Thiếu điểm đỗ xe ở Hà Nội

Khan hiếm điểm gửi, đỗ xe trở thành vấn đề ngày càng nhức nhối trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt trong khu vực nội đô, một số khu đô thị và bệnh viện…

Do thiếu chỗ gửi xe trầm trọng nên tại một số khu đô thị và bệnh viện lớn, người dân chật vật tìm chỗ gửi xe, phải tìm đến gửi ở các bãi tự phát hoặc đỗ trên vỉa hè, lòng đường.

Tình trạng này không chỉ khiến người dân bức xúc mà còn gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến trật tự an ninh, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Phóng viên TTXVN đã có chùm bài phản ánh thực trạng này và những giải pháp khắc phục bất cập về điểm đỗ xe ở Hà Nội./.

Chật vật chỗ gửi xe bệnh viện

Tuyết Mai-Lê Hồng

Tình trạng quá tải, thiếu chỗ gửi, đỗ xe luôn là vấn đề nóng, gây nhức nhối trong cộng đồng dân cư nhiều năm nay. Do thiếu chỗ gửi xe trầm trọng nên tại một số khu đô thị và bệnh viện lớn người dân chật vật tìm chỗ gửi xe, phải tìm đến gửi ở các bãi tự phát hoặc đỗ trên vỉa hè, lòng đường.

Điệp khúc “hết chỗ”

Mới đầu giờ sáng mà điểm trông giữ xe của Công ty Khai thác điểm đỗ Hà Nội trên phố Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội đã không còn một chỗ trống.

Do thiếu chỗ gửi xe trầm trọng nên tại một số khu đô thị và bệnh viện lớn người dân chật vật tìm chỗ gửi xe, phải tìm đến gửi ở các bãi tự phát hoặc đỗ trên vỉa hè, lòng đường.

Con phố này tập trung nhiều bệnh viện lớn như Bệnh viện Việt Pháp, Bạch Mai, Lão Khoa Trung ương, Da Liễu Trung ương, hàng ngày người dân đến khám chữa bệnh rất đông nên nhu cầu gửi xe của người dân rất lớn. Do diện tích trông giữ xe có hạn nên các bãi trông giữ xe ở các bệnh viện này thường xuyên quá tải.

Hai ngày đến Bệnh viện Bạch Mai để kiểm tra sức khỏe tổng quát nhưng chị Tuyết ở phường Hoàng Liệt đành lủi thủi ra về, không phải vì tình trạng quá tải trong phòng khám mà chị không thể tìm được chỗ gửi xe do các bãi trông giữ xe hết chỗ.

“Theo nhân viên Bệnh viện Bạch Mai đứng ở đầu cổng hướng dẫn, tôi vòng sang các bệnh viện lân cận nhưng đúng lúc các bãi xe này cũng trong tình trạng tương tự. Vào các khu dân cư lân cận cũng không tìm được chỗ gửi xe. Thời tiết thì nắng nóng, oi bức, ngột ngạt, không đủ kiên nhẫn tôi đành gác việc khám bệnh lại lần sau,” chị Tuyết chia sẻ.

Do thiếu chỗ gửi xe trầm trọng nên Bệnh viện Bạch Mai phải thường xuyên trưng biển “Hết chỗ, đề nghị quý khách gửi xe tại khu vực cầu vượt Ngã Tư Vọng,” ngay cả khi đang nhận xe nhằm hạn chế dòng xe đổ về đây.

Ông Phạm Trọng Khuyến, nhân viên hướng dẫn tại cổng Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tình trạng hết chỗ để xe ngày nào cũng xảy ra. Khi Bệnh viện Bạch Mai hết chỗ gửi xe, người ta thường sang gửi ở Bệnh viện Da Liễu, Lão Khoa bên cạnh. Tình trạng hết chỗ gửi xe thường diễn ra vào buổi sáng còn buổi chiều thì đỡ hơn.

Do số bệnh nhân và người nhà ra vào bệnh viện rất đông nên bãi trông giữ xe Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên hết chỗ . (Ảnh: Lê Hồng/TTXVN)
Do số bệnh nhân và người nhà ra vào bệnh viện rất đông nên bãi trông giữ xe Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên hết chỗ . (Ảnh: Lê Hồng/TTXVN)

Theo chị Lê Thanh Hoa, 41 tuổi ở quận Hoàn Kiếm, mấy lần chị vào viện cũng không còn chỗ để xe nên phải đi gửi chỗ khác. “Người dân đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai rất đông nên hết chỗ gửi xe cũng không có gì là lạ,” chị Hoa nói.

Tại bệnh viện Phụ Sản Trung ương tình trạng này lại diễn ra theo cách khác, hầu hết vỉa hè ở đây đều được trưng dụng làm nơi gửi xe máy, ôtô.

Ở cổng vào trên đường Triệu Quốc Đạt, tất cả vỉa hè “chật cứng” xe máy, xe đạp. Vốn là chỗ dành cho người đi bộ nhưng vỉa hè ở hai bên mặt đường này đều trở thành các điểm gửi xe vào bệnh viện.

Bệnh viện phụ sản Trung ương không đủ diện tích trông giữ xe cho người bệnh và người nhà bệnh nhân nên những người muốn vào viện buộc phải gửi xe ở những điểm tư nhân ngoài vỉa hè “Bệnh viện chỉ đủ chỗ để xe cho cán bộ nhân viên của bệnh viện nên bệnh nhân và người nhà phải gửi xe bên ngoài. Vì bệnh viện không có đất nên cũng đành chịu,” ông Vũ Bá Lũy, tổ trưởng đội Bảo vệ bệnh viện Phụ Sản Trung ương phân trần.

Xử lý nghiêm tình trạng “chặt chém”

Dư luận đã lên tiếng nhiều lần về tình trạng “chặt chém” khách gửi xe tại điểm trông giữ xe khu vực Bệnh viện Phụ sản Trung ương trên đường Triệu Quốc Đạt (quận Hoàn Kiếm) nhưng tình trạng này vẫn tái diễn.

Bãi trông giữ này “trưng dụng” toàn bộ vỉa hè phía trước cổng bệnh viện Phụ sản Trung ương khiến người đi bộ phải đi tràn xuống mặt đường. Phương tiện ra vào liên tục để gửi ở bãi đỗ này cũng gây ra tình trạng ùn ứ giao thông, nhất là vào giờ cao điểm.

Bãi trông giữ xe phía ngoài cổng Bệnh viện Phụ sản Trung ương treo biển giá vé trông giữ 5000 đồng/lượt, nhưng theo phản ánh của người dân nhân viên trông giữ vẫn thường xuyên thu 10.000 đồng/lượt xe máy. (Ảnh: Lê Hồng/TTXVN)
Bãi trông giữ xe phía ngoài cổng Bệnh viện Phụ sản Trung ương treo biển giá vé trông giữ 5000 đồng/lượt, nhưng theo phản ánh của người dân nhân viên trông giữ vẫn thường xuyên thu 10.000 đồng/lượt xe máy. (Ảnh: Lê Hồng/TTXVN)

Theo phản ánh của người dân, điểm trông giữ này treo biển giá quy định một đằng nhưng thu một nẻo. Trong khi trên biển ghi giá trông giữ đối với xe máy chỉ 5.000 đồng/lượt nhưng thực tế nhân viên lại thu 10.000 đồng/1 lượt, với ô tô giá vé còn cao hơn nữa. Đối với người nhà bệnh nhân ra vào bệnh viện liên tục thì khoản tiền gửi xe hàng ngày không hề nhỏ.

Chị Phan Thu Hoài, 32 tuổi (Hà Nội) cho biết, bản thân cũng thắc mắc về việc báo giá một đường trả tiền một nẻo, nhưng vì không có chỗ gửi xe nào khác nên mình cũng không hỏi nữa, họ thu thế nào thì mình trả thế đấy thôi.

Theo quy định của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, thời gian cho mỗi lượt gửi xe được tính từ 6 giờ sáng cho tới 18 giờ hàng ngày (ban ngày). Và mức tiền gửi xe máy tại các chợ, trường học, bệnh viện trên địa bàn các quận được phép thu 3.000 đồng/lượt vào ban ngày và 5.000 đồng/lượt vào ban đêm cả ngày và đêm là 7.000 đồng và theo tháng là 70.000 đồng/tháng, nhưng thực tế vẫn xảy ra tình trạng thu quá giá quy định như tại điểm trông giữ xe khu vực Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Tình trạng thiếu chỗ gửi xe ở một số bệnh viện lớn tại thành phố Hà Nội đã diễn ra từ lâu nhưng cho đến nay vẫn chưa thể giải quyết gây ra nhiều hệ lụy.

Để khắc phục tình trạng này, thành phố Hà Nội và các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần có những giải pháp trước mắt và lâu dài trong việc phát triển giao thông tĩnh, bên cạnh đó cần thường xuyên kiểm tra, giám sát để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động trông giữ xe, đặc biệt là tình trạng thu tiền trông giữ xe cao hơn nhiều lần so với quy định “chặt chém” người dân tại các bãi trông giữ xe trên địa bàn./.

Điểm trông giữ xe ôtô dưới gầm cầu Vĩnh Tuy. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)
Điểm trông giữ xe ôtô dưới gầm cầu Vĩnh Tuy. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Hệ lụy và giải pháp

Tuyết Mai-Hồng Thắm

Do thiếu chỗ gửi, đỗ xe, nhất là tại các khu đô thị, bệnh viện, khu vực trung tâm khiến nhiều tuyến đường, vỉa hè tại Thủ đô Hà Nội biến thành bãi đỗ xe máy, ôtô gây mất an ninh, trật tự, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có quy định 56 tuyến phố cấm để xe đạp, xe máy, ôtô trên hè phố, lòng đường nhằm chấn chỉnh tình trạng đỗ xe tùy tiện dưới lòng đường, vỉa hè.

Tràn lan vi phạm

Vỉa hè vốn dành cho người đi bộ nhưng nay bị chiếm làm điểm đỗ xe riêng của nhiều người. Những con phố bỗng chốc bị thu hẹp diện tích vì hàng dài xe hơi nằm sát vỉa hè.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có quy định 56 tuyến phố cấm để xe đạp, xe máy, ôtô trên hè phố, lòng đường nhằm chấn chỉnh tình trạng đỗ xe tùy tiện dưới lòng đường, vỉa hè.  

Theo quan sát, nhiều tuyến đường tại Thủ đô Hà Nội như Nguyễn Khang, Hoàng Đạo Thúy (quận Cầu Giấy), Nhà Chung, Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm), Đội Cấn (quận Ba Đình), Láng Hạ, Xã Đàn (quận Đống Đa), Tố Hữu, Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân)… xe máy và ôtô gần như lấp kín hai bên đường và khu vực vỉa hè dành cho người đi bộ.

Tại phố Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm) ở vỉa hè các tòa nhà, hàng loạt ôtô nằm xếp hàng, ngang dọc lộn xộn. Người đi bộ phải vòng xuống lòng đường hoặc chen vào khoảng trống nhỏ giữa các xe để di chuyển.

“Ở đây việc cấm đỗ và cứ đỗ là hai chuyện khác nhau. Người dân tiện đâu đỗ đấy, phạt thì phải chịu, còn nếu gửi xe thì một số bãi xe thu phí khá cao, đối với ôtô khoảng 30.000 đồng/xe/lượt trở lên, gửi qua đêm dao động trong khoảng từ 70.000-100.000 đồng/xe/lượt,” một người dân trong khu vực phản ánh.

Tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè lòng đường làm bãi giữ xe trên phố Nguyễn Xí. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè lòng đường làm bãi giữ xe trên phố Nguyễn Xí. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Khu vực phố Nhà Chung (quận Hoàn Kiếm), nơi tập trung đông người đến trường học và công viên ở đây cũng xảy ra tình trạng tương tự. Dù có biển cấm nhưng nhiều phụ huynh ra vào đón con vẫn vô tư đỗ xe ở lòng đường, gây ảnh hưởng tới việc lưu thông giao thông.

Ở quận Cầu Giấy, ngay trên mặt đường Nguyễn Khang, ôtô nối đuôi nhau đỗ sát lề đường phía sông Tô Lịch. Phần vỉa hè khoảng 1m cũng bị trưng dụng để làm bãi gửi xe máy có thu phí, mỗi lượt ban ngày 5.000 đồng, ban đêm 8.000 đồng.

Tình trạng thiếu chỗ đỗ xe ở khu chung cư không hiếm mà nơi nào cũng có. Khu chung cư HH Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) luôn là “điểm nóng” quá tải về hạ tầng, môi trường sống bị ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt, khi những bãi giữ xe tự phát tại đây bị đóng cửa thì ôtô đỗ tràn lan trên các vỉa hè, lòng đường.

Tại nhiều chung cư khác cũng trong tình trạng tương tự. Bên ngoài tòa nhà T17 ở khu vực ngã tư Lê Văn Lương-Hoàng Đạo Thúy, ôtô cũng nằm chạy dọc hết tuyến đường.

Bác Phùng Xuân Vượng, bảo vệ bãi đỗ xe tòa nhà cho biết: “Với số lượng cư dân như hiện nay thì không đủ diện tích trông giữ xe, giá gửi xe ôtô từ 1-2 triệu/ tháng cũng quá cao so với mặt bằng thu nhập hiện nay.”

Theo anh Nguyễn Văn Sáng, bảo vệ tòa nhà 101 Láng Hạ, hầm để xe của tòa nhà này có 2 tầng, nhưng vẫn không cung ứng đủ chỗ đỗ cho số lượng xe của cư dân và nhân viên trong tòa nhà.

Kể cả tòa nhà mới xây bên cạnh, hầm gửi xe 3 tầng vẫn không đủ chỗ. Nhiều tòa nhà, chung cư tuy có các khu để xe, nhưng diện tích các tầng hầm, bãi đỗ không cung ứng đủ chỗ gửi cho số lượng xe hiện tại nên người dân buộc phải đỗ xe trên vỉa hè hoặc dưới lòng đường.

Bên cạnh đó, người dân cũng chưa có ý thức trong việc dừng và đỗ xe đúng nơi quy định, vẫn đỗ xe tùy tiện, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường mặc dù biển cấm đỗ xe ngay bên cạnh.

Ông Hồ Trọng Thắng, người dân ở cạnh bãi đỗ xe tự phát trên phố Láng Hạ bày tỏ, một số vỉa hè trước các tòa nhà kín gần hết lối đi do nhiều người để xe ở đây, nhưng cũng phải thông cảm cho họ vì các bãi đỗ xe nhiều nơi cũng hết chỗ.

Theo kiến nghị của một số người dân, để giảm thiếu tình trạng dừng đỗ xe sai quy định thành phố cần quy hoạch các khu, bãi đỗ xe hợp lý. Đối với chung cư, nên quy định số xe/phòng, tránh trường hợp xe khách nhiều hơn xe nhà. Đồng thời, có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với người vi phạm.

Giải pháp trước mắt và lâu dài

Trước tình trạng khan hiếm điểm đỗ xe, nhiều người cho rằng Hà Nội cần tính tới khả năng cấp phép cho các bãi trông giữ xe tạm tại các lô đất dự án chưa triển khai, đất lưu thông; nhiều khu vực vỉa hè lòng đường khá rộng có thể sử dụng một phần cho việc trông giữ phương tiện.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông – Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, bất cập của vấn đề giao thông tĩnh hiện nay là việc xây dựng các bến xe, bãi đỗ xe theo quy hoạch trên địa bàn vẫn đang trong quá trình triển khai.

Điểm trông giữ xe ôtô dưới gầm cầu Vĩnh Tuy. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)
Điểm trông giữ xe ôtô dưới gầm cầu Vĩnh Tuy. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Các bãi đỗ xe trong các khu đô thị, chung cư, bệnh viện khi xây dựng đưa vào sử dụng không đáp ứng đủ nhu cầu đỗ xe trong khu vực. Mặt khác, tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân luôn lớn hơn so với tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố.

Chính vì sự bất cập trên dẫn đến trên địa bàn vẫn còn những “điểm nóng” khan hiếm điểm gửi, đỗ xe, tập trung chủ yếu ở các quận nội thành như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hoàng Mai,… dẫn đến các vi phạm chủ yếu gồm tổ chức trông giữ xe khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, đỗ xe trái phép trên vỉa hè, lòng đường,..

Theo ông Nguyễn Đức Toàn, để giải quyết nhu cầu cấp bách về trông giữ xe cho người dân, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã báo cáo, đề xuất Ủy ban Nhân dân Thành phố cho phép tổ chức triển khai trông giữ xe tại các khu đất xen kẹt, đất dự án nhưng chậm triển khai để đáp ứng nhu cầu đỗ xe của người dân và giao cho Ủy ban Nhân dân các quận, huyện quản lý nhưng phải đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, có quy trình trông giữ, thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

Sở Giao thông Vận tải yêu cầu các điểm trông giữ phải đảm bảo các vị trí ra, vào bãi trông giữ xe tiếp giáp với đường, phố phải được gia cố nhằm đảm bảo êm thuận, an toàn giao thông, bố trí nhân viên hướng dẫn phương tiện ra vào.

Ngoài ra, đối với khu vực lòng đường, vỉa hè chiều rộng đảm bảo theo quy định, ngoài các văn bản nêu trên, Sở Giao thông Vận tải đã báo cáo đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt danh mục các tuyến đường, phố đủ điều kiện trông giữ xe để làm căn cứ tổ chức lựa chọn các đơn vị trông giữ có năng lực trông giữ xe trên vỉa hè, dưới lòng đường trên địa bàn thành phố (hiện tại, Ủy ban Nhân dân thành phố đã xin ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải trước khi phê duyệt)./.

Diện tích đất dành cho giao thông tĩnh và các điểm bãi đỗ xe công cộng đang thiếu trầm trọng, mới chỉ đáp ứng được khoảng 8%-10% nhu cầu đỗ xe. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)
Diện tích đất dành cho giao thông tĩnh và các điểm bãi đỗ xe công cộng đang thiếu trầm trọng, mới chỉ đáp ứng được khoảng 8%-10% nhu cầu đỗ xe. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)