn trước đây, khá chặt chẽ, có vai trò quan trọng ở khu vực.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 8 được tổ chức ngày 4-5/11/2002 tại Phnom Penh (Campuchia), Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ASEAN và Trung Quốc ký kết - văn kiện chính trị đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt được có liên quan đến vấn đề Biển Đông và được coi là bước đột phá trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. (Ảnh: Thế Thuần/TTXVN)
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 8 được tổ chức ngày 4-5/11/2002 tại Phnom Penh (Campuchia), Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ASEAN và Trung Quốc ký kết – văn kiện chính trị đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt được có liên quan đến vấn đề Biển Đông và được coi là bước đột phá trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. (Ảnh: Thế Thuần/TTXVN)

Có thể nói, sự hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 là dấu mốc lịch sử của tiến trình liên kết ASEAN, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Hiệp hội và khu vực cũng như từng nước thành viên. ASEAN đã và sẽ tiếp tục là nhân tố quan trọng đối với hòa bình, ổn định, hợp tác vì phát triển ở khu vực; mang lại những lợi ích quan trọng, thiết thực cho từng nước thành viên, nhất là tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế.

Trong hơn 50 năm qua, thành tựu hợp tác ASEAN được thể hiện trên các mặt. Về thể chế, là một tổ chức hợp tác khu vực gồm cả 10 nước Đông Nam Á, hoạt động trên cơ sở pháp lý và các nguyên tắc cơ bản đã được ghi nhận trong Hiến chương ASEAN, có tổ chức bộ máy hoàn chỉnh từ cấp cao xuống cấp Bộ trưởng, quan chức cao cấp và cấp làm việc, trong đó có Ủy ban các Đại diện thường trực tại ASEAN ở Jakarta, Indonesia.

Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN có mức độ hợp tác chặt chẽ hơn với nhiều tiến triển quan trọng về xây dựng lòng tin, chia sẻ các chuẩn mực, quy tắc ứng xử, ngăn ngừa, quản lý xung đột, nâng cao năng lực xử lý những thách thức an ninh.

Tuy nhiên, Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN không phải là một khối phòng thủ chung; chưa đến mức có chính sách quốc phòng-an ninh chung.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN có mức độ hợp tác khá chặt chẽ trong các lĩnh vực kinh tế ngành; đã kết nối với các nền kinh tế lớn trên thế giới. Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN là một khuôn khổ hợp tác chặt chẽ, với các quy định, tiêu chuẩn chung để tạo sự hài hòa, nâng cao năng lực, giúp thúc đẩy mạnh an sinh xã hội, bình đẳng, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường…

Từ một khu vực với những chia rẽ, khác biệt, ngày nay, ASEAN là cộng đồng của những quốc gia độc lập, đoàn kết đang phát triển ngày càng lớn mạnh.

Với dân số gần 650 triệu người, đứng thứ 3 thế giới, ASEAN là nền kinh tế phát triển năng động với quy mô GDP năm 2018 đạt 2.950 tỷ USD, đứng thứ 5 toàn cầu, đã ký kết 6 Hiệp định thương mại tự do với 7 đối tác hàng đầu thế giới, định vị vững chắc vị trí là vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực, được sự tôn trọng và hợp tác của các cường quốc, các đối tác trên thế giới./.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh chụp ảnh chung với các Trưởng đoàn tại lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ASEAN+) lần thứ nhất, sáng 12/10/2010, tại Hà Nội. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh chụp ảnh chung với các Trưởng đoàn tại lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ASEAN+) lần thứ nhất, sáng 12/10/2010, tại Hà Nội. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Xây dựng Cộng đồng ASEAN vượt qua thách thức, phát triển bền vững

Nguyễn Hồng Điệp

Thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về năm Chủ tịch ASEAN 2020 cho thấy, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, biến động khó lường của khu vực và toàn cầu, ASEAN đang nỗ lực tận dụng thời cơ, ứng phó hiệu quả với các thách thức, trong đó gắn kết, chủ động thích ứng là phương thức quan trọng.

Từ thực tiễn hơn 50 năm qua, Một ASEAN đoàn kết, gắn kết chặt chẽ, chung tay xây dựng cộng đồng sẽ giúp ASEAN vượt qua thách thức, phát triển bền vững.

Thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về năm Chủ tịch ASEAN 2020 cho thấy, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, biến động khó lường của khu vực và toàn cầu, ASEAN đang nỗ lực tận dụng thời cơ, ứng phó hiệu quả với các thách thức, trong đó gắn kết, chủ động thích ứng là phương thức quan trọng.

Đó cũng chính là cơ sở để ASEAN phát huy vai trò trung tâm trong khu vực và ASEAN cũng là một thị trường đủ lớn cho phát triển những ý tưởng mới, kinh doanh sáng tạo, là điểm đến đầu tư hấp dẫn của toàn cầu.

Mục tiêu liên kết sâu rộng hơn

Liên kết ASEAN là một tiến trình liên tục, phát triển từ thấp đến cao, trong đó sự hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 là một dấu mốc, tạo nền tảng, động lực cho giai đoạn phát triển mới cao hơn.

Do vậy, trong năm 2014-2015, ASEAN đã tích cực xác định một khuôn khổ chiến lược mới đến năm 2025 để kế tục Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015, trong đó đề ra định hướng, mục tiêu, biện pháp tiếp tục củng cố, làm sâu sắc hơn Cộng đồng ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN ký Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về việc thành lập Cộng đồng ASEAN 2015, tầm nhìn 2025 (ngày 22/11/2015). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN ký Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về việc thành lập Cộng đồng ASEAN 2015, tầm nhìn 2025 (ngày 22/11/2015). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Tháng 11/2015, các Lãnh đạo ASEAN đã ký “Tuyên bố Kuala Lumpur về ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước,” trong đó kèm theo văn kiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và ba Kế hoạch tổng thể để triển khai trên từng trụ cột Cộng đồng; nhất trí bộ văn kiện này sẽ bao gồm cả Kế hoạch kết nối ASEAN 2025 và Kế hoạch công tác giai đoạn 3 về thu hẹp khoảng cách phát triển (thông qua trong năm 2016).

Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 đề ra định hướng tiếp tục củng cố, làm sâu sắc hơn Cộng đồng ASEAN, với mục tiêu bao trùm là đưa ASEAN trở thành một tổ chức hợp tác khu vực mở có mức độ liên kết sâu rộng hơn và có vai trò quan trọng hơn ở khu vực. Một Cộng đồng vận hành theo luật lệ, có sự tham gia rộng rãi của người dân, mang lại những lợi ích thiết thực hơn cho người dân.

Tại cuộc họp trực tuyến liên ngành của các Quan chức cao cấp ASEAN thảo luận về định hướng xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam cho biết: “ASEAN đang bước vào thời kỳ hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, trong 5 năm hình thành, phát triển cộng đồng ASEAN, chúng ta đã và đang đối diện với nhiều thách thức, cơ hội trong bối cảnh tình hình khu vực và toàn cầu thay đổi nhanh chóng, phức tạp. ASEAN đã cho thấy sự năng động, cầu tiến, tầm nhìn xa trong xác định đường hướng phát triển cho Hiệp hội trong hơn 5 thập kỷ qua.”

 Hội nghị Hội đồng Cộng đồng kinh tế ASEAN lần thứ 18 diễn ra tại Thái Lan, ngày 31/10/2019. (Ảnh: Ngọc Quang/TTXVN)
 Hội nghị Hội đồng Cộng đồng kinh tế ASEAN lần thứ 18 diễn ra tại Thái Lan, ngày 31/10/2019. (Ảnh: Ngọc Quang/TTXVN)

Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể để triển khai trên từng trụ cột Cộng đồng là sản phẩm của sự đồng thuận, phản ánh tầm nhìn, lợi ích chung của các nước thành viên về ASEAN trong năm 2025.

Những điểm đáng chú ý là đề ra mục tiêu liên kết sâu rộng hơn, đồng thời coi trọng hơn cơ sở pháp lý và người dân cũng như đoàn kết, thống nhất, vai trò trung tâm của ASEAN.

Mối quan hệ gắn kết, bổ trợ giữa 3 trụ cột Cộng đồng được thể hiện đậm nét qua các mục tiêu xuyên suốt (liên kết và gắn kết, dựa trên luật lệ, nâng cao năng lực, hướng tới người dân, phục vụ lợi ích thiết thực của người dân, năng động, sáng tạo, phát triển bền vững, quan hệ rộng mở với bên ngoài trong lúc bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN).

Tại Cuộc họp trực tuyến liên ngành của các Quan chức cao cấp ASEAN thảo luận về định hướng xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, các nước tham gia cuộc họp đề nghị Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 cần mang tính bao trùm, gắn kết chặt chẽ các nội dung hợp tác trên cả 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN.

Các khía cạnh hợp tác về chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, phát triển bao trùm, khả năng nhanh nhạy, ứng phó hữu hiệu với các thách thức đang nổi lên, cách tiếp cận hướng về người dân, lấy người dân làm trung tâm, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, đưa Cộng đồng ASEAN đến gần hơn với người dân, nâng cao vai trò trung tâm, vị thế quốc tế của ASEAN… được các nước ASEAN nhấn mạnh trong xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025.

Chia sẻ quan điểm của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 cần xác định rõ tính chất, bản chất của ASEAN là cơ sở quyết định các mục tiêu, nguyên tắc, thể thức hoạt động của ASEAN trong tương lai.

Triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 đạt kết quả tích cực

Xây dựng Cộng đồng ASEAN trong 4 năm qua về cơ bản đạt kết quả tích cực và khả quan, thể hiện ở tiến độ thực thi cam kết trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể đi kèm.

Về chính trị-an ninh, tỷ lệ hoàn thành các dòng hành động trong Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN đạt 94% (chỉ còn 16/290 dòng hành động chưa hoàn thành).

Hội nghị đặc biệt các quan chức cấp cao nông lâm nghiệp AMAF ASEAN+3 lần thứ 18 cùng các đối tác chiến lược Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, ngày 7/8/2019, tại thành phố Huế. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Hội nghị đặc biệt các quan chức cấp cao nông lâm nghiệp AMAF ASEAN+3 lần thứ 18 cùng các đối tác chiến lược Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, ngày 7/8/2019, tại thành phố Huế. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Về kinh tế, tính đến 30/9/2019, ASEAN đã hoàn tất 76/170 ưu tiên. Liên kết kinh tế trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã trở nên vững chắc, tạo thành vùng đệm quan trọng giúp ASEAN chống lại các cú sốc kinh tế lớn từ bên ngoài…

Về văn hóa-xã hội, đến 30/9/2019, có 954 hành động đã góp phần giải quyết 109 các biện pháp chiến lược của Cộng đồng Văn hóa-xã hội, tăng 25 hành động so với năm 2018. Về tổng thể, 13% đã được hoàn thành, 51% đang được triển khai còn 36% sẽ được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Nhiều hoạt động sôi nổi liên quan đến quảng bá, nâng cao nhận thức về ASEAN, giao lưu nhân dân, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cho người dân cũng đã được triển khai.

Các trụ cột đều đã xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá gắn với kế hoạch công tác của từng lĩnh vực chuyên ngành, góp phần đảm bảo hiệu quả, tiến độ thực thi cam kết.

Bên cạnh đó, Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN 2025 và Kế hoạch công tác giai đoạn 3 Sáng kiến Hội nhập ASEAN giai đoạn 2016-2020 được thực thi bài bản, các nước đã xác định được các dự án ưu tiên và các đầu mối của từng quốc gia triển khai các lĩnh vực cụ thể. Qua 4 năm triển khai, Kế hoạch này đã thực hiện được 19/26 ưu tiên (chiếm 73%).

Về tình hình triển khai các cam kết, ASEAN đã hoàn tất thủ tục 239 công cụ pháp lý, trong đó 22 công cụ đang chờ hoàn tất thủ tục. Đáng chú ý, ASEAN đã xác định được danh mục, các cơ quan chủ trì điều phối triển khai các vấn đề liên ngành, liên trụ cột, trong đó có phòng chống mua bán người, an ninh, hợp tác biển, chống khủng bố, an ninh mạng, gìn giữ, kiến tạo hòa bình hậu xung đột, nhân quyền, phòng chống ma túy, tội phạm môi trường, chống rửa tiền, tội phạm kinh tế xuyên quốc gia, an ninh, an toàn hạt nhân, quản lý biên giới…

Tầm nhìn ASEAN 2025 được gắn kết với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững cũng cho thấy ASEAN đang nỗ lực vươn ra bên ngoài, phấn đấu trở thành thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế.  

Nhìn chung, tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN gần đây dành nhiều ưu tiên cho các đối tượng như phụ nữ, trẻ em, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thúc đẩy các chương trình hợp tác phát triển kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường kết nối, các biện pháp bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội.

Tầm nhìn ASEAN 2025 được gắn kết với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững cũng cho thấy ASEAN đang nỗ lực vươn ra bên ngoài, phấn đấu trở thành thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế.

Hiệu quả bộ máy tổ chức, lề lối làm việc của ASEAN đã được cải thiện từng bước, nhiều vấn đề liên ngành, liên trụ cột đang được xử lý tích cực. Vừa qua, các nước đã nhất trí áp dụng một số cải tiến hình thức tổ chức họp với các đối tác và nhận được sự hoan nghênh của tất cả các bên.

Theo Tiến sỹ, Đại sứ Luận Thùy Dương, Học viện Ngoại giao, ASEAN đã bắt đầu một hành trình mới với tên gọi Cộng đồng, tràn đầy quyết tâm, tự tin.

 Lễ ký và ra Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) lần thứ 12 diễn ra ở Singapore, ngày 19/10/2018. (Ảnh: Xuân Vịnh/TTXVN)
 Lễ ký và ra Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) lần thứ 12 diễn ra ở Singapore, ngày 19/10/2018. (Ảnh: Xuân Vịnh/TTXVN)

Một ASEAN với tầm nhìn liên kết sâu rộng, chủ động thích ứng, phát triển bền vững và mạnh mẽ sau 2025 chắc chắn sẽ tiếp tục mang lại cho các nước thành viên, cho Việt Nam, cho khu vực nhiều lợi ích to lớn và thiết thực hơn. Việt Nam đã là một thành viên có trách nhiệm trong 25 năm qua, sẽ tiếp tục có những đóng góp, có vai trò to lớn hơn trong những năm tiếp theo.

Với phương châm chủ động, tích cực, có trách nhiệm, thích ứng cao, Việt Nam sẽ có những đóng góp hữu hiệu cho một Cộng đồng ASEAN ngày càng đoàn kết và vững mạnh.

Là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ phát huy những thành quả, tiếp nối nỗ lực của các kỳ Chủ tịch tiền nhiệm, để cùng các thành viên định hướng phát triển Cộng đồng ASEAN đến 2025 và xa hơn./.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ năm, từ phải sang) và các Trưởng đoàn tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 ở Bangkok (Thái Lan), sáng 23/6/2019. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ năm, từ phải sang) và các Trưởng đoàn tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 ở Bangkok (Thái Lan), sáng 23/6/2019. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Việt Nam nỗ lực củng cố khối đại đoàn kết, thống nhất của ASEAN

Diệp Trương

Qua 25 năm chính thức gia nhập ASEAN (1995-2020), Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập, tham gia sâu rộng tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN; có những đóng góp tích cực trong việc duy trì đoàn kết nội khối, tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên cũng như giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài; góp phần không nhỏ vào sự phát triển, thành công của ASEAN ngày hôm nay.

Trong 25 năm qua, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực, quan trọng trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN.

Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2020 ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 đến sự phát triển kinh tế-xã hội của các nước thành viên ASEAN, Chủ tịch ASEAN 2020 – Việt Nam chủ động, tích cực; cùng các nước ứng phó với dịch bệnh, vượt qua giai đoạn cam go, khó khăn; khẳng định bản lĩnh của một cộng đồng trưởng thành, tự cường và năng động.

Thành viên tích cực, có trách nhiệm cao

Trong 25 năm qua, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực, quan trọng trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN. Ngay từ những ngày đầu gia nhập ASEAN, Việt Nam đã thể hiện vai trò tích cực và có trách nhiệm cao.

Trong bối cảnh khu vực trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nghiêm trọng 1997-1998, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội (12/1998) – chỉ 3 năm sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của ASEAN.

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (thứ hai, từ phải sang), Tổng Thư ký ASEAN và các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại cuộc họp kết nạp Việt Nam trở thành thành viên chính thức thứ bảy của ASEAN, ngày 28/7/1995, tại Thủ đô Bandar Seri Begawan (Brunei). (Ảnh: Trần Sơn/TTXVN)

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (thứ hai, từ phải sang), Tổng Thư ký ASEAN và các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại cuộc họp kết nạp Việt Nam trở thành thành viên chính thức thứ bảy của ASEAN, ngày 28/7/1995, tại Thủ đô Bandar Seri Begawan (Brunei). (Ảnh: Trần Sơn/TTXVN)

Sự kiện mang dấu ấn đậm nét của Việt Nam được các nước thành viên ASEAN nói riêng, dư luận quốc tế nói chung đánh giá cao.

Với việc thông qua Chương trình Hành động Hà Nội, Hội nghị cấp cao ASEAN 6 đã góp phần quan trọng tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh hợp tác, khôi phục hình ảnh ASEAN; đặc biệt định hướng hợp tác, phát triển ASEAN trong những năm tiếp theo để thực hiện Tầm nhìn 2020.

Tiếp sau đó, Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Ủy ban thường trực ASEAN (ASC) khóa 34 và Diễn đàn khu vực ASEAN, tổ chức và chủ trì thành công các hội nghị, diễn đàn, các cuộc đối thoại quan trọng.

Với sự nỗ lực của Việt Nam, ASEAN và Diễn đàn khu vực ASEAN đã đạt được những kết quả quan trọng; tiếp tục phát triển đúng hướng, phù hợp với lợi ích của từng nước ASEAN và lợi ích chung của cả khu vực.

Việt Nam tiếp nhận cương vị Chủ tịch ASEAN nhiệm kỳ 2010 vào giai đoạn có ý nghĩa quan trọng với tiến trình xây dựng Cộng đồng của ASEAN. Đó là năm bản lề trong chặng đường 5 năm còn lại để ASEAN hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng; là năm ASEAN bắt đầu chính thức ổn định hoạt động theo bộ máy tổ chức và khung pháp lý do Hiến chương quy định.

Nghi thức thượng cờ tại Lễ kết nạp Việt Nam là thành viên chính thức thứ bảy của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chiều 28/7/1995, tại Thủ đô Bandar Seri Begawan (Brunei). (Ảnh: Trần Sơn/TTXVN)

Nghi thức thượng cờ tại Lễ kết nạp Việt Nam là thành viên chính thức thứ bảy của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chiều 28/7/1995, tại Thủ đô Bandar Seri Begawan (Brunei). (Ảnh: Trần Sơn/TTXVN)

Việt Nam cùng các nước thành viên đề ra ưu tiên xuyên suốt cho hợp tác ASEAN trong giai đoạn này nhằm đẩy mạnh hành động nhằm hiện thực hóa mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN, được thể hiện qua Chủ đề “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn tới hành động.”

Việc hoàn thành tốt nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN 2010 đã nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam; đề cao hình ảnh một nước Việt Nam đổi mới và năng động, có đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển.

Ở hai cương vị này, Việt Nam đã giúp thúc đẩy một bước tiến lớn hướng tới thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, qua đó tăng cường vai trò và vị thế quốc tế của khối.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã đóng góp vào việc hình thành, củng cố, phát triển các thể chế do ASEAN thành lập và dẫn dắt, thúc đẩy quan hệ đối ngoại của ASEAN thông qua quyết định mở rộng Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) để kết nạp thêm Mỹ và Nga; lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+); vận động để đại diện cho ASEAN dự Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại Hàn Quốc và Canada.

Tiếp sau đó là hàng loạt sáng kiến, chương trình như “Tầm nhìn 2020 và kế hoạch thực hiện,” “Tuyên bố ASEAN 2,” “Hiến chương ASEAN,” “Lộ trình phát triển Cộng đồng ASEAN (2009-2015),” “Sáng kiến hội nhập ASEAN” và “Kế hoạch Tổng thể và Kết nối ASEAN.”

Trong những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là một thành viên năng động, trách nhiệm, nổi bật với việc đóng góp sự duy trì sự thống nhất, hòa bình, an ninh của khu vực ASEAN.

Đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, ngay từ cuối năm 2018, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị cho vai trò quan trọng này với mong muốn đặt những viên gạch tiếp theo xây dựng Cộng đồng ASEAN thêm vững mạnh.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Từ khi gia nhập “con thuyền khu vực” ASEAN năm 1995, Việt Nam đã cùng ASEAN chèo chống qua nhiều sóng gió, vật lộn với những dòng xoáy dữ dội của “biển cả toàn cầu.”

 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại lễ Thượng cờ ASEAN ngày 7/8/2020 ở Hà Nội. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại lễ Thượng cờ ASEAN ngày 7/8/2020 ở Hà Nội. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Trong sự vững vàng của ASEAN ngày hôm nay có những nỗ lực bền bỉ của Việt Nam, qua đó góp phần xây dựng đoàn kết, thống nhất giúp ASEAN vượt qua những thời khắc khó khăn, thử thách.

Đảm đương vai trò Chủ tịch ASEAN đúng vào dịp kỷ niệm 25 năm gia nhập, Việt Nam có nhiều thuận lợi nhưng cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thúc đẩy ASEAN vươn lên mạnh mẽ, phát triển bền vững sẽ là đóng góp thiết thực của Việt Nam cho Cộng đồng.”

Với chủ đề cho Năm ASEAN 2020 “Gắn kết và chủ động thích ứng,” Việt Nam mong muốn khẳng định đoàn kết có ý nghĩa quyết định với sự vững bền của ASEAN. Một Cộng đồng ASEAN gắn kết, phát triển mới có thể thích ứng hiệu quả với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, chủ động thích ứng sẽ giúp ASEAN gắn kết chặt chẽ, nhờ đó tăng cường sức mạnh tổng thể.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 tưởng chừng bất khả thi cho mọi chương trình, Việt Nam đã chủ động, kịp thời, sáng tạo chuyển sang hình thức họp trực tuyến để bảo đảm các hoạt động của ASEAN liên tục, thông suốt.

Việt Nam không chỉ xử lý tốt trong công tác phòng, chống dịch trong nước mà còn là nêu cao tinh thần hợp tác quốc tế, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khẩn cấp, khó khăn nhất.

Về vai trò của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Tiến sỹ Balaz Szanto, Bộ môn Quan hệ quốc tế, Đại học Webster Thailand nhấn mạnh, Việt Nam là thành viên quan trọng, là quốc gia có vai trò chủ yếu trong ASEAN.

Vai trò lãnh đạo ASEAN của Việt Nam sẽ có những ảnh hưởng riêng biệt đến các vấn đề quan trọng, trong đó có việc thúc đẩy giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên biển, cũng như các vấn đề khác trong chương trình nghị sự của ASEAN.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Lào Thongphane Savanphet đánh giá, Việt Nam đang làm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, đặc biệt trong việc dẫn dắt ASEAN vượt qua những khó khăn, thách thức của đại dịch COVID-19. Hội nghị cấp cao ASEAN 36 với nhiều nội dung quan trọng, đã thể hiện đúng tinh thần chủ đề năm 2020 trong điều kiện và hoàn cảnh mới.

Quyết không chùn bước trước đại dịch COVID-19

Việt Nam bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN từ tháng 1/2020, đúng thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, lan rộng ra cả thế giới. “Việt Nam nhận thức rõ trách nhiệm của mình, đã thích ứng, chủ động, linh hoạt cùng với các nước thành viên ASEAN khác ứng phó với dịch bệnh. Việt Nam nhanh chóng xác định cần tạm thời chuyển trọng tâm hợp tác của ASEAN; phối hợp với các nước ASEAN tập trung vào hợp tác ứng phó dịch bệnh, coi đây là ưu tiên hàng đầu của ASEAN trong giai đoạn hiện nay,” Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam khẳng định.

Sáng 14/4/2020, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì Hội nghị trực tuyến Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Sáng 14/4/2020, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì Hội nghị trực tuyến Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Theo đó, ngay từ đầu dịch bệnh, Việt Nam đã tích cực, chủ động dẫn dắt và điều phối nỗ lực chung của ASEAN và hợp tác với các Đối tác kiểm soát, ngăn chặn lây lan, giảm thiểu tác động kinh tế-xã hội của dịch bệnh. Cơ quan Y tế các nước ASEAN và các nước ASEAN+3 đã trao đổi, chia sẻ thông tin về dịch bệnh.

Trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, ngày 14/2/2020, Việt Nam phối hợp các nước ra Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó của ASEAN trước dịch COVID-19, vừa cảnh báo nguy cơ dịch bệnh vừa khẳng định quyết tâm hợp tác khu vực, quốc tế trong chống dịch, phối hợp tổ chức nhiều cuộc họp với các đối tác như Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế nhằm cùng nhau sớm đẩy lùi, khống chế dịch bệnh.

Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Cấp cao, các cấp ngành trong Cộng đồng ASEAN như các Bộ trưởng Quốc phòng, Kinh tế đều ra Tuyên bố đề ra hành động chung trong lĩnh vực của mình để kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh.

Đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN trùng với thời điểm kỳ niệm 25 năm Việt Nam gia nhập tổ chức, Việt Nam đã và đang tiếp tục huy động năng lực hành động tập thể của khối, tạo ra cơ chế thúc đẩy sự hùng cường chung của các nước thành viên để không ai bị bỏ lại phía sau

Trong quá trình này, Hội đồng điều phối ASEAN luôn đóng vai trò trung tâm, điều phối các hoạt động hợp tác trong Cộng đồng và trong hợp tác với các đối tác, tạo nên mạng lưới rộng khắp, trong cả khu vực về phòng chống, giảm thiểu tác động của dịch COVID-19.

Từ tháng 2/2020 đến nay, Hội đồng điều phối ASEAN đã nhiều lần nhóm họp để ra các quyết định khác nhau. Đồng thời, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã tổ chức họp với đối tác, vừa tranh thủ học hỏi kinh nghiệm vừa phối hợp phòng, chống và kiểm soát dịch.

Trước những thách thức do đại dịch COVID-19, tại Hội nghị cấp cao ASEAN 36, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mẫu số lợi ích chung gắn kết các quốc gia thành viên ASEAN hơn 5 thập kỷ qua càng được nhân lên trong bối cảnh khó khăn, thử thách.

Dịch COVID-19 là phép thử để ASEAN càng khẳng định bản lĩnh của một Cộng đồng ngày càng trưởng thành. Khẳng định tinh thần quyết không chùn bước trước đại dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng “Qua mỗi cơn phong ba, bó lúa vàng trên logo biểu tượng của ASEAN sẽ ngày càng thêm gắn kết bền chặt, tiếp tục đem lại những hạt gạo đong đầy tình cảm đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau của đại gia đình ASEAN.”

Theo đó, dưới vai trò điều phối của Chủ tịch ASEAN 2020, các nước thành viên thường xuyên chia sẻ quyết định về chính sách; đồng thời xem xét, điều chỉnh chính sách của mình theo hướng phù hợp với đặc thù khu vực, đòi hỏi của tình hình lẫn thực tiễn của từng nước. Việc làm này đã tạo ra nền tảng chính sách hài hòa và tương đối đồng bộ giữa các nước trong đấu tranh với dịch COVID-19.

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp (AEM) lần thứ 26, ngày 10/3/2020, tại Đà Nẵng dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp (AEM) lần thứ 26, ngày 10/3/2020, tại Đà Nẵng dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Bên cạnh đó, ASEAN cũng đã kích hoạt các cơ chế thông tin trong khu vực về y tế, về ứng phó với các trường hợp khẩn cấp, trong đó có Mạng lưới trung tâm hoạt động khẩn cấp ASEAN về các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, Trung tâm ảo ASEAN BioDioaspora.

Trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thúc đẩy việc thành lập và tổ chức cuộc họp đầu tiên bằng hình thức trực tuyến của Nhóm công tác liên ngành Hội đồng điều phối ASEAN về ứng phó các tình trạng y tế công cộng khẩn cấp 31/3/2020 để thống nhất khuyến nghị các bước triển khai phối hợp, hành động tiếp theo.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các cuộc họp không thể diễn ra theo phương cách truyền thống, Việt Nam đã thúc đẩy tổ chức họp theo hình thức trực tuyến. Đây là giải pháp linh hoạt, phù hợp, được các nước thành viên đánh giá góp phần giúp ASEAN phản ứng nhanh, kịp thời trước đại dịch COVID-19.

Việt Nam đã đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh nỗ lực chung của ASEAN trong ứng phó với dịch COVID-19 như hình thành kho dự phòng của khu vực về trang thiết bị y tế và nhu yếu phẩm, đáp ứng các yêu cầu khẩn cấp; xây dựng quy trình ứng phó chung của ASEAN trong các tình huống dịch bệnh; trên cơ sở các hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới, tổ chức diễn tập trực tuyến của Trung tâm Quân y ASEAN về ứng phó dịch bệnh; tổ chức diễn tập quân y sa bàn về tình hướng y tế cộng đồng, khẩn cấp; thành lập Quỹ ASEAN về chống dịch COVID-19; thành lập Nhóm Công tác về phòng chống tin giả…

“Tất cả những hoạt động này Việt Nam đã chủ động đề xuất và được sự ủng hộ của các nước ASEAN,” Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Việt Nam đã có nhiều hình thức hợp tác, hỗ trợ các nước ASEAN về tài chính và vật tư, trang thiết bị y tế do Việt Nam sản xuất như khẩu trang, quần áo bảo hộ, bộ kit xét nghiệm… nỗ lực chung tay cùng các nước ASEAN chống đại dịch COVID-19.

Khai mạc Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa-Xã hội tại thành phố Đà Lạt, ngày 24/2/2020. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)
Khai mạc Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa-Xã hội tại thành phố Đà Lạt, ngày 24/2/2020. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Đánh giá Việt Nam là “thành viên quý giá” của cộng đồng các nước ASEAN, Đại sứ -Trưởng phái đoàn thường trực Philippines tại Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á Noel Servigon cho rằng, thành công đáng chú ý của Việt Nam trong việc ngăn chặn đại dịch COVID-19 đã trở thành hình mẫu không chỉ trong ASEAN mà cả trên toàn thế giới.

Theo ông Noel Servigon, các nỗ lực phối hợp trong năm nay sẽ giúp đảm bảo tất cả các quốc gia thành viên ASEAN vươn lên mạnh mẽ hơn, được trang bị tốt hơn để ứng phó và phục hồi sau các đại dịch tương lai.

Sau 25 năm gia nhập ASEAN, từ một nước có nền kinh tế bao cấp, lạc hậu, Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình với nền kinh tế thị trường năng động, tích cực hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới. Việt Nam trở thành một thành viên tích cực, năng động của ngôi nhà chung ASEAN; nỗ lực củng cố khối đại đoàn kết, thống nhất của khu vực, phát huy vai trò trung tâm, thúc đẩy quan hệ đối ngoại của ASEAN trong thời gian tiếp theo.

Đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN trùng với thời điểm kỳ niệm 25 năm Việt Nam gia nhập tổ chức, Việt Nam đã và đang tiếp tục huy động năng lực hành động tập thể của khối, tạo ra cơ chế thúc đẩy sự hùng cường chung của các nước thành viên để không ai bị bỏ lại phía sau./.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA) lần thứ 41 chủ trì Đối thoại giữa các Nhà lãnh đạo ASEAN và AIPA dưới hình thức trực tuyến, chiều 26/6/2020, tại Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA) lần thứ 41 chủ trì Đối thoại giữa các Nhà lãnh đạo ASEAN và AIPA dưới hình thức trực tuyến, chiều 26/6/2020, tại Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)