Nhận bảo hiểm xã hội một lần: Thiệt thòi cho người lao động

Theo số liệu của liệu Tổng cục Thống kê, đại dịch COVID-19 đã làm hàng triệu người lao động Việt Nam phải tạm nghỉ, mất việc làm. Thất nghiệp, mất việc làm kéo theo số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giảm, đáng lưu ý, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần đang gia tăng. Việc lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, điều này trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi trước mắt và về lâu dài của người lao động.

Hệ lụy lâu dài…

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến hết tháng 3, số người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc khoảng 15 triệu người (giảm 175.000 người so thời điểm hết năm 2019); bảo hiểm xã hội tự nguyện khoảng 508.000 người (giảm 16.000 người người so hết năm 2019), bảo hiểm thất nghiệp khoảng 13,2 triệu người (giảm 149.000 người so hết năm 2019|); bảo hiểm y tế khoảng 84,6 triệu người (giảm 1,35 triệu người so với thời điểm hết năm 2019)…

Nguyên nhân chính của tình trạng giảm số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là do nhiều đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, người lao động bị mất việc làm và đời sống người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Chỉ riêng trong tháng 3, ngành bảo hiểm xã hội đã phải giải quyết cho gần 69.000 người hưởng trợ cấp một lần; phối hợp với ngành Lao động-Thương binh và Xã hội giải quyết cho gần 54.000n người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp và gần 1.500 người hưởng chế độ hỗ trợ học nghề…

Người lao động làm thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Khi lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn so với khi hưởng lương hưu.

Trước thực trạng gia tăng số người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần, các chuyên gia cho rằng trong thời điểm dịch bệnh khó khăn này, người lao động cần tỉnh táo, suy xét, tiếp tục tham gia thay vì rút bảo hiểm xã hội một lần. Bởi nhận bảo hiểm xã hội một lần chỉ có thể giải quyết nhu cầu kinh tế trước mắt, nhưng về lâu dài, sẽ rất thiệt thòi khi hết tuổi lao động.

Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam phân tích: Khi lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn so với khi hưởng lương hưu. Nếu người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần, người lao động sau này tham gia lại bảo hiểm xã hội sẽ không được cộng nối thời gian đóng bảo hiểm xã hội, mà tính thành thời gian đóng bảo hiểm xã hội mới.

Người lao động sẽ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, không có thu nhập để bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động; mất nguồn tài chính hỗ trợ và ổn định cuộc sống lâu dài khi bị suy giảm khả năng lao động, hết tuổi lao động; hoặc nếu khi nghỉ hưu vẫn đủ thời gian được hưởng lương hưu nhưng do thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn cho nên mức hưởng lương hưu sẽ thấp…

Đặc biệt, theo tính toán, với việc nhận bảo hiểm xã hội một lần người lao động phải chấp nhận sự thiệt thòi rất lớn, khi với 22% mức tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thì một năm tổng mức đóng là 2,64 tháng lương. Trong khi, theo quy định mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014 và 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Theo tính toán, với việc nhận bảo hiểm xã hội một lần người lao động phải chấp nhận sự thiệt thòi rất lớn, khi với 22% mức tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thì một năm tổng mức đóng là 2,64 tháng lương.

Nếu người lao động tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ khi nghỉ hưu sẽ hưởng mức lương hưu được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế. Như nếu nhận bảo hiểm xã hội một lần, người lao động sẽ thiệt thòi khi chưa đến tuổi nghỉ hưu đã tiêu hết tiền dưỡng già.

Nếu không có chế độ hưu trí, người lao động khi về già sẽ phải phụ thuộc vào con, cháu và xã hội; nếu không may bị bệnh, không có thẻ bảo hiểm y tế, họ còn phải đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chi phí khám chữa bệnh chỉ sau một lần mắc bệnh và nằm viện thời gian dài, từ đó phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, kiệt quệ, trở thành gánh nặng đối với gia đình và xã hội.

Còn những chính sách hỗ trợ khác

Trong thời điểm khó khăn do đại dịch, nếu không may bị thất nghiệp, người lao động nên đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp học nghề; đăng ký nhận chế độ hỗ trợ từ gói an sinh của Chính phủ. Đợi qua đợt khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra, nền kinh tế tiếp tục được vận hành, người lao động có cơ hội trở lại thị trường lao động, tiếp tục được đóng bảo hiểm xã hội để cộng nối thời gian tính hưởng lương hưu sau này.

Quyền lợi người lao động được hưởng với chế độ bảo hiểm thất nghiệp gồm: Được hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp (tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc 5 lần mức lương tối thiểu vùng); được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế khi không may ốm đau; được hỗ trợ học nghề (tối đa 1 triệu đồng/người/tháng); được hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Chính phủ cũng đã có gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng cho hơn 20 triệu người, trong đó có người lao động mất việc làm, thiếu việc làm, bị giảm thu nhập để giải quyết khó khăn trước mắt. Vì vậy, người lao động cần tỉnh táo, suy xét tìm hiểu các chính sách hỗ trợ để vượt qua thử thách, giữ và tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội để bảo đảm an sinh xã hội khi tuổi già.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho hay: “Qua các phương tiện truyền thông, tôi thấy những ngày vừa qua, nhiều người lao động ở một số tỉnh phía Nam đã bán sổ bảo hiểm xã hội, đăng ký nhận bảo hiểm xã hội một lần sau một năm công ty phá sản, ngừng hoạt động… Tôi chia sẻ và đồng cảm với người lao động trong điều kiện cuộc sống hiện nay.”

“Tuy nhiên, bảo hiểm xã hội là chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội như ‘của để dành’, được Nhà nước bảo hộ nhằm bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho họ khi hết tuổi lao động. Khi nhận bảo hiểm xã hội một lần, người lao động sẽ bị mất khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội tính đến thời điểm nhận,” ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Trong thời điểm khó khăn do đại dịch, nếu không may bị thất nghiệp, người lao động nên đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp học nghề; đăng ký nhận chế độ hỗ trợ từ gói an sinh của Chính phủ.

Trong thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phối hợp các cơ quan liên quan tăng cường công tác truyền thông để người lao động và nhân dân thấy rõ hơn về ý nghĩa, vai trò, lợi ích của chính sách bảo hiểm xã hội,bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong việc ổn định đời sống người dân,nhất là trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp và khó khăn này; khuyến cáo người lao động không thực hiện mua bán sổ bảo hiểm xã hội, ký hợp đồng ủy quyền giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần, hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người khác nếu không có lý do chính đáng…

Mặt khác, để quản lý chặt chẽ việc quản lý sổ bảo hiểm xã hội khi giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, ngăn chặn tình trạng thu gom, mua bán sổ bảo hiểm xã hội của người lao động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thống nhất cho phép cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp tạm thời không nhận hồ sơ của người lao động ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ và nhận hộ tiền hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần trừ trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn lao động không thể đến cơ quan bảo hiểm xã hội (có Giấy xác nhận của cơ sở y tế về tình trạng sức khỏe của người ủy quyền). Đây là biện pháp để tránh tình trạng lạm dụng và thu gom, mua bán sổ bảo hiểm xã hội như thời gian vừa qua./.