Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Lợi:

3004ttxvn3-1588212998-4.jpg

Lời tòa soạn

Suốt chặng đường gần 75 năm đồng hành cùng dân tộc, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng và Nhà nước, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) không ngừng lớn mạnh, phát triển vượt bậc về cơ cấu tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý, điều hành thông tin và đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, cơ sở hạ tầng. Đội ngũ người làm báo TTXVN đã, đang và sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của ngành để giữ vững vai trò xung kích trên mặt trận thông tin-tư tưởng, bảo đảm thông tin thông tấn là dòng thông tin chủ lưu, liên tục và chuẩn xác, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, là nguồn thông tin phong phú và tin cậy cho các cơ quan báo chí Việt Nam và quốc tế cũng như độc giả trên khắp thế giới.

Để hiểu rõ hơn về vai trò, đóng góp của TTXVN trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng như định hướng phát triển của TTXVN trong tương lai, VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc TTXVN.

Trong suốt 75 năm đồng hành cùng dân tộc, Việt Nam Thông tấn xã – VNTTX (nay là Thông tấn xã Việt Nam – TTXVN) đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Xin Tổng giám đốc cho biết vai trò của VNTTX và Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ được thể hiện như thế nào?

Trước tiên, tôi phải khẳng định, để nói về đóng góp của VNTTX và TTXGP, sau này hợp thành TTXVN trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước phải cần nhiều thời gian và rất nhiều trang giấy. Khuôn khổ cuộc phỏng vấn này không cho phép tôi nêu được đầy đủ và toàn diện.

Tôi chỉ có thể nói ngắn gọn về vai trò của VNTTX ở miền Bắc và của TTXGP ở miền Nam trong giai đoạn lịch sử này ở ba hoạt động đặc biệt. Đó là đưa phóng viên lên tuyến đầu, cung cấp thông tin mật phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cung cấp thông tin thời sự từ chiến trường và từ bàn đàm phán. “Cơ quan thông tin chiến lược của Đảng và Nhà nước” là đánh giá ngắn gọn nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa mà Bộ chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng dành cho TTXVN thời kỳ đó.

Về hoạt động đưa phóng viên lên tuyến đầu, đội ngũ đông đảo những người làm báo của VNTTX và TTXGP thực sự là những nhà báo-chiến sỹ. Họ dũng cảm xông pha nơi chiến trường, chiến đấu bằng ngòi bút, máy ảnh, máy quay và bằng cả vũ khí, để dòng chảy thông tin của TTXVN không một phút ngừng nghỉ. Họ thực sự là những tấm gương về đức hy sinh, sự tận tâm với nghề, cần cù và sáng tạo. Bất chấp nguy hiểm, nhiều phóng viên tin, phóng viên ảnh và kỹ thuật viên đã lên đường ra mặt trận.

Không chỉ thực hiện công tác thông tin, nhiều cán bộ, phóng viên, nhân viên kỹ thuật TTXGP còn trực tiếp tham gia nhiều trận đánh cùng Quân Giải phóng. Theo thống kê chưa đầy đủ, TTXGP có hơn 240 nhà báo và kỹ thuật viên hy sinh, tương đương gần 50% tổng biên chế của TTXGP vào cuối năm 1974. Nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại trong các cánh rừng, hài cốt đến nay vẫn chưa được tìm thấy. Đó là tổn thất nặng nề, song cũng chính là đóng góp vô giá của TTXGP đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.

Theo thống kê chưa đầy đủ, TTXGP có hơn 240 nhà báo và kỹ thuật viên hy sinh, tương đương gần 50% tổng biên chế của TTXGP vào cuối năm 1974.

Thứ hai, về hoạt động cung cấp thông tin phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong thời chiến: Để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này, TTXVN đã tận dụng tất cả các lợi thế của mình để khai thác được từ nhiều nguồn, như thông tin của phóng viên chiến trường về những động thái bất thường của bên kia chiến tuyến, thông tin của hệ thống các phóng viên thường trú TTXVN ở nước ngoài gửi về và thông tin mà đội ngũ ở Tổng xã thường xuyên theo dõi và khai thác từ đài phát thanh và các hãng thông tấn phương Tây.

Từ các báo cáo mật chứa đựng nhiều thông tin quý giá của TTXVN, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước có thêm cơ sở để dự báo và ra các quyết sách mang lại chiến thắng cho Việt Nam trên chiến trường và trên bàn đàm phán. Điều này giải thích tại sao các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Tố Hữu và nhiều đồng chí lãnh đạo khác đã từng nhiều lần đến thăm và làm việc tại các trụ sở của TTXVN.

Đồng chí Lê Văn Lương (nguyên Bí thư Khu ủy Tả Ngạn, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Bí thư Thành ủy Hà Nội) đã có lần dành cả ngày ở TTXVN và đã nói với lãnh đạo TTXVN: “Nguồn tin của các anh quan trọng lắm. Bộ Chính trị coi đây là nguồn tin chiến lược, bổ sung và thẩm định các nguồn tin riêng của Trung ương, giúp Đảng hoạch định quyết sách đúng trong chiến tranh”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường đến TTXVN vào thời điểm trước các trận đánh lớn như Xuân Mậu Thân 1968, Quảng Trị 1972.

Từ các báo cáo mật chứa đựng nhiều thông tin quý giá của TTXVN, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước có thêm cơ sở để dự báo và ra các quyết sách mang lại chiến thắng cho Việt Nam trên chiến trường và trên bàn đàm phán.

Thứ ba là hoạt động cung cấp thông tin thời sự. Quan điểm của TTXVN là thông tin thời chiến phải kịp thời và có lợi cho đất nước, không được gây hoang mang cho nhân dân và chiến sĩ, đồng thời thông tin phải khách quan để thế giới thấy rõ bản chất của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trong thời kỳ chiến sự ác liệt “vừa đánh, vừa đàm”, thông tin từ phóng viên chiến trường miền Nam của TTXGP và thông tin của các phóng viên VNTTX có mặt tại các sự kiện chính trị-ngoại giao lớn của đất nước, như đàm phán Hiệp định Paris, đặc biệt có giá trị.

Bên cạnh đó, VNTTX còn thực hiện hiệu quả thông tin về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, khôi phục và phát triển kinh tế ở miền Bắc. Mặc dù số lượng cán bộ thời kỳ đó còn ít ỏi, song VNTTX không bỏ sót thông tin quan trọng nào.

Tôi có thể khẳng định, giai đoạn chiến tranh chống Mỹ cứu nước là giai đoạn hào hùng và đáng tự hào nhất của TTXVN và đây là niềm tự hào chung của tất cả các thế hệ nhà báo thông tấn.

– Trong suốt cuộc trường chinh của dân tộc, VNTTX luôn coi việc chi viện nhân lực cho miền Nam, cho TTXGP là nhiệm vụ thiêng liêng để giữ vững mạch máu thông tin. Điều đó được thể hiện cụ thể như thế nào, thưa ông?

Chi viện cho miền Nam, cho TTXGP ruột thịt là nhiệm vụ thiêng liêng của VNTTX.

Chúng ta cần nhắc lại giai đoạn lịch sử của năm 1959, năm mở đầu phong trào Đồng khởi của nhân dân ta ở miền Nam. Khi đó, rất cần có một cơ quan thông tin để kịp thời phản ánh cuộc đấu tranh quyết liệt đó. Sau một thời gian tập hợp lực lượng và chuẩn bị phương tiện, lúc 19 giờ ngày 12/10/1960, bản tin đầu tiên của TTXGP được phát đi, với tiêu đề “Giải phóng xã” và dòng chữ “Tiếng nói chính thức của những người yêu nước miền Nam Việt Nam,” thông báo với nhân dân trong nước và thế giới cuộc đồng khởi của đồng bào miền Nam phá thế kìm kẹp của địch.

Sự ra đời của TTXGP đã khai thông liên lạc miền Bắc với miền Nam trên làn sóng điện.

TTXGP trở thành cơ quan phát ngôn chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, thực hiện nhiệm vụ thông tin và phổ biến kinh nghiệm đấu tranh của đồng bào, phản ánh khí thế ngày càng lớn mạnh của phong trào cách mạng ở miền Nam và sau này là sự sụp đổ của ngụy quyền Sài Gòn.

Sự ra đời của TTXGP đã khai thông liên lạc miền Bắc với miền Nam trên làn sóng điện. Kể từ ngày lịch sử đó, bản tin của TTXGP phát ra Hà Nội đều đặn vào 18 giờ hàng ngày. Cũng từ ngày đó, trên các báo ở miền Bắc và thế giới có nguồn tin TTXGP. Qua VNTTX ở Hà Nội, bản tin TTXGP được đăng phát trên các phương tiện thông tin đại chúng ở miền Bắc, được phát đi thế giới với tên viết tắt là “LPA.”

Cũng từ sau ngày 12/10/1960, các đợt chi viện nhân lực và thiết bị cho TTXGP liên tiếp được VNTTX tổ chức thực hiện. Đặc biệt, khi Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam tiến hành chiến tranh cục bộ và leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc, VNTTX bước vào cuộc chiến đấu mới, một mặt vừa tổ chức lực lượng, chuẩn bị cơ sở dự phòng, tăng cường trang thiết bị, vừa tiếp tục chi viện cho TTXGP ruột thịt, vừa mở rộng thông tin đối nội và đối ngoại. Lực lượng lãnh đạo và hàng trăm phóng viên tin, ảnh, kỹ thuật viên nối tiếp nhau vào mặt trận đã đảm bảo cho TTXGP không bỏ sót thông tin về mặt trận nào.

Cùng với việc tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho TTXGP, VNTTX còn đào tạo phóng viên, kỹ thuật viên, cử cán bộ lãnh đạo tham gia chiến trường. Từ năm 1959-1975, VNTTX đã cử vào chiến trường gần 450 người.

Với lực lượng cán bộ đông đảo, TTXGP xây dựng cơ cấu tổ chức thành các phòng biên tập tin đối nội, đối ngoại, thế giới, nhiếp ảnh, điện vụ kỹ thuật, văn phòng, tổng hợp, in ấn, giao liên, phát hành. Hàng ngày, TTXGP in và phát hành trên 400 bản tin các loại như tin phổ biến, tin nhanh, tin đặc biệt, tài liệu tham khảo.

Khi Hiệp định Paris được ký kết, để chuẩn bị đón thời cơ mới, theo lệnh của Trung ương Cục miền Nam, TTXGP nhanh chóng dời căn cứ Kađôn trở về căn cứ cũ tại Phum Cháy, tỉnh Tây Ninh. Tại đây, TTXGP được VNTTX chi viện một đoàn quân mới, lớp GP10, gồm 100 phóng viên, biên tập viên, điện báo viên và cán bộ kỹ thuật, do đồng chí Trần Thanh Xuân, Phó Giám đốc VNTTX làm trưởng đoàn, cùng 14 xe vận tải chở hành chục tấn máy móc, thiết bị thông tin.

Khi tiếng nổ ran của băng pháo dài từ nóc nhà số 5 Lý Thường Kiệt thả xuống, cũng là lúc tiếng reo hò của quần chúng vang lên làm nức lòng người. Đó cũng là tiếng pháo đầu tiên ở Hà Nội mừng ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đặc biệt, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, đồng chí Đào Tùng, Giám đốc VNTTX, đích thân từ Hà Nội dẫn đầu một lực lượng cán bộ, phóng viên, nhân viên kỹ thuật giỏi tăng cường vào Nam. Phóng viên VNTTX và TTXGP sát cánh bên nhau trên từng mũi tiến quân, có mặt ở tất cả các địa phương trong cuộc tiến công và nổi dậy thần tốc đó, đặc biệt có mặt trong năm cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Chính họ là một số trong những phóng viên ghi nhận và phát đi những thông tin và hình ảnh về sự đầu hàng của chính quyền Dương Văn Minh.

Mỗi khi đọc lại các trang sử TTXVN viết về ngày 30/4/1975, các nhà báo thông tấn ngày nay đều trào dâng niềm xúc động và tự hào. Khi lực lượng phóng viên, kỹ thuật viên VNTTX và TTXGP ở Sài Gòn chứng kiến sự cáo chung của nội các Dương Văn Minh và tường thuật bằng tin, bài, hình ảnh thì tại Hà Nội, trước cửa trụ sở VNTTX ở số 5 Lý Thường Kiệt, nhân dân đứng đông như trong ngày hội chờ tin giải phóng Sài Gòn. Khi tiếng nổ ran của băng pháo dài từ nóc nhà số 5 Lý Thường Kiệt thả xuống, cũng là lúc tiếng reo hò của quần chúng vang lên làm nức lòng người. Đó cũng là tiếng pháo đầu tiên ở Hà Nội mừng ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

– Ngày 12/5/1976, VNTTX và TTXGP – hai người anh em ruột thịt, đã chính thức hợp nhất với tên gọi TTXVN. Thưa ông, điều đó đã tạo nên sức mạnh ra sao khi TTXVN hòa vào khí thế cách mạng chung của dân tộc, bước vào giai đoạn mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa?

Đối với TTXVN, ngày 12/5/1976 là thời khắc lịch sử khi VNTTX và TTXGP chính thức hợp nhất. Sức mạnh của hai cơ quan thông tấn ruột thịt đã được hợp nhất trong giai đoạn mới của đất nước và sức mạnh đó tiếp tục được củng cố khi đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Song hành cùng với sự phát triển của đất nước, TTXVN đã không ngừng lớn mạnh cả về cơ cấu tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý, điều hành thông tin và đổi mới trang thiết bị kỹ thuật hạ tầng, phát triển nhiều loại hình thông tin trên nền tảng công nghệ hiện đại, tăng cường hợp tác quốc tế.

Có thể khẳng định TTXVN nay đã trở thành một hãng thông tấn quốc gia hiện đại, với khoảng 2.300 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, chuyên viên, kỹ thuật viên… hoạt động theo mô hình tổ hợp, trong đó có năm ban biên tập tin nguồn, Trung tâm Thông tin tư liệu và Đồ họa, Trung tâm Truyền hình Thông tấn – kênh thông tin chính luận chuyên biệt; các tòa soạn báo gồm báo Tin tức, Thể thao và Văn hóa, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi – tờ báo ảnh duy nhất phát hành song ngữ là tiếng Việt và 11 tiếng dân tộc thiểu số, cùng các báo đối ngoại đều “duy nhất ở Việt Nam” như nhật báo tiếng Anh Việt Nam News, tạp chí tiếng Pháp Le Courrier du Vietnam, Báo ảnh Việt Nam (bằng 10 ngữ), Thời báo Việt-Hàn, tạp chí tiếng Anh chuyên đề về luật Vietnam Law & Legal Forum, và báo điện tử VietnamPlus – một trong những báo điện tử hàng đầu Việt Nam với 6 ngôn ngữ thể hiện; bên cạnh đó là Nhà Xuất bản Thông tấn, các đơn vị chức năng, hai doanh nghiệp in đặt tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh…

Có thể khẳng định TTXVN nay đã trở thành một hãng thông tấn quốc gia hiện đại, với khoảng 2.300 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, chuyên viên, kỹ thuật viên… 

TTXVN sản xuất gần 70 sản phẩm thông tin thuộc đủ các loại hình: tin văn bản, ảnh, truyền hình, tin đồ họa, tin âm thanh, cùng nhiều sản phẩm thông tin hiện đại như megastory, phát hành trên các bản tin, báo in, báo điện tử, truyền hình, truyền thông đa phương tiện và mạng xã hội.

TTXVN cũng là cơ quan báo chí có hệ thống cơ quan thường trú ngoài nước lớn nhất Việt Nam, với 30 cơ quan thường trú tại 28 quốc gia, cùng với đó là mạng lưới cơ quan thường trú tại 63 tỉnh, thành trong cả nước. Các phóng viên của chúng ta nỗ lực không ngừng, khẳng định vai trò xung kích tại các điểm nóng thông tin ở trong nước cũng như trên thế giới.

Hoạt động đối ngoại ngành không ngừng phát triển. TTXVN có quan hệ hợp tác với hơn 40 hãng thông tấn và tổ chức báo chí nước ngoài tại cả năm châu lục, với uy tín không ngừng được nâng cao tại các tổ chức báo chí quốc tế và khu vực.

Có thể khẳng định rằng TTXVN đã phát triển nhanh, mạnh cả về bề rộng và chiều sâu, trở thành hãng thông tấn quốc gia hàng đầu trong khu vực. Với vai trò là cơ quan thông tấn tin cậy của Đảng và Nhà nước, có nhiều đóng góp quan trọng và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong suốt nhiều thập kỷ, TTXVN vinh dự là cơ quan báo chí đầu tiên ở Việt Nam được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân và Anh hùng Lao động, cùng nhiều danh hiệu cao quý khác.

– Trong những giai đoạn ác liệt nhất của hai cuộc kháng chiến chống Mỹ, không một chiến trường, không một hướng tiến quân, không một địa bàn chiến đấu nào vắng mặt phóng viên của TTXVN. Ngày nay, đội ngũ người làm báo TTXVN đã kế thừa truyền thống đó như thế nào để giữ vững vai trò xung kích trên mặt trận thông tin-tư tưởng, đảm bảo thông tin thông tấn là dòng tin chủ lưu, liên tục, chuẩn xác và có tính định hướng cao?

Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Nhìn lại chặng đường phát triển của ngành từ sau năm 1975 đến nay, tôi có thể khẳng định rằng đội ngũ những người làm báo TTXVN đã và đang viết tiếp các trang vàng lịch sử của ngành. Những điều bạn vừa nêu, như dòng tin chủ lưu, liên tục, chuẩn xác, tính định hướng cao, là đặc điểm nổi bật của thông tin thông tấn. Theo tôi, cần bổ sung những đặc tính khác, như hiện đại, hấp dẫn và đa dạng về hình thức thể hiện và kênh phát hành…

Thông tin thông tấn có được các đặc tính nổi bật đó là nhờ sự tận tụy với nghề, sự năng động, nhạy bén và sáng tạo của đội ngũ người làm báo của ngành. Có không ít phóng viên đã trải qua những thử thách khắc nghiệt của nghề báo, tác nghiệp tại những địa bàn khó khăn như vùng núi, hải đảo và trong những thời điểm “nước sôi lửa bỏng.”

Có những phóng viên của chúng ta phải xông vào các điểm nóng về thiên tai, sự cố; phải bám sát hàng ngày, hàng giờ diễn biến của các phiên tòa “điểm,” thức trọn đêm ở Đồng Đăng để giữ được vị trí ghi hình tốt trong sự kiện Thượng đỉnh Mỹ-Triều, trắng đêm chờ thông tin của Bộ Giáo dục Đào tạo về những trường hợp gian lận thi cử trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018.

Phóng viên TTXVN đã có những chuyến vượt sóng ra đảo xa để phản ánh đời sống của người dân và chiến sỹ nơi tiền tiêu của Tổ quốc, hay các chuyến tác nghiệp đột xuất của phóng viên thường trú ngoài nước tới các địa bàn đang là điểm nóng, xung đột quân sự, nội chiến hay để tiếp cận những trường hợp bảo hộ công dân Việt Nam…

Chúng ta sẽ mãi không quên hình ảnh người đồng nghiệp trẻ đầy nhiệt huyết, đầy hoài bão của chúng ta, phóng viên Đinh Hữu Dư, anh đã hy sinh khi đang tác nghiệp, đưa tin trận lũ quét kinh hoàng ở Yên Bái tháng 10/2017 .

Gần đây nhất là đợt thông tin về dịch bệnh COVID-19 kéo dài suốt bốn tháng qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều nhà báo thông tấn làm việc không kể ngày đêm để đưa tin từ các vùng tâm dịch tại Việt Nam và trên thế giới.

Những nỗ lực không ngừng nghỉ và sự bất chấp hiểm nguy của đội ngũ y bác sỹ Việt Nam cũng như sự chu đáo, nhiệt tình của các cán bộ chiến sỹ đã được các nhà báo TTXVN phản ánh sinh động.

TTXVN cũng đi đầu trong phản ánh những đánh giá tích cực của cộng đồng quốc tế đối với thành công của Việt Nam trong kiểm soát dịch bệnh này, với những nhận định làm nức lòng người và khích lệ người dân Việt Nam cùng chung tay với chính phủ. Đây là một trong nhiều đợt thông tin lớn mà TTXVN huy động sức mạnh của toàn ngành, thể hiện vị trí, vai trò của cơ quan báo chí chủ lực quốc gia.

– Trong thời đại công nghệ số, đứng trước áp lực cạnh tranh thông tin (đến từ sự phát triển không ngừng của truyền thông trong nước và quốc tế, kể cả truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội), TTXVN sẽ tiếp tục có những đổi mới gì để giữ vững vai trò định hướng thông tin, nhằm phục vụ đắc lực hơn nữa công cuộc Đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, vừa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của độc giả, thưa ông?

Cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, báo chí có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đứng trước những thách thức nặng nề hơn. Chúng ta đã đặt mục tiêu đưa TTXVN trở thành một hãng thông tấn quốc gia đa phương tiện mạnh. Mục tiêu này bao hàm nhiều ý nghĩa. Nhưng để biết được chúng ta cần chú trọng hướng phát triển nào, trước tiên, chúng ta phải hiểu được những thách thức lớn nhất đối với TTXVN hiện nay là gì để từ đó đặt ra các bước đi cụ thể.

Thách thức đầu tiên là làm thế nào để TTXVN không bị tụt hậu.

Thách thức đầu tiên là làm thế nào để TTXVN không bị tụt hậu. Để vượt qua thách thức này chúng ta phải nắm bắt được xu thế của truyền thông thế giới để từ đó xây dựng chiến lược phát triển phù hợp theo hướng làm chủ công nghệ hiện đại và ứng dụng cho sản xuất thông tin.

Trong lĩnh vực này, thì việc ưu tiên đầu tư cho công tác đào tạo và đào tạo lại, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ làm báo cũng như đầu tư cho hạ tầng công nghệ, kỹ thuật của ngành là đòi hỏi tiên quyết.

Bên cạnh đó, công tác đối ngoại giữ một vai trò quan trọng. Việc tham khảo, học hỏi các hãng thông tấn bè bạn, nhất là các hãng thông tấn hàng đầu thế giới, đang và sẽ được TTXVN chú trọng.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng uy tín của TTXVN đã không ngừng được nâng cao trên diễn đàn báo chí quốc tế những năm gần đây. Ngày càng có nhiều hãng thông tấn, cơ quan báo chí từ châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, tìm đến TTXVN đề nghị thiết lập quan hệ hợp tác. TTXVN được bầu vào Ban Chấp hành OANA liên tục nhiều nhiệm kỳ gần đây. Thực tế này chứng tỏ chúng ta đang nằm trong dòng chảy thông tin thế giới, và nhiệm vụ của chúng ta là duy trì và củng cố vị thế này.

Thách thức thứ hai là nạn tin giả và sự lấn lướt của mạng xã hội. 

Thách thức thứ hai là nạn tin giả và sự lấn lướt của mạng xã hội. Bất kỳ hãng thông tấn hay cơ quan báo chí nào, của Việt Nam cũng như thế giới đều đang phải đương đầu với thách thức này. Tin giả đang như một bệnh dịch len lỏi vào từng ngóc ngách của xã hội, “ký sinh” trên mạng xã hội mà bùng phát. Nó không chỉ bóp méo thực trạng xã hội mà còn được sử dụng cho các âm mưu chính trị và gây rối trật tự xã hội. Chẳng đâu xa, những tác hại của tin giả trong đại dịch COVID-19 toàn cầu hiện nay là minh chứng rõ rệt nhất.

Vì vậy, không chỉ trông chờ biện pháp xử lý của các cơ quan chức năng mà mỗi chúng ta – mỗi người làm báo của TTXVN – có thêm nhiệm vụ của một “công dân mạng” chân chính. Đó là kịp thời có thông tin chỉnh hướng, bác bỏ thông tin sai lệch, xuyên tạc trên các sản phẩm thông tin của ngành và ngay trên mạng xã hội. Đây là nhiệm vụ lâu dài và thường xuyên mà lãnh đạo ngành đặt ra với mỗi thành viên của gia đình thông tấn.

Thứ ba là thách thức về con người. Nghề báo có một số đặc thù, phải trải qua cọ xát thực tế để tích lũy kiến thức và rèn luyện bản lĩnh, cũng như luôn phải tiếp cận với công nghệ mới để không bị bỏ lại phía sau.

Trong chiến tranh hay trong thời bình, nhà báo thông tấn đều luôn là những người đứng ở tuyến đầu. Dù phương pháp tác nghiệp ở mỗi thời có những điểm khác nhau, nhưng phẩm chất và đạo đức nhà báo thì không có gì thay đổi.

Trong tình hình xã hội ngày nay, nhà báo cần giữ vững đạo đức và trách nhiệm xã hội của người cầm bút, vượt qua được mọi cám dỗ để viết và viết những gì có lợi cho đất nước. Sự phát triển nhanh của công nghệ đòi hỏi mỗi phóng viên, biên tập viên của TTXVN ngày càng phải đa năng hơn, đặc biệt là các nhà báo trẻ. Tôi đặt nhiều hy vọng ở thế hệ trẻ của TTXVN hiện nay.

Để vượt lên chính mình của ngày hôm qua, đội ngũ những người làm báo chúng ta, ngoài kiến thức chuyên môn, thông thạo ngoại ngữ, giờ đây cần phải am hiểu công nghệ, cập nhật các phương thức làm báo hiện đại, nâng cao hơn nữa bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp.

Chúng ta đang sống trong những ngày kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng là những ngày tháng đầy hoài niệm về lịch sử vẻ vang của Ngành. Trân trọng và biết ơn các thế hệ đi trước, chúng ta càng ý thức được trách nhiệm của mình, càng phải nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với quá khứ và thích ứng tốt với tương lai.

– Trân trọng cảm ơn ông!