Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 19/5/1890, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời tại quê mẹ là làng Hoàng Trù (thường gọi là làng Chùa), xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Đối với mỗi người dân Việt Nam, đây là ngày rất thiêng liêng, ngày đã đi vào lịch sử của dân tộc.  

Ngày 19/5/2020, nhân dân Việt Nam tổ chức kỷ niệm lần thứ 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhân dịp này, VietnamPlus xin giới thiệu về những sự kiện và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày sinh của Người, để giúp bạn đọc hiểu thêm chút ít đời thường của vị Chủ tịch nước, con người mà cả cuộc đời “chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” và “Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi.”

Ngày 19/5/1946: Lần đầu tiên sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Tại Bắc Bộ phủ, Bác Hồ đã tiếp đại biểu thiếu nhi Thủ đô, tự vệ, hướng đạo sinh và các đại biểu Nam Bộ đến chúc thọ Người.

 Học sinh trường Trung học Trưng Vương (Hà Nội) đến chúc mừng sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1956). (Nguồn: TTXVN)
 Học sinh trường Trung học Trưng Vương (Hà Nội) đến chúc mừng sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1956). (Nguồn: TTXVN)

Người chụp ảnh chung với các cháu thiếu nhi và nói chuyện với các đại biểu Nam Bộ. Người nói: “Thật ra, các báo ở đây làm to sinh nhật tôi, chứ tuổi 56 chưa có gì đáng chúc thọ, cũng hãy còn như thanh niên cả, mà trước các anh, các chị, trước cảnh êm vui ở Bắc đây, tôi thật thấy làm xẩu hổ rằng trong Nam chưa được thái bình.”

Ngày 19/5/1946, lần đầu tiên sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Tại Bắc Bộ phủ, Bác Hồ đã tiếp đại biểu thiếu nhi Thủ đô, tự vệ, hướng đạo sinh và các đại biểu Nam Bộ đến chúc thọ Người.

Sau đó, Người tiếp và nói chuyện với các phóng viên Hãng Thông tấn Pháp AFP tại Hà Nội về tình hình của hội nghị trù bị Đà Lạt.

Ngày 19/5/1947: Tại Việt Bắc, nhân ngày sinh của Bác, các đồng chí phục vụ chuẩn bị sẵn một bó hoa rừng mang đến chúc thọ Bác. Bác rất xúc động khi nhận được bó hoa này và đề nghị dành những bông hoa đó để đi viếng mộ đồng chí Lộc* vừa mới mất vì bị bệnh sốt rét.

Cùng ngày, Người rời Sơn Dương, Tuyên Quang đến một địa điểm mới.

Ngày 19/5/1948: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, đoàn thể, bộ đội, đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài đã gửi thư chúc mừng nhân ngày sinh của Người.

 Đến thăm nhà máy xe lửa Gia Lâm vào đúng ngày sinh nhật 19/5/1955, Người nhắc nhở công nhân, cán bộ phát huy truyền thống cách mạng của nhà máy, ra sức xây dựng miền Bắc, ủng hộ miền Nam.(Ảnh tư liệu)
 Đến thăm nhà máy xe lửa Gia Lâm vào đúng ngày sinh nhật 19/5/1955, Người nhắc nhở công nhân, cán bộ phát huy truyền thống cách mạng của nhà máy, ra sức xây dựng miền Bắc, ủng hộ miền Nam.(Ảnh tư liệu)

Bức thư có đoạn: “Đồng bào yêu mến tôi, chúc thọ tôi, tôi biết lấy gì, nói gì để báo đáp lại lòng thân ái ấy? Tôi chỉ có một cách báo đáp là kiên quyết cùng đồng bào chịu cực khổ, quyết cùng đồng bào kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn…”

Buổi tối ở An toàn khu, Văn phòng tổ chức một buổi tiệc trà và văn nghệ mừng sinh nhật Bác.

Ngày 19/5/1949: Chủ tịch Hồ Chí Minh không muốn tổ chức lễ mừng ngày sinh của mình, vả lại lúc này tình hình chiến sự đang ác liệt, vì thế khi trả lời một số cán bộ đề nghị tổ chức sinh nhật Bác, trước ngày 19/5, Người đã làm bài thơ “Không đề”:

Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà,Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già.Chờ cho kháng chiến thành công đã,Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta.

Ngày 19/5/1950: Tại “Chủ tịch phủ” trong An toàn khu ở Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham dự buổi lễ mừng thọ do Chính phủ tổ chức.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc ở căn cứ Việt Bắc. (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc ở căn cứ Việt Bắc. (Ảnh tư liệu)

Trước ngày 19/5, tại một cuộc họp cán bộ các cơ quan Trung ương ở Thác Dẫng, tỉnh Tuyên Quang, để cảm ơn và đáp lại lời chúc thọ của mọi người, Bác đã làm bài thơ:

“Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán,So với ông Bành vẫn thiếu niênĂn khoẻ, ngủ ngon, làm việc khoẻ,Trần mà như thế kém gì tiên.”

Ngày 19/5/1951: Buổi tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện với đại biểu Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận…đến chúc thọ. Người còn tiếp và trả lời các câu hỏi của các nhà báo về chính sách của Chính phủ, về quan hệ Quốc tế và vấn đề hoà bình thế giới.

Ngày 19/5/1952: Buổi sáng, sau khi tiếp Tổng Bí thư Trường Chinh, Trưởng Ban thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn, Chủ tịch Mặt trận Liên-Việt Tôn Đức Thắng, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các đại biểu Đảng, đoàn thể và các cháu thiếu nhi đến chúc mừng sinh nhật, Bác và các đại biểu vui chơi cùng các cháu.

Ngày 19/5/1953: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm các cháu lớp mẫu giáo nhỏ tuổi, con em của các đồng chí cán bộ các cơ quan Trung ương. Bác nhắc các cô giáo phải cố gắng nuôi và dạy các cháu cho chu đáo. Bác còn chụp ảnh chung với cô giáo và các cháu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chia kẹo cho các cháu nhi đồng ở nhà trẻ của con em công nhân nhà máy cao su Sao Vàng, xà phòng Hà Nội và thuốc lá Thăng Long. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chia kẹo cho các cháu nhi đồng ở nhà trẻ của con em công nhân nhà máy cao su Sao Vàng, xà phòng Hà Nội và thuốc lá Thăng Long. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Cùng ngày, Bác ký sắc lệnh số 161/SL thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho bộ đội Kiến An (Hải Phòng).

Trước ngày 19/5, Bác làm bài thơ chữ Hán, với nhan đề “Thất cửu” (Sáu mươi ba tuổi):

“Chưa năm mươi đã kêu già,Sáu ba, mình vẫn nghĩ là đương trai.Sống quen thanh đạm nhẹ người,Việc làm tháng rộng ngày dài ung dung.”

Ngày 19/5/1955: Bác đi thăm cán bộ và công nhân nhà máy xe lửa Gia Lâm (Hà Nội). Người ân cần thăm hỏi tình hình đời sống, công việc của anh chị em công nhân nhà máy. Người căn dặn cán bộ và công nhân nhà máy phải đoàn kết chặt chẽ và thi đua lao động sản xuất.

Ngày 19/5/1957: Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Chùa Thầy, ở Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Tây.

Ngày 19/5/1958: Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Chùa Hương Tích (Hà Tây). Người ghé thăm chùa Thiên Trù, lên động Tiên Sơn, sau đó vào thăm chùa Chính (Động Hương Tích). Trên đường về, Người căn dặn cán bộ, nhân dân địa phương phải trồng nhiều cây dọc hai bờ suối Yến, bảo vệ và xây dựng thắng cảnh đẹp hơn để đón nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.

Ngày 19/5/1959: Hồ Chủ tịch đi thăm nhà máy rượu Hà Nội. Khi thăm các phân xưởng của nhà máy, thấy công nhân phải làm những công việc nặng nhọc, Bác nói với cán bộ nhà máy: “Các chú phải cải tiến để tăng năng suất, giảm bớt sức lao động.”

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Nhà máy Rượu Hà Nội ngày 19/5/1959. (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Nhà máy Rượu Hà Nội ngày 19/5/1959. (Ảnh tư liệu)

Cùng ngày, Bác đến thăm và vãn cảnh chùa Tây Phương ở xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây.

Những năm 1960, 1961, 1962, 1965 và 1966, vào những dịp sinh nhật, Bác thường ra nước ngoài – sang thăm Trung Quốc, Người nói: “Tôi sang đây vào dịp này là để tránh việc chúc thọ ở trong nước. Vì vậy tôi yêu cầu các đồng chí cũng không tổ chức chúc thọ.” Người còn nói lại điều này với Nguyên soái Trung Quốc Diệp Kiếm Anh.

Ngày 19/5/1960: Tại Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự bữa cơm thân mật do ông Vi Quốc Thanh tổ chức tại nhà riêng ở Nam Ninh.Sau đó, Người đi xem các cháu thiếu nhi Trung Quốc biểu diễn văn nghệ và tặng kẹo cho các cháu.

Ngày 19/5/1961: Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ở thăm Vô Tích (Trung Quốc), Chủ tịch Mao Trạch Đông và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính phủ Trung Quốc chúc mừng sinh nhật lần thứ 71 của Người.

Rời Vô Tích, Người đến thăm Hồ Nam-Quê hương của Chủ tịch Mao Trạch Đông, thăm ngôi nhà cũ của Mao Trạch Đông ở Thiều Sơn, thăm thành phố Trường Sa, thủ phủ của Hồ Nam. Người lên núi Nhạc Lộ ngắm thành phố, thăm Ái Vãn Đình, Thanh Thuỷ Đường, Trường Sư phạm Hồ Nam I và du thuyền trên sông Tương.

Ngày 19/5/1962: Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ở thăm tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Buổi tối, Người dự buổi dạ hội văn nghệ nhỏ do các bạn Quảng Tây tổ chức chào mừng ngày sinh của Người ở khách sạn Tây Viên. Người đã mời các nhân viên phục vụ cùng đến xem.

Ngày 19/5/1965: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trung Quốc. Buổi sáng, Người nghe đồng chí thư ký báo cáo về tình hình đất nước, nghe tin chiến thắng của quân Giải phóng miền Nam.

Chủ tịch Mao Trạch Đông tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 1955. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
Chủ tịch Mao Trạch Đông tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 1955. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Sau đó, Người rời Bắc Kinh đi thăm quê hương của Khổng Tử. Tới thăm di tích Khổng Phủ, qua Khổng Miếu, Khổng Lâm, Người nói nhiều về quan niệm “lấy dân làm gốc” của Khổng Tử và Mạnh Tử.

Trên đường trở về Tế Nam, Người đã làm bài thơ chữ Hán. Phỏng Khúc Phụ:

“Mười chín tháng năm thăm Khúc PhụMiếu xưa vẫn dưới bóng tùng xưaUy quyền họ Khổng giờ đâu nhỉ?Lấp loáng bia xưa chút ánh tà.”

Ngày 19/5/1966: Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Trung Quốc, Người dự bữa cơm với các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc. Buổi tối, Người cùng Uỷ viên trưởng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Chu Đức và phu nhân xem vở balê Bạch Mao Nữ.

Ngày 19/5/1968: Chủ tịch Hồ Chí Minh sửa và bổ sung vào bản Di chúc lịch sử mà Người bắt đầu thảo từ ngày 10/5/1965.

Bác tiếp thân mật một số cán bộ đến chúc thọ Người tại nhà nghỉ Hồ Tây.

Cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bác tiếp các chị Phan Thị Quyên (vợ liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi) và chị Nguyễn Thị Châu. Bác mời hai chị dự bữa cơm trưa cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng và một số chiến sỹ bảo vệ, phục vụ và lái xe nhân dịp sinh nhật Người.

Buổi chiều, Bác tiếp các bác sỹ đến kiểm tra sức khỏe; tiếp các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị và một số cán bộ đến chúc thọ Người. Bác gửi một lẵng hoa tặng: “Đại hội dũng sỹ giao thông vận tải thắng Mỹ.”

Tại lễ khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa III (20/5/1968), sau khi nghe Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc báo cáo và lời chúc thọ, Bác nói:…”Lần trước tôi có nói là những thắng lợi của chiến sỹ và đồng bào hai miền làm cho tôi thấy như mình trẻ lại 20 tuổi. Nhưng nay nghe nói 78 tuổi, thì tôi thấy già đi. Vì vậy tôi có bài thơ thế này:

Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm,Vẫn vững hai vai việc nước nhà.Kháng chiến dân ta đang thắng lớn,Tiến bước, ta cùng con em ta.”

Ngày 19/5/1969, sinh nhật cuối cùng của Bác. Sau khi tiếp các cháu là con của các đồng chí phục vụ đến chúc thọ, Bác xem kỹ lại toàn bộ các bản viết Di chúc của Người vào các năm 1965, 1968 và 1969.

Bác tiếp chị Phan Thị Quyên (vợ liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi) và chị Nguyễn Thị Châu – Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Thanh niên và Sinh viên giải phóng khu Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định đến chúc thọ.

Bác viết thư khen các cháu thiếu niên hợp tác xã măng non thôn Phú Mẫn, xã Hàm Sơn, huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang) đã có nhiều thành tích trong việc chăm sóc tốt trâu bò. Đây là bức thư cuối cùng Bác gửi cho các cháu thiếu nhi.

Bác gửi tặng ảnh chân dung của mình cho cán bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An; Đảng bộ tỉnh Nghệ An. Cán bộ, công nhân nhà máy ximăng Hải Phòng./.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Nguồn tài liệu:

Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, các năm 1993, 1994, 1995 và 1996. Từ tập 3 đến tập 10

Nhật ký của một ông Bộ trưởng, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 1995

____________

* Đồng chí Lộc, người được phân công lo việc ăn uống cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.