Hành trình xây dựng thương hiệu du lịch Việt

0207dongnamb-1594004519-82.jpg

Du lịch Việt Nam đã bước vào tuổi 60, từng bước đến gần hơn với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như mục tiêu xác đinh tại Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Trong suốt lịch sử 60 năm xây dựng và trưởng thành, du lịch Việt Nam đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, 60 năm là một chặng đường dài ngành du lịch ra đời, xây dựng và trưởng thành. Khởi động là một công ty du lịch vào năm 1960 đến nay quy mô ngành du lịch đã tăng lên đáng kể.

Vào năm 1992, khách quốc tế đến Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 250.000 lượt, đến hết năm 2019 đã đạt mốc 18 triệu lượt; phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 726.000 tỷ đồng…

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống ngành Du lịch (9/7/1960-9/7/2020), phóng viên TTXVN thực hiện 3 bài viết nhằm điểm lại những dấu mốc quan trọng, sự nỗ lực và những kết quả đạt được của du lịch nước nhà trên chặng đường xây dựng, khẳng định thương hiệu điểm đến Việt Nam./.

Việt Nam – Điểm đến hòa bình, thân thiện, hấp dẫn

Ra đời trong thời kỳ đất nước còn chia cắt do chiến tranh, trải qua 60 năm phát triển (1960-2020), du lịch đã trở thành một điểm sáng, được coi là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Vào năm 1992, khách quốc tế đến Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 250.000 lượt, đến hết năm 2019 đã đạt mốc 18 triệu lượt; phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 726.000 tỷ đồng.

Hình ảnh điểm đến Việt Nam ngày càng ghi nhiều dấu ấn sâu sắc với bạn bè quốc tế. Trong 60 năm, trải qua nhiều thử thách, bứt phá, du lịch nước nhà đã thực sự trưởng thành.

Từ mốc số 0

Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ngày 9/7/1960, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã ký ban hành Nghị định số 26/CP về việc thành lập Công ty Du lịch Việt Nam thuộc Bộ Ngoại thương. Đây là thời kỳ đất nước còn tạm thời bị chia cắt, chiến tranh khốc liệt.

Công ty có nhiệm vụ đặt quan hệ, ký kết hợp đồng với các tổ chức du lịch nước ngoài, phối hợp để chức đón khách quốc tế vào du lịch Việt Nam, đưa khách Việt Nam ra du lịch nước ngoài.

Đình Tam Chúc, khu du lịch nằm giữa lòng hồ Tam Chúc. (Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN)
Đình Tam Chúc, khu du lịch nằm giữa lòng hồ Tam Chúc. (Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN)

Theo mức độ phát triển của ngành du lịch, Công ty có thể thành lập các đại diện ở nước ngoài, chi nhánh ở địa phương, khách sạn và các phương tiện vận chuyển đặc biệt… Điều này thể hiện tầm nhìn sâu rộng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ngay từ những ngày đầu thành lập ngành.

Hoạt động của du lịch Việt Nam được kỳ vọng phát triển nguồn thu ngoại tệ, tăng tích lũy cho Nhà nước phục vụ sản xuất, dân sinh, công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, tăng cường giao dịch với các tổ chức du lịch nước ngoài, góp phần nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

Ngành du lịch tuyên truyền, giới thiệu sâu rộng với khách du lịch trong và ngoài nước về các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, thành tích cách mạng…; đề xuất quy hoạch kiến thiết, tu sửa, trang trí, bảo quản các danh lam thắng cảnh, các trung tâm du lịch nhằm phát triển kinh doanh về du lịch…

Những ngày đầu thành lập, trong điều kiện rất khó khăn khi đất nước còn chiến tranh, ngành du lịch đã nỗ lực phấn đấu, từng bước mở rộng các cơ sở du lịch ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An…; hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, phục vụ an toàn, chất lượng một lượng lớn khách của Đảng và Nhà nước, các đoàn chuyên gia sang giúp Việt Nam xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; đón tiếp, phục vụ, đáp ứng nhu cầu du lịch, tham quan nghỉ mát của nhân dân.

Tháng 6/1978, Tổng cục Du lịch Việt Nam được thành lập, mở ra một trang mới cho ngành du lịch Việt Nam. Có thể nói rằng, du lịch Việt Nam đã góp phần đáng kể trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhấn mạnh 60 năm là một chặng đường dài ngành du lịch ra đời, xây dựng và trưởng thành. Khởi động là một công ty du lịch vào năm 1960 đến nay quy mô ngành du lịch đã tăng lên đáng kể.

Vào năm 1992, khách quốc tế đến Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 250.000 lượt, đến hết năm 2019 đã đạt mốc 18 triệu lượt; phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 726.000 tỷ đồng.

Cơ sở vật chất của ngành du lịch phát triển nhanh chóng, các khách sạn, cơ sở lưu trú từ chỗ chỉ có chủ yếu ở Hà Nội thì nay xuất hiện khắp các vùng miền trên cả nước, nhất là ở các địa phương trọng điểm du lịch như Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Thành phố Hồ Chí Minh…

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cũng cho rằng Du lịch Việt Nam có thể tự hào sau khi góp phần tổ chức thành công APEC năm 2018, đón 21 nguyên thủ quốc gia lớn nhất trên thế giới.

Du lịch Việt Nam có thể khẳng định vị thế, đủ năng lực làm những sự kiện tầm thế giới thông qua những đóng góp về cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực, năng lực sẵn sàng đón tiếp, phục vụ du khách chu đáo…

Du lịch Việt ngày càng hấp dẫn du khách quốc tế

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung chia sẻ những năm gần đây, du lịch Việt Nam đã phát triển vượt bậc, mức tăng trưởng trung bình đạt 22% trong giai đoạn 2016-2019.

Đặc biệt, năm 2019, du lịch Việt Nam đã vượt qua Indonesia trong khu vực ASEAN, đứng vị trí thứ 4 về lượng khách quốc tế đến. Kết quả đó là minh chứng cho sự nỗ lực và bứt phá mạnh mẽ của du lịch Việt Nam trong bối cảnh khách quốc tế đến châu Á-Thái Bình Dương chỉ tăng khoảng 6%; Đông Nam Á tăng khoảng 5% trong năm 2019.

 Du khách tham quan du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
 Du khách tham quan du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Chất lượng dịch vụ du lịch Việt Nam cũng cải thiện đáng kể. Nhiều nhà đầu tư lớn trong nước và nước ngoài đã góp phần thay đổi chất lượng hạ tầng dịch vụ du lịch, hình thành nhiều khu du lịch khép kín, đẳng cấp quốc tế. Ðầu tư phát triển du lịch tăng cả về lượng và chất với nhiều dự án từ các tập đoàn kinh tế có tiềm lực tài chính. Một số doanh nghiệp du lịch bước đầu thành lập các hãng hàng không, tạo sự liên kết, phát triển mạnh mẽ giữa du lịch và hàng không.

Năm 2019, du lịch Việt Nam được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) xếp hạng 6/10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới; Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh từ 75/141 năm 2015 tăng lên vị trí 63/140 nền kinh tế.

Năm 2019 cũng là năm du lịch Việt Nam “thắng lớn,” ghi dấu ấn đậm nét trên bản đồ du lịch thế giới với nhiều giải thưởng lớn, đặc biệt là danh hiệu “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới” và “Điểm đến Golf tốt nhất thế giới.”

Năm 2019, du lịch Việt Nam được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) xếp hạng 6/10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới; Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh từ 75/141 năm 2015 tăng lên vị trí 63/140 nền kinh tế.  

Các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, điểm đến liên tiếp lọt vào danh sách điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Cuối năm 2019, du lịch Việt Nam được trao 4 giải thưởng: “Ðiểm đến hàng đầu châu Á,” “Ðiểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á,” “Ðiểm đến văn hóa hàng đầu châu Á” và “Ðiểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á – Thành phố Hội An.” Ðây cũng là lần đầu tiên, ẩm thực Việt Nam được vinh danh

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung, hình ảnh du lịch Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn, thân thiện hơn với du khách.

Ngoài các điểm đến đã khẳng định thương hiệu như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hạ Long, Nha Trang, Đà Nẵng, các điểm đến mới đang dần khẳng định vị trí và vai trò mạnh mẽ trên bản đồ.

Thành phố bên sông Hàn nổi tiếng thế giới với ngôi vị “Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á” gắn với Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng. Hội An được trao tặng danh hiệu “Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2019.”

Đảo Ngọc – Phú Quốc, sở hữu nhiều bãi biển đẹp đã được xếp hạng những bãi biển quyến rũ nổi tiếng thế giới… Quảng Ninh đã trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước với sự xuất hiện của những dự án quy mô lớn để đưa nơi đây thành điểm đến hiện đại, đẳng cấp…

Năm 2020, du lịch Việt Nam đón tuổi 60 trong một bối cảnh đặc biệt – dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề về mọi mặt của đời sống, xã hội trên toàn cầu, trong đó có du lịch.

Dù Việt Nam đã nhanh chóng khống chế được dịch bệnh nhưng tình hình trên thế giới còn diễn biến khó lường. Du lịch hiện mới chỉ khởi động thị trường nội địa và chuẩn bị các điều kiện, từng bước mở cửa đón khách quốc tế trở lại ngay sau khi tình hình dịch bệnh thế giới được kiểm soát./.

Tuyến cáp treo từ thị trấn An Thới qua Hòn Thơm, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). (Nguồn: TTXVN)
Tuyến cáp treo từ thị trấn An Thới qua Hòn Thơm, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). (Nguồn: TTXVN)

Nỗ lực vượt khủng hoảng sau 2 dịch bệnh nghiêm trọng

Có thể nói, dịch COVID-19 đã tạo ra cuộc khủng hoảng toàn cầu, các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đều chịu ảnh hưởng to lớn trên tất cả các mặt. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, dễ bị tác động khi xảy ra sự cố nhưng cũng có thể nhanh chóng phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng sau đó.

 Theo các chuyên gia, du lịch Việt Nam hậu COVID-19 cần làm mới với chiến lược cụ thể, không chỉ là hạ giá, kích cầu, mà chính là dịp tốt để tái cấu trúc từ thị trường, xúc tiến quảng bá, mở rộng miễn visa để thu hút khách.

Du lịch Việt Nam đã nhanh chóng vượt qua khủng hoảng do dịch SARS năm 2003 và nay cũng đang nỗ lực phục hồi sau dịch COVID-19.

Từ SARS đến COVID-19

Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổng hợp, năm 2003, đại dịch SARS đã làm thế giới điêu đứng. Dịch được ghi nhận từ tháng 11/2002 đến tháng 7/2003, lưu hành ở 25 quốc gia, hơn 8.000 người mắc, số người chết là hơn 770 người…Theo các chuyên gia, dịch SARS gây thiệt hại khoảng 40 tỷ USD trên toàn thế giới.

Du lịch thế giới gặp khó khăn. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), lượng khách quốc tế giảm 1,5% từ 703 triệu lượt năm 2002 xuống còn 690 triệu lượt năm 2003. Đặc biệt, lượng khách quốc tế ở nhiều điểm đến đã giảm một nửa trong tháng 4-5/2003.

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, tụ điểm sầm uất nối tiếng của Hà Nội vắng vẻ trong những ngày cách ly do dịch COVID-19. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+) 
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, tụ điểm sầm uất nối tiếng của Hà Nội vắng vẻ trong những ngày cách ly do dịch COVID-19. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+) 

Việt Nam cũng tổn thất do SARS với 65 người mắc, 5 người tử vong. Rất may mắn là Việt Nam đã nhanh chóng khống chế thành công dịch bệnh, sau 45 ngày đối mặt. Dù SARS diễn ra ở Việt Nam vào tháng 3-4 nhưng 2 tháng tiếp theo mới là thời điểm lượng khách quốc tế đến thấp nhất trong năm 2003.

Phải đến tận tháng 9/2003, du lịch mới đạt mức cùng kỳ 2002 và 3 tháng cuối năm 2003 đã lấy lại được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2002. Nhưng tính chung cả năm 2003, khách quốc tế đến nước ta vẫn giảm tới 7,6%…

Năm 2020, tức là 17 năm kể từ khi diễn ra dịch SARS, thế giới và Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với đại dịch COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Lần này, cả thế giới chao đảo bởi tốc độ lây lan dịch rất nhanh chóng, số người tử vong ngày càng tăng.

Một lần nữa, du lịch toàn cầu rơi vào trạng thái gần như “đóng băng” bởi nhiều quốc gia tuyên bố đóng cửa biên giới để thực hiện giãn cách xã hội, tạm ngừng xuất nhập cảnh. Hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí… đều đóng cửa, vận tải khách hạn chế, chỉ phục vụ những trường hợp cấp thiết.

Việt Nam tiếp tục là một trong số ít quốc gia trên thế giới khống chế thành công dịch COVID-19 với lượng người mắc dưới 500, chưa có ca nào tử vong.

Hiện tại đã hơn 80 ngày Việt Nam không phát sinh ca lây nhiễm trong cộng đồng. Nhưng dịch trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, các chuyến bay thương mại quốc tế chưa được nối lại, khách quốc tế đến Việt Namtrong 6 tháng đầu năm 2020 mới đạt hơn 3,74 triệu lượt, giảm 55,8% so với cùng kỳ năm trước.

Du lịch nội địa – “cứu cánh” cho du lịch Việt Nam sau dịch bệnh đến thời điểm này dù đã được kích cầu tích cực nhưng vẫn kém sôi động. Người dân đang “thắt lưng buộc bụng” do thu nhập giảm. Hơn nữa, vào thời điểm tháng 6 năm nay học sinh, sinh viên vẫn chưa kết thúc năm học, nên có thể nói là du lịch vẫn đang gặp khó khăn…

Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính cho rằng, để phục hồi ngành du lịch, cần chú trọng cơ cấu lại các sản phẩm du lịch và doanh nghiệp du lịch.

Các địa phương cần xây dựng chương trình kích cầu theo lộ trình với mức độ ưu đãi giảm dần (1-2 tháng đầu miễn phí, sau đó giảm 50% tới hết năm). Ngoài ra, vấn đề vệ sinh môi trường và an toàn tại các điểm du lịch cũng cần đặt lên hàng đầu.

Trải qua khủng hoảng, ngành du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp cần nhạy bén hơn để nắm bắt xu hướng mới, có các giải pháp tăng trưởng bền vững…

Cơ hội làm mới của ngành du lịch

Mới đây, trong một cuộc hội thảo bàn về các giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa, phục hồi du lịch quốc tế, ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nên sau dịch COVID-19, cần làm mới với chiến lược cụ thể, không chỉ là hạ giá, kích cầu, mà chính là dịp tốt để tái cấu trúc từ thị trường, xúc tiến quảng bá, mở rộng miễn visa để thu hút khách.

Du thuyền đưa khách tham quan hồ Tam Chúc rộng hơn 600ha với nhiều cảnh đẹp tự nhiên. (Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN)
Du thuyền đưa khách tham quan hồ Tam Chúc rộng hơn 600ha với nhiều cảnh đẹp tự nhiên. (Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN)

Đại diện nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, đây là cơ hội để tạo bộ mặt mới cho ngành du lịch và khởi động lại nền kinh tế dịch vụ.

Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch (TAB) Trần Trọng Kiên chia sẻ về 5 xu hướng du lịch của người Việt hậu COVID -19. Những xu hướng này không mới nhưng đã góp phần định hướng phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam sau dịch bệnh.

Xu hướng đầu tiên là nhu cầu của thị trường bắt đầu phục hồi trở lại vào giữa tháng 4/2020. Thứ hai là du khách ưu tiên về an toàn và có ưu đãi. Tiếp đó, hầu hết người đi du lịch hiện tại đều muốn đi du lịch biển và thiên nhiên. Thứ tư là khách chuộng đi tour ngắn ngày, gần nơi sinh sống và đi cùng nhóm nhỏ gia đình, bạn bè. Thứ năm là khách muốn đặt tour trực tiếp với nhà cung cấp hoặc thông qua giải pháp số…

Ông Trần Trọng Kiên cho rằng nắm bắt được những xu hướng này, du lịch Việt cần thay đổi để phù hợp hơn với khách hàng, mở ra cơ hội lớn cho du lịch nội địa và tạo việc làm cho hàng triệu người…

Chia sẻ về phát triển du lịch trong hoàn cảnh hiện nay, bà Trần Nguyện, Giám đốc kinh doanh của Tập đoàn SunGroup cho biết trong bối cảnh kinh tế suy giảm, người dân bị ảnh hưởng thu nhập nên cũng thắt chặt hầu bao hơn.

Ngành du lịch Việt Nam chỉ có thể phục hồi khi các doanh nghiệp cùng bắt tay tạo nên nhiều gói sản phẩm hấp dẫn về chất lượng dịch vụ và giá cả, hình thành chương trình kích cầu có mức giá hấp dẫn…

Ngoài tham gia kích cầu, SunGroup ưu tiên đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới mẻ, độc đáo, chất lượng cao nhằm gia tăng trải nghiệm cho du khách, đón đầu “làn sóng bùng nổ” du lịch nội địa và sau này là thị trường du lịch quốc tế khi hết dịch. Thời gian qua, tập đoàn đã đưa vào vận hành Khu nghỉ dưỡng suối khoáng cao cấp Onsen Quang Hanh, thung lũng hoa hồng lớn nhất Việt Nam tại Fansipan và tới đây là tuyến cáp treo Cát Hải-Phù Long tại Hải Phòng…

Với những doanh nghiệp lữ hành lớn, đây cũng là thời điểm thích hợp để tiến hành tái cơ cấu, đổi mới thương hiệu. HaNoiRedtours vốn là một đơn vị luôn đi đầu, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động đóng góp vào sự tăng trưởng và phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Vừa qua, HanoiRedtours đã chính thức đổi tên thành Flamingo Redtours.

Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám Đốc Flamingo Redtours chia sẻ năm 2020, Flamingo Redours chính thức bước vào tuổi 25 – độ tuổi vốn được coi là đẹp nhất khi có “trong tay” sức khỏe, sáng tạo của tuổi trẻ, có “độ chín” của trưởng thành.

Đây cũng là năm bản lề, mang đậm dấu ấn của sự đổi mới, tạo tiền đề, động lực để thương hiệu Flamingo Redtours bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Cùng với việc đổi tên, Flamingo Redtours sẽ tiến hành tái cấu trúc cơ cấu nhân sự, bộ máy, đến thay đổi chiến lược, sản phẩm kinh doanh, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, vận hành nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường du lịch.

Có thể nói rằng, dịch bệnh là khách quan không ai mong muốn, nhất là ngành du lịch vốn rất nhạy cảm. Nhưng khi có sự cố xảy ra, toàn ngành đã rất nhanh chóng, đoàn kết, nỗ lực tìm ra phương án tốt để thích nghi, phục hồi, đổi mới để phù hợp xu hướng phát triển mới, quan trọng là đáp ứng kịp thời các xu hướng của du khách./.

Ruộng bậc thang tại xã Chiềng Muôn, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)  
Ruộng bậc thang tại xã Chiềng Muôn, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)  

Du lịch Việt chinh phục khách Việt

Năm 2020, du lịch Việt Nam lần thứ hai phải đối mặt với khủng hoảng do dịch bệnh. Vốn được coi là ngành kinh tế mũi nhọn nên những người làm du lịch nước nhà đã nhanh chóng có kịch bản ứng phó nhằm kích cầu du lịch, thu hút khách nội địa.

Một lần nữa, du lịch nội địa đã khẳng định vai trò “cứu nguy” cho du lịch Việt trong khi chờ phục hồi thị trường quốc tế. Nhiều doanh nghiệp ý thức được rằng đã đến lúc du lịch Việt phải chinh phục du khách Việt, coi đây là thị trường trọng điểm chứ không phải chỉ những lúc cần “cấp cứu.”

Khách nội địa “phá băng” du lịch sau COVID-19

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, ngày càng nhiều người Việt Nam đi du lịch, cả trong nước và quốc tế, thường là vào các dịp nghỉ lễ dài, nghỉ hè, nghỉ Tết. Hàng năm, các hãng lữ hành vẫn thường chào đón khách nội địa với các sản phẩm hấp dẫn, giá cả hợp lý.

Nhiều doanh nghiệp ý thức được rằng đã đến lúc du lịch Việt phải chinh phục du khách Việt, coi đây là thị trường trọng điểm chứ không phải chỉ những lúc cần “cấp cứu.”

Các kỳ hội chợ du lịch uy tín trong nước cũng luôn dành cho du khách các tour giảm giá sâu. Du lịch nội địa cũng được phát động, kích cầu tích cực sau khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh nhằm thu hút khách nội địa, góp phần phục hồi du lịch đang “nằm im” vì ảnh hưởng dịch bệnh.

Du khách tham quan dưới đáy biển ngắm san hô tại vùng biển Phú Quốc. (Nguồn: TTXVN)
Du khách tham quan dưới đáy biển ngắm san hô tại vùng biển Phú Quốc. (Nguồn: TTXVN)

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch (TAB) chia sẻ doanh thu từ ngành du lịch Việt năm 2019 có tới 45% là từ khách nội địa. Bối cảnh dịch bệnh toàn cầu tạo ra “cơ hội vàng” cho du lịch Việt bởi nhớm khách Việt trước đây hay du lịch quốc tế thì nay sẽ quay lại khám phá Việt Nam.

Nhóm khách này có khả năng chi trả cao nên nếu phục vụ tốt, có sản phẩm mới chất lượng thì họ sẽ gắn bó lâu dài hơn với du lịch Việt.

Vậy làm gì để thu hút khách nội địa ủng hộ du lịch trong bối cảnh dịch bệnh? Những người làm du lịch đã tiến hành thành lập và cho ra mắt một liên minh kích cầu với các sản phẩm giảm giá hấp dẫn, chất lượng cao hoặc tăng thêm dịch vụ trong tour.

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhấn mạnh ngành du lịch sống được là dựa vào nguồn khách nên cách tốt nhất để thu hút khách trở lại sau mùa dịch bệnh là phải kích cầu nhanh chóng, quyết liệt để trong 2 tháng có thể khôi phục được hoạt động du lịch nội địa.

Có ý kiến cũng đề cập đến việc giảm giá sâu liệu có kéo theo giảm chất lượng? Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nêu rõ quan điểm là giảm giá nhưng kiên quyết phải giữ vững chất lượng sản phẩm dịch vụ, không những thế còn phải gia tăng thêm giá trị, tiện ích cho khách hàng. Từ đó, khách hàng cảm nhận được đây là cơ hội tốt nhất để đi du lịch.

Toàn cảnh chùa Thiên Mụ. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Toàn cảnh chùa Thiên Mụ. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Sản phẩm du lịch là yếu tố quan trọng nhất để thu hút du khách, nên để kích cầu thành công, mỗi doanh nghiệp lữ hành cần thực sự đầu tư vào sản phẩm. Bởi lẽ vào thời điểm này du lịch chỉ có thể dựa vào khách nội địa, sản phẩm ngoài mức giá tốt, chất lượng cao, hấp dẫn còn phải đảm bảo an toàn mới có thể tạo động lực cho khách hàng quay lại nhiều lần. Nhiều doanh nghiệp cũng cam kết kích cầu giảm giá nhưng không phá giá; xác định du khách nội địa vẫn là nguồn phục vụ chính đến tháng 6/2021…

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kịp thời phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” nhằm đẩy mạnh truyền thông, quảng bá điểm đến, giới thiệu sản phẩm kích cầu du lịch.

Theo dự báo, nếu khống chế được dịch bệnh tốt như hiện nay thì lượng khách nội địa năm 2020 có thể đạt khoảng 60-65 triệu lượt. Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đón khách quốc tế trở lại.

Trong trường hợp có thể bắt đầu đón khách được từ quý 3 thì lượng khách quốc tế đến nước ta năm 2020 có thể đạt từ 6-8 triệu lượt. Nếu đón từ quý 4 thì có thể đạt được 4,5-5 triệu lượt khách quốc tế.

Thu hút du khách Việt để phát triển bền vững

Trong nhiều năm qua, các kỳ hội chợ du lịch uy tín trong nước, quốc tế ở Việt Nam đều dành sự quan tâm đặc biệt cho du khách nội địa với việc tung ra các tour khuyến mãi, vé máy bay giá siêu rẻ.

Các sản phẩm du lịch kích cầu đều thu hút lượng lớn người dân đặt mua nhưng thực sự mới chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu đi du lịch của người dân, nhất là với người dân đi du lịch trong nước.

Theo dự báo, nếu khống chế được dịch bệnh tốt như hiện nay thì lượng khách nội địa năm 2020 có thể đạt khoảng 60-65 triệu lượt. Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đón khách quốc tế trở lại.

Trưởng ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng giám đốc Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan, thành viên Ban điều hành Liên minh kích cầu du lịch Việt Nam chia sẻ thời gian qua, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng do dịch COVID-19, ngành du lịch tiếp tục nhận được sự quan tâm sâu sắc của cả hệ thống chính trị.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhanh chóng phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam,” Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động kích cầu du lịch nội địa ở các khu vực; các địa phương cũng tổ chức nhiều chiến dịch hưởng ứng, thu hút khách đi du lịch.

 Du khách tham quan, nghỉ dưỡng tại Khu du lịch Oceanami, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)
 Du khách tham quan, nghỉ dưỡng tại Khu du lịch Oceanami, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Theo ông Nguyễn Công Hoan, việc khai thác khách nội địa ở Việt Nam không thể chỉ trông chờ vào tình yêu, sự cảm thông của khách mà các doanh nghiệp cần phải xác định là “lữ hành Việt chinh phục du khách Việt.”

Điều quan trọng là các doanh nghiệp lữ hành phải thu hút du khách bằng các sản phẩm hấp dẫn chứ không chỉ là kích cầu, kêu gọi chia sẻ khó khăn với ngành du lịch.

Ông Nguyễn Công Hoan chia sẻ nhiều năm qua, có thể nói là du khách Việt chưa thực sự mặn mà với các sản phẩm du lịch nội địa mà thường chọn xuất ngoại. Lý do vì đâu? Vì giá đi du lịch trong nước còn cao, dịch vụ kém, sản phẩm chưa thu hút, nếu không muốn nói là đơn điệu, nhàm chán.

Thêm vào đó, ý thức phục vụ du khách nội địa chưa được tốt, có phần phân biệt đối xử với khách quốc tế … Do đó, thời gian tới ngành lữ hành cần đổi mới, thay đổi nhiều hơn nữa để chinh phục được nhiều hơn du khách nội địa.

Điều quan trọng là sản phẩm phải được đa dạng hóa hơn, có nhiều sản phẩm du lịch để mọi người dân đều có thể tiếp cận, sản phẩm phải phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Với người có khả năng chi trả thấp thì có các gói tiết kiệm phù hợp; người có khả năng chi trả cao thì sản phẩm chất lượng cao, dịch vụ hấp dẫn, đa dạng để khách không chỉ đi du lịch 1 lần mà còn quay lại.

Flamingo Redtours cũng như nhiều doanh nghiệp cho rằng hiện là thời điểm vàng để kích cầu du lịch nội địa, nhưng tới đây chính là thời điểm vàng để phát triển thị trường du lịch nội địa.

Mục tiêu là phát triển về số lượng khách, sản phẩm, đặc biệt là giá trị sản phẩm du lịch mà ngành cung cấp cho du khách, để thị trường cho du khách Việt phát triển bền vững chứ không chỉ giới hạn ở thời điểm bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Đã đến lúc toàn ngành du lịch, các địa phương phải hành động để tới đây, khi thị trường quốc tế đã phục hồi nhưng du lịch nội địa vẫn được quan tâm đầu tư. Sản phẩm dành cho du lịch nội địa vẫn là trọng điểm; cơ sở hạ tầng dành cho du lịch nội địa vẫn được quan tâm, đầu tư mức độ xứng đáng…

Đây chính là cơ hội để du lịch Việt xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch nội địa đang từ bị động sang vị thế chủ động để phát triển bền vững, dù khó khăn đến mấy cũng có kịch bản ứng phó kịp thời, tự tin với sức mạnh nội tại, sâu rễ, bền gốc thay vì chỉ chăm phần ngọn./.

Khách du lịch vui chơi, tắm biển tại bãi biển Dinh Cậu, thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Khách du lịch vui chơi, tắm biển tại bãi biển Dinh Cậu, thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)