Báo chí

ttxvnnhaba-1588583224-13.jpg

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ Cách mạng vĩ đại của dân tộc ta, đồng thời là nhà báo lớn khai sinh nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Năm 1921, tại Pháp, Người đã sáng lập ra tờ báo Le Paria (Người cùng khổ), cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp thuộc địa, kiêm cả viết, chủ nhiệm, chủ bút, chữa bài, thủ quỹ, xuất bản và liên lạc. Người đã viết 38 bài (trung bình một số báo viết một bài).

Năm 1925, Người đã sáng lập ra tờ báo Thanh niên (ra số 1 ngày 21/6/1925) và chỉ đạo suốt 88 số báo.

Năm 1941, Người sáng lập tờ Việt Nam độc lập, gọi tắt là Việt Lập và trực tiếp chỉ đạo 36 số đầu (số 1 ra ngày 1/8/1941 và số 36 ra ngày 11/2/1942). Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên ra đời trong nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết báo trên 50 năm với khoảng trên dưới 2.000 bài, trong đó có 1.524 bài báo được viết với 53 bút danh khác nhau  

Kể từ bài báo đầu tiên, đúng với ý nghĩa một bài báo, là bài “Vấn đề người bản xứ” đăng trên l’Humanité ngày 2/8/1919 (có quan niệm cho rằng bài báo đầu tiên của Bác là bài “Yêu sách của nhân dân An Nam” mà đồng chí Nguyễn Ái Quốc ký tên đề gửi các đại biểu các nước dự Hội nghị Versailles năm 1919, đồng thời được đăng lên 2 tờ báo xuất bản ở Paris là l’Humanité và le Populaire de Paris cùng ngày 18/6/1919) cho đến bài cuối cùng trước khi Người qua đời là “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng” ký T.L đăng trên báo Nhân Dân ngày 1/6/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết báo trên 50 năm với khoảng trên dưới 2.000 bài, trong đó có 1.524 bài báo được viết với 53 bút danh khác nhau (không kể bút danh trên sách).

Bác Hồ dành sự quan tâm đặc biệt đối với báo Nhân Dân. Kể từ bài đầu tiên “Phong trào mua công trái” đăng trên số 1, ngày 11/3/1951, đến bài cuối cùng, Người đã viết 1.205 bài.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin để soi sáng những vấn đề của cách mạng Việt Nam trên mọi lĩnh vực chính trị-kinh tế-xã hội, trong đó có hoạt động báo chí.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là người sáng lập Đảng, Nhà nước, vừa là người khai sinh nền báo chí cách mạng của đất nước, đồng thời là một nhà báo vĩ đại. Cùng với các tác phẩm báo chí xuất sắc, Bác Hồ còn để lại cho chúng ta di sản đặc biệt - tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, phong cách làm báo cách mạng và nghệ thuật làm báo cách mạng. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là người sáng lập Đảng, Nhà nước, vừa là người khai sinh nền báo chí cách mạng của đất nước, đồng thời là một nhà báo vĩ đại. Cùng với các tác phẩm báo chí xuất sắc, Bác Hồ còn để lại cho chúng ta di sản đặc biệt – tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, phong cách làm báo cách mạng và nghệ thuật làm báo cách mạng. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Bằng thiên tài của mình, từ đỉnh cao của trí tuệ loài người là chủ nghĩa Marx-Lenin và từ thực tiễn sinh động của cách mạng Việt Nam, Người am hiểu sâu sắc hoạt động báo chí, coi báo chí là một thứ vũ khí cách mạng sắc bén và đã sử dụng báo chí một cách tài tình để tuyên truyền cách mạng, để vận động nhân dân tham gia sự nghiệp cách mạng.

Với hàng nghìn bài báo, hàng chục bút danh đề cập toàn bộ các vấn đề rộng lớn của cách mạng, của đời sống xã hội, Người đã để lại một di sản báo chí quý báu. Không những thế, Người đã viết và dạy những người làm báo cách viết báo để sao cho tác phẩm báo chí đạt hiệu quả cao nhất.

Trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lớp viết báo đầu tiên Huỳnh Thúc Kháng, Người viết: “Muốn viết báo thì cần: 1 – Gần gụi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực; 2- Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người; 3- Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu; 4 – Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ. Các bạn nên thi đua nhau, thi đua một cách thiết thực để cùng nhau tiến bộ.”

Người có nhiều bài nói về công việc viết báo, chia sẻ kinh nghiệm viết báo với đồng nghiệp hoặc cán bộ cấp dưới. Trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ ba của Hội Nhà báo Việt Nam ngày 8/9/1962, Bác nói: “Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm.”

Báo chí là một hình thức đặc biệt của giao tiếp ngôn ngữ. Với riêng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người xác định:

1-Viết cái gì? Viết những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của bạn bè ta. Đồng thời để phê bình khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, nhân dân, bộ đội.

2-Viết cho ai? Viết cho công-nông-binh, viết cho mọi tầng lớp người Việt Nam, không phân biệt già trẻ, nam nữ, tôn giáo, đảng phái.

3-Viết để làm gì? Viết để tuyên truyền, để giác ngộ, để đoàn kết, để thức tỉnh quần chúng.

4-Viết thế nào? Viết phải gọn gàng, sáng sủa, mạch lạc, có đầu có đuôi, có nội dung.” (Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Nxb Văn học. H.1981).

Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò nữ phóng viên Tuệ Oanh của Việt Nam Thông tấn xã về cách viết tin trong dịp đưa tin cuộc bầu cử Quốc hội khóa III (1964). (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò nữ phóng viên Tuệ Oanh của Việt Nam Thông tấn xã về cách viết tin trong dịp đưa tin cuộc bầu cử Quốc hội khóa III (1964). (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói và viết cho công-nông-binh, tức là cho đại đa số nhân dân. Vì xác định được đối tượng của báo chí nên Người luôn tâm niệm “Viết và nói phải có mục đích, có nội dung.” Chính vì thế mà Người nói và viết dù chỉ một câu cũng làm cho người dân bình thường nhất hiểu và làm theo được. Trả lời câu tự hỏi: “Nói và viết như thế nào?,” Người khẳng định: “Viết thế nào cho phổ thông, dễ hiểu.” Bởi vì, với đối tượng là quần chúng và mục đích là vì nhiệm vụ cách mạng, thì tính phổ thông, dễ hiểu là cách giao tiếp chủ yếu.

Nói chuyện với các nhà báo tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (8/9/1962), Bác góp ý với các nhà báo:

– Bài báo thường quá dài, “dây cà ra dây muống”, không phù hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng.- Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta.- Đưa tin tức hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng.- Thiếu cân đối, tin nên dài thì viết ngắn, nên ngắn lại viết dài; nên để sau thì để trước, nên trước lại để sau.- Lộ bí mật.- Có khi quá lố bịch.- Khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi dùng không đúng.”

Tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam 16/4/1959, Người căn dặn các nhà báo rất nhiều điều, trong đó quan trọng là: “… tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành…) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng.”

Đây là tư tưởng lớn xuyên suốt toàn bộ đường lối thông tin đại chúng của Đảng ta trong nhiều thập kỷ, mặc dù cách diễn đạt của từng văn kiện lúc này, lúc khác không giống nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” (trích bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam).

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”

Ở đây, Người muốn nhấn mạnh đến tính giai cấp, tính khuynh hướng chi phối bởi ý thức hệ của các phương tiện thông tin đại chúng. Bất cứ một phương tiện thông tin đại chúng nào khi lập một chương trình, xây dựng một chuyên đề, xuất bản một tác phẩm, thể hiện một đề tài đáp ứng nhu cầu của đối tượng nghe, nhìn… đều chịu sự chi phối của định hướng chính trị.

Ngoài định hướng chính trị tốt, Người còn dặn những người làm báo phải nâng cao chất lượng báo chí: “Chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách; còn phải trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; đi sâu vào thực tiễn, đi sâu vào quần chúng lao động” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1995, tập 10, tr.616); Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 5 khóa VIII nhấn mạnh: “Không ngừng nâng cao trình độ chính trị và nghề nghiệp, chất lượng tư tưởng, văn hóa của hệ thống thông tin đại chúng. Khắc phục xu hướng thương mại hóa trong hoạt động báo chí xuất bản.”

Ngày 8/1/1946, Bác căn dặn các cán bộ tuyên truyền: “Tuyên truyền, anh em nên chú ý một điều này nữa là bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực. Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe. Ta đừng bắt chước những nước tuyên truyền tin chiến tranh quá sai lạc sự thực.”

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo và nhân viên phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9/1960). (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo và nhân viên phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9/1960). (Ảnh: TTXVN)

Tính chân thật luôn được xem là đạo đức của người làm báo cách mạng. Vì thế, báo chí cách mạng Việt Nam là tiếng nói của Đảng và là diễn đàn của nhân dân. Báo chí đã phản ánh những ý kiến xây dựng của nhân dân, nói lên tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của dân đối với công cuộc xây dựng đất nước.

Đồng thời báo chí cũng quyết liệt chống nạn tham nhũng, buôn lậu; chống lại tội ác và các tệ nạn xã hội; chống lại những biểu hiện tha hóa, sa sút về phẩm chất, đạo đức và lối sống. Với việc làm đó, báo chí đã đem đến cho công chúng niềm tin ở sự thật, tin ở sự nghiêm minh của pháp luật, đặc biệt tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin vào truyền thống cách mạng và nhân văn của nhân dân ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhận định: “Báo chí của ta đã có một địa vị quan trọng trong dư luận thế giới. Địch rất chú ý, bạn rất quan tâm đến báo chí ta. Cho nên làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung và cách viết” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, tr.615). Nhận định này của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng đã được phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, cả loại hình lẫn tần số xuất bản.

“Làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung và cách viết” (Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Tư tưởng này được các Đại hội Đảng trước đây đề cập và đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII: “Xây dựng và từng bước thực hiện chiến lược truyền thông quốc gia phù hợp đặc điểm nước ta và xu thế phát triển thông tin đại chúng của thế giới. Đẩy mạnh thông tin đối ngoại. Tận dụng thành tựu của mạng Internet để giới thiệu công cuộc đổi mới và văn hóa Việt Nam với thế giới, đồng thời có biện pháp hiệu quả ngăn chặn, hạn chế tác dụng tiêu cực qua mạng internet cũng như qua các phương tiện thông tin khác.” “… cần nâng cao hơn nữa chất lượng của báo chí để nó làm tròn nhiệm vụ cao cả của nó… Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, tr 613-616).

Chất lượng của báo chí ở đây Bác muốn nói đến nội dung bài viết và cả cách bố trí, trình bày. “Các báo thường có ảnh và tranh vẽ. Đó là một tiến bô nhưng ảnh thì thường lèm nhèm, vẽ thì chưa khéo lắm. Cần phải cố gắng nhiều hơn nữa” (Sđd, tr. 616). Đó vừa là câu động viên, vừa là lời nhắc nhở bởi vì những phương tiện thông tin đại chúng những năm 60 còn nhiều yếu kém. Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) nhấn mạnh đến vai trò của công nghệ mới trong lĩnh vực thông tin đại chúng: “Sắp xếp lại và quy hoạch hợp lý hệ thống truyền hình, phát thanh, thông tấn, báo chí, xuất bản, thông tin mạng nhằm tăng hiệu quả thông tin, tránh lãng phí… Chăm lo… về kỹ thuật hiện đại đối với truyền hình là loại báo chí có ưu thế lớn, có sức thu hút công chúng đông đảo.”

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí là vũ khí đấu tranh cách mạng. Người là người thầy của các thế hệ nhà báo. Những lời dạy của Người đối với các nhà báo luôn là những lời dạy quý báu, được truyền từ thế hệ nhà báo hôm nay đến thế hệ các nhà báo mai sau./.