Bên trong hầm trú ẩn dành cho giới siêu giàu

boongke1-1598784991-46.jpg

Phóng viên Claire Reilly của trang công nghệ Cnet, đã mang đến cho độc giả góc nhìn chân thực về nơi trú ẩn dành cho giới siêu giàu.

Tôi đã dành phần lớn thời gian để vạch ra kế hoạch cho một sự kiện khải huyền. Kế hoạch của tôi cũng không có gì lắt léo: chộp lấy balô đã chuẩn bị sẵn, lái xe đến một căn chòi trong rừng, rồi ngồi bệt xuống sàn gỗ và ăn thức ăn đóng hộp qua lỗ thông khí trên mặt nạ chống độc của mình, vừa ăn vừa chờ những quả bom hạt nhân được thả xuống.

Nhưng sau khi được đến thăm boongke chống bom hạt nhân thực sự đầu tiên, kế hoạch khải huyền của tôi đã được nâng cấp. Giờ đây, danh sách các nhu cầu của tôi còn bao gồm “bể bơi dưới lòng đất” và “phòng leo núi trong nhà hậu khải huyền.”

Tôi đã trở nên kén chọn hơn với những hoạt động mình có thể làm trong khi hành tinh hấp hối. Chiếc ba lô đựng đồ sinh tồn của tôi giờ trở nên quá tầm thường. Tôi đã nhìn thấy chiếc boongke công nghệ tiên tiến nhất thế giới, và tôi muốn được ở trong đó.

Chào mừng đến với Survival Condo. Khu phức hợp này từng là hầm chứa tên lửa Atlas, nay được sửa sang thành một tòa chung cư sang trọng để đem đến cho những người giàu có và quyền lực trên thế giới một cơ hội chạm tay vào thứ bảo hiểm nhân thọ tối thượng: một boongke kết hợp hoàn hảo giữa ẩn náu và phong cách để trú ngụ khi xảy ra sự kiện khải huyền.

Survival Condo (tạm dịch: Chung cư cho người sống sót) có rất nhiều đặc điểm của một hầm trú ẩn tiêu chuẩn. Nó nằm dưới lòng đất (200 feet – khoảng 61m, ở giữa vùng nông thôn Kansas, cách thành phố Kansas 200 dặm).

Nó được xây dựng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh (như một cơ sở phóng tên lửa hạt nhân). Nó cũng đã được trang bị thêm những bức tường bê tông cốt thép dày 9 feet (gần 3m) được thiết kế để chịu được mọi thứ, từ những trận lốc xoáy tới một đầu đạn hạt nhân nặng 12 kiloton phát nổ cách đó nửa dặm.


Nhưng nếu bạn gặp rắc rối và cần một chỗ để đi, đừng nghĩ bạn có thể đến đây. Ngay cả khi bạn tìm ra chỗ này (địa chỉ cụ thể là một bí mật), boongke này cũng được canh gác 24/7. Với lại, đó cũng chẳng phải là vấn đề chính. Rào cản lớn nhất quyết định bạn có đặt chân được vào khu phức hợp này hay không chính là, mức độ bảo vệ như vậy đòi hỏi một cái giá.

Chi phí khởi điểm cho một căn hộ trong khu phức hợp này là 1 triệu USD, cộng với một khoản 2.500 USD hàng tháng cho các chi phí sinh hoạt, bao gồm điện, nước, internet và mọi thứ bạn có thể mơ.

Tuy nhiên, với giới siêu giàu và những người hoang tưởng, khó mà định giá cho sự an toàn. Khi chiến tranh hạt nhân gõ cửa, bạn có nghĩ những người giàu có và quyền lực trên thế giới sẽ run như cầy sấy trên đường phố hay không? Tất nhiên là không. Họ sẽ xuống lòng đất. Và tôi quyết tâm đi cùng họ.

Tận thế như chúng ta biết

Mùa đông hạt nhân không phải là kỳ nghỉ Giáng Sinh ở nơi xa thành phố. Đó là một cơn ác mộng toàn cầu, với mức nhiệt độ ở Kỷ Băng hà duy trì suốt nhiều năm, dân số tàn lụi và cuộc sống mà chúng ta biết trở thành một phần của những cơn ác mộng khoa học viễn tưởng.

Ít nhất đó là suy nghĩ của Brian Toon, giáo sư về khoa học khí quyển và đại dương thuộc Đại học Colorado, kiêm chuyên gia nổi tiếng thế giới về các hiệu ứng toàn cầu của mùa đông hạt nhân.

Sau một vụ nổ hạt nhân, khói sinh ra từ đó sẽ dồn vào tầng bình lưu và che khuất ánh mặt trời suốt nhiều năm. (Ảnh: Amy Kim/CNET)
Sau một vụ nổ hạt nhân, khói sinh ra từ đó sẽ dồn vào tầng bình lưu và che khuất ánh mặt trời suốt nhiều năm. (Ảnh: Amy Kim/CNET)

Tôi đã gặp giáo sư Toon trong văn phòng của ông tại Boulder, Colorado để tìm hiểu chính xác những gì sẽ xảy ra khi một vũ khí hạt nhân nặng 100 kiloton phát nổ.

“Ở khoảng cách khoảng một dặm từ vị trí phát nổ, sóng áp lực sẽ mạnh đến mức dễ dàng thổi bay những tòa nhà bê tông,” giáo sư Toon nói. “Và ở một chỗ nào đó trong khu vực đó, có một vụ nổ bức xạ… và về cơ bản là một nửa số người tiếp xúc với nó sẽ chết trong vòng 1-2 tuần do bị bỏng phóng xạ trên da cũng như bị ngộ độc phóng xạ.”

Giáo sư Toon nói rằng một vụ nổ hạt nhân cũng giống như “đem một mảnh của Mặt Trời xuống Trái Đất,” và hậu quả của vụ nổ đó là những đám cháy khổng lồ – hãy tưởng tượng đến hỏa ngục ở mức độ toàn thành phố. Những đám cháy này thải ra một lượng khói khổng lồ vào tầng bình lưu.  Và vì mưa chẳng bao giờ sinh ra ở tầng bình lưu, ánh mặt trời cũng chẳng thể chạm đến được Trái Đất. Chào mừng đến với mùa đông hạt nhân.

“Nhiệt độ hạ xuống thấp hơn cả Kỷ Băng hà cuối cùng,” giáo sư Toon nói. “Vậy là chúng ta có nhiệt độ thấp hơn cả Kỷ Băng hà được duy trì trên toàn hành tinh trong khoảng 10 năm.”

Đó chính xác là lý do cho sự tồn tại của Survival Condo – để bảo vệ giới siêu giàu khỏi sự tàn phá của chiến tranh hạt nhân toàn cầu, cũng như bảo đảm rằng những người quyền lực nhất thế giới có thể sống sót trong sự thoải mái, thay vì run rẩy ở những hoang mạc khô cằn và đợi chờ giây phút bị những đám đông đói khát ăn tươi nuốt sống.

Survival Condo

Từ sân bay thành phố Kansas, phải mất ba tiếng mới tới được Survival Condo, mặc dù cách tính khoảng cách có thể thay đổi (các cuộc di tản toàn thành phố và những cây cầu bị thổi bay sẽ khiến thời gian di chuyển bị kéo dài). Nhưng sau khi vượt qua những cánh đồng rộng lớn và những kho thóc sơn màu đỏ tươi, tôi đã thấy thứ mà mình đang tìm: Điều tốt đẹp nhất mà thế giới mang lại bằng công nghệ cao trong quá trình chuẩn bị cho khải huyền.

Từ bên ngoài, trông nó không có vẻ hứa hẹn như vậy. Một lính gác đứng phía sau một hàng rào dây thép gai. Một tua bin lặng lẽ quay trong gió. Những chiếc camera giám sát được bố trí cẩn thận. Và hai cánh cửa nặng 8 tấn mở vào một ngọn đồi chẳng có gì đặc biệt đừng sừng sững trước mắt chúng tôi. Nhưng đây không phải là một cái hang cáo giữa nơi đồng không mông quạnh.  Bên trong đó là một trong những khu phức hợp sang trọng và phi thường nhất mà bạn có thể tìm thấy.

Survival Condo gồm 15 tầng nằm sâu 200 feet dưới lòng đất. (nh: Amy Kim/CNET)
Survival Condo gồm 15 tầng nằm sâu 200 feet dưới lòng đất. (nh: Amy Kim/CNET)

Sau khi được đưa qua hàng rào bao quanh chu vi khu vực, hai cánh cửa vĩ đại nơi ngọn đồi mở ra, và tôi được chào đón bởi Larry Hall, chủ của Survival Condo. Ông là một người đàn ông vạm vỡ với cái bắt tay cứng rắn, và cũng là biểu tượng cho sự hiếu khách ở Kansas – ông mời tôi vào boongke như một người hàng xóm mời tôi đi uống bia chiều Chủ Nhật.

Nhưng ngay khi bước vào, tôi nhận ra rằng đây không phải là một chuyến tham quan nhà cửa bình thường. Mặc dù bên ngoài là ánh mặt trời chói lóa, không gian bên trong vẫn mát mẻ và yên tĩnh. Tiếng bước chân của tôi vang vọng trên nền bê tông lạnh lẽo. Và khi hai cánh cửa 8 tấn đóng sập lại sau lưng cùng tiếng ầm ầm vang dội, tôi chợt cảm thấy như mình vừa bị mắc kẹt ở đây. Tôi sẽ không thể một mình mà ra khỏi đây được.

Tôi đang đứng ở tầng cao nhất của một chiếc boongke gồm 15 tầng ăn sâu 200 feet vào lòng đất. Ở tầng trên cùng này có một mái vòm rộng dẫn vào các ngôi nhà trên đồi là lối vào chính kiêm các khu vui chơi giải trí chung. Đó là nơi bạn sẽ tìm thấy công viên thú cưng, phòng leo núi trong nhà và bể bơi (kèm cả một máng trượt nước).

Bên dưới mái vòm, căn hầm hình trụ còn có 14 tầng nữa. Ba tầng trên là nơi có các phòng cơ khí, cơ sở y tế và một cửa hàng thực phẩm (được hoàn thiện toàn bộ với thiết kế thủy canh và nuôi trồng thủy sản), tiếp theo đó là bảy tầng căn hộ chung cư. Bốn tầng sâu nhất gồm phòng học và thư viện, một rạp chiếu phim và quầy bar, và một phòng tập thể dục (với một phòng tắm hơi).

Khi chúng tôi đi qua căn buồng lối vào chính (được thiết kế như một bãi đỗ xe có bảo vệ nếu cư dân cần đỗ xe riêng của mình), Hall giới thiệu qua cho tôi về mặt bằng khu phức hợp, và đề cập đến một loạt những tính năng như tường và cửa chống đạn. Chúng tôi bắt đầu từ “khu vực mắc bẫy.”

“Nếu xảy ra bạo loạn hay thiếu lương thực, đó cũng là chuyện bình thường,” Hall nói về những tình huống mà bạn có thể bắt gặp trong bối cảnh khải huyền.

Phòng để súng của Survival Condo. (Ảnh: Andrew Altman/CNET)
Phòng để súng của Survival Condo. (Ảnh: Andrew Altman/CNET)

“Nhưng nếu có phóng xạ do một quả bom bẩn phát nổ thì sao? Bạn sẽ phải vào phòng này, đây là một phòng tẩy khử trùng. Các hóa chất ở đây sẽ lo liệu mọi thứ. Chúng tôi có các viên iốt để điều trị phơi nhiễm phóng xạ, bộ đếm Geiger để phát hiện phóng xạ, cũng như các hóa chất đặc biệt để tẩy sạch các chất ô nhiễm sinh học và phóng xạ khỏi bạn. Nhưng bạn sẽ cần cởi bỏ quần áo khi vào đây. Bạn sẽ phải ở trần và hơi lo lắng một chút.”

Càng đi sâu vào Survival Condo, tôi càng cảm thấy như mình đang tham gia một tập của chương trình Cribz, nhưng là ở trong một hiện thực khác tăm tối hơn. Đây là chỗ chúng tôi cất đồ ngụy trang! Chỗ này là chỗ để súng! Chỗ kia là để tẩy sạch bụi tro núi lửa khỏi không khí trong trường hợp một siêu núi lửa phun trào!

Chúng tôi đi một chuyến thang máy ngắn xuống tầng rạp chiếu phim, và dừng lại để lướt qua 2.000 bộ phim có trong cơ sở dữ liệu nội bộ của Survival Condo (chúng tôi đã chọn xem phim Armageddon). Tôi đến phòng tập thể dục và dùng thử xe đạp tập cùng phòng tắm hơi ở đó. Sau đó, chúng tôi vào phòng học và đi ngang qua một dãy những chiếc máy tính iMac bóng bẩy, vẫn nằm nguyên trong lớp bao bì nhựa, chờ đợi những học sinh có thể sẽ chẳng bao giờ tới.

Những chiếc máy tính ở đây cũng được kết nối Internet, đại loại thế. Tất cả những người đã mua một chỗ ở Survival Condo cũng cung cấp một danh sách những điều mà họ yêu thích hay có hứng thú: làm mộc, đan lát, hay chủ nghĩa sinh tồn hậu khải huyền. Hall và nhóm của ông đưa những từ khóa này vào phần mềm để tìm kiếm trên Internet, tải xuống và lưu vào bộ nhớ đệm những thông tin và trang web cho từng cư dân.

“Trong trường hợp xảy ra thảm họa khiến Internet ngừng hoạt động, vì chúng tôi đã tải xuống rất nhiều thông tin về y tế, sinh tồn và sở thích cho những cư dân của mình, họ vẫn có thể sử dụng công cụ tìm kiếm tại đây,” Hall giải thích.

Sau khi tham quan xong khu vực công cộng, chúng tôi được bước vào một căn hộ ở đây. Đó không phải là một căn buồng trú ẩn bé tí tẹo như tôi nghĩ – trông nó y hệt một căn hộ chung cư thuộc một khu phức hợp nhà ở mới cứng tại San Francisco hay Manhattan. Toàn bộ nhà bếp được trang bị các đồ gia dụng bằng thép không gỉ, một cái tủ lạnh hiệu Sub-Zero ở chỗ này, một cái bếp nấu hiệu Wolf ở chỗ kia. Trong nhà có trường kỷ mới toanh, bàn cà phê chưa ai đụng đến, và những chiếc giường ngủ mà tôi phải thành thật thú nhận là thoải mái hơn nhiều so với giường của tôi ở nhà.

Thay vì cửa sổ, những căn hộ ngầm của Survival Condo lắp các màn hình ti vi trình chiếu hình ảnh của thế giới bên ngoài. (Ảnh: Andrew Altman/CNET)
Thay vì cửa sổ, những căn hộ ngầm của Survival Condo lắp các màn hình ti vi trình chiếu hình ảnh của thế giới bên ngoài. (Ảnh: Andrew Altman/CNET)

Trong phòng tắm, một bồn vệ sinh có vòi xịt tự động đang chờ. Mặc dù tôi không ưa thích thiết bị làm sạch kiểu này (tôi đã từng thử và không thích tiếng kêu của nó), Larry Hall nói với chúng tôi rằng khu phức hợp này được xây để phục vụ việc trú ẩn lâu dài – lên tới 5 năm. Nếu dùng giấy vệ sinh, số lượng giấy cần cho tối đa 75 cư dân tại đây sử dụng trong vòng 5 năm sẽ lấp kín cả một tầng của khu nhà này.

Không kể đến nhà vệ sinh kiểu đó, tôi thực sự muốn sống ở nơi này. Ở đây không hề có cảm giác chật chội, có lẽ là vì bạn vẫn có thể nhìn được ra ngoài. Như một nét chấm phá bước thẳng ra từ bộ phim Back to the Future II, những tấm màn ti vi được gắn lên tường của mỗi căn hộ đóng vai trò như những ô “cửa sổ” công nghệ cao để cư dân bên trong nhìn thấy thế giới thực.

Ngoài ra, nếu thế giới thật sự đi đến cái kết, những cửa sổ này cũng sẽ hiển thị hình ảnh diễn biến bên ngoài theo thời gian thực, nhờ những chiếc camera giám sát đặt bên ngoài Survival Condo. Vậy là những người sống tại đây có thể vào bếp để xem những cư dân trên mặt đất đang đi săn theo bầy (!)

Phong cách sống của những người giàu có và sợ hãi

Dọc đường xuống từ Survival Condo, Hall đã mua thêm một hầm chứa tên lửa thứ hai với kế hoạch chuyển đổi nó thành một boongke còn lớn hơn nữa. Ngay lúc này, căn hầm đó không nhiều hơn một cái vỏ bê tông, nhưng nó cho tôi cảm giác về một boongke có quy mô không kém cái mà tôi vừa mới tham quan. Căn hầm sâu đã được chia thành những tầng có sàn bê tông mới, nhưng một trục thang máy cắt qua ngay giữa vẫn cho tôi một cái nhìn bao quát về độ sâu của nó.

Đi xuống một lối đi ở bên, tách khỏi hầm chính bằng những cánh cửa chống cháy nổ, chúng tôi tìm thấy khu nhà ở ban đầu dành cho các nhân viên quân sự từng đóng tại cơ sở này trong những năm 1960, sinh sống và làm việc trong những căn phòng chật chội suốt hai tuần mỗi lần.

Hình ảnh cũ của hầm chứa tên lửa Atlas, được xây để chứa những quả tên lửa hạt nhân của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh. (Ảnh: Survival Condo)
Hình ảnh cũ của hầm chứa tên lửa Atlas, được xây để chứa những quả tên lửa hạt nhân của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh. (Ảnh: Survival Condo)

Nơi này trông giống như một cảnh trong trò chơi điện tử Half-Life: sơn tường bong tróc, kim loại rỉ sét, và những buồng tắm cũ kỹ trông vô cùng ám ảnh.

Nơi này hiện là một di tích của cuộc Chiến tranh Lạnh, nhưng Hall đã lên kế hoạch dành hai năm tới đây để tân trang nó thành một boongke sang trọng khác.

Với việc nó to gấp ba lần so với Survival Condo nguyên bản, ông dự kiến chi phí xây dựng sẽ rơi vào khoảng 50-60 triệu USD. Hall cũng đã có sẵn một danh sách chờ gồm những người hứng thú với việc mua một căn hộ ở cơ sở mới. Rõ ràng, ngành kinh doanh này đang phất lên.

Tuy nhiên, một căn hộ trong những boongke kiểu này có giá không hề rẻ. Căn hộ có diện tích nhỏ nhất, chiếm nửa tầng tại Survival Condo có giá 1 triệu USD, trong khi những căn hộ rộng nguyên một tầng có giá lên tới 3 triệu USD.

Hầm chứa tên lửa sẽ được chuyển đổi thành một Survival Condo thứ hai, vẫn còn những cánh cửa chống cháy nổ được xây từ thời Chiến tranh Lạnh. (Ảnh: Andrew Altman/CNET)
Hầm chứa tên lửa sẽ được chuyển đổi thành một Survival Condo thứ hai, vẫn còn những cánh cửa chống cháy nổ được xây từ thời Chiến tranh Lạnh. (Ảnh: Andrew Altman/CNET)

Bất chấp chi phí cao ngất ngưởng, khách hàng của Hall rất chịu chi. “Họ đều là tỷ phú tự thân cả,” Hall nói với tôi. “Họ rất thành công: bác sĩ, kỹ sư, luật sư, doanh nhân quốc tế… hầu như ai cũng có con cái. Và họ đều quan tâm đến viễn cảnh ‘nếu như’.”

Hall cũng liệt kê một danh sách những cái “nếu như” ấy:  Siêu bão Sandy, sóng thần, động đất ở Thái Bình Dương, bão ở Texas, biến đổi khí hậu toàn cầu, thiếu lương thực, sụp đổ kinh tế, thiên thạch va chạm, bão Mặt Trời…

“Nếu đó là những thứ bạn lo sợ, thì đây là chỗ giúp bạn không cần lo lắng nữa,” ông nói.

Đó đúng là những thứ khiến tôi bận tâm. Nhưng thành thật mà nói, tôi tự biết là mình chẳng đủ khả năng để lo lắng những chuyện đó. Tôi còn chẳng có đủ tiền để mua một căn hộ như vậy ở Kansas. Tôi cũng chẳng sở hữu một chiếc xe chống đạn chạy động cơ điện để đến được đó, và đương nhiên cũng chẳng có cái phi cơ riêng nào đang chờ trong nhà để xe cả.

Tôi nhận ra, với một sự kinh hoàng lạnh lẽo không thể tránh khỏi, rằng tôi đã được sinh ra với nỗi sợ về vũ khí hạt nhân và một ngân sách bé như chiếc mũ bằng lá thiếc.

Tôi đoán rằng, có một sự mỉa mai trớ trêu trong suy nghĩ rằng ngay cả khi bom hạt nhân ào ào rơi xuống và cấu trúc xã hội bị tan rã đến mức không nhận ra nổi, những người giàu có và quyền lực vẫn sẽ có đời sống tốt hơn hẳn đa số chúng ta.

Đây vẫn là xã hội có sự phân chia giàu nghèo rõ rệt. Chỉ là trong trường hợp này, những người giàu sẽ xem phim Armageddon một cách thoải mái trong rạp chiếu phim có điều hòa nhiệt độ dưới lòng đất của họ. Còn những người nghèo sẽ phải lăn lộn ở vùng hoang dã, đi qua mùa đông hạt nhân lạnh cóng và nhặt nhạnh xương cốt của những người thân yêu, chỉ để chính bản thân họ được sống sót.

Hầm trú ẩn được bố trí sâu trong lòng đất, cho phép người ở bên trong tránh được gần như mọi thảm họa trên mặt đất. (Ảnh: Terravivos)
Hầm trú ẩn được bố trí sâu trong lòng đất, cho phép người ở bên trong tránh được gần như mọi thảm họa trên mặt đất. (Ảnh: Terravivos)